24 tháng 10, 2012

NỘI DUNG QUAN TÂM SỐ 1 CỦA NGƯỜI DÂN LÀ... "XÂY DỰNG ĐẢNG"

Đào Tuấn - Sự thay đổi của các tính từ, sự xuất hiện hàng loạt các “từ mới” trong Báo cáo Kiến nghị cử tri, cho thấy tính chất mãn tính, và sự nghiêm trọng của các vấn đề.

Báo cáo kiến nghị cử tri mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) trình bày hôm qua, hầu hết là các vấn đề đã được đặt ra nóng bỏng từ năm 2006.

Điểm mới, chỉ là tính chất của vấn đề ngày càng nghiêm trọng hơn, thể hiện rất rõ trong các tính từ mà Báo cáo sử dụng.

Ngày 5/6/2006, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa XI, Báo cáo Kiến nghị cử tri của MTTQ đã đề cập tới nhiều vấn đề “chưa được giải quyết”, “chưa chuyển biến rõ”, thậm chí “ngày càng nghiêm trọng hơn trước”.
 Điểm tên cụ thể một số vụ án tham nhũng điển hình: Vụ xây dựng khu du lịch ở Khánh Hoà; dự án nâng cấp Cảng Hải Phòng giai đoạn 2; mua sắm thiết bị ở 38 bưu điện các tỉnh; vụ Cảng Thị Vải trong ngành dầu khí và tất nhiên, vụ tham nhũng, tiêu cực tại Ban quản lý các dự án PMU 18... - Báo cáo đánh giá: Tham nhũng lãng phí “ngày càng nghiêm trọng hơn trước”.

Trong lĩnh vực đất đai, trong khi nông dân đang thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm thì nhiều sự án để hoang hóa. vấn đề thu hồi, đền bù, tái định cư “thiếu công khai, minh bạch”, “giải quyết chưa thoả đáng gây bức xúc dẫn đến khiếu kiện đông người, vượt cấp”.... - Bấy giờ, sự bất bình trong nhân dân dẫn đến khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp diễn ra nóng bỏng ở nhiều nơi.

Về đời sống, “giá vàng tăng đột biến, giá xăng dầu tăng cao đã kéo theo nhiều mặt hàng thiết yếu đều tăng nhanh, làm cho sản xuất và đời sống của nhân dân càng thêm khó khăn; việc tăng lương không theo kịp sự tăng giá của các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu dẫn đến đời sống của cán bộ, công chức, người hưởng lương đang gặp không ít khó khăn, trong khi đó ngành điện lại có đề án tiếp tục tăng giá điện”. - Trong khi đó, một số cán bộ, công chức suy thoái về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, lãng phí, tiêu xài phung phí, ăn chơi sa đoạ.

2006 là thời điểm mà Đại hội X của Đảng vừa tiến hành.

2006 là thời điểm bắt đầu của một nhiệm kỳ Chính phủ mới.

Nhưng những vấn đề của tháng 5/2006, hôm qua, đã được lặp lại gần như nguyên văn trong Báo cáo Kiến nghị cử tri được MTTQ trình bày trước QH. Chỉ có điều, với mức độ nghiêm trọng hơn nhiều.

Chẳng hạn trong lĩnh vực đất đai, lần đầu tiên MTTQ đưa vào báo cáo “Nhóm lợi ích”, “cấu kết, trục lợi”, song song với tình trạng “qui định của pháp luật về đất đai không còn phù hợp”; quản lý “yếu kém, bất cập”.

Hoặc việc chống tham nhũng lãng phí, “chưa đạt được mục tiêu đề ra”, ngày càng “tinh vi, phức tạp, trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, gây bức xúc, bất bình trong xã hội”...

Điều này không khó hiểu khi mức độ thiệt hại chỉ của riêng một Tập đoàn đã gây lãng phí bằng tất cả các vụ từ năm 2006 đến nay cộng lại.

Nếu muốn biết cử tri nghĩ gì, có lẽ chỉ cần đọc mấy chữ “cần có các quy định có tính khả thi”.

Sự thay đổi của các tính từ trong Báo cáo Kiến nghị cử tri cho thấy tính chất mãn tính, và sự nghiêm trọng của các vấn đề.
 Sự xuất hiện của hàng loạt những “từ mới” trong Báo cáo Kiến nghị cử tri, có lẽ có nguyên nhân từ nội dung được đánh số 1 trong thứ tự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước về vấn đề xây dựng Đảng.

Theo đó, việc kiểm điểm theo NQTƯ 4, dù Bộ Chính trị tự phê bình, nhận lỗi trước BCHTƯ Đảng; dù TBT Nguyễn Phú Trọng thay mặt BCH TƯ nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về những yếu kém, khuyết điểm trong lãnh đạo xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên... nhưng “đây mới chỉ là kết quả bước đầu” và cần được BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp uỷ Đảng, người đứng đầu các cơ quan Nhà nước “sáng suốt chỉ ra”.
-------------------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại
* Hình ảnh về cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của trẻ em vùng nông thôn - miền núi phía Bắc, được lấy lại từ các Diễn đàn xã hội và Trang Áo ấm biên cương, chỉ có tính minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

23 tháng 10, 2012

NGÀY 23 THÁNG 10...

Mai Thanh Hải -Tưởng như là một ngày rất bình thường. Nhưng tẩn mẩn tìm hiểu, mới biết là ngày này có rất nhiều sự kiện, đáng được... ghi nhận cả trong và ngoài nước nhá!. Mình kể mọi người nghe nè:

* Ngày 23/10/1896 thành lập Trường Quốc học Huế.

Nhiều học trò của Trường, sau này đã trở thành danh nhân văn hoá, những nhà cách mạng tiền bối, những nhà khoa học lớn, các nhà văn, hoạ sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng của nước ta.

Những tên tuổi tiêu biểu như: Hồ Chí Minh, Trần Phú, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Diểu, Tố Hữu, Tạ Quang Bửu, Hải Triều, Nguyễn Khánh Toàn, Xuân Diệu, Huy Cận,v.v.... làm rạng danh nhà trường.
Từ năm 1975 đến nay, có nhiều học sinh Quốc học Huế đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế.

Từ năm 1995, Trường Quốc học Huế là một trong ba Trường trong cả nước được Bộ Giáo dục và đào tạo chọn làm Trường Phổ thông trung học chất lượng cao.

* Sau khi ký tạm ước 14-9 với Pháp, về Hà Nội, Ngày 23/10/1946, Hồ Chủ tịch đã ra lời tuyên bố với quốc dân. Về vấn đề Nam Bộ, Người khẳng định: "Không ai có thể chia rẽ con một nhà, không ai có thể chia rẽ nước Pháp, thì cũng không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta... Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên".

* Ngày 23/10/1961, Lữ đoàn Hải quân 125 được thành lập.

Lữ đoàn 125 đã góp phần chi viện cho các chiến trường khu V, Cực nam Trung Bộ, Nam Bộ, các chiến dịch lớn, trong đó có chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần giải phóng quần đảo Trường Sa, Cù lao Thu và các đảo phía tây nam.

Lữ đoàn 125 đã hai lần được Nhà nước tuyên dương danh hiệu "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân"; có 3 tàu được tuyên dương là Đơn vị anh hùng, 5 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương anh hùng, 240 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương các loại.

* Ngày  23 /10/2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 121/2006/NĐ-CP về việc "Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP,  ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc Tuyển dụng, sử dụng và quản lý Cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước"

* Phim có tiếng nói và tiếng hát được trình chiếu lần đầu tiên cho khán giả Mỹ vào ngày 23/10/1927, đó là phim "Người ca sĩ nhạc Jazz" (Jazz singer) do anh em Oanơ sản xuất, với tài tử ca sĩ An Giônxơn (Al Johnson). Lời nói đầu tiên trong phim là "Hello - Mam" (Chào Mẹ!).

 ... Và (xin được bon chen chút) ngày 23/10, cũng là ngày sinh nhật của mình. Gần 40 tuổi, hình như mình chưa làm được gì cho đời, ngoài những câu chuyện - bài viết góp vui cho anh em - bạn đọc, dính theo cái nghiệp chữ nghĩa, chuyên đây đó lang thang.

Thế nhưng, chắc chắn có 1 điều mình yên lòng, với chính bản thân, là con người mình (gầy gò, ốm yếu nhưng) không làm ngược lại quan niệm, như câu nói của Nhà báo Nguyễn Chính "Cái hèn của người cầm bút (nhất là làm báo), tuy vô thức nhưng rất nguy hiểm, vì nó làm lây nhiễm cái sợ, cái hèn nhát cho đồng bào mình".

Con người ta được sinh ra - Đó là điều kỳ diệu của tạo hóa. Con người ta được sống yên lành cùng đồng loại, trong sự yêu thương, quan tâm - chia sẻ của đồng bào, với sự động viên, cổ vũ của người thân - bạn bè, thì đó đã điều quá may mắn và hạnh phúc, không phải ai cũng có được.

Một năm đã trôi qua, tuy  ngổn ngang khó khăn, vất vả, nhưng mình đã quá may mắn và hạnh phúc, khi có người thân, anh em bè bạn và cả cộng đồng blogger cạnh bên.

Và như vậy, mình thấy mình cũng xứng đáng, với ngày sinh 23 tháng 10 đấy chứ. Hi! Hi...

Post lại mấy hình về mình ngày xưa và ngày nay tý nào, coi như là... nhớ lại ngày xưa. He! He!..
-----------------------------------------------------------------------------------------------





22 tháng 10, 2012

CỬ TRI GỬI ĐẾN QUỐC HỘI TÂM LÝ "NGỘT NGẠT TRONG KHÓ KHĂN"...

Đào Tuấn - Không hề ngẫu nhiên, báo cáo kiến nghị cử tri của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) dùng hai chữ “nhân dân” để chỉ đối tượng gặp khó khăn do giá cả, do thiếu việc làm, do lương thấp đến mức “không đủ tái tạo sức lao động”

Vấn đề gì mà người dân và cử tri quan tâm nhất tại Kỳ họp Quốc hội (QH) lần này?.

Đó là chuyện thuế phí “vừa nhiều vừa cao”, như đánh giá của Phó Chủ tịch MTTQ Nguyễn Văn Pha.

Là giá cả tăng rất cao trong khi lương tối thiểu không theo kịp đà tăng của giá - như báo cáo của MTTQ.

Những chuyện khác, dù quan trọng đến mấy, cũng chỉ là “phi cơm áo”.

Nhưng báo cáo tình hình KT-XH của Chính phủ, dường như chỉ thấy màu hồng, phản ánh một cách nhìn lạc quan, về tình hình rất tươi sáng, xét về khía cạnh kinh tế vĩ mô: Lạm phát được kiềm chế; lãi suất cho vay giảm; thanh khoản cải thiện; tỷ giá ổn định; xuất khẩu tăng; dự trữ ngoại hối tăng; sản xuất kinh doanh được cải thiện; hàng tồn kho giảm; sản xuất công nghiệp tăng; nông lâm thủy sản tiếp tục phát triển; dịch vụ tăng trưởng cao...

Ai là người được hưởng thành quả của sự tươi sáng, nếu không phải là nhân dân?.

Nhưng chỉ tiêu vĩ mô không phải là đời sống, dù trên nguyên tắc nó quyết định đến đời sống.

Nhưng báo cáo không phải là thực tế, dù đáng lẽ nó phải ghi nhận những thực tế.

Chính vì thế, cũng không có gì bất ngờ khi sự ngột ngạt trong khó khăn vẫn là tâm lý chủ đạo trong kiến nghị cử tri gửi tới QH.

Bởi có thể số người dân hiểu được các con số, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô không thể đo bằng con số % dân chúng.

Nhưng 100% dân chúng đã, đang và sẽ là những người cảm nhận rõ ràng nhất những tác động của nền kinh tế - dù được đánh giá hoặc đang tươi sáng hoặc đang dần xuống đáy - lên chính bản thân họ, mà cụ thể là những đồng lương, và những bữa cơm.

Chỉ tiếc là báo cáo Chính phủ dài 17 trang, 9.799 chữ chỉ có đúng hai câu nói về khó khăn của dân chúng: “Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn” và “Do nguồn lực còn hạn chế nên việc mở rộng diện và nâng mức hỗ trợ chính sách an sinh xã hội…tạo việc làm và cải cách tiền lương chưa đáp ứng được yêu cầu”.

Không ngẫu nhiên mà trong đúng ngày QH khai mạc, báo chí dẫn lời một GS.TS cho rằng: Chính phủ nói “một bộ phận” nhân dân đang gặp khó khăn, nhưng thật ra là “đại bộ phận”.

Một thầy giáo thì phát biểu: 9 năm qua, lương của anh đã tăng cơ học gấp 4 lần nhưng thu nhập thực tế lại không tăng, nếu không muốn nói chi tiêu còn khó hơn trước.

Ví dụ, 9 năm trước, giá xăng chỉ hơn 4.000 đồng/lít, bây giờ đã 23.000 đồng, mà xăng tăng một thì có nghĩa giá cả tăng bằng một, cộng với giá tâm lý “té giá theo xăng”.

Và một cựu Đại biểu QH thì khẳng định: "Làm sao buộc được người dân phải tin vào thứ mà họ không thể tin khi đồng nội tệ bị lạm phát làm cho méo mó?".

Cũng không ngẫu nhiên, báo cáo kiến nghị cử tri của MTTQ dùng hai chữ “nhân dân” để chỉ đối tượng gặp khó khăn do giá cả, do thiếu việc làm, do lương thấp đến mức “không đủ tái tạo sức lao động”.
 Không khó để biết người dân đang sống ra sao, có điều, việc thừa nhận của những người có trách nhiệm về “một bộ phận” hay “đại bộ phận” quả thực cũng không dễ.

Không dễ, nhưng với cách nhìn nhận đánh giá thì không thể nói đến chuyện khó dễ.

Bởi làm sao các chính sách có thể khắc phục được khó khăn khi không nhìn thấy chính xác những khó khăn cụ thể của dân chúng?!..
--------------------------------------
* Nhan đề bài viết đã được MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả.
* Hình ảnh lấy trên Trang Áo ấm biên cương và một số Trang mạng khác, của các tác giả gắn bó với vùng cao - miền núi, chỉ có tính minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.