|
Tượng đài Liệt sĩ Liên Xô/ Nga/ Việt Nam tại Cam Ranh |
Mai Thanh Hải Blog - Buổi sáng, từ Phan Thiết (Bình Thuận) đi cùng đoàn công tác, chạy theo QL1A đến huyện Bắc Bình, dừng lại chia tay nhau để 2 chiếc xe rẽ trái theo hướng Thủy điện Đại Ninh lên Đà Lạt, tiếp tục hành trình. Còn mình, khoác ba lô đứng ven đường, vẫy xe khách ra Khánh Hòa. Đợi đến chồn gối, mới có 1 xe 16 chỗ tạm vắng khách, đồng ý cho mình ra ngã ba Mỹ Ca (Cam Ranh, Khánh Hòa) với giá 70.000 VND.
Sau khoảng 3 tiếng đồng hồ ngồi bó gối, gập người giữa hàng hóa, người ngợm chốc chốc lại lên xuống, dừng đỗ, rút cục mình cũng bước chân xuống ngã ba Mỹ Ca - địa điểm quen thuộc trước khi ra - vào Trường Sa, tụi mình và những người lính khác thường ra đó "tẩy trần" hoặc "giải ngố" bằng những cách rất cổ điển, đơn giản: Cắt tóc gội đầu (nghiêm túc đấy nhé! Hi! Hi!).; mua sắm mấy đồ tạp hóa; làm can rượu giấu vào ba lô trước khi lên tàu; gửi thư - gọi điện cho người thân; cà phê - bia bọt... và tất nhiên không thể không... ngắm chị em (cho đã con mắt chứ, ra đảo rồi lấy đâu ra nhìn ngắm).
|
Nhà khách Vùng 4, Hải quân - Nơi tập trung các đoàn ra Trường Sa |
Mỹ Ca bây giờ khang trang, giàu có và đông đúc tấp nập hơn rất nhiều. Ngồi đợi mấy ông bạn vàng trong Cam Ranh ra đón, bà chủ quán cà phê thở dài: "Ngày xưa, trước khi ra đảo, bộ đội ra Mỹ Ca đông như hội. Nay, anh em Hải quân có điều kiện hơn, toàn đi xe buýt hoặc mượn xe máy lượn ra tận Nha Trang để... mua sắm, chơi xem".
Qua Cam Ranh lần này, chẳng có thời gian lượn lờ, thăm thú anh em bạn bè, bởi buổi chiều đã phải bay ra Hà Nội để buổi tối, tiếp tục khoác ba lô lên Tây Bắc mờ ảo sương mây. Từ ngã ba Mỹ Ca ra Cầu Trắng ăn trưa với mấy người bạn và mấy ông anh Hải quân, Công binh mới về từ đảo, đi qua sân bay, đập vai cậu lái xe dừng lại, ngoặt vào Tượng đài Tưởng niệm những người lính Liên Xô, Nga và Việt Nam nằm ngay bên đường, giữa cát trắng, nắng cháy Cam Ranh.
|
Bia lưu bút công trình |
Tượng đài có tên đầy đủ là "Tượng đài tưởng niệm các quân nhân Liên Xô, Liên bang Nga và Việt Nam đã hy sinh vì hòa bình và ổn định khu vực (gọi tắt là Tượng đài Cam Ranh)", được khánh thành tại Công viên Cảng Hàng không Cam Ranh (Khánh Hòa), từ10/12/2009
Tượng đài cao 21 mét được xây dựng bằng đá granite theo mẫu phác thảo của nhà điêu khắc Nguyễn Quốc Thắng, có tổng trị giá trên 18 tỷ đồng, do Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro tài trợ, được khởi công ngày 7-11-2007. Hai bên tượng đài có bia khắc tên 44 quân nhân Liên Xô/Liên bang Nga và 176 quân nhân Việt Nam đã hy sinh, trong khi làm nhiệm vụ tại căn cứ Cam Ranh (của Hạm đội Thái Bình Dương Liến Xô/Nga trong giai đoạn 1979-2002) và vùng biển miền Trung Việt Nam.
|
Cao vút tượng đài |
Cao vút và câm lặng giữa khô khốc cát, chang chang nắng và bạt ngàn, phóng khoáng gió nóng, mây xanh, Tượng đài Cam Ranh khiến mình cứ chạnh lòng nghĩ đến những người đã nằm xuống, cũng câm lặng và rất nhiều người trong số họ, đang chìm xuống lòng biển sâu hay nơi đầu sóng, cuối ghềnh nào đó. Tự trách mình đểnh đoảng, không mua bó hoa, nén hương từ Mỹ Ca. Đành móc bao thuốc lá, kính cẩn châm lửa và cắm vào 2 bát hương trước 2 hàng bia khắc tên những người đã nằm xuống, ở 2 bên Tượng đài.
Một mình trước các anh, nhắm mắt lại khấn thầm những người đã ngã xuống, thấy lòng nhẹ bẫng. Như lúc ngang qua vùng biển Cô Lin - Gạc Ma ngoài Trường Sa biên đảo, tàu dừng lại thả neo giữa vùng san hô đỏ, lên mũi tàu chắp tay, nhắm mắt gọi tên những người ngã xuống, đầu cũng nhẹ bẫng, thanh thản như muốn bay lên cùng gió, cùng mây, cùng đầu sóng ân tình...
Nơi các anh nằm cô quạnh ngoài biển, trong cồn cào uất hận, những đồng đội ngang qua, ai cũng dừng lại thả hoa, đốt nến. Thế nhưng mỗi năm, cũng chỉ được một số lần, khi mùa biển lặng, khi gần Tết chuyển quân. Ở trong bờ này, ngay phía ngoài sân bay Cam Ranh tấp nập, mỗi ngày hàng chục chuyến bay chở du khách từ mọi miền đất nước, mọi quốc gia trên thế giới đến du lịch, thăm thú Nha Trang, là Tượng đài ghi tên các anh.
|
Bè bạn Nga thắp hương tại Tượng đài (ảnh: Thiềm Thừ) |
Tại sao mọi người không dành mấy phút dừng lại, trèo mấy bậc lên thắp cho các anh nén nhang, đặt nhẹ bông hoa và đọc tên những người đã nằm xuống, để họ không bị quên lãng, để ở nơi suối vàng, vong hồn các anh được ngậm cười?..
Mình chỉ ước vậy và mong vậy: Vài phút thôi, dành cho những người đã nằm xuống, nhưng đã được khắc vào bia đá, dựng ngay ngoài cổng sân bay Cam Ranh... Những cái tên định dạng những con người, đã nằm xuống vì Tổ quốc, vì chủ quyền biển đảo ở độ tuổi thanh xuân, rất linh thiêng và trong trẻo. Những tấm bia dày đặc tên Liệt sĩ, như đội hình đơn vị chiến đấu, với những đôi mắt lính, tinh nghịch nhìn qua khung cửa (bia đá), ngóng nhìn người qua đường, đều đặn mỗi ngày đêm.
Hãy dừng bước dừng lại thăm đồng đội mình, trước khi đến với những Khu nghỉ, Resort cao cấp nơi "biển xanh, cát trắng, nắng vàng, vui vầy" trong những ngày nghỉ ngơi, thư giãn. Dừng lại với đồng đội, để họ được sống, với chính tên mình...
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------
|
Cổng vào sân bay Cam Ranh |
|
Tượng đài, nhìn từ ngoài đường vào |
|
Cổng Tượng đài có giới thiệu bằng tiếng Việt - Nga |
|
Bậc thang lên Tượng đài |
|
Hình tượng chiếc máy bay vút lên trời xanh và phía dưới là chiến sĩ Hải quân Việt Nam, chiến sĩ Không quân Liên Xô/ Liên bang Nga sát vai nhau, chung tay tiến bước, công kênh em bé Việt Nam trên vai quân nhân Liên Xô/ Nga |
|
Hàng bia ghi tên những người đã nằm xuống, bên tay phải |
|
Hàng bia bên tay trái |
|
Bia ghi tên 44 quân nhân Liên Xô/ Nga hy sinh tại Cam Ranh, biển miền Trung Việt Nam |
|
Các Liệt sĩ Việt Nam từ số 1 (Trung tá Trần Đức Thông) đến số 16 (Thiếu úy Nguyễn Đình Thắng) |
|
Số 16 (Binh nhất Lý Văn Bao) đến số 35 (Binh nhất Trần Minh Thanh) |
|
Số 36 (Binh nhất Phan Long Thuần) đến số 55 (Hạ sĩ Võ Đình Tuấn) |
|
Số 56 (Hạ sĩ Phan Tấn Du) đến số 75 (Trung sĩ Lê Thanh Tùng) |
|
Số 76 (Đại úy Vũ Thanh Hà) đến 93 (Hạ sĩ Đỗ Khánh Hưng) |
|
Từ số 94 (Chuẩn úy Lê Minh Kiên) đến số 112 (Trung sĩ Bùi Duy Hiển) |
|
Số 113 (Trung sĩ Nguyễn Xuân Thủy) đến số 131 (Hạ sĩ Trương Văn Hương) |
|
Số 132 (hạ sĩ Nguyễn Đình Hoan) đến 149 (Binh nhất Vũ Văn Năm) |
|
Số 150 (Binh nhất Trần Văn Đông) đến 163 (Thượng úy Trần Văn Lê) |
|
Số 164 (Chuẩn úy Lê Tiến Cường) đến 176 (Thượng úy Nguyễn Huy Anh) |
Anh Hai song dung voi tu cach cua mot nha bao, lam viec dung voi luong tam cua mot nha bao.
Trả lờiXóaCam phuc anh!
truoc day toi chua tung thich doc blog. Nhung hom day the nao lai di lac duong vao blog cua Mai Thanh Hai. Va tu ngay do toi gio thi toi lai thay doc blog thay cung thu vi, no cho toi biet them duoc rat nhieu cau chuyen hay va nhung thong tin tren khap moi mien to quoc. Cam on bloger Mai Thanh Hai. Chuc anh manh khoe va co that nhieu bai viet hon nua ( dao nay bloger MTH viet hoi it day nhe - chac la ban dung ko)
Trả lờiXóaCám ơn anh Hải rất nhiều! Những bài viết của anh không đơn thuần là của một nhà báo, mà thực sự là những áng văn mượt mà, thấm đẫm tình người, tình đời, của một người luôn trăn trở với cuộc sống. Nó nhắc nhủ mọi người hãy biết sống Người hơn, lắng lòng mình sau những xô bồ, bon chen của cuộc sống. Ước gì ngày càng có nhiều nhà báo có lương tâm và trách nhiệm như anh, mong rằng sẽ có thêm nhiều người biết đến ngôi nhà của anh. Riêng tôi, thú thực là rấ...ghen tỵ với anh, bởi anh đi được nhiều nơi mà những người giàu có đến đâu cũng không thể đi, khám phá và cảm nhận được. Chúc anh khỏe (thấy anh hơi gầy) để tiếp tục mang đến cho chúng tôi nhiều bài viết hay, xin gửi lời hỏi thăm đến 3 gái nhà anh, rất phục chị nhà bởi đã rất rộng lượng khi chấp nhận một anh xã luôn rong ruổi trên từng cây số như vậy, hihi.
Trả lờiXóaTKS các bác! Chỉ mong các bác nếu có qua sân bay Cam Ranh thì rẽ qua thắp cho anh em bộ đội nén nhang, châm điếu thuôc cho anh em vui thôi ợ!
Trả lờiXóaEm vẫn chưa hiểu là tại sao đến năm 2000 mà vẫn còn có người hy sinh?do đâu? sụ kiện gì? Mong anh Hải giải đáp chút théc méc.
Trả lờiXóa