5 tháng 8, 2011

KHÔNG CÓ CHUYỆN "CHỦ TỊCH ỦY BAN GIÁM SÁT TÀI CHÍNH QUỐC GIA DÙNG BẰNG TIẾN SỸ GIẢ". NHÉ!!!

Tân Chủ tịch UBGSTCQG Vũ Viết Ngoạn
Mai Thanh Hải Blog - Hôm nay, Báo Tuổi trẻ đã đăng bài phỏng vấn ông Vũ Viết Ngoạn, tân Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (nguyên Ủy viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - VCB; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH khóa XII), xung quanh thông tin ông Ngoạn dùng Bằng Tiến sỹ giả. Thông tin về việc ông Ngoạn dùng Bằng giả, mình đọc tuần trước, khi vu vơ lướt sóng trên mạng và được bạn đọc cung cấp. Đọc xong, mình cứ lẩn thẩn: "Chả có nhẽ? Sao nhiều thế?"...

Mãi đến hôm nay, đọc những "lời giãi bày" của vị lãnh đạo có chức vụ tương đương Bộ trưởng, mới à lên thảng thốt: "Cũng phải thế chứ!". Hoan hô ông Ngoạn, dù chức vụ cao ngất như vậy, nhưng khi thấy "thông tin... lề trái" đề cập đến mình, đã cung cấp ngay "thông tin chính thống cho... lề phải". Quan chức nào cũng có tinh thần "cầu thị" thế này, nghe chừng "trái - phải" đều... quan trọng. Hi! Hi!..
-----------------------------------------------------------------------------------

Thứ Sáu, 05/08/2011, 07:26 (GMT+7)
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia:
“Tôi học không vì tăng lương, tăng chức”
Ông Vũ Viết Ngoạn - Ảnh: LÊ KIÊN
TT - Những ngày qua, dư luận xôn xao chuyện ông Vũ Viết Ngoạn, chủ tịch ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, sử dụng bằng tiến sĩ giả. Nhân gặp gỡ báo chí khi nhận nhiệm vụ mới, ông đã giãi bày về chuyện này.
Trong những ngày qua, dư luận xôn xao chuyện ông Vũ Viết Ngoạn, tân chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, sử dụng bằng tiến sĩ giả. Nhân gặp gỡ với phóng viên để trao đổi về những kỳ vọng khi nhận nhiệm vụ, ông đã trả lời thêm về chuyện bằng tiến sĩ của mình.
Ông Ngoạn nói:
- Tôi đăng ký và được cơ quan cử đi học vào cuối năm 1995 tại Trường La Salle (Hoa Kỳ) theo phương thức học từ xa. Năm 1996 trường đã xảy ra vụ bê bối do ông hiệu trưởng vi phạm quy định pháp luật, trong đó có việc quảng cáo sai về chất lượng đào tạo. Đầu năm 1997, trường được chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác và được cơ cấu lại. Trường có hội đồng quản trị mới và ban giám hiệu mới. Giai đoạn sau này trường hoạt động khá quy củ, nề nếp. Thời gian tôi đăng ký thi là vào năm 1997, 1998 và bảo vệ luận án vào cuối năm 1998.
* Có vẻ như quá trình học tập của ông gặp khá nhiều khó khăn?
- Phương thức học từ xa khi đó có rất nhiều khó khăn và đòi hỏi tính tự chủ cao. Đầu tiên là phải tìm và mua được sách. Vào những năm đó chưa có điều kiện để mua sách qua Internet như bây giờ nên tôi phải nhờ bạn bè và bản thân khi nào đi công tác nước ngoài là tranh thủ mua sách. Thậm chí có lần tôi phải viết thư nhờ bạn là người Bangladesh học cùng tôi trước đây ở Ý để mua cho một số sách cũ ở Bangladesh.
Một khó khăn nữa là tôi phải học và thi môn thần học vì đây là trường do nhà thờ sáng lập. Tôi chưa biết gì về thần học nên phải nhờ anh bạn tôi là Nguyễn Thành Nam ở FPT, sau này có thời gian anh làm tổng giám đốc FPT, giới thiệu cho tôi người bạn tên là Bình. Anh này trước học toán ở Trường Tổng hợp Lomonosov nhưng rất thạo về thần học. Anh đến giúp tôi một tuần hai buổi. Tôi đã theo học gần hai tháng, nhờ đó đã qua được bộ môn hết sức thách thức này.
* Ông vừa đi làm vừa học như vậy liệu có đảm bảo thời gian cho việc học không?
- Theo quy định của nhà trường, nghiên cứu sinh phải học một số môn học bắt buộc và một số môn tự chọn. Đối với một số môn tự chọn có thể được xin miễn nếu hội đủ các điều kiện như: đã học môn học tương tự ở trường đại học, hoặc tham gia công tác giảng dạy, hoặc đã xuất bản sách hay công trình nghiên cứu với những nội dung có liên quan, và tất nhiên phải có bản tóm tắt khoa học không dưới 1.500 từ đính kèm các tài liệu để chứng thực.
Do trước đây tôi đã học cao học về tài chính ở Ý, tham gia dự án cao học Hà Lan với tư cách giáo viên thỉnh giảng và hướng dẫn luận văn cũng như nói chuyện một số buổi tại Đại học Tài chính kế toán, đã đăng một số bài báo trên tạp chí nên tôi xin được miễn học một số môn. GS Vũ Thiếu, khi đó làm chủ nhiệm dự án cao học Hà Lan và giáo sư Vũ Văn Hóa, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính kế toán, đã giúp tôi xác nhận báo cáo tóm tắt đề cương bài giảng.
* Xin hỏi thêm là khi chọn trường để học và lấy bằng tiến sĩ, ông có những thông tin gì về trường ấy?
- Qua tạp chí The Economist quảng cáo, tôi biết trường này và đăng ký bằng thư, sau đó được trường chấp nhận. Tình cờ vào đầu năm 1997, có một đoàn giáo sư, tiến sĩ của sáu trường đại học ở Mỹ vào tìm hiểu nhu cầu đào tạo ở VN. Tôi có dịp làm việc và tham khảo họ về phương thức đào tạo từ xa ở Mỹ trước khi quyết định tiếp tục học.
Lúc đó VN chưa có Internet thuận tiện như bây giờ, nhưng qua tiếp xúc với họ thì tôi hiểu thêm được hệ thống giáo dục của Mỹ. Người ta cũng nói cho tôi rằng ở Mỹ những trường học theo phương thức từ xa và chất lượng ở mức độ vừa phải thôi thu hút nhiều đối tượng là giới kinh doanh.
Khi đó tôi đang làm ở doanh nghiệp (phó tổng giám đốc Vietcombank - NV) tôi cũng nghĩ rằng mục tiêu là học cho mình thôi, mình học cho mình, học để lấy kiến thức chứ có học để tăng lương tăng chức gì đâu. Với lại vì điều kiện gia đình, điều kiện tài chính, điều kiện công việc nên tôi quyết định lựa chọn và học ở trường này.
Quan tâm đến một số mô hình dự báo cấp thiết
Thứ nhất, tôi muốn đề xuất thiết lập một cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có chức năng giám sát thị trường tài chính; thứ hai, thiết lập mạng lưới cộng tác viên cũng như xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan nghiên cứu và các nhà khoa học để tham mưu chính sách kinh tế và tài chính cho Thủ tướng; thứ ba, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học để tập trung xây dựng một số mô hình dự báo kinh tế.
Về các mô hình dự báo, với chức năng nhiệm vụ được giao, chúng tôi quan tâm đến một số mô hình dự báo cấp thiết đối với VN. Trước hết, đó là mô hình dự báo “độ chênh sản lượng”, tức chênh lệch giữa sản lượng thực tế và sản lượng tiềm năng. Đây là một công cụ quan trọng để đưa ra các dự báo về lạm phát. Hầu hết chính phủ và ngân hàng trung ương các nước đều đã và đang sử dụng công cụ này.
Thứ hai là mô hình lượng hóa mối tương quan giữa tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tốc độ tăng tín dụng và lạm phát trong điều kiện thực tế ở VN. Và thứ ba là xây dựng một hệ thống thông tin cảnh báo rủi ro hệ thống tài chính đối với ổn định kinh tế vĩ mô và đo lường khả năng chịu đựng của hệ thống tài chính đối với biến động từ bên ngoài.
LÊ KIÊN thực hiện

19 nhận xét:

  1. luận án TS kinh tế bất kỳ quốc gia nào cũng không bắt buộc thi môn thần học . Trừ khi làm luận án xã hội học liên quan đến thần học . không tin nỗi lời ông Ngoạn .

    Trả lờiXóa
  2. Hoan hô tinh thần tự học, không màng bằng cấp của đ/c Ngoạn

    Trả lờiXóa
  3. Thời gian tôi đăng ký thi là vào năm 1997, 1998 và bảo vệ luận án vào cuối năm 1998.
    _____________________________
    Như vậy đồng chí Ngoạn đã làm nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án TS theo phương thức "từ xa, ngắn hạn".

    Trả lờiXóa
  4. hy vọng các ông trong Cp mơi làm được gần bằng nói là tốt rồi

    Trả lờiXóa
  5. Chuyện bằng xịn hay hàng fake thì tôi không biết. Nhưng tôi đã từng gặp, nói chuyện và đi nghe bác Ngoạn là thành viên trong hội đồng chấm thạc sĩ ở Trường Ngoại thương (hồi bác còn làm TGĐ VCB) thì thật sự với các bác, bác Ngoạn là người tôi kính trọng. Nói khí không phải bác Q.A thời sáng lập VPB cũng có lúc ngon lành đâu. Đừng vì 1 sự việc mà kết luận 1 con người. Kính các bác, chúc bác Diện khỏe, mạnh.

    Trả lờiXóa
  6. Nhầm, bác Hải. Sorry

    Trả lờiXóa
  7. Cố thủ tới cùng là bản lĩnh và tiêu chí hành động của các cụ thời nay mà ! Sống giả dối và tiến thân bằng giả dối đang là thứ bệnh "thời thượng" mà xã hội ta mặc nhiên chấp nhận.

    Trả lờiXóa
  8. Không có chuyện ngồi tại Việt nam gửi luận văn đi rồi thành tiến sĩ . một luận văn tại USA thi đầu vào và sau 5 năm phải bảo vệ dưới một đông khoa học của một trường học một viên khoa học . muốn biết luận văn TS của ai thì tim rất dẽ trên mạng .

    Trả lờiXóa
  9. Đăng ký năm 2007, cuối năm 2008 tốt nghiệp. Bác này học nhanh còn hơn tàu siêu tốc của Khựa, mà kết cục của tàu "siêu tốc" kiểu Tàu ra sao, các bác biết rõ mà!

    Trả lờiXóa
  10. Bằng hay không bằng không quan trọng , quan trọng là cái tài, cái đức các bác xem bác bill có bằng gì ??? và còn nhiều vị trên thế giới này nữa... Học vị cao nhưng chẳng ứng dụng thực tế gì được cũng vứt... Lý thuyết giỏi mà không có hành động cũng bỏ ... Miền Tây mấy Ông NÔNG DÂN chế tạo máy bay, xuất khẩu cả máy găt đập liên hợp nữa thì sao ???

    Trả lờiXóa
  11. Ở Mỹ, có hai trường mang tên La Salle, một trường có thật ở Philadelphia thì không có chương trình tiến sĩ tài chính, và một trường hoàn toàn dỏm ở Louisiana thì bán những mảnh giấy lộn trên đó có in "Bằng Tiến Sĩ" (tiếng Anh). Cái bằng cấp (nếu có) của ông là bằng cấp gì? Của trường nào?

    Trả lờiXóa
  12. Bằng cấp không quan trọng, miễn là có tài và làm được việc.Việt nam đang là nước nghèo chậm tiến sau khi thống nhất nên cần người tài và làm được việc. Nhưng Bác Hồ đã dạy khi đề bạt cán bộ cần phải đủ tiêu chuẩn cả tài và đức. Nếu bác Ngoạn cố tình sử dụng bằng dỏm không có giá trị thì rõ ràng là người không có đức xứng tầm lãnh đạo cao cấp vậy thì những người đề cử ông Ngoạn không nghe lời Bác Hồ rồi.

    Trả lờiXóa
  13. Có bạn nói: Bằng cấp ko quan trọng, quan trọng là cái tài , cái đức.(Có đức thì đã ko xài bằng giả.)Ông Bill ổng ý ko có bằng thì ông ấy nói "tôi ko có bằng" có chết ai đâu?
    Riêng trường hợp bác Ngoạn, nếu bác ý xài bằng giả thì mục đích chính vẫn là để có chức . có quyền, chứ cái bằng giả thì ko có chút kiến thức gì giúp dân cả. Mà đã ko có kiến thức mà khoái leo cao thì...rất là nguy hiểm cho Việt Nam ta.

    Trả lờiXóa
  14. nặc danh (08:07)
    "Bằng cấp không quan trọng ...". Ok ! Nhưng nếu ai đó cần dựa vào bằng cấp bằng mọi giá để tiến thân, ngay cả khi nó là hàng mã, và lại trở thành hiện tượng bình thường trong xã hội, thì chuyện đã thành nghiêm trọng lắm đấy, bác ạ !

    Trả lờiXóa
  15. Bằng cấp làm quái gì nhỉ? tớ chỉ học lớp bốn mà vẫn còn mơ làm thủ tướng chính phủ

    Trả lờiXóa
  16. Chả học hành gì mà còn làm xếp bác Ngoạn từ 5 năm nay rồi và còn tiếp tục làm xếp của bác Ngoạn 5 năm tiếp theo nữa. Có bằng TS là được roài, ai cấp chả thế!

    Trả lờiXóa
  17. tôi nghĩ để nhận định về một con người cần nhìn nhận ở nhiều góc độ, đặc biệt là nên nhìn nhận bằng con mắt của mình, chứ đừng nghe loanh quanh rồi té nước theo mưa. Cá nhân tôi đã từng tiếp xúc với a Ngoạn dưới góc độ một người nghiên cứu về kinh tế, tài chính, tôi thực sự kính trọng năng lực và trình độ của a Ngoạn. Không phải tự nhiên mà vietcombank trở thành ngân hàng hàng đầu VN dưới thời a Ngoạn làm TGD, và sau khi a Ngoạn chuyển sang QH thì ko còn giữ được vị trí hùng mạnh trước đây. Chuyện bằng cấp thì a Ngoạn cũng đã giải thích rồi, tôi chỉ muốn nhấn mạnh là với vị trí TGD Vietcombank, hầu như không ai nghĩ đến việc tiếp tục theo học PhD như a Ngoạn, mà chỉ nghĩ đến việc tập trung củng cố vị trí, tài sản của mình. Tôi cho rằng a Ngoạn là một người có TÀI và có TÂM, và hy vọng sẽ có những đóng góp đáng kể cho hệ thống tài chính VN trong vị trí mới.

    Trả lờiXóa
  18. Cang thanh minh thanh nga cang thay NGU hon

    Trả lờiXóa
  19. Học gần còn không ăn ai nữa là học xa.

    Trả lờiXóa