Mang súng AK đi... bắt cọp |
Mình không thể hiểu nổi: Tại sao tỉnh Quảng Ngãi có nhiều người nhàn rỗi đến thế, bởi cái xã Bình Đông toàn bãi ngang ven biển, khó khăn đến cùng cực, đến người còn không sống nổi, phải lũ lượt kéo nhau vào TP. Hồ Chí Minh bán mỳ gõ, mà cũng tin là "con thú quý hiếm" nào đấy dám về đó... "tác nghiệp"?. Tại sao lại thừa hơi đến mức huy động cả "hệ thống chính trị" đi truy tìm những chuyện không đâu và rút cục, "táng" nhầm con lợn rừng nuôi đang... "đi tơ" của người dân và kết cục là xẻ thịt con vật "bức bách nhu cầu sinh lý" (giống cu Giám đốc nào đó ở Bình Dương, hấp diêm cô sinh viên thực tập xinh đẹp) làm mồi nhậu, quên luôn việc "truy nã, truy tìm"...rầm rộ mấy ngày qua.
Lăm lăm K54 |
Một chính quyền địa phương coi tin đồn nhảm là "đại sự quốc gia", chơi trò "nước sông công lính", đi tìm cái không thực, vô bổ là chính quyền "đẽo cày giữa đường" và những người ra lệnh phải xem lại công tác "chỉ đạo, điều hành" ngay lập tức. Một nơi mà có những tờ báo chỉ nhăm nhăm chờ tin "cướp, giết, hiếp, giật gân" để thi nhau thổi tít câu khách, không màng đến những chuyện "quốc kế, dân sinh", là nơi bất thường và những người đưa tin phải nhìn lại màu mực trong nét bút...
Minh chứng cho câu chuyện này, xin trân trọng giới thiệu bài viết của 1 Nhà báo, đã có gần 20 năm cầm bút, đang công tác tại một tờ báo lớn và thường trú tại Quảng Ngãi. Cách viết rất thật, trào phúng nhưng cũng rất đáng suy ngẫm của Nhà báo (không muốn nêu tên) về sự việc "truy tìm thú lạ", khiến người đọc không thể không liên hệ tới công tác quản lý - điều hành - thực hiện ở một số địa phương, khi gặp những vấn đề dân sinh, nhưng lại "không ghi trong giáo trình"... Xin mọi người lưu ý cách nói lái của người dân miền Trung (nhất là Quảng Ngãi - Quảng Nam) trong câu "bắt cọp".
Xin trân trọng cảm ơn Nhà báo đã gửi bài cho Mai Thanh Hải Blog
----------------------------------------
BẮT CỌP NÚI ĐÌNH
Mấy ngày qua, ở Quảng Ngãi rộ lên chuyện có con “mãnh thú” về Sơn Trà – một làng chài sát biển thuộc xã Bình Đông huyện Bình Sơn quậy tưng bừng. Hắn xơi một lúc những … 20 đầu chó cùng lục phủ ngũ tạng, chỉ bỏ lại phần thịt (?) Hơn 100 dân quân du kích cùng lực lượng Biên phòng và Kiểm lâm khu vực Dung Quất đã vào cuộc.
Ngày 13/5, lực lượng này được tỉnh giao cho ông Chi cục trưởng Kiểm lâm làm “Tổng Chỉ huy”. Họ nhanh chóng triển khai đội hình, chia làm 2 trung đội, vũ khí lăm lăm trong tay, mặt đằng đằng sát khí, tiến về phía núi Đình, nơi được xác định là con “mãnh thú” đang nấp trong đó. Núi Đình, mang tiếng là “núi” chứ thấp lè tè, chỉ có dăm bảy cây gai quýt (dân ở đây gọi là quất nên mới có tên là Dung Quất). Để cho chắc ăn và an toàn, vị Tổng Chỉ huy phải cậy đến “đội chó nghiệp vụ” của lực lượng vũ trang làm “lá chắn thép” chạy trước, đội quân hùng dũng tiến theo sau.
Cũng để khỏi phiền phức sau này, vị Tổng Chỉ huy từ mặt trận gọi điện cho sếp tỉnh: “Thưa anh Tư, tụi em đã triển khai đội hình và đang chuẩn bị tiến vào núi Đình. Xin ý kiến chỉ đạo của anh, cũng chờ anh phát lệnh cho khí thế!”.
Nghe vậy, sếp tỉnh phán ngay: “Phải bắn cho tan xác con mãnh thú, đừng cho nó sổng mất, gây hoang mang trong dân, ảnh hưởng an ninh trật tự thôn làng, nhất là gần ngày... Bầu cử!”.
Vị tổng chỉ huy nghe sếp chỉ đạo thế, liền can gián: “Úi ùi anh Tư ơi! Đây là loài thú quý hiếm, nếu mình tiêu diệt thì vi phạm luật bảo vệ môi trường. Vì vậy, xin anh chỉ đạo cho rằng - thì - là tụi em chỉ cho nó chết lâm sàng bằng thuốc gây mê thôi ạ!”.
Sếp tỉnh hỏi lại: “Cậu nói sao? Chết lâm sàng bằng thuốc gây mê thôi ư? Thế, cậu cần bao nhiêu cơ số thuốc gây mê?”.
Vị "Tổng Chỉ huy mặt trận" chưa kịp trả lời thì nghe tiếp câu hỏi của sếp: “Nhưng con mãnh thú này bao lớn vậy?”. “Dạ dạ, em cũng nghe người ta kể lại chứ chẳng thấy mặt mũi nó thế nào, anh Tư ơi!”. “Thế, nó được gọi bằng tên gì?”. “Dạ thưa, theo dấu chân mà lính em nó hót được trên cát thì đích thị nó là con cọp!”.
Sếp Tư dứt khoát: “Thôi được! Cậu lấy tên cuộc hành quân này là “bắt cọp núi Đình” nhé. Chết lâm sàng cũng được nhưng có kết quả, phải báo cáo ngay!”. Sau tiếng “dạ” rõ to của vị "Tổng Chỉ huy ngoài mặt trận", cả 2 trung đội cùng chục con chó nghiệp vụ xông lên núi Đình.
Sau một buổi quần nát núi Đình, lùng sục hết các hang đá sát mép biển, con cọp đã từng xơi 20 đầu chó chẳng thấy đâu, chỉ thấy trên 10 con chó nghiệp vụ con nào con nấy, lưỡi dài cả gang tay, thè ra khỏi mõm để thở vì khát nước.
Vụ bắt cọp núi Đình coi như tự rã đám. Vị Tổng Chỉ huy gọi về báo cáo sếp: “Dạ thưa anh Tư, vụ bắt cọp núi Đình coi như thất bại. Tụi em không tìm ra dấu vết con mãnh thú ấy đâu cả. Hỏi chủ nhân của số chó bị đứt đầu, ai cũng bảo “tui cũng nghe kể lại chứ chó nhà tui vẫn sống nhăn răng các anh ơi!”.
Sếp tỉnh thở dài: “Thôi, bắt cọp núi Đình không được, các cậu tự … bắt cọp của mình vậy!”.
Cứ tưởng vụ bắt cọp núi Đình khép lại với những hàng tít lớn từ các nhật báo hôm sau: “Cọp núi Đình chỉ là tin đồn nhảm”, ai dè, tay Trưởng Công an xã lại “mật báo” cho một nhà báo : “Ông ơi! Cọp lại xuất hiện lúc 4 giờ sáng nay. Nó di động từ núi Đình sang Tân Hy rồi!”.
Thế là các báo mạng thi nhau đưa tin: “Cọp tái xuất tại Dung Quất”. Ông Chi cục Kiểm lâm lại tất bật ra hiện trường. Lần này, để đỡ tốn công sức cho cả trăm quân, để đàn chó nghiệp vụ khỏi phải lè lưỡi vì khát nước, vị “Tổng Chỉ huy mặt trận” hôm trước thân chinh ra Dung Quất một mình.
Việc đầu tiên là ông tìm đến nhà nhân chứng thấy cọp lúc 4 giờ sáng. Người “tận mắt” thấy cọp là một phụ nữ 32 tuổi, bán cháo lòng, chồng đi biển chết đã 2 năm nay. Khi nghe hỏi, cô này phì cười: “Dạ! Chính mắt em trông thấy nó mà. Lúc 4 giờ sáng!”.
“Thế hình dạng của nó thế nào?” - Ông Chi cục trưởng gằn từng tiếng.
Chị bán cháo lòng: “Dạ! Dạ! Hình thù con này vừa quen vừa lạ, nó cũng rất hung tợn anh à. Khi nó nổi khùng lên, mặt mày nó cũng đỏ lừ như người vậy!”.
Lại hỏi tiếp: “Thế! Liệu cô có bắn nó chết lâm sàng được không?”.
“Dạ, bắn đạn của Nhà nước như thế thì phí lắm anh ơi. Em chỉ cần.... quần cho con này 5 phút là nó chết lâm sàng liền à!”.
Nghe cô bán cháo lòng nói thế, ông Chi cục phì cười: “Cô này khá! Hóa ra con cọp mà cả đại đội truy lùng trên núi Đình chính là cái con nó trốn trong nhà của cô! Thôi được, mai cô đưa con cọp ấy vô tỉnh rồi nhận giấy khen về thành tích bảo vệ động vật hoang dã nhé!”.
Nghe thế, cô bán cháo lòng mặt ỉu xìu: “Nhưng giao cái con cọp ấy, thì lấy gì em bắt mỗi đêm? Anh ơi!”...
He he, vui quá là vui. Thông cảm với em bán cháo lòng - giao cái con cọp ấy thì lấy gì mỗi đêm em có cái thú vui bắn nó từng phát một: cắc bọp, cắc bọp...
Trả lờiXóaNhiều báo bây giờ chỉ nhanh nhẩu đưa những tin giật gân để câu khách,không cần biết tin đó có chính xác không.Nhưng ngược lại,nhiều tin có thật,chính xác,thì lại không dám đăng,mà những tin đó cực kỳ quan trọng với dân,với nước.
Trả lờiXóaCòn nói về chính quyền,thì không ít có những ông quan làm việc rất quan liêu,chính vì sự quan liêu,cẩu thả đó mà nhiều người khổ lây.
Các ông đó chỉ làm lấy được,không cần biết hậu quả đến đâu.
Chỉ tốn tiền dân và khổ lính tráng thôi.
khà khà ...
Trả lờiXóahttp://vietnamnet.vn/vn/tin-nhanh/22623/pho-gd-giao-duc-xin-tu-chuc-vi-no-nan.html
Trả lờiXóaPhó GĐ Giáo dục xin từ chức vì nợ nần
Phó GĐ giáo dục là cái gì nhỉ? Báo với chả chí
Khà! Khà! Cười nhưng buồn!
Trả lờiXóa“Nhưng giao cái con cọp ấy, thì lấy gì em bắt mỗi đêm? Anh ơi!”...
Trả lờiXóaHay
TKS bác Hùng bđs rất nhiều! Đúng là "báo với chả chí"
Trả lờiXóa