18 tháng 2, 2012

NGÃ XUỐNG, KHI CHƯA NHẬN QUÂN HÀM...

Mai Thanh Hải - Trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược từ tháng 2/1979 đến tận 1989, rất nhiều Học viên của các Học viện, Nhà trường Quân đội đã anh dũng chiến đấu và hy sinh, khi chưa nhận Bằng Tốt nghiệp và chưa được gắn Quân hàm Sĩ quan.

Thi thoảng vào Phòng Truyền thống của các Trường, mình thường gặp những gương mặt trẻ măng như vậy, má đầy lông tơ nhưng vẫn cố gắng nghiêm nghị, trong quân phục Học viên, đúng theo kiểu "mắt nhìn thẳng, quân dung tươi tỉnh" từ khung ảnh trên tường. Các anh nằm xuống, khi tuổi đời còn quá trẻ và mình chắc linh hồn các anh rất thiêng.

Mình thấm thía những lời giới thiệu về các anh, tưởng như rất quen thuộc và... quy lát: "Học viên Nhà trường Quân đội, không chỉ học tập tốt, rèn luyện giỏi trong Nhà trường, mà khi bất ngờ bước vào cuộc chiến, đã khẳng định được tố chất chỉ huy - lãnh đạo và nhất là anh dũng chiến đấu, như những người lính chiến thực thụ"...

Phòng Truyền thống của Học viện Hải quân (Nha Trang, Khánh Hòa), ghi thành tích của Cán bộ - Học viên:

Giữa năm 1987, tình hình quần đảo Trường Sa ngày càng căng thẳng. Hải quân Trung Quốc tăng cường thăm dò, xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam, mặc dù Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam.

Trước tình hình đó, Nhà trường đã kịp thời giáo dục nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa, với tinh thần "Sẵn sàng đi làm nhiệm vụ khi có lệnh".

Đầu năm 1988, Nhà trường được lệnh chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Ngày mùng 3 Tết Mậu Thìn, 4 Sĩ quan Phạm Hồng Thuận. Nguyễn Lương Trí, Phạm Phúc Lộc và Hồ Ngọc Lĩnh được điều về tăng cường cho Sở Chỉ huy Chiến dịch CQ-88 tại Cam Ranh.
Ngày mùng 5 Tết Mậu Thìn, tàu HQ-652 của Nhà trường lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ đảo.

Ngày 25/2/1988, hai Bác sĩ Trần Quang Vinh và Nguyễn Ngọc Thạch được điều về tăng cường cho Lữ đoàn 146.

Ngày 3/3/1988, Tư lệnh Hải quân ra quyết định số 12/QĐ điều 800 Cán bộ, Học viên chiến sĩ của Nhà trường sẵn sàng đi làm nhiệm vụ chiến đấu.

Nhà trường được giao thêm nhiệm vụ chính trị là chuyển tải hàng ra đảo xây dựng trận địa và tăng cường lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Các Sĩ quan Hồ Sĩ Đác, Nguyễn Văn Trí, Trần Quang Khuê được điều về tăng cường cho đơn vị chiến đấu. Tàu HQ-653 được lệnh đi làm nhiệm vụ bảo vệ đảo.

Một số cán bộ chủ trì như Hiệu trưởng Trần Doãn Oánh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lê Thiết Thực, Trưởng Khoa Hàng hải Lê Đình Tường đã xuống tàu đi những chuyến đầu tiên để rút kinh nghiệm chỉ đạo.

Ngày 21/3/1988, Đội chuyển tải tàu Thuận An 02 do Đại úy Dương Kim Tịnh làm Đội trưởng, Đại úy Lê Văn Định làm Đội phó cùng Học viên hai lớp H 31 và KH 5 chở hàng đi đảo Tiên Nữ đã xuất phát, mở màn cho Chiến dịch CQ-88.

"Tất cả cho Trường Sa, tất cả vì Trường Sa" đã trở thành khẩu hiệu hành động của mọi Cán bộ, Học viên.

Nội dung, chỉ tiêu thi đua "giải phóng hàng nhanh, quay vòng tăng chuyến", "người chờ tàu, không để tàu chờ người" đã tạo nên không khí thi đua giữa người đi chuyển tải và người phục vụ, năng xuất chuyển tải ngày càng cao, có chuyến đạt 3,5 tấn/người/ngày.

Nhiều cán bộ, học viên đã xung phong tham gia 3 đến 4 chuyến chuyển hàng ra đảo.

Đến tháng 8/1988, đã có 1157 lượt Cán bộ, Giáo viên, Học viên, chiến sĩ tham gia 31 Đội chuyển tải.

Năm 1988, Nhà trường đã chuyển được 23.087 tấn vật tư hàng hóa từ tàu lên 7 đảo an toàn. Cán bộ, giáo viên Khoa Hàng Hải (đ/c Trần Ngọc Thuynh, Hoàng Quan phú...), Khoa Chiến Thuật (đ/c Nguyễn Xuân Thủy, Vũ Ngọc Dương) đã tham gia làm hoa tiêu cho tàu của các địa phương, chở hàng đi Trường Sa an toàn. 

Đặc biệt, trong trận chiến đấu vào rạng sáng 14/3/1988, tại đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa), 2 Học viên thực tập lớp KH4 của Trường, thực tập trên tàu HQ-605 là Kiều Hồng Lập (sinh năm 1963, quê quán Phú Long, Long Xuyên, Phúc Thọ, TP. Hà Nội) và Nguyễn Bá Cường (sinh năm 1962, quê quán Thanh Quýt, Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam), đã anh dũng chiến đấu, vừa tác nghiệp hòng cứu tàu bị lính Trung Quốc tấn công, vừa dùng các loại vũ khí đán trả quân xâm lược, vừa cứu chữa - bảo vệ thương binh, tử sĩ và cả 2 Học viên đã hy sinh ngay tại trận địa, thi thể chìm trong lòng biển.

Phòng truyền thống của Trường Sĩ quan Chính trị (TP. Bắc Ninh) và Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam cũng mãi khắc ghi tấm gương của Anh hùng - Liệt sĩ Phan Đình Linh:

Học viên Phan Đình Linh (1953-1979), dân tộc Kinh. Quê xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nhập ngũ tháng 8/1971. Khi hy sinh đồng chí là Trung uý, Học viên Trường Sĩ quan Chính trị, thực tập tại Đại đội 10, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 677, Sư đoàn 346, Quân khu I, Đảng viên ĐCSVN.

Trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, Phan Đình Linh là Học viên Trường Sĩ quan Chính trị đi thực tế ở đơn vị cơ sở. Nhưng đồng chí đã nêu cao tinh thần chiến đấu dũng cảm, chỉ huy mưu trí, linh hoạt, chỗ nào khó khăn, nguy hiểm đều có mặt, kịp thời động viên đơn vị giữ vững quyết tâm, kiên quyết đánh địch.

Ngày 19/2/1979, địch cho lực lượng lớn đánh phá ác liệt và tấn công vào đội hình của đơn vị. Cuộc chiến đấu mỗi lúc một ác liệt hơn. Đến 10 giờ địch đã chiếm được một số đoạn giao thông hào.

Đại đội chỉ còn 4 người, đạn dược ít dần. Phan Đình Linh chỉ huy đơn vị bám sát địch, cướp súng địch đánh địch.

Khi hết đạn đồng chí dùng lưỡi lê đâm chết 1 tên. 1 tên khác xông đến, đồng chí khôn khéo quật ngã tên này.

Địch ném lựu đạn về phía đồng chí, Phan Đình Linh nhặt ném trả lại, diệt nhiều tên, buộc chúng phải lui về phía sau.

Trận này đồng chí diệt hàng chục tên địch và đã anh dũng hy sinh ngay trên trận địa.

Ngày 20/12/1979, Liệt sĩ Phan Đình Linh được Chủ tịch Nước CHXHCNVN truy tặng danh hiệu AHLLVTND và Huân chương Quân công hạng 3.
Tại Học viện Hậu cần (Long Biên, TP. Hà Nội), cũng lưu danh tấm gương chiến đấu, chống quân Trung Quốc xâm lược, ngay ngày đầu của cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc, đó là cựu Học viên Nhà trường: Anh hùng Phan Văn Thắng.

Học viên Phan Văn Thắng (sinh năm 1956), dân tộc Kinh. Quê xã Hương Thọ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nhập ngũ tháng 5/1974. Khi được tuyên dương Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân (AHLLVT), đồng chí mang cấp hàm Thượng sĩ, Học viên Học viện Hậu cần đi thực tập ở Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3, Quân đoàn 14, Quân khu I, Đảng viên ĐCSVN.

Từ tháng 12/1978, Phan Văn Thắng là Học viên Học viện Hậu cần đi thực tập ở đơn vị. Trong cuộc chiến đấu ở biên giới phía Bắc, đồng chí đã dũng cảm, mưu trí đánh địch.

Đơn vị đồng chí đã diệt hàng trăm tên địch, phá 2 xe kéo pháo, thu 1 xe đạn và lựu đạn, 2 súng trường, 1 tiểu liên. Riêng đồng chí diệt 30 tên, thu 1 tiểu liên.

Ngày 17/2, vị trí Chỉ huy Tiểu đoàn 4 ở điểm cao 423 (Đồng Đăng, Lạng Sơn) bị bộ binh Trung Quốc bao vây và nhiều lần tiến công lên chốt. Đồng chí cùng 2 trinh sát bám địch về phía mình, để tạo điều kiện cho Sở Chỉ huy rút về phía sau an toàn.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đồng chí được chỉ định thay thế Đại đội trưởng Đại đội 2 đã hy sinh, chỉ huy đơn vị chiến đấu liên tục từ ngày 17 đến ngày 21/2/1979. Đồng chí Thắng luôn bình tĩnh, mưu trí, linh hoạt chỉ huy chiến đấu, dũng cảm đánh địch, giành giật từng công sự, mỏm đồi, khi dùng B-40, khi dùng súng trường, lựu đạn đánh địch.

Địch 3 lần ném lựu đạn vào chỗ đồng chí, đồng chí nhanh chóng nhặt ném trả lại diệt địch.

Khi hết đạn đồng chí cùng đồng đội đến chỗ những tên bị diệt lấy súng, lựu đạn để tiếp tục chiến đấu, phá vòng vây đưa thương binh về phía sau an toàn.

Kết quả trong 4 ngày chiến đấu, đồng chí chỉ huy đơn vị diệt hơn 100 tên địch.

Ngày 20/12/1979, Phan Văn Thắng được Chủ tịch nước CHXHCNVN tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và Huân chương Quân công hạng 3.

9 nhận xét:

  1. "Dân Ta phải biết sử Ta
    Cái gì không biết phải tra Gu lờ"
    Tôi thấy Sử nói chưa công bằng, cuộc chiến tranh chống TQ đã qua nhưng vẫn còn là gần nhất, nhưng đáng tiếc rằng chúng ta chưa làm cho thế hệ sau biết được chưa nói là hiểu được (chắc còn lâu vì Lịch Sử Việt-Trung nó thế mà). Tôi đã nhiều lần tiếp xúc với thế hệ sinh từ năm 1979 trở lại đây thì không có (nói đúng hơn là chưa có) ai biết Lê Đình Chinh là ai. Thật buồn cho một thế hệ, thật đáng ngại cho một thế hệ của Dân tộc không biết mình là ai. Ôi!.....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lê Đình Linh hay Chinh đây bác Hải ơi?
      Hình như là Chinh thì phải?

      Xóa
    2. Lê Đình Chinh là chiến sĩ thuộc Công an Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Bạn nên đọc lại cho kỹ nhé!

      Xóa
  2. Mình phải tôn vinh lịch sử của mình nên đưa tất cả sự kiện vào văn hóa để dân mình biết và tự hào , mình đánh được mỹ pháp và đưa nó vào lịch sử chẳng nhẽ không đưa được những trận đánh này vào hay sao chẳng nhẽ mình sợ trung quốc ah ?

    Trả lờiXóa
  3. Tháng 3/79 mình nhớ cũng đang học năm ...gần cuối, sau những ngày chiến sự nóng bỏng tự nhiên trường cho nghỉ 1 tuần. Trở lại trường tự nhiên có giấy gọi nhập ngũ, lớp mình có 4 thằng, ai cũng vui vẻ, chỉ thương cho thằng Chinh, quê tận Bố Trạch - QB được nghỉ 1 tuần chẳng bõ về nhà, lại vạ vật trường nọ trường kia chơi với bạn. Hôm liên hoan chia tay lớp mình hy sinh mất 4 bộ giát giường (của 4 thằng mình) làm củi nấu ăn. Bọn con gái khóc như mưa, nhất là mấy bà Hà Nội. Có 1 ả khg khóc tý nào, cũng chả cười chả nói gì, chỉ ngồi bó gối góc giường tầng, không cả ăn uống. Khi gọi xuống ăn thì lập tức ả giẫy đành đạch, khóc hơn cha chết, thảm thiết lắm. Hình như ả nín cả buổi để chực có ai đụng đến là vỡ ra. Cả bọn nữ được đà càng khóc to, có mấy tay anh chị mình để ý cũng thấy quẹt nước mắt, nước mũi chảy lèo phèo nhìn thảm lắm. Mình ở bộ đội được đúng 35 ngày, tự nhiên nhận được giấy "ra quân" về lại trường.
    Mình chuồn về nhà 2 ngày mới ra trường. Hôm bố mình đèo ra cả trường vắng tanh. Lên giáo vụ nộp cái giấy mới biết cũng có mấy thằng về từ trước mình cả tuần. Bà giáo vụ bảo cậu lên ngày lớp để nhận nhiệm vụ. Mình chẳng hiểu gì, tròn mắt nhìn. Hóa ra cả trường đang đi đào công sự tuyến phòng thủ trên Bắc giang, ngay cạnh quê mình.
    Tội cho bố mình, lại đèo thằng con ngược về quê "nhập lớp". Đên nơi, cừa thấy mình cả lớp đang giải lao ăn khoai lang luộc, bỗng ùa ra vui mừng, kẻ khóc người cười. Có đưa bảo mình là thằng đào ngũ, có mấy ả hô lên "bộ đội ế". Lớp mình chỉ có mỗi mình bị trả về, 3 lão kia có 1 lão hy sinh trên Cao Lộc - LS, còn 2 lão đến mãi 84 mới ra quân.
    Mình chỉ có 35 ngày quân ngũ mà cũng có khối chuyện, khối kỉ niệm kể cho lớp nghe, nhất là mấy chi em, suốt ngày muốn làm gần mình để vừa làm vừa được nghe kể chuyện "chiến trường".
    Sau này, khi đã ra trường được hơn năm, mình lại nhập ngũ, lần này mình đi hẳn gần 5 năm. Hơn 20 năm sau có dịp gặp lại 1 số bạn bè, họ bảo có nghe ông đi lính lần nữa, nhưng cũng nghe đồn ông thành "liệt sỹ" rồi, chưa đâu biết ông khỏe mạnh thế này. Có cô bạn Nam Định gọi điện kể, ngày nghe tin ông thành LS, cô nàng "ít khóc, ít cười" nhất ngày xưa là người đau khổ nhất, để tang ông 3 năm sau mới lấy chồng. Câu chuyện đơn giản mà mãi gần 30 năm sau mình mới biết. Đúng là dân nhà quê.
    Dũng_NT

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ối Giời! Bác ý yêu thầm bác thế mà bác không biết à? Bây giờ thì 2 người có gặp nhau không ợ? Hôm nào bác kể, cho nhà cháu ghi lại chuyện này nhé!

      Xóa
  4. Đọc những trang này của bác chủ Blog, có một thắc mắc hỏi bác chủ là: Bác đi nhiều nơi có thấy nơi nào lấy tên liệt sỹ chống quân Bành trướng dặt tên đường phố/ phường không hả bác?
    Ở Hà nội này chưa thấy, hay là có mà tôi không biết nhỉ?!

    Trả lờiXóa
  5. Chào bác, tôi thấy ở TP Hải Dương có phố Lê Đình Trinh (vâng, Trinh tê-e-rờ), tôi có hỏi mấy vị chức sắc thì được biết tên phố đó được đặt theo tên liệt sĩ chống quân Trung Quốc bành trướng. Nhưng không hiểu viết thế là đúng chính tả hay sai? Bác nào biết rõ thế nào là đúng cho biết nhé!

    Trả lờiXóa
  6. may mà còn có người như bác viết và cho lên mạng,nếu không thế hệ sau như chúng em không còn ai biết đến tội ác của giặc TQ như thế nào.Qua đó cũng nới biết quân và dân ta yêu nước như thế nào.Cam ơn bác nhiều nhé.

    Trả lờiXóa