21 tháng 7, 2011

NHÀ THƠ THANH THẢO: Ý CHÍ CỦA QUỐC HỘI?..

Tàu cá của ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi chờ dịp ra Hoàng Sa khai thác
Mai Thanh Hải Blog - Lứa tuổi bọn mình (nhất là trên bọn mình), nghe đến tên Nhà thơ Thanh Thảo, khối người muốn được lại gần để... sờ "thật xương thật thịt". Với mình, cái tên Thanh Thảo gắn với những bài học chuyên Văn hồi cấp II-III và nhất là Trường ca "Dấu chân qua trảng cỏ" (mình trích một số câu trong Trường ca để bình văn và đoạt giải Học sinh giỏi văn miền Bắc đấy nhé!. Hi! Hi!).

Nhà thơ Thanh Thảo, tên khai sinh là Hồ Thành Công, sinh năm 1946, quê ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Tốt nghiệp khoa ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ngay sau khi rời giảng đường Đại học, Nhà thơ Thanh Thảo xung phong trở về miền Nam chiến đấu góp phần giải phóng quê hương và làm phóng viên, công tác tại đài phát thanh Giải Phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, Nhà thơ Thanh Thảo chuyên hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, báo chí và đã từng đảm nhiệm các vị trí như: Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch Hội đồng thơ - Hội nhà văn Việt Nam.... Nhà thơ Thanh Thảo đã nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (1979), giải thưởng Ban Văn học Quốc phòng An ninh, Hội Nhà văn Việt Nam (1995), giải thưởng Nhà nước (đợt 1) về Văn học nghệ thuật năm 2001...

Tranh thủ "bon chen" hình mình chụp với bác Thanh Thảo

Từ mấy thập niên trước, Nhà thơ Thanh Thảo đã được công chúng chú ý qua những tập thơ và trường ca mang diện mạo độc đáo viết về chiến tranh và thời hậu chiến: Những người đi tới biển (1977), Dấu chân qua trảng cỏ (1978), Những ngọn sóng mặt trời (1981), Khối vuông ru-bích (1985), Từ một đến một trăm (1988)...

Những năm gần đây, Thanh Thảo vẫn làm thơ, viết báo, tiểu luận phê bình và nhiều thể loại khác, nhưng đóng góp quan trọng và đặc sắc nhất của ông vẫn là thơ ca.

Mình rất tâm đắc với nhận xét "Thơ Thanh Thảo là tiếng nói của người tri thức nhiều suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội và thời đại". Chính vậy, chiều nay, khi nhận được bài viết "Ý chí của Quốc hội" của Nhà thơ Thanh Thảo, mình rất vui và muốn giới thiệu ngay với mọi người.

Ngồi phía bên kia là Nhà thơ Văn Công Hùng và 1 nhà thơ Quảng Ngãi
Bài viết, không chỉ gửi đến những Đại biểu Quốc hội Khóa XIII đang mệt mỏi ngồi trong Hội trường Bộ Quốc phòng, ngày đầu tiên Hà Nội thoắt mưa, thoắt nắng nhọc nhằn, mà còn gửi tới những người đang nắm giữ vận mệnh đất nước. Đọc những dòng viết hôm nay, tự dưng mình lại nhớ đến câu thơ Thanh Thảo, bao nhiêu năm trước: “Cả thế hệ xoay trần đánh giặc/ Mặc quần đùi khiêng pháo lội qua sông”, hay: “Phải thương lắm mới đi làm cách mạng/ Phải thương nhiều hơn mới giữ nổi lòng tin/ Nhưng phải thương đến tận cùng đau đớn/ Mới làm người mẹ…”.

Xin trân trọng cảm ơn Nhà thơ Thanh Thảo và hẹn gặp lại ngày mai, khi Nhà thơ từ Quảng Ngãi ra Hà Nội và tiếp tục ngược lên Cao Bằng, thăm miền biên ải có Thác Bản Giốc, hang Pắc Bó, cầu Tài Hồ Sìn... đã gắn bó tận trong máu thịt, với những bạn bè - người thân ân nghĩa...
-----------------------------------------------------------
                                                         
                                                           Ý CHÍ CỦA QUỐC HỘI

Trước Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XIII, người phát ngôn của Quốc hội đã nói với báo chí: “Ở Kỳ họp này, việc Quốc hội có ra Nghị quyết về tình hình Biển Đông hay không, là tùy thuộc vào ý chí của Quốc hội”.

Ý chí của Quốc hội bao giờ cũng là phản ánh ý chí của nhân dân, của toàn dân tộc. Tình hình Biển Đông phức tạp và ẩn chứa những nguy hiểm trong thời gian gần đây, đã được toàn dân theo dõi và bày tỏ thái độ, với những âu lo và phẫn nộ chính đáng. Một khi chủ quyền Quốc gia bị xâm phạm, thì như người xưa đã nói “Thất phu hữu trách”, ai cũng thấy mình có trách nhiệm với vận mệnh Tổ quốc.

Đại biểu Quốc hội được nhân dân bầu chọn ra, là tiêu biểu cho nguyện vọng và tiếng nói của nhân dân, chắc chắn không thiếu ý chí trong khi biểu lộ thái độ và quan điểm, trước tình hình Biển Đông hiện nay.

Trong kỳ họp này, Chính phủ sẽ có báo cáo chính thức về tình hình Biển Đông trước toàn thể Quốc hội, sau khi đã phân phát tài liệu đến tay từng Đại biểu. Như thế là Chính phủ đã công khai tình hình Biển Đông, cũng như nói lên quan điểm và những giải pháp của Chính phủ trước tình hình này.

Vấn đề còn lại là quan điểm của Quốc hội, quan điểm của từng Đại biểu Quốc hội. Quan điểm và ý chí ấy phải được thể hiện bằng văn bản, và đó là “Nghị quyết của Quốc hội về tình hình Biển Đông”.

Toàn dân đang chờ nghe và đọc Nghị quyết này, vì nó phản ánh ý chí và thái độ của nhân dân trước chủ quyền của đất nước.

Ngày xưa từng có “Hội nghị Diên Hồng”, để nhân dân được nói lên ý chí và quyết tâm bảo vệ đất nước của mình trước triều đình. Sự đồng thuận cao cả ấy giữa nhân dân và triều đình, đã đưa những cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam tới thắng lợi.

Dù tình hình ngày nay có nhiều điểm khác, con đường để giải quyết những bất đồng trong thế giới hiện đại là con đường thương lượng hòa bình. Nhưng ý chí của một dân tộc thì không bao giờ được thiếu vắng, trong những hoàn cảnh khó khăn hay nguy biến.  “Bảo đảm nguồn lực để tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là trên các vùng biển, đảo. Phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng vùng biên giới, hải đảo, tăng cường sự chủ động của các địa phương trong việc xây dựng tiềm lực kinh tế kết hợp với quốc phòng” - Đó là nguyên văn trích từ Báo cáo của Chính phủ đọc trước Quốc hội khóa XIII, trong phiên họp khai mạc ngày 21/7/2011.

Đó cũng là ý chí và những giải pháp chủ đạo của Chính phủ.

Còn ý chí của Quốc hội, thì quốc dân Việt Nam đang chờ được nghe.

Thanh Thảo

2 nhận xét:

  1. Tình hình biển Đông không có gì mới. Tình hình Hà Nội cũng không có gì mới, ngoại trừ việc công an Minh đạp vào mặt anh Đức ngày 17/7/2011.

    Trả lờiXóa
  2. Mời anh vào xem:

    http://thothanhhai.tk/home/index.php/trang-nhat.html

    Trả lờiXóa