21 tháng 5, 2013

NGHE EM HÁT GIỮA TRƯỜNG SA


Mai Thanh Hải - Nhung là 1 trong 2 cô Văn công xung kích của Đoàn tỉnh Quảng Trị, tham gia chuyến công tác ra thăm và làm việc tại Trường Sa.

Nhung tên đầy đủ là Lê Thị Nhung, sinh năm 1990, chắc người Quảng Trị gốc bởi giọng nói đặc sệt xứ Quảng, nói nhanh khi giới thiệu với bộ đội, anh em các tỉnh ngoài miền Trung cứ ngơ ngơ ngác ngác, khiến Nhung cứ nắm tay áo mình giật giật: "Eng nì! Eng dịch giụp em với!".

Năm nay Đoàn Quảng Trị ra thăm Trường Sa có khoảng trên dưới 20 người, do 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu, sau là trưởng Ban ngành - huyện thị và dĩ nhiên không thể thiếu phóng viên - diễn viên.

Chả hiểu do tự ti trước Đoàn Hà Nội đông đúc, hùng hậu hay bản tính "giữ mình" riêng có của miền Trung mà Đoàn Quảng Trị, lãnh đạo tỉnh chả dám trả lời phỏng vấn của VTV, cấp đầu ngành ngồi nói chuyện thì toàn chính sách - vật dụng cho đơn vị mình, thành viên be bé hơn thì cứ tối đến là đóng cửa giao lưu nội bộ...

Nghe chừng rất... sâu lắng và riêng tư.

Ngay chuyện văn công văn nghệ cũng vậy.

2 cô Văn công Nhung và Bình của Quảng Trị mới ra Trường và công tác tại Đoàn Nghệ thuật tỉnh, nên rất trẻ, so với cả chục thành viên Đội Văn nghệ Xung kích của Hà Nội, đến từ mấy nơi: Đoàn Ca múa nhạc, Nhà hát Chèo, Nhà hát Cải lương... và ai cũng cứng tuổi, bạo dạn, thiện nhiên sát sạt.

Chả hiểu vì đông "đè" ít, người lớn "nén" trẻ con hay không, mà mấy ngày đầu biểu diễn văn nghệ, tuy Nhung hát rất hay, được cả lính trẻ lẫn già vỗ tay nhiệt liệt, yêu cầu hát lại rất thật (chứ không phải yêu cầu "đãi bôi", do quá ngán lời ca, giọng hát, âm thanh), nhưng mỗi em chỉ được đúng... 1 bài, rồi phải trả micro, ngẩn ngơ đi vào trong tiếng hò hét, phát động của chàng MC Đoàn Hà Nội rất vô duyên, phản cảm: "Các chiến sĩ ơi, chúng ta máu lên. Chúng ta quậy đã đời lên!"...

Vẫn biết "má văn công, mông bộ đội", người trẻ lần đầu ra đảo dâng tràn cảm xúc, mong được hát phục vụ bộ đội hết mình, nhưng bộ đội cũng chịu, không "can thiệp" cho Nhung hát thêm được, bởi Đội Văn nghệ đặt dưới sự "chỉ đạo, điều hành" của 1 lãnh đạo Phòng Ban gì đấy thuộc TP. Hà Nội, rất hách.

Thế nhưng, cũng cái sự trẻ trung, thật lòng cống hiến "lời ca, tiếng hát" ấy, mà Nhung để lại ấn tượng và yêu quý thật lòng với bộ đội, ở mỗi điểm đóng quân.

Trường Sa mùa biển lặng, cũng là mùa các đơn vị Công binh hành quân từ bờ ra các điểm đóng quân, gấp rút chạy đua với thời gian để củng cố đảo.

Nói đến Công binh Hải quân, có rất nhiều chuyện để kể, nhưng tựu trung lại trong mấy chữ "gian khổ, thiếu thốn, vất vả, chịu đựng".

Chỉ 1 chi tiết rất nhỏ: Các Đoàn Công tác lên Đảo, ùa đến các đơn vị phòng thủ đảo, ríu rít hỏi han trò chuyện với bộ đội, điệu đà quân phục áo trắng quần xanh, mũ kê pi sáng sao lấp lánh.

Trong khi đó, lính Công binh vẫn quần đùi áo rách, trần mình dưới nước, trong nắng để vác đá, trộn bê tông, đóng cọc... khiến không ít người ra lần đầu, ơ hờ ngang qua hỏi rất vô duyên: "Các cháu là... công nhân à?".

Nhung biết những vất vả thật của bộ đội, nên đến mỗi đảo có Công binh, đều "trốn" khỏi vuông chiếu êm, bóng mát rượi, đủ đồ hộp - nước lạnh phục vụ Văn công, nhường cho các anh chị Hà Nội thảnh thơi ca hát, cho lính đảo thảnh thơi nghe hát, để lần mò trên bờ đá, lội chân dưới san hô, ra với bộ đội Công binh.

Công binh, dù là đặc thù, nhiệm vụ này khác, nhưng đều là lính trẻ, tuổi 18-20 cũng tuổi ăn tuổi ngủ, cũng áo yếm điệu đàng (khi trong bờ) và khao khát như lính phòng thủ đảo điệu đàng áo yếm.

Thèm gặp người đất liền, thèm nghe hát lắm đấy, nhưng phải nén lại, gồng lên, quay mặt đi, úp lưng xuống sóng mà làm việc.

Tủi thân, cứ tưởng bị bỏ quên...

Thế nên, sự có mặt của cô bé Văn công trẻ trung, trắng trẻo và... bé tý, khiến lính ta ngẩn ngơ, sung sướng đến tột bậc.

Chỉ huy gọi lên nghe hát, có chàng còn không tin là sự thật, cứ lắc đầu: "Chắc họ đi dạo, ai dám ra giữa nắng công trường mà hát?".

Chỉ đến khi giọng hát nghèn nghẹn của Nhung bíu từng thanh bê tông, lần qua từng viên đá, lảnh lót vang lên giữa công trường ngổn ngang, khét lẹt và chang chang nắng cháy, lính ta mới tin là thật, kéo tay nhau đứng ngồi xung quanh em, im lặng - bàng hoàng.

Ở đảo chìm Đá Lớn, khi nhìn thấy anh em Công binh đang trần lưng, rách tướp áo quần bê đá, trộn bê tông, Nhung đã níu thang gỗ, xuống tận mép sóng với anh em và đứng giữa nắng, khóc thật sự: "Bây giờ em mới thực sự thấy bộ đội Trường Sa gian khổ!" và nghèn nghẹn hát: "Ở 2 đầu nỗi nhớ, yêu và thương nhau hơn", khiến cả khung Công binh sát vào nhau, nước mắt chảy tràn trên má lính đen sạm, cùng với nước biển tong tong chảy xuống nền san hô khô cong, từ tướp táp áo quần...

Lên điểm chìm Đá Lát, quân số của đảo chỉ nhúm người, tất tưởi chia nhau ra làm việc với lãnh đạo Đoàn Công tác, bốc hàng dưới xuồng, trực canh, đón xuồng, trả lời phỏng vấn báo chí... Trong khi đó, Văn công thì cứ đòi... bộ đội ra nghe hát, rút cục Đảo trưởng phải cử 4 chiến sĩ, bỏ hết công việc ngồi nghiêm nghe hát.

Nhung hát 1 bài cùng các anh chị, rồi lẳng lặng men theo bờ bê tông, sang nhà tạm, hát cho vài chục bộ đội khung Công binh 131 đang lấp ló nhìn trộm, từ vách liếp lưu thưa.

Câu hát của em đau đáu, từ "Quảng Trị yêu thương" dành tặng những đồng hương Quảng Trị, cho đến tình tứ "Làng quan họ quê tôi, tháng giêng mùa hát hội" lay vai mấy chàng lính Bắc Giang - Bắc Ninh, "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ" tặng đôi chàng lính trẻ quê Sài Gòn - Long An, "Sợi nhớ sợ thương" dành riêng người lính già chỉ huy trải qua 20 năm củng cố đảo và quấn quýt "Nổi lửa lên em" với mấy anh nuôi đang nấu cơm ở đầu nhà tạm cạnh bên, vừa vun lửa sôi nồi vừa ngóng nhìn, hát theo bập bõm...

Trường Sa mùa người ta ra thăm đảo. Đoàn nào ùn ùn ra, cũng mang theo lỉnh kỉnh văn nghệ văn gừng các thể loại, tung tẩy son phấn xanh đỏ.

Nghe hát nhiều quá, lính ta cũng chai sạn với nhiều khuôn mặt bự phấn vô hồn, áo quần ngắn kệch và những lời ca điệu nhạc xì ít tin nhiều, gửi tặng đâu đâu...

Bộ đội mình bây giờ, ít nhất cũng học hết lớp 12, xem tivi gọi điện thoại - lướt mạng hàng ngày và sống ở nơi đầu sóng ngọn gió nhạy cảm - tinh tường, nên biết cảm xúc của người khác đưa đến mình, thật hay giả, nhanh lắm.

Và những cô văn công như Nhung, khom người chui dưới công sự, lập cập trèo thang gỗ, bấm chân trên ướt rượt bê tông, bặm môi lội qua san hô sắc nhọn, để ra hát giữa công trường rát nắng, bung biêng nhà tạm, hát đến khản cổ, nước mắt mình hòa cùng nước biển chảy xuống chân lính Công binh... thì mình tin là hát thật, tình cảm thật và yêu thật.

Thế nên, khi chia tay Đá Lát, chàng lính Công binh Hải quân tên Thọ, cùng đồng hương Hải Phòng đã nhảy ùm xuống biển, lôi lên 1 con ốc càng cua giấu dưới cột nhà vẫn còn ướt rượt, run run tặng Nhung và bảo: "Lâu lắm rồi, mới nghe em hát thật ở Trường Sa".

Và mình tin, những điều thiêng liêng về Trường Sa đó là thật.

Giống như chúng mình về bờ rồi, chợt nghe lại câu hát "Ở 2 đầu nỗi nhớ, yêu và thương nhau hơn", lại chung chiêng nhớ về đảo và lời em hát, thấm đẫm niềm yêu đồng đội, qua kỷ niệm một lần: NGHE EM HÁT GIỮA TRƯỜNG SA...

(Hà Nội, tháng 5/2013)
-------------------------------------------------------------------

22 nhận xét:

  1. Thú thực là cái thằng tôi, phải đến đảo thứ 3 thì mới biết là trên các đảo có nhiều lực lượng ông ạ, đặc biệt là công binh, dù tôi là người sục nhiều nhất, thường mỗi đảo là đi đủ 2 vòng trước khi ngồi vào một cái bàn nào đó dưới gốc Mù u hoặc bàng (cây Mù u có vẻ cũng hợp với Trường Sa nhỉ?).
    Nên tôi phục cô bé này quá.

    Trả lờiXóa
  2. Xúc động anh Hải ạ! ước được 1 lần ra đảo.

    Trả lờiXóa
  3. Đọc bài của ông mà mắt mũi tôi ướt nhèm, ông viết thật quá.

    Trả lờiXóa
  4. Nguyễn Thanh Hà08:20:00 22 thg 5, 2013

    Nhung xứng đáng được tặng thưởng Huân chương chiến công, phải sống thật đừng giả dối nữa.

    Trả lờiXóa
  5. Cảm động quá, phục em gái Quảng trị quá...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hôm nào anh Nam vào Quảng Trị em dẫn đi gặp nhé?

      Xóa
  6. Xin phép tác giả "bưng" về khoa4suphamhue.Cám ơn tác giả.

    Trả lờiXóa
  7. Nhung dễ thương quá, tin rằng e sẽ còn sống và cống hiến hết mình với nghề!
    Cám ơn anh MTH đã ghi lại dấu ấn này, cám ơn Nhung vì đã hát khúc ca cho chiến sỹ theo chú đề hợp với mỗi vùng miền và... k bỏ xót các anh Công binh đang chèn lưng gánh nắng xây đảo...
    X.bông!

    Trả lờiXóa
  8. Trân trọng cảm ơn những bài viết tâm huyết của nhà báo MTH. Nhà báo ơi, làm ơn đừng cho độc giả đường link sang blog photphet nữa... Bẩn lắm!!!

    Trả lờiXóa
  9. Các đoàn công tác ra Trường Sa rất cần những con người như thế này. Đi để được trao yêu thương, đi để được cống hiến chứ không phải là đi để được...du lịch. Mỗi một lần lên đảo thấy các anh phải đón tiếp đoàn cực lắm

    Trả lờiXóa
  10. Vấn đề là hát thật và chân tình, còn dạng hát theo chỉ đạo và hô hào của MC thì chán bỏ mẹ.

    Trả lờiXóa
  11. Đi Trường Sa với các anh Hà Nội chán lắm. Mà các anh thì quê cũng ở đẩu ở đâu về bám trụ ở Thủ đô chứ. Nhưng kiêu căng, nghênh ngang, thích thể hiện bề trên. Trên đảo chìm thì sử dụng nước vô tội vạ. Đúng lá Thủ đô thiếu nước. Thế mà cũng đi ra Trường Sa. Chán lắm MTH a

    Trả lờiXóa
  12. Anh Hải,

    cám ơn anh về những hình ảnh rất thật ở Trường Sa, Nhưng mỗi lần đi đến các đảo anh có thể xem các anh lính của mình đang cần nhất những gì không.Nếu được anh có thể đăng lên một danh sách các thứ lính cẩn nhất để mọi người dễ đóng góp.

    Một người xa quê đã lâu.

    Trân Trọng

    Trả lờiXóa
  13. Anh Hải có quay clip lại ko, post lên xem đi a !

    Trả lờiXóa
  14. các bác cho hỏi muốn ra thăm Trường Sa thì : đi ở đâu được ? cần thủ tục gì ?

    Trả lờiXóa
  15. Cảm phục nữ văn công Nhung quá, mong tới đây sẽ có nhiều hơn những người trẻ ra thăm đảo với tinh thần đó. Cảm ơn nhà báo vì bài viết thật cho thấy một góc độ khác của những người kèn trống ra thăm đảo.

    Trả lờiXóa
  16. Mình là người HN gốc... thấy ngượng quá!

    Trả lờiXóa
  17. Chuẩn bị hè đỏ lửa năm 72. Mình cũng đã từng khóc khi hơn hai năm mới được nghe văn công Trung đoàn hát. Nhớ nhà quá, nhớ HP quá. Tiếng hát từ trái tim, từ tấm lòng là vậy đó. Không đãi bôi kiểu; Người ở đừng...viền mô. Cảm ơn Hải

    Trả lờiXóa
  18. một lần em vào Cam Ranh thăm anh của em công tác ở đấy trước khi đi biển, lúc đó rất đông công binh vận chuyển vật liệu và thiết bị lên tàu, có cả đá xanh nữa, nhưng anh em chỉ mặc như ảnh trên, em cũng nghĩ là công nhân, sau được giải thích thì thấy mình chẳng đâu vào đâu.

    Văn công như em Nhung đáng được trân trọng, cũng như anh Hải đi các đảo lúc nào cũng đi mọi ngõ ngách, làm báo thế mới là làm báo

    Trả lờiXóa
  19. Không chỉ lực lượng Công binh dễ "bị bỏ quên" đâu anh, cả cánh nhà đèn trên đảo cũng thế! Mỗi khi có đoàn đến thăm đảo, họ đứng bên nhà đèn trộm nhìn sang bên các anh Hải quân để ngắm bóng dáng đất liền. Lần bọn em ra đảo, đảo nào có nhà đèn em và một vài bạn cũng tách đoàn sang thăm, không sang được thì gửi quà sang.

    Trả lờiXóa
  20. Trong các tay viết blog, có lẽ bác Hải là người khéo lấy nước mắt của đọc giả nhất. Bác viết quá thật và mình có cảm giác đang đồng hành với mọi người đến đảo: "Và những cô văn công như Nhung, khom người chui dưới công sự, lập cập trèo thang gỗ, bấm chân trên ướt rượt bê tông, bặm môi lội qua san hô sắc nhọn, để ra hát giữa công trường rát nắng, bung biêng nhà tạm, hát đến khản cổ, nước mắt mình hòa cùng nước biển chảy xuống chân lính Công binh... thì mình tin là hát thật, tình cảm thật và yêu thật."

    Trả lờiXóa
  21. Sửa lại đi Hải. Đoàn mình không ra Đá lát. Vậy thì Đá lớn hay Đá Tây?

    Trả lờiXóa