Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Viết văn Quảng Bá (Hội Nhà văn Việt Nam).
Ngày 15/4/1971, ông vào chiến trường Nam Bộ, công tác ở Ban Văn nghệ Trung ương Cục miền Nam.
Nhà thơ Đỗ Nam Cao là thành viên Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam; nguyên Biên tập viên, Phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam, Biên tập viên Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin (Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh); Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Việt Nam.
Do bị bệnh hiểm nghèo đột phát, sau hơn 4 tháng điều trị, ông đã từ trần lúc 10g45 sáng ngày 8/11/2011.
Linh cữu Nhà thơ Đỗ Nam Cao quàn tại nhà riêng: 12B đường Nguyễn Thị Huỳnh, Phường 8, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh. Lễ khâm liệm và lễ viếng bắt đầu từ 16g cùng ngày.
Lễ động quan vào lúc 7g sáng 11/11/2011, sau đó đưa đi hoả táng tại Nghĩa trang Bình Hưng Hoà.
Kể lại những kỷ niệm từ hồi chiến tranh, kéo dài cho đến khi Đỗ Nam Cao nằm xuống, Nhà thơ Thanh Thảo nằng nặng suy tư trên Báo Thanh niên: “Có một niềm an ủi: dù ta đã mất một người bạn, nhưng thơ họ còn lại với ta, còn lại với cuộc đời muôn nỗi trái ngang giằng xé này” và khẳng định: "Nhà thơ Đỗ Nam Cao là một trong những người như vậy".
Đỗ Nam Cao là bạn cùng đi chiến trường với lớp người như Nhà thơ Thanh Thảo.
Suốt những năm ở chiến trường B2, ông công tác ở Ban Văn nghệ Trung ương Cục và thường xuyên đi xuống các chiến trường đồng bằng.
Nhưng bạn bè mỗi lần gặp nhau, bên chén rượu, rất ít khi nghe Đỗ Nam Cao nói về những tháng ngày ở chiến trường của mình.
Nhà thơ Thanh Thảo kể: Chỉ có một lần, và cách đây chưa lâu, khi về Quảng Ngãi thăm tôi, Cao chợt kể một chuyện hồi ở vùng trọng điểm Củ Chi, anh đã chi chút trồng được một luống rau muống và một giàn mướp ngay giữa địa hình.
Khi mướp có trái và rau ăn được, nhớ bạn mình có thể thiếu rau ăn, Cao đã hái rau hái mướp đi bộ nửa ngày đường mang sang cho bạn.
Không ngờ, hai người bạn cùng tổ công tác của anh đã rút về chiến khu từ hồi nào mà không thông báo với anh.
Giữa trời trưa nắng gắt trên đất lửa Củ Chi, Đỗ Nam Cao nói: "Mình cầm hai bó rau muống và hai quả mướp đứng ngẩn ngơ giữa một nền nhà cũ, lúc ấy mình cảm thấy bơ vơ vô cùng!".
Cảm giác bơ vơ là cảm giác thường trực trong thơ Đỗ Nam Cao.
Một người kháng chiến cũ như anh, sau hòa bình vẫn làm việc liên tục, làm thơ liên tục nhưng rất ít khi công bố tác phẩm của mình, cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện PR cho bản thân.
Tới mức, lẽ ra anh đã đương nhiên là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ sau giải phóng, nhưng do người ta vô tình “quên”, nên mãi năm 2010, Chủ tịch Hội mới ký quyết định công nhận Đỗ Nam Cao là Hội viên, một quyết định chậm tới… 34 năm.
Vị Chủ tịch đương nhiệm đã có một nghĩa cử đẹp với một Nhà thơ kháng chiến cũ, nhưng điều đó khiến chúng tôi, là những bạn cũ của anh không khỏi ngậm ngùi.
Nhưng Đỗ Nam Cao vẫn bình thản. Tôi nghĩ, anh vẫn bình thản như thế cho tới phút vĩnh viễn ra đi.
Như Nhà thơ Chim Trắng - người cùng Ban Văn nghệ R với anh, đã bình thản như vậy cách đây gần hai tháng.
Trong những người bạn kháng chiến cũ mà tôi biết, hầu hết những người đã khuất đều có sự bình thản như vậy khi nói lời từ giã cuộc sống mà họ đã yêu tha thiết và đã mang cả tuổi trẻ và máu xương mình ra gìn giữ. Phải chăng, đó cũng là phẩm chất của cả một thế hệ?..
Vĩnh biệt Nhà thơ Đỗ Nam Cao, xin phép được đăng lại bài thơ "Gửi Trường Sa", ông viết năm 1988, khi lính Trung Quốc dùng vũ lực tấn công, đánh chiếm một số đảo, bãi đá ngầm của Việt Nam, tại Quần đảo Trường Sa. Đặc biệt, ngày 14/3/1988, tàu chiến đấu Trung Quốc dùng hỏa lực mạnh bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải của Hải quân Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng tại khu vực đảo chìm Cô Lin - Gạc Ma - Len Đao và bắn chết, bắt sống 74 cán bộ chiến sĩ Công binh Hải quân, chiếm đóng trái phép bãi đá Gạc Ma.
Nhà thơ Đỗ Nam Cao qua đời, nhưng những bài thơ, như bài "Gửi Trường Sa" này, sẽ còn sống mãi trong lịch sử giữ nước của dân tộc.
Bởi bài thơ của "những người bạn kháng chiến cũ" (chữ dùng của Nhà thơ Thanh Thảo), không chỉ là thơ, mà còn là chứng nhân của lịch sử - Của một thời và mãi mãi...
Xin Vĩnh biệt Ông - Nhà thơ Đỗ Nam Cao!..
--------------------------------------------------------------------------------------
GỬI TRƯỜNG SA
Trường Sa ư?. Với ngày thường xa thật
Đảo ở đâu?. Tôi có hỏi đâu mà
Điều khốn nạn là chỉ khi máu đổ
Đảo mới gần, mới thật đảo của ta
Các anh cắm ngọn cờ Tổ quốc gió cuồn cuộn
Sóng lừng ngầu bọt bãi san hô
Kẻ muốn nhổ ngọn cờ khỏi ngực
Thì nhận đây dòng máu nóng hực ra
Chính lúc bấy giờ tôi mới hiểu Trường Sa
Hiểu đến xót xa
Tổ quốc là vỏ con ốc biển
Anh nâng niu cất gửi tặng quà
Các anh chết làm gì có mộ
Làm gì có đất cho máu tụ thành hồn
Máu tan loãng thân thể chìm mất dạng
Chỉ còn đảo và cờ Tổ quốc giữa trùng dương
Xin cứ giận các anh ơi, rồi thứ lỗi
Ôi con tôi sao nó bỗng khóc òa
Tôi hôn con ghì Trường Sa vào ngực
Bãi đá ngầm cào rách thịt da.
Đỗ Nam Cao
(1988)
* Hình chụp Nhà thơ Đỗ Nam Cao, do Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán thực hiện. Mai Thanh Hải đăng lại từ Trang của Nhà thơ/ Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo
"Gửi Trường Sa" đã cho ta thấy 1 - sự thật rất - đau - đớn về TS.
Trả lờiXóaCầu mong linh hồn nhà thơ siêu thoát ở miền cực lạc!
nguyenthong55@yahoo.com.
Trả lờiXóaHôm qua anh đã đưa lên blog của anh một bài về anh Cao, nhưng sau đó lại tạm rút xuống vì định đăng trên báo giấy đã, theo quy định thì không được đưa lên mạng trước khi in. Anh biết anh Cao từ hồi 77, thời gian khó.
Một tâm hồn có tâm với đất nước đã ra đi. Thoát bụi trần để vào cõi vĩnh hằng, mà những trăn trở của mình với đời còn đang dang dở. BD
Trả lờiXóaTôi đã khóc khi đọc bài thơ của NHà thơ Đỗ Nam Cao ,
Trả lờiXóaTại sao những người tốt, có tài, có tâm lại cứ ra đi sớm như vậy ??? còn kẻ ác ,kẻ xấu vẫn nhởn nhơ sống và bòn rút đất nước này .
Chúc Linh hồn nhà thơ mãi mãi an nghỉ .
Cảm ơn Thu Hồng đã cho tôi đ/c trên trang mạng nên tôi đc biết cố nhà thơ ĐỖ NAM CAO .và bài thơ đầy cảm động GỮI TRƯỜNG SA của anh
Trả lờiXóa