27 tháng 5, 2013

XƠ XÁC BÀNG VUÔNG

Mai Thanh Hải - Ở Trường Sa, ngoài mấy loại cây "chủ lực" như Phong ba, Bão táp, Tra biển... cây bàng vuông được nhắc đến nhiều nhất, liên tục, triền miên ngày này tháng khác, năm này năm khác trên các thể loại báo chí, truyền hình, văn thơ, đàn hát.

Kỷ niệm của mình với bàng vuông cũng nhiều lắm, nhất là những ngày gần Tết, nhận điện thoại từ đảo gọi về, cứ mường tượng cảnh đồng đội ngơ ngẩn bên những gốc bàng vuông lặng lẽ bám đảo, lặng lẽ xanh mát, lặng lẽ xòe những mắt lá ú òa đùa lính, cho nguôi ngoai nỗi nhớ đất liền...

Người ta bảo: Bàng vuông chỉ nở hoa từ tháng 3 đến tháng 5, ra quả từ tháng 10 đến tháng 12.

Thế nhưng năm nay, chẳng hiểu sao gần tháng 6 rồi, mà nhiều cây bàng vuông trên đảo Phan Vinh, Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Lớn... vẫn còn những nụ hoa to tròn, trắng ngần, e ấp đợi đến đêm khuya, nở bùng lên cái màu hồng tím đặc trưng, khiến lính ta cứ gật gà đợi xem hoa nở, sáng đường tuần tra, kiều diễm những nhụy phớt thon dài.

Hoa nở đấy, nhưng quả cũng ra rồi đấy.

Những quả xanh, to căng như nắm đấm lấp ló trốn giữa chùm lá cứng cáp, can trường.

Quả lớn từng ngày, căng mọng từng ngày, tràn trề sức sống như lính trẻ tuổi 18 giữa tiền tiêu sóng gió và đợi 1 lúc nào đó, khi đã đủ chín chắn, cương nghị, quả rụng nhẹ xuống bờ cát để sóng đẩy lang thang tới sườn đất khác, hòn đảo khác trong biên đảo thân thương và nảy mầm, bật chồi thành 1 cây bàng vuông non tơ, thẳng lưng đứng cùng lính giữ canh từ ngọn sóng, áng mây, ngọn gió, mét nước, mỏm đá san hô... với hiên ngang họng súng, điệu đàng áo yếm Hải quân.

Dọc khắp những Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Song Tử, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh...những nắm tay bé tinh nghịch bàng vuông nắm vào nhau, ken bên nhau chờ 1 mùa biển động, chờ rắn rỏi rụng xuống, nảy mầm hé mắt, vụt đứng thẳng -xanh chồi cho bừng sức sống Trường Sa.

Bàng vuông quý không?.

Quý lắm chứ, bởi chỉ cây mới chịu đựng nổi gió bão - nước mặt và lớn nhanh phủ xanh đảo, gần gũi hơi ấm quê hương - đất liền với bộ đội, che mắt quân thù, môi trường sinh thái - mỹ quan và còn bao công dụng hàng ngày khác (ví như lá dùng để gói bánh chưng dịp Tết, khi thiếu lá dong) chả cây nào có thể bì kịp.

Quý lắm chứ, bởi nói đến Trường Sa là phải nhắc đến biểu tượng Trường Sa.

Thế nhưng, nói đến bàng vuông Trường Sa bây giờ, cũng buồn lắm.

Ra Trường Sa cuối vụ thăm hỏi, cứ lên đảo nào có màu xanh cây cối là y như rằng một số thành viên trong Đoàn lại xúm quanh bộ đội, nháo nhác hỏi: "Cây bàng vuông là cây nào?. Đâu? Đâu?"...

Nghe câu hỏi quen thuộc, lính ta lại cười buồn thuộc quen: "Trụi rồi ạ!", khiến đám tò mò hí hởn thở dài thườn thượt, tiếc...

Vào đầu mùa thăm hỏi (tháng 3 dương lịch), hoa bắt đầu nở, các Đoàn Công tác đầu tiên háo hức ra thăm và sau mỗi mấy tiếng đồng hồ Đoàn rời đảo, thế nào cũng có một số chùm hoa (cả nụ nhỏ lẫn nụ to) bị ngắt, kèm với những lá xanh mang lên tàu, để rồi chỉ ngày sau là héo quắt, vứt sọt rác, khiến lính đảo tiếc đứt ruột: Mỗi chiếc lá gói được 1 chiếc bánh chưng, mỗi chùm hoa là cả chục quả bàng...

Giữa và cuối mùa, cây bắt đầu đơm trái bé tý, mềm oặt như nắm tay em bé, run rẩy, nem nép sau lá nhưng cũng không trốn nổi khối ánh mắt thèm thuồng. Dĩ nhiên, cũng khối em bé bàng bị "bắt sống", đút túi áo túi quần với ý định mang về đất liền, nhưng chỉ vài ngày nắng, trái héo quắt, xọp lại như bộ xương, rất tội...

Dịp cuối mùa, đến nhiều đảo nhìn cây bàng vuông, cứ như thể vừa bị thu hoạch xong, toàn những cuống gần ngọn, tím bầm nhựa như thể cây trăng trối với hoa cùng quả, chỉ còn những quả nằm tít tắp trên cao là co mình im thin thít, trước sự trông coi - nhắc nhở như van xin của bộ đội, loanh quanh gác dưới gốc.

Ấy vậy mà vẫn có người liều mạng tụt dép phi lên, chuyền cành định hái, khiến bộ đội, dù có kính trọng - lễ phép với khách đến hết mức, cũng phải quát lên, yêu cầu xuống với lý do "Ngã xuống thì sao!", che câu: "Không được hái bàng!"...

Ừ!. Ai cũng vặt, ai cũng hái, thảo nào số cây bàng mọc mới ngày càng tỷ lệ nghịch với số lượng Đoàn - khách ra thăm đảo mỗi năm.

Bàng vuông ư?. Ngay trong đất liền cũng có thể trồng được, ra quả, đâm chồi, mọc cây non tiếp nối, như nối tiếp biểu tượng bất tử Trường Sa và nếu được bộ đội Trường Sa tặng cho cây đã ươm cẩn thận, mới thực là điều tiếp nối đáng quý.

Nếu cứ "yêu quý Trường Sa" mà hái vặt bàng vuông như kiểu "hái lộc" đêm giao thừa thế này, thì chả mấy chốc đến cả cây Phong ba, Bão táp cũng bị đốn hạ, chứ chả phải riêng bàng vuông...

Và cũng đã đến lúc, Quân chủng Hải quân quán triệt nội dung "bảo vệ bàng vuông" đến từng đơn vị, đặc biệt là Lữ đoàn 146, Vùng 4 - Hải quân và trong quy định đối với các Đoàn, cũng phải nghiêm khắc: "Cấm hái hoa, bẻ cành, ngắt quả các loại cây trên đảo; cấm mang ốc, đá, san hô từ đảo về đất liền"...

Có vậy, sau mỗi mùa thăm hỏi, đảo chúng mình mới không xơ xác, ngay từ những lá bàng vuông...
-----------------------
* Hình ảnh hái quả bàng vuông, quả đã bị hái... đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
* Hình ảnh hoa bàng do MTH và bạn bè chụp trong 2 chuyến công tác Trường Sa 2012, 2013.

9 nhận xét:

  1. Đề xuất đặt biển ở mọi điểm đến tại Trường Sa bác ạ:
    Cấm hái hoa, bẻ cành, ngắt quả các loại cây trên đảo;
    Cấm mang ốc, đá, san hô từ đảo về đất liền".
    Lại bực mình với hình sự hớn hở của những ai chôm được chiến lợi phẩm là quả bàng vuông này!
    Thành phần ra TS được chọn lựa kĩ càng, mà sao 1 phần (lớn) họ có phông kiến thức lại thấp thế b?
    X.bông!

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết hay lắm; ảnh thì quá tuyệt vời bạn Hải ạ.

    Trả lờiXóa
  3. Hoa Bàng vuông đẹp quá. Xin MTH tải về máy nhà làm kỷ niện.Cảm ơn.

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn Mai Thanh Hải đã cho mọi người thấy những góc khuất sau những hào nhóang cao siêu!
    Có thể nhiều người do thiếu thông tin và sự vô tình đôi khi trở thành tàn nhẫn!
    Hãy thông cảm và hy vọng tự họ sẽ áy náy, ân hận về hành xử của mình dù cơ hội ra đảo lần 2 là rất hiếm.
    Hãy thông tin đầy đủ và lưu ý tất cả, đặc biệt những đười sắp và sẽ ra thăm biển đảo, nhà giàn thời gian tới. VD: củ gừng củ tỏi, nắm sả...quý và thiết thực cho bữa ăn kham khổ của chiến sĩ hơn bó hoa.
    Kỷ vật từ đảo mang vào đất liền nếu biết trân trọng, lan tỏa sẽ rất thiêng liêng, mấy vỏ ốc, vỏ sò thì đâu cần phải ban lệnh cấm. Vấn đề là có chuẩn bị, thu phí nếu khách có nhu cầu, góp quỹ nào đó. Vừa rồi, tôi ghé Nhà khách Hải Quân 1A Tôn Đức Thắng mua giúp 6 tấm ảnh Hoa bàng vuông ( Tác giả Trọng Thiết- khổ lớn giá có 200K) gửi PCN ra HN để bạn bè tặng nhau sau chuyến thăm đảo, tác dụng lan tỏa rất tốt.
    Nhiều khách có nhu cầu mua quà lưu niệm thì bên Hải quân cũng cần chú ý quan tâm, định hướng sẽ hài hòa!

    Trả lờiXóa
  5. Biển đảo mình đẹp quá ! Rất khâm phục những anh những người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ tổ quốc !

    Phong cảnh cũng tuyệt quá ! Hy vọng có dịp ghé thăm nơi đây

    Trả lờiXóa
  6. Đề nghị bỏ tù luôn maithanhhai vì tội "che dấu tội phạm"! Bài ông viết quá muộn. Đắng rồi đấy!

    Trả lờiXóa
  7. Thương quá bàng vuông ơi.(dân Praha)

    Trả lờiXóa
  8. Cho em xin một bức hình làm avatar nha. Cam on anh. VA

    Trả lờiXóa
  9. Năm ngoái tôi ra Trường Sa, cũng thấy xót xa và phẫn nộ về việc này.
    Cả những vị lãnh đạo các cơ quan, ban ngành cấp Trung ương cũng yêu cầu cấp dưới lấy cho được vài cành, vài quả về làm kỷ niệm, rồi sau đó những cành bàng vuông, rũ héo, vứt lại chỏng chơ trên tàu.
    Mỗi trận "đổ bộ" lên đảo như thế không khác gì những cuộc tàn sát cây xanh. Rất thiếu văn hóa.Bộ đội trên đảo xót lắm nhưng chẳng làm thế nào được.
    Tôi nghĩ, Bộ Tư lệnh Hải quân cần có lệnh nghiêm cấm việc bẻ cành, hái quả bàng vuông và các loại cây xanh che bóng mát, chắn sóng trên đảo. Nếu có lệnh đó, các đoàn ra đảo phải chấp hành thôi, chứ chờ vào sự tự giác thì khó lắm.

    Trả lờiXóa