23 tháng 5, 2013

"KHẢO CỔ" Ở ĐẢO XA?..


Mai Thanh Hải - Những người đi biển ít khi mang những đồ vật của biển như vỏ ốc, san hô... về nhà.

Bởi họ quan niệm: "Của biển phải để ở biển, nếu có lấy cũng phải trả lại cho biển 1 thứ gì đấy tương tự. Nếu không, rất... đen đủi".

Và nữa, những thứ của biển ấy, có mang về cũng phải để ở nơi công cộng, tuyệt nhiên không thể làm của riêng trong nhà.

Tuy nhiên, nhiều người mới ra đến biển lại không để ý hoặc bỏ qua chuyện ấy, nên lính đảo mới có câu "Nhặt nhạnh đảo xa", để vui đùa - nghiền ngẫm.

Đi cùng các Đoàn Công tác ra Trường Sa, không khó để nhận biết những háo hức, tò mò trong rất nhiều người.

Cái sự háo hức ấy, nếu chuyển thể thành việc tìm hiểu cặn kẽ đời sống bộ đội, động viên thăm hỏi, về bờ tuyên truyền ý thức chủ quyền biển đảo là một nhẽ.

Nhưng háo hức chỉ để chụp ảnh lưu niệm về khoe, lần tìm - xin xỏ những kỷ vật của đảo, để rồi về minh chứng "có quà Trường Sa" lại là một nhẽ khác và một số ít thôi, những người ra thăm đảo, đã khiến không ít anh em bộ đội... buồn cười.

Khách ra thăm, cả đảo đôn đáo ăn mặc bảnh bao sạch sẽ, xếp hàng từ cổng chờ khách ùa vào bắt tay.

Xong màn chào hỏi, các đơn vị - cụm chiến đấu - phân đội lại khẩn trương về doanh trại mình, ngồi sẵn trước bàn ghế sạch bong, ấm chén như lau như ly, đợi khách đi qua đôn đáo mời ghé qua uống nước, hỏi chuyện đất liền - tâm tình quê hương (trong bàn này, anh nào mà gặp được... cận đồng hương thôi, là cũng rú lên sung sướng, hạnh phúc lắm rồi).

Vài tiếng trên đảo, đủ để "cưỡi ngựa xem hoa" nhưng với chúng mình, chả bao giờ hết chuyện.

Ngược lại với ít người, chỉ quấy quá hỏi han, nhát gừng trò chuyện với bộ đội, còn thực sự mắt thì dán chặt vào quả bàng vuông vẫn còn non tơ - mềm oặt, nhăm nhăm... đòi bẻ, để "mang về làm kỷ niệm, cháu nhá!".

Chỗ nào không có bàng vuông hoặc bị Đoàn trước bẻ trụi lủi, mấy bác "sưu tầm" thế nào cũng mắt trước mắt sau tìm ra bờ đảo, lội xuống cát, chui vào bãi cọc chống đổ bộ, trèo cả lên đống đá công binh, mắt cắm xuống mong tìm 1 con ốc vẹo, mẩu san hô gãy, tỉ mẩn đút túi, khệ nệ bưng lên, mắt bừng sáng như "địa chủ được mùa ngô", ra chiều hạnh phúc, mặc kệ cho Sĩ quan Điều hành gào thét mau mau ra tàu, cho kịp con nước...

Nhìn những cảnh ấy, khối bộ đội cười thông cảm: "Mấy thứ vỡ vẹo, bỏ đi ấy, lấy làm gì cho nặng?. Lại khổ tổ tàu dọn dẹp, khi khách lên bờ!"...

Hôm rồi ở Nam Yết, đảo thì toàn dừa với lại phong ba, bão táp, chưa bao giờ có cây bàng vuông, nhưng mấy chị ở Hội PN, cứ nằng nặc túm áo Trung tá Hòa, Chính trị viên phó của Đảo, đòi: "Kiếm cho tôi cây bàng vuông, mang về chùa trồng kỷ niệm", khiến Hòa nhăn như bị: "Nhưng đảo không có cây ấy!".

Qua đảo chìm Đá Lát, mấy chị em thấy khung Công binh treo lủng lẳng con ốc treo đầu cước, liền kéo nhau sang trò chuyện - hát hò và dĩ nhiên đều thẳng tưng: "Xin con ốc", khiến cả khung ngẩn ngơ, hụt hẫng.

Chàng Thượng úy chỉ huy, cười lắc đầu cùng bộ đội và... hào phóng nhặt hết cả chỗ vỏ ốc sau bếp, chắc mới bắt và luộc ăn hôm trước, biếu các chị.

Chưa hết, mấy chị nhanh mắt nhìn thấy vài con ốc to chưa luộc, nhanh miệng xin luôn.

Bộ đội lại cười, tặng luôn cho rảnh, thành 1 bao đầy, lặc lè 2 người khiêng xuống xuồng, cười tít mắt, khoái khoái là...

Lên đến Nhà giàn DK1/18 - Phúc Tần, chưa làm việc xong, đã có người níu tay Đại úy Hùng, Chỉ huy trưởng hỏi: "Có con ốc, cho tôi xin làm kỷ niệm", khiến tụi mình tròn xoe mắt: Từ mặt nước xuống đáy biển cả trăm mét nước, duy tu bảo dưỡng mấy cột thép cắm xuống san hô, phải là người nhái mặc đồ chuyên dụng, các vàng bộ đội cũng không lặn được xuống đấy mà ốc với ếch!..

Cũng may là anh em nhà giàn mới được tàu cá của ngư dân đánh bắt ngoài đảo, tặng cho rổ ốc ăn đổi bữa cá, vỏ vẫn đang phơi ngoài hiên, nên bộ đội đưa hết vào... tặng, mới tạm yên cái vụ "không ngoan cũng phải có quà".

Mình ra đảo không nhiều, nhưng cũng đủ để chia sẻ với bộ đội, đằng đẵng cả năm ngoài đảo, không bóng dáng khách đất liền, gương mặt đàn bà con gái, cái nhu cầu rất thật: Được hỏi han, tâm tình, nói chuyện...

Người khách ra đảo, chí ít chắc cũng phải ý thức được việc đơn giản là "chào hỏi", trước khi tìm hiểu, biết rõ và thấm thía đời sống của người lính nơi xa xôi, để về "tuyên truyền, giáo dục người khác" trong đất liền.

Bỏ qua điều giản đơn ấy, để chăm chăm tìm kiếm - xin xỏ những thứ không đâu về làm kỷ niệm, thì khái niệm "biển dảo Trường Sa" có khi chẳng hình thành nổi, nữa là có được cái ý thức: "Bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc".

Tin mình đi: Nếu chân thật, hòa đồng với bộ đội, anh em chả tiếc gì mấy thứ kỷ niệm, tuy rằng phải chật vật tìm, cặm cụi làm và nâng niu cất giữ.

Còn nếu cứ đi "thăm và làm việc" với suy nghĩ "đi nghỉ ngơi, an dưỡng", thà rằng ngồi ở nhà đọc sách, xem báo, nghía tivi cho đỡ tốn tiền của, công sức phục vụ - chăm lo của bộ đội.

Nữa: Ai ra đảo, cũng chăm chăm tìm vỏ ốc, san hô... về làm kỷ niệm, có khi bên Hải quân ban hẳn lệnh.... "Cấm nhặt nhạnh", để mỗi khi có khách ra thăm, bộ đội không phải nhấp nhổm dõi mắt, trông coi an toàn cho những "nhà khảo cổ"; ở mỗi nơi tàu về bờ, cho bộ phận Hậu cần - Lễ tân bán hẳn một số kỷ vật lấy từ Trường Sa, phục vụ trong chuyến đi (vỏ ốc, san hô, hoa ốc, mũ cối, dép rọ, túi bảo quản...) cho khách thăm đảo, số tiền này có khi thừa sức đóng chiếc xuồng CQ...

Như thế, các cụ nói là: "Ích nước, lợi nhà". Thật!. Mình nói thật đấy!..
---------------------------------------------------------------------

10 nhận xét:

  1. Thật đáng xấu hổ

    Trả lờiXóa
  2. Nghe bác kể xong mà bực mình, muốn chửi bậy!
    Ai muốn nhặt thì nhặt, đừng có lôi các anh áo xanh vào mấy cái vụ ấy!
    Bác Hải tác động Bộ TL Hải quân ra chỉ thị cấm xin xỏ đê!
    X.bông!

    Trả lờiXóa
  3. Hải nhìn đời, nhìn người "đen tối" quá.Những người ấy, đa số họ chỉ vô tâm thôi và cách họ hành xử cũng là việc bình thường của mỗi người khi đến một nơi mới, lạ nào đó. nhà văn Nguyễn Tuân, một người thích " giang hồ vặt" nổi tiếng, mỗi khi đi đến đâu đều tìm đến bưu điện xin một con tem hoặc xin đóng một cái dấu nhật ấn lên va li để ghi nhớ rằng mình đã từng đến đó một lần trong đời.
    Tất nhiên, cũng không ít kẻ - nhất là đám quan chức, đám cán bộ, công chức trong các tổ chức Đảng, đoàn thể-là những " diễn viên" cực giỏi trên sân khấu chính trị. Họ đâui có quan tâm đến biển đảo, đến đời sống CBCS ở đảo. Họ đi đảo để PR bản thân thôi. Bọn này thì mình chỉ muốn bắn bỏ. Dù vậy, mình vẫn cho là số đông người ra đảo họ chỉ vô tâm và hành xử như một tập tính tự nhiên của con người. Cách hành xử đó đúng là gây phản cảm thật nhưng có trách là trách những cơ quan tổ chức chuyến đi đã không chịu quán triệt, nhắc nhở trước. Tôi tin là với những người đó, chỉ cần có sự lưu ý vừa phải thôi, họ cũng sẽ biết nên làm gì. Đỗ Phú Quốc, Thanh Xuân, Hà Nội.

    Trả lờiXóa
  4. Cả đời người có mấy ai có cơ hội ra Trường sa, nên muốn có con ốc, con sò làm kỉ niệm cngx là chuyện bih thg có gì mà to tát, có đáng để viết cả bài chỉ vì vấn đề này k anh Hải ?

    Trả lờiXóa
  5. Hoàn toàn đồng ý với anh Hải. Đa số họ đi để thỏa mãn tính tò mò, để về khoe rằng ta đã đến Trường Sa, ..., đi với tâm trạng của 1 người du lịch, háo hức, thích thú vì đến được 1 nơi mà người khác không dễ gì đến được, hơn là đi với tinh thần vì chủ quyền thiêng liêng của đất nước, vì muốn chia sẻ, cảm thông với những người lính đảo. Tư tưởng này hiện đang rất phổ biến trên các diễn đàn mạng.

    Trả lờiXóa
  6. Đâu có phải ai cũng được ra Trường Sa , ra lần thứ hai lại càng khó , cho nên muốn có một con ốc , một mảnh san hô để kỉ niệm thì cũng là bình thường . Và cũng không phải tất cả những người đó ra Trường Sa chỉ vì con ốc hay quả bàng .

    Trả lờiXóa
  7. Bài này tôi không thích, ra với TS đã là 1 kỳ tích, có cái vỏ ốc mang về làm kỷ niệm thì càng thích, có gì đâu mà anh nỡ...

    Trả lờiXóa
  8. Em nghỉ anh Hải đừng thiên kiến về vấn đề này, tâm lý bình thường của con người là khi đi đến vùng nào lạ, xa xôi, thường tìm kiếm 1 kỷ vật, với lại kỷ vật chỉ là cái vỏ ốc, thứ rất nhiều ở biển đảo, em đồng ý nếu những người ra trường sa mà tắm mỗi lần cả xô nước anh có thể mắng thẳng họ, or comment trên DĐ....
    Không lẻ vỏ ốc hiếm ở ngoài TS sao anh hải, vài lời chia sẻ quan điểm riêng ......

    Trả lờiXóa
  9. Sao không ép compuzit thành tấm ghép nhà cho các anh ở mà lại ghép tấm cót thế thì chịu sao nổi gió bão cơ chứ

    Trả lờiXóa
  10. Cũng là một lời góp ý thẳng thắn nhiều người nhìn nhận lại vấn đề. Cảm ơn pác.

    Trả lờiXóa