14 tháng 9, 2011

BÔNG ĐIÊN ĐIỂN

Người Lữ hành kỳ dị - Mùa này nước nổi ở Đồng Tháp Mười. Năm nay, nước lên chậm hơn mọi năm. Nhưng bông Điên Điển thì vẫn đúng hẹn, vàng rực bờ.

Bữa nhậu với bạn miền Tây ở Sài Gòn, bạn hỏi: "Mầy ăn bông Điên Điển không?. Tao gửi qua. Bông Điên Điển mới hái dưới kinh đem lên còn vàng ươm, nhà tao nhiều lắm!".

"Ờ! Cảm ơn mầy!. Ăn canh bông Điên Điển thì phải ăn ở miền Tây mới ngon. Chớ ngồi ở Sài Gòn mà ăn canh cá rô bông Điên Điển, coi bộ hổng đúng điệu chút nào!".

Cây Điên Điển cũng như cây dại, mọc theo bờ nước. Thân gỗ, bông búp vàng rực. Trái chín ra, hạt lại rớt xuống nước, xuống bùn, mùa nước nổi năm sau lại mọc cây mới.

Bông Điên Điển nấu canh rất ngon. Ngon miệng và và ngon mắt vì cái màu vàng của bông, khi nấu chín vẫn còn rực rỡ. Cây Điên Điển mọc nhiều nhất ở vùng Đồng Tháp Mười, ở khắp miền Tây chỗ nào cũng có.

Cây thân gỗ nhưng chụm lửa rất dở vì mau cháy, cây thân gỗ nhưng bộ rễ cạn quèo, người mạnh có thể dùng nắm tay nhổ được cả cây lớn.

Riết rồi ở miền Tây, cái gì không được tốt, cái gì không được bền, người ta hay sánh với rễ cây Điên Điển. Nói trại riết, lâu dần thành dấu ngã thành dấu hỏi, chủ yếu dùng để kêu mấy thằng rể: "Rể Điên Điển".

Mấy thằng rể cưới được con gái người ta, rồi không chịu làm ăn nuôi vợ con, làm biếng thăm viếng hỏi han cha mẹ vợ, không biết bà con bên vợ, kêu bằng "thằng rể Điên Điển".

Người vùng khác không biết cây Điên Điển, không nghe tích này, không hiểu so sánh ấy là khen hay chê. Nhe răng cười, càng giống... "thằng rể Điên Điển".

Tôi ăn canh cá rô bông Điên Điển lâu rồi, đâu mùa nước năm 1997. Hồi đó chúng tôi có một nhóm, gồm 4 cặp năm nữ, vẫn thường đi chu du đây đó bằng xe máy.

Một lần chúng tôi đi sâu vào vùng Đồng Tháp, đến một xã vùng sâu.

Sâu đến nỗi ở đây chưa hề có điện, không có sóng điện thoại, kể cả tín hiệu tivi hay radio cũng rất yếu.


Chúng tôi men theo những con đường quê nhỏ, lầy lội bùn đất, băng qua những cây cầu nhỏ xíu nhưng lại cao ngất ngưỡng và đi hai lần đò mới đến được chỗ đó.

Buổi chiều khi vừa đến, chúng tôi cởi đồ nhảy xuống sông tắm, bơi ngang bơi dọc, mấy người chèo ghe cười, hỏi: "Dân thành phố mà lội giỏi quá đa!".

Lúc lên bờ, ngồi chơi cho khô ráo, một lớp phù sa mỏng bám đầy trên tóc, trên da tôi.

Ở vùng nước nổi, nhà ở thường không có móng, dân làm nhà bằng cây, có nhiều cột chống xuống đất.

Mùa khô dân khiêng nhà ra mé sông, kê lên sát mặt nước để tiện cặp ghe ra vô.

Mùa nước nổi, dân khiêng nhà sâu vô gò cao, nước lên tới đâu, kê nhà lên tới đó. Tiện vô cùng.

Mỗi đợt khiêng nhà thì cả xóm cùng khiêng, nhà nhỏ khiêng trước, nhà lớn khiêng sau, không phải công cán gì.

Dân ở đây, nhứt là đàn ông, hầu như không ai biết guốc dép gì cả. Bàn chân thường to bè, chai sần phía dưới, điều đặc biệt là ngón chân cái thường bị xoãi ra, trông rất kỳ dị.

Họ dùng ngón chân cái này để bám thành ghe, bám sàn cây, để bấu xuống bùn, lâu dần thành tật, ai cũng vậy.

Chúng tôi được đãi ăn một bữa thịnh soạn, cá rô đồng chiên dòn rưới mắm chua ngọt và canh chua cá rô bông Điên Điển.

Chúng tôi ăn bữa cơm ấy giữa Đồng Tháp Mười, trên một sàn cây, bên một con sông nằng nặng phù sa và với vợ chồng người nông dân có ngón chân cái xoãi ra một cách kỳ dị.

Nếu một người Mỹ được mời vào nhà Trắng dùng bữa tối với ông Obama mà cảm thấy vinh hạnh như thế nào, thì chúng tôi lúc ấy cảm thấy hơn thế một trăm lần, nói vậy để bạn hiểu...

Buổi tối chúng tôi đốt một đống lửa lớn ở ngoài sân, lửa đốt bằng cây Điên Điển khô và tàu dừa, đốt lửa để xua đàn muỗi.

Những con muỗi vùng này như những chiếc máy bay tiêm kích cảm tử, chúng chích vào người phe một tiếng “phực” và một cảm giác đau nhói.

Chúng tôi lấy rượu ra uống. Nhưng da thịt bọn thành phố thơm tho, máu bọn chúng lại nhiều và ngọt (tôi nghe đàn muỗi kháo nhau thế).

Chẳng trách đàn muỗi ngày càng đông, quơ tay có thể nắm một chục con trong lòng bàn tay. Bữa rượu mất vui vì muỗi.

Chúng tôi trải chiếu rồi đem một cái mùng lớn, cắm cây và giăng mùng gần đống lửa, chúng tôi chuyển bàn nhậu vô trong mùng. Đó là một kỷ niệm đáng nhớ, bốn người đàn ông ngồi nhậu trong mùng để tránh muỗi.

Đàn muỗi tức tối bám đen cả cái mùng, nhậu xong chúng tôi đẩy mọi thứ ra ngoài và lăn ra ngủ ngay trong mùng, bạn tôi nằm ngoài cùng, cánh tay, bàn chân để cạnh vách mùng bị muỗi chích đỏ rực.


Năm nay ở Đồng Tháp Mười, nước lên chậm hơn mọi năm nhưng bông Điên Điển thì vẫn đúng hẹn, vẫn vàng rực.

Nhớ tô canh cá rô bông Điên Điển ở Đồng Tháp Mười. Con cá rô mề mùa nước nổi dai thịt, ngọt ngay, bông Điên Điển nấu chín vẫn rực rỡ.

Đàn ông thanh niên chưa vợ ăn tô canh nầy một lần, chắc chắn sẽ lấy vợ miền Tây.

Mà nếu có lấy vợ miền Tây thì tôi dặn trước: Nhớ ăn ở cho phải, đừng để người ta kêu bằng "Thằng rể Điên Điển".

6 nhận xét:

  1. Bạn này dân miệt nào hé, tả bông điên điển có hồn quá chứ.

    Trả lờiXóa
  2. Hỏi Vô ZDuyên dễ sợ. Dân miệt zườn, nhá!

    Trả lờiXóa
  3. Ehhh, dân miệt dzường đấu có dùng "nhá" :D:D
    Bài hay!! (Ko có nút "Like" hay "+" nhỉ??)

    Trả lờiXóa
  4. zô ziên, zô ziên :))

    Trả lờiXóa
  5. Mai thanh Hải có vẻ me sì goog quá

    Trả lờiXóa
  6. hỏi zdô zdiên wá. Dân miệt zdườn, nha.Dân miệt vườn không nói Duyên mà nói ZDIÊN, không nới NHÁ mà nói NHA....hihihi
    dân Xài-gòn

    Trả lờiXóa