15 tháng 2, 2012

VIẾT CHO CON, VỀ NGÀY 17/2/1979


Con gái yêu của Ba!.

Tháng 2/2012: Con gái yêu của Ba tròn 10 tuổi và đã học đến lớp 5.

Con chỉ biết, những ngày này là qua Tết Nguyên đán Nhâm Thìn và mới phải đi học nhưng con vẫn dậy sớm đến trường và thánh thót khoe với Ba mẹ những điểm 9-10 sau mỗi ngày tới trường từ sáng đến tối.

Xung quanh con lúc này, chỉ có những bài học; những phút vui cùng bạn bè, cô giáo ở ngôi trường giữa lòng Hà Nội xanh ngắt cây lá và ngập tràn sắc màu xanh đỏ của những bé con má đỏ, môi hồng...; xung quanh con là đầy đủ, no ấm và con chỉ phụng phịu mỗi khi Ba mẹ tắt ti vi trong giờ ăn, không để con dán mắt vào màn hình chiếu Clip quảng cáo, hay phim dành cho thiếu nhi, nhan nhản trên truyền hình cáp...

Tháng 2/1979: Ba gần 10 tuổi và cũng Tiểu học (ngày đó gọi là Cấp I) như con bây giờ. Hồi ấy, ông nội của con mới phục viên sau hơn 10 năm chiến đấu trong binh chủng tên lửa của Quân đội nhân dân Việt Nam (1965-1978) và cũng theo chân những đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, tháng 4-1975.

Ký ức của Ba về ông nội là chiếc ba lô to đùng đằng sau lưng, trên đó có 1 chiếc khung xe đạp (sau này được lắp thành chiếc xe đạp để ông đi khắp nơi "buôn" chè, củ ấu... nuôi ba và cô Hương, cô Yến học xong Đại học), 1 con búp bê biết nhắm và mở mắt, 1 chiếc ca bằng đuya ra (còn gọi là hăng gô) của lính Mỹ (sau đó và bây giờ, bà Nội của con vẫn dùng để múc nước ở cái bể nước mưa xinh xinh ngay dưới hàng cau trước cửa nhà ở quê)...

Thế nhưng, ký ức mãi không thể quên trong tâm trí của Ba là buổi sáng 18/2/1979 (1 ngày sau khi Trung Quốc cho quân bất ngờ tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc), ông Thành, ông Hòa và các ông ở gần nhà, cùng đi bộ đội đánh Mỹ, cùng phục viên, vẫn cùng tụ tập đến nhà mình uống nước trà mỗi tối, đến thì thầm nói chuyện với ông Nội.

Câu chuyện của những cựu binh đó là gì, đến khi lớn rồi ba mới hiểu: Các ông nói với nhau tin Trung Quốc tấn công Việt Nam và cùng nhắc nhau chuẩn bị quân tư trang, chuẩn bị lên đường nếu có Tổng động viên.

Ba vẫn nhớ: Buổi trưa ngày hôm đó, ông Nội hì hục chuẩn bị quần áo, tư trang gọn vào chiếc ba lô bộ đội và gọi bà Nội bế cô Yến cùng Ba và cô Hương cũng mới 5 tuổi ra và dặn dò công việc ở nhà. Lúc ấy, trí óc non nớt của Ba mới cảm nhận: Giặc là gì? Là kẻ đã kéo người thân của Ba ra khỏi ngôi nhà và làm xáo trộn cuộc sống gia đình yên ấm...

Tháng 2 và 3 năm 1979, rút cục ông Nội cũng chỉ lên Huyện đội tập trung, huấn luyện sau thời gian ngắn và vẫn ở lại cùng gia đình. Mỗi tuần, chỉ phải trực tự vệ cùng cơ quan.

Tuy nhiên, cuộc sống thời chiến thì không chỉ đơn giản trong việc mỗi tuần, ông phải ở cơ quan 2 đêm, thi thoảng lại về nhà muộn, mệt nhoài vì đào hầm hào, huấn luyện... mà cuộc sống thời chiến còn tác động trực tiếp đến Ba và gia đình bé nhỏ của nhà mình.

Hồi ấy và sau này này nữa, Ba say mê đọc những cuốn truyện tranh kể về chiến công của những anh bộ đội - dân quân - du kích chiến đấu với giặc Trung Quốc ở nơi biên giới, những thủ đoạn thâm độc của những kẻ đội mũ vải, đeo "tiết đỏ" và mặc áo 4 túi chỉ muốn chiếm đất của Tổ quốc mình..

Hồi ấy, Ba cùng các bạn trong lớp cũng phải cùng các anh chị, thầy cô trong trường cấp 1 đào giao thông hào ngay trong sân trường (Bây giờ, đoạn giao thông hào ấy đã bị lấp.

Nhưng có dịp, Ba đưa con về quê mình, trèo lên núi Voi gần nhà bà Nội, con vẫn thấy những đoạn giao thông hào bị cỏ che kín mà Ba và các anh chị, thầy cô đã đào thời đó).

Hồi ấy, mọi nhà đề phải đào hầm, nhà Nội mình cũng đắp 1 chiếc hầm kèo ngay giếng nước. Lúc mới đào xong, Ba và cô Hương - cô Yến cứ rúc rích chui ra, chui vào chơi trốn tìm.

Cạnh nhà mình, có nhà bà Dung, kinh tế khá giả nên đào hầm ngầm: Vách trát xi măng, nắp làm bằng bê tông, bậc lên xuống cũng xây gạch, thế nhưng cứ sau mỗi trận mưa, nước lại tràn vào... lưng hầm và rắn rết, ễnh ương - chão chàng bơi lằng nhoằng, đẻ trứng đầy trong đó...

Cứ như vậy đó, Ba lớn lên với những câu chuyện kể ở trường, những trang truyện tranh đọc "ké" ngoài hiệu sách phố huyện, những câu chuyện - lời bàn tán của ông Nội, cùng những người bạn bên bàn nước vàng ệch màu đèn dầu và cả những tiếng nói bập bõm, ngang ngang giọng người nước ngoài nói tiếng Việt Nam chìm trong tiếng sôi xè xè, phát ra từ chiếc đài chạy pin bé tí mà ông vặn nhỏ hết cỡ, ghé tai vào nghe để biết "tình hình chiến sự"...

Tất cả đã dần hình thành trong tâm tưởng Ba về một nỗi ám ảnh, nguy hiểm và đe dọa thường trực được gọi là Trung Quốc.

Tháng 3/2011: Con tròn 10 tuổi và học lớp 5.

Buổi sáng Ba ra xe đón lên Nội Bài, bay vào Nha Trang để ra công tác Quần đảo Trường Sa, con đứng ngoài đầu ngõ vẫy tay: "Ba về sớm và mua quà cho con nhé!" và lại tất tưởi ngồi sau xe để mẹ chở đến trường, cùng líu lo hát "Em vui vào trường Thành Công B, lấp lánh ban mai chim ca. Em vui vào trường Thành Công B, lá biếc hoa thơm ngọt ngào. Em luôn được thầy cô yêu thương với trái tim của mẹ hiền. Lấp lánh cho con bay cao, giữa trời xanh chim tung cánh bay..." với má đỏ môi hồng cùng lớp.

Con có biết, những ngày sau đó, Ba đã cùng hơn 100 người con đất Việt, kề vai nhau trên con tàu HQ 996 của Vùng 4, Hải quân đè sóng biển Đông, xuất phát từ quân cảng Cam Ranh, Khánh Hòa ra với dải đất Trường Sa thân thương đang ưỡn lưng bảo vệ vòng cung hình chữ S

Nửa tháng ra với bộ đội, ở với bộ đội, hóa thân thành bộ đội, cảm nhận - chia sẻ cùng bộ đội và vui - buồn - căm hờn cùng bộ đội, Ba càng thêm yêu Tổ quốc của mình và đau cùng Tổ quốc của mình.

Buổi trưa trước khi làm lễ tưởng niệm cho gần 100 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh vì lưỡi lê, báng súng, dao găm và đạn AK bắn gần, pháo hạm của lính Trung Quốc khi làm nhiệm vụ giữ đảo trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma xanh ngăn ngắt, lặng lẽ sóng, Ba đã bật khóc ngay trên mũi tàu HQ996.

Khóc thật sự và nước mắt thật sự uất ức, chảy tràn trên má, làm ướt mềm quai mũ cứng gắn quân hiệu sao vàng con ạ!.

Con có biết không? Những người lính đang nằm dưới biển sâu kia còn rất trẻ. Ba đã vào phòng Truyền thống của Vùng 4 Hải Quân và nhìn lại gương mặt những người đã ngã xuống qua những tấm ảnh hiếm hoi.

Họ trẻ trung và trong sáng như thể còn ở tuổi học sinh Trung học. Ngay cả những người thuyền trưởng chỉ huy mới mang hàm cấp úy cũng còn trẻ trung, điệu đàng (nhưng đã quyết chiến dùng mọi hỏa lực sẵn có trên những chiếc tàu chỉ có chở đất, đá, bê tông ra xây đảo để bắn trả mãnh liệt vào tàu xâm lược và cho tàu phóng thẳng lên bãi cạn, để đánh dấu chủ quyền)...

Vậy mà họ đã nằm xuống vĩnh viễn dưới lòng biển.

Họ nằm xuống trong khi ngăn chặn lính Trung Quốc đổ bộ lên chiếm đảo với trang bị đến tận răng.

Họ nằm xuống bởi họ là lính Công binh Hải quân chỉ có quần đùi, mũ mềm và... tay không ra xây dựng đảo.

Họ nằm xuống bởi họ được "lệnh" từ 1 nơi bí ẩn, nghiêm mật giữa đô thị đầy ánh sáng và no đủ: "Chỉ được ngăn chặn bằng biện pháp mềm dẻo, không được kháng cự, đánh trả"...

Dĩ nhiên, da thịt của họ chẳng phải là sắt thép, để chịu đựng những nhát đâm điên cuồng bằng dao găm, lưỡi lê.

Gân cốt họ cũng chẳng phải titan để chống lại đạn nhọn của đám lính Trung Quốc điên cuồng xiết cò súng AK để sẵn ở nấc bắn liên thanh...

Họ lần lượt nằm xuống, cùng nhau nằm xuống, như vẫn cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trong những tháng ngày quân ngũ ít ỏi. Không nằm xuống sao được khi phải căng mắt nhìn lũ ăn cướp thản nhiên, thoải mái giết đồng đội mình và chính bản thân mình?..
Tháng 3/2011 ở Trường Sa, sau khi đã làm lễ truy điệu những cán bộ - chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đang nằm dưới vùng biển Gạc Ma - Cô Lin, Ba và những đồng đội của Ba đã tràn ra hết mũi tàu, 2 bên boong tàu lặng nhìn xuống biển xanh nhớ thương những người con đất Mẹ và không ai bảo ai, tất cả đều quay mặt nhìn về tòa nhà cao vài tầng sừng sững của lính Trung Quốc chiếm đóng trên đảo chìm đã chiếm của ta.

Lúc ấy, ánh mắt của ai cũng rất lạ, từ Trung tướng Trưởng đoàn công tác cho đến cô Hạ sĩ đoàn văn công Quân khu 4. Ai cũng ráo hoảnh, chong mắt nhìn tàu địch - công sự của địch chứ không rưng rưng nước mắt, khi những bó hương dành cho liệt sĩ cháy bùng lên, cuộn khói bay vòng tròn như những dấu hỏi...

Tháng 3/1988: Lúc ấy Ba đã học lớp 11. Cái buổi chiều đông ngày hôm ấy, Ba cùng ông Nội đã sững sờ khi nghe cô phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam đọc chậm danh sách những cán bộ - chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh và mất tích trong khi bảo vệ chủ quyền Tổ quốc tại vùng biển Cô Lin - Gạc Ma. Không thể diễn tả cảm xúc lúc ấy, chỉ biết rằng, đến bây giờ hình như vẫn còn nguyên trong Ba: Uất ức - bức bối như thể có tảng đá đang đè trên ngực (Cảm giác này càng nhân lên gấp bội và thành ám ảnh khi Ba ra với Trường Sa).

Ngay sáng ngày hôm sau, cái lớp 11B3 của Ba ngày ấy đã không thể học được và hết thảy, những thằng con trai trong lớp, đã làm đơn tình nguyện đi bộ đội, cùng con trai các lớp khác kéo đến đứng đen đặc, câm lặng trước phòng thầy Hiệu phó cũng đang đỏ hoe mắt, vì có con trai đang đóng quân trên quần đảo Trường Sa.

Con có biết không? Ở gần nhà bà Nội mình có 1 dãy núi, gọi là núi Xuân Sơn, cạnh núi có 1 đoàn 679 của Quân chủng Hải quân đóng và trong dãy núi đó có rất nhiều hầm để bộ đội chứa tên lửa đất đối hải. Thi thoảng, những chiếc xe hàng vài chục bánh lại phun khói chở những ống tên lửa khổng lồ đi đâu đó. Hồi ấy, Ba và các bạn rất muốn vào bộ đội tên lửa Hải quân để điều khiển những quả tên lửa bắn nát tàu Trung Quốc...
Ngày 17/2/2012 này: Tròn 33 năm, ngày Trung Quốc xúa quân bất ngờ tấn công dọc tuyến biên giới nước ta; gần tròn 24 năm Trung Quốc cho quân đánh chiếm một số đảo chìm, bãi cạn của Tổ quốc ta trên quần đảo Trường Sa.
Ngày Tình yêu 14/2. Ba không đưa con đi mua quà tặng cho mẹ Hằng mà ngồi từ trưa đến tối để đọc những dòng của các ông - các bác cựu binh viết về sự kiện tháng 2/1979 và tháng 3/1988.

Đọc xong để viết những dòng này cho con và mẹ Hằng cùng những bạn bè của Ba đang ấm cúng bên vợ - người yêu - người tình bên nến hồng, rượu vang.

Viết để nhớ một thời bao người đã đổ máu, góp xương cho mỗi tấc đất biên cương nơi xa hút.

Sau này, con có đi Lạng Sơn thăm động Tam Thanh, thắp hương bùi ngùi trước nàng Tô Thị; lên Trùng Khánh - Cao Bằng ăn hạt dẻ, ngắm thác Bản Giốc; ngược Hà Giang tắm nước nóng Thanh Thủy; lên Lào Cai đắm mình trong se lạnh Sa Pa; trèo núi đá đến Lai Châu tắm thuốc người Dao, ngắm ruộng bậc thang, xem hoa Ban đầu xuân; ra Trường Sa câu cá chuồn đêm trăng...

Con hãy nhẹ chân và nhớ vào các Nghĩa trang Liệt sĩ nằm câm lặng dọc ven đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ thắp hương cho các ông, các bác, các chú đã nằm xuống trong những năm tháng chống giặc xâm lược Trung Quốc, trên những vùng đất yên thương của TỔ QUỐC chúng mình, con gái yêu nhé!..
---------------------------------------
* Bài này mình viết từ năm 2008 và đã đăng trên Blog cá nhân, cũng "bị" một số tờ báo đăng lại (cũng bị họ tự sửa chữa). Nay tự đăng lại, để nhắc con gái yêu nhớ sự kiện 17/2/1979.

22 nhận xét:

  1. Hèn gì mới đọc cứ ngờ ngợ. Đọc lại vẫn có cảm giác bi thương, xúc động như đọc lần đầu.
    Hải lên chương trình vận động đưa cuộc chiến năm 79 vào chương trình phổ thông xem sao. Chắc nhiều người ủng hộ. Mình ủng hộ 2 tay.

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết rất cảm động, mong cho con gái anh cũng sau này cũng viết hay như thế!

    Trả lờiXóa
  3. Ôi chao, cảm xúc dâng trào sau khi đọc xong. Cần lắm những nghĩ suy như thế này cho con trẻ của chúng ta.
    Cảm ơn nhiều lắm tác giả!
    BSD.

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơm Mai Thanh Hải về bài viết.
    Có chi tiết này ko biết MTH có nhầm hay ko?
    "Tháng 2/1979: Ba cũng tròn 10 tuổi và cũng học lớp 5 ...
    ...Tháng 3/1988: Lúc ấy Ba đã học lớp 11...". Có mấy lớp sao MTH học lâu vậy?

    Trả lờiXóa
  5. Không biết sắp nhỏ chấp hành lệnh đổi giờ của bác Thăng thế nào ? Chắc hết thì giờ mà nghĩ ngợi tới những chuyện sâu xa!

    Trả lờiXóa
  6. "Phản kích tự vệ" ... ôi chao ôi !

    Trả lờiXóa
  7. Người xa quê05:51:00 16 thg 2, 2012

    ....Ở gần nhà bà Nội mình có 1 dãy núi, gọi là núi Xuân Sơn, cạnh núi có 1 đoàn 679 của Quân chủng Hải quân đóng và trong dãy núi đó có rất nhiều hầm để bộ đội chứa tên lửa đất đối hải. Thi thoảng, những chiếc xe hàng vài chục bánh lại phun khói chở những ống tên lửa khổng lồ đi đâu đó. Hồi ấy....


    Xúc động,cảm phục anh vì những tình cảm thiêng liêng mà anh đã khơi dậy cho thế hệ trẻ.
    Xin bảo mật những thông tin trích dẫn ở trên.
    Vô cùng cảm ơn tác giả.

    Trả lờiXóa
  8. Họ nằm xuống bởi họ được "lệnh" từ 1 nơi bí ẩn, nghiêm mật giữa đô thị đầy ánh sáng và no đủ: "Chỉ được ngăn chặn bằng biện pháp mềm dẻo, không được kháng cự, đánh trả"...

    Dĩ nhiên, da thịt của họ chẳng phải là sắt thép, để chịu đựng những nhát đâm điên cuồng bằng dao găm, lưỡi lê.

    Gân cốt họ cũng chẳng phải titan để chống lại đạn nhọn của đám lính Trung Quốc điên cuồng xiết cò súng AK để sẵn ở nấc bắn liên thanh...

    Họ lần lượt nằm xuống, cùng nhau nằm xuống, như vẫn cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trong những tháng ngày quân ngũ ít ỏi. Không nằm xuống sao được khi phải căng mắt nhìn lũ ăn cướp thản nhiên, thoải mái giết đồng đội mình và chính bản thân mình?..

    CÁM ƠN bác MAI THANH HẢI một chi tiết NHƯNG LÀ một lỗ hổng lớn Việt Sử ....

    Họ nằm xuống bởi họ được "lệnh" từ 1 nơi bí ẩn, nghiêm mật giữa đô thị đầy ánh sáng và no đủ: "Chỉ được ngăn chặn bằng biện pháp mềm dẻo, không được kháng cự, đánh trả"...

    Trả lờiXóa
  9. Xin copy ve donghuonghatinh.vn thanks.

    Trả lờiXóa
  10. Xúc động quá anh ơi, gửi mọi người bài viết này đọc để hiểu thêm
    http://viet-studies.info/kinhte/DuongDanhDy_17_2_1979.htm

    Trả lờiXóa
  11. Hay quá. Thời đó mình cũng thấy rất căm thù tụi TQ và cảm phục khi hay tin về 100 chiến sĩ hải quân của mình.

    Trả lờiXóa
  12. Thế đấy !
    Thư ni & Viết cho con ở Trường Sa đáng đựoc đưa vào " kinh điển " để giáo dục cho con trẻ biết rõ ai đáng làm bạn - Dù trước đó không lâu là thù. Ai luôn mồm " bạn vàng " lắt léo hơn " Tồng chí " Nhưng môi sơ hở răng phậm môi chảy máy liền hà.
    Tổ cha quân lật lọng tráo trở. Miệng nam mô - Bụng thủ bồ dao găm!

    Trả lờiXóa
  13. đọc bài của Anh Hải tôi rất xúc động ,thương cho những đồng đội của mình đã ngã xuống cho hôm nay mà không được nhắc đến,đa số lớp trẻ bây giờ khi hỏi sự kiện 17/2/79 và sự kiện Trường Sa 88 đều lắc đầu không biết ! chẳng phải lỗi của lớp trẻ mà đây là tội của những người vô ơn hay cố tình quên vì sự ràng buộc mờ ám nào đó do quyền lợi của họ, mà che dấu lịch sử ,che dấu nỗi đau của dân tộc mỗi khi ngày 17/2 hàng năm lại về ! chúc Anh Hải và gia đình sức khỏe ! Xin cám ơn Anh với những bài viết hay,hữu ích !

    Trả lờiXóa
  14. Cuộc chiến bảo vệ biên giới,tinh thần anh dũng hy sinh của các chiến sỹ,cũng như mộng bá quyền của bọn bành trướng TQ,là những điều nên nói lại cho thế hệ trẻ ngày nay.Mai Thanh Hải đã làm được một việc mà bấy lâu nhiều nơi vì lý do nào đó đã không nhắc tới.Đây cũng là một việc cần làm,cần nhắc tới để linh hồn các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới đỡ buồn tủi.
    Ngày chiến thắng Điện Biên 1954-thống nhất đất nước 1975 đều được nhắc tới.
    Mình là lính chống Tàu,cũng mong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới 1979 cũng luôn được nhắc tới.Nếu không lâu quá sẽ bị quên lãng mất thì buồn lắm.

    Trả lờiXóa
  15. Xin chân thành cám ơn nhà báo Mai Thanh Hải về bài viết rất cảm động.

    Thật buồn và căm phẫn khi trong những ngày tháng hai này sự hy sinh anh dũng và đầy bi thương của các chiến sỹ và nhân dân trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc không hề được báo đài nhắc tới. Tôi cũng ủng hộ đề nghị phải yêu cầu đưa những cuộc chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa, bảo vệ Biên giới phía Bắc và các đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào chương trình học lịch sử của học sinh và sinh viên Việt Nam.

    Chúc nhà báo luôn mạnh khỏe để có nhiều bài viết lay động lòng người.

    PGS.TS. Nguyễn Phương Tùng

    Trả lờiXóa
  16. Cám ơn anh Hải. Đọc bài này mà nước mắt cứ tràn mi. Cho em copy bài này về FB nhé.

    Trả lờiXóa
  17. Vào lớp 1. Bài hát đầu tiên học thuộc được và được hát trong 5 năm cấp I:
    " Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới,gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới.
    Quân xâm lược bành trướng dã man, đã giày xéo mảnh đất tiền phương. Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương.
    Đất nước một ngàn chiến công đang sục sôi khí thế hào hùng. Những Chi lăng, Bạch đằng, Đống đa đang gọi tiếp thêm những bản hùng ca..."
    (Trời ạ ! Sao mỗi lần hát lại bài này, lại thấy máu rùng rùng, rần rật chảy trong huyết quản)
    Thế rồi quanh trường đào hào giao thông, hầm tránh bom. Bọn lau nhau được phân công bê đất đắp hai bên giao thông hào. Có vậy thôi mà cũng chí cha chí chóe và thấy oai lắm lắm.
    Năm học 11 (1988) nghe tin TQ đánh Trường sa cũng sôi sùng sục. Cũng tý toáy viết đơn tình nguyện và tiu nghỉu khi BGH trường chỉ xét đơn cho HS lớp 12. (Chưa kể bi mẹ mắng cho xanh mặt. Hic!)
    Vậy mà giờ đây 19 tháng 1, 17 tháng 2, 14 tháng 3... mấy ai biêt là ngày gì.
    Cảm ơn bác vì những bài viết cho mọi người nhờ lại.

    Trả lờiXóa
  18. Cho em xin chia sẻ chút tình cảm về kỷ niệm những năm tháng đó với anh.

    Kỷ niệm ngày còn ở Hải Phòng

    Tuy nhỏ hơn anh Hải 4 tuổi, Nhưng năm 1979 em vẫn nhớ như in ở Hải Phòng - đường Lê Lợi xe tăng, thiết giáp chạy rầm rộ hướng từ ngã Năm về cổng sau của ga Hải Phòng lên tàu hỏa chuyển lên biên giới đánh nhau với Trung Quốc.

    Kỷ niệm ngày còn ở Sài Gòn

    Năm 87 khu em ở là Quân cảng SG nóng hẳn lên về việc tàu đi tàu về vận chuyển bộ đội hoàn thành nghĩa vụ quốc tê về từ chiến trường Kampuchia.

    Những buổi chiều năm 88 em thường theo chân các anh ở khu tập thể vào vào doanh trại của Quân Cảng SG để giao lưu bóng chuyền với bộ đội hải quân Lữ 125 ngay dưới chân cầu tầu Há mồm HQ501,... hay còn gọi là cầu C0 bây giờ. Nhớ mãi không bao giờ quên.

    Rồi cũng một chiều năm đó, như mọi chiều, các anh trong khu tập thể bảo hôm nay không được vào doanh trại nữa, đại khái các anh thông báo là không có bộ đội nào giao lưu đánh bóng chuyền với mình cả.

    Mãi đến giờ mới hiểu ra những buổi chiều năm đó các anh gác lại thú vui bé nhỏ của người lính, để lên đường ra trận đánh trả quân bành trướng Bắc Kinh tham lam đê tiện để bảo vệ quần đảo Trường Sa.

    Nhớ thương các anh biết nhường nào những buổi chiều ngọc dọc bờ đất Phú An sông Sài Gòn để mong được nghe tiếng còi tàu, tiếng khầu lệnh đanh sắt của các anh trở về cập bến an toàn. Để mong được nhìn thấy những nụ cười dòn dã và tinh khiết của các anh.

    Xin cảm ơn các anh đã mang bình yên đến cho thế hệ chúng em.

    Kính các anh.

    Thằng em hay sang doanh trại vét chảo bắp ngô của các anh.

    Trả lờiXóa
  19. Cám ơn Bác Mai Thanh Hải đã có những bài viết hay giúp chúng tôi nhớ lại cuộc chiến tranh ngăn ngủi mà đau thương tháng 2/1979. Cho đến nay vẫn không thấy có con số chính thức nào vế số người Việt Nam chết và bị thương (cả bộ đội và dân thường) trong cuộc chiến tranh hơn 20 ngày đó. Nếu không có các bloggers nhắc lại trên blog của mình thì bây giờ chắc cũng chẳng mấy ai biết hay nhớ về cuộc chiến tranh đó nữa.

    Trả lờiXóa
  20. Nhân có lần giao lưu với các CCB thành cổ QT các lớp lính đàn anh đã nói với chúng tôi " So với bọn anh thì lính BGPB thiệt thòi hơn nhiều, các em đã hy sinh 2 lần một lần cho sự toàn vẹn lãnh thổ và một lần phải hy sinh cho tình hữu nghị giữa hai nước ".

    Trả lờiXóa
  21. Cảm thấy nghẹn ngào quá... Những mất mát hy sinh của các anh nên được đưa vào chương trình học lịch sử để thế hệ sau mãi nhớ. Em xin phép tác giả copy bài này sang facebook ạ. Rất cám ơn anh.

    Trả lờiXóa
  22. Cháu chào chú. Bài viết của chú rất xúc động. Con gái chú thật hạnh phúc... Blog chú đẹp và "giàu" quá. :)

    Trả lờiXóa