17 tháng 2, 2012

ÁO XANH BIÊN PHÒNG, ĐẪM MÁU 17/2/1979

Mai Thanh Hải - Cách đây 33 năm, đúng 5 giờ 25 phút sáng sớm ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã xua hàng chục Sư đoàn lính, cùng với xe tăng, dưới sự yểm hộ của pháo binh, đồng loạt bất ngờ tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.

Mục tiêu đầu tiên chúng nã pháo, tấn công, bao vây, tiêu diệt là các Đồn, Trạm Biên phòng (khi đó gọi là Công an Vũ trang - CAVT). Cuộc chiến đấu giữ đất biên cương, bám trụ trận địa diễn ra không cân sức, bởi ngay ngày đầu tiên ấy, các Đồn Biên phòng đều bất ngờ, trang bị vũ khí ít, đơn độc giữa chiến thuật "biển người", không có sự hỗ trợ - chi viện... rút cục, rất nhiều Đồn, Trạm, Đơn vị Biên phòng đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và ngã xuống người lính cuối cùng, ngay trong ngày 17/2/1979.

Xin nhắc lại một số gương mặt, trong lực lượng Bộ đội Biên phòng, đã chống trả kiên cường trong ngày 17/2/1979 và ngã xuống, trong khi ngăn bước tiến của quân Trung Quốc xâm lược.

1/ Nông Văn Giáp (1945-1979), dân tộc Nùng, quê ở xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Khi hy sinh đồng chí là Trung úy, Đồn phó Đồn 191, Công an nhân dân Vũ trang (CAVT) tỉnh Lạng Sơn; Đảng viên ĐCSVN.
Chốt chặn địch của Đồn BP Hữu Nghị (Lạng Sơn)

Nông Văn Giáp đã qua chiến đấu ở chiến trường miền Nam, thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, đồng chí tình nguyện lên bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, đã lập nhiều thành tích chỉ huy đơn vị xây dựng thế trận mới.

Sáng ngày 17/2/1979, quân xâm lược ồ ạt tấn công. Chúng dùng pháo bắn cấp tập vào đồn sau đó cho bộ binh địch xông lên.

Với kinh nghiệm dày dạn qua 9 năm chiến đấu chống Mỹ, Nông Văn Giáp bình tĩnh chỉ huy đơn vị bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, diệt 100 tên.

Dùng chiến thuật biển người, vừa tấn công chính diện, địch vừa đánh tạt sườn vào trận địa ta. Phát hiện sớm mưu đồ của địch, đồng chí chỉ huy đơn vị chiến đấu linh hoạt, cơ động, ngay từ đầu đã diệt được cụm thông tin, chỉ huy và hai tên thổi kèn.

Đội hình địch rối loạn, chúng không dám xông lên, buộc lui quân, tổ chức đợt tấn công mới. Các chiến sĩ tin tưởng ở Nông Văn Giáp - người chỉ huy gan dạ, mưu trí và quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Địch lại cho nhiều tốp, nhiều toán, có hỏa lực yểm trợ, liên tục tấn công. Đồng chí nhảy lên khỏi chiến hào, hô to: "Xung phong". Các chiến sĩ theo người chỉ huy bật dậy, kiên quyết phản kích, đẩy địch xuống chân đồi. Đồng chí bị thương nặng. Đồng chí Rô (Tiểu đôi trưởng) băng bó cho cấp trên của mình.

Đồng chí Giáp bình tĩnh, cầm tay đồng chí Rô căn dặn: "Chiến sự còn ác liệt Tôi bị thương. Đồng chí thay tôi chỉ huy phân đội chiến đấu, giữ vững trận địa đến cùng. Nhớ tiết kiệm đạn, diệt nhiều địch".

Địch lại hò nhau xông lên. Xạ thủ trung liên bị thương. Đồng chí Giáp cố lê người đến thay thế, dùng sức còn lại bắn mãnh liệt vào đội hình địch, diệt nhiều tên, cùng đơn vị bẻ gãy nhiều đợt tấn công của chúng và anh dũng hy sinh.

Tấm gương chiến đấu của đồng chí đã cổ vũ mạnh mẽ toàn đơn vị quyết tâm diệt nhiều địch, trả thù cho đồng đội, bảo vệ Tổ quốc.

Nông Văn Giáp được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngày 19/12/1979, Liệt sĩ Nông Văn Giáp được Chủ tịch nước CHXHCNVN truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVT).

2/ Nguyễn Đình Thuần (1953-1979), dân tộc Kinh, quê ở xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Khi hy sinh đồng chí là Trung úy Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 12, Bộ Tư lệnh CAVT, Đảng viên ĐCSVN.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Biên giới Tây Nam, Nguyễn Đình Thuần đã trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu. Ngày 28/11/1977, bị thương vào đùi, nhưng đồng chí vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến khi trận đánh kết thúc. Về trạm xá điều trị, vết thương chưa lành hẳn, đồng chí đã xin trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu góp phần cùng đơn vị lập công xuất sắc.

Năm 1978, Nguyễn Đình Thuần cùng đơn vị chuyển ra bảo vệ biên giới phía Bắc. Ngày 25/8/1978, đồng chí đã mưu trí, dũng cảm chỉ huy đơn vị, bằng tay không đánh đuổi bọn côn đồ gây rối ở Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).

Ngày 17/2/1979, một Trung đoàn quân xâm lược có xe tăng và pháo yểm trợ, tấn công vào trận địa của đơn vị do đồng chí phụ trách. Hướng chính diện địch có 2 tiểu đoàn. Đồng chí lệnh cho cối và hỏa lực của đơn vị bắn tập trung vào đội hình địch, đẩy lùi đợt tấn công của chúng. Thấy 8 chiếc xe tăng địch đang xông lên ở hướng trái, đồng chí chỉ huy các chiến sĩ dùng súng B40 vận động đón đánh, diệt 3 chiếc, bọn còn lại hoảng sợ tháo chạy.

Bị thương gãy nát cánh tay, đồng chí tự băng bó, tiếp tục chỉ huy chiến đấu, đẩy lùi đợt tấn công mới của địch. Lần thứ hai, đồng chí bị thương vào đùi quân y muốn đưa đồng chí về tuyến sau. Đồng chí nói: "Tôi còn đủ sức chiến đấu. Các đồng chí đừng lo cho tôi".

Địch lại ồ ạt xông lên hết đợt này đến đợt khác. Nguyễn Đình Thuần tiếp tục chỉ huy đơn vị đẩy lùi ba đợt tấn công nữa của địch. Nhưng đồng chí lại bị thương vào bụng. Quân y vừa băng bó vừa chuẩn bị đưa đồng chí về tuyến sau, Nguyễn Đình Thuần nói: "Tôi còn, các đồng chí còn. Chúng ta quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc". Nói xong đồng chí gắng gượng dùng súng AK diệt thêm một số tên địch nữa và anh dũng hy sinh.

Nguyễn Đình Thuần được truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba. Ngày 19/12/1979, Liệt sĩ Nguyễn Đình Thuần được Chủ tịch nước CHXHCNVN truy tặng danh hiệu AHLLVT.

3/ Nguyễn Văn Hiền (1950-1979), dân tộc Kinh, quê ở xã Thiệu Long, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa. Nhập ngũ năm 1969. Khi hy sinh đồng chí là Thiếu úy, Cán bộ Đồn 33, CAVT tỉnh Lai Châu (nay là Đồn Ma Lù Thàng, BĐBP Lai Châu), Đảng viên.
Đồn BP Ma Lù Thàng, nơi Thiếu úy Hiền hy sinh ngày 17/2/1979
Năm 1969, tốt nghiệp phổ thông, Nguyễn Văn Hiền xung phong nhập ngũ, trực tiếp chiến đấu chống Mỹ, cứu nước. Được vào lực lượng CAVT, đồng chí đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Làm chiến sĩ nuôi quân, làm quản lý, Nguyễn Văn Hiền đã thực sự liêm khiết và tận tụy chăm sóc các bữa ăn cho đơn vị. Được giao nhiệm vụ làm công tác cơ sở, đồng chí đã nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, hết lòng thương yêu đồng bào các dân tộc, tích cực động viên nhân dân đinh canh định cư, cải tiến kỹ thuật, nâng cao dần đời sống vật chất và tinh thần xây dựng phong trào bảo vệ trật tự trị an biên giới. Là một cán bộ gương mẫu mọi mặt, Nguyễn Văn Hiền đã lập nhiều thành tích trong chiến đấu bảo vệ tổ quốc.

Sáng ngày 17/2/1979, quân xâm lược có xe tăng, pháo yểm trợ, ồ ạt tấn công Đồn Biên phòng 33, Lai Châu, Nguyễn Văn Hiền chỉ huy một  phân đội dũng cảm chặn đánh địch ở mũi chính diện.

Dưới sự chỉ huy của đồng chí, phân đội đã đẩy lùi 15 đợt tấn công liên tiếp của địch, diệt hàng trăm tên, bắn cháy 2 xe tăng. Riêng đồng chí diệt 40 tên.

Địch tăng quân, ồ ạt tấn công. Nguyễn Văn Hiền chỉ huy đơn vị ngoan cường chiến đấu, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch. Bị thương vào tay, đồng chí tự băng bó, tiếp tục chỉ huy chiến đấu. Lần thứ ba, bị thương gãy cả hai chân, Nguyễn Văn Hiền vẫn không rời vi trí, tiếp tục động viên chiến sĩ phản kích địch quyết liệt.

Địch dùng chiến thuật biển người ào lên hết đợt này đến đợt khác. Đạn sắp hết, đồng chí lệnh cho 12 chiến sĩ phá vây, rút về tuyến sau, tiếp tục chiến đấu. Một mình ở lại ghìm chân địch và anh dũng hy sinh.

Nguyễn Văn Hiền được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất.Ngày 19/12/1979, Liệt sĩ Nguyễn Văn Hiền được Chủ tịch nước CHXHCNVN truy tặng danh hiệu AHLLVT.

4/ Lê Minh Trường (1960-1979), dân tộc Kinh, quệ ở phố Sơn Tây, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Khi hy sinh đồng chí là Binh nhất, chiến sĩ Đại đội 5, CAVT tỉnh Lạng Sơn, Đoàn viên ĐTNCSHCM.

Sáng ngày 17/2/1979, bộ binh xâm lược có pháo và xe tăng yểm trợ, ồ ạt tấn công vào hướng trận địa của Đại đội 5. Lê Minh Trường cùng đồng đội xông ra, chiếm lĩnh pháo đài Đồng Đăng, đánh trả địch quyết liệt.
Pháo đài Đồng Đăng, nơi Binh nhất Trường hy sinh

Thấy 8 xe tăng địch dẫn bộ binh xông lên, đồng chí dùng B40 tiếp cận mục tiêu, bắn cháy chiếc đi đầu. Những chiếc khác hoảng loạn tháo chạy. Lê Minh Trường đã góp phần tích cực cùng đơn vị bẻ gãy đợt tấn công ồ ạt của địch.

Sau khi củng cố đội hình, địch lại xông lên. Đồng chí nhằm thẳng chiếc xe tăng đi đầu, bóp cò. Nhưng quả đạn B40 lần này không nổ. Lê Minh Trường đã nảy ra cách đánh khác: Cùng một lúc giật tất cả giây cháy chậm của vài quả lựu đạn rồi tung vào xích xe tăng làm cho xích xe địch hỏng. Địch trong xe lóp ngóp chui ra, đồng chí dùng AK tiêu diệt. Những chiếc đi sau không dám tiến lên nữa. Nhưng bộ binh địch vẫn xông lên. Đồng chí cùng đồng đội bình tĩnh chiến đấu diệt hàng chục tên.

Địch cho một bộ phận  luồn sâu vào phía sau trận địa ta, đánh tạt sườn hòng chia cắt đội hình của Đại đội 5. Không sợ nguy hiểm, Lê Minh Trường đã di chuyển linh hoạt, kịp thời chặn địch, góp phần tích cực cùng đồng đội giữ vững pháo đài Đồng Đăng. Lần này đồng chí bị thương, nhưng tự băng bó, rồi tiếp tục chiến đấu cho đến lúc anh dũng hy sinh.

Lê Minh Trường được truy tặng 1 Huân chương Quân công hạng Ba. Ngày 19/12/1979, Liệt sĩ Lê Minh Trường được Chủ tịch nước CHXHCNVN truy tặng danh hiệu AHLLVT.

5/ Đỗ Sĩ Họa (1946-1979), dân tộc Kinh, quê ở xã Hồng Vân, huyện Ân Thi, tỉnh Hải Hưng. Khi hy sinh đồng chí là Thượng úy, Phó Đồn trưởng Đồn 209, CAVT tỉnh Quảng Ninh, Đảng viên ĐCSVN.

Đỗ Sĩ Họa đã tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, lập công xuất sắc được tặng thưởng Huân chương Chiến công, bị thương, sức khỏe giảm sút đồng chí vẫn tình nguyện lên bảo vệ biên giới phía Bắc.

Ngày 17/2/1979, quân xâm lược ồ ạt tấn công, Đồn trưởng đi công tác xa. Đỗ Sĩ Họa đã khẩn trương triển khai đội hình chiến đấu theo phương án, trực tiếp phụ trách hướng chính diện.

Đồn và các chốt bị pháo và cối của địch bắn cấp tập. Ở vị trí chỉ huy, Đỗ Sĩ Họa bình tĩnh quan sát địch. Khi địch ngừng bắn pháo để bộ binh xông lên, đồng chí đã dũng cảm, mưu trí chỉ huy đơn vị bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, diệt và làm bị thương nhiều tên.

Phát hiện hỏa lực lợi hại của ta ở Đồi Quế, địch dùng chiến thuật biển người ào lên. Các chiến sĩ chốt trên Đồi Quế ngoan cường chiến đấu, diệt nhiều tên địch. Nhưng vì lực lượng quá chênh lệch, Đồi Quế đã bị địch chiếm giữ.

Quyết giành lại, Đỗ Sĩ Họa đã tổ chức lực lượng tấn công địch, chiếm lại được Đồi Quế. Địch vừa ào lên hết đợt này đến đợt khác, vừa kêu gọi ta đầu hàng Đỗ Sĩ Họa trả lời: "Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết".

Đi tới từng ụ súng, đồng chí động viên chiến sĩ quyết tâm chiến đấu bảo vệ Đồn, bảo vệ Tổ quốc. Nhìn người chỉ huy mặt bê bết máu, ánh mắt rực lửa căm thù, các chiến sĩ vô cùng xúc động, tin tưởng. Noi gương người chỉ huy, cả đơn vị ngoan cường chiến đấu, tiêu diệt 227 tên địch, giữ vững trận địa.

Đỗ Sĩ Họa bị thương lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba cho đến lúc anh dũng hy sinh cũng không rời trận địa.

Đồn 209 được đề nghị tuyên dương Đơn vị Anh hùng. Đồng chí được truy tặng cấp hàm Thượng úy và Huân chương Quân công hạng Ba.Ngày 19/12/1979, Liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa được Chủ tịch nước CHXHCNVN truy tặng danh hiệu AHLLVT.

6/ Lộc Viễn Tài (1940-1979), dân tộc Tày, quê ở xã Vĩ Thượng, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Khi hy sinh đồng chí là Thượng úy, Đồn trưởng Đồn 155, CAVT Hà Tuyên (nay là Đồn Biên phòng Cốc Pàng, Bảo Lạc, Cao Bằng), Đảng viên ĐCSVN.
Đồn BP 155, nơi Thượng úy Lộc Viễn Tài hy sinh

Lộc Viễn Tài là cán bộ đã chỉ huy đơn vị đánh nhiều trận xuất sắc, đạt hiệu suất chiến đấu cao, giữ vững được trận địa, bảo vệ được dân.

Sáng ngày 17/2/1979, quân xâm lược dồn dập bắn pháo, cối dọn đường, rồi thúc quân ồ ạt tấn công Đồn 155 .

Lộc Viễn Tài bình tĩnh quan sát địch, đồng thời đi sát động viên từng chiến sĩ quyết tâm chiến đấu bảo vệ Đồn. Chỉ huy mũi chính diện, đồng chí trực tiếp bắn đại liên vào đội hình địch. Phát hiện 3 tên chỉ huy của địch, Lộc Viễn Tài đã lệnh cho cối bắn trúng, diệt chúng.

Đơn vị bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, tiêu diệt gần 100 tên, tạo điều kiện cho 2 tổ chốt diệt gần 100 tên nữa.

Bị thiệt hại nặng, địch cho bộ binh lui rạ để củng cố đội hình, đồng thời cho pháo bắn cấp tập vào trận địa ta. Nhưng khi bộ binh địch lại xông lên, chúng đã bị cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 155 đánh bật ra.
Lô cốt phòng ngự trước cổng Đồn 155

Ngày 5/3/1979, địch tập trung lực lượng quyết chiếm Đồn 155 và cao điểm 1379 của ta. Với thủ đoạn cho pháo bắn suốt một tiếng đồng hồ, sau đó dùng bộ binh chia thành nhiều mũi ồ ạt tấn công, nhưng địch vẫn bị đánh bật ra. Địch phải tăng quân.

Lợi dụng sương mù, Lộc Viễn Tài đã tổ chức lúc lượng phục kích, đánh dồn địch vào hầm chông, bãi mìn gài sẵn, diệt nhiều tên, buộc địch phải thu quân, củng cố đội hình, rồi mở đợt tiến công mới. Lộc Viễn Tài chỉ huy một tổ chặn đánh địch từ xa, chia cắt đội hình địch ra, tiêu diệt nhiều tên.

Quân địch quá đông, đạn sắp hết, đồng chí lệnh cho hai chiến sĩ rút lui, còn mình dùng những viên đạn cuối cùng ghìm chân địch, bảo vệ đồng đội. Trong tay còn hai quả lựu đạn nứa, Lộc Viễn Tài chờ địch đến gần, đồng chí giật nụ xòe, ném vào đội hình địch, diệt thêm gần chục tên và đã anh dũng hy sinh.
CBCS Đồn 155 hôm nay

Tính chung trong các trận chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, riêng Lộc Viễn Tài đã diệt 91 tên. Đồng chí được truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba. Ngày 19/12/1979, Liệt sĩ Lộc Viễn Tài được Chủ tịch nước CHXHCNVN truy tặng danh hiệu AHLLVT.

7/ Nguyễn Vũ Tráng (1948-1979), dân tộc Kinh, quê ở xã Minh Đức, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Khi hy sinh đồng chí là Trung úy, Chính trị viên phó Đồn 1, CAVT Lai Châu (may là Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu, huyện Phong Thổ, Lai Châu), Đảng viên.

Trong năm 1969, Nguyễn Vũ Tráng đã lập chiến công tham gia chiến đấu ở chiến trường C, đồng chí đã được khen thưởng và kết nạp Đảng tại trận địa Sau khóa đào tạo Sĩ quan Biên phòng, Nguyễn Vũ Tráng về Đội Công tác của CAVT Lai Châu, đồng chí luôn luôn tận tụy, nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, lăn lộn khắp địa bàn, tham gia xây dựng phòng tuyến nhân dân và thế trận mới bảo vệ biên giới.
Đồn 1, nay là Đồn BP Sì Lờ Lầu (Phong Thổ, Lai Châu)

Sáng ngày 17/2/1979, quân xâm lược bắn hàng ngàn quả pháo, rồi cho bộ binh ồ ạt tấn công Đồn Biên phòng số 1 của ta. Theo phương án đã được xây dựng và luyện tập, đồng chí chỉ huy mũi chính diện, chặn bước tiến của địch.

Ngay loạt đạn đầu, đơn vị đã diệt nhiều tên, địch hoảng hốt lui quân củng cố đội hình, lại xông lên. Nguyễn Vũ Tráng đã mưu trí dùng đá ném về phía địch, địch lầm tưởng là lựu đạn, chúng dạt ra, chiến sĩ ta có điều kiện lắp đạn tiếp tục chiến đấu.

Địch hò hét xông lên, Nguyễn Vũ Tráng quét 4 loạt súng, diệt 30 tên, cùng đồng đội diệt hàng trăm tên, đẩy lùi 15 đợt tiến công của chúng.

Ngày 6/3/1979, lợi dụng sương mù, địch cho nhiều mũi tấn công vào Đồn và Đại đội 5 của CAVT Lai Châu. Hiệp đồng chặt chẽ với Đại đội 5, Nguyễn Vũ Tráng chỉ huy đơn vị đánh địch quyết liệt, tiêu diệt 150 tên. Thấy khẩu 12,7 ly của chốt bạn bị hỏng hóc, đồng chí đã băng qua lưới đạn của địch đến sửa chữa súng cho đồng đội. Bị thương gãy cả hai chân, Nguyễn Vũ Tráng vẫn ngoan cường chỉ huy đơn vị chiến đấu.
Trạm BP Sì

Khi có lệnh lùi về phía sau, đồng chí xin ở lại cản giặc. Thấy chỉ còn một mình đồng chí, địch hò hét xông lên. Nguyễn Vũ Tráng dùng lựu đạn và súng AK đánh trả địch, diệt nhiều tên nữa và anh dũng hy sinh.

Nguyễn Vũ Tráng được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngày 19/12/1979, Liệt sĩ Nguyễn Vũ Tráng được Chủ tịch nước CHXHCNVN truy tặng danh hiệu AHLLVT.

8/ Võ Đại Huệ (1952-1979), dân tộc Kinh, quê ở xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Khi hy sinh đồng chí là Trung úy, Đại đội trưởng Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 16, Bộ Tư lệnh CAVT, Đảng viên.

Từ năm 1969 đến năm 1972, Võ Đại Huệ tham gia chiến đấu chống Mỹ trên các chiến trường Đường 9, Khe Sanh, Tây Nguyên... Đồng chí đã lập nhiều chiến công, được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Võ Đại Huệ tình nguyện sang CAVT và được điều động về Trung đoàn 16.
Sáng 17/2/1979, quân xâm lược cho pháo các cỡ bắn cấp tập, rồi dùng bộ binh có xe tăng yểm trợ ồ ạt tấn công vào khu vực Mường Khương (Lào Cai). Do chuẩn bị trước, sẵn sàng thế trận bảo vệ Tổ quốc, đồng chí đã chỉ huy đơn vị đánh trả địch quyết liệt, làm cho bộ binh địch không phối hợp được với xe tăng của chúng, phải ùn lại.

Võ Đại Huệ lệnh cho hỏa lực bắn chính xác vào đội hình địch, đồng thời trực tiếp chỉ huy một tổ dùng B40 chặn đánh xe tăng ở ngã ba Mạn Tuyển, diệt liên tiếp 2 chiếc. Nhiều chiếc khác xông vào phía Mường Khương. Đồng chí dẫn tổ B40 chạy tắt đường, đón đánh. Chiếc đi đầu bị bắn cháy. Nhiều chiếc sau ùn lại. Võ Đại Huệ trực tiếp bắn cháy 4 chiếc nữa.

Sáng ngày 18/2/1979, được pháo yểm trợ, địch cho lực lượng chia thành ba mũi tấn công lên núi Na Khuy. Võ Đại Huệ mưu trí và dũng cảm chỉ huy đơn vị đánh bật địch xuống, giữ vững trận địa. Cuộc chiến đấu ác hệt kéo dài nhiều tiếng đồng hồ.

Bị thương vào tay, nhưng đồng chí vẫn bình tĩnh chỉ huy và động viên chiến sĩ quyết tâm chiến đấu, diệt nhiều địch, giữ vững trận địa. 11 đợt tấn công của địch đã bị đẩy lùi. Đơn vị đã diệt 300 tên địch. Riêng đồng chí đã diệt 48 tên, trong đó có tên chỉ huy xe tăng.

Chiều ngày 18/2/1979, chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, Võ Đại Huệ chỉ huy đơn vị phá vòng vây dày đặc của địch, di chuyển đến vị trí mới, đồng chí đã anh dũng hy sinh.

Võ Đại Huệ được truy thăng cấp hàm Trung úy và truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngày 19/12/1979, Liệt sĩ Võ Đại Huệ được Chủ tịch nước CHXHCNVN truy tặng danh hiệu AHLLVT.

9/ Quách Văn Rạng (1956-1979), dân tộc Mường, quê ở xã Thành Công, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Khi hy sinh đồng chí là Trung sĩ, Trung đội phó, Đồn 125, CAVT tỉnh Hoàng Liên Sơn, Đảng viên.

Quách Văn Rạng đã có nhiều công lao trong việc xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện và xây dựng thế trận bảo vệ Tổ quốc ngay ở tuyến đầu do Đồn 125 phụ trách.
Cột mốc tại Đồn BP Cửa khẩu Lào Cai, nơi Trung sĩ Rạng hy sinh
Ngày 17/2/1979, quân xâm lược có xe tăng và pháo yểm trợ tấn công vào Đồn biên phòng 125 và khu vực thị xã Lào Cai. Thực hiện quyết tâm chiến đấu của đồn, Quách Văn Rạng đã mưu trí, dũng cảm chỉ huy đơn vị đánh trả quyết liệt, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của chúng, giữ vững trận địa đầu cầu (bên bờ sông Nậm Thi).

Chiều hôm đó, đồng chí dẫn hai chiến sĩ vượt khỏi chiến hào tiến đánh xe tăng địch ở khu vực dốc Máng Nước, thị xã Lào Cai, bắn cháy 2 xe tăng của địch, diệt nhiều tên.

Khi đơn vị di chuyển trận địa, tổ Quách Văn Rạng xung phong ở lại chiến đấu chặn địch và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 5 ngày đêm trong vòng vây của địch, đồng chí cùng đồng đội tìm đường về đơn vị phối hợp chiến đấu.

Trong một trận chiến đấu, một chiến sĩ bị lạc, một chiến sĩ bị thương nặng. Quách Văn Rạng vừa cõng đồng đội vừa mang vũ khí gồm B40, AK và lựu đạn luồn lách trong rừng. Địch phát hiện, chúng xông đến quá đông.

Đồng chí đưa chiến sĩ bị thương vào chỗ khuất ẩn nấp, nói: "Không thể để cả hai người cùng sa vào tay giặc", rồi nhạy ra, đánh lạc hướng địch. Địch bâu đến. Chúng hò nhau bắt sống.

Quách Văn Rạng ném hai quả lựu đạn cuối cùng, diệt nhiều tên, nhưng đồng chí không thoát khỏi trước bọn lính đông đặc

Bị địch bắt, chúng tra tấn dã man, ép đồng chí chỉ đường về vị trì mới của đơn vị. Quách Văn Rạng giữ tròn khí tiết, quyết không khai. Địch đã giết hại đồng chí ngay tại trận. Ở nơi ẩn nấp, người đồng đội bị thương đã chứng kiến hành động quả cảm của Quách Văn Rạng.
Trong hơn 5 ngày đêm liên tục chiến đấu, riêng Quách Văn Rạng đã lập công xuất sắc và quên mình để cứu đồng đội.Quách Văn Rạng đã được truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba.Ngày 19/12/1979, Liệt sĩ Quách Văn Rạng đã được Chủ tịch nước CHXHCNVN truy tặng danh hiệu AHLLVT.
-------------------------------------
* Hình ảnh các Đồn Biên phòng ngày nay, cách đây 33 năm là những trận địa khốc liệt ngăn bước tiến của quân xâm lược và trở thành di tích của BĐBP

11 nhận xét:

  1. Sao khi xưa VN anh hùng thế nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nay cũng thế thôi, có giặc thì ta lại lên đường.

      Xóa
  2. Người Quảng Ngãi10:41:00 17 thg 2, 2012

    Xin thắp 01 nén nhang cho các anh - Những người lính đã quên mình hi sinh cho Tổ quốc.

    Trả lờiXóa
  3. Gửi đến các anh sự kính phục cao quý nhất! Tổ Quốc và Nhân Dân chân chính sẽ mãi ghi nhớ sự hy sinh của các anh!

    Trả lờiXóa
  4. Các anh luôn là những lá chắn vững chắc nhất nơi biên cương địa đầu của Tổ quốc Việt Nam mến yêu. Mà không có bom đạn kẻ thù nào có thể xâm chiếm được đất nước ta.

    Hôm nay ngày 17/2/2012. 33 năm không bao giờ quên ngày quân khốn nạn Bắc Kinh giày xéo nhân dân ta. Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

    Xin gửi đến các anh nén hương kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ và ghi công vô vàn đến anh linh các anh.

    Trả lờiXóa
  5. Xin hát mãi về các anh, người chiến sĩ biên cương.

    Trả lờiXóa
  6. Chả biết dư lào chứ nhà cháu đọc được ở đâu đấy có nhà lịch sử học nói rằng thời bình thì dân An Nam ta tính đoàn kết hơi bị không được cao lắm nhưng khi nhà có chiến tranh thì vạn người như một, một lòng chiến đấu hi sinh bảo vệ Tổ quốc.
    “…Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm…”

    Trả lờiXóa
  7. Lê Bình Nguyên15:49:00 17 thg 2, 2012

    Xin tưởng nhớ đến các anh ,những người lính dũng cảm đã ngã xuống bảo vệ từng tấc đất biên cương.
    Cám ơn nhà báo Mai Thanh Hải đã có loạt bài rất cảm động về các chiến sĩ Biên phòng trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc năm 1979.

    Trả lờiXóa
  8. Xin cúi đầu trước anh linh các liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước.

    Trả lờiXóa
  9. Rất nhiều người âm thầm tưởng nhớ các anh.
    Tôi cũng là đồng đội của các anh thời đó.
    Nhưng tiếc thay những hy sinh mất mát, những ngày lịch sử đó đang dần bị cố tình quên lãng, ngày 17/2/1979 như đang trở thành ngày "nhạy cảm".
    Cái gì đó cứ làm ta nghẹn, nghẹn, đắng lòng.

    Trả lờiXóa
  10. đọc xong tôi thật sự xúc động, các anh chiến sĩ thật sự là các bậc anh hùng vĩ đại, sự hy sinh vĩ đại của các anh sẽ luôn luôn nung cháy lòng yêu nước trong mỗi thế hệ trẻ 9x như tôi, chúng tôi thề sẽ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc đất mẹ thiêng liêng này đến cùng, và nếu bọn Chó Tàu khựa sang xâm lược lần nữa thì... tôi thề sẽ giết hết chúng!!!!

    Trả lờiXóa