Đàm Hà Phú - Trong Hương Rừng Cà Mau có một chuyện tên là “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư”.
Chuyện ngắn củn, đại khái kể chuyện một anh phái viên của một tờ báo ở thành phố, tìm về vùng sâu xứ miền Tây để đòi nợ tiền báo 6 tháng từ một người nông dân, tên là anh Tư Có. Hai người lạ gặp nhau, chợt nhắc mấy câu trong sách giáo khoa thư mà thấy tâm đầu ý hợp. Chuyện chỉ có vậy. Cụt hơ.
Năm 1996, miền tây lũ lớn khủng khiếp, nước tràn đồng, tràn lộ…Năm ấy tôi lưu lạc cả nửa tháng trời dọc ngang vùng Đồng Tháp Mười, đi đâu rặt cũng nước với trời. Lúc ấy toàn ăn cơm nhà người lạ, những người không quen biết. Đầu tiên là một người nông dân, cũng tên là Tư Có.
Chúng tôi, ba người lạc đường buổi chiều, đang men theo con lộ mà nước đã lên quá gối để đi.
Thỉnh thoảng qua nhiều chỗ trũng lại rớt xuống cái ủm, ướt trụi lủi. Tư Có chạy vỏ lãi ngang qua, kêu: "Mấy đưa bây đi đâu? Có vô xóm không?. Leo lên đây đi!". Thì lên liền...
Ghé nhà Tư Có ăn bữa cơm chiều với cá rô mề chiên dòn chấm mắm ớt, ba đứa cạo cái nồi gang rột rột đến nỗi vợ Tư Có phải đội mưa, chạy đi mua 2 lít gạo về nấu thêm cơm.
Đêm đó ngồi uống rượu với Tư Có bên sàn cây, giữa mênh mông là nước.
Biết mấy đứa trẻ thích đi chơi miền tây, Tư Có chỉ: "Bây đi lối đó, qua xóm đó, trưa thì ghé nhà ông này ăn cơm, tối thì ghé nhà bà kia ngủ, cứ nói bạn của Tư Có là được!".
Quả nhiên, đi lòng vòng, ăn nhờ ở đậu khắp nơi cũng chỉ cần nói: "Bạn Tư Có", tới nhà ai cũng rượu đế uống say mèm, không ai thèm hỏi coi quen biết Tư Có làm sao, thân thiết gì không.
Không ai cần biết. Cứ như Tư Có là Chủ tịch Tỉnh hay Chủ tịch Nước vậy. Có người lạ đến thì thêm chén, thêm đũa, có gì ăn nấy, còn cái ly rượu thì xây thêm một tua. Chỗ nào cũng nước với trời. Mênh mông.
Vì sao người ta thương Tư Có dữ vậy?. Tư Có chẳng qua cũng là nông dân thôi mà!. Sai rồi!. Đâu có ai nể gì Tư Có?.
Cái tên Tư Có là nói ra cho nó có cái tên để mà nói, để mà làm quen. Nếu không phải Tư Có thì là Ba Không, Bảy Hữu gì cũng đặng.
Miễn đừng có là người lạ, miễn là biết cầm cái ly, ngửa cổ uống một cái ót là đặng rồi.
Bước qua cửa, leo lên sàn, lên ghe rồi là thành người quen, thành bà con luôn, cần biết gì tới Tư Có nữa.
Người nào đã về miền Tây sẽ thấy cuộc sống ở đây rất khác, nhất là ở quê.
Miền Tây là đất bồi hạ nguồn sông Mekong nên đất bằng phẳng, đôi chỗ trũng thấp, chằng chịt sông rạch đến nỗi giao thông đường thủy còn tiện hơn đường bộ. Cho nên mới nói là miền Tây không có đỉnh cao.
Không có đỉnh cao. Không có cái gì vượt bậc, xuất chúng. Không ai lỗi lạc hơn người. Không ai dời non lấp bể.
Cho nên ở miền Tây người ta chuộng cái gì bình dân, người ta ưa cái gì thiệt tình thôi.
Đất hoang, người hoang. Ngày xưa còn không có luật pháp nữa, chỉ nói với nhau: "Làm sao coi cho đặng thì làm".
Đất thấp, đến cái cây ngọn cỏ cũng thấp hơn nơi khác. Cho nên người ta sống với nhau quan trọng chuyện tình nghĩa. Tình thương.
Dễ hiểu sao người miền Tây ưa vọng cổ, ưa nhạc sến và ưa rượu đế. Mấy thứ đó nó bình dân, người ta sao mình vậy. Làm khác coi hổng đặng.
Dễ hiểu sao người miền Tây ưa nhậu.
Bên bàn nhậu không có giai cấp, không có giàu nghèo, không có hơn thua, ở đó ai cũng thiệt tình. Bi nhiêu thì bi.
Dễ hiểu sao người miền Tây nghèo. Làm một bữa ăn một bữa, nhậu một bữa, đối đãi người khác hơn cả mình. Còn lại thì “để mơi tính”.
Ở chỗ không có đỉnh cao, chỉ mênh mông một thứ, như là tình nghĩa...
Chào Thanh Hải, bài viết thật ấn tượng: Không có đỉnh cao. Nhưng ở Miền Tây giờ đang có đó. ca nô nhậu khác rải chiếu nhậu.
Trả lờiXóaSống không quá để ý tới ngày mai, chỉ tập trung vào hôm nay. Rồi cái hôm nay đó cũng không cho riêng mình, mà sẵn sàng cho cả bất cứ người ngoài nào nhất thời mình thích. Chả biết có phải do cái tính như vậy mà dân Nam bộ phần nhiều là nghèo hoài không, chỉ biết họ là như vậy, khó lòng thay đổi được. Một nụ cười cho tính hào sảng, và một giọt lệ âm thầm cho phần số chăng ???...
Trả lờiXóa