10 tháng 9, 2011

CHÂM CHƯỚC CHO PHẠM LUẬT, VÌ TRUNG THU?..

Mai Thanh Hải Blog - Ngay trong tháng An toàn giao thông (ATGT) 9/2011, khi các lực lượng Công an tổ chức thực hiện nhiều Chuyên đề, biện pháp nghiệp vụ nhằm làm giảm TNGT, xử lý nghiêm các hành vi - đối tượng vi phạm (thậm chí còn chốt ở gần các quán bia lớn, xử lý người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá giới hạn), thì sáng qua 9/9/2011, tại ngã tư Láng Hạ - Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội), một chiếc xe bán tải mang biển số công vụ của Công an TP. Hà Nội 31A-4367 đã nghễu nghện chở tấm Pano quá khổ, chằng buộc rất lỏng lẻo, lưu thông trên đường.

Thật may là tấm Pano này không tuột ra, văng xuống đường, nếu không hậu quả sẽ khó mà lường trước được. Nhìn kỹ, tấm Pano này hình như sẽ được treo ở điểm tổ chức Tết Trung Thu nào đó, cho các cháu thiếu nhi...
----------------------------------
* Nguồn hình ảnh: monitor1-OF

TRUNG THU LÀ TẾT THIẾU NHI

Phố cổ Hà Nội ngày Trung Thu
Mai Thanh Hải Blog - Trung Thu, tết của trẻ em, có từ bao giờ, cụ thể vào thời gian nào, có lẽ ngay những nhà Sử học cũng không biết được, đành vào nhờ đến sự tích - truyền thuyết.

Thế nhưng, tìm hiểu về Trung Thu ở các thế kỷ trước, có điều thấy ngay là đồ chơi cho con trẻ, 100% do dân ta tự làm, bằng những vật liệu "cây nhà lá vườn" đơn giản, thấm đẫm chất lịch sử và cuộc sống xung quanh... 

Chứ không như hậu thế bây giờ, tất tật, xài đồ Trung Thu đều chiếm đến 99% là đồ chơi Trung Quốc và 99,9% số này được nhập lậu về, không qua kiểm tra - kiểm định, chưa chơi xong đã hỏng và có khi còn tích độc, toi không sớm thì muộn...

Điểm khác nữa là Trung Thu đúng Tết Thiếu nhi, không có chuyện người lớn bon chen, biến thành Tết của mình, để đi biếu xén - chạy vạy bằng bánh Trung Thu (nhưng trong túi bánh có phong bì dày cộp, thậm chí trong bánh Trung Thu còn có vàng, kim cương làm nhân)...

Những người không lợi dụng "Tết thiếu nhi" để đi "Tết người lớn", thì kéo nhau nhậu nhét, tụ tập, chơi bời dạo phố và nhất là... thân mật.

Chả thế mà có câu thơ vui: "Trung Thu là Tết Thiếu nhi/ Cớ sao người lớn lại đi la cà/ Người lớn là trẻ em...già/ Chỉ khác trẻ nhỏ đó là có...râu", hoặc: "Trung Thu là Tết Thiếu nhi/ Hỏi sao người lớn lại đi chơi nhiều/ Đi chơi họ lại làm liều/ Làm liều nên mới ra nhiều Thiếu nhi/ Nếu mà người lớn không đi/ Làm sao lại có Thiếu nhi hả trời?/ Đó là quy luật muôn đời/ Trung thu là Tết moị người đấy thôi"...

Thế nhưng, điểm khác mà mình tâm đắc nhất là Trung Thu ngày xưa, trẻ con được chơi theo đúng nghĩa Tết, chơi thoải mái và cười đùa thoải mái, chả người lớn nào can thiệp, tham dự.

Bây giờ ở nhiều nơi, Tết trẻ con đúng lúc phá cỗ, trẻ con cứ phải ngồi thành hàng, tay lăm lăm đèn cờ hoa, chống mắt nhìn mâm cỗ đón chú Cuội - chị Hằng... để đợi 1 ông bà nào đấy (nơi làm điểm phát trên ti vi, thì lãnh đạo cao ngất đi xe còi hụ, có Cảnh vệ đến trước dò mìn, báo chí lếch thếch máy móc le ve lượn xung quanh) đến... khai đao, phát biểu mấy câu, đại ý "Chúc mừng Trung Thu; chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; các cháu cố gắng học giỏi..." và vỗ tay, đi vòng 1 lượt véo má, sờ tóc các thiếu nhi đang nhăn mặt vì bị muỗi đốt, gà gật ngủ vì... đợi lâu.

"Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan". Bọn trẻ con, dù ở đâu, lúc nào cũng ngây thơ. Thế nên xem lại những hình ảnh Trung Thu trước kia, thấy trẻ em ngày xưa sướng thật...
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Đồ chơi Trung Thu xưa

Đèn ông sao nơi phố cổ

Những món đồ chơi hấp dẫn

Bán đồ chơi ngày Trung Thu

Mặt nạ


Bán hàng Trung Thu

9 tháng 9, 2011

TẾT TRUNG THU CỦA CON GÁI YÊU

Con gái Miu mới đi vui Tết Trung Thu tối nay, tại cơ quan mẹ. Mình bấm máy mà không cần đèn. Mình thấy phục mình quá: Chụp hình hơi bị đẹp. Kiểu này, phải tập trung trau dồi, nâng cao tay nghề tý, cho thành... chuyên nghiệp.

Củ Khoai xinh hôm nay bị ốm nên cứ lờ đờ, chả cười nói và nhảy nhót gì cả (vì đã nhảy - hát cật lực ở Trường Mầm non buổi chiều nay rồi). Về nhà đo nhiệt độ, nhảy vọt... 39 độ, lại phải thuốc men - điều trị rồi...

"BAN QUẢN LÝ CHỢ TRUNG THU"

Bật cười trước khung cảnh ngộ nghĩnh và cũng rất nhiều phương án chú thích. Cứ liên tưởng đến các thành viên của Ban Quản lý (BQL) Chợ Trung Thu - một trong hàng triệu BQL mọc ra bất thình lình, chả theo nguyên tắc nào trên mọi miền, lĩnh vực trên đất nước này - bị túm gáy, treo ngược và gục đầu theo đội hình, như những chú gấu bông này, mà... chết cười. Thế là sắp Trung Thu rồi đấy...

80B "BỐ TƯỚNG"?..

17 giờ, chiều ngày 08/9/2011, tại ngã tư Hoàng Minh Giám - Trần Duy Hưng (TP. Hà Nội), các phương tiện giao thông kiên nhẫn xếp hàng theo đúng phần đường của mình, chờ đèn để vượt ngã tư thì xuất hiện 2 ôtô công vụ, biển kiểm soát 80B-4614 (xe 4 chỗ) và 80B-2527 (xe 7 chỗ) vượt lên trước, đỗ chình ình, chiếm gần hết phần đường bên kia để... chờ được vượt, trước sự bất bình của người đi đường

Không biết 2 xe 80B công vụ này của cơ quan nào và chở ai trên xe mà... bố tướng thế?..
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------

CÁC CƠ QUAN ĐƠN VỊ ĐƯỢC CẤP XE BIỂN SỐ 80B

- Văn phòng và các Ban của Trung ương Đảng.
- Văn phòng Chủ tịch nước
- Văn phòng Quốc hội
- Văn phòng Chính phủ
- Xe phục vụ các thành viên Chính phủ, các ủy viên Trung ương Đảng công tác tại Hà Nội
- Xe do lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát phê duyệt
- Văn phòng Bộ Ngoại giao
- Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao
- Tòa án Nhân dân Tối cao
- Đài truyền hình Việt Nam
- Đài Tiếng nói Việt Nam
- Thông tấn xã Việt Nam
- Báo Nhân Dân
- Thanh tra Chính phủ
- Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
- Ban Quản lý Lăng, Bảo tàng, Khu Di tích lịch sử Hồ Chí Minh
- Trung tâm Lưu trữ Quốc gia
- Kiểm toán Nhà nước
- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
- Văn phòng Bộ Nội vụ
- Văn phòng Tổng cục Hải quan
- Văn phòng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam
- Văn phòng Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
(ban hành kèm theo thông tư số 06/2009/TT-BCA-C11 ngày 11-3-2009 của Bộ Công an)

Nguồn Videoclip: Thành viên hieuhic, diễn đàn Otofun

NHÀ CỦA CHÚNG TA LÀ ĐẢO THUYỀN CHÀI

Hình đã đăng vài lần trên Blog và cũng được khá nhiều trang mạng xã hội khác đăng tải, thế nhưng mỗi lần nhìn lại, vẫn không thể không bật cười trước 3 nhân vật chính, mà mình đã chụp buổi chiều cuối tháng 5 vừa rồi, khi lên đảo Thuyền Chài. Những cún con - công dân đặc biệt trên các đảo Trường Sa - ủng oảng, tinh nghịch nhưng cũng khôn ranh ra phết, gợi trong mình về một thế hệ công dân mới trên quần đảo Trường Sa với xóm chài yên bình, tàu thuyền san sát, cún con ngơ ngẩn theo chân ông chủ nhỏ ra bến đón thuyền về. Cũng thương lắm chứ: Ở nơi đầu sóng ngọn gió, nhìn đâu cũng biển trời mênh mông, sắt thép - súng ống, khó khăn thiếu thốn, bom đạn có thể nổ bất cứ lúc nào, những cún con lon ton quấn chân, ư ử dụi vào chân người, vào bụng mẹ... khiến mình cứ chạnh lòng, chúng bé quá, non nớt quá, sao chịu đựng nổi những vất vả này?. Sáng hôm nay, vừa ăn sáng vừa đọc báo, thấy bảo UBND tỉnh Khánh Hòa lập dự án xây dựng Trường Sa thành đô thị vệ tinh, mình buồn cười quá, suýt sặc nước. Giời ạ! Ít vẽ vời thôi, lo những việc đơn giản nhưng cần kíp, thiết thực với những gì đang sống - vượt lên vất vả ngoài đó, còn hơn cứ "đánh trống, thổi kèn" đâu đâu...

THÁNG 9 NÀY ĐỎ RỰC CỜ HOA

Tháng 9 này, đường đỏ rực cờ hoa
Mai Thanh Hải Blog -Cuối tháng 8, đầu tháng 9 này, mình chạy như ngựa: Hết miền Trung ruột thịt, lại về biển miền Bắc nước đục ngầu, mài dao cả năm đợi tháng chém đẹp và chuyến cuối (tính đến bây giờ) là phi lên Tây Bắc căn cứ địa kháng chiến với Điện Biên Phủ "nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng", Sơn La thủy điện cùng "Người Châu Yên em bắn máy bay", con cháu là các CSGT anh hùng Núp thời nay, tiếp nối truyền thống, bắn tốc độ rát rạt suốt QL6.

Dặm dài đất nước, cứ thấy quen quen cái gì đấy mà không thể cắt nghĩa nổi. Mãi đến hôm vừa rồi, từ huyện Điện Biên Đông trở về Hà Nội, ngồi bệt dọc đường, trong thị trấn Tuần Giáo (Điện Biên) nghỉ hút thuốc, nhìn cả hàng thanh sắt màu nâu xỉn, cắm xuống đất đều tăm tắp và bẻ quặp ra phía trước, làm chỗ treo cờ Tổ quốc, mới "à" lên thanh thản: "Tháng 9 này, đâu cũng đỏ rực cờ hoa"... 

Để ý cách treo cờ năm nay, cũng có khối chuyện để nói: Có đến 99% pa nô - áp phích kèm với quảng cáo cho một doanh nghiệp - dịch vụ nào đó, giống như "bia kèm lạc".

Trong đó, nhiều nhất là quảng cáo các dịch vụ của anh "Đại tướng" Vịt teo, từ Home phone "Điện thoại của mọi nhà", cho đến D-com 3G "Mang Internet cho mọi người và mọi nhà", từ quảng cáo mẫu điện thoại "sành điệu như hàng hiệu" cho đến dịch vụ "Gọi 1 ngày, chỉ mất 1.000 đồng"...

Ttiếp đến là của TCty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn với những câu slogan quen thuộc "Dù bạn không cao nhưng người khác cũng phải ngước nhìn", "Không bóng bẩy, không ồn ào, không cầu kỳ, không cần khoa trương - uống thì hiểu"... cho đến những câu "kích cầu" đúng thời bão giá, ai muốn thay đổi cuộc đời mà mớ rau, cân gạo lên giá hàng ngày, cũng thích thú ước ao, ví như câu "Bật nắp Sài Gòn, lên đời bất ngờ"...

Quyết không để bạn "Nam tiến" lấn át, TCty Bia rượu - Nước giải khát Hà Nội năm nay cũng "học hành" giành lại thị trường, bằng cách bon chen quảng cáo dưới các pano - áp phích đỏ lòe, với những slogan đọc xong, chả biết khóc hay cười: "Hà Nội bia - Uống 1 ly, say gấp 3 lần bia ngoại"...

Hay slogan của Halida khiến người ta vừa uống vừa hô khẩu hiệu, nước mắt ướt đầm nhớ lịch sử: "Hào khí ngàn năm, rạng danh chất lượng"...

Không thể kém phần trong việc tranh thủ tý cờ đỏ - áp phích vàng để quảng bá, chú Ngân hàng Lông vịt và phát triển lung tung của nguyên "Cậu bé chăn trâu" Lê Văn Sở cũng bon chen kịch liệt ở các huyện thị miền núi, đồng bằng miền Trung.

Phong trào "quảng cáo dưới cờ" này, phát triển rộng khắp và phổ cập đến mức, mình chui vào đường làng của xã biển, nghèo nhất nhì tỉnh Hà Tĩnh, cũng thấy mấy tấm áp phích, phía trên hô hào khẩu hiệu muôn năm, phía dưới vẫn dành tý chân, để quảng cáo cho doanh nghiệp đóng gạch, ở ngay trong thôn...

Việc quảng cáo là một nhẽ, thứ mình băn khoăn nhất là nội dung các khẩu hiệu và cách treo khẩu hiệu. Hôm qua thị trấn Hồ Xá (Vĩnh Linh, Quảng Trị) và thị xã Cửa Lò (Nghệ An), mình đã dừng xe, tỷ mẩn đi bộ cả km, đọc cho hết (1 km đó chỉ là 1 trong nhiều km rực đỏ) nội dung các khẩu hiệu, bởi bạn mình bảo: "Chữ đâu mà lắm thế, vài mét lại có khẩu hiệu. Đi qua mấy đoạn này, nhức hết cả mắt!"...

Té ra, chả có khẩu hiệu nào mới cả, toàn những câu quen thuộc từ bao nhiêu năm qua. Cái mới bây giờ, có chăng là các câu khẩu hiệu được sử dụng ở từng thời điểm, ngày kỷ niệm hoặc lĩnh vực khác nhau, dịp này được tập hợp lại, khoe ra bằng hết, cho thiên hạ chiêm ngưỡng...

Bạn mình bảo: "Cứ san sát, đỏ rực thế kia. Mấy hôm nắng mưa là bạc phếch, tơi tả chữ và lại làm mới. Phí quá!". Mình lườm ngay: "Phí là phí thế nào! Công tác tuyên truyền cổ động phải rầm rộ, hết sức như thế, mới đập vào mắt nhân dân và khiến nhân dân phải đọc, phải xem và dĩ nhiên, phải quán triệt!". Nói là nói thế, nhưng với mình, đi qua những đoạn này, có thách kẹo cũng chẳng dám đọc. Đang lái xe giữa đường mà hóng đọc từng khẩu hiệu, không đâm vào vỉa hè - lề đường thì cũng phi vào người khác. Lúc nằm lăn ra rồi, mới thấy thiệt thân!..

Mình nghĩ ra rồi: Hoặc là dừng xe để đọc hoặc bắt người ngồi sau tanh tách chụp hộ, để tối hoặc lúc nào rỗi rãi thì đọc lại. Nếu không, để lúc khác. Tháng 9 năm nào, chả đỏ rực cờ hoa... 
------------------------------------------------------------------------------------------------

Thị trấn Tuần Giáo, Điện Biên

TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên)

xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh

Thôn Chùa, xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh


Thị xã Cửa Lò, Nghệ An

"Mẹ khỏe, con ngoan..." đứng đầu dãy khẩu hiệu

Hồ Xá, Vĩnh Linh, Quảng Trị

Sau biển cấm là... nghiêm chỉnh

3 màu

kèm khẩu hiệu


8 tháng 9, 2011

HÂM CU ĐƠ

Cu Đơ và Hâm Đơ sinh đôi, giống nhau như đôi tông Lào. Lạ lắm nhé!. Cu Đơ ốm, thì kiểu gì Hâm Đơ cũng đi Bệnh viện. Kinh niên 30 năm nay.

Một ngày, Cu Đơ lấy vợ, tên Thị Xoan, xinh nhất làng. Hâm Đơ cũng nằng nặc đòi lấy, dù chưa có mảnh tình giắt sịp.

Song thân, họ hàng tá hoả tam tinh. Hâm Đơ dọa: "Không lấy vợ cho tôi là không xong!", lại đá mắt nhìn Cu Đơ bảo Thị Xoan: "Liệu hồn, xểnh ra là tôi... chén đấy!".

Chết thật! Chả biết Hâm Đơ dọa thật hay giả, nhưng hai anh em giống nhau như đôi tông Lào thế kia, biết đâu đấy, nhỉ?..

Hai anh em ở chung nhà với song thân già cả. Ngoài việc đồng áng cấy cày, còn tranh thủ buôn gà ngoài chợ huyện. Làm ăn ngon phết.
Thị Xoan ngày càng phởn, tơ nõn như gái hôm rằm.Phải tội 5 năm chả thấy chửa đẻ. Hâm Đơ cũng không thấy dọa dẫm chuyện cưới xin, hay... đánh chén Thị Xoan.

Ngày đẹp giời, mỗi Hâm Đơ bán gà chợ huyện. Cu Đơ chở Thị Xoan đi viện. Về, thấy Thị Xoan ngồi bậu cửa rưng rức khóc, Cu Đơ bó chân nghiêng người, nằm kiểu tôm càng hấp bia, úp mặt vào tường.

Song thân hỏi: "Sao? Sao?", cấm thấy nói. Hâm Đơ điên, gắt um nhà.

Ngày đẹp giời, mỗi Cu Đơ bán gà chợ huyện. Hâm Đơ ở nhà cất gà, nhồi bánh đúc. Thị Xoan ra bậu cửa ngồi tỉ tê, xỉa ra tờ giấy bảo: "Xem này! Xem này!". Hâm Đơ xem xong, khạc ngay bãi nước bọt vào bu gà đang quang quác, chửi đổng: "Đàn ông mới chả đàn ang, như buồi!".

Thị Xoan ngày càng đẹp tợn, lại hay lượn lờ sinh hoạt với đám giai làng, già cả lẫn non tơ.

Song thân nhà chồng ngăn không được, mắng không xong, lúc nào cũng lầm bẩm bóng gió: "Gái có chồng mà chả lo việc nhà, cứ phởn phơ lo việc thiên hạ".

Chán, đi lại xui Cu Đơ quát nạt, nhưng lại bị Cu Đơ quát lại cho là "già cả, lắm nhọt".

Hâm Đơ chả nói gì, cần mẫn cất gà, nhồi bánh đúc, thi thoảng lại lé mắt trông ngang. Chả biết nhìn gà hay nhìn ai.

Ngày đẹp giời, mùa hạ, nắng cực. Gà chết tiệt vì dịch. Việc bán buôn thôi xong.

Hai thân già lắm nhọt, hai đôi tông Lào tráng niên, một thân đàn bà phơi phới, chỉ biết ra ra vào vào, chè tàu thuốc lào vặt lo hai bữa cơm. Chán kinh người.
Ngày đẹp giời, mùa hạ, nắng cực. Mất điện. Hâm Đơ bảo: "Ngột quá! Lên tỉnh chơi, có điện thì về!". Đi liền ba hôm. Ngày về mua hẳn cho Thị Xoan một con Nokia đại hạ giá bốn trăm ngàn.

Thị Xoan chửa vượt mặt. Cả nhà vui như hội. Cu Đơ chăm vợ như chăm em bé, tỉ mẩn, cẩn thận, ân tình thôi rồi.

Hâm Đơ buôn gà cật lực, mồm lúc nào cũng hót sáo véo von, bất kể khi cân đếm hay nhồi bánh, cất gà.

Ngày đẹp giời, mùa xuân, đẹp phơi phới, Thị Xoan song sinh, hai giai, lại giống nhau như đôi tông Lào.

Phải mỗi cái tội chả đứa nào giống Hâm Đơ và Cu Đơ, hay ít ra cũng giống tí ti song thân già cả. Bỏ mẹ!

Song thân chết. Cu Đơ, Hâm Đơ tóc cũng đã bạc.

Ngày đẹp giời tạc thù với thịt gà rù cười oang oác, rằng: "Anh em mình đéo có gì!. Tự dưng lại có bánh mì...sinh đôi!".

Nguồn: Tuân Phẹt
------------------------------------
* Hình ảnh trong bài viết là hình tư liệu, phản ánh cuộc sống, sinh hoạt của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam (giai đoạn 1898-1926) và chỉ mang tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

7 tháng 9, 2011

ĂN CƯỚI - KẾT NẠP ĐẢNG - HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG?..

Đông Ngàn  - Sáng nay (/9/2011), đi lĩnh lương hưu, tạt vào chơi với mấy ông bạn thì chúng rủ đi ăn cưới con đứa bạn. Không được mời nhưng là chỗ quen thân, mình bèn tra tiền vào phong bì, rồi đi cũng chúng nó.

Điểm dừng là một Hội trường lớn ở phố Nguyễn Cảnh Trân, chú Công an áo xanh đứng gác ở cổng, nghiêm trang chỉ chỗ cất xe. Hội trường lớn của Ban Tuyên giáo Trung ương, bây giờ cũng cho thuê đám cưới.

Ông Chủ tịch một Hội, ngồi cùng tôi chỉ lên sân khấu chính: "Anh xem, trang trí thế này thì là đám cưới, hay kết nạp Đảng, hay Hội nghị Trung ương?". Tôi há hốc mồm nhìn lên: Cụ Hồ ngồi vêu, đói; cờ búa liềm buông thõng...

Chả biết nói thế nào. Ông Chủ tịch Hội bảo tôi: "Thì ra bây giờ, cứ có tiền là chỗ nào cũng vào thuê được. Kể cả chỗ linh thiêng quan trọng!".

(Mình chợt nghĩ láo lếu: Giá bây giờ lấy vợ, mình sẽ thử vào Chủ tịch Phủ thuê cưới trong đó. Có khi cũng xong!!!).
---------------------------------------
* Nguồn bài viết: http://dongngandoduc.multiply.com/photos/album/299/299#
* Mai Thanh Hải Blog đặt lại tít bài và trình bày lại hình ảnh minh họa của bác Đông Ngàn.

THƯƠNG VẬY MỚI LÀ THƯƠNG

Đàm Hà Phú - Sau buổi câu thất bát, chỉ được vài con cá nhỏ, chúng tôi tụ tập ở một căn chòi coi tôm để nhậu với anh chủ đầm, một người Bến Tre gộc, anh có bộ râu hùm rất đẹp.

Buổi nhậu có thêm vài người coi tôm ở các đầm lân cận, mồi thì có tôm nướng (dĩ nhiên), cá đối, cá tráp chiên dòn...  rượu trắng ở đây mằn mặn, cay nồng nhưng khá ngon.

Chúng tôi ngồi dưới tán một cây me già, tôi cứ thắc mắc mãi chẳng hiểu sao nó có thể sống khỏe mạnh, tỏa tán xum xuê ở vùng nước mặn này.

Có một anh nọ có bà con với anh chủ đầm, cũng là dân coi tôm, ghé qua cho mấy con cá, uống vài chén rượu rồi xin phép về, sợ lát nước xuống anh về không được. Anh này có gương mặt đẹp trai nhưng rất buồn, áng chừng trẻ hơn tôi vài tuổi, tạm kêu là anh Út.
Khi anh Út về, tôi có nói rằng tôi cảm thấy rất mến anh này, người hiền quá, chơn chất như một cây bần.

Mọi người cho hay: "A! Thằng Út hả!. Ừ! Nó hiền nhưng mà nổi tiếng khắp vùng này đó. Không phải tài giỏi gì, nó nổi tiếng vì nó lấy một con vợ Ếch!". "Vợ Ếch?" - Chuyện bắt đầu được kể.

Hóa ra cô vợ Ếch của anh Út không phải là một nàng công chúa bị lời nguyền của mụ phụ thủy biến thành con Ếch.

Cô gái, cũng tạm gọi là cô Út, là con gái một lão nông ở trong vùng, nghe đâu cũng từng duyên dáng mặn mà, nhiều người theo đuổi lắm. Hai người bén duyên nhau từ lúc còn đi học, anh Út qua mặt các chàng trai khác nhờ vẻ hiền lành, thiệt tình của mình.

Hết đi học, anh Út ra đầm phụ làm tôm, mấy năm đó làm tôm thất bát, cũng chỉ đủ ăn. Cô Út xin phép cha lên thành phố làm nghề hớt tóc, mỗi tuần vẫn về thăm nhà một lần, càng lúc càng xinh đẹp hơn.

Hai người nghe đâu cũng bắt đầu có chuyện, thấy anh Út buồn buồn, uống rượu đi ca hoài. Rồi một hôm nọ, cô Út về thăm nhà lúc nửa đêm, về cho ông già một cây vàng rồi từ biệt, nghe nói đi làm ăn xa với anh kép mới, dân thành phố.

Cô Út đi rồi thì anh Út càng buồn, ra ngoài đầm cất cái chòi ở luôn, gạo muối thì mua của mấy lái tôm, anh biền biệt không thấy về xóm nữa. Một câu chuyện phụ tình, tham phú phụ bần như bao câu chuyện tình boléro kinh điển khác. Vậy thì đâu có gì để nói.
Mấy năm sau, bỗng nhiên cô Út trở về nhà cùng với một cô gái khác, cô gái này chỉ tá túc nhà cô Út vài hôm rồi lên thành phố, nghe đâu cô đứng ra tố cáo một đường dây lừa đảo chuyên dụ dỗ các cô gái sang Cambodia làm nô lệ tình dục.

Cô Út có vẻ tàn tạ hơn, đau bịnh triền miên, ông già đưa lên thành phố khám bịnh rồi lại đưa cô trở về, không thấy chạy chữa gì.

Một đêm mưa gió (kể vậy cho nó thêm phần cao trào boléro), cô Út bỏ nhà ra ngoài đầm tôm sống hẳn với anh Út. Hai người sống với nhau như vợ chồng, không cần hỏi cưới, cũng chẳng thấy ông già cô Út nói gì, ai hỏi ông cũng chỉ im lặng, hoặc quấn thuốc hút để né câu trả lời.

Anh Út vui vẻ hơn, làm lụng cũng có vẻ phấn khởi, siêng năng hơn trước nhiều, cái chòi lúc nào cũng thấy có lửa khói chứ không lạnh lẽo như trước.

Những người lái tôm kể rằng cô Út bị bịnh nặng hung, chỉ nằm trong chòi, tuyệt không thấy ra ngoài, chỉ nghe tiếng cô ho sù sụ. Người ta đồn tùm lum, nhưng tất cả cũng chỉ là tin đồn, không ai biết chuyện gì.

Cô bạn trở về cùng cô Út có xuống thăm, không gặp cô Út, cô gửi chút bánh trái cho ông già rồi quay đi liền. Nhưng người lái xe ôm chở cô bạn xuống thăm hôm ấy hơi nhiều chuyện.

Anh nói với mọi người rằng: "Tui chở cô này xuống thăm bạn bị Aids!. Nghe đâu đến giai đoạn cuối!". À! Lúc này thì mọi người mới vỡ lẽ, thì ra cô Út bị Aids. Bịnh này hồi xưa kêu bằng Sida đó, bị là chỉ có nằm chờ chết thôi, không có thuốc chữa. Hèn chi!..

Chuyện anh Út sống với cô vợ Ếch (Aids) mau chóng thành chủ đề bàn tán của cư dân cửa biển này. Nhiều người thì nói anh Út khùng, điên, ngu… "Người đâu mà ngu quá!".

Nhiều người khác dặn dò nhau đừng lại gần anh Út, chắc cú cũng lây bịnh rồi, bịnh đó lây dữ lắm, "may mà tụi nó ở tuốt ngoài đầm"..; chỉ một vài người nói anh Út chung tình.

Người chung tình vậy khổ lắm, nhưng mà thời nay khó kiếm, chỉ còn vài người thôi.

Rồi Cô Út cũng mất, gần một năm trước bữa nhậu hôm đó, người ta biết khi thấy anh Út ngồi trên bến khóc hu hu mấy ngày trời. Ông già cô Út nghe chuyện, chạy vỏ lãi vô đầm, lẳng lặng chở cô về làm một cái đám nhỏ, chỉ vài người trong nhà.

Chuyện là vậy, chuyện anh Út lấy cô vợ Ếch, chuyện tôi nghe kể lúc trà dư tửu hậu, chép ra đây hầu chuyện.

Anh chủ đầm hôm đó nói: "Thằng Út nó khỏe ru. Nghe lời ông già đi khám rồi, không có lây bịnh gì ráo. Thằng đó hay lắm, thương vậy mới gọi là thương! Uống cái bây!".

Ừ thì uống cái!.Ủa! Sao giữa vùng đất phèn chua nước mặn này lại có cây me xanh tốt quá trời, phủ lá mát rượi; ngắt nắm lá me non nhai chung với miếng thịt con cá đối trắng phau rồi ngửa cổ làm chung rượu, trời đất, ngon thần sầu luôn... Yêu quá miền Tây ơi!.
--------------------------------------------------------------------
* Tít bài do Mai Thanh Hải Blog đặt lại, tựa nguyên bản của bài viết là "Cô vợ Ếch"
* Hình ảnh trong bài chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết

THẤY XẤU HỔ, KHÔNG CHỈ Ở THÁI LAN

Tờ giấy cứng khổ to, đặt hoặc dán ở những địa điểm bán đồ ăn tự chọn ở Thủ đô Băng Cốc (Thái Lan), có nhiều khách Việt Nam lui đến, khiến không chỉ mình và rất nhiều người Việt, khi nhìn thấy, cảm giác xấu hổ. Mình chắc rằng, những du khách quốc tịch khác, khi ngồi cùng phòng ăn với người Việt, khi nhìn thấy những dòng chữ này, sẽ hỏi nhân viên phục vụ về nội dung dòng chữ và chắc chắn sau đó, sẽ nhìn người Việt bằng con mắt khác. Dẫu xấu hổ và hơi... nhục 1 chút, nhưng ý thức được lời nhắc nhở và tuân thủ theo chúng, có lẽ vẫn còn hơn rất nhiều, so với những người đã biết mà vẫn mặc kệ, phớt lờ, không thực hiện. Thay đổi 1 thói quen, không hề đơn giản và phải có quá trình, thậm chí bằng những chế tài cứng rắn, cho nhớ - cho chừa. Thế nhưng, ngẫm đi ngẫm lại, có những thói quen, mới hình thành và xuất hiện, nhưng đã nhanh chóng ăn sâu vào óc, ngấm vào máu và bám chặt vào tư tưởng... Đơn cử như sự sợ hãi THẰNG HÀNG XÓM XẤU TÍNH, cun cút lo sợ đồng bào mình sẽ làm gì đó để nó khó chịu... Những thói quen này, bao giờ mới sửa được và biết bao giờ người dân Việt mới hết tự xấu hổ, tuy chẳng bao giờ có bảng nhắc chế tài, như lấy thừa thức ăn?..    

6 tháng 9, 2011

ĐI CHỢ SÀI GÒN

Đàm Hà Phú - Đến đâu ở Việt Nam, chỗ đầu tiên bạn được khuyên nên đến thăm, chính là cái chợ.

Ở đó, có những thứ bạn cần cho một chỗ ở mới, có các sản vật từ thiên nhiên đến nhân tạo và hơn hết, ở đó đặc sệt một thứ văn hóa vùng miền.

Cho dù bạn có thích hay không, thì bạn cũng phải ít nhiều hít thở, chia sẻ và gắn bó với bầu không khí ấy.

Không ai có thể nói hết, Sài Gòn có bao nhiêu cái chợ. Ý tôi là chợ chính thức được bản đồ ghi nhận, chứ không kể các chợ chồm hổm, chợ chiều, chợ chạy, chợ lạc xoong, chợ chìm, chợ đen, chợ…búa.

Sài Gòn nhiều chợ kinh khủng: Từ lớn lớn như chợ Lớn,  chợ Bến Thành, chợ An Đông đến nho nhỏ như cái chợ phường, chợ xóm; từ chợ bán buôn từng mặt hàng riêng biệt như chợ vải, chợ cá, chợ rau, chợ hóa chất, chợ phụ tùng… đến những cái chợ bán hầm bà lằng xắng cấu như chợ Nhỏ, chợ Dân Sinh...

Dù là chợ gì thì luôn đậm đặc không khí của một Sài Gòn, năng động, tình cảm và phóng khoáng.

Người ta lo ngại cho số phận những cái chợ, một khi hệ thống siêu thị bán lẻ tràn ngập khắp thành phố. Các siêu thị càng ngày càng lớn, hàng hóa đa dạng, dịch vụ hoàn hảo và rất nhiều tiện ích khác.

Nhưng chợ vẫn còn đó, dù vẫn nóng, vẫn dơ, vẫn ồn áo và náo nhiệt, nhưng vẫn không ít khách hơn là mấy.

Có lẽ vì người ta đi chợ đôi khi không phải để mua hàng, người ta đi chợ như đi thăm người quen vậy, ở đó luôn có thứ tình cảm mà ở siêu thị không có.

Có lẽ vì người ta đi chợ không phải vì giá ở chợ rẻ hơn, người ta đi chợ để được gặp nhau, được nghe, được nói, được chào hỏi…

Ở Sài Gòn, khi vô trong chợ, bạn được coi như người nhà, người ta kêu bạn bằng đủ thứ tên hoặc đại từ nhân xưng.

Nếu bạn còn trẻ, bạn thường được gọi là “cưng”, “con”, “em gái”, “chế” hoặc kêu những cái tên do người ta đặt ra như “chị Hai, cô Ba”...

Còn nếu lớn tuổi bạn có thể được gọi là “má”, “ngoại” hay “gì Hai, thím Hai” rồi xưng con ngọt xớt.

Ở Sài Gòn, khi đi chợ bạn luôn nhận được những tiếng mời chào dễ thương, đến nỗi cho dù có đủ gan từ chối bạn cũng không thể không mỉm cười cảm ơn: “Nè cưng, ngồi xuống ăn ly chè mát đi!”, hay: “Má ơi! Vô đây con thử đôi guốc này coi vừa chưn hôn má, không mua cũng được!”…

Nếu là đàn ông đi chợ với vợ, thì bạn cũng được chào mời, dù biết bạn chẳng mua gì: “Em trai ngồi ghế chơi đi để chị chọn đồ cho bà xã hen. Uống café hôn để chị kêu!”.

Nếu vô coi hàng rồi mà không ưng ý thì cũng đừng ra mặt kẻo người bán họ buồn, nếu không ưng thì cứ cảm ơn rồi đi, bạn sẽ vẫn nhận được nụ cười tươi như khi bạn đến: “Bữa khác ghé lại nghen mấy cưng!”.

Ở Sài Gòn đi chợ phải ăn mới đúng điệu, chợ nào cũng có hàng ăn, ngay trong chợ hoặc phía sau, bên hông, hoặc giả đâu đó mà bạn không cần biết.

Hàng quán đôi khi xập xệ và tạm bợ, lại còn trông hơi mất vệ sinh, vậy chớ ăn ngon lắm, đồ ăn nóng hổi và đầy đủ gia vị.

Thường mỗi hàng một món, có chỗ chuyên bán nước, có chỗ chỉ bán đồ ăn sẵn. Nhưng đừng ngại, bạn có thể ngồi ở hàng phở mà kêu tô bún bò cũng có người bưng tới.

Có thể ngồi ở hàng café mà kêu cơm tấm cũng được phục vụ vui vẻ. Cũng có chỗ thì thì bạn có thể uống trà đá miễn phí, đến đã khát thì thôi.

Có lần tôi đi ngang một chỗ bán quần áo ở chợ Bến Thành, thấy chị bán hàng đang ăn bún riêu, tôi buột miệng nói: “Nhìn ngon quá!”.

Chị ngước mặt đầy mồ hôi, nhìn tôi sởi lởi: “Ngon dữ! Ăn không? Ngồi đây đi em trai, chị kêu vô cho. Một phút có liền. Ăn đi chị bao mà!”.

Từ đó, tôi là khách của bà bán bún riêu chợ Bến Thành, lần nào ghé cũng 2 tô đúp. Tôi có thể nói ai đi chợ Bến Thành mà chưa ăn bún riêu của bả thì coi như chưa biết chợ Bến Thành vậy.

Đi chợ ở Sài Gòn cảm giác lạ lắm, người bán luôn tìm cách làm vừa lòng bạn như không hề vụ lợi.

Ở chợ, bạn được coi như thân tình, như bà con, như bạn bè. Bạn có thể trao đổi với người bán về chuyện học của con bạn hay chuyện ông hàng xóm khó chịu của bạn.

Bạn luôn được lắng nghe và chia sẻ. Bạn luôn được động viên và giúp đỡ rất chân tình.

Nếu bạn đang ở hàng quần áo và sực nhớ là muốn tìm một bộ chén, thì người bán quần áo sẽ dẫn bạn tới chỗ bán sành sứ, và giới thiệu rằng "bạn là anh/chị/em/bà cô/ bà dì của họ…", rằng bạn phải được "mua giá sỉ, rằng bạn là VIP"... Bạn nghĩ tất cả chỉ là hình thức ư?.

Không hề!. Thiệt tình đó bạn và bạn không bao giờ cảm thấy phiền vì điều đó.

Cho dù có mua phải một món hàng bị hớ giá, hoặc tìm không ra món đồ mình thích. Bạn sẽ luôn nhận được những món quà bất ngờ cho dù bạn không đòi hỏi: Mua chục trái cây được mười lăm, mười sáu trái; mua hai cái áo tặng thêm cái nón; mua có cái bóp được đãi ly cafe... không phải hàng khuyến mãi đâu bạn, đó là tấm lòng, hãy nhận bằng cả tấm lòng.

Có lần tôi mua một sợi dây nịt với giá 200 ngàn, khi đi một vòng tôi phát hiện cũng sợi dây nịt đó được bán chỗ khác với giá 120 ngàn. Tôi quay lại cười với gã bán: "Nè anh!. Sợi dây này bên kia bán có 120, sao nãy anh bán tôi 200?".

Gã cười xềnh xệch: "Chắc em lộn giá!. Thôi để em đền anh cái bóp xịn hen. Bóp này hàng hiệu luôn, giá tới năm trăm đó!". Tôi coi cái bóp thấy cũng ưng ý, dù biết tỏng nó chưa tới tám chục, cũng vui vẻ cầm.

Sau này mỗi lần ghé, gã đều nói: "Anh cứ đi một vòng, chỗ nào bán rẻ hơn em đền anh gấp đôi, còn bao anh café nữa!".... Thiệt!. Nói vậy chớ tôi chẳng hỏi ai bao giờ, tôi tin gã.

Vợ chồng tôi, trước có hay mua đồng hồ ở cổng chợ Bến Thành, mỗi lần một cặp. Sau này mỗi lần đi vô chợ, là chị bán đồng hồ lại kêu lại, nói: "Thằng Hai!. Chị để dành cho tụi em cặp này bữa giờ!. Đẹp lắm, giá gốc luôn! Hàng xịn đó!".

Lần nào cũng một cặp nữa. Riết không dám đi cổng chính. Toàn quẹo vô chợ từ bên hông chợ. Vì đi cổng chính, thể nào cũng mua một cặp. Không thể từ chối chị được.

Có lần chúng tôi đi du lịch, vợ tôi gặp một phụ nữ khác cũng đi với gia đình. Cô bạn kia cũng chào tôi và tỏ ra mừng vui không xiết. Thế là hai bên xúm lại, trò chuyện, giới thiệu chồng, con, gia đình rồi cùng ăn uống vui vẻ.
Tôi cứ nghĩ đó là một cô bạn thân của vợ tôi, mà tôi chưa biết. Sau khi chia tay nhau và cùng hẹn sẽ đi Thái Lan, tôi hỏi lại vợ xem "Bạn này là thế nào", thì vợ cười ha hả: "Anh không nhớ hả?. Là nhỏ bán túi xách ở Chợ Sài Gòn đó!".
….....
Không ai có thể nói hết Sài Gòn có bao nhiêu cái chợ. Cũng như không ai có thể nói hết tấm lòng người Sài Gòn.

Đôi khi bạn đi chợ không phải để mua bán gì. Đôi khi, chỉ là để được nghe một câu nói: “Nè cưng! Lâu quá không thấy ghé!”...
-------------------------------------------------------------
* Hình minh họa: Mai Thanh Hải Blog sưu tầm từ Tư liệu TP. Sài Gòn những năm 1960-1970