4 tháng 10, 2012

ĐI DỌC BIÊN CƯƠNG

Mai Thanh Hải - Đi dọc biên cương, có lẽ là điều xa lạ với nhiều người. 

Phần vì khu vực biên giới, có muốn đặt chân đến cũng khó, bởi quy định bao năm nay vẫn cứng nhắc phần giữ gìn An ninh Quốc gia.

Nhưng nhiều nhất vẫn là do đây là nơi xa xôi, hẻo lánh, khó khăn và cực kỳ thiếu thốn, từ miếng ăn, cái mặc cho đến những tiện nghi sinh hoạt tối thiểu nhất, nên nhiều người miền xuôi - thành thị cứ lẳng lặng tránh xa.

Hành trình của Đoàn "Góp lạt buộc phên dậu Cao Bằng" chúng mình, lăn dài trên nẻo đường biên giới Cao Bằng, giáp với đất Trung Quốc, từ Bảo Lâm, Bảo Lạc, cho đến Hà Quảng, Nguyên Bình, đến đâu cũng gặp những vất vả, khó khăn nhưng cũng hoang dại, nên thơ và thêm yêu biên cương nghèo khó, đến vô cùng...

1/ Mốc 612 thuộc quyền quản lý của Đồn Biên phòng 147 (Đồn Biên phòng Xuân Trường), nằm ở thôn Lũng Mật, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.

Đi từ Đồn 147 đến điểm trường Lũng Mật đã khó, nhưng cũng đỡ hơn vì thời gian chủ yếu, được ngồi trên xe máy. Từ Lũng Mật đến mốc 162 vất vả hơn gấp vài chục lần, bởi quãng đường toàn đi bộ, trên núi đá lởm chởm đá - trong thũng lũng cũng lởm khởm đá gần chục km.

Anh em Biên phòng, vốn quen đi rừng là thế, vớ phải hôm đưa cả Đoàn lên mốc, cứ tý lại nắng, tý lại râm, nên cũng phờ hết cả râu, lưng áo ướt đẫm vì mệt.

Leo mãi, trượt chân mãi. Tưởng như không thể đi nổi nữa, bất thần cột mốc hiện ra ngay cạnh đường mòn, sau vách đá, sau tiếng hô của nhóm đi đầu: "Đây rồi! Đến rồi!", khiến mấy thành viên nữ, sụm người bởi chưa bao giờ leo quãng đường núi xa - vất vả như thế, cũng phải thẳng chân, dấn lên chạy trước.

Lần đầu tiên trong đời, rất nhiều thành viên mới được đứng cạnh cột mốc - sờ vào mốc và... chụp ảnh lưu niệm bên cột mốc biên giới.

Cũng lần đầu tiên bên cột mốc 612, có 1 buổi giới thiệu - tuyên truyền về chủ quyền, an ninh biên giới xúc động và nghiêm trang đến vậy.

Không chỉ những người lính Biên phòng được nghe lại những điều về Hiệp định phân giới cắm mốc, mà cả những người dưới xuôi - thành thị, cũng hiểu được những vất vả, gian lao khi cột mốc bằng đá nguyên khối hơn 10 năm trước, được chuyển hàng tuần liền, từ đường đất Lũng Mật, trên vai con người, trên lưng ngựa, vượt núi đá, dưới sự bảo vệ của những họng súng AK và mắt lính Biên phòng cảnh giác, để đứng vững trên triền núi đá Lũng Màn Sương...

Và lễ chào cột mốc, cũng rất tự nhiên từ những điều thiêng liêng nhưng giản dị, khi tất cả nhìn thẳng vào dòng chữ "Việt Nam" màu đỏ cờ, trên vách mốc xanh đá thời gian để thấm thía khái niệm "Vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia" và thêm yêu biên cương, rất kiên trung nhưng cũng rất đỗi nhọc nhằn...

2/ Giống như các tỉnh biên giới phía Bắc, đi đến đâu từ xóm thôn cho đến huyện xã, ven đường hay hốc núi góc rừng, trung tâm chợ, xóm dân cư...trong đất Cao Bằng, cũng gặp những nhà bia mái vòm cong, cũ kỹ và đơn côi, ghi tên những người đã ngã xuống trong cuộc chiến đánh trả quân Trung Quốc xâm lược ở địa danh ấy, trong những năm quá khứ rất gần ấy.
Không chỉ là Nhà bia ghi tên Liệt sĩ, trong các Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) của tỉnh, vẫn ngay ngắn xếp hàng theo đội hình từ Trung đội đến Trung đoàn, những người lính nằm xuống khi tuổi mới 18-20, trong những ngày đầu tiên cuống quýt - bất ngờ đánh trả lại quân Trung Quốc và lăn lóc dưới chiến hào, trên điểm chốt dằng dặc cả chục năm, để giữ từng thước đất, bờ suối trong tầm bắn của pháo binh, đạn cối, súng bắn tỉa... từ bên kia biên giới nã sang.

NTLS Mỏ thiếc Tĩnh Túc nằm ngay cạnh Thị trấn Tĩnh Túc (huyện Nguyên Bình). Những năm trước, Tĩnh Túc được coi là "Thủ đô của nền Công nghiệp XHCN", chói lọi cùng Gang thép Thái Nguyên, làm thành "mô hình hiện đại hóa - công nghiệp hóa" chói sáng - tin tưởng trong tim mỗi đồng bào miền Nam với ước mơ "thống nhất đất nước, sẽ sống sướng hơn cả... Sài Gòn".

Chả biết có nhẹ dạ, tin theo công tác tuyên truyền không, mà ngay trong ngày đầu bất ngờ tấn công xâm lược Việt Nam tháng 2/1979, Trung Quốc cũng đưa 1 lực lượng lớn bộ binh, có xe tăng yểm trợ, hì hục tiến lên Nguyên Bình hòng đánh chiếm mỏ thiếc Tĩnh Túc.

Dĩ nhiên, mũi tiến công của quân Trung Quốc bị các thứ quân của ta, từ cấp du kích thôn bản cho đến bộ đội huyện tỉnh đánh trả quyết liệt (sau khi biết cái lũ mặc quần áo xanh, lẻo nhẻo "Hảo lớ", ngồi trên xe tăng in ngôi sao đỏ trong vòng tròn "Bát Nhất" chạy khắp thị xã, các con đường trong tỉnh... là lính Trung Quốc sang xâm lược, chứ không phải... bộ đội Việt Nam).

Ngay tại cửa ngõ dẫn vào mỏ thiếc Tĩnh Túc, những học sinh mới ra trường - công nhân - cán bộ ngồi bàn giấy... chuyên làm công việc kỹ thuật khai thác mỏ đơn thuần cũng được tập hợp vội vã vào cái thường gọi là đội Tự vệ, nháo nhào huấn luyện, ngơ ngác nhận súng tiểu liên K50 nòng rỗ, súng trường K44 dài như cây sào, lên chốt chiến đấu với quân Trung Quốc xâm lược được trang bị tận răng, thuộc làu địa hình địa vật, chuyên nghề đánh nhau... rồi rất nhiều người trong số họ ngã xuống ở tuổi còn rất trẻ, có khi còn chưa kịp bắn phát súng nào

27 người hiện đang nằm tại NTLS Mỏ thiếc Tĩnh Túc, chỉ là số ít trong số những người đã nằm xuống khi bảo vệ biên giới Cao Bằng, khu mỏ thiếc Tĩnh Túc đang bỏ hoang như Chùa Bà Đanh hiện nay. Hết thời "điểm sáng chói lóa", thị trấn Tĩnh Túc lại như trăm ngàn thị trấn bị bỏ quên dọc đường rừng, khiến NTLS cũng hiu quạnh - hoang vắng theo.

Mấy xe ôtô của Đoàn, dặn nhau tập trung ở bãi cỏ ngang lưng đèo trước NTLS Tĩnh Túc.

Cả nam lẫn nữ, già lẫn trẻ lại hì hục trèo cổng - vượt tường nhảy vào, bởi hình như rất lâu rồi, khóa xích han rỉ không được mở, như khóa cứng không cho ai ra vào.

Gió chợt thổi mạnh, để cỏ dưới chân xào xạc, tưởng như những người nằm dưới mộ đang chộn rộn, kéo nhau ngồi dậy đón khách và cùng hỉ hả cười nói, đón chào: "Lâu lắm rồi mới có người tới thăm!". 

Mây chợt ngãng ra, cho vòm trời xanh ngắt, cháy dìu dịu những đốm lửa trên từng ngôi mộ, bờ cỏ, lư hương tượng đài trong mùi hương trầm ngan ngát, quyện với lá với hoa với núi với rừng, thành ưu tư trầm mạc, trong nỗi niềm về những người mãi trẻ, hóa thân xác mình vào mẩu đất biên cương...

3/ Đường từ Thị xã Cao Bằng lên Pắc Bó, đến đoạn gần mộ Kim Đồng, ngay ngã 3 có cây đa to, từ hồi Bác mới về nước, đột ngột rẽ thành 2 ngả. Tụi mình, trong hành trình lên Cao Bằng, cũng như bao Đoàn khác, phải lên đúng quê hương cách mạng thăm - thắp hương tưởng nhớ ngày xưa.

Đêm trước khi lên Pắc Bó (Hà Quảng), Đại tá Phùng Tuấn - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng rất cẩn thận, gọi điện cho Chỉ huy Đồn Biên phòng Sóc Hà cho người chờ đón. Chả thế mà vừa đến cổng Khu di tích Pắc Bó, đã thấy Thiếu tá Trìu, Đồn phó Đồn Biên phòng Sóc Hà và Thiếu úy Sướng, đứng trong lố nhố bà con bán hồng ngâm, sim chín đợi sẵn.

Thời gian thăm hang Cốc Bó, suối Lê Nin rút ngắn cùng với việc thắp hương đền thờ Bác Hồ, thăm mộ anh Kim Đồng, để chuyển sang hướng biên giới Sóc Hà, cho dù đã gần trưa.
Ở Sóc Hà, nói đến cái tên Hà Văn Đồng thì ai cũng biết. Cựu chiến binh Hà Văn Đồng sinh năm 1959, năm 18 tuổi nhập ngũ vào lực lượng Công an Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) Cao Bằng, được cử đi học lớp phiên dịch tiếng Trung trong 2 năm tại Bộ Tư lệnh.

Tròn 20 tuổi, chiến sĩ Hà Văn Đồng trở lại Cao Bằng và được phân công công tác tại Đồn Biên phòng Nậm Quét (nay là Đồn Biên phòng Cô Ba, đóng tại huyện Bảo Lạc), ngay lập tức cầm súng, tham gia chiến đấu đánh trả quân Trung Quốc xâm lược, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, bùng nổ từ tháng 2/1979.

Ròng rã lên chốt - xuống Đồn và chiến đấu, sinh hoạt trong điều kiện vất vả, khó khăn, thiếu thốn, vài năm sau, chiến sĩ Hà Văn Đồng bị bệnh, phải chuyển về điều trị tại Bệnh xá Biên phòng tỉnh. Mặc dù được chăm sóc đủ cách Đông - Tây Y, nhưng bệnh tình của chiến sĩ Đồng vẫn không thuyên giảm và qua một thời gian, bị chuyển sang liệt nửa người, đơn vị phải giải quyết cho ra quân, chuyển về gia đình.

Về lại gia đình, có những lúc Trung sĩ Hà Văn Động tuyệt vọng. Mà cũng đúng, bởi chỉ ngoài 20 tuổi mà đã phải nằm liệt, tất cả mọi việc đều nhờ vào cha mẹ, từ vệ sinh cá nhân cho đến tắm rửa - ăn uống trong khi không có 1 đồng chế độ và chính xác là bố mẹ lại tiếp tục nuôi anh, như hồi thơ bé.

Ròng rã như vậy cho đến nay, đã gần 60 tuổi đầu nhưng Trung sĩ Hà Văn Đồng vẫn... phụ thuộc bố mẹ (đều trên dưới 90 tuổi) và không vợ không con.

Mỗi ngày, mỗi đêm chỉ 3 người già xao xác trong căn nhà cấp 4 xập xệ, nằm ngay rìa cánh đồng, nhìn ra núi đá biên giới cao ngất, đỏ chót cột mốc biên cương trên đỉnh.

Cũng từ những đêm nằm ngắm cột mốc trên đỉnh núi, Trung sĩ Hà Văn Đồng bừng tỉnh: "Là lính, dẫu chết nhưng còn sống ngày nào, phải sống có ích" và nghĩ ngay đến "thế mạnh" mà không dễ ai cũng có của mình: Dạy tiếng Trung Quốc. Dạy để đồng bào mình đấu tranh ngay trực tiếp với chúng trong giữ gìn - bảo vệ cột mốc. Dạy để đồng bào mình dễ làm ăn, thông thương và dạy để biết rõ chúng, về dài lâu...
Thế là lê lết chống tay, tập luyện đến vài năm để lăn được người, nhổm được dậy, ngồi được dậy, tựa được vào tường, thậm chí nhúc nhắc chống nạng ngồi thẳng lưng đầu giường, trước bàn.

Có tư thế để đọc sách, giảng bài rồi, lại nhờ người thân - bạn bè xin hoặc tìm mua sách tiếng Trung về đọc lại, soạn bài thành Giáo trình "tự biên tự diễn"

Có giáo trình rồi, lại vận động người thân - hàng xóm, vận động lại lũ trẻ con trong xóm, bỏ những việc chơi bời lêu lổng, đến tận nhà "thầy", nằm bò trên giường, khoanh chân dưới đất hoặc bám bậu cửa sổ tròn mồm, xoe mắt phát âm xủng xẻng hoặc uốn mồm, viết chữ vuông tròn chấm phẩy...

Mà lạ!. Lũ trẻ biên giới vậy mà chăm học. Chả có bàn ghế - đèn điện - sách vở (thì đến miếng cơm, manh áo của "Thầy giáo", bao năm qua cũng chỉ trông vào sức tàn của bố mẹ gần trăm tuổi, phất phơ mảnh ruộng, luống khoai, cây ớt, con lợn - con gà... chứ đâu có ai giúp đỡ, chế độ chính sách gì?), mà vẫn cứ đều đặn tuần vài buổi, cả sáng lẫn chiều, từ thắng này cho đến năm khác, thế hệ này đến thế hệ khác...

Đến nay, đã có hàng trăm "học viên" của thầy giáo bại liệt Biên phòng Hà Văn Đồng học hành, trưởng thành ở mọi miền đất nước. Thậm chí có người còn thành đạt, học vị học hàm và giữ chức vụ quan trọng trong tỉnh - huyện.

Nghe chuyện về cựu chiến binh Hà Văn Đồng, cứ day dứt mãi về cái gọi là "Nghị lực sống" và "chế độ chính sách"...

Dẫu biết quy định là quy định và ở trên cái vùng núi đá gian khổ này, tồn tại được qua ngày, đã là tốt lắm rồi, nói gì đến sống... - Thế nhưng vẫn cứ so sánh hình ảnh người lính Biên phòng cường tráng như cây gỗ nghiến trên vùng núi đá Cô Ba thủa nào, nay teo tóp chưa đến 38kg, nằm dán xuống chiếu, nhưng vẫn quờ tay tìm cuốn sách và thều thào đọc mẫu, cho người học trò đứng tuổi, ngồi im phăng phắc đầu giường, trong chiều tà núi Cốc Bó đè nặng mái nhà.

Cũng là lính đấy. Cũng từng mặc màu xanh áo lính đấy.

Thế mà vẫn có không ít kẻ béo tốt phởn phơ, huy hiệu Thương binh cài đầy ngực, sơn to đùng trên xe lăn, in cả vào màu kính đen họ áp trên mắt, trong mỗi buổi chiều gác chân lành lên ghế uống bia hơi và rầm rầm chạy cái xe nửa hơi nửa máy, mà người ta quen gọi "xe Thương binh" đi đòi nợ, dọa người...

Cũng là lính đấy. Cũng mất tất cả vì màu xanh áo lính đấy.

Thế mà vẫn gượng lên mà sống, từ lầm lụi hạt lúa - củ khoai và sống rất có ích, bằng những con chữ truyền lại cho con trẻ mỗi ngày mỗi đêm, không than trách, không đòi hỏi, không kể công, nhẹ nhàng như thể hạt nắng đầu hôm, giọt sương đêm vắng, sợi mây mù đầu buổi, lá trên cây và suối hát rì rào...

Ở trên vùng biên giới xa xôi, có đến rồi mới biết: Từ hòn đá, bờ đất, nhành lá, bông hoa, giọt nước nơi cương vực Quốc gia, đều có sự sống.

Sự sống không chỉ lấp lánh trong màu - mùi - vị, mà còn lắng đọng vào những câu chuyện, tên đất, tên người hết sức giản dị nhưng cũng rất đỗi kính phục.

Và điều này, mình tìm lại được, trong hành trình: Đi dọc biên cương...
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN "GÓP LẠT, BUỘC PHÊN DẬU CAO BẰNG" TẠI MỘT SỐ ĐỊA BÀN BIÊN GIỚI THUỘC TỈNH CAO BẰNG.
Nhà báo Hà Phương (Báo Bảo hiểm xã hội), Lê Nguyễn Thanh Thúy (Báo Sức khỏe và Đời sống), thay mặt Đoàn, tặng số tiền 5.000.000 VND cho Thầy giáo Hà Văn Đồng (nguyên Trung sĩ, Chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Quét, nay là Đồn Cô Ba đã trực tiếp tham gia chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược, bảo vệ biên giới tháng 2/1979, được Trung ương Đoàn tặng Danh hiệu "Tuổi trẻ anh hùng Bảo vệ Tổ quốc", nay bị bệnh tật, sống rất khó khăn tại Sóc Hà, Hà Quảng).
Dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ (Khu Di tích Lịch sử Pắc Bó)
Thăm, tham dự Lễ chào cột mốc truyền thống của Bộ đội Biên phòng, tại mốc 612
Dâng hương, viếng NTLS mỏ thiếc Tĩnh Túc (Nguyên Bình, Cao Bằng)
Dâng hương, viếng mộ Anh hùng Liệt sĩ Kim Đồng
















6 nhận xét:

  1. thương binh Trại Mỗ12:51:00 4 thg 10, 2012

    Ảnh phong cãnh,thì đẹp...Nhưng ảnh Người..thì Đau xót quá....hi sinh cả tuổi trẻ,và giờ thì ...Đọc song bài này,khóe mắt " A-kay " ....Lại Liên tưởng đến Rự-án phức hợp Nhà-Triển lãm-tượng...hết có hơn 400 tỷ ,để xây 1 tượng đải mẹ VN AH của 1 tỉnh miền Trung...Đòi xây phãi " hoành tá tràng " -to nhất Ao-làng Đông nam á-nhì châu Á- to ít nhất = tượng Bà mẹ AH ở Vongagrat -Nga .Không hiễu " lũ đầy tớ " đó ..Não-trạng có vần đề gì không ???

    Trả lờiXóa
  2. Nhà văn viết hay hơn nhà...lính.
    không than trách, không đòi hỏi, không kể công, nhẹ nhàng như thể hạt nắng đầu hôm, giọt sương đêm vắng, sợi mây mù đầu buổi, lá trên cây và suối hát rì rào...
    Nại có cả hoa, ná, cành...HAY.

    Trả lờiXóa
  3. Tất cả những nơi các anh/chị đi qua thì TĐ cũng đã từng sống và chiến đấu ở đó. Xem lại thấy xúc động quá. Mai Thanh Hải à, TĐ có cái thú là được đến các cửa khẩu của Tổ Quốc mình. Các cửa khẩu trên biên giới phía Bắc Tiến Đặng đã đến khá nhiều nơi: Móng Cái, Pò Hèn, Bắc Phong Sinh, Chi Ma, Hữu Nghị, Tân Thanh, Đức Long, Hùng Quốc, Pò Peo, Tà Lùng, Sóc Giang, Cốc Pàng, Xín Chải, Thanh Thủy, Phố Bảng, Cốc Lếu, Bát Xát, Ma Lù Thàng... Ở đâu TĐ cũng thấy hiu hiu lặng lặng những nghĩa trang liệt sĩ chống Tàu năm 1979. Đâu đâu cũng thấy cái ngạo mạn rất Tàu. Đâu đâu cũng thấy mùi vị của những kẻ tham lam gặm nhấm từng tấc đất nước lân bang của bọn Tàu khốn kiếp. Mỗi lần đến những cửa khẩu TĐ luôn cảm thấy 16 chữ vàng và 4 tốt nó đúng là bịp bợm. Thực sự là bịp bợm.

    Trả lờiXóa
  4. Thật xót xa cho thân phận một người lính,có lúc tự nhiên thấy như đó không phải là sự thật nữa.Xin cảm ơn và chia buồn cùng Anh!

    Trả lờiXóa
  5. nhìn những anh hùng còn sống và nấm mộ anh hùng đã mất thấy xót xa!nhưng bây giờ nhìn hàng hóa và dân tàu tràn ngập VN...cũng như rất nhiều điều khác ko tiện nói ra mà buồn quá!sự hi sinh này chẳng thấy nằm trong sách vở của học sinh!!!

    Trả lờiXóa
  6. Bài viết của cậu rất ấn tượng,phát huy nhé

    Trả lờiXóa