28 tháng 12, 2012

TRÊN NÀY LÚC NÀO CŨNG NHƯ MÙA ĐÔNG


Mai Thanh Hải - Hình ảnh do một cán bộ huyện Trạm Tấu (Yên Bái) mới ghi lại được trong chuyến công tác lên xã vùng cao - đặc biệt khó khăn Tà Xi Láng.

Mình lên Tà Xi Láng tầm 2004-2005, khi tỉnh Yên Bái huy động toàn bộ sức dân, thanh niên, bộ đội, công an trong tỉnh, tập trung đào núi mở đường, phá thế cô lập từ Văn Chấn và trung tâm xã.

Hồi ấy, mình và Mạnh Hùng, Văn Thành (Ban Thời sự, VTV) đi bộ mất cả ngày đường mới lóp ngóp chui vào được Trung tâm xã, chén được bát mì nấu với rau cải còn dính đất của bộ đội, xong ngã vật bên bếp lửa, trong nhà bạt dã chiến của bộ đội, ngủ phát đến sáng bạch, mới cà nhắc đi chụp ảnh - ghi hình - phỏng vấn.

Ký ức của mình về Tà Xi Láng hồi ấy đơn giản: Là một xã thuộc huyện Trạm Tấu tỉnh Yên Bái , phía bắc giáp xã Bản Mù , phía Tây giáp huyện Phù Yên và Bắc Yên (Sơn La), phía đông và nam giáp huyện Văn Chấn (Yên Bái).

Dân cư ở đây 100% là người H' Mông, sinh sống bằng nghề làm nương và đi rừng hái củi , ngoài ra còn tham gia vận chuyển gỗ pơ mu lậu.

Với đặc điểm địa hình hiểm trở trên độ cao gần 2000m, bị chia cắt bởi vực sâu ,núi cao, vách đá dựng đứng... nên đường vào Tà Xi Láng cực kỳ khó khăn.

Trước đây chỉ có đường mòn dân sinh, nay đã được mở rộng khoảng 4-5m , nhưng sạt lở thường xuyên khiến con đường vào hay bị ách tắc, rất nhiều đoạn chỉ đi vừa bánh xe máy.

Độ dốc của con đường này cũng thật khó tưởng tượng: 15-20%.

Mới cách đây khoảng hơn 10 năm , Tà Xi Láng nổi tiếng là "Vựa Pơ mu" của miền tây Yên Bái. Đến nay gần như rừng Pơ mu đã bị xóa sổ , lác đác cũng chỉ còn sót lại dăm ba khoảng rừng trên tít non cao.

Cuộc sống của người H' Mông ở Tà Xi Láng còn rất khó khăn, 1-2 tháng thiếu ăn lúc giáp hạt là điều vẫn xảy ra.

Do độ dốc lớn việc canh tác khó khăn, mùa màng lúc được lúc mất, dân trí rất thấp nên đa phần trẻ em ở Tà Xi Láng thất học , mặc dù có trường ngay tại trung tâm xã nhưng để vận động được người đi học không phải chuyện dễ...

Trong 16 xã thuộc huyện Trạm Tấu (Yên Bái) thì Tà Xi Láng và Bản Mù là 2 xã miền núi đặc biệt khó khăn...

Vài năm không lên, thi thoảng đọc báo Đảng địa phương, hơi hơi hy vọng vào "sự đổi đời" của bà con trên ấy, bởi các bạn viết khéo và hay quá.

Hôm nay, nghe bạn cán bộ huyện gọi điện: "Bọn em muốn xin cho trẻ con trên này ít áo ấm và ủng cao su cho trẻ con, kẻo rét quá, chúng nó nghỉ học hết, trường lớp vắng tanh", mình ngạc nhiên: "Ơ!. Tưởng trường lớp xây kiên cố hết rồi cơ mà!".

Bạn cán bộ huyện cười buồn: "Gửi ảnh anh xem, kẻo lại bảo là nói ngược đồng nghiệp!" và ví von: "Ở ít trên này, 4 mùa đều như mùa đông!"...

Mình xót xa: Lạnh đến 2-3 độ C, đến trâu bò còn lăn ra chết, thì bọn trẻ con chân trần, phải hùng hục chạy đi chạy lại trong sân dày đặc sương mù cho ấm người, học thế quái nào được mà bảo "Các em học sinh mầm non và tiểu học, trung học cơ sở vượt qua quãng đường đất lầy lội bởi những cơn mưa sương, đôi chân còn lấm lem bùn đất, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt dắt tay nhau đến lớp", hở người?..
---------------------------------------------------------------------------------------

7 nhận xét:

  1. Trông các bé dễ thương quá!

    Trả lờiXóa
  2. Ừ mình cũng thấy các bé dễ thương quá, cả trai lẫn gái đều quá xinh đẹp và ngoan. Thương các bé đi chân đất quá.

    Trả lờiXóa
  3. Cơm thơm ăn với cá kho
    Công đức Bác Hồ bản nhớ ngàn năm
    Bác thương dân chăm ăn chăm mặc
    Em đi chợ đồng bằng bán hạt sa nhân ...
    Bài thơ này mình học lâu lắm rồi nhưng không nhớ của Nông Quốc Chấn hay Bàn Tài Đoàn ? ) từ thời còn ăn đói , mặc rét ở Cấp 3 An lão cơ . Hơn 40 năm vẫn ấn tượng và nhớ bài thơ và bây giờ hòa bình đã mấy chục năm rồi , sao các cháu còn đói rét hỡi các vị đang kêu gọi học tập và làm theo lời bác ...

    Trả lờiXóa
  4. Tội nghiệp quá đến bao giờ cho đến bao giờ?

    Trả lờiXóa
  5. Bài thơ này hay đó là bài "Bữa cơm thường trong bản nhỏ" Chế Lan Viên

    Trả lờiXóa
  6. Các đồng chí thông cảm, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến tất cả người dân VN, đặc biệt là các em nhỏ vùng khó khăn. Nhưng do tính chất địa hình nên việc vận chuyển những vật dụng cần thiết là vấn đề nan giải, hiện chúng tôi đã có những đề tài khoa học nghiên cứu để giải quyết triệt để những khó khăn trên.
    Tuy nhiên, đã có những câu hỏi ngược lại, rằng sao gỗ Po-mu thì kéo về được mà những vật dụng hỗ trợ dân nghèo lại không thể mang lên. Xin thưa rằng, kéo xuống thì dễ, còn kéo lên mới là khó, giống như các đồng chí lên cầu thang vậy.

    Trả lờiXóa
  7. Thương trào nước mắt các cháu ơi!-Cầu chúc sao đời các cháu luôn mãi thanh bình.

    Trả lờiXóa