22 tháng 5, 2011

GIAN - MAN TRƯỚC NGÀY BẦU CỬ?..

Bà Châu Thị Thu Nga

Mai Thanh Hải Blog - Đó là câu chuyện về việc ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XIII Châu Thị Thu Nga bị dư luận phát hiện khai man lý lịch và Báo Đại Đoàn kết đăng bài bảo vệ. Bài báo này, ngay lập tức cũng bị phản ứng tức thì, với ý kiến phân tích xác đáng của nhiều nhà khoa học, người làm công tác quản lý. Hai trong những ý kiến đó là của Nhà văn Phạm Viết Đào và Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện

--------------------------------------------------

BÁO ĐẠI ĐOÀN KẾT O BẾ BÀ CHÂU THỊ THU NGA VÔ LỐI, BẤT CHẤP LUẬT GIÁO DỤC ?

Thưa ông Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết
Chủ Blog Phamvietdao.net đã nhận được nhiều email, điện thoại của cử tri phàn nàn về bài viết “Ứng cử viên Châu Thị Thu Nga không khai man lý lịch” đăng trên báo Đại Đoàn Kết số ra ngày 21/5/2011, bài báo của tác giả P.V cố tình bao che, o bế bất chấp các quy định hiện hành của Luật Giáo dục đối với bà Châu Thị Thu Nga, ứng viên đại biểu Quốc hội đã có hành vi khai man lý lịch; Bà Châu Thị Thu Nga mới theo học nhưng chưa được cấp bằng cấp xác nhận là Tiến sĩ nhưng vẫn khai là có trình độ học vấn: Tiến sĩ…trong bản khai giới thiệu niêm yết trước cử tri. 

Bảng tóm tắt hồ sơ ứng cử ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội của bà Nga tự khai.

Bảng tóm tắt hồ sơ ứng cử ĐBQH và HĐND thành phố Hà Nội của bà Nga tự khai.
Xin đưa lại nguyên văn ý kiến đã đăng trên Đại Đoàn Kết:
“Như vậy từ trình độ học vấn, chuyên môn đến việc công nhận học vị Tiến sỹ cho bà Nga chỉ còn là vấn đề thể thức. Trong khi đó trong tiểu sử tóm tắt bà Nga khai là trình độ chuyên môn Tiến sỹ Quản trị kinh doanh và đang là Nghiên cứu sinh- Tiến sỹ Quản trị kinh doanh là có thể chấp nhận được.

Việc “nâng cao quan điểm, chụp mũ” cho ứng cử viên Châu Thị Thu Nga là khai man lý lịch trong lúc bà Nga đã qua 3 lần hiệp thương và chỉ còn vài ngày nữa là tới ngày bầu cử Quốc hội là một điều rất không nên, cần được các cơ quan có trách nhiệm lưu tâm…”

Thưa ông Tổng Biên tập
Căn cứ mà Báo Đại Đoàn Kết đưa ra để o bế cho bà Châu Thị Thu Nga một cách trái luật, vô lối đó là ý kiến của Giám đốc Trung tâm do Ts Phạm hùng ký 21/3/2011 ghi :”Trung tâm phát triển hệ thống- Đại học Quốc gia Hà Nội lưu trong hồ sơ ứng cử ĐBQH của bà Nga, xác nhận: Bà Châu Thị Thu Nga (ID: 323), sinh ngày 29-4-1965. Chức vụ: Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng nhà đất đã tốt nghiệp chương trình Thạc sỹ Quản trị kinh doanh MBA do Trung tâm phát triển hệ thống và Đại học California Miranar đồng tổ chức. Đại học California Miranar được kiểm định bởi hai tổ chức là DETC và ACICS. Hai tổ chức kiểm định này được Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoa Kỳ (USDE) và tổ chức CHEA đồng thời công nhận. Bà Nga cũng đã hoàn thành các môn học và bảo vệ thử thành công luận án tiến sỹ của chương trình Tiến sỹ Quản trị kinh doanh do Trung tâm phát triển hệ thống- Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học California Miranar đồng tổ chức, hiện đang trong thời gian chờ bảo vệ chính thức luận án Tiến sỹ Quản trị kinh doanh. Trong hồ sơ ứng cử ĐBQH khoá XIII, bà Nga đã ghi rõ “Hoàn thành khoá học tiến sĩ Quản trị kinh doanh”…
Trong khi đó thì tại công văn 1447 ký ngày 11/5/2011; T/L Trưởng ban; Phó Trưởng Ban Đào tạo Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS-TS Lê Kim Long viết:” Bà Nga chưa hoàn thành thành chương trình đào tạo Tiến sĩ của trường này nên chưa được cấp bằng Tiến sĩ của trường này “…
Về mặt thể thức văn bản: Văn bản của PGS-TS Lê Kim Long đóng dấu Quốc huy, còn ý kiến của Giám đốc Trung tâm phát triển hệ thống- Đại học Quốc gia Hà Nội do Ts Phạm Hùng ký đóng dấu tròn bình thường của một trung tâm đào tạo; TS Phạm Hùng chỉ đại diện cho một trung tâm đào tạo, không đại diện, không có tư cách pháp nhân về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đào tạo…

Công văn số 1447/ĐHQGHN-ĐT của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Công văn số 1447/ĐHQGHN-ĐT của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Như vậy về mặt pháp nhân, về thể thức hành chính, TS Phạm Hùng không đủ tư cách pháp nhân cải chính, hủy ý kiến của PGS-TS Lê Kim Long vì PGS-TS Lê Kim Long mới là người có tư cách đại diện cho Nhà nước trong vấn đề quản lý văn bằng Tiến sĩ, xác nhận trình độ học vấn.
Muốn cải chính hay hủy ý kiến của PGS-TS Lê Kim Long thì phải là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo, hoặc Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, cấp trên của ông Lê Kim Long mới có đủ tư cách cải chính, hủy ý kiến của Phó Trưởng Ban Đào tạo PGS-TS Lê Kim Long…
Thứ hai, trong văn bản do TS Phạm Hùng ký có sự chạy chữa lắt léo câu chữ sau đây, nếu không đối chiếu văn bản gốc sẽ không phát hiện ra sự man khai trình độ học vấn của bà Châu Thị Thu Nga.
Trong tờ niêm yết công bố cử tri: Mục trình độ chuyên môn của bà Châu Thị Thu Nga ghi: Tiến sĩ; Bà Nga chỉ được quyền ghi như thế khi đã được cấp bằng; còn như dẫu đã được bảo vệ thử thì cũng chưa được cấp bằng, do đó không được phép xưng danh mình là Tiến sĩ; hơn nữa lại đưa ra để các cử tri bầu vào vị trí đại biểu Quốc hội…
Để chạy tội man khai cho bà Nga, Ts Phạm Hùng đã viết khá lắt léo viết như sau, một cử tri bình thường không có đủ các kiến thức về văn bản trong tay sẽ tưởng bà Nga vô tội: “ Trong hồ sơ ứng cử ĐBQH khoá XIII, bà Nga đã ghi rõ “Hoàn thành khoá học tiến sĩ Quản trị kinh doanh”…
Đâu có ! Bà Nga ghi Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ… đấy chứ, Bà Nga đâu có ghi: Mới hoàn thành khóa học và bảo vệ thử thành công luận án Tiến sĩ? Bảo về thử cũng chỉ là bảo vệ thử; Ai bảo bảo vệ thử thay cho bảo vệ thật ? Viết như Đại Đoàn Kết :”Như vậy từ trình độ học vấn, chuyên môn đến việc công nhận học vị Tiến sỹ cho bà Nga chỉ còn là vấn đề thể thức. Trong khi đó trong tiểu sử tóm tắt bà Nga khai là trình độ chuyên môn Tiến sỹ Quản trị kinh doanh và đang là Nghiên cứu sinh- Tiến sỹ Quản trị kinh doanh là có thể chấp nhận được…”là viết bừa, ai cho phép chấp nhận?!
Hóa ra các thủ tục do Bộ Giáo dục Ban hành cho một lần bảo vệ Luận án Tiến sĩ chỉ là thể thức mang tính hình thức hay sao ?
Một sự chạy tội lắt léo và ma mãnh theo kiểu: Mập mớ đánh lẫn con đen/ Bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền mất chi ( Kiều-Nguyễn Du )? Trên tờ niêm yết giấy trằng mực đen còn đó, thế mà TS Phạm Hùng vẫn tím cách lắt léo câu chữ và lại được Báo Đại Đoàn Kết đưa để lừa cử tri và độc giả của mình; Có thể do Đại Đoàn Kết dốt về kiến thức quản lý nhà nước, chức phận chức trách của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống các quan hệ hành chính-xã hội; các thể thức thẩm quyền ban hành các văn bản nên mới viết bừa, viết đại đi một cách vô lối bất chấp luật pháp.
Luật Giáo dục do Quốc hội ban hành 2005 quy định về thủ tục, điều kiện để được cấp các loại bằng xác nhận trình độ học vấn:
« Điều 8. Văn bằng, chứng chỉ
1. Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc trình độ đào tạo theo quy định của Luật này.
Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ.
2. Chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học để xác nhận kết quả học tập sau khi được đào tạo hoặc bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp.
Điều 43. Văn bằng giáo dục đại học
4. Nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ, có đủ điều kiện thì được bảo vệ luận án và nếu đạt yêu cầu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được Hiệu trưởng trường đại học, Viện trưởng viện nghiên cứu khoa học cấp bằng tiến sĩ.”
Một người để được cấp bằng Tiến Sĩ phải qua các trình tự thủ tục chuyên môn pháp lý sau đây được quy định cụ thể trong “QUY CHẾ Đào tạo trình độ tiến sĩ” (Ban hành kèm theo Thông tư số 10 /2009/TT-BGDĐT ngày 07 / 5 /2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)…
Để được cấp bằng Tiến sĩ cơ sở để xưng danh trình độ học vấn Tiến sĩ thì Quy chế quy định tại những thủ tục chuyên môn, pháp lý cuối cùng sau đây trước khi được cấp bằng:
“Điều 38. Bảo vệ lại luận án
1. Nếu luận án không được Hội đồng đánh giá luận án cấp trường hoặc viện thông qua thì nghiên cứu sinh được phép sửa chữa luận án và đề nghị bảo vệ lần thứ hai muộn nhất trước 24 tháng kể từ ngày bảo vệ lần thứ nhất.
2. Thành phần Hội đồng đánh giá luận án như Hội đồng đánh giá luận án lần thứ nhất. Nếu có thành viên vắng mặt, Thủ trưởng cơ sở đào tạo bổ sung thành viên khác thay thế.
3. Không tổ chức bảo vệ luận án lần thứ ba.
4. Quá thời hạn 24 tháng kể ngày bảo vệ lần thứ nhất, luận án không được đưa ra bảo vệ.
Điều 40. Thẩm định luận án
Điều 41. Hội đồng thẩm định luận án
1. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định luận án. Hội đồng gồm 7 nhà khoa học trong hoặc ngoài nước, có chức danh khoa học và học vị tiến sĩ, có công trình công bố trong 3 năm gần đây về lĩnh vực của đề tài luận án, am hiểu về đề tài và lĩnh vực nghiên cứu của nghiên cứu sinh, có chính kiến và bản lĩnh khoa học, khách quan, trung thực.
Điều 43. Hoàn thiện hồ sơ cấp bằng tiến sĩ
Điều 44. Cấp bằng tiến sĩ
1. Hồ sơ bảo vệ luận án được đưa ra xem xét tiến hành các thủ tục cấp bằng tiến sĩ bao gồm hồ sơ của các luận án không phải thẩm định và hồ sơ của các luận án đã đạt yêu cầu thẩm định theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 42 của Quy chế này.
2. Thủ trưởng cơ sở đào tạo có trách nhiệm tổ chức thẩm tra quá trình đào tạo, chất lượng luận án, việc tổ chức và hoạt động của Hội đồng đánh giá luận án trước khi tổ chức cuộc họp thường kỳ Hội đồng Khoa học và Đào tạo của cơ sở đào tạo để thông qua danh sách nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ và ra quyết định cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh…”
Như vậy, đây là những “chiếc cầu” mà tất cả các nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ phải trải qua và đáp ứng đầy đủ; Và khi qua những chiếc cầu này sẽ có người qua được và có người không qua được! Nếu ai cũng qua trót lọt thì con đâu là thi cử…
Tất cả những khâu này bà Châu Thị Nga chưa hề đáp ứng đầy đủ các thủ tục pháp lý đã nêu, do đó Bà Châu Thị Nga chưa được quyền ghi trong lý lịch, công bố trước cử tri: Trình độ học vấn: Tiến sĩ ???
Danh xưng Tiến sĩ là danh xưng được Nhà nước công nhân, còn các Trường, Viện, Trung tâm chỉ là cơ sở được Nhà nước ủy quyền !
Việc khai Trình độ học vấn: Tiến sĩ của bà Châu Thị Thu Nga là vi phạm các quy định pháp luật hiện hành về trình độ học vấn của một người được nhà nước công nhận có trình độ Tiến sĩ ???
Ở Việt Nam nhà nước là cơ quan duy nhất cho phép cấp loại bằng này ! Khi nhà nước chưa cho phép cấp bằng, không một ai được quyền khai xưng mình là Tiến sĩ !!!
Nhà văn Phạm Viết Đào.
--------------------------------------------------------
BÀI ĐĂNG TRÊN BÁO ĐẠI ĐOÀN KẾT:

Ứng cử viên ĐBQH Châu Thị Thu Nga: Không khai man lý lịch! (21/05/2011)
Mấy ngày qua, một số mạng xã hội trích dẫn lại nguồn tin của báo Kinh tế nông thôn điện tử nêu một ứng cử viên Quốc hội khai man lý lịch. Câu chuyện liệu có đúng như vậy?

Giấy xác nhận của Trung tâm phát triển hệ thống-
ĐHQGHN về trình độ chuyên môn cho bà Nga

Đó là trường hợp bà Châu Thị Thu Nga - ứng cử viên khu vực bầu cử số 3, TP.Hà Nội. Theo nội dung thông tin thì trong hồ sơ khai để ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, bà Nga sinh ngày 29-4-1965 tại phường Thuận Thành, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện cư trú tại số 75A9, phố Hồng Mai, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Bà Nga đã khai trong hồ sơ học Cao học – Thạc sỹ quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Pacific Western (Hoa Kỳ 2003 – 2006) và Nghiên cứu sinh – Tiến sĩ Quản trị kinh doanh tại ĐHQGHN hợp tác với Đại học Califonia Miranar (Hoa Kỳ, 2006 - 2009).

Báo này cho rằng bà Nga khai trình độ chuyên môn Tiến sĩ trong tiểu sử tóm tắt là chưa đúng. Để minh chứng, báo Kinh tế nông thôn điện tử đã trích dẫn Công văn số 1447/ĐHQGHN-ĐT ngày 17-5-2011 trả lời phúc đáp ông Nguyễn Mạnh Hưng- Phó Tổng biên tập báo Kinh tế nông thôn: “Bà Châu Thị Thu Nga là nghiên cứu sinh Tiến sỹ của chương trình liên kết đào tạo của Trung tâm phát triển hệ thống- Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học California Miranar khoá 2006- 2009. Bà Nga chưa hoàn thành chương trình đào tạo Tiến sỹ của chương trình này và vì thế chưa được cấp bằng Tiến sỹ của chương trình này”.

Về vấn đề này, theo Giấy xác nhận ngày 11-3-2011 của Trung tâm phát triển hệ thống- Đại học Quốc gia Hà Nội lưu trong hồ sơ ứng cử ĐBQH của bà Nga, xác nhận: Bà Châu Thị Thu Nga (ID: 323), sinh ngày 29-4-1965. Chức vụ: Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng nhà đất đã tốt nghiệp chương trình Thạc sỹ Quản trị kinh doanh MBA do Trung tâm phát triển hệ thống và Đại học California Miranar đồng tổ chức. Đại học California Miranar được kiểm định bởi hai tổ chức là DETC và ACICS. Hai tổ chức kiểm định này được Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoa Kỳ (USDE) và tổ chức CHEA đồng thời công nhận. Bà Nga cũng đã hoàn thành các môn học và bảo vệ thử thành công luận án tiến sỹ của chương trình Tiến sỹ Quản trị kinh doanh do Trung tâm phát triển hệ thống- Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học California Miranar đồng tổ chức, hiện đang trong thời gian chờ bảo vệ chính thức luận án Tiến sỹ Quản trị kinh doanh. Trong hồ sơ ứng cử ĐBQH khoá XIII, bà Nga đã ghi rõ “Hoàn thành khoá học tiến sĩ Quản trị kinh doanh”.

Như vậy từ trình độ học vấn, chuyên môn đến việc công nhận học vị Tiến sỹ cho bà Nga chỉ còn là vấn đề thể thức. Trong khi đó trong tiểu sử tóm tắt bà Nga khai là trình độ chuyên môn Tiến sỹ Quản trị kinh doanh và đang là Nghiên cứu sinh- Tiến sỹ Quản trị kinh doanh là có thể chấp nhận được.

Việc “nâng cao quan điểm, chụp mũ” cho ứng cử viên Châu Thị Thu Nga là khai man lý lịch trong lúc bà Nga đã qua 3 lần hiệp thương và chỉ còn vài ngày nữa là tới ngày bầu cử Quốc hội là một điều rất không nên, cần được các cơ quan có trách nhiệm lưu tâm.
   
    P.V

1 nhận xét:

  1. Bác Nguyễn Xuân Diện còn tuyên bố không bỏ phiếu cho ứng cử viên CHÂU THỊ THU NGA. Còn tôi thì tôi không nhất trí với các bác vì dù sao nhìn qua ảnh cũng thấy em CHÂU THỊ THU NGA xinh tươi, đáng yêu ra phết đấy chứ!!!

    Trả lờiXóa