28 tháng 7, 2012

NHỮNG VÒNG ĐỒNG KÝ ỨC

Doãn Dũng - Tôi giở cuốn sổ tay, dò tìm tên người bạn đồng ngũ. Lê Tuấn Hải, địa chỉ: Cộng hòa Latvia, thành phố Riga, đường X, nhà Y, phòng Z.

Bạn tôi ở kí túc xá, không có điện thoại riêng. Muốn liên lạc với bạn chỉ có gửi thư, đánh điện, hoặc ra bưu điện đặt cuộc gọi.

Tôi đang cần liên lạc với Hải gấp, nên quyết định ra bưu điện trung tâm đặt cuộc gọi đường dài. Điền đầy đủ tên tuổi địa chỉ của Hải vào tờ đăng kí rồi đưa cho cô nhân viên bưu điện. Bưu điện sẽ có trách nhiệm thông báo cho bạn tôi ngày giờ chính xác để bạn tôi ra bưu điện gần nhất thực hiện cuộc kết nối điện thoại.

Hải ra quân sớm cùng thời kì với tôi, sau đợt hai đứa bị thương. Từ đó  chẳng có tin tức gì về nhau. Tôi thi đại học rồi sang Nga. Hải về quê làm anh thợ cày.

Tình cờ năm ngoái có chút việc vào ốp người Việt ở Matxcova, gặp Hải đang vật vờ trong đó. Trông bạn tôi vẫn như xưa với mái tóc rũ dài xù tổ quạ như hồi còn trên chốt. Cái quần mặc lép xẹp một bên mông.

Hỏi ra mới biết cậu ta đã sang đây mấy năm theo diện xuất khẩu lao động, làm ở nhà máy giầy, dưới thành phố Riga. Chúng tôi lấy địa chỉ của nhau rồi chia tay vì cả hai cùng vội. Hẹn có dịp, tôi sẽ xuống chơi.
* * *

Điểm cao mà đơn vị chúng tôi chọn làm đài quan sát là một ngọn núi đá vôi lọt thỏm trong dãy núi đất cao sừng sững.

Độ cao mỏm núi này không lớn, chỉ khoảng sáu bảy trăm mét so với mực nước biển, nhưng vô cùng khắc nghiệt vì địa hình hiểm trở. Tôi với Hải chung một hầm.

Thực ra nó chỉ là một hốc đá nhỏ đủ chỗ cho hai thằng và đặt một máy nhìn xa Tiệp Khắc. Cửa hầm được che chắn bằng các bao tải cát to bằng cái gối mầu xanh xỉn, nhưng bị bột đá nhuộm bạc trắng .

Mấy hôm vừa rồi pháo địch bắn rát, ầm ầm cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi nằm khoèo trong hốc đá nhai gạo rang qua bữa, thỉnh thoảng ngớt pháo thì tranh thủ chỉnh lại những bao cát xô lệch do sức ép của đạn pháo nổ gần.

Hải nằm gối đầu lên cái ba lô lép kẹp, xoa xoa bụng ọc ạch chỉ toàn nước, hỏi tôi: “Mày bảo liệu anh nuôi có mang cơm lên được không?”.

Hải to như bồ tượng, sức ăn bằng hai bằng ba người khác mà phải nhai gạo mấy ngày liền nên tôi an ủi: “Trời hôm nay mù, tầm nhìn kém, chắc dàn DKZ sẽ ngậm miệng”. Hải ừ một câu rồi trở mình, nằm co quắp như con tôm, thiu thiu ngủ.

Tôi mở ba lô lấy cái vòng đồng màu vàng đỏ làm bằng vỏ đạn đeo thêm vào cổ tay phải. Tôi đeo vòng để theo dõi thời gian, dùng vòng tuần như bọn trẻ con chơi đồ hàng ở dưới thành phố. Cổ tay tôi có năm cái vòng, tức là hôm nay thứ năm.

Cứ hết một tuần vòng, tôi lại nhét một viên sỏi vào túi cóc  ba lô. Ngày tháng giờ giấc đặc biệt có ý nghĩa đối với những kẻ trong hoàn cảnh như chúng tôi. Thỉnh thoảng tôi mang sỏi ra đếm: “À, mình đã sống thêm được ngần này ngày”.

Bao nhiêu viên sỏi, là bấy nhiêu tuần địch chưa phát hiện ra mục tiêu cụ thể. Hốc đá mà chúng tôi dùng làm đài quan sát lưng dựa vào một vách đá dựng đứng, miệng hầm đối diện với ngọn núi không có địch, vì thế mà tránh được tầm bắn của dàn DKZ trên sườn núi đằng sau.

Chúng chỉ có duy nhất một nhiệm vụ ngày đêm vãi đạn sang bên này, bắn vỡ tất cả những tảng đá mà có khả năng bộ đội ta ẩn nấp. Đá vôi vỡ vụn, bột đá phủ trắng như tuyết từ đỉnh xuống đến chân núi.

Trên ngọn núi trơ trọi này, trong cơn bão đạn, bộ đội ta vẫn phải bám trụ ngày đêm.

Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ phải quan sát, ghi chép và báo cáo tình hình địch khi phát hiện được cho Tiểu đoàn và ở đây khoảng hai tư, hai lăm viên sỏi thì sẽ hoàn thành công việc

Hải lồm cồm bò dậy, vớ can nước tu một ngụm, súc miệng òng ọc rồi nhổ toẹt vào vách đá, giương cặp mắt phù thũng sưng húp híp vì thiếu chất, nhìn tôi, cười: “Răng lung lay quá. Đánh răng bây giờ là rụng”.

Tôi đùa: “Thế có chân giò luộc mày có ăn được không?” Hải bảo: “Luộc chân mày nhé!”. Tôi bảo: “Phỉ phui cái mồm mày!”. Hải nhăn nhở: “Sống chết có số rồi, sợ cái gì!”.

Cánh lính chốt chúng tôi thường kiêng kị ba điều: Cắt tóc cạo râu, mặc quần áo mới và nói lời tạm biệt khi chia tay. Họ sợ vận đen khi cắt tóc. Quần áo mới chỉ dành cho tử sỹ. Nói tạm biệt rồi không bao giờ về nữa.

Nó như một thứ luật ngầm ngấm vào tiềm thức của mỗi người, bất thành văn mà ai cũng tuân thủ tuyệt đối. Thế nhưng chuyện sống chết thì Hải cứ bô bô chẳng kiêng cữ vì “có số cả rồi”.

Một lần, giữa hai đợt oanh tạc, không gian yên ắng lạ thường. Sự yên tĩnh khiến tôi thấy mình là người thừa trong trò chơi tìm và diệt này. Thiếu tiếng pháo, thiếu cảm giác âm âm rung rung dưới lòng đất, chúng tôi ngủ không sâu giấc. Tôi khều Hải dậy, gợi chuyện:

- Hay là ta chuồn?

- Lượn à? Tùy mày! Nhưng đã ở được từng ấy ngày rồi giờ lại tuột xích. Sao không phắn mẹ nó từ dưới kia cho nhanh!.

- Nhưng tao thấy mình như con chuột sống trong nhà có nuôi mèo!.

- Sợ bị mèo vồ à? - Hải cười khùng khục trong cổ họng.

- Tao không sợ chết. Chết là hết, chính ra lại nhẹ nhàng. Tao chưa có vợ con nên chẳng vướng bận. Cùng lắm bố mẹ khóc vài ngày rồi cũng nguôi ngoai. Tao sợ bị thương. Tàn phế cả đời. Cả đời dặt dẹo và làm nhiều người khác khổ lây!.

- Ôi dào, mày cứ lắm chữ rồi nhiều chuyện. Có ngày bị một mảnh vào đầu đấy. Cho mày bi bô cười nói cả ngày, tha hồ mà yêu đời nhé! - Hải đùa độc mồm.

Tà chiều thì anh nuôi mang được cơm lên cho chúng tôi. Cơm nắm ăn với cá mắm. Con cá to bằng hai ngón tay bốc mùi khắm lặm.

Hải vừa ăn vừa chửi anh nuôi, cơm phùi ra cả mép: “Tổ sư mấy thằng nhát chết. Để bọn tao chết đói thế này lấy đâu ra sức mà đánh nhau”.

Cậu anh nuôi cỡ tuổi chúng tôi, trẻ măng, chớp cặp mắt ngân ngấn nước, uất ức bảo: “Tao là thằng thứ ba đấy, hai thằng kia đưa cơm cho chúng mày đều đi rồi!”. Tôi thấy vậy bảo: “Về đi, lát nữa là đến giờ pháo bắn!”.

Khi tôi đếm được mười tám hòn sỏi và ba cái vòng tay thì bọn địch phát hiện ra cửa hầm.

Lúc ấy vào buổi trưa, phát đạn đầu tiên nổ cách cửa hầm khoảng chục mét. Đá vỡ bay rào rào, bụi đá lẫn khói đạn quánh đặc.

Hải chồm dậy, chửi: “Bọn chó nó thay đổi vị trí bắn rồi!”. Ánh lửa đầu nòng của cối 82 ly lóe lên ngay sườn núi đối diện đã nói lên điều đó. Hải phản xạ tương đối nhanh, thò khẩu trung liên RPK qua kẽ hở bao cát bắn xối xả về phía có địch. Vỏ đạn văng ra đập côm cốp vào vách đá bắn cả vào mặt tôi.

Tôi xách khẩu phóng lựu M79 ra bắn cắc đùm, khoảng cách khá xa nên đạn không tới được mục tiêu. Quả đạn cối thứ hai nổ gần hơn, hơi đạn đập vào vách núi dội ngược dí bẹp tôi xuống đất.

Hốc đá chúng tôi nấp như công sự đá tự nhiên, đằng trước lại được che chắn bởi một vài tảng đá lẫn bao tải cát. Vì vậy, trừ trường hợp chúng chỉnh được đạn rơi chính giữa miệng hốc đá thì mới lo, chứ rơi vãi xung quanh thì chỉ như muỗi đốt gỗ. Đạn cối bắn cầu vồng, chỉnh chính xác đến thế không phải dễ.

Tôi đã nghe thấy tiếng súng chi viện của một vài hầm khác. Qua cơn bối rối ban đầu, Hải giờ đã bình tĩnh hơn, mắm môi bắn từng loạt ngắn, vai rung bần bật. Thỉnh thoảng lại quay sang nhìn tôi lóng ngóng không biết làm gì với khẩu phóng lựu vô dụng, quát: “Thỗn cái mặt ra đấy à! Tiếp đạn cho tao”.

Bên kia, địch bị đánh trả nên không thể bình tĩnh chỉnh góc bắn chuẩn, quả đạn tiếp theo vượt qua đầu chúng tôi rơi mãi phía sau lưng.
Đúng lúc đó tôi nhìn thấy một quầng lửa, chỉ kịp nghĩ trong đầu: “Thôi xong... DKZ! ” thì xung quanh lửa bùng lên rồi tôi chẳng hay biết gì nữa.
* * *

Hình như tôi có tỉnh dậy một lần, thấy xung quanh tối đen, đầu óc tay chân nặng trịch. Cảm giác chật chội khiến tôi nghĩ mình đang nằm trong quan tài. Mình đã chết, phần xác đã được chôn và phần hồn đang trên đường sang thế giới bên kia, đợi được phân loại lên thiên đường hay xuống địa ngục.

Tôi tỉnh lại lần thứ hai thấy mình đang nằm trên giường của bệnh xá sư đoàn. Khắp người quấn bông băng trắng toát và ê ẩm đau. Ánh nắng xiên qua tán cây chui vào cửa xổ vãi tung tóe xuống nền nhà. Đàn gà cục tác bới đất kiếm ăn ngoài vườn.

Tỉnh hay mê?. Tôi đưa tay lên dụi mắt để nhìn cho rõ. Cánh tay tôi nhẹ bẫng vuốt mãi không tới mặt. Tay phải cụt đúng đến khuỷu và máu rỉ ra ngoài băng đã khô mầu nâu sậm. Tôi bật khóc hu hu như trẻ con.

Nửa tháng sau khi tôi đủ sức để đi lại tập tễnh thì cũng là lúc được tháo băng. Khắp người tôi lồi lõm chi chít sẹo đang lên da non mầu hồng nhạt xấu xí vô cùng. Nhưng dù sao nó còn được che đậy bởi lớp quần áo bên ngoài nên không phải ai cũng nhìn thấy.

Còn cánh tay phải, người ta tháo khớp rồi khâu túm lại. Một khúc thịt, xương, da ngoe nguẩy bên hông trông rõ tởm. Thật khó diễn tả tâm trạng tôi khi ấy. Lúc khoác chiếc áo lên người, ống tay áo rủ xuống thõng thượt, gió thổi bay phần phật. Tôi bèn xắn lên cho gọn, một khoảng trống không gì bù đắp nổi hiện ra. Thế là lại thả tay áo xuống và đành phải giắt vào cạp quần cho gọn.

Hải thỉnh thoảng có sang thăm tôi. Cậu ta bị mảnh đạn phạt mất một miếng mông. Gặp tôi là than phiền: “Rơi mất mấy lạng thịt sấn!”, rồi nhìn tôi lắc lắc cái đầu: “Trông mày chán quá!”.

Tôi im lặng không muốn nói chuyện, thỉnh thoảng lắm mới ừ hữ một câu cho nó biết tôi chưa cụt lưỡi. Vài lần như thế nó cũng nản, chẳng qua độc thoại với tôi nữa.

Hải ra viện sớm hơn. Ngày về đơn vị, Hải xách ba lô qua chào. Nó nhìn tôi một lúc rồi lấy tay xoa xoa lên mái tóc cắt vội lởm chởm của tôi, chép miệng nửa đùa nửa thật: “Mày càng ngày càng vô hồn. Để tao kiểm tra xem có mảnh nào chui vào sọ không!”.

Tôi không muốn ai động vào người mình. Thói quen dùng tay phải bao năm không dễ mà bỏ ngay được, mẩu thịt xương da nơi bả vai tôi khua lên khua xuống mấy cái nhưng không chạm được vào tay Hải vì ngắn quá.

Lúc ấy tay trái mới có phản xạ hỗ trợ hất cánh tay của Hải đang để trên đầu tôi. Ra đến cửa còn nghe thấy Hải lẩm bẩm: “Thằng này hỏng rồi!”.
* * *

Đúng giờ như đã đăng kí, tôi ra bưu điện trung tâm. Cô nhân viên bưu điện tóc vàng mắt xanh mỉm cười xin lỗi: “Bạn anh không còn ở địa chỉ trên!”. Tôi phản ứng rất vô nghĩa: “Không có lẽ, bạn tôi ở đấy mà!”. Cô gái nhắc lại chậm rãi từng từ như thể tôi không hiểu tiếng Nga: “Bạn... anh... chuyển... đi... rồi... hiểu... chưa?”.

Có thể Hải đã về nước. Giai đoạn này công nhân về nước ồ ạt vì hợp đồng lao động chấm dứt trước thời hạn do Liên Xô tan vỡ. Cũng có thể Hải đã chuyển sang thành phố khác làm ăn chăng?.

Dù thế nào đi chăng nữa, thì sợi dây duy nhất để liên lạc với Hải đã đứt mà tôi thì đang rất cần sự giúp đỡ của cậu ta.

Các nữ công nhân nhà máy dệt dưới thành phố Hải đang đóng gói để về nước. Tùy vào vị trí và thâm niêm công tác mà mỗi người được đóng từ một đến vài khối hàng. Lương của các cô trừ chi tiêu hàng tháng, tiết kiệm  mua hàng chỉ được một góc thùng. Góc thùng còn lại được các chủ hàng trên Matxcova sử dụng và trả phí cho chủ nhân.

Niken lúc này ở nhà đang tiêu thụ mạnh, lãi tới dăm sáu lần. Loại này là mặt hàng cấm xuất. Mua được cũng không dễ, phải thông đồng với đám công nhân ăn cắp từ các nhà máy cơ khí ra.

Để thoát được sự kiểm tra của Hải quan Nga, họ đã nghĩ ra một loại thùng rất kì lạ.

Thoạt đầu mới nhìn thì cũng giống như bao thùng khác đóng bằng những thanh gỗ thông. Bên trong nhét hầm bà làng chăn ga gối đệm xô chậu nồi niêu bát đĩa cũ nát.

Đại khái là những mặt hàng, Hải quan khi kiểm tra cũng phải nhỏ lệ thương cảm cho những công nhân nghèo.

Thế nhưng, chì Hải quan đã được kẹp vào nắp thùng, thì đêm ấy họ cậy hai thanh gỗ bên hông được đóng rất lỏng lẻo, lôi hết đống của nợ ra để mai còn ngụy trang thùng khác. Nhét gì vào thùng đã kẹp chì  là tùy thuộc vào độ liều của chủ thùng và độ máu của chủ hàng trên Matxcova. Họ đã làm thế nhiều lần và đều trót lọt.

Công việc đang xuôi chèo mát mái thì bỗng đâu rơi xuống một nhóm người, chúng đòi thu phế bến bãi theo kiểu phia. Nếu không chấp nhận chi sẽ bị báo hải quan thu trắng. Chưa kể nếu giải quyết không khéo, chúng nổi khùng lên xin tí tiết các chủ hàng để dằn mặt thì còn khốn hơn.
* * *

Tôi khoác chiếc ba lô, bên trong có vài bộ quần áo với mười tám viên sỏi và bốn chiếc vòng còn sót lại lên vai trái rồi xuống xe buýt.

Nhà tôi cách bến xe buýt khoảng một cây số. Đi bộ hết chục phút nhưng tôi không về ngay mà tạt vào quán nước ven đường đợi trời tối.

Tôi không muốn mọi người trong khu tập thể nhìn thấy tôi trong bộ dạng này.

Tôi kéo vành mũ sụp xuống che hết nửa khuôn mặt, mua chục điếu thuốc lá cuốn ngồi hút dần. Gọi đến chén nước chè thứ năm thì bà cụ chủ quán không giấu được tò mò.

- Chú tìm ai phỏng?.

- Vâng, cháu tìm nhà người bạn! - Tôi nói lí nhí trong cổ họng.

- Khu nào thế chú?.

- Khu C! - Tôi nói tên khu tập thể nhà tôi.

- Ừ!. Khu ấy chú cứ đi theo lối này, bao giờ cụt đường thì đến nơi. Giờ này chắc nhà người ta chưa đi làm về. Chú cứ ngồi đây đợi! - Bà cụ lưỡng lự một lát rồi hỏi tiếp - Bà hỏi khí không phải, bạn chú hi sinh rồi phải không?..

- Vâng! - Chẳng hiểu sao tôi lại trả lời thế.

- Tội nhỉ!. Nhìn cánh tay chú là bà hiểu. Trên ấy khốc liệt lắm phải không chú?. Thanh niên khu này đào ngũ hàng loạt vì sợ phải lên biên! - Bà vừa nói, vừa lấy gấu áo chấm dòng nước mắt đang lăn ra từ khóe mắt nhăn nheo.

Tôi cũng không rõ, bà khóc vì người bạn tôi hi sinh, vì ống tay áo phất phơ của tôi, hay vì đám thanh niên đào ngũ?.

Tôi quay mặt nhìn đi chỗ khác vì không muốn nhìn thấy phụ nữ khóc. Cho dù người phụ nữ ấy là một bà già và giọt nước mắt ấy là của người mẹ.

Tôi sợ nhìn thấy nước mắt vì sợ phải đối mặt với một tinh thần yếu hèn trong cái thể xác đàn ông tàn tạ của tôi. Càng sợ hơn nếu giọt nước mắt đó được ban phát bởi sự thương hại.

Tôi ngồi cho đến lúc bà cụ dọn hàng đi ngủ. Đường phố vắng lặng, tôi lầm lũi đi trong ánh đèn đường vàng vọt. Bóng tôi đổ dài xuống nền đường và tôi chợt phát hiện ra rằng, mình đang có xu hướng lệch người về một bên do cơ thể thiếu sự cân bằng.

Chỉ còn vài trăm mét là đến mái nhà nơi tôi sinh ra và lớn lên. Vậy mà tôi lại không muốn trở về căn nhà đó.

Cha tôi là một công chức, cả đời an phận sống dựa vào đồng lương còi cọc chỉ đủ mua báo đọc hàng tháng.

Gánh nặng gia đình dồn hết lên vai mẹ tôi, một người đàn bà lắm bệnh nhiều tật. Mẹ tôi phải xin nghỉ mất sức, về nhà làm đủ các nghề để có bữa rau bữa cháo nuôi các con và ông chồng.

Cuộc mưu sinh vất vả khiến cho hôn nhân trở nên ngột ngạt. Chẳng người nào đủ can đảm để bỏ người kia nhưng năm ngày ba trận lớn đánh đuổi nhau vòng quanh khu tập thể, hai trận nhỏ chì chiết nhiếc móc suốt đêm.

Cách thể hiện duy nhất của cha tôi để thấy mình còn chút uy danh trong xã hội, là chửi đổng hàng xóm và đem các con ra đánh cho đỡ ngứa mắt. Lũ chúng tôi, những đứa trẻ sống giữa hai “làn đạn” của cha mẹ, thấy gia đình nhiều khi như thể địa ngục.

Tôi nhập ngũ ngay khi đến tuổi luật định. Gần hai năm sau, tôi mười chín tuổi, tàn phế lê bước quay trở lại ngôi nhà địa ngục bởi chẳng biết đi đâu về đâu.

Tôi giận đời, giận mình sao không chết quách cho rồi trong cái hốc đá đó. Để bây giờ thân tàn ma dại thế này đây.

Người mở cửa là cha tôi. Các em đã ngủ, lăn lóc dưới sàn gạch của căn hộ rộng mười hai mét vuông. Tôi khẽ chào cha rồi lặng lẽ tìm một góc bên cạnh các em. Cha tôi vẫn đứng chỗ cánh cửa, chống nạnh nhìn tôi từ đầu đến chân rồi chua một câu: “Đẹp nhỉ, oai phong lắm!”.

Mẹ tôi nằm trên cái giường duy nhất nơi góc nhà, nhỏm dậy búi lại mớ tóc rũ rượi, khóc nức nở: “Sao lại ra nông nỗi này hả con. Ông giời cứ đày đọa tôi mãi thế này!” Tôi bảo: “Con lậy mẹ, đừng khóc nữa!”.

Cha tôi đau đớn: “Tay chân thế này thì xúc đất mà đổ vào mồm!”. Tôi định bật lại: “Cha đủ cả hai tay mà cũng có nuôi được bản thân đâu”. Nhưng hèn, nên lại nói chệch đi: “Con sẽ tự nuôi con, đừng lo”.

Cũng phải thôi, thằng hèn lại đẻ ra thằng hèn, tôi không dám bật lại cha cũng có căn nguyên của nó.

Đây là quãng thời gian nặng nề nhất trong đời. Tôi giam mình trong nhà, trong bộ quần áo dài từ đầu đến chân và chẳng tiếp xúc với ai. Cảm giác tù túng còn khủng khiếp hơn trong hốc đá trên điểm cao.

Ánh mắt dò xét của mọi người xung quanh còn sắc hơn mảnh đạn. Tôi bị cơn đau vết thương hành hạ. Cơn đau kì lạ, nó không phải ở nơi khuỷu tay mà xuất hiện ở cẳng tay đã mất. Tôi cảm thấy rất rõ, bàn tay phải giập nát, xương cổ tay gẫy chọc thủng da lòi ra ngoài nhọn hoắt, trắng hếu. Tôi đau vật vã mỗi khi trái nắng trở trời.

Bố tôi chửi: “Mày lại làm trò!”. Bác sỹ bảo: “Cơn đau là có thật, nhưng không thuốc nào chữa nổi. Cơn đau được ghi nhớ trong bộ não, thỉnh thoảng nó lại phát tín hiệu như thật. Bệnh này của bác sỹ tâm lý!”. Chẳng tìm đâu ra bác sỹ tâm lý trị liệu, chỉ có bác sỹ chữa bệnh tâm thần, chữa điên, mà tôi lại chưa điên mới khổ.

Tôi chỉ dám ăn một ngày hai bữa, mỗi bữa một lưng cơm vì thấy mình là gánh nặng, là kí sinh trùng của cha mẹ mình.

Cha tôi mỉa mai: “Ăn nhiều tay nó cũng không mọc dài ra đâu!”. Nước mắt chan bát cơm, tôi ngẹn ngào: “Cho con vay bát cơm!”.

Vay tức là tôi sẽ phải trả.

Tôi tập viết tay trái và lao đầu vào ôn thi đại học. Chỉ có cách ấy, may ra tôi mới cứu tôi thoát khỏi địa ngục và bệnh điên đang cười nói rình rập ngoài cửa.

Trời chẳng phụ lòng người. Tôi may mắn đỗ đại học, cộng thêm điểm ưu tiên thì vừa đủ điểm đi Tây.

Lần thứ hai tôi xách túi ra khỏi ngôi nhà của mình và không mong quay trở về.

Cha tôi nhìn theo không nói gì. Có lẽ ông đang nghĩ là nhà mình sắp sửa có nồi áp suất đun cho đỡ tốn dầu nên cố giữ những lời cay độc không để nó tuôn trào.
* * *

Tôi chắt chiu dành dụm từng đồng học bổng để mua hàng gửi về trả những bát cơm vay. Còn lại một ít, tôi đi đặt cánh tay giả. Cánh tay bằng nhựa, rỗng ở giữa để có thể đút được mẩu thịt xương da của tôi vào.

Cánh tay giả mầu nâu hơi sậm hơn so với da người thật, đủ cả bàn tay lẫn ngón tay, có dây buộc vào bắp tay cho khỏi rơi. Hình dáng khum khum trông không được tự nhiên lắm.

Nhưng có nó, tôi tự tin hơn rất nhiều. Tuy không thể mặc được sơ mi cộc tay, nhưng sơ mi dài tay không cần phải giắt ống tay vào cạp quần nữa. Tôi ướm thử bộ comple, ngắm nghía trước gương, thấy mình không đến nỗi tồi.

Cuộc sống khó khăn hơn rất nhiều sau chính biến năm 1990. Giá cả tăng vọt, học bổng của tôi chỉ đủ ăn một tuần là nhẵn túi.

Một số bạn đã bỏ học đi làm, số khác được gia đình bên nhà gửi tiền ăn sang mới có thể học tiếp.

Tôi lao vào làm bất cứ cái gì có thể làm được để có tiền nuôi sống bản thân và theo đuổi chuyện học hành. Tôi đã đồng ý áp tải chuyến hàng đó xuống Riga và nhận trách nhiệm dàn xếp với nhóm người kia. Mức thù lao được trả đủ trang trải cuộc sống tằn tiện cho đến hết năm.

Trong hoàn cảnh khó khăn của tôi thì đó là một cơ hội quí. Hơn nữa, từ trong sâu thẳm, còn có một động cơ khác thôi thúc tôi nhận công việc này. Tâm trí tôi, muốn chứng minh với tôi, muốn cho tôi thấy tôi không phải là kẻ đớn hèn.

Những chủ hàng chọn tôi cũng có lý do riêng, vì theo như họ nói: “Hình như chúng nó là lính!”.

Lính nói chuyện với lính ắt dễ hơn rồi.

Tôi nghĩ, nếu có Hải giúp đỡ thì mọi việc sẽ  hanh thông, vì cậu ta chắc phải quen những kẻ nổi loạn kia. Hải về nước rồi cũng chẳng sao, tôi sẽ đem lí lịch ra để thương lượng vậy.

Xe hàng đến địa điểm tập kết vào lúc nửa đêm. Đây là khu đô thị mới, nằm bên kia sông. Dãy nhà của các cô công nhân dệt ở cao tám tầng. Nó được xây dựng chưa lâu, kiến trúc khá hiện đại và không mang dáng dấp của kí túc xá, ngoại trừ sự xuống cấp cố hữu của những căn nhà có người Việt ở mà bằng mắt thường cũng nhận ra. Nhiều phòng đèn vẫn sáng.

Nhà ở dành cho nữ công nhân nhưng nam giới chiếm phân nửa. Họ là công nhân của các nhà máy khác trong thành phố, bỏ sang đây ở cùng cho có đôi lứa. Dưới sân dãy nhà la liệt các thùng hàng gỗ thông đang đóng dở dang.

Từ trên gác có mấy người ngó qua cửa sổ xuống sân. Tôi biết là sẽ có chuyện nên chuẩn bị tinh thần để đàm phán. Nếu họ cũng từng là lính, mọi chuyện sẽ dễ thở hơn nhiều. Còn không, thì tuỳ cơ ứng biến.

Chỉ một thoáng đã thấy họ xuất hiện bên chiếc xe chở hàng.

- Xe chở gì thế này? - Một người đá đá vào lốp xe và gằn giọng hỏi.

- Một ít hàng của mấy người bạn! - Tôi trả lời.

- Niken đúng không? - Kẻ nào đó khẳng định ngay.

- Đúng vậy? - Tôi nhũn nhặn kiên trì tiếp chuyện.

- Này ông!. Ông là khách lạ chưa biết luật ở đây thì tôi vào đề thẳng nhé. Chỗ này ít nhất cũng phải vài tấn, vị chi là ngần này tiền, các ông chuyển về đến Việt Nam vứt đi cũng được vài lần thế. Vậy bây giờ các ông để lại một ít tiền, thì anh em sẽ vô tư. Còn không thì mất hết. Tuỳ các ông chọn lựa!.

- Ông cứ bình tĩnh, rồi đâu sẽ có đó! - Tôi tìm cách hoãn binh để thăm dò đối tượng.

- Đưa đây năm chục vé, rồi thích làm gì thì làm! - Một người trong bọn nói.

- Tôi lấy đâu ra ngần ấy tiền!.

- Thằng chó, tao đùa với mày đấy à? Bố vụt cho một trận rồi báo Công an thu hết hàng bây giờ! - Chúng buông lời đe dọa phủ đầu khi tôi còn chưa đưa ra con số thỏa thuận.

- Các ông phải hiểu cho tôi. Tôi cũng làm công thôi!.

- Thế không có tiền thì cho bọn tao xin vài tạ niken vậy! - Hắn nói xong thì định nhảy lên xe.

- Ông không được làm thế! - Tôi cương quyết ngăn cản, dùng tay kéo áo tên kia lại. Cánh tay phải sõng sượt bên nẹp quần. Tình hình đàm phán diễn biến theo chiều không kiểm soát được.

- A!. Thằng này láo!…

Chưa dứt lời một người trong nhóm đã nhào vào tôi rất nhanh. Chúng bẻ quặt tay phải của tôi ra đằng sau.

Tôi quẫy mình, cánh tay nhựa tuột khỏi khớp nối, tụt qua ống tay áo và nằm gọn trong tay kẻ kia. Dưới ánh đèn đường, tôi nhận ra một thoáng kinh hoàng hiện trên khuôn mặt người đang cầm cánh tay tôi.

Hắn giơ cánh tay vẫn còn dây buộc lòng thòng lên cao nhìn một lần nữa cho kỹ, hộc lên một tiếng và ném xuống đất.

Không phải là ném mà là buông tay để nó rơi tự do. Có lẽ hắn sợ, hắn tưởng bẻ gãy tay đối phương?.

Không phải thế! Trong khoảnh khắc, hắn nhận ra trước mặt mình là một người lính như hắn.

Thậm chí còn không may mắn bằng hắn khi trở về chẳng nguyên vẹn.

Lòng trắc ẩn của một người lính tưởng đã mất bỗng dưng trở về. Những người có mặt ở đó đều bàng hoàng trước những gì xảy ra quá đột ngột.

- Tôi… tôi… xin lỗi ông! - Người đó lấy lại được bình tĩnh và nhặt cánh tay nhựa lên đưa lại cho tôi và hỏi - Bị thương ở đâu?.

- Mặt trận H - Tôi trả lời - Mà sao đang nhiên ông lại bất ngờ bẻ tay tôi vậy? - Tôi vừa hỏi vừa cười. Tôi hiểu được tình hình đã thay đổi theo chiều hướng thuận.

- Nói thật với ông, tôi tưởng ông để dao trong ống tay áo. Vì tôi thấy ông chỉ sử dụng tay trái, còn tay phải lúc nào cũng thấy khum khum!.

Không khí ngột ngạt sặc mùi đao búa bỗng cởi mở một cách chân tình rất lính.

Mọi người đều nói cười và không ai nhớ rằng cách đây mấy phút họ vẫn còn hùng hổ doạ nạt để bắt tôi nộp phế.

Một người bảo: “Lên làm chén rượu đã. Ông cứ bảo chúng nó bốc hàng đi, không sợ mất đâu!”.

Tôi cười phụ họa: “Mất thế chó nào được!” và theo họ lên phòng.

Tôi đang rất vui vì chuyện phức tạp lại được hóa giải rất dễ dàng bằng một thứ tình cảm rất mộc mạc: đồng đội.

Sự bất ngờ này chưa hết, sự bất ngờ khác lại ập đến. Ngồi chính giữa căn phòng tôi được mời lên uống rượu là một người đàn ông lưng to như cánh phản, tóc tai bù xù tổ quạ, mà mới chỉ thoáng qua, tôi đã nhận ra đó là ai.

Tôi bảo: “Tao tưởng mày đã về nước?”.

Hải cười: “Về đi cày hả? Nhà máy giải tán, tao sang đây ở với bọn này cho vui”.

Tôi hỏi lại: “Sang làm đại ca?”.

Hải bảo: “Đại ca đại cốc gì! Toàn anh em lính tráng, bảo nhau mà làm ăn!”.

Tôi cười: “Thế là hôm nay tao làm mất cơ hội làm ăn của chúng mày!”.

Rượu vào biêng biêng. Mọi người nâng lên đặt xuống liên tục.

Tôi thấy nóng nên cởi phăng chiếc áo đang mặc. Gió mang hơi lạnh từ bờ sông thổi mát túm da khâu dúm dó đầu khuỷu tay làm tôi giật mình. Hóa ra từ lúc tay bị vặn gẫy, tôi chưa xỏ lại. Đây là lần đầu tiên kể từ khi mua cánh tay giả, tôi quên đeo.

Cũng là lần đầu tiên từ ngày rời mặt trận, tôi để cánh tay trần không ngụy trang trước đám đông. Lại chạm cốc. Lại những câu chuyện xa lắc lơ ùa về rôm rả.

Cuối chầu rượu, Hải thì thầm vào tai tôi: “Mày lấy được mảnh đạn trong sọ ra rồi à?”. Rồi nó ngồi tự cười rũ rượi như ma làm.

Tôi bảo: “Đừng tự sướng thế, cả tao lẫn mày và những thằng kia đều dính mảnh đạn vô hình trong não đấy!”. Cả đám nghe thấy vậy, phản xạ tự nhiên xoa xoa tay lên đầu kiểm tra và hê hê cười như trẻ thơ.
* * *

Hai ngày sau tôi quay trở lại Matxcova. Tôi lôi mười tám viên sỏi và bốn chiếc vòng đồng làm từ vỏ đạn dưới đáy va ly ra lau chùi rồi đặt trang trọng trong góc phòng. Những vật kỷ niệm này là một đoạn đời không thể quên. Bần thần một lát, tôi lấy giấy bút ra và viết: “Cha mẹ và các em thương yêu...”.
                                                                       
Hà Nội tháng 05/2007 (Bài viết đã được in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tháng 6/2007)
-------------------------------------------------
* Hình ảnh minh họa: Cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta trong những năm chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, đánh trả quân Trung Quốc xâm lược (1979-1991).
                                                                           



1 nhận xét:

  1. Cái này có phải là của cái ảnh cuối cung không a Hải

    http://www.baomoi.com/Home/XaHoi/www.thanhnien.com.vn/Khanh-thanh-bia-chien-thang-mat-tran-bien-gioi-phia-Bac/8976364.epi

    Trả lờiXóa