28 tháng 1, 2012

LÊN Y TÝ XEM ĂN CƠM CÓ THỊT

Mai Thanh Hải - Nói đến địa danh Y Tý, may ra có 1 số dân phượt và anh em Bộ đội Biên phòng Lào Cai biết.

Nói là xã phía tây của huyện Bát Xát (Lào Cai) thật đấy, nhưng cái xã vùng cao hun hút này (phía Nam giáp xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu và phía Tây giáp với anh bạn láng giềng to xác tham lam Trung Quốc bằng con suối Lũng Pô, với chiều dài đường biên khoảng 17km), cách huyện lị Bát Xát (tiếng là huyện vùng biên nhưng hết thảy Huyện ủy - UBND và các Ban ngành đều ung dung nằm phía dưới, cách TP. Lào Cai chỉ chục km, khi có chuyện, chả hiểu họ "chỉ đạo - điều hành" và... đối phó, chống trả thế nào), khoảng gần 100 km về phía Tây bắc.

Xã Y Tý có tới 15 thôn bản, nằm hết ở những nơi có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi cao và tự trung, cả xã nằm trên vùng núi đá có độ cao hơn 2000 m, mang tên Cao nguyên Y Tý. Lên Y Tý, ngoài một số anh em Bộ đội, giáo viên, cán bộ... là người Kinh, còn lại rặt đồng bào  các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì và đặc biệt là người Hà Nhì đen, một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam sinh sống.

Lần trước mình lên Y Tý, cứ hớt ha hớt hải bởi con đường từ Bản Vược chạy dọc theo bờ Sông Hồng đang làm dở dang, ngồi trên xe Uoat chuyên dụng của Bộ Tư lệnh Biên phòng, ngược hun hút lên núi cao, tim cứ nhảy loạn trong ngực.

Một ngày ở Đồn Biên phòng Y Tý (Đồn 273), loanh qua loanh quanh toàn chuyện tuần tra, đếm mốc và đẩy đuổi - đối phó với lũ trộm ngày, cướp đêm ở phía bên kia biên giới. Giải lao giữa giờ làm việc - nói chuyện, lại khề khà rượu thóc.

Mà đã "giải lao" với mấy ông Biên phòng vùng biên giáp Tàu, thì không "chết" cũng "hy sinh", bởi từ lãnh đạo đến chiến sĩ, đều uống như voi uống Philatop.

Mình uống 1 trận, đổ kềnh ra nhà, chả biết gì.

Sáng sau, tỉnh giấc đã thấy ngoài sân các ông ấy tỉnh như sáo sậu, trần trùng trục giữa sân xi măng lạnh cóng, nhảy rầm rập hô váng: "Khỏe! Bảo vệ Tổ quốc. Khỏe! Xây dựng Quân đội", cứ như chiều tối qua, cái chuyện uống phát hết vài cốc thủy tinh Liên Xô rượu, là chuyện ở mãi đâu đâu.

Nhắc chuyện uống rượu Y Tý, mấy ông Biên phòng Y Tý hồi ấy tỉnh bơ: "Không uống rượu thì biết làm gì, ở cái nơi đi vài ngày đường mới tới này?"...

Ngày Tết rộn ràng này trở lại Y Tý. Chả ngu gì đi cung đường khốn khổ, tổn thọ ngày trước, mà thẳng tiến từ Sa Pa - Pa Cheo - Mường Hum - Dền Thàng cho nó lành. Quả là có lành thật, nhưng nhiều lúc cũng muốn rớt tim vào hàng phở, làm cháo tim cật, bởi con đường be bét, lổn nhổn, sạt lở và bé tý giữa cao hút núi, thăm thẳm đèo, sầm sập dốc.

Gần đến Y Tý, trời lạnh khuyến mại thêm mấy ngày mưa, khiến tất cả chung chiêng trong mây mù, sương giá và lạnh xuống đến 3 độ C, có bị thằng đểu nào thò kéo cắt tai, chắc cũng chả biết.

Lạnh thì Y Tý vẫn vậy. Khổ thì Y Tý vẫn... thế. Cái xã điểm cao vùng biên xa xôi nhất tỉnh Lào Cai này, mình cảm giác như bị... lãng quên, từ khi kết thúc cuộc chiến trang giằng co biên giới 1979 - 1989.

Té ra, cũng không hẳn vì thế: May mà "Đảng - Chính phủ" vẫn nhớ, đầu tư cho con đường đi lại - tiện thể làm "đường Tuần tra biên giới", kéo từ huyện lỵ Bát Xát, lên A Mú Sung và tiếp tục ngược lên biên giới, giữ đất.

Cái may nữa và thiết thực nhất (lời của các thầy cô giáo và anh em Bộ đội Biên phòng), là cái Chương trình "Ơm Ịt" cũng lọ mọ bò được lên Y Tý và ngay lập tức được thực hiện bằng tiền mặt nhận tận tay, đồ ăn uống - nấu nướng - áo quần - trang thiết bị phục vụ việc ăn - dạy - học của bọn lít nhít Mầm non, cũng được chuyển đến tận nơi sử dụng, toàn đồ mới cứng - vẹn nguyên và không qua bất cứ bố con thằng trung gian nào cả.

"Ơm Ịt" - Khái niệm này, có lẽ hơi lạ với nhiều người. Nhưng với hàng vạn đứa trẻ con dưới 5 tuổi học Mẫu giáo ở khắp các thôn bản, xã huyện của các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên... thì đó rất thân quen, bởi hàng ngày chúng vẫn ngọng nghịu gọi tên, từ "Cơm thịt".

Thiết thực lắm chứ: Mỗi người trong cộng đồng góp 1 tý tiền bạc, đồ dùng, công sức... thế là đều đặn hàng ngày, bao nhiêu "em là búp măng non, em lớn lên trong mùa cách mạng" có 1 bữa ăn trưa theo đúng nghĩa, với cơm trắng và thịt lợn, có áo ấm 4 lớp dày khự và ủng đi núi, tất quấn chân, khăn quàng cổ, thảm lót lưng...

Ăn xong, cả đám chúng nó lại lăn ra thảm chống rét xanh đỏ của "Ơm Ịt", đắp chăn bông của "Ơm Ịt", ngáy khìn khịt như... lợn con say sữa và đầu giờ chiều tỉnh dậy, có sức hò hét - hát ca "Có sách mới áo hoa đây là nhờ ơn Đảng ta"...

Mình chả so sánh bọn lít nhít Mầm non của Y Tý với bọn lít nhít ở những nơi khác, mà "Ơm Ịt" đã... "phủ sóng hoạt động" căng đét:

Sao mà so sánh được, khi chúng sinh ra đang lớn lên ở cái nơi, mà đi đến đâu cũng được cắm biển "Khu vực Biên giới" và chỉ dấn vài bước chân, là sang đất láng giềng đang nghĩ ngợi 2 chữ "Hữu nghị"?.

So sánh sao được, khi nơi chúng ở chỉ toàn núi đá - rừng già, từng hạt gạo, nhúm muối, giọt dầu... cũng phải cõng lên tiếp tế, từ dưới xuôi?.

Không ai dám so sánh, khi chúng lụi hụi - cần mẫn đến trường học trong giời rét vài độ, với chân trần, áo mỏng và đường đá chỉ ngựa thồ mới dám cùng đi?..

Và sao có thể so sánh được với những gì chúng sẽ mang trên vai, trong thì tương lai, để giữ đất địa đầu, cho phía sau yên ả?..

Lên Y Tý ngày áp Tết, nhìn bọn lít nhít Mầm non hùng hục ăn cơm có thịt, tự cười nhẹ nhõm cùng bao nhiêu người đi bên mình, bao người góp công của cho 117 đứa trẻ dưới 5 tuổi trong các điểm trường của Mầm non xã Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) có "Ơm Ịt" ăn trong năm học 2011-2012. Tự dưng mình lại lẩn mẩn:

Đến bao giờ, tất cả bọn lít nhít vùng cao - miền núi - vùng sâu - vùng xa quen với việc ăn cơm có thịt?.

Giá như, cái số tiền 650 tỷ đồng Ngân sách mà Nhà nước giao cho Ngô Bảo Châu (Giáo sư mới nổi lềnh phềnh nhờ cái thuyết Bổ Đề, nói ra người ta ít biết hơn... chùa Bồ Đề), để thành lập, duy trì cái Viện Toán "làm gì thì làm"... Số tiền ấy được trích phần nhỏ, rất nhỏ thôi cho bọn lít nhít bát cơm - miếng thịt ban trưa, thì chúng cũng đỡ đói bụng, đỡ bỏ học và biết đâu, như thế lại góp phần cho "miền núi tiến núi tiến kịp miền xuôi", cho đất nước "công bằng - văn minh" hơn, nhỉ?..
---------------------------------------------------------------------------------------------------------
 "CƠM CÓ THỊT" BUỔI TRƯA, TẠI TRƯỜNG MẪU GIÁO Y TÝ (BÁT XÁT, LÀO CAI)

Các thành viên Chương trình "Cơm có thịt" chụp hình lưu niệm với các con Y Tý, nhá!

Con lớn nhất lớp, nên con giúp cô chia cơm

Thịt đây và trứng đây

Mong đợi... thèm thuồng
Ăn uống phải có trật tự

Không được nói chuyện nên phải... nhìn trộm

Đừng xúc miếng to, kẻo nghẹn con nhé

Tiết kiệm là quốc sách: Không cho bất cứ hạt cơm nào vãi khỏi miệng
Hi! Hi! Dính hạt cơm lên má con rồi

Vẫn giữ thói quen cũ: Để dành thịt, chỉ ăn nhõn cơm không

Còn con thì nâng niu, chắt chiu cắn từng miếng thịt nhỏ

Mới thụ hưởng "Cơm có thịt" được vài tháng, con đã tăng 3kg rồi đấy
Ăn hết bát, sẽ được thêm suất ngay

Tớ chén nhanh chưa? Sắp hết rồi nè!

Bát to hơn người

Ăn hết cơm, mới chén đến... thịt trứng
Con cũng vậy, nên gọi là: Ăn vã thịt
Ai ăn xong, cũng xếp hàng cất bát nhá!

27 tháng 1, 2012

CỜ QUEN, CỜ LẠ?..

Cờ lạ?
Mai Thanh Hải - Dọc đường lang thang Tây Bắc - Đông Bắc mấy ngày Tết, ghé qua TP. Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), định kiếm thứ gì dằn bụng buổi trưa, lấy sức đi tiếp.

Cái vùng đất ngày xưa có tiếng là gái đẹp (bây giờ có bói cả ngày cũng chả thấy cái gì sánh với... chè Thái), mình chưa bao giờ thấy quen, bởi dân làm báo anh nào cũng ngao ngán khi đến làm việc với Tuyên Quang, ít khi đến đây công tác mà hoàn thành được công việc dính đến chính quyền - cơ quan quản lý.

Chính vì "lạ nhiều hơn quen", nên đi gần cả tiếng đồng hồ trong cái thị xã mới được "phong vượt cấp" lên thành phố, trong phong trào "tiến lên đô thị" diễn ra rầm rộ ở các tỉnh thành mấy năm qua, mình chịu không bói ra được quán ăn nào, mà chỉ thấy đỏ rực - vàng chóe cờ hoa, băng rôn khẩu hiệu kiểu như "Mừng Đảng - mừng Xuân", "Bài trừ tệ nạn xã hội"...

Thôi thì, không ăn được món... vật chất thì đành phải ăn... tinh thần. Nhưng có ăn mới thấy... khó nuốt bởi bao thứ kệch cỡm, khó hiểu và rất kỳ lạ.
Xiêu vẹo, gục đầu
Đơn cử như việc treo cờ Tổ quốc, cờ Đảng dọc các tuyến phố của thành phố: Người ta cắm san sát các cọc tre, đã được sơn hay bôi phẩm 2 màu trắng - đỏ như gậy gỗ của Dân phòng Hà Nội, phía trên lại buộc thêm 1 thanh tre ngang và... treo cờ lên đó.

Kiểu treo... cờ rủ này, khiến những tấm vải đỏ, có nhiều gió đến mấy, cũng khó mà bay phấp phới được.

Đã vậy, những cọc tre - thanh ngang lại xiêu vẹo, được chằng buộc bằng mọi thứ dây dợ, nên nhìn cờ quạt ngày Tết, cứ lôm nhôm, thò ra thụt vào, chúc xuống ngỏng lên, cái cao cái thấp...

Thế nhưng, hài nhất là cờ quạt chả giống ai. Cờ Tổ quốc, treo rủ nên chả biết sao 5 cánh hướng lên thế nào. Đã thế, có nơi lại treo cờ đỏ sao vàng với ngôi sao 5 cánh mập ú, béo ị như mèo máy Đôrêmon mà con gái mình rất mê.
Búa đâu? Liềm đâu?..

Chuyện "béo gầy" ở cờ Đảng còn tệ hơn: Chỗ thì búa liềm bé tý, gầy nhom như cành củi khô; chỗ thì búa liềm to đùng ngã ngửa...

Đặc biệt, trên đường 17-8, người ta còn treo cả những lá cờ, có lẽ là cờ Đảng với đặc trưng búa liềm, nhưng nhìn thì giống y như hình tượng con chim đang bay với "khổ chim" to đùng, chiếm gần hết diện tích nền đỏ.

Mình cố gắng thuyết phục cái đầu mình "Đấy là cờ búa liềm" và chia sẻ với con gái lớn.

Thế nhưng, con mình cứ nằng nặc: "Đó là biểu tượng chim bay - cò bay". Khi bị mình... "ép cung", con gái phụng phịu: "Nếu là búa, thì búa này chuyên... đập đá dăm và liềm, thì rơi mất cán!". Ối Giời ơi là Tuyên Quang!..

Cờ Đảng chuẩn
Kỳ lạ lắm, nên đành phải hỏi mấy ông bạn học, làm ngành Tuyên giáo và Thông Truyền. Mấy ông bạn mình leo lẻo đọc cả đống văn bản, để khẳng định: Bao năm nay, cờ Tổ quốc, cờ Đảng thường được may sẵn đúng quy cách. Cách thức treo cờ cũng đã được ngành chức năng hướng dẫn thực hiện, theo quy định chung.

Đặc biệt, nhiều địa phương, khu dân cư còn thống nhất chung về việc làm cột cờ, dây treo, khoảng cách và được thực hiện đồng loạt.

Các bạn mình cũng nhắc lại quy định với Tỉnh ủy - UBND và cán bộ, Đảng viên TP. Tuyên Quang: Lá cờ Đảng Cộng sản Việt Nam có nền màu đỏ thắm. Giữa lá cờ có biểu tượng Búa và Liềm biểu trưng cho sức mạnh của giai cấp công nhân và nông dân. Đầu búa hướng lên góc phải cờ; liềm ngửa hướng về góc trái cờ.

Lá cờ Việt Nam hình chữ nhật. Chiều rộng bằng 2/3 chiều dài. Nền đỏ, ở giữa có hình ngôi sao năm cánh màu vàng. Đường kính ngôi sao tương ứng 1/3 chiều rộng. Đỉnh ngôi sao quay lên phía trên.
Cờ Tổ quốc chuẩn


Việc treo cờ Tổ quốc, cờ Đảng trang trọng là thể hiện lòng yêu nước của một dân tộc yêu nước. Là thể hiện sự văn minh, hiện đại của một quốc gia văn minh, hiện đại.

Đó còn là sự thể hiện lòng tri ân của chúng ta đối với sự hy sinh xương máu của các anh hùng, liệt sĩ, cán bộ lão thành Cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do và vì màu cờ đỏ thắm của Tổ quốc...

Thế nhưng với những gì đã, đang diễn ra ở TP. Tuyên Quang những ngày qua (và hiện vẫn đang sờ sờ ngoài đường phố), mình cứ băn khoăn tự hỏi: Hoặc là người ta "treo cho có", đối phó với cấp trên; hoặc là người ta chả quan tâm đến cờ Tổ quốc, cờ Đảng; hoặc là người ta đang dần âm thầm tạo cho người dân địa phương quen với... cờ lạ; hoặc là người ta cố tình bôi bác Quốc kỳ - Đảng kỳ?..

Nếu không vì những lý do như vậy, thì kiểu treo cờ này sẽ bị phát hiện - chấn chỉnh ngay tức khắc, chứ chẳng sờ sờ giữa thanh thiên bạch nhật cả chục ngày nay... Thế mới thấy là anh Tuyên Quang dũng cảm và gan góc thật. Chả thế mà bao năm nay, vẫn tự hào là "Thủ đô gió ngàn", cái nôi kháng chiến...
---------------------------------------

Quy định treo cờ Tổ quốc và cờ Đảng trong các cơ quan Nhà nước và hộ dân:

1- Cờ Tổ quốc và cờ Đảng phải được may hoặc khi mua phải chọn những lá cờ được may đúng theo quy định hiện hành. Hướng Búa, Liềm trong cờ Đảng và đỉnh của ngôi sao 5 cánh của cờ Tổ quốc phải hướng lên phía trên.

2- Khi treo cờ, kích thước của cờ phải tương xứng với cột cờ hoặc cán cờ. Cột cờ, cán cờ phải bảo đảm tính mỹ quan. Không sử dụng các loại dây tạp để buộc vào cột cờ, cán cờ. Nên sử dụng ba loại dây: dây chì, dây gân, dây dù phù hợp với kích thước và màu sắc của cột cờ, cán cờ.
Cuộn đến mấy vòng

3- Tuyệt đối không treo cờ ở những nơi khuất tối. Không treo dưới những bảng hiệu, biển quảng cáo kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh, quán bar. Không treo cờ dưới những vật dụng trong nhà kém mỹ quan như: màn che, tấm che nắng, che bụi, sào (dây) phơi đồ…

4- Các lá cờ đã phai màu, rách, thủng, bắt buộc phải được thay mới. Lá cờ bị nhăn nhúm hoặc cuốn góc phải được làm thẳng lại trước khi treo.

5- Khuyến khích các Tổ dân phố, khu dân cư tổ chức làm cột cờ theo quy định chung được thống nhất trong tổ, khu dân cư. Đối với những nơi chưa thực hiện làm cột cờ theo quy định thống nhất thì mỗi nhà dân phải treo cờ nơi trang trọng nhất. Không treo cột cờ thấp đến tầm tay người đi đường để tránh tình trạng nghịch phá, níu kéo, làm bẩn lá cờ. Khi có kế hoạch làm cột cờ thống nhất trong khu dân cư thì chiều cao cột cờ tối thiểu phải trên 3,5m.
Lá cắm trong, lá cắm ngoài và... xiêu vẹo - gục đầu

6- Đối với các cơ quan chuyên trách, khi treo cờ trên các cột điện dọc theo đường giao thông (kể cả đường giao thông nông thôn), kích thước lá cờ, cán cờ phải tương xứng, hài hòa với từng loại cột điện. Khi gắn trên cột điện phải có biện pháp dùng dây chì, dây gân trắng để chằng giữ vị trí ổn định của cán cờ, lá cờ. Tuyệt đối phải có biện pháp để lá cờ không bị gió cuộn tròn dính chặt vào cán cờ. Khoảng cách tính từ mặt đường lên đến cán cờ tối thiểu là 3,5m.

7- Các trụ sở cơ quan nhà nước khi treo cờ trước trụ sở phải bảo đảm vị trí trang trọng nhất. Khi cần thiết treo cả cờ Đảng và cờ Tổ quốc thì phải treo cờ Đảng phía bên phải và cờ Tổ quốc phía bên trái.(Tính theo mặt chính diện trụ sở hướng ra đường).

8- Đối với các cơ sở thờ tự khi treo cờ Tổ quốc, nhất thiết cờ Tổ quốc không được nhỏ hơn, thấp hơn các loại cờ trong nghi lễ thờ tự.

9- Đối với văn phòng đại diện các tổ chức quốc tế, các Công ty nước ngoài, khi treo cờ Tổ quốc Việt Nam, nhất thiết cờ Tổ quốc Việt Nam không được nhỏ hơn, thấp hơn cờ các quốc gia khác.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TREO CỜ TẠI TP. TUYÊN QUANG


1 mình 1... cọc tre
Búa liềm mập ú
Dàn hàng như... cờ rủ?
Búa liềm chỗ này gầy nhom
Vừa gầy vừa quấn vào... dây điện




25 tháng 1, 2012

CHIM TÂY BẮC

Mai Thanh Hải - Mình không khoái nuôi nấng bất cứ một con gì, nhất là... chim, bởi nuôi mỗi 1 con trong người, còn khó khăn, nữa là...

Thế nên đi Tây Bắc, thấy mọi người háo hức tìm chim, săn chim, xem chim và mua chim, mình lạ lắm.

Càng lạ hơn, khi phong trào bắt chim - bán chim đang lây lan khắp đất Tây Bắc, cứ như không bắt và bán bây giờ, sau này chả còn gì mà chơi, mà ngắm nữa.

"Phong trào" này cũng giống như hồi xưa, phong lan rừng sốt xình xịch, đi đến đâu cũng thấy bà con đồng bào thiểu số nghễu nghiện dắt dao quắm, vác lan rừng ra ven đường mời chào "bọn Kinh" mua. Mà có thấy hay, thấy thích mua về, cũng chỉ vài hôm là chết ngóm. Nếu may mắn không chết, cũng còi cọc, lay lắt loe ngoe đến tội.

Cái ngữ chim Tây Bắc bây giờ có lẽ cũng giông giống vậy. Mình đã thấy khối ông anh mình, hì hục tìm chim - mua chim và nắn nót mang về Hà Nội. Nhưng chưa tới địa phận Thủ đô, chim đã chết ngoéo. Tiếc đứt ruột nhưng cũng đành chịu, tạch luôn ước mơ sáng dậy sớm uống trà, nghe chim hót líu lô.

Mình thấy cứ như mấy chú em Biên phòng Đồn A Pa Chải, Leng Su Sìn lại hay: Quây lưới B40 xung quanh, lợp mái và đặt vài thân cây bên trong, giống như trong công viên Thủ Lệ, nuôi chim cho bà con đến chiêm ngưỡng. Ở Đồn Leng Su Sìn, phòng chiến sĩ nào cũng lủng lẳng lồng chim. Hỏi, anh em cười: "Không nuôi chim thì biết làm gì hở anh?". Ừ! Thế cũng hay. Nuôi ngay tại chỗ cho "hợp thổ nhưỡng", chả con nào chết mà còn có tác dụng giải lao, giải trí và thư thái, nơi hoang vắng, xa hút biên cương...
------------------------------------------------------------------------------------------------------

Ngồi trên xe, chộp được cảnh mấy chú công nhân làm đường mang chim về xuôi

Hàng chim trên đỉnh đèo Thung Khe (Hòa Bình - Sơn La)

Bắt chim vào lồng

Lổn nhổn lồng chim

Em gái nâng chim
Mặc cả - bán chim tại chợ đường biên A Pa Chải

Sờ chim

Rét run cầm cập

Chả biết loài chim gì

Lồng chim trong Đồn Biên phòng A Pa Chải

Bán hay không thì bảo

Mặt gian hơn... lồng chim
Vườn chim nuôi trong Đồn Biên phòng Leng Su Sìn
Chim của Đội Vũ trang, Đồn Leng Su Sìn
Chim của Bộ phận Vô tuyến điện
Các thể loại chim ở Đồn 405