12 tháng 11, 2011

BẠN GIÀ TIỄN BIỆT BẠN GIÀ

Mình rất thích tấm hình này và dạo này, hay ngồi ngắm mọi chi tiết, đường nét trong hình. Cứ lẩn mẩn lại cái câu vần, ở đâu đó mà ngày xưa, tụi thanh niên mới ra ràng hay đọc, khi nhắc đến chuyện "anh em - bè bạn, chiến hữu - tri kỷ". Câu ấy là "Vạn người bạn có mấy người thân? Khi lìa trần có mấy người đưa?"... Bây giờ, mình chẳng còn là thanh niên nữa, nhưng cũng đã bắt đầu thấm thía điều đó. Sống được ở trong cuộc đời này đã tốt chán, nên việc phải đối mặt với những khó khăn - bức xúc - trăn trở và thậm chí sinh tử hàng ngày, cũng nên coi đó là chuyện bình thường. Chỉ mong sao, còn sống ngày nào, vẫn còn có những người bạn hàn huyên, chia sẻ và tâm đầu hợp ý với chí hướng trong tim mình. Và biết đâu đấy, chẳng may ai nằm xuống trước, bạn vẫn lọm khọm ra đứng nhìn lần cuối, cho kết thúc tròn vẹn cuộc đời. Đêm nay mình đã về tới Hà Nội, kết thúc 10 ngày lang bạt kỳ hồ, gặp biết bao người bạn, người anh - chị thân sơ, mới biết tên giờ mới biết mặt, chưa bao giờ nhưng biết mặt biết tên và điều mà mình rút ra là: Được sống trên đời là hạnh phúc, đến đâu cũng có bạn, có người ngồi bên mình, dù 1 phút, để nói những chuyện đau đáu, thật lòng là cực kỳ hạnh phúc. Hành trang của 1 kiếp người trên cõi đời, có lẽ cũng chỉ dám ước đến vậy mà thôi... (Nguồn hình: Sưu tầm).

HẠ LONG: CÓ MỘT CUỘC BẦU CHỌN KHÁC

Trương Duy Nhất - Trong khi cả nước, cả hệ thống chính trị triển khai rầm rộ cuộc vận động bầu chọn cho vịnh Hạ Long, thì website Trương Duy Nhất- một góc nhìn khác làm một cuộc bầu chọn khác: bầu chọn ngược cho “cuộc bầu chọn Hạ Long”.

          Tính đến đúng 11 giờ ngày 11/11/2011, cuộc bầu chọn ngược này cho một kết quả hoàn toàn ngược với sự hồ hởi, háo hức của cuộc bầu chọn Hạ Long: chỉ có 16% ủng hộ cuộc bầu chọn Hạ Long, 5% ý kiến khác và có đến 79% không ủng hộ, thậm chí cảm thấy xấu hổ vì cách bình chọn không khách quan, không trung thực, gian lận và phản văn hóa.

          So với “cuộc bầu chọn Hạ Long”, cuộc bầu chọn ngược này khách quan, trung thực và văn hóa hơn. Bạn đọc bầu chọn một cách tự giác, không bị lôi cổ ấn tay vào ép buộc phải bầu theo định hướng cho đủ chỉ tiêu… thi đua, hoặc để chứng tỏ rằng như thế là “yêu nước”!? Cũng không thể gian dối vì mỗi người ở mỗi chỉ số IP khi truy cập chỉ được phép bình chọn một lần duy nhất.

          Tôi vui với kết quả ngược này. Vui khi nhận thấy vẫn còn đến 79% ý thức được việc “bầu chọn Hạ Long” kia là không cần thiết, thiếu trung thực, gian manh, phản văn hóa. Vì thế, tôi tin rằng, nếu cuộc bầu chọn kia được tổ chức một cách tự giác, trung thực, khách quan thì chưa chắc Hạ Long đã chiến thắng.

          Tôi muốn Hạ Long thất bại. Giả nếu thất bại, Hạ Long cũng không vì thế lùn đi. Di sản 2 lần được UNESCO vinh danh vẫn sừng sững cao ngạo giữa biển trời từ hàng thiên niên kỷ qua. Nếu thất bại, tôi lại vui, vì như thế chứng tỏ sự gian xảo không thể chiến thắng, những phương cách phản văn hóa không thể lên ngôi trong các cuộc bầu chọn văn hóa. Nếu thất bại, Hạ Long sẽ không bị khoác thêm chiếc áo di sản hàng mã mang tên New Open World.

          Nhưng Hạ Long lại “chiến thắng”.

          Hạ Long trở thành 1 trong 7 “kỳ quan mới của nhân loại” trong cuộc bầu chọn gây nhiều tranh cãi của New Open World. Sự “chiến thắng” này tôi nhìn như một điều xấu hổ. Không thể tôn xưng một danh hiệu văn hóa có được bằng những mánh lới phản văn hóa. Vì thế tôi không vui khi nghe tin Hạ Long chiến thắng. Bởi đó là sự chiến thắng của trò gian manh phản văn hóa. Tác giả Nguyễn Thế Thịnh có một so sánh rất hay: khi chàng ca sĩ mua một thúng sim điện thoại phát không cho fan của mình nhắn tin bầu chọn trong một cuộc thi thì bị các “nhà văn hóa” dè bỉu khinh khi vì cho rằng như thế là “chơi không đẹp”, báo chí thì xúm vào đánh hội đồng một trận tơi tả. Thế nhưng khi một người nhắn nhiều lần, nhiều người nhắn nhiều lần, người chưa biết Hạ Long cũng nhắn, hướng dẫn, chỉ thị theo kiểu ép buộc chỉ được nhắn cho Hạ Long thì kỳ lạ thay, nhà nước, chính phủ lại vận động, cổ súy và ném cả núi tiền cho cách làm phản văn hóa này. Đến cả quốc hội đang họp cũng phải dừng giải lao để bầu cho Hạ Long.

          Nhìn cảnh quốc hội nghiêm trang bầu Hạ Long, thấy cảnh ngài Phó Thủ tướng đến Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch và công chức các tỉnh thành, đội ngũ hùng hậu những thanh niên xung kích áo xanh, những giáo sư, tiến sĩ, sinh viên học sinh, những nhà báo, nghệ sĩ, ca sĩ, người mẫu, chân dài… hò hét bầu cho Hạ Long, khiến không thể không liên tưởng đến hình ảnh “đàn cừu” trong câu nói nổi tiếng của giáo sư Ngô Bảo Châu.

          Vì thế, ngược với sự hồ hởi mừng vui “cả nước reo hò”- với tôi, chuyện Hạ Long “chiến thắng” là một tin buồn. Buồn vì cuối cùng sự gian xảo lại chiến thắng, những phương cách phản văn hóa lại lên ngôi trong một cuộc bầu chọn văn hóa.

          Không phải ngẫu nhiên mà UNESCO và nhiều quốc gia tỏ ra dửng dưng, không mặn với cuộc bầu chọn của New Open World. Nhiều di sản khác thua cuộc, nhưng tôi nhìn họ cao hơn, thấy cái di sản của họ di sản hơn, cái văn hóa của người ta đáng trọng hơn.

          Như trò đánh bạc, thằng gian lận có thể thắng. Nhưng khi ôm bạc đứng lên, hắn sẽ bị dè bỉu, khinh khi, và khó có chân cho các cuộc chơi kế tiếp. Tiếc thay, Hạ Long đã “chiến thắng” theo cách này.

(Viết sau khi nhận tin buồn Hạ Long chiến thắng)

11 tháng 11, 2011

SINH MẠNG CHÍNH TRỊ

Mai Tiến Nghị - Ngày ấy, bọn mình đóng quân tại thôn Bồng Lạng (xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam).

Nơi ấy đất chè, bạt ngàn chè xanh (“Khôn uống chè Trại, dại uống chè Me, chồng bảo không nghe uống chè Bồng Lạng”).

Bọn mình thường vặt búp chè xanh của dân đem về doanh trại nổi lửa sao, vò… để được thành chè mạn. Uống nước đầu thì ngon lắm, nhưng từ nước thứ hai thì nhạt toẹt.

Bọn con gái là chiến sĩ nuôi quân, cứ tối tối, lại mò đến chỗ tiểu đội mình để gạ uống nước chè, rồi gạ mình hát cho nghe. Nói không phải khoe, ngày xưa mình cũng khơ khớ trai (có ảnh chụp treo làm mẫu ở Hiệu ảnh) và có giọng hát nghe cũng được.
 Oai hơn nữa đang là sinh viên, xếp vào loại "có bằng cấp cao" trong đơn vị. Thành thử, cũng được chị em ngưỡng mộ. Trông thấy mặt là các cô lại léo nhéo “Đồng chí anh”.

Điều ấy thì sau này mới biết, chứ ngày ấy mới mười tám tuổi, ngu lắm. Thấy bọn con gái đến, yêu sách này nọ thì ghét, vậy là tìm mọi cách để chọc các “đồng chí em”.

Mình thường đặt những câu thơ đểu, để tả các cô. Ví như: “Cằm cô Luận, trán cô Binh. Tớ đem ghép lại thành hình Lê Nin”; hay “Đùi Na, má Dánh, mông Đào. Lưng Vân lắp vào quỷ dữ chạy xa”... qua những cái mồm lính nghêu ngao, bọn chị nuôi tức lắm.

Vậy là các “đồng chí em” rắp tâm trả thù.

Hôm ấy Tiểu đoàn tổ chức xem phim. Ác một nỗi, mình phải gác từ 8 giờ tối đến 10 giờ đêm.

Không được đi xem, nhưng mình háo hức lắm. Tranh thủ lúc chưa vào phiên, 7 giờ tối mình đã súng AK đeo sau lưng, có mặt ở sân bãi, định bụng ngó một tý rồi về gác.

Phim chưa chiếu, nên bọn “đồng chí em” giời đánh thấy mình đến, thì xúm lại quây lấy. Đứa bá vai, đứa bá cổ huyên thuyên cười nói.

Mình cố thoát khỏi "lũ yêu tinh" này, nhưng không được. Vùng vẫy một lúc, thì bọn chúng cũng lảng ra.

Đếch vào nữa ông về!. Đi làm nhiệm vụ...

Nhưng đến khi nhìn đến súng, thì mất mẹ cái băng đạn.

Chắc chắn chỉ mấy của giời đánh này lấy mất.

Lo vã mồ hôi hột: Bây giờ Chỉ huy mà báo động kiểm tra vũ khí, thì bị tước quân tịch như chơi.

Đứng gác gần kho quân khí, thấy lão Tạo coi kho bồn chồn ra vào. Chắc lão này muốn đi xem phim, nhưng vì coi kho nên đành nhịn. À!. Có cách rồi!.

Mình đến gần bảo:
- Ông có biết chuyện gì không?.

- Chuyện gì?.

- Con Vân Gù lên báo cáo lão Phụ (Lão này là chính trị viên) bảo ông bờm xơm trêu nó!. (mình bịa chuyện này, vì thấy Tạo hay xớ rớ bên cạnh Vân Gù).

- Thật không?. Nhưng nó báo cáo tao bờm xơm nó như thế nào?.

- Nó báo cáo là ông lấy lá dứa dại cào vào đùi nó. Rồi nó kể, ông còn bảo "Nghe tin em có cái giếng to lắm, trong lắm. Cho anh thả nhờ con cá"!. (Chuyện này thì có thật, ở hôm học chính trị, lúc bấy giờ con Vân Gù còn trả lời "Giếng của em to thật đấy, đút được cả đầu ông vào"). Nó còn kích đểu rằng: Đảng viên gì mà mất dạy. Lão Phụ tức lắm, bảo phải kỷ luật khai trừ. Ông ấy cách chức coi kho, bắt đi đánh nhau thì cầm chắc mất gáo!. Đợt này thì toi!..

Lão Tạo tái mặt:

- Bỏ mẹ rồi!. Sinh mạng chính trị chứ đâu phải chuyện đùa!…

Mình bảo:

- Sinh mạng chính trị là cái đếch gì!. Chỉ được cái nói sĩ. Mất mạng còn quan trọng bằng mấy cái sinh mạng chính trị!..

Tạo bảo:

- Lính thì sợ gì chết. Chúng nó chết đầy!. Nhưng mà bị khai trừ Đảng thì nhục. Nó thông báo về địa phương, thì bố mẹ anh em họ hàng, chỉ còn nước cắm mặt xuống đất. Vậy tao phải làm gì?..

Chà chà!. Bây giờ mình mới mở mắt, hiểu tầm quan trọng của “sinh mạng chính trị.” Còn hơn cả cái chết!.

Kinh!. Mình thủng thẳng:
- Thì bây giờ cắn rơm cắn cỏ mà lạy cái Vân Gù, để nó nói lại với Chính trị viên, chứ còn sao nữa!.

- Mày biết nó bây giờ ở đâu?.

- Nó đang ở bãi chiếu phim!.

- Mày trông nhà cho tao một tí!. Tao đi gặp con này!.

Tạo hùng hục chạy ra sân bãi. Vậy là trúng kế của mình. Chỉ cần với tay qua kẽ phên nhà kho, là mình đã có cái băng đạn. Chùi dầu mỡ, lắp vào súng. Xong! Súng ống nghiêm chỉnh…

Độ mười lăm phút sau, Tạo lại hùng hục về:

- Tao gọi nó ra, nó đếch chịu ra!.

- Thì ông đợi nó đi xem về, rồi nói với nó!. Thôi tôi đi gác!.

Và mình chuồn.

Hết phiên gác thì bọn nữ anh nuôi cũng đi xem về. Mình dọa:

- “Đồng chí em” nào vừa lấy cái băng đạn của lão Tạo ở kho. Lão đang tìm các “đồng chí em” để hỏi tội. Lão ấy còn dọa báo cáo lên Chính trị viên. Đợt này thì “sinh mạng chính trị” các “đồng chí em” toi rồi!. Đi đứt rồi!..

Cả bọn phát hoảng, Vân Gù cãi:

- Chúng “đồng chí em” có lấy băng đạn ở chỗ lão Tạo đâu?..

Cô Dánh nhanh nhảu:

- Chúng “đồng chí em” chỉ lấy băng đạn của “đồng chí anh”, chứ ai vào nhà kho làm gì!.

Mình vớ được câu ấy:

- Thế là rõ rồi nhá!. Muốn hẳn hoi thì giả ngay cho “đồng chí anh”. Nếu không “đồng chí anh” sẽ báo cáo Chính trị viên!.

Bọn nó khiếp bị báo cáo, nên đành trả lại mình cái băng đạn. Vậy là thoát!. Hú hồn!. Lại phải tìm cách trả vào kho, cho lão Tạo cái băng đạn vừa lấy.

Rồi lão Tạo đến lạy van bọn Vân Gù tha tội. Bọn này ngớ người, chả hiểu sự thể ra làm sao. Vỡ nhẽ thì cả đám bảo mình là “Đểu”

“Sinh mạng chính trị” hay phết!. Từ đấy, thỉnh thoảng đem dọa một phát chơi, khối thằng vãi đái!..
-----------------------------------------
* Hình ảnh trong bài viết được sưu tầm trên mạng, chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết, có tính chất vui vẻ, đầy chất lính của tác giả Mai Tiến Nghị (Nam Định).

SẦU TÂY BỂ CẤP

Mình "tự sướng" tại Nhà bia bài thơ "Sầu Tây Bể Cấp", trong Khu di tích Bạch Dinh, TP. Vũng Tàu. Sau lưng mình là bài thơ ấy và vài dòng tóm tắt của những người làm Du lịch Vũng Tàu, về tác giả và bài thơ. Lẩn mẩn quanh bia đá, mình thấy cũng có nhiều điều trùng hợp. Này nhé: Hồi bị giam lỏng, chắc Vua Thành Thái cũng phải để... đầu trọc, lang thang Bạch Dinh 1 thân; Hôm mình đến thăm bia, nhẩm đếm còn 10 ngày nữa (20-11) là đúng ngày, Vua Thành Thái phải lên tàu sang đảo Châu Phi đi đày... 

Tác giả bài thơ chính là Vua Thành Thái. Ông tự là Nguyễn Phúc Bửu Lân (1879 -1954) lên ngôi Vua vào năm 10 tuổi (1889), lấy niên hiệu là Thành Thái.

Là một nhà Vua có tinh thần yêu nước, vì thế, năm 1907, ông bị Thực dân Pháp buộc thoái vị và đưa đi giam lỏng ở Vũng Tàu. Lúc đầu ông  được bố trí ở tại Bạch Dinh, một thời gian sau (năm 1915), ông bị dời về sống tại Nhà Chung (Khu ký túc xá dành cho nữ tu ở Bãi Trước). Vào ngày 20/11/1916, thực dân Pháp lại đưa vua Thành Thái đi đày sang đảo La Réunion thuộc Châu Phi .

Trong thời gian ở Vũng Tàu, vua Thành Thái đã sáng tác bài thơ Sầu tây bể Cấp

"Sống thừa nào có biết hôm nay
Nhìn thấy non sông đất nước này
Sừng ngực chưa quên câu chuyện cũ
Ruột tằm đòi đoạn mối sầu tây


Thành xuân nghìn dặm mây mờ mịt
Bể Cấp bốn bề sóng bủa vây
Tiếng súng ngày đêm như khúc nhạc
Dầu cho sắt đá cũng chau mày”.

ĐỘT PHÁ TRONG CÔNG TÁC TỔ CHỨC - CÁN BỘ: TỪ HIỆU PHÓ, LÊN PHÁT THỨ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

Đây quả thực là bước chuyển biến cực kỳ mạnh mẽ trong Công tác Tổ chức - Cán bộ của nước CHXHCN Việt Nam, từ năm 1945 đến giờ. Này nhé: Ngày 09/9/2011, Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng có Tờ trình đề nghị; 11 ngày sau, Bộ Nội vụ có ý kiến thông qua và đồng ý với đề nghị; chưa đầy 2 tháng sau, Bộ Chính trị có ý kiến đồng ý và chỉ 24 tiếng đồng hồ sau, Phó Thủ tướng theo dõi công tác... Nội chính Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định điều động, bổ nhiệm. Tờ Quyết định này hơi bị oách: Số đẹp (2011), ngày đẹp (11/11/2011), chắc là may mắn và nhiều lộc lắm đấy. Nếu trường hợp bổ nhiệm cán bộ nào cũng thần tốc thế này, đất nước chả mấy chốc giàu mạnh. Hoan hô Công cuộc Cải cách Hành chính!. Hoan hô bước tiến vượt bậc trong công tác Tổ chức Cán bộ!. Hoan hô và chúc mừng tân Thứ trưởng 35 mùa xuân xanh nhưng "tuổi trẻ, tài cao"!.. Tân Thứ trưởng (chỉ qua 1 đêm, ngủ dậy phát đã lên chức Thứ trưởng chót vót) cố lên!.. Xin chúc mừng!..

HẢI GIÁM! MÀY CHẠY ĐẰNG TRỜI!..

Cuối tuần rồi, chúng ta nên thoải mái và... âm ỉ sướng tý (nhất là đầu tuần rồi, bà con đã được xem Video tàu ta đuổi Hải giám của Tàu Khựa như đuổi chó). Để bà con vui sướng cho đã đời, tặng mọi người 1 tấm hình này thôi nhá. Hình tàu Hải giám của Khựa bị tàu Hải quân chặn đầu, ép thân, tạo điều kiện cho anh em Cảnh sát Biển tăng tốc đuổi bắt. Quả phối hợp này, hơi bị nhịp nhàng. Thôi thì tàu Hải quân ta tuy cũ và tuy kiêm đủ thứ nhiệm vụ, nhưng khi kẻ cướp xuất hiện, tàu cũ cũng đâm va - chặn đầu - áp mạn oách ra phết và đặc biệt là... cù cưa câu giờ, đợi Cảnh sát Biển mang tàu xịn ra xử lý. Vụ đuổi bắt đầy đủ này, xin hẹn đến tuần sau, cả nhà nhé!.. Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ. Mình mới lượn cả chục ngày, mệt roài nên cuối tuần cũng phải đi... vui vẻ! (Hình này nhặt được trên mạng. Các đồng chí nhá!)...

BẦU CHỌN TẠI SÀI GÒN

Mấy hôm ở Sài Gòn, mình tò mò hỏi anh em bạn bè về chuyện "Bình chọn cho Vịnh Hạ Long" và hơi bị ngạc nhiên khi rất ít người biết cái "sự kiện chính trị" đang sôi ùng ục ngoài Bắc này. Rất nhiều người bạn mình lắc đầu: "Có cho tiền cũng... không đi du lịch ngoài Bắc, nói gì đến bầu chọn", khiến mình xấu hổ quá. Cả buổi chiều ngồi quán Tre, Lê Quý Đôn với vợ chồng Đàm Hà Phú, nghe Phú kể lại những "kỷ niệm kinh hoàng" khi đi ăn uống, thăm quan, mua sắm ngoài Hà Nội, càng xấu hổ và buồn cho cách kinh doanh, làm dịch vụ du lịch ở khá nhiều nơi tại Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung (Kể thêm: Buổi chiều ngồi nghe Phú kể và cố gắng vớt vát, thanh minh cho "Hà Nội nhà miềng", đêm bay ra, đói bụng sà vào hàng ăn đêm ven đường Hoàng Quốc Việt. Mình gọi bát miến lòng gà, mụ chủ bán hàng không thèm ừ hữ câu nào, cũng chả thèm nhìn mặt, cứ lặng im như bị câm, tưới nước - múc miến và đặt uỵch trước mặt mình làm nước dùng bắn lên tận mặt. Cũng chả 1 câu xin lỗi, kệ khách phải đi lấy chanh ớt - thìa đũa - giấy ăn. Xong rồi, mình mới biết mụ này không phải người tàn tật bởi nói được câu "30 nghìn". Nhục thật!)... Có lẽ, cũng chính vì chả để ý đến cuộc "Bầu chọn mang tính Quốc gia" này, nên việc tuyên truyền, treo khẩu hiệu - pa nô, áp phích ở Sài Gòn cũng rất ít, nếu có cũng chỉ mang tính chất tượng trưng, đối phó rất dễ nhận. Có mấy hình ảnh như vậy, mình ghi lại được, trên đường ra sân bay Tân Sơn Nhất và Ga Nội địa của sân bay đầu não này.

Đóng khung Hạ Long trong các loại dịch vụ

Chả hơn gỏi cuốn nhưng gần... Nhà vệ sinh

Bán sim card điện thoại, còn hiệu quả hơn

10 tháng 11, 2011

NHÀ THƠ ĐỖ NAM CAO: "TÔI HÔN CON GHÌ TRƯỜNG SA VÀO NGỰC. BÃI ĐÁ NGẦM CÀO RÁCH THỊT DA...".

Mai Thanh Hải - Nhà thơ Đỗ Nam Cao (tên thật là Đỗ Sơn Cao), sinh ngày 8/6/1948 tại Liên Hoà, Phú Xuyên, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).

Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Viết văn Quảng Bá (Hội Nhà văn Việt Nam).

Ngày  15/4/1971, ông vào chiến trường Nam Bộ, công tác ở Ban Văn nghệ Trung ương Cục miền Nam.

Nhà thơ Đỗ Nam Cao là thành viên Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam; nguyên Biên tập viên, Phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam, Biên tập viên Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin (Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh); Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Việt Nam.

Do bị bệnh hiểm nghèo đột phát, sau hơn 4 tháng điều trị, ông đã từ trần lúc 10g45 sáng ngày 8/11/2011.

Linh cữu Nhà thơ Đỗ Nam Cao quàn tại nhà riêng: 12B đường Nguyễn Thị Huỳnh, Phường 8, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh. Lễ khâm liệm và lễ viếng bắt đầu từ 16g cùng ngày.

Lễ động quan vào lúc 7g sáng 11/11/2011, sau đó đưa đi hoả táng tại Nghĩa trang Bình Hưng Hoà.

Kể lại những kỷ niệm từ hồi chiến tranh, kéo dài cho đến khi Đỗ Nam Cao nằm xuống, Nhà thơ Thanh Thảo nằng nặng suy tư trên Báo Thanh niên: “Có một niềm an ủi: dù ta đã mất một người bạn, nhưng thơ họ còn lại với ta, còn lại với cuộc đời muôn nỗi trái ngang giằng xé này” và khẳng định: "Nhà thơ Đỗ Nam Cao là một trong những người như vậy".

Đỗ Nam Cao là bạn cùng đi chiến trường với lớp người như Nhà thơ Thanh Thảo.

Suốt những năm ở chiến trường B2, ông công tác ở Ban Văn nghệ Trung ương Cục và thường xuyên đi xuống các chiến trường đồng bằng.

Nhưng bạn bè mỗi lần gặp nhau, bên chén rượu, rất ít khi nghe Đỗ Nam Cao nói về những tháng ngày ở chiến trường của mình.

Nhà thơ Thanh Thảo kể: Chỉ có một lần, và cách đây chưa lâu, khi về Quảng Ngãi thăm tôi, Cao chợt kể một chuyện hồi ở vùng trọng điểm Củ Chi, anh đã chi chút trồng được một luống rau muống và một giàn mướp ngay giữa địa hình.

Khi mướp có trái và rau ăn được, nhớ bạn mình có thể thiếu rau ăn, Cao đã hái rau hái mướp đi bộ nửa ngày đường mang sang cho bạn.

Không ngờ, hai người bạn cùng tổ công tác của anh đã rút về chiến khu từ hồi nào mà không thông báo với anh.

Giữa trời trưa nắng gắt trên đất lửa Củ Chi, Đỗ Nam Cao nói: "Mình cầm hai bó rau muống và hai quả mướp đứng ngẩn ngơ giữa một nền nhà cũ, lúc ấy mình cảm thấy bơ vơ vô cùng!".


Cảm giác bơ vơ là cảm giác thường trực trong thơ Đỗ Nam Cao.

Một người kháng chiến cũ như anh, sau hòa bình vẫn làm việc liên tục, làm thơ liên tục nhưng rất ít khi công bố tác phẩm của mình, cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện PR cho bản thân.

Tới mức, lẽ ra anh đã đương nhiên là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ sau giải phóng, nhưng do người ta vô tình “quên”, nên mãi năm 2010, Chủ tịch Hội mới ký quyết định công nhận Đỗ Nam Cao là Hội viên, một quyết định chậm tới… 34 năm.

Vị Chủ tịch đương nhiệm đã có một nghĩa cử đẹp với một Nhà thơ kháng chiến cũ, nhưng điều đó khiến chúng tôi, là những bạn cũ của anh không khỏi ngậm ngùi.

Nhưng Đỗ Nam Cao vẫn bình thản. Tôi nghĩ, anh vẫn bình thản như thế cho tới phút vĩnh viễn ra đi.

Như Nhà thơ Chim Trắng - người cùng Ban Văn nghệ R với anh, đã bình thản như vậy cách đây gần hai tháng.

Trong những người bạn kháng chiến cũ mà tôi biết, hầu hết những người đã khuất đều có sự bình thản như vậy khi nói lời từ giã cuộc sống mà họ đã yêu tha thiết và đã mang cả tuổi trẻ và máu xương mình ra gìn giữ. Phải chăng, đó cũng là phẩm chất của cả một thế hệ?..

Vĩnh biệt Nhà thơ Đỗ Nam Cao, xin phép được đăng lại bài thơ "Gửi Trường Sa", ông viết năm 1988, khi lính Trung Quốc dùng vũ lực tấn công, đánh chiếm một số đảo, bãi đá ngầm của Việt Nam, tại Quần đảo Trường Sa. Đặc biệt, ngày 14/3/1988, tàu chiến đấu Trung Quốc dùng hỏa lực mạnh bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải của Hải quân Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng tại khu vực đảo chìm Cô Lin - Gạc Ma - Len Đao và bắn chết, bắt sống 74 cán bộ chiến sĩ Công binh Hải quân, chiếm đóng trái phép bãi đá Gạc Ma.

Nhà thơ Đỗ Nam Cao qua đời, nhưng những bài thơ, như bài "Gửi Trường Sa" này, sẽ còn sống mãi trong lịch sử giữ nước của dân tộc.

Bởi bài thơ của "những người bạn kháng chiến cũ" (chữ dùng của Nhà thơ Thanh Thảo), không chỉ là thơ, mà còn là chứng nhân của lịch sử - Của một thời và mãi mãi...

Xin Vĩnh biệt Ông - Nhà thơ Đỗ Nam Cao!..

--------------------------------------------------------------------------------------


 GỬI TRƯỜNG SA

Trường Sa ư?. Với ngày thường xa thật
Đảo ở đâu?. Tôi có hỏi đâu mà
Điều khốn nạn là chỉ khi máu đổ
Đảo mới gần, mới thật đảo của ta


Các anh cắm ngọn cờ Tổ quốc gió cuồn cuộn
Sóng lừng ngầu bọt bãi san hô
Kẻ muốn nhổ ngọn cờ khỏi ngực
Thì nhận đây dòng máu nóng hực ra



Chính lúc bấy giờ tôi mới hiểu Trường Sa
Hiểu đến xót xa
Tổ quốc là vỏ con ốc biển
Anh nâng niu cất gửi tặng quà


Các anh chết làm gì có mộ
Làm gì có đất cho máu tụ thành hồn
Máu tan loãng thân thể chìm mất dạng
Chỉ còn đảo và cờ Tổ quốc giữa trùng dương


Xin cứ giận các anh ơi, rồi thứ lỗi
Ôi con tôi sao nó bỗng khóc òa
Tôi hôn con ghì Trường Sa vào ngực
Bãi đá ngầm cào rách thịt da.


Đỗ Nam Cao
(1988)

* Hình chụp Nhà thơ  Đỗ Nam Cao, do Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán thực hiện. Mai Thanh Hải đăng lại từ Trang của Nhà thơ/ Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo

GIÁO DỤC BẰNG SẢN PHẨM PHI NHÂN TÍNH: "HẮT MỰC TÀU LÊN GIẤY TRẮNG, SẼ PHẢI NHẬN LẠI BỨC TRANH ĐEN"

Đào Tuấn - "Tấm sai người đào một cái hố, bảo con Cám tụt xuống. Rồi sai người đem nước sôi giội vào con Cám. Con Cám chết còng queo dưới hố.

Tấm đem xác con Cám làm mắm, gửi cho dì ghẻ, nói là quà của con gái mụ gửi biếu.

Mẹ con Cám tưởng là quà của con thật, lấy làm sung sướng, ngày nào mụ cũng giở mắm ra ăn, khen lấy khen để.

Một con quạ bén hơi, bay đến đậu trên nóc nhà, nhìn xuống kêu: "Ngon gì mà ngon, mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng!".

Mụ chửi bới quạ, xua đuổi con quạ bay đi. Đến ngày mắm gần hết, nhòm vào chĩnh, mụ mới nhìn thấy đầu lâu con mình..., uất lên, ngã vật xuống đất mà chết!”...

Đây là đoạn kết của truyện Tấm Cám chính thống. Và gần đây, được những người biên soạn Sách giáo khoa (SGK), cắt bỏ bớt đoạn "đem xác làm mắm, gửi mẹ ăn".

Có lẽ, vì đó là một hành vi quá thú tính, quá dã man. Một tội ác ghê rợ, trong phần kết tàn khốc, của một trong những câu chuyện nổi tiếng, mà không một người Việt nào không biết, không được học qua.

Nhân câu chuyện SGK sửa đoạn kết chuyện "Tấm cám", trên một Diễn đàn Pháp luật, một câu hỏi được đặt ra: "Cô Tấm đã phạm tội gì?".

Câu trả lời là: "Tấm đã phạm tội Giết người theo điều 93 Bộ Luật Hình sự, với các tình tiết tăng nặng: i) Thực hiện tội phạm một cách man dợ và q)Vì động cơ đê hèn".

Có lẽ một cái án tử cho "thị Tấm", vẫn còn là quá nhẹ nhàng.

Tất nhiên, không thể dùng Luật Hình sự để truy cứu một hành vi trong văn học. Cũng như không thể dùng đạo đức hiện tại để xem lại quan niệm đạo đức của ngày xưa. Nhưng còn đúng hơn, khi cái ác thì ở đâu, đời nào, cũng đáng phải bị lên án như nhau.

Một Thạc sĩ Đại học Paris viết trên VietNamNet: "Tôi có đem câu chuyện Tấm Cám kể cho một người bạn Pháp. Đến đoạn kết thúc, cô bạn Pháp hỏi tôi là: Khi còn bé, nghe chuyện này, có ngủ được không?".

Chắc chẳng có dân tộc nào lại có những câu chuyện ghê rợn đến như vậy, để kể trước lúc bọn trẻ con đi ngủ.

Dân gian muốn cái ác phải bị diệt trừ tận gốc. Điều đó đúng. Nhưng không thể diệt trừ một cái ác, bằng một tội ác ghê rợn hơn, khiến những đứa trẻ "được giáo dục", mất ngủ vì quá ghê sợ.

Bởi vậy, câu hỏi đặt ra hôm nay (thực ra cũng đã được đặt ra từ hàng chục năm trước), không phải là có nên sửa đoạn kết của câu chuyện hay không, mà phải là "Có nên để tồn tại cái ác, sự tàn nhẫn dã man trong SKG - loại sách vẫn được coi là mực thước giáo dục nhân cách con người, từ khi họ còn là những tờ giấy trắng?".

Sự tàn bạo không phải là ở cái chết, mà là cái cách giết chết. Cái ác có ngay trong hành vi giết người.

Nhưng sự phi nhân tính và sự ghê rợn của tội ác lại ở những hành vi sau đó, khi cô Tấm dịu hiền băm xác người làm mắm gửi về, nhấn mạnh là cho mẹ cô (dù đó là mẹ ghẻ).

Một Giáo sư- Viện trưởng đã bảo vệ cái kết độc ác này, khi phê phán việc bỏ nó trong SGK, rằng: "Người đọc không thấy được hả hê cõi lòng khi thấy cái ác không bị trừng trị một cách thích đáng nhất".

Trong thời điểm xảy ra tranh cãi "Tấm cám", trên Facebook, một nhân vật có Nickname "Kẹo mút chơi bời" đã post một đoạn tin sau: “Tin buồn! Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin cụ già 60 tuổi đêm qua chúng tôi đâm xe máy, đã củ tỏi hồi 17h07. Anh em phang lô đề nhiệt tình đi, lão sinh năm 1953”...

Không có tí stress nào khi đâm chết người. Chỉ thấy sự hả hê, khoái trá...

Thái độ mà Nhà Phê bình Phạm Xuân Nguyên gọi là sự hồn nhiên độc ác.

Sự hả hê này, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, ở những người sáng tạo ra đoạn kết tội ác trong câu chuyện Tấm Cám và, một phần nào đó, ở những người đọc nó.

"Sự kiện Kẹo mút" còn tàn bạo ở chỗ trong rất nhiều status, Y thản nhiên và hả hê, rằng: "Nhẹ cả người (khi nạn nhân chết) chứ lão sống thì khổ bọn tao". Sẽ có rất nhiều người thừa nhận đây là một thứ tâm lý xã hội, chung với vô số những ví dụ.

Công an Yên Bái đã triệu tập "Kẹo mút". Câu hỏi đầu tiên, giờ đây chắc chắn là: "Có học chuyện Tấm Cám trong SGK không?" (Thay vì "Có chơi Games Online không?).

Rất dễ hiểu: Chúng ta hắt mực tàu lên giấy trắng, chúng ta sẽ phải nhận lại bức tranh đen đúa - Những sản phẩm phi nhân tính.

NGHỊ SĨ - TIẾN SĨ

Danh thiếp có một không hai ở Việt Nam, của ĐBQH Nguyễn Minh Hồng
Đinh Vũ Hoàng Nguyên - Nghị sỹ - Tiến sỹ Nguyễn Minh Hồng thì đề xuất Luật Nhà văn nhà thơ.

Nghị sỹ - Tiến sỹ Nguyễn Thị Doan thì viết trên Báo Nhân Dân:

“Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, biết kế thừa những tinh hoa dân chủ của các Nhà nước pháp quyền trong lịch sử và đã, đang phát triển lên tầm cao mới, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản...”.
Hai người này có lẽ nên lấy nhau.

9 tháng 11, 2011

KÍNH THƯA BÁC XUÂN DIỆU: "TỔ QUỐC TÔI NHƯ 1 CON TÀU, MŨI THUYỀN TA ĐÓ MŨI CÀ MAU"...

Đây là lời trong bài thơ "Mũi Cà Mau" của bác Xuân Diệu, viết tháng 10/1960. Chả biết hồi đó bác Xuân Diệu ở đâu mà nghĩ ra được bài này, bởi mình thừa biết, hồi đó Cà Mau vẫn nằm dưới sự "cai trị của Mỹ - Ngụy". Nhưng bây giờ đến Mũi Cà Mau, thấy con tàu này nằm nát bét, nghiêng ngả ngay doi đất tận cùng Tổ quốc, dưới chân cái tháp quan sát cao ngất, dựng toàn bằng ống sắt, tường chi chít chữ của các đôi lứa yêu nhau hoặc du khách hiếu kỳ, có nhu cầu "lưu danh... hòn gạch", nhìn ra Chòi ăn nhậu rộn ràng, tưng bừng là "điểm nhấn" cho toàn bộ khu vực Đất Mũi, mình nhớ ngay đến câu thơ này. Lạ thế chứ! Hí! Hí!..

CỖ VŨ BẦU CHỌN VỊNH HẠ LONG: "NGƯỜI ĐIÊN CŨNG CÓ CÁCH LỰA CHỌN KHÁC, ĐỂ CÒN ĐƯỢC ĐIÊN... BÌNH THƯỜNG".

Đào Tuấn - Khi Lý Nhã Kỳ xuất hiện với hình ảnh Vịnh Hạ Long trước... ngực, hẳn nhiều người đã bất giác mỉm cười, khi nhớ lại đoạn tiểu thư Julie, "ôm đến chết" viên Đại tá Pirot, trong vở kịch phát hình trực tiếp "Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bản giao hưởng Điện Biên".

Bấy giờ, khi đoạn phim "lộ ngực khủng" được post lên Youtube, đã có lời bình rằng "Đại tá Pirot ăn 2... trái bom đó thì chết là đúng rồi". (Trả lời phỏng vấn sau đó, người đẹp "thanh minh": "Với những người có số đo vòng 1 lớn tự nhiên, không chỉnh sửa như tôi, thì mặc gì cũng bị lộ ngực").

"Bom đạn" như thế, ăn nói như vậy, làm... Đại sứ Du lịch là đúng rồi. Và dù Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Nguyễn Văn Tình khăng khăng rằng "Chẳng điên mà dùng Lý Nhã Kỳ để gây Scandal!"- Nhưng rõ ràng, người đẹp đã có vai trò quan trọng, trong việc kêu gọi cổ vũ cho Vịnh Hạ Long.

Đơn giản là vì cô quá gợi tình. Và đẹp thì không bao giờ là lỗi cả.

Bởi thế, bỏ mặc những cảnh báo "Cả Quốc gia đang bị lừa", hẳn nhiều đấng mày râu sẵn lòng nhắn tin Halong gửi tới 147 (Nhưng chắc là để vote cho nụ cười Lý Nhã Kỳ, chứ không phải vì yêu nước).

630 đồng/tin nhắn. Mất nửa cốc trà đá mà vote được cho người đẹp "vòng 1 lớn tự nhiên không chỉnh sửa", nhân tiện đất nước có được cái danh (dù hão), kể như chả vấn đề gì.

Trò tự sướng (còn gọi là thủ dâm), ở mình giờ có khi lại là một lối thoát hay, khi người ta chẳng biết... tự hào về cái gì.
Hoặc giả như trong bối cảnh bị cuộc sống, với những khó khăn chật vật thường ngày, tát cho đến tối tăm mặt mày.

Nhưng đến sáng nay, đọc 2 bản tin TTX về chuyện Hạ Long thì lại thấy thương thương họ Lý.

Đầu tiên là trên tờ Thể thao và Văn hóa, với bản tin về chuyện người nhắn tin bầu chọn nhiều nhất.

Anh này tên Hoàng, ở Đà Nẵng, làm thợ cơ khí, dùng điện thoại cào. Nghèo.

Theo Thể thao và Văn hóa, thì anh này cầm số tiết kiệm, khoảng hơn 7 triệu đồng, ra cửa hàng điện thoại nhờ nhắn tin bầu chọn cho Vịnh Hạ Long.

"Lý do anh Hoàng nhắn tin nhiều vì Vịnh Hạ Long quá đẹp và... “Tôi quá yêu Hạ Long. Thế thôi”.

Người đàn ông nghèo này, đã đốt sạch khoản tiền tiết kiệm 7 triệu, khi "bắn" tới 11.601 tin nhắn bầu chọn.

Còn đây là VTC: Cứ thế, anh Hoàng nhắn tin bình chọn cho Vịnh Hạ Long.

Hết tiền, anh lại nạp.

Mỏi mắt, đau tay vì tin nhắn, anh Hoàng lại nghĩ ra cách làm sao nhắn thật nhanh, thật đơn giản.

Chỉ trong gần 1 tháng, anh Hoàng đã nhắn gần 12.000 tin nhắn bầu chọn cho Vịnh Hạ Long bằng chiếc điện thoại Nokia 5130 từ số máy 0975695***...
Đầu tháng 11, khi để dành được số tiền cũng khá, với ý định sẽ mua quà sinh nhật con gái tròn 5 tuổi vào ngày 9/11 sắp đến.

Nhưng tiền trong tài khoản điện thoại hết, do nhắn tin quá nhiều, lương thì chưa nhận, nên anh Hoàng lấy luôn... tiền mua quà cho con, nạp thẻ điện thoại rồi…hướng Hạ Long mà nhắn.

Thể thao và văn hóa dẫn lời Hoàng "dọa": Anh sẽ còn tiếp tục "bắn". Thế mới kinh.

Vài tiếng sau đó, VietnamPlus đưa tin: Lượng tin nhắn bầu chọn cho Vịnh Hạ Long tăng đột biến, từ 7, lên gần 9 triệu.

Với sự nhanh nhạy và sáng tạo của các... Nhà báo. Chưa biết chừng, ngày mai sẽ lại có hàng loạt bài viết về những cậu học sinh yêu nước nhịn tiền Game để bầu chọn cho Hạ Long.

Hay những cụ hưu, bán nhà xua con ra đường, để lấy tiền "bắn tin".

"Đơn giản vì Hạ Long quá đẹp. Thế thôi".

Nghi ngờ "tình yêu nước" và "lòng tự hào dân tộc", đặc biệt là xúc phạm đến việc tiêu tiền của những người nhắn tin thì dứt khoát là bá đạo.

Cười nhạo chuyện hơn 11 ngàn tin nhắn quả thực cũng là phường... kiết lỵ.

Tuy nhiên, khi "Câu chuyện anh Hoàng" - một người không biết dùng Internet - được đưa lên báo, chỉ thấy hiển hiện sự lạm dụng niềm tự hào dân tộc của dân chúng.

"Cộng đồng Việt là một cộng đồng mặc cảm". Sự tự ti, đôi khi khiến người ta thủ dâm với những cái danh, dù hão.
Nhưng cũng không thể vì thế, mà xui nhân dân ăn... cứt gà sáp.

Câu chuyện chưa dừng lại ở đây, bởi tỉnh Quảng Ninh vừa quyết định treo thưởng, cho những người nhắn tin.

Theo đó, hễ thuê bao nào nhắn trên 100.000 tin, sẽ nhận thưởng 10 triệu đồng. Thuê bao nào 1 triệu tin, nhận thưởng 20 triệu đồng.

Đặc biệt nhất, thuê bao nào trên 10 triệu tin, sẽ nhận thưởng 30 triệu đồng.

Vừa mấy hôm trước, cả hăm mấy "kỳ quan" mới có hơn trăm triệu tin nhắn, thế mà giờ Quảng Ninh treo thưởng cho 1 thuê bao với con số 10 triệu tin.

Không biết khi đưa ra hình thức "cột mỡ" này, quan chức Quảng Ninh có sờ lên tai?.

Vì đất nước, có thời những bà Mẹ Thứ đã hy sinh đến những đứa con cuối cùng.

Nhưng rất khó để có những "anh Hoàng" nhắn đến cả triệu cái tin, tiêu đến cả gia tài, vì những cái "danh hão" được kích động dưới danh nghĩa yêu nước hay tự hào dân tộc.

Thật khó có thể nhịn chửi bậy, trước chuyện "treo thưởng cột mỡ" của tỉnh Quảng Ninh, bởi khi vận động nhân dân, chí ít cũng cần tối thiểu sự tôn trọng, chứ không thể cứ mặc định họ cũng kêu ò ò như mình.
Với giá bèo nhất 630 đồng/tin nhắn của đầu số 147, thì 10 triệu tin nhắn sẽ không còn chỉ là 1 cuốn sổ tiết kiệm.

Con bò cũng có cách lựa chọn khác, để bớt ngu đến mức vô đối, như những người nhắn tin lấy thưởng.

Và giả dụ ai đó yêu nước đến nỗi, nhắn đến 10 triệu tin nhắn, thì dứt khoát buông máy cái, là vào thẳng Nhà thương điên Trâu Quỳ.

Người điên cũng có cách lựa chọn khác còn để được coi là điên bình thường.







8 tháng 11, 2011

TÍT TẮP CÀ MAU

Mai Thanh Hải - Nhiều bạn bè mình người Bắc, khi vào Nam thường kêu khó ăn món trong này, vì nhiều vị ngọt và cay. Với mình thì ngược lại, những món ăn dân dã miền Nam, nhất là ở những quán nhậu vỉa hè lại cực ngon và cực hợp khẩu vị. Có lẽ cái tính mình hay lang thang, lê la nên con gì cũng ăn được, cốt là nó... chổng lưng lên trời. He! He!..

Xuống Cà Mau cũng vậy, ngay buổi tối đầu tiên, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trương Hoàng Thêm, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Cà  Mau đã kéo ra ngồi ở quán Đức Mập, đường Âu Cơ ngay bên vỉa hè, với những món ăn quá là ngon.

Ngồi được chút, bác Thêm lại ào đi tiếp khách, giao mình cho Nhà văn trẻ Lê  Minh Nhật, Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Cà Mau. Nhật sinh năm 1981, còn rất trẻ, dân đồng nước miền Tây chính hiệu, đã từng công tác tại Trung tâm Y tếcủa huyện tận cùng đất nước: Ngọc Hiển và lấy vợ cũng người Ngọc Hiển, chính vậy Nhật hơi bị rành rẽ về những câu chuyện, địa danh ở Ngọc Hiển và Cà Mau.

Ngồi quán vỉa hè, Nhật giới thiệu rành rẽ từng món ăn trong cái Thực đơn dày cộp của Nhà hàng và gọi ngay món cá gì đấy, mà mình uống xỉn quá, bi giờ chẳng nhớ nổi. Chỉ biết rằng, cực lạ và cực ngon.

Thế nhưng bất ngờ nhất là tối hôm sau, ngồi với Nguyễn Ngọc Tư. Tư rất bận, lại vừa đi công tác dưới huyện về, nhưng vẫn nhờ ông xã trông cậu út 3 tuổi, chạy ra quán Tân Tân đợi mình (ngồi được 2 tiếng, Tư lại về nhà, thay ca trông con cho ông xã ra... nhậu tiếp với mình).

Mấy món ăn Tư gọi giới thiệu, đúng là lần đầu tiên mình được thưởng thức, ngon muốn ngất vật luôn. Đó là con vọp hấp ngay trên bàn và lươn um lá giang. Toàn những đồ thiên nhiên, chả phải nuôi nấng gì cả. Đang chén, thấy Tư vẫy vẫy tay chào và quay sang: "Có anh Ba của Tư ngồi bên!". Ngay liền, anh Ba (anh trai sinh trên Tư) rổn rảng mang cốc bia chạy sang, kèm theo đĩa có mấy chú tôm càng xanh bự chảng, nướng cong veo, nhìn muốn nhỏ nước dãi.

Chuyến xe đêm giường nằm từ Cà Mau lên Sài Gòn, chạy hun hút miền Tây suốt 8 tiếng đồng hồ của mình, đã chậm lại tý xíu để ngồi lại với những người bạn dễ thương, mới gặp nhưng thân thuộc như thế. Lên xe rồi, vẫn đau đáu về nơi tận cùng đất nước, dù xa tít tắp nhưng lòng người, thiệt thà - gần gũi đến rưng rưng...
-----------------------------------------------------------------

Món Vọp hấp rất đặc trưng Cà Mau

Nhậu tý nào
Lươn um lá giang với bông so đũa vàng rộm

Món nhậu vỉ hè đêm đầu tiên, vừa đặt chân xuống Cà Mau

Con lươn to đùng nhưng thịt thơm và chắc nình nịch

Xắt cá

người xắt cá là Lê Minh Nhật (Nhựt) đây nhá

Mình lên xe giường nằm về Sài Gòn, người vẫn cứ biêng biêng