27 tháng 9, 2013

THÊM 2 "CỤ" NỮA


Cặp tàu hộ vệ tên lửa "Gepard - 3.9" thứ hai này được đóng tại Nhà máy Zelenodolsky mang tên A.M. Gorky (CHLB Nga) và được trang bị hệ thống vũ khí chống ngầm thế hệ mới, động cơ đẩy và hệ thống tên lửa phòng không hiện đại hơn.

Ngoài ra, tàu còn được tích hợp các hệ thống truyền thông bên ngoài và bên trong khoang tàu, cũng như hệ thống phát thanh - truyền hình, hệ thống quan sát.

Với những tính năng hiện đại được bổ sung thêm, cặp tàu hộ vệ tên lửa Gepard-3.9" mới sẽ góp phần nâng cao khả năng chống ngầm trên hạm của lực lượng Hải quân Việt Nam.

Theo kế hoạch, 2 tàu hộ vệ tên lửa "Gepard 3.9" mới sẽ được chuyển giao cho phía Việt Nam trong giai đoạn 2016-2017.
 
Theo thiết kế chung, tàu hộ vệ tên lửa lớp "Gepard-3.9" có khả năng tàng hình, có thể theo dõi, tìm kiếm và tiêu diệt các mục tiêu tàu nổi, tàu ngầm; đồng thời phòng không, hộ tống, tuần tra bảo vệ lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế một cách độc lập hoặc tác chiến theo biên đội.
 
Chiến hạm lớp "Gepard-3.9" có chiều dài 102 m, rộng 13,7 m, lượng dãn nước toàn phần khoảng 2.100 tấn, tốc độ 21 hải lý/giờ, tầm hoạt động khoảng 5.000 hải lý, thời gian chạy liên tục trên biển 20 ngày đêm, có thể chịu được sóng gió cấp 10-12.

Trên tàu được trang bị hệ thống vũ khí phòng vệ và tấn công tân tiến như tên lửa chống tàu Uran-E (Kh35) có khả năng tìm diệt các tàu mặt nước của đối phương từ xa ở cự ly đến 130 km; pháo hạm đa năng AK-176 tốc độ bắn 60-120 phát/phút, có thể tiêu diệt các mục tiêu trên biển, ven bờ và trên không với tầm bắn 15 km, độ cao 11,5 km; tổ hợp pháo - tên lửa phòng không đa năng Palma tốc độ bắn 10.000 phát/phút với tầm bắn 8.000 m; ống phóng ngư lôi 533 mm…

Phía đuôi tàu có bãi đáp cho trực thăng chống ngầm Ka-28. Với nhiệm vụ chính là chống tàu ngầm, Ka-28 được trang bị các thiết bị và vũ khí có thể phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm.

24 tháng 9, 2013

BẤY NHIÊU TÌNH, DÀNH CHO BIÊN CƯƠNG

AABC - Khoảng 100 bao - thùng hàng sẽ vượt núi băng rừng lên với đỉnh cao biên giới Sì Lờ Lầu - Ma Ly Chải, trong chuyến hàng thứ 2 trong năm học mới 2013-2014, triển khai tại huyện Phong Thổ (Lai Châu), trong tuần đầu tiên của tháng 10/2013

Một nửa số bao hàng trong số ấy (tặng cho gần 2.000 học sinh - giáo viên toàn bộ 2 xã) đã gọn gàng trong kho, chứa sẵn từng suất quà gồm áo mới, dép mới, khăn mặt, ca - bát ăn cơm uống nước, sách vở, đồ chơi, lương thực - thực phẩm, bánh kẹo... cho từng đứa nhỏ biên viễn, chắc đang háo hức đợi quà.

Nửa số hàng còn lại, đang chờ đợi thêm những sự đóng góp, để đủ đầy áo dép và lại được đóng vào bao - thùng trong những ngày cuối tuần tới, cho tuần sau, tháng 10 đầu tháng, xuất phát lên vùng cao mây trắng bao la.

Sẻ chia - đùm bọc từng tấm áo, đôi dép, gói mì chính, thùng mì tôm và hì hụi, mướt mải mồ hôi, cho gọn gàng từng phần quà xinh xinh, thơm tinh khôi mùi vải - vở mới...

Đấy mới thực là tình, dành cho trân quý biên cương!..
---------------------
* Tìm hiểu về Chương trình AABC: TẠI ĐÂY
* Tìm hiểu cách thức ủng hộ: TẠI ĐÂY
* Cập nhật mọi sự ủng hộ: XEM TẠI ĐÂY


ANH NGÃ XUỐNG RỒI, NHƯNG VẪN Ở RẤT GẦN EM

Sắp thành vợ chồng sau bao năm yêu nhau. Mẹ anh đã bưng trầu cau sang nhà dạm hỏi, trong khi anh đang biền biệt chiến trường Tây Nam đánh trả quân Polpot xâm lược. Chỉ đợi anh về phép, dịp tháng 2 đầu Xuân là đôi lứa giáo viên - bộ đội sẽ thành vợ chồng, cùng liếp nhà tranh tập thể, mà em đã se sẽ chuẩn bị từ chiếc thau nhôm, mấy đôi đũa vót cho đến đôi chim bồ câu giấy cắn mỏ vào nhau cùng chữ Hỉ, thay anh. Thế mà... Lá thư anh viết cho em vội vàng nhưng nồng nàn đau đáu, trước giờ hành quân lên biên giới Lạng Sơn đánh trả quân Trung Quốc xâm lược, giành giữ bình độ 400, nhưng chưa kịp gửi vì cuộc chiến ác liệt, vẫn nằm nguyên trong phong bì, kẹp trong cuốn sổ giao ban. Anh ngã xuống cùng gần 80 tay súng bộ đội mình, chỉ sau 2 tuần khi viết thư cho em và mãi trắng trong tuổi trẻ với cấp hàm Chuẩn úy, Chính trị viên Đại đội. Em đã chờ anh 4 năm trời, để chờ đợi, rồi chôn chặt trong lòng nỗi nhớ và cũng phải sống cuộc sống đời thường, như bao nhiêu con người khác. Gần 35 năm, khi em đã rời bục giảng - nghỉ hưu, lá thư cuối cùng anh gửi, mới tìm được về với em, qua bao vất vả của đồng đội. Buổi trưa Nghĩa Hưng, Nam Định ong ong nắng Thu, trước đợt gió mùa đông Bắc, bao điều tưởng đã chôn chặt trong mặn môi, mắt nước lại ầng ậc ùa về, khi em được ôm trong ngực, những dòng anh gửi em trước lúc hy sinh, hòa cùng nước mắt của những đồng đội nghiêm trang trong quân phục tìm về...

Đất nước này, Tổ quốc này mãi mãi ghi ơn các anh, các chị...

22 tháng 9, 2013

CHỖ NÀO CŨNG NẮNG

Nguyễn Ngọc Tư/ Báo Người Đô thị - Quá cái tuổi háo hức những món quà miệt vườn trong giỏ xách mẹ, mỗi bận bà lên thăm anh hóng thứ khác: Những câu chuyện của quê nhà.

Năm tiếng đồng hồ ngồi xe đò không ăn nhằm gì với bà già quen làm lụng, nên vừa bước chân vào nhà anh ngay lập tức chuyện giòn như cốm nổ.

Không lúc nào chịu ngồi yên một chỗ, trong lúc xăng xái dọn chỗ này dẹp chỗ kia, vừa làm vừa kể, những chuyện nhà quê theo bước chân mẹ dìu dặt nửa xa nửa gần.

Giọng điệu bâng quơ, như thể không ai nghe cũng không sao, mẹ nói cho vui nhà vui cửa.

Chuyện và người kể chuyện, là những gì mà anh không thể mua ở cái thành phố tiện nghi đến tận xương tủy này, tiện nghi đến nỗi những kẻ nhớ quê cũng mua được cá lòng tong, mớ tép rong.

Mà, những câu chuyện ấy cũng đâu có giựt gân, kịch tính gì.

Lơ vơ, quẩn quanh chỉ là cái góc bếp bị dột, cô bạn bên xóm vừa làm sui đầu tay, con lộ bê tông mới toanh phóng qua trước nhà.

Sực nhớ gì thì nói đó, mẹ cứ láp giáp rời rạc, như thể chắp vá nhưng cái quê nhà mà anh đã rời bỏ hồi mười tám tuổi hiện lên sống động như bộ phim ai ải màu rơm rạ mục.

Không phải cái tên nào anh cũng biết, nhưng anh cảm giác họ quen thuộc với mình, cái cô dâu phóng khỏi chiếc xuồng để quay lại với gã thợ rèn mà cổ yêu, hay bà thầy bói lấy búi tóc trong bụng con bệnh bằng máu lưỡi.

Mẹ cũng không màng anh có quen người này người kia hay không, có gợi nhớ gì không.

Quan trọng gì, mẹ sẽ ở lại nhà anh vài ba ngày rồi phải về coi vườn tược, thời gian mẹ con gần gụi cũng ngắn ngủn, nên phải tận dụng những thứ có thể nói được với nhau.

Bằng cách đó mẹ buộc anh vào quê nhà, dù sợi dây đó không thấy được bằng mắt thường, mong manh.

Đôi khi anh cũng vuột khỏi nó, trôi tuột theo vài cuộc điện thoại thẳng căng của cuộc mưu sinh bù đầu.

Mẹ, một chân rút lên ghế, tơ mơ ngó ra rào, thủng thẳng kéo anh về, “mùa này so đũa trổ bông…”. Ngay lập tức anh nghe ngọt trong cổ họng cái vị của mật nằm sâu trong cuống bông, cái hình ảnh nửa vầng trăng cong treo chi chít trên cành, và mùi thơm của nồi canh chua bông so đũa nấu với cá rô đồng, nêm rau tần dày lá.

Và những con Tím con Lẹ nào đó mà anh vẫn nhớ mùi ghẻ chóc, giờ nằm võng ru cháu nội, ngoại trước mặt anh, ngay giữa thành phố và căn nhà rào cỗng kín bưng.

Họ đến với anh bằng mái tóc bạc, đuôi mắt răn reo…qua cái giọng kể hiền queo của mẹ.

Khó mà nắm bắt cho rạch ròi những chuyện không đầu cuối đó nhưng nó mang đến một cảm giác khó tả, xáo động một cách êm đềm: Tàu chạy quá xá nên lở mất bụi quao dưới bến. Cuối năm nay người ta bắc cây cầu qua sông Đầm. Người chị em bạn dì của anh thôi chồng, về xứ cất quán bán cóc ken. Đứa cháu họ xa vời đại bác bắn không tới mới đậu đại học. Bầy vịt xiêm vừa thay lông, chắc tới đám giỗ nội là lại sức, thể nào chú Út cũng xắn mấy mụt măng đem qua. Măng hầm thịt vịt là món bà nội ưa nhứt, hồi còn sống...

Như thể mỗi chuyện là một cọng nan tre, mẹ tiện tay đan thành tấm liếp che nắng, gió cho anh đỡ rạc rài.

Nhưng đó là chuyện hồi trước, giờ chuyện quê nhập nhoạng trong cơn đảo điên của đời sống.

Anh tự hỏi vì giọng chị Hai không giống mẹ, hay vì những câu chuyện khác xưa rồi. Chang chói. Bén nhọn.

Chị Hai còn biết kể gì ngoài những độ nhậu nhóm lên từ sáng sớm. Ba mẹ con bên xóm tự vẫn chết bằng thuốc sâu. Gần nhà xảy ra mấy vụ đâm xe máy. Một thằng nhỏ trộm chó bị xóm xông vào đánh gãy xương vai. Một cuộc ẩu đả của mấy anh em con cô con dì, chỉ vì ranh đất xê xích có một tấc...

Anh nghĩ đó không phải thứ mình chờ đợi, những gì xảy ra ở xứ sở miệt vườn xa xôi kia phải dịu dàng hơn thứ tin tức anh vẫn thường tiếp xúc trên trang báo hàng ngày.

Anh nghĩ cái xóm mà mẹ anh nằm lại, nó phải đứng ngoài những cơn gió lốc của cái đời sống loạn lạc này.

Như nó đã từng thờ ơ đi qua mấy bận binh lửa, mấy bận chính thể đất nước đổi thay, mấy bận thanh trừng.

Mãi mãi trong hình dung, quê anh như cụm bông gòn vừa bong ra khỏi trái, bay bâng quơ ơ thờ đậu đâu cũng được.

Trong ngôi mộ đã bắt đầu xanh cỏ của mẹ, những câu chuyện nhà quê đã từng làm bóng mát cho anh cũng hóa đất. Đốm bông gòn hiền queo đã thốc bay, cuốn vào dòng loạn lạc.

Anh biết không phải tại chị Hai kể chuyện miệt vườn không hay...

NGUYỄN NGỌC TƯ
-------------------------------------
* Nguồn hình: Nhật Quang FB

CHIỀU BIÊN CƯƠNG


Nguồn: XNA