4 tháng 8, 2012

"THƯỢNG TƯỚNG"

Thằng cu hàng xóm nhà mình vừa kịp lấy vợ trước khi nhập ngũ.

Bà mẹ rất tự hào vì con lên đường nối nghiệp cha và suốt ngày, chỉ quan tâm xem "nó" đi bộ đội, thì làm đến chức gì rồi.

Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, anh chàng cùng các đồng ngũ trong làng được về phép.

Bà mẹ ra tận đầu làng đón con, gặp ai cũng hỏi xem: "Thằng cu nhà bác bây giờ làm chức gì?".

Anh nào đi qua, nghe vậy cũng cười và bảo: "Thằng cu nhà bác bây giờ lên chức... to lắm!", khiến bà mẹ càng hồi hộp.

Gặp được con bà hỏi ngay, nhưng anh chàng cứ gạt phắt đi: "Con là lính mới, làm gì có chức!".

Không tin, nhưng bà tự nhủ: "Nó giấu mình thôi, chắc thế nào nó nói với vợ nó!".

Thế là tối đến, bà rón rén áp tai vào vách phòng ngủ của đôi trẻ nghe ngóng.

Giữa những tiếng rúc rích... bà nghe thấy tiếng con dâu "Khiếp! Mới đi có mấy tháng mà đã lên... thượng tướng rồi kia kìa!!!".

Sáng hôm sau, anh chàng vừa thò đầu ra khỏi phòng, đã bị bà mẹ túm ngay cổ áo, day đi day lại mà mắng yêu: "Cha tiên sư bố anh! Lên đến THƯỢNG TƯỚNG rồi mà còn giấu cả mẹ!!!". He! He!..
-------------------------------------------------------------------
* Hình ảnh của thành viên Diễn đàn OF chụp, chỉ có tính minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

3 tháng 8, 2012

CẦN NHANH, ĐỂ CÁC CHÁU KHÔNG ĐỨT BỮA "CƠM CÓ THỊT"...

Trần Đăng Tuấn - Năm học mới,đương nhiên chúng ta không thể nào lại để các em “đứt bữa cơm thịt". Nhưng đây cũng là nỗi lo lắng của chúng tôi trong 2 tháng qua.

Nhìn lại thì 5.100 em đang trong danh sách ăn ‘cơm có thịt” ở 46 trường, và 1000 em tại 6 trường ở Điện Biên cùng Hà Giang, Lào Cai chúng tôi đã khảo sát cuối năm học cũ và đã đưa vào danh sách “Cơm có thịt” đầu năm học mới.

Trong số 6.100 em, có 1.400 em học sinh nội trú dân nuôi của huyện Văn Chấn (Yên Bái) từ năm học trước đã được "Quỹ Thiện Tâm" nhận chu cấp.

Như vậy, từ đầu năm học này, chúng ta phải lo cho 4.700 em mầm non dưới 5 tuổi.

Có nghĩa là: Hàng tháng để duy trì bữa cơm có thịt, cần 564 triệu đồng. Đó là chưa kể những nhu cầu khác như đồ dùng nhà bếp, bể chứa nước, quần áo rét….

Cho đến nay, đầu tháng 8/2012, trong tài khoản "Cơm có thịt" mới tích lũy được 470  triệu, chưa đủ để cho tháng đầu tiên của năm học.

Mà đó là số tiền tích lũy từ tháng 5, khi năm học chưa kết thúc.

Phải có được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn gấp 2-3 lần, để  trong tháng 8/2012 này và thời gian sau đó, bình quân mỗi tháng ít ra cần có 600 triệu để duy trì "Cơm có thịt" ở những nơi đã có .

Nhưng có một yếu tố khác năm học trước, và xin phép được thông tin để mọi người hiểu kỹ:

Như các bạn đều biết, từ tháng 10/2011, “ Cơm có thịt” bắt đầu đến với các trường Mầm non, mà trường đầu tiên là Mẫu Giáo Dền Thàng (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai).

Vào thời điểm đó Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ ăn trưa 120 ngàn đồng/tháng đối với trẻ 5 tuổi.

Chủ trương đó có từ tháng 2/2010, nhưng đến cuối năm 2011, ở các trường chúng tôi đến, thực ra vẫn chưa có trường nào đã nhận được. Còn trẻ mẫu giáo 3,4 tuổi chưa có chế độ nào.

“Cơm có thịt” hỗ trợ trẻ 3-4 tuổi mức bằng trẻ 5 tuổi, để tất cả các cháu có thể ăn trưa chung với nhau tại lớp.

Vào cuối tháng 10/2011 trong Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg (26/10/2011) của Thủ tướng Chính phủ quy định "Một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015" có nêu rất rõ: Trẻ em mẫu giáo 3 và 4 tuổi có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo, các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn, hoặc cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế, được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 120.000 đồng/tháng và được hưởng theo thời gian học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học để duy trì bữa ăn trưa tại trường.

Và hiệu lực thi hành của Quyết định là từ 15/12/2011

Cũng có người ngay khi đó đã với chúng tôi rằng: "Như vậy đã có chính sách lo rồi, không cần quyên góp nữa".

Nhưng tận mắt nhìn các bé, không đành lòng. Chúng cần miếng cơm có thịt ngay, chứ không phải là đợi cho đến hết độ trễ của chính sách.

Và quả thật một năm học đã trôi qua, nhưng chế độ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ Mẫu giáo dưới 5 tuổi vẫn chưa đến.

Mới đây, Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ đã ký ban hành Thông tư Hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em Mẫu giáo theo quyết định 60 nói trên của Thủ tướng.

Theo tinh thần Thông tư này, từ ngày 1/9/2012, các Trường sẽ bắt đầu làm thủ tục thống kê học sinh 3-4 tuổi đề nghị được cấp hỗ trợ.

Danh sách này sẽ qua các nấc từ xã ,huyện, tỉnh và nếu như tiến độ chính xác như quy định đến từng ngày như trong Thông tư (điều mà, xin lỗi, hầu như không có trên thực tế) thì sau 80 ngày sau, danh sách mới về đến Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT.

Và không rõ đến lúc nào, thì các thủ tục sẽ đi con đường từ Bộ về đến trường, và có về cùng lúc với tiền không?..

Như vậy đã mất 11 tháng thì quyết định của Thủ tướng mới bắt đầu thực hiện trên thực tế. Và sau đó còn nhiều tháng nữa để các Trường nhận được tiền.

Cá nhân tôi nghĩ: Sẽ thật tốt, nếu hết học kỳ I của năm học tới, các trường Mầm non sẽ nhận được khoản hỗ trợ ăn trưa.

Từ đầu năm học cho đến thời điểm đó, các cháu có tiền hỗ trợ trên lý thuyết, chứ không phải trong các bữa ăn.

Rõ ràng chúng ta cần lo cơm thịt cho các em Mẫu giáo trong ít ra là 4-5 tháng đầu năm học.

Nếu không thì thật trớ trêu: Trước khi có Thông tư các em ăn "Cơm có thịt", sau khi có Thông tư lại trở về ăn cơm với.. muối, để chờ chế độ, mà như theo Quyết định 60 do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký, các em phải được hưởng từ 15/12/2011...

Tôi nói những điều này, không phải để phân tích về những chậm chạp lạ lùng của các Bộ ngành.  Có thể chúng tôi sẽ nói ở chỗ khác, trên báo chí, về những điều thật khó chấp nhận này, trong cung cách hiện thực hóa một chủ trương rất cần thiết của Nhà nước.

Ở đây, chỉ nói đến một chuyện: Các bác, các anh chị, các em ạ!. Với gần 5.000 em bé Mầm non đã bắt đầu ăn "cơm có thịt" trong năm học vừa rồi, chúng ta sẽ phải lo tiếp cho các cháu trong ít ra là 4 tháng tới, có thể còn lâu hơn nữa.

Và để làm điều đó, bình quân mỗi tháng cần có khoảng 600 triệu đồng.

Để tích lũy đủ cho 4 tháng, trong thời gian càng nhanh càng tốt, chúng ta cần gom góp được trên 2 tỷ đồng.

Như vậy các cháu mới không đứt bữa "Cơm có thịt".

Còn sau khi chế độ hỗ trợ của Nhà nước đã đến với các em, chúng ta cũng còn vô số việc phải làm.

Xin phép nói về những điều đó trong lần sau.

(còn tiếp…)

T.Đ.T
-------------------------------------------
* Hình ảnh minh họa: Học sinh Mẫu giáo Sàng Ma Sáo, Pa Cheo, Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) thụ hưởng bữa trưa theo Chương trình "Cơm có thịt", cuối năm học 2011-2012.
* Tiêu đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả.

2 tháng 8, 2012

NGÀY XƯA... CỰC LỰC?.

Mai Thanh Hải - Đến Nha Trang, nhắc đến tên Nhà báo Nguyễn Viết Thái, mọi người làm báo ở thành phố "biển xanh, cát trắng, nắng vàng" đều biết và kể về ký ức 1988 của anh.

 Mà không chỉ người làm báo, tất cả những cán bộ chiến sĩ Vùng 4 Hải quân tham gia Chiến dịch CQ-88 và mãi sau này, đều biết đến Nguyễn Viết Thái, Phóng viên ảnh kiêm viết về mảng Quân đội của Báo Phú Khánh (cũ).

Cuối tháng 4, đầu tháng 5/1988, mọi con tim Việt Nam hướng về Trường Sa rừng rực lửa căm thù, sau sự kiện 14/3/1988 (tàu chiến đấu và lính Trung Quốc bất ngờ tấn công, giết chết 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân, bắt sống 9 người khác và chiếm một số đảo của ta ngoài Trường Sa), Nguyễn Viết Thái đang là phóng viên ảnh kiêm viết mảng quân đội của Báo Phú Khánh (cũ), được cơ  quan cấp chục cuộn phim Orwo đen trắng của Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ), giao nhiệm vụ ra công tác Trường Sa.
Đoàn báo chí, văn hóa - thông tin ra với Trường Sa 5/1988

Cùng đoàn công tác với anh Nguyễn Viết Thái, còn có Nhà báo Phạm Đình Quát ở Quốc doanh Nhiếp ảnh Phú Khánh, cố Nhạc sĩ Xuân An ở Sở Văn hóa Thông tin, 2 ca sĩ Thanh Thanh, Anh Đào ở Đoàn ca múa Hải Đăng, 2 anh ở Quốc doanh Chiếu bóng Phú Khánh.

Vào đến Nhà khách ngoại vụ của Vùng 4 Hải quân, họ nhập chung với các nhà báo, nhà quay phim ở Tạp chí Hải quân, NXB Quân đội nhân dân, Xưởng phim Quân đội, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh…

Mấy lần đến tập trung, rồi lại cho về nhà để chờ, xuống tàu rồi lại lên bờ... khoảng một tuần sau khi đến nhà khách, cả Đoàn mới thực sự khởi hành.
Nhà báo Nguyễn Viết Thái (phải) và Phạm Đình Quát tại đảo Trường Sa Lớn

Tàu ra biển, họ mới được thông báo lịch trình, biết được đi cùng Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh, Đô đốc Tư lệnh Quân chủng Hải quân Giáp Văn Cương và nhiều cán bộ cấp tướng của các Quân chủng, Tổng cục thuộc Bộ Quốc phòng.

Viết Thái nhớ lại: Những ngày ở Nhà khách Vùng 4, anh thấy xe mang thư, quà gửi Trường Sa tấp nập đến đó.

Cả nước đang hướng về những người lính nơi đầu sóng ngọn gió.

Chuyến đó, đoàn công tác không đến khu vực các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, nơi tình hình rất căng thẳng, chiến sự có thể lại bùng nổ bất cứ lúc nào.

Nhưng trước khi lên đường, Viết Thái và Nhà văn Khuất Quang Thụy đã vào căn cứ Cam Ranh thăm Trung đoàn 83 công binh, đơn vị có nhiều người hy sinh nhất trong sự kiện 14/3/1988.

Đặc biệt, anh được gặp cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-505 vừa từ Trường Sa trở về.

Sáng 14/31988, dù bị tàu Trung Quốc bắn cháy, nhưng tàu HQ-505 đã ủi bãi đảo Cô Lin thành công, bảo vệ được chủ quyền của Tổ quốc tại đây. Tập thể tàu HQ-505 và thuyền trưởng Vũ Huy Lễ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

“Thật xúc động khi gặp những người lính trẻ măng, vừa đối mặt cái chết nhưng phong thái, nét mặt họ vẫn đầy vẻ tự tin, lạc quan” - Viết Thái kể. Chưa ra tới Trường Sa, nhưng anh đã có nhiều cảm xúc và tư liệu để viết một số bài cho Báo Phú Khánh.
Đại tướng Lê Đức Anh cùng một số thành viên Đoàn và bộ đội Trường Sa

Những hình ảnh anh Nguyễn Viết Thái ghi lại ở Trường Sa, có lẽ sẽ mãi mãi là những hình ảnh lịch sử, vô giá đối với không chỉ với những người lính biển, quân đội mà với cả đất nước...

Những ngày này, lẩn mẩn xem lại những tấm hình anh Thái ghi lại buổi mít tinh phản đối Trung Quốc, rành mạch những biểu ngữ - khẩu hiệu như: "Kịch liệt phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc xâm phạm vùng biển Trường Sa của Việt Nam", "Nêu cao cảnh giác, bộ đội phòng không 378 nguyện sát cánh cùng chiến sĩ Trường Sa bảo vệ vững chắc vùng biển, vùng trời của Tổ quốc"...

Đặc biệt, mình cứ nhìn mãi khẩu hiệu: "Cực lực phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc gây tội ác mới trên quần đảo Trường Sa" và tâm niệm với câu "Cực lực", để rồi đau đáu: "Ngày xưa... cực lực?".

Cảm ơn anh Nguyễn Viết Thái và các anh chị đồng nghiệp đi trước, đã ghi lại và để dành cho con cháu sau này, những hình ảnh lịch sử - quý giá vô ngần về Trường Sa gian lao, nơi có những người lính, bao tháng năm, vượt qua mọi vất vả, thiếu thốn, mất mát, hy sinh, để bảo vệ biển trời Tổ quốc.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
HÌNH ẢNH CUỘC MÍT TINH PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC GÂY TỘI ÁC TẠI TRƯỜNG SA 3/1988

Quân với dân 1 ý chí
Toàn quân 1 ý chí
Băng tang đen trên áo Hải quân, tưởng nhớ đồng đội
* Bài viết có sử dụng tư liệu của Nhà báo Nguyễn Đình Quân, Báo Tiền Phong
* Hình ảnh của Nhà báo Nguyễn Viết Thái.

1 tháng 8, 2012

ANH NGÃ XUỐNG RỒI NHƯNG VẪN Ở RẤT GẦN EM

Tưởng nhớ Liệt sĩ Hoàng Đặng Hùng.

Phạm Ý - Em chẳng thể nào bắt biển hết xanh

Bắt con sóng lặng im, bắt thủy triều dừng vỗ

Bắt ông trời nằm yên khóa giùm bão tố

Bắt quân thù gác súng dạo tiếp bình yên


Biết chẳng bao giờ nỗi nhớ vẹn nguyên

Vì mỗi ngày qua đi nó đều lớn dần trong thớ ngực em anh ạ

Ở trùng khơi lạnh giá

Anh yêu đang nắm giữ một phần số phận, cuộc đời, trái tim và giữ cả linh hồn em


Hải đăng chiếu sáng về đêm

Như mắt em long lanh mỗi lần nhung nhớ

Khi ảo tưởng có anh đang ôm ghì, đang mơn trớn, và đang nhẹ gỡ

Lọn tóc vướng nỗi đau


Chiếc thuyền của hạm đội anh con mình ví với nửa miếng khô cau

Mẹ dành phơi giữa trời trắng nắng

Em vội vàng, em ngu ngơ, em lẳng lặng

Gom thuyền vào dấu chỗ rất ấm- tim em


Em không có đủ quyền để tạo êm đềm

Nhưng sẽ gắng lòng giữ trinh nguyên tình yêu chồng vợ

Để ở nơi ngút xa, biển đừng bạc tình gieo bão tố

Làm xót rát mắt anh


Thôi cứ để biển mãi  xanh

Sóng bạc phờ, thủy triều gầm rú

Cứ để em ảo tưởng trong ngàn giấc ngủ

Em đủ quyền để hóa phép giấc mơ đêm

Linh hồn anh vẫn đứng hát rất nghiêm

Bài Quốc ca chiều hôm nay em dạy con bi bô nhoẻn hát

Chiếc gối đôi ướp đợi chờ thơm ngát

Lọn tóc vướng máu tanh,  anh gỡ tự bao giờ...
-----------------------------------------
* Hình ảnh minh họa: Lễ đón nhận, truy điệu và an táng Liệt sĩ Hoàng Đặng Hùng (tức Hoàng Thế Anh, chiến sĩ Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân hy sinh ngày 25/7/2004 khi làm nhiệm vụ tại đảo chìm Đá Lớn A, Quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa) được tổ chức ngày 30/7/2012. An táng tại NTLS Quận Ngô Quyền TP. Hải Phòng.