6 tháng 8, 2011

KHOE ẢNH CẢ NHÀ

Hình chụp mẹ Hằng và em Khoai củ trước vóc hình đất nước. Nhìn hình này, tụi bạn mình nảy ra ý định mở 1 hiệu chụp ảnh, với phông đằng sau toàn biên giới (kiểu như cột cờ Lũng Cú), biển đảo (cảnh Trường Sa, đèn biển...), với quân phục Hải quân - Biên phòng - Cảnh sát biển và chụp giá rẻ để... khơi gợi lòng yêu nước. Mình thấy cũng hay đấy chứ, quay lại thời chụp hình chợ huyện ngày xưa, với đủ loại phông nền rừng - biển đằng sau, có khi còn hút khách hơn chụp hình... Hàn Quốc. Riêng với nhà mình, chụp hình thế này, mấy gái thích mê và thi thoảng lại đòi xuống chơi với các chú Hải quân (được ra biển, xuống tàu và phi xuồng cao tốc).

Đây là hình chị Miu và mẹ Thủy. Ai bảo không đẹp và không yêu nước nào? Chị Miu thì quá là ghét Tàu khựa. Tất cả đồ ăn thức uống, quần áo, giày dép... cứ có chữ loằng nhoằng giống Trung Quốc là Miu nhà ta "Hít le" luôn. Thậm chí bây giờ xem phim trên tivi, thấy phim Tàu là Miu chuyển, xem kênh khác. Hôm nào đen đủi, các kênh toàn chiếu phim Tàu xìn, Miu ta đàng ngồi thu lu xem... đá bóng cùng ba Hải hoặc bật đĩa xem lại "Hãy đợi đấy" cũ mèm. Chán nữa thì tống Miu sang nhà mẹ Thủy để 2 mẹ con... buôn dưa.

CUỐI TUẦN! KHOE VỢ CON VỚI BÀ CON TÝ CHO... OÁCH XỜ LÁCH! HI! HI!..

5 tháng 8, 2011

PHÓ BÍ THƯ TỈNH ỦY KHÁNH HÒA: "PHẢI CÓ HÀNH ĐỘNG THỂ HIỆN LÒNG YÊU NƯỚC, ĐỐI VỚI BIỂN ĐẢO QUÊ HƯƠNG"

Kéo thuyền vào đảo An Bang (6/2011)
Mai Thanh Hải Blog - Chiều nay (5/8), tại phiên Thảo luận ở hội trường về "Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011", duy nhất Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa dành nhiều thời gian đề cập đến vấn đề Biển Đông, biện pháp bảo vệ chủ quyền và... thể hiện lòng yêu nước của người dân.

Xin trân trọng giới thiệu những ý kiến... quý hiếm của ĐBQH Nguyễn Tiến Tuân
--------------------------------------------------------------------------------
ĐBQH Nguyễn Tiến Tuân
... "Vấn đề thứ ba, chúng tôi rất quan tâm trong giải pháp thứ 8, mà Chính phủ đặt ra đó là về An ninh - Quốc phòng. Giải pháp thứ 8 nêu ra tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả, các chủ trương nghị quyết của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực Quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, trước tình hình và diễn biến phức tạp, chúng ta cần hành động kiên quyết kịp thời phù hợp với pháp luật quốc tế đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước, huy động sức mạnh của toàn dân để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Tôi nghĩ, đây là một chủ trương mà để bảo đảm ổn định xã hội, giữ được chủ quyền của đất nước và chúng ta tập trung phát triển kinh tế. Vừa qua, chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến cử tri đặt vấn đề, và người dân rất bức xúc trước việc ngư dân của chúng ta, đánh bắt ở các ngư trường, thì bị tàu nước ngoài xua đuổi. Tàu thăm dò dầu khí của chúng ta, thì cũng bị họ cắt cáp và rất nhiều hành động xâm phạm đến chủ quyền biển đảo.

Tôi nghĩ rằng, Chính phủ cũng đã có báo cáo và cũng đã có các chương trình để gắn việc phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh quốc phòng. Riêng đối với Quốc hội, tôi nghĩ cũng phải có một chính kiến và đề nghị Chính phủ báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế ở các vùng biển đảo như thế nào, để trên cơ sở ở đó, chúng ta kết hợp được việc phát triển kinh tế và bảo đảm An ninh Quốc phòng.

Nói về vấn đề này, cũng báo cáo với Quốc hội là cử tri của Khánh Hòa rất biết ơn Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước, đã vì Trường Sa thân yêu và xây dựng Trường Sa ngày càng vững mạnh.
Bộ đội Trường Sa nhận quà từ đất liền

Chúng tôi nghĩ rằng, nếu Chính phủ tạo ra được các vành đai vững chắc trên tuyến huyện đảo, bằng các chương trình phát triển kinh tế mũi nhọn như vận tải biển, khai thác dầu khí, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, thì lúc đó tôi nghĩ, người dân sẽ có nhiều điều kiện để thể hiện lòng yêu nước của mình, bằng việc bám biển để chúng ta giữ được chủ quyền biển đảo.

Nhân đây chúng tôi xin đề nghị Quốc hội cần đặt ra nhiều vấn đề như trong giải pháp thứ 8. Tức là chúng ta phải có hành động, để thể hiện lòng yêu nước của chúng ta, đối với biển đảo quê hương. Trong đó, vấn đề đặt ra nhiều nhất là nhân dân ta cần làm gì để thể hiện lòng yêu nước cho đúng. Vừa rồi, chúng tôi rất buồn khi thấy một số thông tin cho rằng, người dân như thế này, thế khác, đó là tự phát hay tự giác.

Tôi cho rằng cái này cũng là hành động để thể hiện tấm lòng yêu nước của người dân đối với chủ quyền biển đảo của chúng ta. Xin hết!"...

"NHÁY GÁI"..

Hình mình mới chụp, buổi trưa ngồi ăn tại Của Đại (Hội An, Quảng Nam). Mỗi lần qua Hội An, không thể không gọi cho quán Mỹ Lệ bảo chủ quán kê cho cái bàn phía ngoài biển, trên bãi cỏ xanh, dưới tán dừa và chọn đồ ăn tươi, ngon (nhưng rẻ), ngâm sẵn bia lon 333 lạnh để mình có cơ hội gác chân ăn uống, hít khí giời, hưởng gió biển mặn mòi. Mình rất khoái quán Mỹ Lệ này vì cả nhà chủ quán rất nhiệt tình, nấu ăn ngon, bổ, rẻ. Khách khứa chỉ qua 1 lần là cả nhà nhớ ngay, gọi tên ríu rít như người thân. Có khi mình ở Hội An mấy ngày, chủ quán tên Mỹ bảo: "Ăn xong cứ về, lúc nào tính tiền 1 lượt cho tiện". Biết mình khoái ăn cơm nguội với... mỳ tôm nấu hải sản, rau cải, cà chua. Cứ buổi tối, cả nhà lại... phần cơm nguội và các thứ đồ ăn trong tủ lạnh, đêm mình đói mò ra, muốn nấu thế nào thì nấu. Không thích lang thang phố Cổ, ra quán có sẵn võng cho nằm... ngắm nữ khoai Tây khoai ta chân dài ngoài biển. He! He!..

Thật lạ, ở Cửa Đại, ngồi bú bia trên cát trắng, cỏ xanh, nhìn ra biển xanh, được lâu tý nào, thấy sống thêm được tý ấy. Ngồi chán, vác máy ảnh ra kéo room và chụp được khối thứ hay ho. Như bức hình này, mình kéo room 35X chụp được ngay cảnh khoai Tây đang nháy mắt với cô gái bán hàng rong, ở nhà hàng khác, cách chỗ mình cũng xa phết. Hình này, mình đặt tên là... "Nháy gái" và mang đến cảm giác rất thân thiện, gần gũi - Đúng là cách làm du lịch ở Hội An. Ngày cuối tuần, tặng mọi người cười chơi và chúc mọi người ngày cuối tuần vui vẻ, hạnh phúc và bình yên.  Cuối tuần thì mình bận rùi...

YÊN BÁI: BÍ THƯ HUYỆN ỦY LÀM NGƠ VIỆC CÔNG AN XÃ NHŨNG NHIỄU DU KHÁCH

Đoàn xe "nạn nhân" bị chặn tại Suối Giàng
Mai Thanh Hải Blog - Sự việc xảy ra từ buổi trưa ngày 27/3/2011, tại khu Du lịch Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái), đối tượng nhũng nhiễu, đuổi cổ du khách là 1 Công an xã Suối Giàng tên Chử và người đang được dư luận đặt câu hỏi "làm ngơ, bao che vụ việc", chính là Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Văn Chấn Nguyễn Văn Lịch. 
--------------------------------------

Buổi trưa ngày 27-3-2011, sau khi đi làm từ thiện tại huyện vùng cao Trạm Tấu, Yên Bái (trao các phần quà, đồ dùng học tập - sinh hoạt cho gần 500 học sinh từ Mẫu giáo đến THCS tại xã Bản Công, Trạm Tấu với tổng trị giá gần 200 triệu đồng) trở về Hà Nội, một số thành viên Diễn đàn otofun (công tác tại một số Báo, Đài Truyền hình Hà Nội, Bộ ngành Trung ương và doanh nghiệp đóng tại Hà Nội, Hải Dương...) rẽ qua Khu Du lịch Suối Giàng, thăm quan vùng du lịch đang được tỉnh quảng bá rầm rộ (đặc biệt là sau Lễ Khai mạc năm du lịch Cội nguồn Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ 2011) vài năm nay.
Du lịch Suối Giàng thành... mua bực mình

Khoảng 13h, trong lúc các thành viên trong đoàn đang thăm quan, chụp ảnh những cây chè cổ thụ ven đường (cạnh nhà sàn giới thiệu sản phẩm chè Suối Giàng và bán các loại đá cảnh, đồ mỹ nghệ làm từ đá - gỗ, rễ cây), thì 1 người đàn ông khoảng 30-35 tuổi chặn đường, xưng là "Công an xã Suối Giàng" và yêu cầu "kiểm tra giấy tờ". Viên Công an xã còn rút giấy bút, yêu cầu "người nào là Trưởng đoàn, phải viết theo những lời đọc". Khi được hỏi: "Viết cái gì?", Công an xã đáp: "Tôi đọc cái gì thì viết cái ấy".

Trước đòi hỏi quá ngang ngược, một số thành viên trong Đoàn đã yêu cầu viên Công an xã xuất trình lại Giấy tờ chứng minh là Công an. Tuy nhiên, người đàn ông từ chối: "Ông Cường, Trưởng Công an huyện chưa làm cho" và có những lời lẽ đe dọa, nhục mạ, xúc phạm đến các thành viên trong Đoàn.
Viên Công an xã mang giấy bút bắt khách du lịch... tường trình

Viên Công an quát nạt, to tiếng đã khiến cả đoàn bỏ dở chuyến thăm quan, lên xe về Hà Nội. Rất hậm hực, người đàn ông này đã giơ tay đuổi cả đoàn và đe dọa: "Lần sau cấm được lên đây, nếu không sẽ biết tay...". Theo tìm hiểu, viên Công an viên xã Suối Giàng tên là Chữ (hay Chử) và hiện đang công tác tại UBND xã. Khi sự việc xảy ra, vợ chủ nhà nơi đoàn đang thăm quan, đã can ngăn: "Người ta chỉ là khách thăm quan", nhưng ông chủ nhà sợ, nhắc: "Việc của chính quyền, đừng tham gia".

Sự việc tuy nhỏ, nhưng đã tạo ấn tượng xấu, gây cảm giác rất nặng nề, bức xúc với các thành viên đi làm từ thiện cho chính địa phương Yên Bái, nhất là phụ nữ, trẻ em và những người lần đầu tiên lên với Suối Giàng, háo hức tìm hiểu 1 vùng du lịch nhiều tiềm năng, được quảng bá rầm rộ.
và hăm dọa, đuổi khách khi yêu cầu không được đáp ứng

Nhiều người đặt câu hỏi: Viên "Công an xã Suối Giàng" này đã có bao lần "đuổi" khách du lịch như trường hợp đoàn từ thiện? Liệu sau hành vi này, có phải là vòi vĩnh, hăm dọa và cưỡng đoạt du khách hay không? Những việc này có xảy ra thường xuyên và chính quyền cơ sở có biết?...

Xin được nói rõ: Buổi chiều ngày hôm đó, đã có thành viên trong Đoàn gọi điện phản ánh với Bí thư Huyện ủy Văn Chấn Nguyễn Văn Lịch và ông Lịch đã đề nghị gửi email nội dung vụ việc và hình ảnh viên Công an xã Suối Giàng vào địa chỉ email cá nhân (lich_vy@yahoo.com.vn) và hứa sẽ kiểm tra, làm rõ, chấn chỉnh nhằm "giữ hình ảnh thân thiện, mến khách của tỉnhYên Bái nói chung và Khu Du lịch Suối Giàng nói riêng". Ông Bí thư Lịch cũng hứa sẽ thông báo lại kết quả vụ việc trước dư luận...

Tuy nhiên, đến nay đã gần 5 tháng, Bí thư Huyện ủy Văn Chấn Nguyễn Văn Lịch vẫn mần thinh, không trả lời kết quả xử lý, mặc dù đã có nhiều lời hỏi han, nhắc nhở. Nhiều cán bộ, người dân trong tỉnh Yên Bái đang đặt câu hỏi: Tự nhận là "cán bộ trẻ, năng động, đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc, nói veo veo nhiều ngoại ngữ", nhưng 1 việc như vậy cũng ém nhẹm, không quan tâm, liệu Bí thư Lịch có làm tốt công tác chỉ đạo - điều hành để phát triển KTXH của huyện, đưa du lịch thành "mũi nhọn" để cải thiện đời sống người dân hay chỉ nhăm nhăm chờ vào... Thường vụ Tỉnh ủy?..

LTS: 17h chiều nay (5/8/2011), một bạn đọc đã cung cấp thêm một số thông tin về ông Lịch và gửi 1 số hình minh họa. Xin được giới thiệu ông Bí thư Nguyễn Văn Lịch, chụp thời điểm tháng 4/2006, khi ông Lịch đang giữ chức vụ Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái. Nhân đây cũng in chân thành cảm ơn bạn đọc đã cung cấp thông tin, tài liệu về công tác Tổ chức cán bộ ở tỉnh Yên Bái. Chúng tôi sẽ sử dụng tài liệu trong thời gian tới.


ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐỀ NGHỊ: BÀN THẢO LUẬT BIỂU TÌNH

Một cuộc biểu tình chống Trung Quốc gân hấn trên Biển Đông, tại Hà Nội
Mai Thanh Hải Blog - Chiều ngày 3/8/2011 vừa qua, tại phiên thảo luận, thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng an ninh và thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, một số Đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn đề nghị Quốc hội nhanh chóng bàn thảo Luật Biểu tình, với lý do rất chính đáng: "người dân rất muốn bày tỏ chính kiến của mình, một cách có tổ chức, có luật pháp, nhưng không có Luật điều chỉnh, dẫn đến sự phân tâm trong nhận thức của nhân dân"...

Xin trân trọng 2 ý kiến của Đại biểu Dương Trung Quốc và Trương Trọng Nghĩa:
--------------------------------------------------------------------------------
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai):

"QUYỀN BIỂU TÌNH ĐƯỢC NÊU RA TỪ HIẾN PHÁP 1946, NHƯNG GIỜ VẪN CHƯA CÓ LUẬT"

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai)
 ... "Cuối cùng, chúng tôi muốn nhấn mạnh một Luật, đó là Luật Biểu tình. Tất cả những hiện tượng xã hội gần đây do sự phát triển của đất nước, do những mối quan hệ trong sự phát triển của chúng ta, dẫn đến một hiện tượng người dân rất muốn bày tỏ chính kiến của mình, một cách có tổ chức, có luật pháp, nhưng đang đứng trước một khó khăn, và đó cũng là khó khăn của chính các cơ quan thực thi pháp luật, những cơ quan bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, cũng không có luật điều chỉnh, dẫn đến sự phân tâm trong nhận thức của nhân dân.

Không phải tự nhiên, trước khi chúng ta thông qua Hiến pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một sắc lệnh về quyền biểu tình, để thể hiện một trong những quyền cơ bản của con người.

Chính nhờ quyền biểu tình ấy trong sắc lệnh ấy mà chúng ta đã huy động được quần chúng nhân dân đứng đằng sau nhà nước cách mạng để vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách trong thời kỳ lịch sử ấy.

Đương nhiên, bây giờ thời đại có thể thay đổi, nhưng quyền biểu tình, quyền bày tỏ chính kiến của mình một cách có trật tự, có mục tiêu chính đáng và cũng là cơ sở để nhà nước, có thể bảo vệ được trật tự an ninh xã hội, cũng như quyền của công dân là rất cần thiết.

Vì thế chúng tôi mong muốn Quốc hội và những cơ quan chức năng sớm đưa việc thông qua Luật Biểu tình vì nó cũng liên quan đến bản Hiến pháp mà chúng ta sắp sửa đổi.

Chúng ta sẽ tránh được tình trạng trong Hiến pháp có quyền nhưng không có Luật để thực thi quyền đó. Ví dụ quyền biểu tình được nêu lên, hay quyền lập hội được nêu lên từ trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, cho đến bây giờ vẫn chưa có Luật biểu tình, chưa có Luật hội, đó là điều chúng ta cần suy nghĩ.

Vì thế chúng tôi rất mong muốn rằng, công tác lập pháp của chúng ta hiện nay, bên cạnh việc sớm khắc phục chất lượng, tình trạng thiếu văn bản dưới luật, luật chậm đi vào cuộc sống, việc bổ sung ngày càng hoàn tất, đầy đủ khối lượng các luật và liên thông được với Luật quốc tế, thì việc xây dựng một lộ trình, trong đó có sự ưu tiên những điều cấp thiết là hết sức cần thiết.

Chúng tôi cũng rất mong Luật Biểu tình sớm được Quốc hội bàn thảo. Xin cảm ơn.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh):

"CÔNG DÂN CÓ NHU CẦU VÀ THẤY HIẾN PHÁP CHO BIỂU TÌNH THÌ NGƯỜI TA BIỂU TÌNH, NHƯNG LUẬT LẠI KHÔNG CÓ, GÂY RA XÔ XÁT, LÚNG TÚNG CỦA CƠ QUAN HÀNH PHÁP"

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh)
... "Khi bàn về chương trình xây dựng Luật, thì tôi xuất phát từ điểm thứ nhất là về Nghị quyết Đại hội Đảng XI, trong đó nhấn mạnh rất rõ là sự đổi mới đồng bộ giữa kinh tế và chính trị. Trong đó, đổi mới chính trị, chúng ta rất quan tâm việc xây dựng Nhà nước và pháp quyền.

Điểm thứ hai là nhu cầu cuộc sống đặt ra, nếu chúng ta chậm trễ, thì nó gây ra những ách tắc cản trở hoặc những rối loại cho xã hội.

Xuất phát từ chỗ đó, chúng tôi thấy trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, nó có một đặc điểm là những cái gì thể hiện trong Hiến pháp phải được đưa vào cuộc sống.

Trong Hiến pháp của chúng ta, có một chương rất điển hình cho đặc tính, đặc điểm dân chủ và văn minh của chế độ chúng ta là Chương V của Hiến pháp, tức là các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Chúng ta thấy rằng, từ Hiến pháp năm 1992, hơn 10 năm qua, đã đưa vào cuộc sống một bộ phận của những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nhưng vẫn còn một bộ phận khác, thì chúng ta chưa luật hóa nó, và trên thực tế, nó chưa được đưa vào cuộc sống để nó điều chỉnh các quan hệ xã hội. Trong đó, chúng tôi muốn lưu ý đến Điều 69, tức là quyền về thông tin tự do báo chí và hội họp.

Do đó, tôi nhất trí với ý kiến của Đại biểu Dương Trung Quốc và tôi muốn nói một chút về quyền này.

Phần đầu của Điều 69 là quyền thông tin tự do ngôn luận, thì chúng ta đã luật hóa rồi. Nhưng vế sau là hội họp, biểu tình thì chúng ta còn chậm chạp.

Từ chỗ đó, thì gần đây nó phát sinh ra một loạt vấn đề là công dân, người ta thấy có nhu cầu và người ta thấy Hiến pháp cho người ta biểu tình, thì người ta biểu tình, nhưng luật thì lại không có, nó gây ra một sự xô xát, sự lúng túng của các cơ quan hành pháp khi hành xử.

Do đó chúng tôi thấy Chương V và đặc biệt Điều 69 là biểu hiện của bản chất dân chủ, văn minh của chế độ ta. Nay trong cuộc sống có nhu cầu, thì tôi đề nghị chúng ta đưa vào chương trình xây dựng luật của năm 2012, hoặc chuẩn bị của năm 2012 xây dựng Luật về Biểu tình.

Tôi muốn nói thêm là khi chúng tôi đi tiếp xúc đối ngoại và nói về vận động quốc tế, để thể hiện bản chất dân chủ, văn minh của chế độ ta. Người ta thừa nhận rằng Chương V của Hiến pháp Việt Nam rất tốt đẹp và so sánh với Hiến pháp nhiều nước không thua kém gì, nhưng người ta có bình luận là việc mình đưa vào cuộc sống nó còn chậm quá.

Tóm lại, tôi nhất trí với ý kiến của Đại biểu Dương Trung Quốc vừa rồi: Đưa Luật Biểu tình vào chương trình chuẩn bị năm 2012, và chúng ta không ngại gì. Tôi cho là chúng ta có một kinh nghiệm tốt là Luật về Đình công chúng ta mạnh dạn luật hóa vấn đề quyền đình công, do đó 10 năm qua việc đình công được điều chỉnh, có hành lang pháp lý, chúng ta hoàn thiện từng bước và như thế nó là một biểu hiện để quốc tế nhìn vào thấy Việt Nam chấp hành tốt các Công ước Quốc tế và đối xử tốt với quyền của người lao động"...

KHÔNG CÓ CHUYỆN "CHỦ TỊCH ỦY BAN GIÁM SÁT TÀI CHÍNH QUỐC GIA DÙNG BẰNG TIẾN SỸ GIẢ". NHÉ!!!

Tân Chủ tịch UBGSTCQG Vũ Viết Ngoạn
Mai Thanh Hải Blog - Hôm nay, Báo Tuổi trẻ đã đăng bài phỏng vấn ông Vũ Viết Ngoạn, tân Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (nguyên Ủy viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - VCB; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH khóa XII), xung quanh thông tin ông Ngoạn dùng Bằng Tiến sỹ giả. Thông tin về việc ông Ngoạn dùng Bằng giả, mình đọc tuần trước, khi vu vơ lướt sóng trên mạng và được bạn đọc cung cấp. Đọc xong, mình cứ lẩn thẩn: "Chả có nhẽ? Sao nhiều thế?"...

Mãi đến hôm nay, đọc những "lời giãi bày" của vị lãnh đạo có chức vụ tương đương Bộ trưởng, mới à lên thảng thốt: "Cũng phải thế chứ!". Hoan hô ông Ngoạn, dù chức vụ cao ngất như vậy, nhưng khi thấy "thông tin... lề trái" đề cập đến mình, đã cung cấp ngay "thông tin chính thống cho... lề phải". Quan chức nào cũng có tinh thần "cầu thị" thế này, nghe chừng "trái - phải" đều... quan trọng. Hi! Hi!..
-----------------------------------------------------------------------------------

Thứ Sáu, 05/08/2011, 07:26 (GMT+7)
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia:
“Tôi học không vì tăng lương, tăng chức”
Ông Vũ Viết Ngoạn - Ảnh: LÊ KIÊN
TT - Những ngày qua, dư luận xôn xao chuyện ông Vũ Viết Ngoạn, chủ tịch ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, sử dụng bằng tiến sĩ giả. Nhân gặp gỡ báo chí khi nhận nhiệm vụ mới, ông đã giãi bày về chuyện này.
Trong những ngày qua, dư luận xôn xao chuyện ông Vũ Viết Ngoạn, tân chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, sử dụng bằng tiến sĩ giả. Nhân gặp gỡ với phóng viên để trao đổi về những kỳ vọng khi nhận nhiệm vụ, ông đã trả lời thêm về chuyện bằng tiến sĩ của mình.
Ông Ngoạn nói:
- Tôi đăng ký và được cơ quan cử đi học vào cuối năm 1995 tại Trường La Salle (Hoa Kỳ) theo phương thức học từ xa. Năm 1996 trường đã xảy ra vụ bê bối do ông hiệu trưởng vi phạm quy định pháp luật, trong đó có việc quảng cáo sai về chất lượng đào tạo. Đầu năm 1997, trường được chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác và được cơ cấu lại. Trường có hội đồng quản trị mới và ban giám hiệu mới. Giai đoạn sau này trường hoạt động khá quy củ, nề nếp. Thời gian tôi đăng ký thi là vào năm 1997, 1998 và bảo vệ luận án vào cuối năm 1998.
* Có vẻ như quá trình học tập của ông gặp khá nhiều khó khăn?
- Phương thức học từ xa khi đó có rất nhiều khó khăn và đòi hỏi tính tự chủ cao. Đầu tiên là phải tìm và mua được sách. Vào những năm đó chưa có điều kiện để mua sách qua Internet như bây giờ nên tôi phải nhờ bạn bè và bản thân khi nào đi công tác nước ngoài là tranh thủ mua sách. Thậm chí có lần tôi phải viết thư nhờ bạn là người Bangladesh học cùng tôi trước đây ở Ý để mua cho một số sách cũ ở Bangladesh.
Một khó khăn nữa là tôi phải học và thi môn thần học vì đây là trường do nhà thờ sáng lập. Tôi chưa biết gì về thần học nên phải nhờ anh bạn tôi là Nguyễn Thành Nam ở FPT, sau này có thời gian anh làm tổng giám đốc FPT, giới thiệu cho tôi người bạn tên là Bình. Anh này trước học toán ở Trường Tổng hợp Lomonosov nhưng rất thạo về thần học. Anh đến giúp tôi một tuần hai buổi. Tôi đã theo học gần hai tháng, nhờ đó đã qua được bộ môn hết sức thách thức này.
* Ông vừa đi làm vừa học như vậy liệu có đảm bảo thời gian cho việc học không?
- Theo quy định của nhà trường, nghiên cứu sinh phải học một số môn học bắt buộc và một số môn tự chọn. Đối với một số môn tự chọn có thể được xin miễn nếu hội đủ các điều kiện như: đã học môn học tương tự ở trường đại học, hoặc tham gia công tác giảng dạy, hoặc đã xuất bản sách hay công trình nghiên cứu với những nội dung có liên quan, và tất nhiên phải có bản tóm tắt khoa học không dưới 1.500 từ đính kèm các tài liệu để chứng thực.
Do trước đây tôi đã học cao học về tài chính ở Ý, tham gia dự án cao học Hà Lan với tư cách giáo viên thỉnh giảng và hướng dẫn luận văn cũng như nói chuyện một số buổi tại Đại học Tài chính kế toán, đã đăng một số bài báo trên tạp chí nên tôi xin được miễn học một số môn. GS Vũ Thiếu, khi đó làm chủ nhiệm dự án cao học Hà Lan và giáo sư Vũ Văn Hóa, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính kế toán, đã giúp tôi xác nhận báo cáo tóm tắt đề cương bài giảng.
* Xin hỏi thêm là khi chọn trường để học và lấy bằng tiến sĩ, ông có những thông tin gì về trường ấy?
- Qua tạp chí The Economist quảng cáo, tôi biết trường này và đăng ký bằng thư, sau đó được trường chấp nhận. Tình cờ vào đầu năm 1997, có một đoàn giáo sư, tiến sĩ của sáu trường đại học ở Mỹ vào tìm hiểu nhu cầu đào tạo ở VN. Tôi có dịp làm việc và tham khảo họ về phương thức đào tạo từ xa ở Mỹ trước khi quyết định tiếp tục học.
Lúc đó VN chưa có Internet thuận tiện như bây giờ, nhưng qua tiếp xúc với họ thì tôi hiểu thêm được hệ thống giáo dục của Mỹ. Người ta cũng nói cho tôi rằng ở Mỹ những trường học theo phương thức từ xa và chất lượng ở mức độ vừa phải thôi thu hút nhiều đối tượng là giới kinh doanh.
Khi đó tôi đang làm ở doanh nghiệp (phó tổng giám đốc Vietcombank - NV) tôi cũng nghĩ rằng mục tiêu là học cho mình thôi, mình học cho mình, học để lấy kiến thức chứ có học để tăng lương tăng chức gì đâu. Với lại vì điều kiện gia đình, điều kiện tài chính, điều kiện công việc nên tôi quyết định lựa chọn và học ở trường này.
Quan tâm đến một số mô hình dự báo cấp thiết
Thứ nhất, tôi muốn đề xuất thiết lập một cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có chức năng giám sát thị trường tài chính; thứ hai, thiết lập mạng lưới cộng tác viên cũng như xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan nghiên cứu và các nhà khoa học để tham mưu chính sách kinh tế và tài chính cho Thủ tướng; thứ ba, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học để tập trung xây dựng một số mô hình dự báo kinh tế.
Về các mô hình dự báo, với chức năng nhiệm vụ được giao, chúng tôi quan tâm đến một số mô hình dự báo cấp thiết đối với VN. Trước hết, đó là mô hình dự báo “độ chênh sản lượng”, tức chênh lệch giữa sản lượng thực tế và sản lượng tiềm năng. Đây là một công cụ quan trọng để đưa ra các dự báo về lạm phát. Hầu hết chính phủ và ngân hàng trung ương các nước đều đã và đang sử dụng công cụ này.
Thứ hai là mô hình lượng hóa mối tương quan giữa tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tốc độ tăng tín dụng và lạm phát trong điều kiện thực tế ở VN. Và thứ ba là xây dựng một hệ thống thông tin cảnh báo rủi ro hệ thống tài chính đối với ổn định kinh tế vĩ mô và đo lường khả năng chịu đựng của hệ thống tài chính đối với biến động từ bên ngoài.
LÊ KIÊN thực hiện

CÁC ANH NẰM, NGAY SÂN BAY CAM RANH

Tượng đài Liệt sĩ Liên Xô/ Nga/ Việt Nam tại Cam Ranh
Mai Thanh Hải Blog - Buổi sáng, từ Phan Thiết (Bình Thuận) đi cùng đoàn công tác, chạy theo QL1A đến huyện Bắc Bình, dừng lại chia tay nhau để 2 chiếc xe rẽ trái theo hướng Thủy điện Đại Ninh lên Đà Lạt, tiếp tục hành trình. Còn mình, khoác ba lô đứng ven đường, vẫy xe khách ra Khánh Hòa. Đợi đến chồn gối, mới có 1 xe 16 chỗ tạm vắng khách, đồng ý cho mình ra ngã ba Mỹ Ca (Cam Ranh, Khánh Hòa) với giá 70.000 VND. 

Sau khoảng 3 tiếng đồng hồ ngồi bó gối, gập người giữa hàng hóa, người ngợm chốc chốc lại lên xuống, dừng đỗ, rút cục mình cũng bước chân xuống ngã ba Mỹ Ca - địa điểm quen thuộc trước khi ra - vào Trường Sa, tụi mình và những người lính khác thường ra đó "tẩy trần" hoặc "giải ngố" bằng những cách rất cổ điển, đơn giản: Cắt tóc gội đầu (nghiêm túc đấy nhé! Hi! Hi!).; mua sắm mấy đồ tạp hóa; làm can rượu giấu vào ba lô trước khi lên tàu; gửi thư - gọi điện cho người thân; cà phê - bia bọt... và tất nhiên không thể không... ngắm chị em (cho đã con mắt chứ, ra đảo rồi lấy đâu ra nhìn ngắm).
Nhà khách Vùng 4, Hải quân - Nơi tập trung các đoàn ra Trường Sa

Mỹ Ca bây giờ khang trang, giàu có và đông đúc tấp nập hơn rất nhiều. Ngồi đợi mấy ông bạn vàng trong Cam Ranh ra đón, bà chủ quán cà phê thở dài: "Ngày xưa, trước khi ra đảo, bộ đội ra Mỹ Ca đông như hội. Nay, anh em Hải quân có điều kiện hơn, toàn đi xe buýt hoặc mượn xe máy lượn ra tận Nha Trang để... mua sắm, chơi xem".

Qua Cam Ranh lần này, chẳng có thời gian lượn lờ, thăm thú anh em bạn bè, bởi buổi chiều đã phải bay ra Hà Nội để buổi tối, tiếp tục khoác ba lô lên Tây Bắc mờ ảo sương mây. Từ ngã ba Mỹ Ca ra Cầu Trắng ăn trưa với mấy người bạn và mấy ông anh Hải quân, Công binh mới về từ đảo, đi qua sân bay, đập vai cậu lái xe dừng lại, ngoặt vào Tượng đài Tưởng niệm những người lính Liên Xô, Nga và Việt Nam nằm ngay bên đường, giữa cát trắng, nắng cháy Cam Ranh.
Bia lưu bút công trình

Tượng đài có tên đầy đủ là "Tượng đài tưởng niệm các quân nhân Liên Xô, Liên bang Nga và Việt Nam đã hy sinh vì hòa bình và ổn định khu vực (gọi tắt là Tượng đài Cam Ranh)", được khánh thành tại Công viên Cảng Hàng không Cam Ranh (Khánh Hòa), từ10/12/2009

Tượng đài cao 21 mét được xây dựng bằng đá granite theo mẫu phác thảo của nhà điêu khắc Nguyễn Quốc Thắng, có tổng trị giá trên 18 tỷ đồng, do Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro tài trợ, được khởi công ngày 7-11-2007. Hai bên tượng đài có bia khắc tên 44 quân nhân Liên Xô/Liên bang Nga và 176 quân nhân Việt Nam đã hy sinh, trong khi làm nhiệm vụ tại căn cứ Cam Ranh (của Hạm đội Thái Bình Dương Liến Xô/Nga trong giai đoạn 1979-2002) và vùng biển miền Trung Việt Nam.
Cao vút tượng đài

Cao vút và câm lặng giữa khô khốc cát, chang chang nắng và bạt ngàn, phóng khoáng gió nóng, mây xanh, Tượng đài Cam Ranh khiến mình cứ chạnh lòng nghĩ đến những người đã nằm xuống, cũng câm lặng và rất nhiều người trong số họ, đang chìm xuống lòng biển sâu hay nơi đầu sóng, cuối ghềnh nào đó. Tự trách mình đểnh đoảng, không mua bó hoa, nén hương từ Mỹ Ca. Đành móc bao thuốc lá, kính cẩn châm lửa và cắm vào 2 bát hương trước 2 hàng bia khắc tên những người đã nằm xuống, ở 2 bên Tượng đài.

Một mình trước các anh, nhắm mắt lại khấn thầm những người đã ngã xuống, thấy lòng nhẹ bẫng. Như lúc ngang qua vùng biển Cô Lin - Gạc Ma ngoài Trường Sa biên đảo, tàu dừng lại thả neo giữa vùng san hô đỏ, lên mũi tàu chắp tay, nhắm mắt gọi tên những người ngã xuống, đầu cũng nhẹ bẫng, thanh thản như muốn bay lên cùng gió, cùng mây, cùng đầu sóng ân tình...

Nơi các anh nằm cô quạnh ngoài biển, trong cồn cào uất hận, những đồng đội ngang qua, ai cũng dừng lại thả hoa, đốt nến. Thế nhưng mỗi năm, cũng chỉ được một số lần, khi mùa biển lặng, khi gần Tết chuyển quân. Ở trong bờ này, ngay phía ngoài sân bay Cam Ranh tấp nập, mỗi ngày hàng chục chuyến bay chở du khách từ mọi miền đất nước, mọi quốc gia trên thế giới đến du lịch, thăm thú Nha Trang, là Tượng đài ghi tên các anh.
Bè bạn Nga thắp hương tại Tượng đài (ảnh: Thiềm Thừ)

Tại sao mọi người không dành mấy phút dừng lại, trèo mấy bậc lên thắp cho các anh nén nhang, đặt nhẹ bông hoa và đọc tên những người đã nằm xuống, để họ không bị quên lãng, để ở nơi suối vàng, vong hồn các anh được ngậm cười?..

Mình chỉ ước vậy và mong vậy: Vài phút thôi, dành cho những người đã nằm xuống, nhưng đã được khắc vào bia đá, dựng ngay ngoài cổng sân bay Cam Ranh... Những cái tên định dạng những con người, đã nằm xuống vì Tổ quốc, vì chủ quyền biển đảo ở độ tuổi thanh xuân, rất linh thiêng và trong trẻo. Những tấm bia dày đặc tên Liệt sĩ, như đội hình đơn vị chiến đấu, với những đôi mắt lính, tinh nghịch nhìn qua khung cửa (bia đá), ngóng nhìn người qua đường, đều đặn mỗi ngày đêm.

Hãy dừng bước dừng lại thăm đồng đội mình, trước khi đến với những Khu nghỉ, Resort cao cấp nơi "biển xanh, cát trắng, nắng vàng, vui vầy" trong những ngày nghỉ ngơi, thư giãn. Dừng lại với đồng đội, để họ được sống, với chính tên mình...
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Cổng vào sân bay Cam Ranh
Tượng đài, nhìn từ ngoài đường vào

Cổng Tượng đài có giới thiệu bằng tiếng Việt - Nga

Bậc thang lên Tượng đài

Hình tượng chiếc máy bay vút lên trời xanh và phía dưới là chiến sĩ Hải quân Việt Nam, chiến sĩ Không quân Liên Xô/ Liên bang Nga sát vai nhau, chung tay tiến bước, công kênh em bé Việt Nam trên vai quân nhân Liên Xô/ Nga

Hàng bia ghi tên những người đã nằm xuống, bên tay phải
Hàng bia bên tay trái


Bia ghi tên 44 quân nhân Liên Xô/ Nga hy sinh tại Cam Ranh, biển miền Trung Việt Nam

Các Liệt sĩ Việt Nam từ số 1 (Trung tá Trần Đức Thông) đến số 16 (Thiếu úy Nguyễn Đình Thắng)

Số 16 (Binh nhất Lý Văn Bao) đến số 35 (Binh nhất Trần Minh Thanh)

Số 36 (Binh nhất Phan Long Thuần) đến số 55 (Hạ sĩ Võ Đình Tuấn)
Số 56 (Hạ sĩ Phan Tấn Du) đến số 75 (Trung sĩ Lê Thanh Tùng)
Số 76 (Đại úy Vũ Thanh Hà) đến 93 (Hạ sĩ Đỗ Khánh Hưng)

Từ số 94 (Chuẩn úy Lê Minh Kiên) đến số 112 (Trung sĩ Bùi Duy Hiển)

Số 113 (Trung sĩ Nguyễn Xuân Thủy) đến số 131 (Hạ sĩ Trương Văn Hương)

Số 132 (hạ sĩ Nguyễn Đình Hoan) đến 149 (Binh nhất Vũ Văn Năm)

Số 150 (Binh nhất Trần Văn Đông) đến 163 (Thượng úy Trần Văn Lê)

Số 164 (Chuẩn úy Lê Tiến Cường) đến 176 (Thượng úy Nguyễn Huy Anh)



4 tháng 8, 2011

ĐẶC CÔNG NƯỚC Ở TRƯỜNG SA

Nhớ đất liền
Mai Thanh Hải Blog - Trong đội hình hợp thành của các quân binh chủng bảo vệ quần đảo Trường Sa, có một lực lượng ít khi được nhắc đến, nhưng đặc biệt tinh nhuệ, chỉ được sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt quan trọng, đó là những cán bộ chiến sĩ đặc công nước thuộc BTL Đặc công.

Những ngày biển động, sóng lớn trùm lên đảo, liếm ngang nhà giàn, kéo giằng tàu trực như chơi trò tung hứng... lính đặc công vốn quen với các bài huấn luyện chiến đấu trong đất liền, trên sông hồ, nhiều lắm cũng là trên các cửa sông - cửa biển, nay ra làm nhiệm vụ bảo vệ các đảo Trường Sa, nhà giàn DK1, tàu - dàn khoan... cũng lăn lóc theo sóng to, gió cả. Nhiều lính trẻ bảo: "Thà lao xuống biển, bơi hàng mấy chục km còn hơn bị... say sóng trên tàu trực". Ấy thế nhưng, vẫn phải chịu đựng, quen dần và thích nghi để trở thành những chú hải cẩu, bơi lội khéo léo, ung dung giữa sóng to, gió lớn, mọi điều kiện thời tiết với vũ khí - trang thiết bị hiện đại, bảo vệ biển đảo của ta và tiêu diệt, đánh trả mọi đối tượng có ý đồ xâm lấn, không để bộ đội trên đảo, tàu, nhà giàn bị bất ngờ...
------------------------------------------------------------------------------------------------------

Phân đội Đặc công nước trên tàu trực

Sĩ quan trẻ

Rắn rỏi

Văn công dưới tàu công tác lên thăm phân đội Đặc công trên tàu trực

Cây đàn làm bạn

Ngượng nghịu

Đại úy Phân đội trưởng

Giường nằm dán toàn hình con gái

Rái cá đen trùi trũi

Trực chiến trên tàu

Cửa sổ và hành lang

Canh giữ nhà giàn



Sinh hoạt toàn phân đội

Huấn luyện dưới nước

Lặn sâu trong điều kiện thời tiết khó khăn
(Entry có sử dụng một số hình ảnh của PV Anh Hoa, Tường Linh...)