15 tháng 2, 2012

NGƯỜI LÍNH ĐẦU TIÊN NGÃ XUỐNG, TRƯỚC CUỘC TẤN CÔNG CỦA TRUNG QUỐC TRÊN BIÊN GIỚI PHÍA BẮC, THÁNG 2/1979

Mai Thanh Hải - Cái tên Lê Đình Chinh quen thuộc với mình, từ cách đây hơn 30 năm.

Hồi ấy, tuy còn bé tý nhưng vẫn nhớ Đài Tiếng nói Việt Nam, suốt ngày ra rả hát bài "Chúng tôi là đồng đội Lê Đình Chinh" và đọc vô vàn những bài xã luận, phản ánh... kể chuyện, phát động, nêu gương Anh hùng Lê Đình Chinh.

Thậm chí hồi ấy, mình nhớ còn có khá nhiều sách truyện viết về anh, kể cả truyện tranh, vẽ hình to tướng...

Tất cả để thấm vào đầu mình: Anh Lê Đình Chinh là tấm gương yêu nước của cả 1 thế hệ thanh niên yêu nước Bảo vệ Tổ quốc, trước bọn bành trướng bá quyền Trung Quốc tàn ác, thâm độc và tham lam.

Hơn 30 năm đã qua đi, lịch sử nước ta hình như có nhiều chương bị che phủ, nên rất nhiều người không biết đến cuộc Chiến tranh Vệ quốc 1979-1989 với bao địa danh thấm đẫm máu bộ đội - nhân dân, bao nhiêu tên người làm thành ý chí quật cường nước Việt giữ đất biên cương ... Sự quên lãng ấy, nguy hiểm lắm.

Sự nguy hiểm này còn đồng nghĩa với có tội, với bao người đã ngã xuống, hiến dâng tuổi xuân  trong trắng cho sự toàn vẹn lãnh thổ, cương vực bờ cõi cha ông.
Thi thể Thượng sĩ Lê Đình Chinh

Một trong những người như vậy là Liệt sĩ Lê Đình Chinh, anh ngã xuống khi tròn 18 tuổi và anh là "Người chiến sĩ đầu tiên của các Lực lượng Vũ trang chúng ta hy sinh ở tuyến Biên giới phía Bắc, kể từ khi nhà cầm quyền Trung Quốc gây ra các cuộc xung đột, tranh chấp biên giới từ năm 1974".
------------------------------------------------------
Cuốn "Các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân", do Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản, ghi rõ:
Lê Đình Chinh sinh năm 1960, quê ở xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Trú quán tại Nông trường Sông Âm (huyện Ngọc Lạc, tỉnh Thanh Hóa).

Khi hy sinh, đồng chí là Thượng sĩ, Tiểu đội trưởng, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Đoàn viên Đoàn TNCSHCM).

Ở gia đình Lê Đình Chinh là người con ngoan, ở Trường Phổ thông Lê Đình Chinh là học sinh giỏi toàn diện, là đội viên tốt. Lê Đình Chinh luôn luôn gương mẫu, hăng hái phấn đấu, rèn luyện tốt, được mọi người rất quý mến. Được vào Lực lượng Công an nhân dân vũ trang, Lê Đình Chinh học tập, rèn luyện hăng say, luôn luôn nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, trưởng thành nhanh chóng và vững chắc.
Lính TQ (mũ vải) khiêu khích Bộ đội ta tại khu vực biên giới
Lê Đình Chinh đã tham gia chiến đấu nhiều trận chống quân Pôn Pốt-Iêng-xa-ri gây chiến tranh Biên giới Tây Nam. Đồng chí đã diệt và làm bị thương nhiều tên địch, góp phần tích cực bảo vệ vũng chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh Biên giới của Tổ quốc.

Ngày 25/8/1978, hàng chục tên côn đồ đã vượt biên giới sang đất ta hành hung cán bộ, phụ nữ và nhân dân địa phương. Lê Đình Chinh đã mưu trí tấn công địch, bằng tay không đánh gục hàng chục tên côn đồ góp phần tích cực cùng đơn vị và nhân dân biên giới giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực Biên phòng ải Bắc.

Lê Đình Chinh đã anh dũng hy sinh, nêu gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã kịp thời tuyên dương công trạng và truy tặng đồng chí Huy hiệu "Vì thế hệ trẻ"; phát động trong thế hệ trẻ Việt Nam phong trào "Sống, chiến đấu rực lửa Anh hùng như Lê Đình Chinh".
Lính TQ đe dọa phóng viên ghi hình hành động khiêu khích

Ngày 31/10/1978, Liệt sĩ Lê Đình Chinh được Chủ tịch nước CHXHCNVN truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân".

Cụ thể hơn về trường hợp hy sinh của Thượng sĩ Lê Đình Chinh, tài liệu từ BĐBP cho biết:

Ngày 12/7/1978, phía Trung Quốc đột ngột ra lệnh đóng Cửa khẩu. Từ đó, số người Hoa bị chặn lại ứ nghẽn ở các Cửa khẩu ngày càng đông (Bắc Luân hơn 1.000 người; Hữu Nghị hơn 4.000 người; Lào Cai 500 người). Họ sống trong cảnh "màn trời, chiếu đất" gây nhiều khó khăn cho ta trong việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Vì vậy, vấn đề giải tỏa người Hoa ở các Cửa khẩu trở thành nhiệm vụ cấp bách.

Ngày 8/8/1978, ta thực hiện kế hoạch giải tỏa người Hoa ở Cửa khẩu Bắc Luân (Quảng Ninh).

Đúng 9 giờ 25 phút, Đội Công tác (gồm 25 chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang, 13 đồng chí Cảnh sát nhân dân, 6 cán bộ Y tế và các Phóng viên báo chí quay phim, nhiếp ảnh) lên cầu giải thích, vận động người Hoa quay trở lại sinh sống ở Việt Nam.
Biên phòng VN (phải) và Biên phòng TQ (trái) trong 1 buổi trao đổi
Khi đoàn công tác vừa bước chân lên tới đầu cầu, thì bị bọn côn đồ ném gạch đá tới tấp vào đoàn ta, làm cho một số đồng chí bị thương. Do có kế hoạch trước nên khi xảy ra xung đột, các lực lượng ta liền tập trung tấn công trấn áp những tên côn đồ đầu sỏ, đuổi chúng chạy dạt về bên kia biên giới.

Đến 10 giờ 10 phút, cả 700 người Hoa ùn tắc tại Cửa khẩu kéo nhau chạy về bên kia cầu. Tình hình khu vực cửa khẩu Bắc Luân được kiểm soát.

Tại khu vực Cửa khẩu Hữu Nghị, đến đầu tháng 8/1978, số người Hoa ùn lại đã lên tới trên 4.000 người. Họ dựng lán bừa bãi ở khu vực cấm, ăn ở rất mất vệ sinh. Bọn phản động trong số người Hoa chuẩn bị gây rối trật tự trị an ở khu vực cửa khẩu.

Kiên quyết không để tình trạng này kéo dài, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Cao Lạng quyết tâm giải toả toàn bộ số người Hoa đang ùn lại Cửa khẩu.
Gián điệp TQ bị bắt giữ, 1978-1979

Ban "Giải toả người Hoa" được thành lập. Tỉnh ủy Cao Lạng huy động lực lượng Công an nhân dân vũ trang cùng các lực lượng khác ở địa phương phối hợp tham gia kế hoạch giải toả, lấy lực lượng Đồn Biên phòng Hữu Nghị và Trung đoàn 12 (Đoàn Thanh Xuyên) làm nòng cốt.

Thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Đảng đoàn Bộ Nội vụ, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang cử đồng chí Đại tá Trịnh Trân, Tham mưu trưởng lên Lạng Sơn trực tiếp chỉ đạo giải tỏa ở khu vực Cửa khẩu Hữu Nghị.

Rút kinh nghiệm từ việc đấu tranh giải toả người Hoa ở Bắc Luân, ngày 25/8/1978, ta thực hiện kế hoạch giải toả Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).
Thám báo TQ đột nhập qua biên giới, bị BĐBP bắt giữ
Đúng 8 giờ 30 phút sáng, đoàn cán bộ Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Lạng, Quảng Ninh, TP. Hà Nội và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cao Lạng, các Y bác sĩ với sự bảo vệ của 25 cán bộ, chiến sĩ Đồn Hữu Nghị và 20 đồng chí của Đại đội 6, Trung đoàn 12 (được tăng cường bảo vệ tại kilômét số 0) đến thăm hỏi, động viên bà con người Hoa trở về nơi ở cũ làm ăn sinh sống bình thường. Thì bọn côn đồ lăm lăm gậy gộc, dao quắm, gạch đá trong tay và được sự chi viện của 500 Công an từ bên kia biên giới tràn sang kilômét số 0, chiếm lĩnh đồi Pò Cốc Phung, xông vào hành hung đoàn Cán bộ ta.

Lực lượng bảo vệ của ta do đồng chí Hứa Viết Pháy chỉ huy đã dũng cảm bảo vệ đoàn Cán bộ, quật ngã hàng chục tên côn đồ, chặn đường tiến công của chúng, tạo điều kiện cho các đồng chí của mình đưa đoàn Cán bộ Dân vận xuống chân đồi.

Từ bên kia biên giới, bọn côn đồ lại ùn ùn kéo sang. Trên đỉnh đồi, hàng trăm tên côn đồ và Công an H1 (?) vẫn đứng đông đặc.

Tình hình ngày càng trở nên căng thẳng, Ban Chỉ đạo "Giải toả người Hoa" quyết định điều thêm lực lượng của Đồn Hữu Nghị và Đại đội 6 Trung đoàn 12 lên chi viện.

Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra rất các liệt trên sườn đồi Pò Tèo Hào ở sát Cửa khẩu Hữu Nghị.

Một Tiểu đội thuộc Đại đội 6 Trung đoàn 12 do Tiểu đội trưởng Lê Đình Chinh chỉ huy, cùng các chiến sĩ lao thẳng lên đồi Pò Cốc Phung, bằng gậy gộc, gạch đá lấy được của địch, các chiến sĩ ta đánh gục hàng chục tên côn đồ hung hãn.

Đại đội trưởng Nguyên dẫn đầu một tổ, đánh dạt bọn côn đồ lên trận đỉnh đồi, đánh gục tên cầm loa làm cho hắn ngã lăn xuống tận sườn đồi bên kia.

Tiểu đội trưởng Lê Đình Chinh vượt qua trận mưa gạch đá, xông vào đánh gục 4 tên côn đồ, cứu được bà Thuận đang nằm ngất xỉu sau một tấm sạp.

Giữa vòng vây của đối phương, Lê Đình Chinh nghe tiếng kêu cứu của đồng đội Lê Xuân Tước, anh quay ngoắt lại, xông vào đánh gục 5 tên côn đồ đang vây chặt lấy Tước, cứu Tước thoát nạn.

Đang xông lên truy kích địch, Lê Đình Chinh bị một tên địch ném đá vào gáy, máu chảy đầm đìa nhưng Chinh vẫn xông lên tấn công bọn côn đồ. Bất ngờ, bọn côn đồ nấp sau một chiếc lán dùng gậy vụt ngang ống chân Lê Đình Chinh. Anh mất đà ngã sấp xuống.
Trao tặng chân dung và tiền úng hộ cho mẹ LS Lê Đình Chinh
 4 tên côn đồ lao tới dùng dao quắm chém tới tấp vào đầu, vào cổ anh. Lê Đình Chinh anh dũng hy sinh lúc 10 giờ 30 phút trên đồi Pò Cốc Phung.

Giữa trưa, Ban Chỉ đạo gồm các đồng chí: Trường Minh (Bí thư Tỉnh ủy Cao Lạng), Trung tướng Đàm Quang Trung (Tư lệnh Quân khu 1), Đại tá Trịnh Trân (Tham mưu trưởng Công an nhân dân vũ trang) đang họp thì nghe tin xảy ra xung đột lớn ở khu vực Cửa khẩu Hữu Nghị.

Đồng chí Trịnh Trân lập tức lên trực tiếp chỉ đạo đấu tranh và quyết định điều gấp Trung đoàn 12 lên chi viện, quyết chiếm lại điểm cao Pò Cốc Phung. Đúng 15 giờ, lực lượng chi viện của ta nhất loạt xông lên.

Tiếng hô "xung phong" vang dậy núi rừng biên cương. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 dũng mãnh xông lên, đánh thẳng vào các điểm chốt đối phương, chiếm giữ trái phép trên các ngọn đồi.
Anh hùng - Liệt sĩ Lê Đình Chinh

Trước khí thế áp đảo của các chiến sĩ ta, bọn côn đồ kinh hồn bạt vía, chúng xô đẩy nhau, đạp lên nhau tháo chạy, trên 4.000 người Hoa bị ứ nghẽn tại đây cũng ùn ùn kéo nhau chạy theo về bên kia biên giới.

Ngay lập tức, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang dàn thành một hàng ngang, dùng những vật liệu đã chuẩn bị sẵn như dây thép gai, gạch đá, chông, mìn rào chặt biên giới.

Lúc 17 giờ 25 phút, lá cờ đỏ sao vàng của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 12 được kéo lên đỉnh đồi Pò Cốc Phung - nơi Lê Đình Chinh vừa mới hy sinh.
-----------------------------------------------------
* Đầu năm 2011, Báo Thanh niên đã có bài viết về Anh hùng Lê Đình Chinh, sau đó có trao cho mẹ anh Chinh (cụ Khương Thị Chu) bức ảnh của anh cùng số tiền 15 triệu đồng do bạn đọc quyên góp, gửi tặng. Khi đó, mẹ Chu mong các ngành, đặc biệt là Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và tỉnh Lạng Sơn cho phép gia đình được đưa hài cốt của anh Chinh về an táng tại quê nhà. “Trong trường hợp, nơi chôn cất Chinh trước đây đạn, pháo cày xới nhiều lần, thân xác không còn, gia đình cũng yên lòng mang nắm đất nơi Chinh nằm xuống về chôn cất” - Mẹ Chu nói.

(Còn tiếp)

21 nhận xét:

  1. Cám ơn anh Hải! Bao giờ đọc những trang viết của anh về hải đảo và biên cương cũng trào lệ. Mong sao có nhiều hơn nữa những nhà báo đầy tâm huyết với quê hương, Tổ Quốc như anh. Ước sao thế hệ trẻ được đọc nhiều những bài viết về Tháng Hai của anh, để họ không biết quên lãng về "những chương lịch sử bị bao phủ" ấy ! Chúc anh thật nhiều sức khỏe, chắc tay bút, vững vô lăng để cùng chú Tuấn đưa nhiều cơm thịt đến với vùng cao!

    Trả lờiXóa
  2. cám ơn Anh Hải chắc chỉ có trang của anh là còn nhớ đến những đồng đội của chúng mình đã nằm xuống ngày 17/2/1979 ,đã nhiều năm nhà nước ôm 16 chử ...vàng giả mà quên đi đạo lý, quên đi việc giáo dục lớp trẻ phải nhớ tội ác của giặc tàu năm 1979 với dân tộc ta.sự hy sinh của đồng đội có ý nghĩa gì không ? mà chẳng nghe một bài báo nào ca ngợi nhắc nhở đến vong linh các anh mỗi khi ngày 17/2 hàng năm lại về ! cám ơn anh với những bài viết tâm huyết xúc động ! cám ơn Anh !

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  4. Nữa đi Hải ơi. Không có những bài viết như thế này chắc biến cố năm 79 chỉ có trong sử sách ở vài chục năm sau. Khi đó e rằng muộn mất rồi.

    Trả lờiXóa
  5. Nhờ Anh Hải mà tôi (người sống trong hòa bình) hôm nay mới biết được có một anh hùng như thế, đã góp phần máu thịt để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của cha ông đã bao đời gầy dựng. Hôm nay chỉ vì 16 chử Trời Ơi kia mà người ta nở cố tình che phủ những công trạng lớn lao của người đã hy sinh cho Tổ Quốc.
    Xin thắp nén hương lòng để tri ân người anh dũng của tuổi trẻ Việt Nam. Cảm ơn anh Hải

    Trả lờiXóa
  6. Hồi ấy tôi là một đứa trẻ, nhưng vẫn còn nhớ tên anh, người anh hùng của Việt nam.
    Người Việt nam tự hào về anh! Kẻ thù giết được anh, nhưng tên tuổi của anh sẽ mãi mãi khắc ghi trong lòng người dân nước Việt!

    Trả lờiXóa
  7. Bài viết hay quá, ngày bé (những năm 80) chúng tôi cũng được cô giáo chủ nhiệm dậy cho bài hát về anh hùng Lê Đình Chinh, lúc đó ai cũng say sưa hát và thuộc lòng. "Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh, nghe đất nước gọi như tiếng gọi của chính mình. Tuổi thanh xuân anh đẹp sao, vì Tổ quốc hiến dâng dòng máu, nguyện theo anh thế lập chiến công đầu..."
    http://www.youtube.com/watch?v=6G7GZsetrQE
    Cảm ơn anh Thanh Hải. Cảm ơn những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của tổ quốc.

    Trả lờiXóa
  8. Lê Bình Nguyên05:37:00 16 thg 2, 2012

    Tháng 7/1979 tôi là 1 binh nhì ,vừa qua khoá huấn luyện tân binh của CAVT được tăng cường cho đồn Hữu nghị.Nhiệm vụ chính của mấy chú lính mới bọn tôi là giúp anh nuôi nấu cơm ,vắt cơm nắm , dồn nước vào bi đông , giúp các anh quân khí lau chùi vũ khí , lắp đạn rời vào băng...Tuần tra,theo dõi bọn CABP Tàu và bọn gây rối là do các anh lính cũ làm .Thi thoảng cũng được đi tuần tra thì chỉ ở đội hình 2, tức là cứ 2 lính cũ kèm 1 lính mới .Khi người Hoa từ VN tràn về TQ thì có các Trung Đoàn 12 ,trong đó có Tiểu đoàn 2 của anh Lê Đình Chinh từ Campuchia về tăng cường. Trung đoàn12 là lực lượng cơ động thiện chiến của CAVT khi đó, vũ thuật của lính 12 đáng nể lắm...Cái ức nhất của bọn tôi khi đó là đứa nào cũng có súng ,có đủ cơ số đạn mà luôn bị cấm dùng vũ khí . Giá hồi đó được bắn thì đừng hòng bọn nó sát hại được LĐC.Một băng của khẩu K54 có 8 viên,ở cự ly gần thì chấp 8 thằng lính Sơn cước ,chứ đừng nói bọn côn đồ với dao quắm...Vẫn nhớ đi tuần với anh Khang tiểu độ phó ,anh luôn nhắc , chúng mày cứ để ý ,thằng nào cắt tóc ngắn , mặt mũi béo tốt chắc chắn là CABP Tàu cải trang ,túm lấy chúng nó , đánh bỏ mẹ chúng nó cho tao...

    Trả lờiXóa
  9. "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới,toàn quân dân ta vào trận đánh mới.Quân xâm lược bành trướng dã man đã giày xéo mảnh đất tiền phương,lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp giải biên cương..."đây là lời của một bài hát mà bọn mình thường hát ở đơn vị cách đây hơn ba mươi năm.Thời gian đó đơn vị mình đóng quân ở Nghệ Tĩnh một địa bàn cũng rất có vị trí chiến lược đề phòng việc đổ bộ bằng đường biển nếu chiến tranh xẩy ra trên quy mô mở rộng.Sự kiện Lê Đình Chinh là bước mở đầu cho cuộc tấn công ồ ạt và mở rộng trong chiến dịch biên giới của Bắc Kinh.Thời gian cứ dần trôi,sự kiện cứ phai dần không biết liệu có nhiều người có còn nhớ tới con người,địa danh,sự việc đã xẩy ra nữa không?Hình như người ta đã cố tình quên để đề cao giá trị của 16 chữ vàng với người bạn láng giềng 4 tốt.Không biết những chiếc đèn lồng đỏ được treo dày đặc theo chỉ thi của quan chức CQ Thành phố Lào Cai là để thể hiện màu máu của các liệt sĩ đã đổ xuông trong công cuộc bảo vệ biên cương cha ông(theo cách nghĩ của nhà cầm quyền TP)sao?Một sự mập mờ đang bị lợi dụng nhằm phục vụ cho ai?
    CCBTV

    Trả lờiXóa
  10. Chung toi la đong đoi cua Le đinh Chinh..nghe đat nuoc goi nhu tieng goi cua tim minh...Loi bai hat đo van mai vang trong toi ,du đa doi xa quan ngu 15 nam roi,ngay ay van con mai trong tim.Tiec rang bgio hinh nhu ko con ai nho bai hat đo nua

    Trả lờiXóa
  11. Anh Hải ơi, ngày nào em cũng váo blog của annh, hôm nay mới biết thông tin này. Trong TP. HCM có một con đường ghi là đường Lê Đình Chính. vậy có phải là người liệt sĩ này không anh? Vậy tên nào là đúng vậy? Em băn khoăn quá!

    Trả lờiXóa
  12. ( Hơn 30 năm đã qua đi, lịch sử nước ta hình như có nhiều chương bị che phủ, nên rất nhiều người không biết đến cuộc Chiến tranh Vệ quốc 1979-1989 với bao địa danh thấm đẫm máu bộ đội - nhân dân, bao nhiêu tên người làm thành ý chí quật cường nước Việt giữ đất biên cương ... Sự quên lãng ấy, nguy hiểm lắm.)
    Không phải tất cả đều quên đâu anh, vẫn còn rất nhiều người nhớ...em còn nhớ ngày ấy các cô chú tự vệ ở cơ quan còn bàn nhau có nên đào hầm giống hồi bom Mĩ không..cô em làm ở Liên đoàn địa chất ở Lào cai về đến nơi bảo nó giết nhiều người mình lắm...

    Trả lờiXóa
  13. cảm ơn anh Hải, đọc sử thế này mới sướng!!!

    Trả lờiXóa
  14. Hôm nay tôi mới biết về anh hùng Lê Đình Chinh, không biết làm gì để chứng tỏ lòng ngưỡng mộ, tình yêu đối với anh, là một anh hùng của đất nước; Tôi tự nhủ, sẽ đi đến đường Lê Đình Chinh, dành một ít phút để chiêm nghiệm về anh, và sẽ dành nhiều phút để kể cho con cháu nghe vể bọn Tàu xâm lược Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  15. Cám ơn bác nhé, quả thật em chỉ biết Mr LÊ đình Chinh là liệt sỹ chứ còn ở hoàn cảnh nào em chịu, thế mới biết những vụ liên quan dến năm 79 được giấu kỹ thật. Cám ơn bác nhé!!!!!!!!

    Trả lờiXóa
  16. Mình rất thích các bài viết của Mai Thanh Hải, nhẹ nhàng nhưng rất máu lửa.

    Trả lờiXóa
  17. em còn nhớ bài hát " Dậy mà đi hỡi đồng bào oi, thằng Trung Quốc nó sang VN, cầm dao găm giết Lê Đình Chinh"

    Trả lờiXóa
  18. Nguyễn Minh Tuấn16:25:00 21 thg 2, 2012

    Tôi vẫn nhớ dòng chữ khắc trên mộ các AHLS vô danh trên quảng trường Đỏ:"không ai bị lãng quên, ko việc gì bị lãng quên". Đúng là ko phải tất cả đều quên đâu"lúc đó tôi đang là lính PK ", mỗi khi đến ngày 17/2, tôi vẫn làm như vô tình hỏi con tôi và đồng nghiệp xem có ai nhớ ngày này ko, ai ko nhớ tôi sẽ nói rõ ngay, tôi tự làm vậy vì ngày này đã in sâu vào trí óc tôi mãi ko mờ:một mối thù truyền đời!.

    Trả lờiXóa
  19. Không tên: Tôi rất xúc động khi được đọc bài viết của anh Hải, cám ơn anh đã cho tôi hiểu thêm về liệt sỹ Lê Đình Chinh. Cám ơn anh nhiều

    Trả lờiXóa
  20. Tôi không nhờ tên bài hát là gì anh Hải ạ, tôi chỉ thuộc lời là là: Trên đất nước thân yêu, những con đường biên giới, nơi ông cha gìn giữ bao đời, ngày lại ngày chúng ta đi trên con đường dó, biết bao anh hùng đã ngã xuống nơi đây.....Anh có viết tên bài hát này không, vui lòng cho tôi biết với, vì tôi rất cảm phục sự hy sinh của liệt sỹ lê Đình Chinh. Xin cám ơn anh

    Trả lờiXóa