8 tháng 6, 2013

SỐNG TRÊN TÀU HẢI QUÂN

Những Thông báo này, đã quá quen thuộc trên những con tàu Hải quân, đặc biệt là lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của Tổ quốc ta. Thời gian công tác trên biển, có khi kéo dài cả năm và hoạt động, bất kể các điều kiện thời tiết nên việc tiết kiệm đồ ăn - nước uống là điều cốt yếu để duy trì sự sống, có sức khỏe đối chọi - ngăn chặn các hành vi  gây hấn, xâm lấn của đối phương. Cảm ơn các anh, những người lính tàu, đã thầm lặng chịu đựng, hy sinh từ những nhu cầu bình thường nhất của con người, để giữ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông.

7 tháng 6, 2013

THƯ VIẾT TỪ CỔNG TRỜI

Cát Khuê DĐTNXM - Anh của em!..

Nếu anh hình dung ra quãng đường em đã đi và sống trong 7 ngày vừa qua chắc anh chẳng muốn cho em có mặt trong cuộc hành trình này đâu, anh nhỉ?...

Em đã đi qua những cung đường mà 14 km có tới 11 nhà thầu, vừa làm vừa nhìn nhau. Làm mãi đường chẳng xong. Đoạn này vừa hoàn thiện đoạn khác đã hỏng.

Em đi qua cầu Nậm Má mới bị lũ cuốn trôi, nay đang được làm tạm. Chẳng có người hướng dẫn. Không nhìn nhau là có ngay cảnh hai con dê qua cầu.

Dòng Lô dường như vẫn còn hậm hực, chảy xiên xiết với những xoáy nước gợi nỗi bất an khó tả.

Vượt qua 318km ngầu bụi đỏ, rồi em cũng đến Hà Giang.

Chào nhau bằng một lượt rượu say đến ngất ngư. Em lơ mơ ngủ trong cái lạnh se đặc trưng của vùng cực bắc.

Buổi sáng vắng, em ngồi bên dòng sông Lô nhìn về phía đông.Chờ từ lúc ráng hồng đầu tiên xuất hiện cho đến khi mặt trời loè nhoè hiện ra.

Mỗi năm ít ra nên nhìn thấy mặt trời mọc một lần. Em vẫn nhớ lời dặn ấy... Nên mỗi chuyến đi xa em đều cố gắng dậy sớm chờ đợi, dù chỉ để nhìn mặt trời lên.

Điểm đầu tiên trong lộ trình của em là cao nguyên Đồng Văn. Bọn em đi trên Quốc lộ mang tên Hạnh Phúc và lại là gần 200km đường quanh co. Một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm.

Có sâu bằng lòng dạ đàn ông không anh? Rơi xuống, chắc chắn là chết, rơi vào anh, cũng mất mình mà, phải không anh?.

Những khúc cua tay áo, cua chữ M và một vài đoạn sụt đường sau lũ lắc em đến kinh hoàng.

Đồng Văn - Quản Bạ là vùng đá khắc nghiệt nhất nước ta, người yêu của em ơi!.

Nhưng nơi đây lại mang vẻ đẹp kỳ diệu của Cổng Trời. Hai bên đường là lác đác những cây sa mộc thẳng tắp và cô độc trong sương mai.

Cổng Trời hằng thế kỷ nay thì vẫn cao đấy thôi, ngửa mặt nhìn lên mỏi mắt, chim bay mỏi cánh, ngựa đi chồn chân mỏi gối. Người ta bảo: Có người chỉ đến một lần rồi thề chẳng bao giờ quay lại, có người đến mà ở lại chẳng bao giờ đi!..

Em sẽ quay lại đây, anh ạ!.

Và em đã ném xuống vực sâu một đồng xu để lời hứa của mình thêm áp lực. Như lời hứa về một sự tuyệt đối mà có thể chẳng bao giờ có cơ hội chứng minh.

Hả anh? Xa xôi ơi, em nhớ anh.

Nỗi nhớ chen giữa những giấc ngủ ngắn khi xe đi trên địa hình bằng phẳng và lãng quên rất nhanh khi qua quãng đường xóc đến mức cảm tưởng tim rụng xuống bụng mình.

Đặt tay lên bụng mà nghe thấy tiếng đập ở đó.

Anh đã bao giờ nhìn thấy những người phụ nữ gùi trên vai bó củi, cỏ hay gùi hàng cao hơn đầu mình?.

Họ cần mẫn leo ngược dốc. Đường đi về bản chẳng tính bằng phút mà tính bằng giờ. "Về nhà tao uống rượu thóc với thịt gà đen. Gần mà, chỉ đi bộ ba tiếng là đến nhà mà..." Nghe xong anh bạn đồng nghiệp suýt sặc khói thuốc.

Thế mà người ta vẫn ngày tiếp ngày đi xuôi xuống lấy nước, mua hàng và ngược dốc lên nương rẫy hay về nhà.

Những người đàn bà nhiều tuổi đi ngang qua bọn em, phảng phất hơi rượu mạnh.

Anh đã bao giờ nhìn thấy những lớp học chỉ có dăm ba bộ bàn ghế, vách làm bằng cót ép, giữa nền nhà là cả một tảng đá to nằm chình ình một cách phi lý?.

Anh có biết sau một kỳ nghỉ Tết, cô giáo quay lại trường mà chỉ còn hai đứa học sinh đến lớp? Những chuyện tưởng chỉ là lời kể ấy hôm nay em chứng kiến.

Cô giáo gầy, nhỏ xíu.

Một tuần đi bộ nửa ngày ra thị trấn để bớt cái nhớ miền xuôi.

Những người địa chất đi qua, những người đi săn ngang qua.

Chẳng ai ở lại với cô, dù kỷ vật họ để lại thì nhiều.

Em đã cầm chiếc gương con con - một kỷ niệm nâng niu của cô giáo để thấy trào nước mắt xót xa. Đó là những người đến, mà chẳng đi anh ạ!.

Người dân ở vùng đất này chỉ biết trồng ngô trên vách đá tai mèo sắc nhọn, khô xám.

Đá cằn khô từ bao đời. Chỉ có chút đất mùn quanh các khe kẽ nhưng cũng đủ để mỗi năm có một vụ ngô, mỗi vụ kéo dài 6 tháng bắt đầu từ mùa mưa xuân.

Ngô để làm mèn mén và nấu rượu. Người ta bảo tính phóng khoáng của người Mông được hun đúc bởi gió, nắng trên đỉnh núi cao.

Chắc phải có thêm ảnh hưởng của đá nữa. Khô, lạnh, sắc nhọn và thản nhiên phơi mình.

Người dẫn đường cho em kể rằng, cho trẻ con ở bản xa bát cơm, nó cầm mà hỏi "...cái gì đây?, nhưng men rượu thì thấm vào từ nhỏ.

Có lẽ để chống lại cái lạnh, cái buồn và nỗi nghèo khó ngàn đời không thay đổi được. Phải không anh?.

Mà uống rượu của họ thì đến lượt em ngấm cái buồn.

Nỗi buồn dâng lên từ từ khi nhìn thấy bà mẹ tắm cho đứa con bé xíu bằng duy nhất một can nước đục ngầu thêm vào ít xà phòng bột xát lên người đứa bé để kỳ cọ.

Bây giờ thì em tin vào câu chuyện kể rằng: Nơi này với một phích nước sôi là làm lông xong một con lợn, hay một ấm nước nhỏ vừa làm gà vừa luộc chính con gà ấy.

Sông Nho Quế nước nhiều nhưng ở độ cao 500m mà đồng bào lại quen định cư từ 1200 đến 2000m. Mùa mưa nước ngập tràn thành lũ mà thấm qua khe nứt, trôi đi hết. Lúc dư thừa chẳng bù cho lúc khát.

Người dẫn đường nói với em: "Mèo Vạc là một trong những huyện nghèo nhất nước ta". Em chẳng tin bởi huyện Minh Long ở Quảng Ngãi mà em đã ở trong 10 ngày mới thấy thấm cái đói cái nghèo thật sự. Đói từ cán bộ đến người dân.

Có lẽ Mèo Vạc được đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng. Tất cả cho miền núi để miền núi tiến kịp miền xuôi mà anh.

Có một sự thật ở Mèo Vạc là đá tai mèo chiếm đến 90% diện tích nơi đây. Người ta hay đùa, giá như đá bán được thì Hà Giang đã thành tỉnh giàu nhất nước.

Đá tai mèo khô xám, người dân trồng tỉa trên chênh vênh. Bọn em phải vác máy móc lên tận nơi. Bám vào mỏm đá mà trèo lên. Đá nhọn cắm vào lòng bàn tay. Xong cảnh, đi tiếp mới thấy đau nhoi nhói.

Thế mà, anh biết không, trẻ con bé xiu xíu chạy chân trần trên đá như không, bọn em còn tìm thấy một đứa bé nằm úp mặt vào hốc đá mà say ngủ.

Vừa tiếp chuyện bọn em được một lúc, Phó Chủ tịch huyện gọi cô Phó Chánh văn phòng ra và hai người nói với nhau bằng tiếng dân tộc. Thật lòng, lúc đó em đã hơi nhói lên một cảm giác khó chịu. Và cảm giác của em chẳng đánh lừa em.

Đã nghe đồn, ở những vùng như thế này, lãnh đạo là ông vua con. Bây giờ mới chứng kiến thật sự. Họ chẳng sợ gì cả. Thích là làm, rượu la đà cả ngày.

Câu nói cửa miệng của họ là "...nghèo đói lắm, chờ Trung ương chi viện thôi..." Rồi tự nhận "ở đây đồng bào là phên giậu của quốc gia, Trung ương phải đầu tư giữ phên, giữ giậu. Phên giậu chắc thì đồng bào dưới xuôi được ăn no ngủ yên.".

Anh biết không, có rất nhiều dự án đổ tiền đổ của vào đây. Nhưng chẳng đến được với người dân.

Tiền đó là nhà khách, nhà làm việc của Uỷ ban thì khang trang, trạm y tế, trường học thì bé xíu.

Huyện có dăm chiếc ô tô, ông Bí thư một, ông Chủ tịch một, chẳng chung đụng gì. Máy lạnh lắp tràn lan mặc cho nơi đây quanh năm mát dịu.

Nỗi ấm ức của em chỉ được xoa dịu với lý do rất buồn cười là khi vị tân Chủ tịch mặt đỏ tưng bừng nhảy lên chiếc xe Land Cruiser và tất nhiên phóng thẳng vào tường.

Bọn em đứng chứng kiến lão ta lao ra khỏi xe và biến thẳng. Để lại cậu lái xe rên rỉ "Rồi thì lại chính là em vừa lái và đâm vào tường chứ còn ai nữa?"...

Anh biết em ghét những bữa cơm khách, anh nhỉ?.

Một ngày vừa đi vừa làm mà còn phải giao lưu với địa phương là nỗi kinh hoàng của em.

Kể cho anh nghe về những thứ họ đãi bọn em nhé. Nơi nào cũng giống hệt nhau.

Đến mức cảm tưởng có mỗi một bác đầu bếp lang thang truyền nghề cho tất cả các huyện vùng cao này. Gà Mèo - thịt xanh như luộc với rau muống, xương đen và rắn. Lợn Mán, bì của nó dày đến 2cm- họ đùa rằng nó đang tập thể dục trên đồi chạy về nhà thì bị bắt làm thịt. Y như lợn rừng. Thịt trâu lúc lắc, ở đây chẳng thấy ăn thịt bò.

Trâu thì ngày chợ nào chẳng có. Đâu cần phải xô trâu xuống vực tạo hiện trường tai nạn giả để hợp pháp ăn thịt như trong "Banzac và cô thợ may Trung Hoa", phải không anh?.

Các loại rau sạch, và bao giờ cũng là đĩa trứng rán to đùng - chắc trứng gà rừng để kết thúc bữa cơm.

Tất nhiên chẳng thể thiếu rượu. Mỗi lần bước vào phòng ăn, thấy ba chai rượu đứng xếp hàng ở mỗi bàn là bọn em lại lè lưỡi nhìn nhau. Uống rượu xong là phải bắt tay. Đấy là xã giao thường tình nhé.

Thân thiện hơn là uống kiểu "khát vọng". Có nghĩa là ôm lấy nhau, người này vòng tay qua cổ người kia để uống.

Uống kiểu ấy có khi vượt xa kiểu "nhậu một đêm để thương nhau cả đời" ở miền Tây- Nam bộ, hả anh?..

Đến khu nhà Vương Chí Sình- vua Mèo từng cai quản cả khu vực cao nguyên Đồng Văn, án ngữ con đường buôn thuốc phiện xuyên quốc gia vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đấy anh. Sau này Vương Chí Sình còn là đại biểu Quốc hội nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà. Con cháu họ Vương bây giờ cũng là cán bộ xã ở đây.

Em đã thầm gọi tên anh ở nơi này, vào cuối buổi chiều cao nguyên bạt ngàn gió với nắng, trên đỉnh Mã Pì Lèng nằm ở cuối quốc lộ 4c Hà Giang- Đồng Văn- Mèo Vạc. Đoạn đường hiểm trở nhất dài khoảng 7km là đoạn lên đỉnh núi, nằm trên độ cao khoảng 1800m so với mực nước biển.

Nghe nói làm đoạn này mất khoảng 20 mùa trăng tròn và gần 33.000 công. 20 mùa trăng - khoảng thời gian còn dài hơn chuyện tình của mình, anh nhỉ?. Dưới kia là sông Nho Quế- con sông ngầm nổi tiếng của Hà Giang...

Điểm cực bắc của nước Việt mình nằm ở đỉnh Lũng Cú. Nóc nhà của Việt Nam, nơi "cúi mặt sát đất mà ngẩng mặt thì chạm trời".

Em đã leo hơn 200 bậc đá để được tự mình chạm vào bệ đá trắng của cột cờ Tổ quốc. Lá cờ đỏ rực bay phần phật kiêu hãnh nhưng nếu ngả người vào sát bệ đá nhìn ngược lên lá cờ (em bao giờ cũng thích ngửa mặt nhìn lên) sẽ thấy choáng bởi mây bay làm ta có cảm giác cột cờ đang từ từ đổ xuống.

Sợ cực kỳ, anh biết không?

Xa nhớ ơi, em đến Khau Vai muộn phiên chợ tình năm nay mất rồi.

Khau Vai nằm cách huyện lị Mèo Vạc 24 km, ngược về phía núi Cán Chúa Phìn, Lũng Pù.

Chợ tình Khau Vai mỗi năm chỉ họp duy nhất một phiên anh ạ. Đó là vào ngày 27-3 âm lịch hàng năm.

Chợ thật ra là của người Giáy, người Nùng. Cô gái người Giáy với chàng trai người Nùng yêu nhau, chẳng lấy được nhau... Miếu ông miếu bà lập ra là để thờ đôi tình nhân ấy. Mà chẳng hiểu sao lịch sử lại chép rằng đó là hai nghĩa quân thời Đinh Bộ Lĩnh hả anh?.

Em được kể cho nghe mấy câu hát của chàng trai với người tình xa xưa rằng "Mong chồng em thương em, có con trai con gái, ngô chật bếp chật sàn, gà chật sân chật bãi..." và nỗi lòng của người con gái "Mong vợ anh thương anh, lửa tình nồng ấm mãi, như chim gù chim gáy, như bướm vờn hoa say...".

Còn nữa - "Em như người ở trong gương, nhìn thấy đấy, sờ sao chẳng thấy, gần lắm lắm mà cách vời làm vậy, chẳng lẽ chỉ trong mơ ta mới gặp nhau?", "Nếu em là hoa anh nguyện thành ngọn gió, để hương em lan toả trong gió anh, và như thế ai bảo là hai nhỉ, ai tách nổi hương em trong gió của đời anh..."...

Ai bảo đời sống cằn cỗi sẽ lụi tàn ngọn lửa yêu thương? Dù chẳng thể phủ nhận giai điệu dân ca của người vùng cao thường là buồn da diết, vật vã và nặng trĩu nỗi lòng. Có phải đó là âm hưởng của những đêm lạnh dài bên bếp lửa?.

Mà sao em nghe một lần là không quên nổi, nó ngấm vào mình như men rượu ngô ngâm củ hoàng tinh?..

"Mozart luôn nhớ về Mao Chủ tịch..." - Hì!. Em luôn nhớ anh. Nỗi nhớ kéo từ vùng cực bắc xa xôi ấy về đến tận nhà. Lâng lâng như không có thật đến khi chui vào chăn, lại lơ mơ ngủ, lơ mơ nhớ anh.

Và mai là một ngày mới, em đến cơ quan như thường lệ, dù trong giấc ngủ đêm qua vẫn thấy mình chung chiêng như khi xe đang đi trên đỉnh Mã Pì Lèng lộng gió.

Em sẽ quay trở lại, chắc chắn mà. Để làm một điều gì tiếp đó hoặc có thể chỉ đơn giản, đứng trên đỉnh đèo hút gió, hét tên anh.

Mệt cực kỳ, nên em dậy muộn, dù đã tự hứa sẽ kể tiếp câu chuyện giang hồ vặt của em cho anh nghe mà, anh của em?..

Em trở về để lại chuẩn bị cho một chuyến đi mới. Dài ngày hơn. Hà Giang đang thay đổi với cơ man là dự án và quy hoạch.

Chắc chắn em sẽ quay lại, anh biết mà?. Nhưng em chỉ sợ để rồi "...ở Hà Giang mà nhớ Hà Giang...".
-------------------------------------------------------------------
* Bài viết đã được biên tập, không phải nguyên bản của tác giả. Thành thật xin lỗi tác giả Cát Khuê.

6 tháng 6, 2013

LÃNH ĐẠO TỈNH HÀ GIANG "NHẬP NHÈM" TIỀN QUYÊN GÓP ỦNG HỘ TRƯỜNG SA?..

 - Báo Lao động  nhận được ý kiến phản ánh của bạn đọc về việc tỉnh Hà Giang sử dụng sai mục đích khối lượng lớn tiền từ cuộc vận động quyên góp, ủng hộ “Cả nước hướng về Trường Sa thân yêu”.

Tìm hiểu sự việc này, phóng viên Báo Lao động đã phát hiện những dấu hiệu bất thường và cơ quan chức năng đã lên tiếng...

Ngày 12/3/2012, Uỷ ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang (TVTU) ban hành kế hoạch số 36/KH-TU về việc tổ chức, vận động cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh Hà Giang tham gia ủng hộ đồng bào và chiến sĩ huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).

Sau thời gian ngắn phát động quyên góp, ủng hộ, Ủy ban Mặt trận tổ quốc (UBMTTQ) tỉnh Hà Giang đã nhận được sự ủng hộ, quyên góp của 342 đơn vị, cá nhân số tiền  hơn một tỉ đồng (1.151.058.800 đồng).

Ngày 10/5/2012, UBMTTQ Hà Giang đã chuyển 677 triệu đồng từ nguồn đóng góp nói trên vào tài khoản của Bộ Tư lệnh Hải quân VN.

Số tiền còn lại từ nguồn đóng góp nói trên (474.058.800 đồng), UBMTTQ Hà Giang có văn bản trình Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang xin ý kiến chuyển nốt cho đồng bào, chiến sĩ Trường Sa.

Thế nhưng, ngày 19/11/2012, Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang ra kết luận số 154-KL/TU: “Thường trực Tỉnh ủy thống nhất với chủ trương sử dụng số kinh phí quyên góp ủng hộ đồng bào và chiến sĩ huyện đảo Trường Sa... để bổ sung phần kinh phí còn thiếu trong chuyến thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa; phần còn lại bổ sung cho Quỹ Vì người nghèo của tỉnh”.

Trước kết luận này, bạn đọc bày tỏ bức xúc với Báo Lao động: “Chúng tôi vô cùng bất bình. Vì là một tỉnh nghèo, nhân dân đã đồng cam cộng khổ, chắt chiu để góp cùng nhân dân cả nước chung sức cùng đồng bào và chiến sĩ huyện đảo Trường Sa vượt qua khó khăn để bảo vệ vững chắc vùng biển thiêng liêng của tổ quốc. Thế mà Tỉnh ủy Hà Giang lại lấy số tiền chắt chiu của cán bộ, nhân dân và doanh nghiệp đóng góp để bù đắp... cho chuyến đi, thật là bất công và vô lý”.

Trước kết luận gây bức xúc trong lòng bạn đọc này, Báo Lao Động đã có Công văn đề nghị Tỉnh ủy Hà Giang cho biết quan điểm.

Đến ngày 13/5/2013, ông Lê Mạnh Cường (quyền Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hà Giang) ký văn bản cho biết:

“Tại thời điểm tổ chức chuyến đi, cả nước đang thực hiện quyết liệt Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về tiết giảm đầu tư công, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Do vậy, Ban TVTU thống nhất chủ trương hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước để chi phí cho chuyến đi. Đồng thời, giao cho Thường trực UBMTTQ tỉnh phát động đợt quyên góp với chủ đề “Vì Trường Sa thân yêu”.

Tuy nhiên, do phát động ủng hộ chỉ trong thời gian ngắn, nên đến thời điểm chuẩn bị tổ chức chuyến đi, việc quyên góp ủng hộ chưa đảm bảo so với yêu cầu đề ra (hạn cuối cùng đến 20/4/2012)...

Vì vậy, tỉnh đã chỉ đạo đoàn chủ động tạm ứng ngân sách để tổ chức chuyến đi theo đúng kế hoạch vào cuối tháng 5.

Đến ngày 12/11/2012, Thường trực UBMTTQ tỉnh tổng hợp báo cáo với Thường trực Tỉnh uỷ về kết quả quyên góp, ủng hộ Trường Sa.

Ngày 19/11/2012, Thường trực Tỉnh uỷ đã họp và thống nhất cho chủ trương sử dụng số tiền đã thu được còn lại (ngoài số kinh phí đã chuyển cho Bộ Tư lệnh Hải quân) để hoàn ứng số kinh phí đã tạm ứng để mua quà, vật phẩm, tiền mặt tặng cho quân và dân huyện đảo Trường Sa trong chuyến đi, số tiền còn lại là 111.685.800 đồng (nằm trong số kinh phí một số đơn vị nộp muộn sau thời điểm tổ chức đoàn đi) bổ sung cho Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh cũng vì mục đích chính trị sâu sắc, do: Thực tế, Hà Giang vẫn là tỉnh nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước, hết năm 2012 toàn tỉnh còn trên 30% số hộ nghèo, việc chuyển số tiền trên vào Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh là cần thiết để giúp đỡ đồng bào nghèo của tỉnh và có sự thống nhất của tập thể Thường trực Tỉnh uỷ...”.

Ngày 4/6/2013, trao đổi với phóng viên Báo Lao động về sự việc này, bà Hà Thị Liên (Phó Chủ tịch UBT.ƯMTTQ VN) khẳng định: Tiền quyên góp ủng hộ đồng bào, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa không thể nhập (hay nói cách khác là bù đắp) vào Quỹ “Vì người nghèo”.

Đồng thời, UBT.Ư MTTQ VN không hướng dẫn, chỉ đạo việc đưa tiền ủng hộ đồng bào, chiến sĩ Trường Sa nhập vào Quỹ “Vì người nghèo”.
--------------------------------------------------------------------------
Qua tìm hiểu, được biết trong năm 2012, tỉnh Hà Giang đã tham gia 1 chuyến đi Trường Sa, thời điểm từ ngày 18 - 26/5/2012, theo tàu HQ-996 (Lữ đoàn 162, Vùng 4, Hải quân). Chuyến công tác này là chuyến đi Trường Sa thứ 14 trong dịp đi biển (tháng 3 đến tháng 6/2012) và do trực tiếp ông Triệu Tài Vinh, UVTW Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang làm Trưởng Đoàn, Đại tá Đỗ Minh Thái, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân là Phó Trưởng đoàn.

Cùng tham gia chuyến Công tác số 14 này, ngoài Đoàn Hà Giang chiếm số đông, nhiều lãnh đạo tỉnh, còn có Đoàn của các tỉnh Kiên Giang, Hải Dương, Cty Đoàn tàu Không số...

Hình ảnh về chuyến đi Trường Sa do ông Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh dẫn đầu, được đăng tải trên Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Hà Giang (Ở ĐÂY) và Báo Hà Giang, do đồng chí Lê Trọng Lập làm Tổng Biên tập. Cảm ơn các đồng nghiệp đã giúp đỡ tư liệu - hình ảnh!..



5 tháng 6, 2013

CỜ TỔ QUỐC MÌNH, ĐỎ RỰC BIỂN XA

Mai Thanh Hải - Là đất đai Tổ quốc, nên phải có cờ Tổ quốc rồi.

Thế nhưng đi biển, ra Trường Sa vẫn màu cờ đỏ sao vàng ấy, sao thấy thiêng liêng và thương đất nước mình gian lao, đến lạ.

Thương lá cờ từ ngay khi mới rời cảng.

Cờ mới thay, còn đỏ tươi roi rói, cuống quýt vẫy chào thành phố - đất liền và cuộn mình trong màu vải mới tinh khôi, trinh nguyên đến từng sợi vải, tiếng sột soạt tâm tình.

Thế nhưng chỉ vài ba ngày trên biển, nhìn lá cờ trên nóc đài chỉ huy con tàu, đã thấy bạc hết cả màu, sợi vải trơ ra tua rua như xương cốt, gồng mình chống chọi với nắng, với gió, với muối biển mặn chát, để giữ vẹn nguyên sắc đỏ quện quanh 5 cánh sao vàng, đến chết vẫn trung trinh.

Và cái màu đỏ trung trinh trên nóc con tàu, hòa cùng với những đỏ cờ trên khắp những con tàu chiến đấu, tàu vận tải, tàu đánh cá của quân dân, trên khắp các đỉnh cột cờ trung tâm đảo nổi, nóc nhà lâu bền, điểm đóng quân của bộ đội và còn tung tăng thắp lửa, trên những con xuồng CQ ngang dọc Trường Sa.

Lên mấy điểm đảo chìm, lọ mọ trèo lên nóc nhà lâu bền, chung ca gác với chiến sĩ trực canh, khi nào cũng lặng ngắm lá cờ bạc phếch phai màu, có khi sao vàng có sắp rời ra khỏi khuôn cờ và thấm thía sự gian khổ ngoài biên đảo, từ câu chuyện lá cờ.

Anh em bảo: Có chế độ cấp phát theo quy định, nhưng thời điểm thời tiết khắc nghiệt, mưa to gió lớn và đặc biệt là gió bão.

Có khi ngày nào cũng phải thay cờ mới, tuyệt đối không thể để cờ rách!.

Hết cờ mới để thay, lại chọn trong hòm cờ cũ, tìm lá nào tươm tươm nhất, để khâu vá cho lành lặn chắc chắn, treo lên tiếp...

Nhiều điểm gió quá mạnh, đến cột cờ cũng bị bẻ gãy.

Anh em lại tìm mọi cách để dựng cột, bằng thân gỗ tỉ mẩn gọt tròn, bằng những vỏ thùng đạn buộc chụm giống cột, bằng cả thân nứa mà công binh cẩn thận mang ra từ đất liền, ghép với cột ăng ten thông tin, thành cột cờ bất khuất, thách thức thiên nhiên...

Hôm rồi, qua thăm nhà giàn DK1/18, bảo vệ Thềm lục địa, dẫu không thuộc khu vực Trường Sa nhưng vất vả gian lao còn hơn cả Trường Sa.

Mới dừng tàu, đã thấy 2 chấm đỏ cờ, vẫy rối rít giữa lưng chừng khung thép.

Xuồng chuyển tải tiến gần nhà giàn, mới biết 2 cậu chiến sĩ trẻ măng, đứng chon von trên cột, mỗi đứa 1 lá cờ Tổ quốc vẫy chào, thay tín hiệu thông tin, chỉ đường sóng cho xuồng cập thang sắt...

Lên giàn, tò mò hỏi: "Sao không dùng cờ tín hiệu?". Chúng nó cười, răng trắng lấp lánh: "Chẳng tín hiệu nào bằng tín hiệu Tổ quốc mình, anh ạ!"...

Ừ!. Các em nắm vận mệnh trong tay Tổ quốc, ngoài biển cả mênh mông, nên các em sẽ hiểu hơn rất nhiều, những người đang sống ấm êm trong đất liền và mù mờ về khái niệm Tổ quốc - Máu đỏ - Sao vàng.

Và tự dưng, thấy Tổ quốc ở ngay thật gần trái tim, khối óc mình, từ màu cờ đỏ rực Trường Sa, các em nhỉ?..
---------------------------------
* Hình ảnh cờ Tổ quốc trên tàu chiến đấu, tàu vận tải quân sự, tàu cá ngư dân, điểm đóng quân của bộ đội tại Trường Sa - Nhà giàn DK1, được ghi trong chuyến công tác tháng 5/2013, thăm làm việc Trường Sa - DK1.