17 tháng 3, 2012

CON GÁI ƠI, ĐỪNG NGHỈ HỌC...

Mai Thanh Hải - Vẫn câu chuyện về những đứa trẻ Hà Giang. Một anh lớn tuổi, cũng rất hay giúp đỡ trẻ em vùng cao, khi biết mình tập trung lo cho bọn lít nhít Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) đã buông 1 câu rất xanh rờn, làm mình buồn hẳn: "Chỗ ấy có nhiều đoàn khách đến thăm cột cờ, cho suốt!".

Tất nhiên anh ấy nói, thì mình phải nghe và cũng gật đầu cho phải phép, chứ thực ra thì mình không phục.

Bọn trẻ con biên cương, ở đâu mà chẳng khổ. Càng khổ hơn khi sống cuộc sống vất vả thực là thế đấy, nhưng vẫn phải gồng mình lên, để "làm hàng" trước những khách khứa, du lịch để "góp phần quảng bá cho bản sắc quê hương" và khách đi rồi, các anh ấy rời nhà mình, trường mình rồi, mình lại mướt mải về nhà, ăn mèn mén, uống nước suối, thập thõm ngủ, cho đến ngày mai lại... làm hàng trước khách khứa, du lịch.

Hôm qua, mình xong việc lo cho bọn lít nhít ở Lũng Cú, bắt buộc phải chạy sang thị trấn Đồng Văn để đổ xăng, ăn được bữa cơm và lại xuôi về xuôi. Qua Phố Cáo (Đồng Văn), lại không thể không dừng để vét đến viên kẹo cuối cùng, cho những đứa lít nhít đang vơ vẩn nhìn xe cộ người xuôi chạy vụt qua.

Ống kính máy chụp hình của mình bấm nhiều, nhưng khi đứng nói chuyện với con gái 13 tuổi, đang học lớp 8, thập thõm cõng em chạy tới nhận kẹo và thật thà kể: "Hết năm nay, phải nghỉ học thôi", khuôn hình chụp của mình cứ nhòe đi xót xa.

Thân phận đứa trẻ con, khó có thể mang ra đo đếm đứa nào khổ hơn đứa nào, vùng này vất vả hơn vùng khác.

Nhưng chắc chắn, những đứa trẻ tuổi đang lớn, khát học đến cùng cực, tương lai đang mở sẵn trước mắt, nhưng phải bỏ học để ở nhà lấy chồng, sinh con, thành lao động chính, như những cô con gái mình gặp trong những chuyến đi lên Hà Giang này, làm mình tiếc và xót xa hơn, rất nhiều và rất lâu.

Và con gái 13 tuổi, đang học lớp 8 ở Phố Cáo, sắp phải nghỉ học đây:


16 tháng 3, 2012

ĐẾN MANH QUẦN CŨNG THIẾU...

Chạy từ Ma Lé (Đồng Văn, Hà Giang) về Hà Nội, đến địa phận huyện Yên Minh (Hà Giang), đạp phanh gấp để ghi lại hình ảnh 2 bé trai lếch thếch cùng mẹ ven đường. Cả 2 anh em còn bé tý nhưng cu anh 3 tuổi đã phải đeo chiếc chiếu, giúp cho mẹ dắt em. Xót xa bởi cả xe quần áo đã trao đủ cho toàn bộ 202 trẻ em Mầm non - Nhà trẻ xã Ma Lé, không có cái quần dự trữ nào cả. Đành cho 2 đứa trẻ gói kẹo cuối cùng và phóng nhanh khuất 3 mẹ con, trong đầu cứ văng vẳng lời của Bác, khi trả lời các Nhà báo nước ngoài, năm 1946 , trên cương vị Chủ tịch nước VNDCCH: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Gần 70 năm trôi qua rồi, vậy mà... Tại sao đến cái quần mặc cũng không có?..

15 tháng 3, 2012

"GIỮ BIỂN ĐẢO KHÔNG NẰM Ở TÀU TO SÚNG LỚN, MÀ Ở LÒNG NGƯỜI"...

Phọt Phẹt - Mình có ông anh họ nhà bác cả, mần lính Hải quân. Trong nội chiến chưa đánh nhau trận nào, nhưng có tham gia tỉn Căm bốt. Hắn đóng lon Trung úy, thuyền phó hẳn hoi. Xưa đẹp giai thư sinh nhất họ, lại còn ngoan.

Hết chiến trận, trên yêu cầu ở lại đào tạo mần Sĩ quan chỉ huy, đi Tây nhế. Hắn không chịu, khăng khăng đâm đơn đòi phục viên với lý do rất giản dị: Nhớ mẹ và thèm lấy vợ.

Thuyết mãi không được, trên đành chịu để hắn phục viên với cái ba lô cóc, bộ Hải quân bạc màu, đôi dép nhựa quai hậu màu gan gà. Chấm hết!.

Về làng, hắn chim được một em kháu nhất xã, lấy mần vợ. Xưa, cứ lính tráng về lấy vợ dễ cực, tuyền em ngon.

Ngược lại, các em vớ được bộ đội, không kể đang chiến trường, phục viên, xuất ngũ hay đui què mẻ sứt thì đều lấy làm hãnh diện lắm lắm. Ông anh họ mình cũng chả ngoại lệ.
Năm 1988, khi mình đang học lớp 7, nhà trường bắt chúng mình biên thư cho các chiến sĩ ngoài Trường Sa.

Ngày đó, mình không biết Trường Sa là cái chi chi và ở đâu. Chỉ biết trong các tiết tập làm văn, chúng mình đều phải biên thư gửi ra đó.

Hỏi cô Chủ nhiệm thì chỉ thấy bảo: "Đó là một nơi rất xa, là Tổ quốc, là đất nước mình".

Thi thoảng chào cờ, thày Hiệu trưởng cũng dấm dớ: "Bộ đội ta đang ngày đêm canh giữ, máu đỏ loang nước biển xanh!". Mình ú ớ lắm.

Mang chuyện này hỏi ông anh họ để viết thư cho hay hơn. Bởi mình thích cái cảnh mấy đứa học trên mình vài lớp, tuần chào cờ nào cũng được mang thư lên trên bục đứng đọc. Bên dưới, học trò vỗ tay rần rần. Bên trên, vài thày cô dấm dúi lau nước mắt.

Anh họ mình bảo: "Đó là một quần đảo, rất xa đất liền, của nước ta nhưng đang bị Trung Quốc xua quân lấn chiếm. Chúng ta đã kiên quyết bảo vệ và anh dũng hi sinh nhiều người".

Hắn còn bảo: "Nếu còn ở bộ đội, kiểu gì cũng có mặt trong sự vụ đó", rồi thở dài: "May mà về sớm, ở lại không khéo toi!". Xong vác rượu ra ngửa cổ tu ừng ực, mắt nhoen nhoét ướt.

Anh họ mình rượu tợn. Xưa hồi chưa đi lính, ngửi hơi đã say. Phục viên về, rượu giỏi nhất làng.

Anh kể: Hồi chở xác lính ta bằng tàu từ cảng bên Căm bốt về Việt nam, suốt dọc hải trình chỉ rượu làm vui và bớt đi nỗi sợ. Mấy ngàn xác lính nằm chật cứng mấy boong tàu, tuyền anh em đồng đội cả. Nhưng cái mùi tử thi, của sinh ly tử biệt nó rùng rợn lắm. Không rượu, chắc không mang nổi xác anh em về. Hàng chục chuyến như thế, đâm ra rượu anh lên từng ngày, đầy vơi theo những boong tàu đầy xác lính...

Thư mình viết chẳng bao giờ được đọc trên bục, lại càng không được gửi đi. Thày cô cứ thu, rồi để đâu không biết.

Mình nghĩ: Viết thư thế phí mẹ nó công. Đấy là chưa kể đến hồi âm nơi đảo xa, mà trong trí óc non nớt của lũ mình hồi đó ngóng trông khiếp lắm.

Mình đánh bạo viết một lá, nhời nhẽ nồng nàn, cho bì thư, xin tiền mẹ mua tem, lóc cóc ra bưu điện huyện gửi.

Dòng trên mình ghi rõ họ tên trường lớp làng quê. Dưới nắn nót: "Gửi các chiến sĩ Trường Sa" và mình ngóng chờ thư lại.

Đâu như gần tháng sau, trong lễ chào cờ. Thày Hiệu trưởng trịnh trọng tuyên bố: "Trường ta nhận được thư từ đảo xa gửi về". Bì thư ghi rõ người nhận là mình, kèm theo tên lớp, tên trường.

Mình vinh dự được đứng bên thày Hiệu trưởng khi đọc thư. Tai mình ù đi, mặt nóng ran, chả nhớ những gì thày đọc trong thư. Mình đang hồi hộp và sung sướng mà.

Nhà trường tuyên dương mình rầm rộ. Mình thấy mình thật vĩ nhân, anh hùng và to lớn. Học trò trường mình noi gương, đêm ngày viết thư dán tem bỏ phong bì mang bưu điện gửi. Nhẽ chúng cũng thích được như mình?..

Nhưng cơn... "tự sướng" tan nhanh như bão. Chả là vào phiên trực nhật, mình lục cặp cô Chủ nhiệm để xem điểm bài kiểm tra. Bài kiểm tra cô chưa chấm nhưng lại tòi ra 2 lá thư. Bỏ mẹ! 1 lá của mình. Còn 1 lá chính là thư hôm thày Hiệu trưởng đọc.

Mình nhớ lắm, không thể nào quên giây phút ấy. Mình quăng chổi, bệt góc bảng khóc hu hu. Cô dỗ mãi mới nín. Còn dặn mình "không được nói chuyện này". Mình hiểu và câm như thóc. Từ bấy nay...

Anh họ mình năm nay cũng gần 60, gan nặng, chả biết phập phù được mấy nả. Dạo gần đây còn uống tợn hơn.

Hắn bảo: "Sống chết có số, còn sống ngày nào còn uống. Chứ chết đi làm con ma khát, ma thèm rượu thì chán lắm!". Mình động viên: "Còn bú đớp được là còn ngon, khặc khặc rượu trồi, cơm trôi thì mới sợ!".

Mình hay qua nhà thăm hỏi và rượu cùng hắn. Hết chuyện họ hàng anh em lại sang thế sự. Nhắc chuyện Trường Sa và Biển Đông, hắn bảo: "Giữ đảo, giữ biển không nằm ở tàu to súng lớn mà nằm ở lòng người!".

Mình hiểu điều đó. "Cơ mà cái lòng người nó mênh mông và dài rộng lắm, như biển khơi kia vậy. Biết làm sao?". Anh mình thở hắt: "Lại có 1-2 thế hệ sắp sửa phải hy sinh!". Mình sợ sợ là...

Có cách nào chúng ta không phải chết, và biển đảo vẫn là của quê hương?..
----------------------------------------------------------------------------------
* Hình ảnh chỉ có tính minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại và có thực hiện biên tập.

NÔNG DÂN CẦN GIẢI QUYẾT CÔNG BẰNG, BÁO CHÍ CẦN CÂU TRẢ LỜI

Đào Tuấn - Đã có khoảng 1.200 bài viết trên báo in và báo điện tử về “vụ Tiên Lãng”- Con số này, hôm qua đã được ông Lưu Đình Phúc - Một quan chức Cục Báo chí, Bộ Thông tin truyền thông, đưa ra tại Hội thảo “Nguồn lực đất đai và vai trò của truyền thông” do RED Communication và Đại sứ quán Vương Quốc Anh tổ chức.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng không quên nhắc lại: Vụ việc thực ra đã được báo Viet Nam Economic News phát hiện và phản ánh từ năm 2008.

“Báo chí chưa thực sự đeo bám vụ việc đến cùng. Chỉ khi có hành vi chống trả của ông Vươn thì báo chí mới vào cuộc. Việc đấu tranh với cái sai, cái tiêu cực với thái độ nửa vời sẽ thể hiện sự thiếu trách nhiệm của cơ quan báo chí, của Nhà báo trước xã hội”- Ông Phúc nói.

Điều đó là đúng, trong một "thị hiếu báo chí" mà GS.Đặng Hùng Võ sau đó đã mô tả: “80% những bài đọc nhiều nhất là chuyện hở hang, thu hút sự tò mò”.

Đúng, nhưng chưa đủ, bởi khi báo chí quan tâm, thứ mà họ phải đối diện là sự lẩn tránh, hoặc tệ hơn, là sự “chống trả” của những người có trách nhiệm.

Ngay cả khi câu chuyện “hai năm rõ mười” trên mặt báo, thái độ của chính quyền, trong hầu hết các trường hợp là im lặng.

Vậy thì báo chí đã làm gì trong việc bảo vệ “nguồn lực đất đai”, mà thực chất là bảo vệ quyền và lợi ích của những người nông dân?.

Sau vụ Tiên Lãng, một tờ báo đã tung Phóng viên làm một loạt điều tra về thân phận những người nông dân bám biển, suốt dọc ven biển các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa

Kết quả của các cuộc điều tra là “Có quá nhiều thân phận Đoàn Văn Vươn”. Quá nhiều bất công.

Ở Kim Sơn (Ninh Bình), chính quyền thu hồi 12 năm công sức lấn biển của nông dân để làm Khu Du lịch sinh thái. Thu hồi rồi bỏ hoang 2 năm nay và nông dân Kim Sơn đang “nuôi tôm chui” trên chính vùng đầm phá mà họ từng khai hoang, nay đã giao cho người khác.
Ở Nga Sơn (Thanh Hóa), chính quyền "chẹt cổ" dân bằng cách nâng phí thuê đất từ 1,5 triệu đồng/ha lên 15 triệu/ha.

“Bi kịch” cho nông dân và sự “tuyệt tình” của chính quyền còn thể hiện ở chỗ: Hợp đồng thuê đất được ký 10 năm, mới được 3 năm, nông dân chỉ kịp “đổ hết tài sản xuống đầm ngao”, thì đã bị cho "nốc-ao" bằng việc thay đổi phí thuê đất cắt cổ…

Dưới biển tệ, trên rừng cũng tệ không kém.

Vụ việc gần nhất đang gây xôn xao là vụ Chủ tịch huyện Bù Đăng, Bình Phước ra lệnh phá điều, nhổ mì của nông dân “khai sơn” để giao cho doanh nghiệp trồng café.

Bảo vệ nguồn lực đất đai cũng chính là bảo vệ nông dân.

Nhưng những điều tra của báo chí (trước vụ Tiên Lãng và trừ vụ Tiên Lãng), đã nhận được phản hồi gì?. Ngoài sự lẩn tránh và im lặng?..

Nếu ngay từ năm 2008, chính quyền Tiên Lãng lắng nghe nông dân, thực hiện nghĩa vụ kiểm tra và trả lời với cơ quan báo chí, thì có lẽ chỉ có 1 bài báo đầu tiên, thay vì có tới 1.200 bài báo sau này.

Nhưng báo chí chỉ có thẩm quyền “kêu ca hộ” mà thôi.

Tháng 5/2007, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định ban hành "Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí".

Nhưng suốt 5 năm qua, tình trạng phổ biến là người phát ngôn thích thì phát ngôn, không thích thì... “bận họp”.

Còn nghĩa vụ cung cấp thông tin thì đúng nghĩa là câu chuyện “Hãy đợi đấy”.

GS.Đặng Hùng Võ hôm qua đã rất có lý, khi nói tới sự cần thiết có một “Cơ chế thực hiện những giám sát”, để những giám sát của báo chí, của các cơ quan dân cử- không rơi vào “hố đen của sự im lặng”.

Bây giờ, với một bài báo đầu tiên, những vụ thu hồi đất ở Kim Sơn, ở Nga Sơn, ở Bù Đăng... đang là sự nhân bản những sai phạm của chính quyền, và những thân phận Đoàn Văn Vươn, với những uất nghẹn từ nông thôn.

Nông dân cần sự giải quyết công bằng. Báo chí cần một câu trả lời.

Để mỗi vụ việc “chỉ cần một bài”, thay vì xảy ra những tiếng súng hoa cải và 1.200 bài báo.
-------------------------------------------------------
* Hình ảnh của các thành viên trong CLB Ô Phở, Diễn đàn OF chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả Đào Tuấn.

14 tháng 3, 2012

"NẾU CỨ DẬP DÌNH VỚI TÀU TRUNG QUỐC THÌ SẼ MẤT ĐẢO ĐÁ ĐÔNG!"...

Thiềm Thừ - Đầu năm 1988, Trung Quốc đưa nhiều tàu hộ vệ tên lửa, tuần dương, tàu đổ bộ... đến khu vực quần đảo Trường Sa. Lãnh đạo Quân chủng Hải quân xác định: "Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng nhất, khẩn trương nhất và vinh quang nhất của Quân chủng".

Toàn Quân chủng bước vào Chiến dịch CQ88 (Bảo vệ Chủ quyền 1988).  Tháng 2/1988, Trung tá Nguyễn Văn Dân (nay đã nghỉ hưu với cấp hàm Đại tá, Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân) được giao làm Phó Trưởng đoàn, phụ trách chỉ huy đi biển của Đoàn Công tác ra tiếp tục đóng giữ các đảo, bãi ngầm. Hướng chính là Đá Đông, Châu Viên, Đá Lát…

Những sự kiện dưới đây được ghi theo lời kể của ông
------------------------------------------------------------

Diễn biến ác liệt đầu tiên xảy ra ở bãi Châu Viên. Đi cùng tàu HQ-614 của tôi có tàu HQ-861 của Vùng 3, trên đó có đồng chí Lê Văn Thư, lúc đó là Tham mưu trưởng Vùng 4.
Nhà cao cẳng, loại được dựng trên Đá Đông 1988
Tàu HQ-614 là loại tàu Nhật Lệ do Trung Quốc đóng, trọng tải chỉ 200 tấn. Trung Quốc đưa một tàu khu trục, một tàu pháo đến chặn, không cho mình lên đảo, kéo cờ hiệu trên tàu và nói: Nếu mình không rút nó sẽ nổ súng.

Hai bên hằm hè nhau...

Sáng 18/2/1988 là mùng 2 Tết, tàu HQ-614 của chúng tôi đưa 9 anh em lên cắm cờ ở Châu Viên. Mang theo 1 lá cờ, 2 khẩu AK, dụng cụ xà beng để thăm dò độ sâu, chuẩn bị làm nhà.

Khi lên cắm được cờ rồi thì gió mùa Đông bắc về rất mạnh, nước lớn, tàu bị đánh ra khỏi đảo, trôi neo. Lúc đó trời tối, tàu phải nổ máy chạy cạnh đảo, tìm cách kéo 9 anh em trên đảo ra tàu.
Xây dựng Đá Đông 1993

7 người ra được trước, còn 2 người ở lại đứng giữ cờ. Nhưng nước triều cứ lên, ngập đến cổ, phải đưa nốt hai anh em ra.

Lúc đó 1 tàu của Trung Quốc, có hai số sau là 31 chạy tới uy hiếp.

Đến nửa đêm, lệnh của Tư lệnh Hải quân: Sáng mai bằng mọi giá phải lên Châu Viên.

Nhưng Trung Quốc kéo đến 4 tàu chiến: 208, 209, 164…, quay pháo về phía mình đe dọa nổ súng. Ta không lên được Châu Viên nữa.

Không phải mình không quyết tâm. Nhưng thực ra, cũng có mất cảnh giác, nghĩ là bãi ngầm nhỏ. Trung Quốc đã thả một bia làm dấu của họ lên đó, khi mình đến đã thấy.

Mình nghĩ Châu Viên là đảo nhỏ, không chú ý giữ bằng giữ Đá Đông, Đá Tây, Đá Lớn, Tốc Tan... - Những đảo lớn trên ba chục cây số, hai mấy cây số.
Bãi đá Châu Viên do Trung Quốc xây dựng, chiếm đóng từ 2/1988
Lực lượng mình còn mỏng, phải tập trung vào các đảo lớn, không thể triển khai đến tất cả các đảo, bãi ngầm nhỏ.

Tối 18/2/1988 có dông lớn, tàu của cả nó cả mình đều bị trôi neo.

Tàu chúng tôi cấp tốc về Đá Đông, làm căn nhà cao chân đầu tiên ở mỏm Đông của Đá Đông, kéo cờ lên khẳng định chủ quyền.

Nhưng Trung Quốc cũng định đổ bộ lên phía bên kia, mỏm Tây của Đá Đông.

Tàu HQ-641 của mình lao lên đó, nên bên kia thôi. HQ-614 lao lên đó, nhưng chỉ kẹt, không hỏng tàu, sau cứu ra được. Tàu chiến của nó cứ quần liên tục ở bên ngoài.

Khi làm xong nhà cao chân ở Đá Đông, không có gì ăn, tôi phải đưa người ra tàu. Chuyến đầu ra được trót lọt, nhưng chuyến sau không được, sóng to.
Bốc hàng lên đảo Đá Đông

Đành lội bộ về lại cái chòi cao chân đó, không có gì ăn, không có gì mặc. Ngày đó là 20/2/1988. Đó là mùng 4 Tết, cứ nghĩ có khi mình chết ở đây.

Nếu mình không nhanh ngày 19/2, có khi Trung Quốc lấy mất Đá Đông.

Nó định lên đầu Tây, tôi lệnh tàu HQ-614 lao lên để giữ đầu Tây.

Khi nó đưa pháo định bắn tàu mình, tôi bảo: "Thôi!. Đưa HQ-614 về để làm nhà trên Đá Đông ngay!".

Lên đó dựng 8 cái cột, tàu nó cũng về theo, nhưng thấy mình làm nhà cắm cờ trên đó rồi, nó lại thôi, không gây sự nữa. Nhưng mình mới cắm được cọc, dựng tạm nhà, chưa tiếp tế được thì sóng đánh tàu HQ-614 bật neo trôi ra, tôi phải nằm một đêm trên Đá Đông.
Đá Đông
Khi đó Trung Quốc đã lên Đá Đông?..

Nó chưa lên!. Nó chiếm được Châu Viên rồi lăm le lên Đá Đông. Nó lên được thì phức tạp.

Lúc đó tôi có cái ống thùng dầu phụ của máy bay, làm cái bệ như quả tên lửa. Tôi nghĩ: Cái ý định bình thường của mình, nhưng thắng lợi trong vấn đề nghi binh. Nó quan sát thấy cái hình thù như quả tên lửa.

Cho nên hôm giữ được Đá Đông, tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi nghĩ: Nó chiếm được Châu Viên, nhưng mình giữ được Đá Đông.

Đá Đông quan trọng hơn Châu Viên nhiều. Nó dài, có hồ trong đó, tàu vào trong đó đậu bình thường.
Vườn rau treo trên đảo Đá Đông

Hôm ở trên Đá Đông mùng 4 Tết, chú ở mấy ngày?.

Tôi ở lại củng cố cùng 2 anh Công binh, không có chăn đắp, không có lửa trên cái nhà cao chân chưa vững chãi lắm, nhà tạm để mai làm nhà to.

Mãi đến 11-12 giờ trưa hôm sau, thủy triều lên, HQ-614 chạy đến phía Nam này đón bọn tôi.

Cái nhà đó có 8m2 thôi, 6 cọc. Cọc do Công binh vùng 4 đúc hết.

Lúc đó, sợ đêm nó đổ, nghĩ đêm đó là đêm cuối cùng. Cũng có cái gì phù hộ mình trong lúc gian nan.
 Lúc đó mình không bình tĩnh, mắc mưu của nó, cứ chần chừ dập dình với 2 cái tàu của Trung Quốc thì không lên Đá Đông được, mất Đá Đông.

Sau ngày 19/2, chúng tôi tiếp tục xây dựng 3 nhà trên đảo Đá Đông, lực lượng trú đóng hơn 80 người.

Nhưng phía bãi Châu Viên, mình không lên được nữa rồi. Trung Quốc đã đổ quân chiếm đóng, nó sẵn sàng nổ súng nếu mình lên…
-----------------------
* Hình minh họa: Internet
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại. 

AI CÓ TIVI CŨ KHÔNG DÙNG, CHO HỌC SINH BÁN TRÚ MA LÉ XIN VỚI!..

Mai Thanh Hải - Hôm rồi mình mang quà 3/3 của mọi người tặng Trạm chốt Biên phòng Mã Lủng Kha, đóng giáp đường biên xã Ma Lé, Đồng Văn, Hà Giang (màn hình, đầu máy, ampli, đôi loa, micro...), thấy mấy cô giáo Mầm non, THCS cứ tần ngần nhìn ngắm dàn máy. 

Lát sau, thấy cô Thanh (Hiệu trưởng THCS Ma Lé, Đồng Văn) xoắn tay, thì thầm nói chuyện với Trung tá Nông Minh Thạch, Đồn phó Biên phòng 169 có vẻ rất... nhờ vả.

Trung tá Thạch lại quay sang mình trao đổi, té ra: Cô Hiệu trưởng Thanh thấy được tặng những 4 micro (2 micro có dây theo máy, 2 micro điều khiển từ xa do vợ chồng cô giáo Nga tặng thêm), muốn xin lại "chỉ 1 cái thôi", dùng cho giáo viên sử dụng trong buổi sáng chào cờ Tổ quốc đầu tuần, hô tập thể dục hoặc sinh hoạt ngoài trời của học sinh. "Micro của Trường bị hỏng từ lâu, chưa được cấp lại nên mỗi khi chào cờ đầu tuần, giáo viên phải chạy hết từ UBND xã lên Đồn Biên phòng để mượn. Xa lắm" - Cô giáo Thanh rơm rớm.

Dĩ nhiên, ngay lập tức 2 chiếc micro điều khiển từ xa của bạn Nga, được chuyển tặng cho Nhà trường.

Nói chuyện lúc lâu, đã không còn khách khí ban đầu, cô Hiệu trưởng Thanh mạnh dạn: "Giáo viên Trường em chỉ mong có được 1 cái tivi cũ, to to bằng cái 29inch này để cho học sinh bán trú xem, sau giờ ăn tối - trước giờ học đêm thôi!" và kể: "Ban ngày thì không sao, nhưng cứ ăn tối xong, trẻ con vạ vật ngoài sân - hiên nhà nhìn về bản trong màu tối nhọ mặt người, thương lắm!".

"Giá có 1 cái tivi cho các cháu xem, thì chúng đỡ nhớ nhà, bỏ họ và cũng biết được nhiều điều khác, đang diễn ra dưới xuôi!" - Cô Thanh ước...

Ngày mai mình lại lên 2 xã Ma Lé và Lũng Cú rồi. Ai có tivi cũ, không dùng, cho mình xin giúp học sinh bán trú dân nuôi THCS Ma Lé với. Mình sẽ ngồi ôm khư khư, mang đến tận nơi luôn... Hu! Hu!..

CẬP NHẬT THÔNG TIN GIÚP ĐỠ HỌC SINH MẦM NON-THCS LŨNG CÚ VÀ MA LÉ

1/ Anh Trần Thuấn, CHLB Đức: 200 EURO
2/ Anh Nguyễn Đức Thịnh, PTGĐ Thứ I Vina Star Motors Corporation (xã An Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương): 3.000.000 VND
3/ Anh Phan Đức Bảo (Bảo Khánh, HN): 500.000 VND
4/ Anh Đào Quang Hưng (Tạ Hiền, Hoàn Kiếm, HN): 2.000.000 VND
5/ Anh Trần Quốc Khánh (Ô Chợ Dừa, Đống Đa, HN): 2.000.000 VND
6/ Anh Trần Anh Đức (Bảo Khánh, HN): 1.000.000 VND
7/ Anh Nguyễn Thành Long (Bảo Khánh, HN): 500.000 VND
8/ Anh Trần Quốc Dũng (Ô Cợ Dừa, Đống Đa, HN): 1.000.000 VND
9/ Chị Trần Lan Anh (Ô Chợ Dừa, Đống Đa, HN): 500.000 VND
10/ Vợ chồng anh Vũ Văn Thường - chị Trần Thị Thu Hà (Văn Cao, Ba Đình, HN): 6.500.000 VND
11/ Chị Vũ Thị Mai Hương (Văn Cao, Ba Đình, HN): 4.000.000 VND
12/ Chị Nguyễn Kim Thành (Kim Mã, Ba Đình, HN): 10.000.000 VND
13/ Anh Kim Long Biên (Tổng cục Hải quan): 1 tivi 21inch (mới cứng)
14/ Anh Bùi Huyên (bạn đọc Blog): Tivi và đầu DVD, 1 tạ gạo
15/ Anh Nguyễn Long (DN Xây dựng tại Việt Trì, Phú Thọ): Giúp đỡ xe tải 1,5 tấn chở hàng + lái xe.

SỐ TIỀN TRÊN ĐÃ MUA CÁC VẬT DỤNG SAU

A/ Trường THCS (Bán trú dân nuôi) xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang:
- 1 tấn gạo: 14.000.000 VND (của các anh chị từ số thứ tự 3 đến số thứ tự 10 yêu cầu)
- 1 nồi gang to (để nấu cơm)
- 5 chậu nhôm to (để tắm giặt và rửa rau)
- 1 chạn Inoc 3 tầng
- 120 cái bát ăn cơm inoc
- 30 cái âu inoc
- 120 thìa ăn cơm inoc.

B/ Trường Mầm non - Nhà trẻ xã Ma Lé, Đồng Văn, Hà Giang:
- 202 áo nỉ thu đông cho 202 học sinh từ 2-5 tuổi (72 học sinh 5 tuổi, 76 học sinh 4 tuổi, 39 học sinh 3 tuổi, 15 lít nhít nhà trẻ): 109 nam, 93 nữ

C/ Trường THCS (Bán trú dân nuôi) xã Ma Lé, Đồng Văn, Hà Giang:
- Tivi của anh Kim Long Biên và anh Bùi Huyên (sẽ cân nhắc việc tặng chiếc thứ 2 cho điểm trường lẻ).

D/ Bánh kẹo, sữa cho các cháu ở các điểm trường

CHÂN THÀNH CẢM ƠN CÁC ANH CHỊ!
Sáng mai, Đoàn sẽ xuất phát đi Hà Giang, thứ 7 về lại HN. Ai có nhu cầu đi cùng, đề nghị liên hệ nhé!..

"KHÓC CHO ANH EM HY SINH, CŨNG KHÔNG ĐƯỢC PHÉP"...

Mai Thanh Hải - Nhà báo T, Phóng viên Báo X kể với mình buổi sáng:

Từ mấy tháng trước, anh T thay mặt Báo, lặn lội tìm đến thăm gia đình 34/64 Liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma ngày 14/3/1988, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa (30 gia đình còn lại ở các địa phương khác, sẽ thăm sau).

Báo cũng đã làm việc và thống nhất tổ chức cuộc gặp mặt 34 gia đình Liệt sĩ, tại Cam Ranh (Khánh Hòa).

Thành phần buổi gặp mặt bao gồm các mẹ của Liệt sĩ (mỗi mẹ được đưa 1 người thân đi cùng), lãnh đạo đại diện Hải quân và cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa...

Cuộc gặp mặt được sự giúp đỡ của Hội Cựu Chiến binh của 1 Doanh nghiệp: Đài thọ tiền đi lại cho thân nhân Liệt sĩ; tặng quà cho mỗi gia đình...
Tất cả mọi việc đã hoàn tất, giấy mời đã được phát đi, hẹn ngày 14/3/2012 gặp mặt tại Cam Ranh.

Đùng cái, cách đây 3 ngày (11/3/2012), có lệnh của "trên" yêu cầu hủy cuộc gặp mặt.

Nhà báo T cay đắng: "Anh trở thành người đi phỉnh (lừa) các mẹ Liệt sĩ" và chán nản: "Giỗ anh em hy sinh mà không dám tổ chức. Khóc anh em hy sinh cũng không được phép khóc!"...

Mình nghe xong câu chuyện, cũng chán ặt người: " Tổ quốc có bao giờ HÈN thế này không?"..

HỢP XƯỚNG "CHÂN SÓNG", NHẮC ĐẾN SỰ KIỆN GẠC MA 14/3/1988

Mai Thanh Hải - Hôm qua, Nhà thơ Thanh Thảo gửi mình file âm thanh Hợp xướng "Chân sóng". Nghe xong, mình chả nói được gì bởi quá xúc động và kính phục các anh chị.

Xúc động thì quá rõ bởi hình như đây là lần đầu tiên có 1 tác phẩm âm nhạc nhắc đến 2 chữ "Gạc Ma" cùng những câu từ ca ngợi những người lính trần lưng dưới đạn quân thù giữ đảo và nằm xuống, trong "lãng quên mấy mươi năm".

Kính phục thì nhiều lắm.

Kính phục nhất là Nhà thơ Thanh Thảo đã... "dám" viết những câu thơ thực đến trần trụi như thế. Kính phục nhất nhất là Nhạc sĩ Văn Phương, Trưởng Ban Văn nghệ, Đài PTTH Quảng Ngãi cũng đã... "dám" sáng tác, phổ nhạc cho những câu thơ của Nhà thơ Thanh Thảo, thành 1 biển âm thanh thánh thót, xúc động đến nao lòng.

Kính phục nhất nhất nhất các anh chị trong Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Quảng Ngãi đã dồn hết nỗi niềm với Tổ quốc, nhân dân vào từng lời hát hào sảng nhưng cũng đau như cắt thịt da...

Trân trọng giới thiệu Hợp xướng "Chân sóng" (Lời: Thanh Thảo; Nhạc: Văn Phương). Hợp xướng đã được trình bày tại Ngày thơ Việt Nam 2012 tại Quảng Ngãi, với chủ đề: Trường Lũy Biển Đông.
(Bấm vào đây để nghe)


13 tháng 3, 2012

VIẾT CHO CON GÁI YÊU, TỪ TRƯỜNG SA!.

Mai Thanh Hải - Buổi chiều, con gái Thủy gọi từ Cam Ranh ra, kể: "Con mới lập bàn thờ ba Phương trong này. Ngoài Quảng Bình, bà vẫn giữ bàn thờ và sẽ ra mộ thắp hương cho ba sáng mai. Chú yên tâm nhé!".

Mình nghe xong, thừ người: Mới hôm nào, con gái còn tập tễnh trong Khoa Việt Nam học của Đại học Quảng Bình, nhiều thầy cô đọc hồ sơ, thấy ghi "Con gái Anh hùng - Liệt sĩ Trần Văn Phương, hy sinh ngày 14/3/1988, tại Trường Sa", chả hiểu gì nên cứ gặng hỏi, làm con cũng chả biết trả lời thế nào, bởi con sinh ra sau ngày Ba hy sinh. Thế mà bây giờ?.

Nhớ hồi con mới tốt nghiệp Đại học, cùng mẹ Hoa từ Quảng Bình vào Cam Ranh tham dự ngày Truyền thống của Đoàn Trường Sa, bác Long, chú Thắng, chú Thư trong Vùng và Lữ đã làm hết sức, cùng với chú Thanh - Giám đốc Sở Nội vụ Khánh Hòa đưa con vào làm việc trong UBND huyện Trường Sa và đến nay, con đã chuyển hệ, thành Sĩ quan chuyên nghiệp trong đội ngũ Lữ đoàn 146 Bảo vệ Trường Sa, như ba Phương ngày xưa.

Con giờ đã lớn, đã sát cánh bên người chồng cũng là Sĩ quan Lữ đoàn 162 và đã làm mẹ. Dẫu biết cái gia đình nho nhỏ của con, nằm ở ven đường Mỹ Ca, gần cổng Vùng 4 còn nhiều vất vả, gian lao và mỗi đêm, con cứ giật thột khi nghĩ đến mẹ Hoa cùng em gái, lần hồi kiếm sống trong đất Sài Gòn xa xôi, nhưng hãy cố lên con nhé - Bởi con là con gái của người Anh hùng.

Không vào được với con, nhưng cũng xin được thắp lên bàn thờ ba Phương cùng 63 đồng đội, bài viết cho em Miu, em Khoai từ 2008, trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma, thay cho nén hương, với những người lính đã ngã xuống, trong ngày 14/3/1988 khi bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, ở địa đầu Trường Sa.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------
   
Con gái yêu của Ba!.

Ba đang ở đảo Cô Lin - Nơi gọi là đảo chìm, nằm trên rặng san hô xa tít, thăm thẳm và xung quanh mây trời.

Nơi đây đúng 20 năm trước, 64 chú – bác bộ đội Hải quân đã hy sinh. Gọi là hy sinh theo đúng câu chữ trong văn phạm và những giấy tờ hay trong các buổi lễ nghĩa.

Chứ nói đúng ra, các chú, các bác ấy bị lính Trung Quốc giết chết bằng đại bác 100 ly, pháo phòng không 37 ly hạ nòng bắn thẳng, đạn tiểu liên AK bắn gần, lưỡi lê sắc nhọn, báng súng nặng trịch, câu liêm nhọn hoắt và đại đa số đều chìm xuống biển, chết mất xác.

Các chú, các bác ấy nằm xuống, cũng chỉ vì cái dải san hô xanh thẳm, xa hút ấy. Nhìn trên bản đồ trong google và dù có phóng to đến cỡ nào, thì con cũng khó mường tượng ra cái khoảng biển xanh đó.

Chắc con sẽ hỏi: “Chỗ đó là gì?”.

"Chỗ đó" là đất đai của Tổ quốc mình, con ạ!.

Lát nữa (bây giờ là 11 giờ 30 phút), đúng 14 giờ, Ba và mọi người trong Đoàn Công tác sẽ làm lễ thả hoa, tưởng niệm những người đã nằm xuống cách đây 20 năm trước.

Mọi người trong phòng ở của Ba trên tàu HQ 996 nói: Sẽ thả xuống biển, nơi những người đã nằm xuống đấy đủ cả bia, rượu, thuôc lá, ớt xanh, sách báo… vì “trần sao, âm vậy”.

Ba cũng làm như vậy với mọi người và Ba cũng muốn thả xuống đấy cả tâm tình, tấm lòng của Ba mẹ, của con và em, của ông bà, cùng bao nhiêu người khác nữa ở đất liền, để những người trai trẻ đã nằm xuống đấy không uổng phí, không chạnh lòng.

Con chưa hiểu thế nào là Tổ quốc!. Con còn chưa học đến những bài văn, thơ về Tổ quốc trong sách Tiếng Việt, nên chưa hiểu. Thế nhưng, có bao nhiêu người quyền cao chức trọng, giàu có, cũng chẳng hiểu được khái niệm Tổ quốc.

Mù mờ và hồn nhiên, nhiều người còn ví: Tổ quốc chỉ đơn giản là những đêm hát Karaoke, đám con trai – con gái ôm nhau gào lên bài hát cách mạng hoành tráng trong hơi bia rượu, thuốc lá ngoại sặc sụa…

Buồn cười thế đấy nhưng đó lại là sự thật.

Ba chợt nhận ra vậy bởi những ngày sống ở đất liền, Ba cứ cắm đầu vào nỗi lo cơm áo gạo tiền, nỗi lo làm tròn trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ. Việc viết lách luôn nhìn thấy mặt trái của cuộc sống và cũng luôn thất vọng, cay nghiệt.

Hở ra một chút là thở dốc, là ngủ vùi để sang hôm sau lại sấp ngửa đi làm, lo toan bề bộn. Nhiều lúc, Ba cứ nghĩ mình là cái máy, chỉ biết làm việc, làm việc và làm việc.

Thế nhưng đến hôm nay, khi đã lênh đênh cả tuần trên biển. Mở mắt là thấy biển, quay sang 4 phía đều thấy biển.

Đi ngủ ban đêm, tỉnh giấc tưởng có con đạp chân ấm mềm vào mặt, ba cũng thấy biển.

Biển ngoài này xanh biếc hoà với trong vắt mây trời, mặn mòi mùi gió, Ba mới thấm thía thế nào là Tổ quốc.

Tổ quốc đơn giản chỉ là bình minh đỏ rực trên đảo Song Tử, nơi có cây đèn biển nhẫn nại cả đêm chớp mắt sáng cho những con tàu tỏ đường thông lối.

Tổ quốc là màu xanh của biển cả dưới mạn tàu, nơi có những con cá chuồn thấy động, bay vút lên đầu ngọn sóng như thể mơ ước bay cao, bay xa cùng cánh hải âu bàng bạc.

Tổ quốc là hòn đảo nhỏ, nơi có các chú bộ đội ở cùng quê mình, cùng giọng nói nhà mình, có vợ và em bé cũng ở gần nhà mình.

Tổ quốc là nơi có màu xanh của câu phong ba, cây bàng vuông, cây tra biển trổ hoa trắng tinh, toả màu hương ngan ngát…

Xa hơn nữa, ba thấy Tổ quốc của mình ở góc phố Hà Nội, Ba thường ngồi đánh vật với câu chữ đến khuya, bên 2 mặt trời nhỏ là con và em say nồng trong giấc ngủ thiên thân...

Tổ quốc gần gũi và thân thương, như thể những người gần nhất, cạnh bên nhất và bình dị nhất và không thể thiếu được, ở ngay bên mình, trong nhà mình con ạ!..

Ở đảo chìm Cô Lin này, qua mắt thường và qua độ zoom của ống kính máy ảnh Nhật (một cường quốc đã từng thua trận trên đất nước mình), Ba nhìn thấy chiếc tàu hiện đại của Trung Quốc đang ngang nhiên án ngữ trên biển.
 Chiếc tàu ấy lớn quá, hiện đại quá. Nhưng dù có lớn và hiện đại thế nào thì nó cũng giống như chiếc tàu buôn gắn đại bác của Tây Dương đã từng lừng lững tiến vào Sài Gòn, khiến bao nhiêu người Việt mình khiếp đảm về cái gọi là “văn minh phương Tây” khi ấy.

Ban đầu là sợ, nhưng rút cục, những người Việt vẫn đánh chìm những thứ của “văn minh phương Tây” kềnh càng ấy.

Ông cha mình là vậy, Tổ quốc mình là vậy và những người Việt chân chính của chúng ta là vậy. Hôm nay chúng ta có thể choáng ngợp, có thể ngập ngừng vì cái gọi là “định hướng”, đã ngăn cản ý nghĩ, việc làm của mỗi người.

Nhưng rút cục, cái cũ cũng sẽ bị đào thải để nhường chỗ cho những điều mới mẻ… Cái mới ấy, rất đơn giản là những gì Ba muốn ước ao và mong muốn, với con gái yêu và rất mực thông minh của Ba.

Không lâu nữa, con sẽ cùng bạn bè chế tạo ra những con tàu hiện đại hơn, hoành tráng hơn để đánh đuổi những con tàu đang chắn trước mặt Ba và đồng độ của Ba hôm nay.

Con và bạn bè sẽ khẳng định được vị thế Tổ quốc, để không phải quỵ luỵ, nhường nhịn và nuốt nước mắt khi những người con bị bắn, giết bằng lưỡi lê-đạn nhọn và ngắt quãng tuổi thanh xuân bằng dao găm oan nghiệt…

Máu nào chẳng đỏ, nước mắt nào chẳng trong.
Ba hiểu điều ấy, bởi đã gặp những người mẹ ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng... - Những người mẹ đã sinh ra các chú, bác đã nằm xuống ở ngay trên vùng biển Ba đang neo tàu.

Người mẹ nào chẳng xót xa, chẳng vật vã và không thể sống yên hàn khi đứa con mình rứt ruột đẻ ra lại hy sinh, khi vẫn còn qúa trẻ?

Càng không thể sống nổi khi những giọt máu đó chết vùi trong lòng biển vì đạn quân dụng, lưỡi lê, dao găm của những kẻ đang nhơn nhơn tươi cười trên màn hình tivi mỗi ngày đêm…

Thế mới biết nỗi đau câm lặng, nén lại là đáng kính phục, con ạ!.

Như Ba - Đã từng câm lặng trước ngôi nhà dột nát, hoang tàn của bà mẹ Quảng Bình có người con độc nhất hy sinh trên vùng biển Trường Sa linh thiêng, lặng gió này.

Những lúc ấy, Ba chỉ nghĩ: Con phải học tốt hơn, giỏi hơn để Ba mẹ không tủi hổ, để những người con đất Việt không xấu hổ ngậm đắng nuốt cay và con sẽ giỏi để làm tiếp những gì mà ba và bè bạn của Ba đã, đang và sẽ làm cho đất nước này; cho Tổ quốc này và cho vùng biển đảo thân thương nơi xa tít, thăm thẳm.

Con gái yêu của Ba nhé!..

Vùng biển Cô Lin - Gạc Ma
12 giờ 2 phút ngày 24/4/2008 (trước lúc làm lễ tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh ngày 14/3/1988).

CHIẾN DỊCH CQ-88 VÀ TRẬN CHIẾN 14/3/1988 TẠI TRƯỜNG SA

Mai Thanh Hải - Quần đảo Trường Sa nằm ở tọa độ 8°38′ Bắc 111°55′ Đông, với diện tích (đất liền) nhỏ hơn 5 km², gồm khoảng 148 đảo nhỏ, đảo san hô và đảo chìm rải rác trên diện tích gần 410.000 km² ở giữa biển Đông, có đường bờ biển 926 km.

Quần đảo hiện đang trực thuộc đơn vị hành chính của huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà.
  
Quần đảo Trường Sa có các nguồn lợi thiên nhiên gồm: Cá, phân chim, tiềm năng dầu mỏ và khí đốt còn chưa được xác định. Do nằm gần khu vực lòng chảo trầm tích chứa nhiều dầu mỏ và khí đốt, quần đảo Trường Sa có tiềm năng lớn về dầu khí.

Hiện địa chất vùng biển này vẫn chưa được khảo sát nhiều và chưa có các số liệu đánh giá đáng tin cậy về tiềm năng dầu khí và khoáng sản khác. Quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược nằm gần tuyến đường vận chuyển tàu biển chính trên biển Đông.

Trong những tháng đầu năm 1988, Hải quân Trung Quốc cho quân chiếm đóng một số bãi đá thuộc khu vực quần đảo Trường Sa, chiếm giữ Đá Chữ Thập (31/1), Châu Viên (18/2), Ga Ven (26/2), Huy Gơ (28/2), Xu Bi (23/3).

Hải quân Việt Nam đưa vũ khí, khí tài ra đóng giữ tại các đảo Đá Tiên Nữ (26/1), Đá Lát (5/2), Đá Lớn (6/2), Đá Đông (18/2), Tốc Tan (27/2), Núi Le (2/3), bước đầu ngăn chặn được hành động mở rộng phạm vi chiếm đóng của hải quân Trung Quốc ra các đảo lân cận.

Phía Việt Nam dự kiến Trung Quốc có thể chiếm thêm một số bãi cạn xung quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và Đông kinh tuyến 1150.

Căn cứ vào tình hình xung quanh khu vực Trường Sa, Hải quân Việt Nam xác định: "Gạc Ma giữ vị trí quan trọng, nếu để hải quân Trung Quốc chiếm giữ thì họ sẽ khống chế đường tiếp tế của Việt Nam cho các căn cứ tại quần đảo Trường Sa".
Vì vậy, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng hạ quyết tâm đóng giữ các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao... Thường vụ Đảng ủy Quân chủng giao cho Lữ đoàn Vận tải 125 cử lực lượng thực hiện nhiệm vụ này.

Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc sau khi đưa quân chiếm đóng các đảo chìm Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Xu Bi, Huy Gơ cũng đang có ý đồ chiếm giữ 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.

Đầu tháng 3/1988, Trung Quốc huy động lực lượng của 2 Hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu hoạt động ở đây thường xuyên lên 9-12 tàu chiến gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông tông lớn.

Trước tình hình đó, Tư lệnh Hải quân Việt Nam lệnh cho vùng 4, Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146, các Hải đội 131, 132, 134 của Lữ đoàn 172 chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.

Đồng thời lệnh cho Vùng 1, Vùng 3 và Lữ đoàn 125 ở Hải Phòng chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu tăng cường.

Bộ Tư lệnh Hải quân điều động 41 tàu thuyền và phương tiện nổi của Lữ đoàn 125, Cục Kinh tế, Vùng 1,3,5, Trường Sĩ quan Hải quân Việt Nam (nay là Học viện Hải quân Việt Nam), Nhà máy Ba Son... đến phối thuộc khi cần thiết.

Lúc 19h ngày 11/3/1988, tàu HQ-604 rời cảng ra đảo Gạc Ma để thực hiện nhiệm vụ trong chiến dịch CQ-88 ("Bảo vệ Chủ quyền 1988").

Ngày 12/3/1988, tàu HQ-605 thuộc Lữ đoàn 125 do thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn chỉ huy, được lệnh từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao trước 6h ngày 14/3.

Sau 29 tiếng hành quân, tàu HQ-605 đến Len Đao lúc 5h ngày 14/3 và cắm cờ Việt Nam trên đảo.
Đèn bão sử dụng trên các đảo T.Sa 198

Thực hiện nhiệm vụ đóng giữ các đảo Gạc Ma và Cô Lin, 9h ngày 13/3/1988, tàu HQ-604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và tàu HQ-505 của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ được lệnh từ đảo Đá Lớn tiến về phía Gạc Ma, Cô Lin.

Phối hợp với 2 tàu HQ-505 và 604 có 2 Phân đội Công binh (70 người) thuộc Trung đoàn Công binh 83, cùng 4 Tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146 do Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó chỉ huy và 4 chiến sĩ đo đạc của Đoàn Đo đạc và biên vẽ bản đồ (thuộc Bộ Tổng tham mưu).

Sau khi 2 tàu của Việt Nam thả neo được 30 phút, tàu hộ vệ của Hải quân Trung Quốc từ Huy Gơ chạy về phía Gạc Ma, có lúc đôi bên chỉ cách nhau 500 m.

17h ngày 13/3/1988, tàu Trung Quốc áp sát tàu HQ-604 và dùng loa gọi sang. Bị uy hiếp, 2 tàu HQ-604 và 505 kiên trì neo giữ quanh đảo. Còn chiến hạm của Trung Quốc cùng 1 hộ vệ hạm, 2 hải vận hạm thay nhau cơ động, chạy quanh đảo Gạc Ma.

Trước tình hình căng thẳng do Hải quân Trung Quốc gây ra, lúc 21h ngày 13/3/1988, Bộ Tư lệnh Hải quân ra lệnh cho các Sĩ quan Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội quyết giữ vững các đảo Gạc Ma, Cô Lin.
Trung tá Trần Văn Thông, Lữ phó 146

Tiếp đó Bộ Tư lệnh Hải quân ra lệnh cho lực lượng Công binh khẩn trương dùng xuồng, chuyển vật liệu xây dựng lên đảo ngay trong đêm 13/3/1988.

Thực hiện mệnh lệnh, tàu HQ-604 cùng lực lượng Công binh Trung đoàn 83 chuyển vật liệu lên đảo Gạc Ma, tiếp đó lực lượng của Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ, cắm cờ Việt Nam và triển khai 4 Tổ bảo vệ đảo.

Lúc này, Trung Quốc điều thêm 2 hộ vệ hạm trang bị pháo 100 mm đến hỗ trợ lực lượng đã đến từ trước, yêu cầu phía Việt Nam rút khỏi đảo Gạc Ma.

Ban Chỉ huy tàu HQ-604 họp nhận định: Trung Quốc có thể dùng vũ lực can thiệp và quyết định chỉ huy bộ đội bình tĩnh xử trí, thống nhất thực hiện theo phương án tác chiến đề ra, quyết tâm bảo vệ Gạc Ma...

Ngày 14/3/1988, chiến sự diễn ra tại khu vực các đảo Gạc Ma, Cô Lin, và Len Đao.

Sáng ngày 14/3, từ tàu HQ-604 đang thả neo tại Gạc Ma, Trung tá Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, phát hiện thấy 4 chiếc tàu lớn của Trung Quốc đang tiến lại gần.

Tổ 3 người gồm Thiếu uý Trần Văn Phương và 2 chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Lanh được cử lên đảo, bảo vệ lá cờ Việt Nam đang cắm trên bãi.
Thiếu úy Trần Văn Phương
Phía Trung Quốc cử 2 xuồng chở 8 lính có vũ khí lao thẳng về phía đảo. Chỉ huy Trần Đức Thông ra lệnh cho các thủy thủ từ tàu HQ-604 tiến về bảo vệ bãi để hình thành tuyến phòng thủ, không cho đối phương tiến lên.

6h sáng, Hải quân Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo giật cờ Việt Nam. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị lê đâm và bắn bị thương.

Thiếu úy Trần Văn Phương bị bắn tử thương, trước khi chết Thiếu úy Phương đã hô: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân".

Do Hải quân Việt Nam không chịu rút khỏi đảo, lúc 7h30, Trung Quốc dùng 2 chiến hạm bắn pháo 100 mm vào tàu HQ-604, làm tàu bị hỏng nặng.

Hải quân Trung Quốc cho quân xông về phía tàu Việt Nam. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội trên tàu sử dụng các loại súng AK47, RPD, B-40, B-41 đánh trả quyết liệt, buộc đối phương phải nhảy xuống biển bơi trở về tàu.

Hải quân Việt Nam vừa chiến đấu, vừa tổ chức băng bó, cứu chữa thương binh và hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ cờ trên đảo Gạc Ma.
Máy bơm nước của HQ-931 dập lửa trên HQ-505

Trung Quốc tiếp tục nã pháo, tàu HQ-604 của Việt Nam bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Thuyền trưởng Vũ Phi, Lữ đoàn phó 146 Trần Đức Thông, cùng một số thủy thủ trên tàu đã hy sinh cùng tàu HQ-604 ở khu vực đảo Gạc Ma.
 Tại đảo Cô Lin, lúc 6h, tàu HQ-505 của Hải quân Việt Nam đã cắm hai lá cờ trên đảo.

Khi thấy tàu HQ-604 của Việt Nam bị chìm, thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo cho tàu ủi bãi.

Phát hiện tàu HQ-505 đang lên bãi, 2 tàu của Trung Quốc quay sang tiến công tàu HQ-505. Khi tàu HQ-505 trườn lên được hai phần ba thân tàu lên đảo thì bốc cháy.

8h15, thủy thủ tàu HQ-505 vừa triển khai lực lượng dập lửa cứu tàu, bảo vệ đảo, và đưa xuồng đến cứu thủy thủ tàu HQ-604 bị chìm ở phía bãi Gạc Ma ngay gần đó (Cô Lin cách Gạc Ma khoảng 3.5 hải lý).

Thượng uý Nguyễn Văn Chương và Trung uý Nguyễn Sĩ Minh tổ chức đưa thương binh và chiến sĩ về tàu 505 (sau khi bị bắn cháy nằm trên bãi Cô Lin). Thi hài các chiến sĩ Trần Văn Phương, Nguyễn Văn Tư, cùng các thương binh nặng được đặt trên xuồng. Số người còn sức một tay bám thành xuồng một tay làm mái chèo đưa xuồng về đến bãi Cô Lin.
Thương binh - CBCS tham gia trận 14/3 trở về đất liền trên tàu HQ-931

Ở hướng đảo Len Đao, lúc 8h20 ngày 14/3/1988, Hải quân Trung Quốc dùng tất cả các loại súng pháo, điên cuồng tấn công vào tàu HQ-605 của Hải quân Việt Nam.

Tàu 605 bị bốc cháy và chìm lúc 6h ngày 15/3/1988, thủy thủ đoàn của tàu bơi về đảo Sinh Tồn.

Trong trận chiến ngày 14/3/1988, Hải quân Việt Nam bị thiệt hại 3 tàu (cháy và chìm), 3 người hy sinh, 11 người khác bị thương, 70 người bị mất tích. Sau này Trung Quốc đã trao trả cho phía Việt Nam 9 người bị bắt, 64 người vẫn mất tích và được xem là đã hy sinh.

Nhờ hành động dũng cảm của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và tập thể tàu HQ-505, tàu Việt Nam nằm trên đá Cô Lin và giữ được bãi đá ngầm này.
CBCS tàu HQ-671 cứu hộ ngày 14/3/1988 tại T.S

Trung Quốc chiếm đá Gạc Ma từ ngày 16/3/1988 và vẫn giữ cho đến nay.

Trong suốt thời gian xảy ra chiến sự, Hải quân Liên Xô đóng ở Cam Ranh đã không can thiệp, mặc dù giữa Việt Nam và Liên Xô có ký riêng một hiệp ước liên minh quân sự (tháng 11/1978).

Đặc biệt, khi các tàu của Hải quân Việt Nam bị đánh đắm thì tàu chiến Trung Quốc chặn không cho tàu của Hội Chữ thập đỏ vào khu vực chiến sự để cứu chữa thương binh.

Đây là một sự vi phạm những điều luật cơ bản nhất về chiến tranh của Luật pháp Quốc tế...
-----------------------------------------------------
* Hình ảnh hiện vật, chụp lại và chân dung 2 Anh hùng - Liệt sĩ Trường Sa, do MTH chụp tại Phòng Truyền thống của Vùng 4, Hải quân (Cam Ranh, Nha Trang, Khánh Hòa).

*Bài viết cũng sử dụng hình tư liệu của Nhà báo Nguyễn Viết Thái.