Nguyễn Ngọc Tư - Có lẽ cuộc đời đã nói với tôi về sự tùy nghi, lâu lắm rồi, chỉ là tôi không nhận biết.
Mấy hôm trước mua được cái đĩa hát của Nghệ sỹ Tấn Tài, có bài Bông Ô Môi mà tôi mê hồi nhỏ.
Từ tiệm băng đĩa, tôi cắm đầu chạy về nhà, vì thấy ham quá.
Và khi người Nghệ sỹ cất tiếng “bông ô môi, gió cuốn rụng đầy trên sông, nhìn mây trời mênh mông…”, bỗng tôi nổi quạu: "Trời ơi! Sao ta lại nghe bài vọng cổ này ở đây, trong cái thành phố chật chội, bức bối này, trong mớ âm thanh hổn độn và nghẹt cứng những xe những tàu những người réo gọi, mắng mỏ nhau?".
Vọng cổ - Phải nghe trên những dòng sông vắng, những bờ chuối, giồng khoai, hay bên hè, nơi có hàng lu nước lá vú sữa rụng đầy… mới đúng điệu.
Hồi nhỏ, nhà nghèo, tôi vẫn thường ngồi chỗ mé mương, cạnh mấy cây muồng, cây bình bát, nghe ké cassette hàng xóm.
Ở đó, tôi khóc mò thương cô Lan lụy tình anh Điệp mà bạc mệnh; thương nàng công chúa Mông Cổ yêu kẻ thù, để nhận lấy một kết cuộc bi thương…
Ở đó, tôi thuộc lòng từng lời từng chữ, “mười năm rồi còn chi nữa em ơi, mình xa nhau mỗi kẻ một phương buồn. Tôi giang hồ đã mỏi gót phong sương, em ở lại đây với bốn bề khói lửa…”.
Bài ca cũ còn nguyên, nhưng cái không gian lặng ngắt chỉ phảng phất tiếng ong bầu, tiếng tay chuối khô xao xác… không còn nữa.
Tôi bây giờ đã chợ, chán ngắt. Muốn quăng cái đĩa đi nhưng lại tiếc… tiền, dùng dằng cho vào máy hát, tự dặn mình: "Thôi kệ!". Bông Ô Môi đi hết nửa bài, và sự kiên nhẫn đã được đền đáp:
Tôi cảm giác những âm thanh thành phố đã chìm dưới một đáy sâu nào, chỉ còn tiếng chuông chùa lẫn trong mái dầm khua nước, và người đàn ông trở về sau chiến tranh, mái đầu điểm bạc đắng lòng nhìn bông ô môi rụng váng đỏ cả mặt sông.
Bài ly biệt vẫn hay, vẫn ngọt ngào, buồn bã. Tôi bắt đầu bập bẹ đánh vần hai chữ tùy nghi.
Tôi tưởng tôi đã biết rồi, nên cười ngạo những câu than thở kiểu như, “trời ơi, ở chỗ lạ ngủ không được. Nhớ cái gối ôm…” hay “cái món ăn của vùng ấy nuốt không vô, thứ thì lạt nhách, thứ mặn lè…”…
Tôi cũng từng gối cỏ nằm sương, ăn bốc ngủ vùi (nghĩa là món gì cũng bốc được, vùi ở đâu cũng ngủ được), thấy cũng chịu chơi lắm.
Nhưng lâu lâu cũng rầu, vì nhìn thấy cây gòn mọc trong sân quán nhậu, củ khoai nướng cháy bùi ngùi bên đường, cây càng cua nhón chân mọc ké nơi rào, bầy chim sâu chim sẻ ríu rít trên chùm dây điện rối...
Và bà cụ gầy nhom với rổ đọt bí, mớ rau lang ngồi bán ở nhà chờ xe buýt, những người buôn gánh chào nhau bằng những thổ ngữ đặc trưng của xứ sở mình.
Đám trẻ đánh giày xách thùng đồ nghề rảo trên những vỉa hè nham nhở… Họ không thuộc về nơi này - như tôi.
Ý nghĩ đó lại cục cựa khi tôi gặp người đàn ông ngồi thổi sáo trong cái lạnh đầu đông Hà Nội.
Tôi hỏi ông thổi bài gì mà buồn vậy, ông cười, “Thổi vu vơ ấy mà!. Nghĩ tới đâu thổi tới đấy”.
Cảm giác như đó chỉ là nửa nụ cười. Vì ông không có mắt. Không phải mù, mà chỗ đáng ra lấp lánh nhìn đời chỉ có mảng da thịt trũng sâu. Ông cũng có con, trạc tuổi con tôi, nhưng mẹ nó đã đưa nó đi rồi.
Ông nói “thằng bé kháu lắm. Nhưng lâu rồi không gặp, tôi không biết giờ nó đã bằng từng nào… Mình vầy… nên muốn gặp con cũng khó…”.
Giữa những ngập ngừng mà tôi viết lại bằng dấu ba chấm, dường như là quãng ông nghẹn ngào, ký ức về mình đang bị xóa dần trong lòng đứa trẻ xa xôi. Dù miệng ông vẫn cười.
Tôi mua một cây sáo, đây là cây thứ hai mà ông bán được trong ngày. Hôm qua khi ông lần trong bóng tối vĩnh cửu về căn nhà trọ ở một bãi sông nào đó, hàng vẫn còn nguyên.
Hai năm ngồi rao khúc nhạc buồn bã ở ven hồ Gươm, những ngày khốn khó như thế vẫn thường lặp lại. Ông cười, “Quen rồi, nếu không bỏ buồn qua một bên được thì phải tìm cách sống với nó”.
Ông sống bằng cách nào?. Ông hỏi tôi: "Có mang theo áo ấm không? Vài ngày nữa sẽ có gió mùa Đông bắc, trời trở rét!". Ông đoán được thời tiết nhớ vào mùi của nước hồ.
Một đứa trẻ bán tranh dạo ngang qua, ông hơi nghiêng tai, nói: "Mẹ vừa tìm cháu đấy!. My à, cháu mải chơi quá!"...
Đứa trẻ nhoẻn cười, ông thấy được nụ cười của nó, cũng như thấy được con đường về nhà, lúc cuối ngày.
Tôi nhớ tới người đàn ông đó, như một tấm gương về sự tùy nghi với thân phận, với nỗi đau.
Tôi học cách nếu không bỏ nhớ qua một bên thì sống chung với nó...
Chiều nay bạn học cũ ở xa về, rủ đi nhậu ở một cái quán ngoại ô, uống vài ly, lại nghĩ vẩn vơ.
Cái hồi tôi bảy tuổi thì có một dòng sông chảy qua xóm. Bến trước nhà ba tôi làm cái vó cạnh bụi trâm bầu.
Vó chồm ra hơn nửa sông, đêm đêm treo ngọn đèn chong dụ dỗ tôm cá (nói cho cùng người ta cũng giống hệt vậy, lao miết về phía nhiều ánh sáng đèn).
Chòi vó lợp lá chầm đóp, chung quanh dừng bằng những tay chuối khô cắt trong vườn. Ngày hanh nắng nằm trong chòi mát rượi, dã dượi gió sông thốc vào, lá khô cứ xao xác suốt. Trời mưa, chòi dột tả tơi, những tay chuối che bề nào cũng ướt.
Suốt những năm đó, tôi coi chòi vó là nhà.
Mùa chướng trở, bông tràm rụng tơi bời, có bữa đang ngủ nghe cổ nhột ran, tưởng đâu có con sâu róm đang bò, ai dè bông tràm nằm vắt vẻo.
Con nước rằm, theo má cất vó tới khuya, đợi trăng đậu vào lòng vó bèn cất lên, trăng chảy xuống lòng sông, nguyên vẹn, trên vó chỉ còn đám tép rong, bầy cá lìm kìm, cá lòng tong, đôi khi gặp những con rắn râu, khắp mình đầy rêu, nằm khờ ịt trên lưới.
Có khuya xa xắc, bỗng dưng nghe tiếng gọi Vó ơ… dằng vặc của mấy dì đi chợ sớm, thấy rõ ràng mình leo vắt vẻo mút đầu vó, cất lên cái lưới ướt đẫm sao khuya.
Sáng ra lồm cồm bò dậy, mới hay chỉ là giấc mơ.
Và chỗ cái vó cất những mộng mị trăng sao đó, ngay trân cái bàn rượu chiều nay.
Lạ là, tôi đã không còn cảm giác mình đi lạc, không còn ngồi thom lom trong hồi ức.
Cái quán này mà dẹp đi, cho trở lại khung cảnh ngày trước.
Tôi biết làm gì với nó, khi mà tôi đã đủ già, để thấy rằng dòng sông đó chỉ là con rạch nhỏ xíu, và chuyện cất lưới lên những con tép bạc tép rong cá lòng tong chẳng làm nên cuộc mưu sinh.
Lâu lâu nhớ chơi. Rồi phải sống với từng milimet đất dưới chân mình, như cỏ mọc...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét