2 tháng 8, 2012

NGÀY XƯA... CỰC LỰC?.

Mai Thanh Hải - Đến Nha Trang, nhắc đến tên Nhà báo Nguyễn Viết Thái, mọi người làm báo ở thành phố "biển xanh, cát trắng, nắng vàng" đều biết và kể về ký ức 1988 của anh.

 Mà không chỉ người làm báo, tất cả những cán bộ chiến sĩ Vùng 4 Hải quân tham gia Chiến dịch CQ-88 và mãi sau này, đều biết đến Nguyễn Viết Thái, Phóng viên ảnh kiêm viết về mảng Quân đội của Báo Phú Khánh (cũ).

Cuối tháng 4, đầu tháng 5/1988, mọi con tim Việt Nam hướng về Trường Sa rừng rực lửa căm thù, sau sự kiện 14/3/1988 (tàu chiến đấu và lính Trung Quốc bất ngờ tấn công, giết chết 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân, bắt sống 9 người khác và chiếm một số đảo của ta ngoài Trường Sa), Nguyễn Viết Thái đang là phóng viên ảnh kiêm viết mảng quân đội của Báo Phú Khánh (cũ), được cơ  quan cấp chục cuộn phim Orwo đen trắng của Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ), giao nhiệm vụ ra công tác Trường Sa.
Đoàn báo chí, văn hóa - thông tin ra với Trường Sa 5/1988

Cùng đoàn công tác với anh Nguyễn Viết Thái, còn có Nhà báo Phạm Đình Quát ở Quốc doanh Nhiếp ảnh Phú Khánh, cố Nhạc sĩ Xuân An ở Sở Văn hóa Thông tin, 2 ca sĩ Thanh Thanh, Anh Đào ở Đoàn ca múa Hải Đăng, 2 anh ở Quốc doanh Chiếu bóng Phú Khánh.

Vào đến Nhà khách ngoại vụ của Vùng 4 Hải quân, họ nhập chung với các nhà báo, nhà quay phim ở Tạp chí Hải quân, NXB Quân đội nhân dân, Xưởng phim Quân đội, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh…

Mấy lần đến tập trung, rồi lại cho về nhà để chờ, xuống tàu rồi lại lên bờ... khoảng một tuần sau khi đến nhà khách, cả Đoàn mới thực sự khởi hành.
Nhà báo Nguyễn Viết Thái (phải) và Phạm Đình Quát tại đảo Trường Sa Lớn

Tàu ra biển, họ mới được thông báo lịch trình, biết được đi cùng Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh, Đô đốc Tư lệnh Quân chủng Hải quân Giáp Văn Cương và nhiều cán bộ cấp tướng của các Quân chủng, Tổng cục thuộc Bộ Quốc phòng.

Viết Thái nhớ lại: Những ngày ở Nhà khách Vùng 4, anh thấy xe mang thư, quà gửi Trường Sa tấp nập đến đó.

Cả nước đang hướng về những người lính nơi đầu sóng ngọn gió.

Chuyến đó, đoàn công tác không đến khu vực các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, nơi tình hình rất căng thẳng, chiến sự có thể lại bùng nổ bất cứ lúc nào.

Nhưng trước khi lên đường, Viết Thái và Nhà văn Khuất Quang Thụy đã vào căn cứ Cam Ranh thăm Trung đoàn 83 công binh, đơn vị có nhiều người hy sinh nhất trong sự kiện 14/3/1988.

Đặc biệt, anh được gặp cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-505 vừa từ Trường Sa trở về.

Sáng 14/31988, dù bị tàu Trung Quốc bắn cháy, nhưng tàu HQ-505 đã ủi bãi đảo Cô Lin thành công, bảo vệ được chủ quyền của Tổ quốc tại đây. Tập thể tàu HQ-505 và thuyền trưởng Vũ Huy Lễ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

“Thật xúc động khi gặp những người lính trẻ măng, vừa đối mặt cái chết nhưng phong thái, nét mặt họ vẫn đầy vẻ tự tin, lạc quan” - Viết Thái kể. Chưa ra tới Trường Sa, nhưng anh đã có nhiều cảm xúc và tư liệu để viết một số bài cho Báo Phú Khánh.
Đại tướng Lê Đức Anh cùng một số thành viên Đoàn và bộ đội Trường Sa

Những hình ảnh anh Nguyễn Viết Thái ghi lại ở Trường Sa, có lẽ sẽ mãi mãi là những hình ảnh lịch sử, vô giá đối với không chỉ với những người lính biển, quân đội mà với cả đất nước...

Những ngày này, lẩn mẩn xem lại những tấm hình anh Thái ghi lại buổi mít tinh phản đối Trung Quốc, rành mạch những biểu ngữ - khẩu hiệu như: "Kịch liệt phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc xâm phạm vùng biển Trường Sa của Việt Nam", "Nêu cao cảnh giác, bộ đội phòng không 378 nguyện sát cánh cùng chiến sĩ Trường Sa bảo vệ vững chắc vùng biển, vùng trời của Tổ quốc"...

Đặc biệt, mình cứ nhìn mãi khẩu hiệu: "Cực lực phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc gây tội ác mới trên quần đảo Trường Sa" và tâm niệm với câu "Cực lực", để rồi đau đáu: "Ngày xưa... cực lực?".

Cảm ơn anh Nguyễn Viết Thái và các anh chị đồng nghiệp đi trước, đã ghi lại và để dành cho con cháu sau này, những hình ảnh lịch sử - quý giá vô ngần về Trường Sa gian lao, nơi có những người lính, bao tháng năm, vượt qua mọi vất vả, thiếu thốn, mất mát, hy sinh, để bảo vệ biển trời Tổ quốc.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
HÌNH ẢNH CUỘC MÍT TINH PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC GÂY TỘI ÁC TẠI TRƯỜNG SA 3/1988

Quân với dân 1 ý chí
Toàn quân 1 ý chí
Băng tang đen trên áo Hải quân, tưởng nhớ đồng đội
* Bài viết có sử dụng tư liệu của Nhà báo Nguyễn Đình Quân, Báo Tiền Phong
* Hình ảnh của Nhà báo Nguyễn Viết Thái.

2 nhận xét:

  1. Em còn nhớ hồi đó em đang học phổ thông, nhà trường cũng tổ chức mit tinh phản đối Trung quốc, tất cả thày trò cùng hô vang "đả đảo, đả đảo, đả đảo", rồi viết thư động viên gửi các chú bộ đội ngoài đảo xa. Bao giờ cho đến ngày xưa, anh Hải nhỉ.

    Trả lờiXóa
  2. Chào các anh ở đảo xa xôi. Ko biết ở ngoài đó có khổ lắm không ạ.Thiết kế website ở thanh hóa

    Trả lờiXóa