11 tháng 12, 2013

MẶN TỪNG LÁT ĐÁ


Mai Thanh Hải - Đá Lát là điểm ghé thăm và làm việc giữa hải trình Trường Sa.

Buổi sáng, tàu cập cảng Trường Sa Lớn để phần lớn Đoàn Công tác lên đảo làm việc.

Nhóm còn lại chừng 30 người, ở lại tàu, tiếp tục lênh đênh Hơn 2 tiếng đồng hồ từ Trường Sa Lớn, sang Đá Lát và lại lạch tạch ngồi xuồng ca nô kéo của tàu, gượng nhẹ qua bãi san hô rộng mênh mông, vào thăm điểm đảo chìm, bé tý như mắt muỗi đang dần nhô lên ở phía bung biêng trời nước.

Đảo Đá Lát nằm ở 8038’30” vĩ độ bắc, 1110 40’30” kinh độ Đông, cách đảo Trường Sa 14 hải lý về phía tây, cách Cam Ranh 248 hải lý.

Đây là đảo gần đất liền nhất trong Quần đảo Trường Sa.

Đảo Đá Lát là bãi san hô khép kín, phía trong có 1 hồ. Khi nước thuỷ triều lên, bãi Đá Lát nằm chìm trong nước biển, khi thủy triều xuống, những bãi nhỏ và đá mồ côi nhô lên khỏi mặt nước.

Đảo Đá Lát có nhiều xác tàu đắm đều nằm trên các bãi cát, nên từ xa mắt thường và Ra đa dễ dàng nhận ra đảo.

Chấp hành Chỉ thị của Bộ Tư lệnh Hải quân về thực hiện nhiệm vụ CQ88, Đảng uỷ, chỉ huy Lữ đoàn 146 đã khẩn trương tập trung, triển khai hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đúng 9 giờ 30’ ngày 05/02/1988 dưới sự chỉ huy của đồng chí Đại tá Phạm Công Phán, Lữ đoàn trưởng chỉ huy, tàu HQ-611và HQ-712 đã đến Đá Lát triển khai công binh làm nhà cao chân.

Trong quá trình làm nhà ta đã triển khai 3 tổ chiến đấu trên các tàu bị cạn.

Với tinh thần khẩn trương, ngày 20/02/1988 anh em đã xây dựng xong nhà cao chân trên bãi Đá Lát và bàn giao cho cán bộ, chiến sỹ bảo vệ đảo.

Năm 1991, Công ty Bảo đảm Hàng hải Việt Nam đã xây dựng trên đảo ngọn Hải đăng.

Từ đó hình ảnh người chiến sỹ Hải quân và ngọn Hải đăng Đá Lát hoà quyện vào nhau bảo vệ sự bình yên của các con tàu Việt Nam và bạn bè thế giới, bảo vệ sự bình yên của biển trời Tổ quốc Việt Nam.

Hiện nay, đảo Đá Lát đã được xây dựng nhà ở kiên cố, có hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời góp phần nâng cao đời sống, đưa cán bộ, chiến sỹ trên đảo về gần đất liền thân yêu hơn nữa.

Đời sống vật chất tinh thần của cán bộ, chiến sỹ đảo Đá Lát từng bước được cải thiện. Đảo được trang bị máy thu hình, hệ thống Karaoke kỹ thuật số hiện đại. Trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài Truyền hình Việt Nam đã giúp cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo cập nhật kịp thời những thông tin trong nước và thế giới.

Nói đến Đá Lát, phải kể đến 3 đặc trưng: Diện tích nhỏ nhất, sách vở nhiều nhất và bãi san hô nhiều "nghêu sò ốc hến" nhất.

Lạ! Chả ở điểm đảo chìm nào, sách vở nhiều như ở Đá Lát: Tủ sách đóng bằng gỗ thùng đạn ngoài hiện, sát cầu thang hẹp lên xuống; sách xếp đầy tràn phòng Hồ Chí Minh bé tin hin, che hết cả những khung tròn - bầu dục - vuông in logo la liệt, biểu tượng của các thể loại quà tặng của tỉnh thành - Bộ ngành mang ra tặng đảo, cứ như thể cái điểm đảo bằng mắt muỗi này là Bảo tàng, nơi trưng bày hiện vật; sách xếp tầng trong phòng ngủ, dưới chân giường cá nhân chả đủ 1 người nằm nghiêng...

Tò mò hỏi Đại úy Phượng, Chỉ huy trưởng: "Sao nhiều sách thế?".

Phượng cười, mặt hơi ửng đỏ dưới màu đen da mặt khô không khốc: "Thì Đoàn nào ra cũng tặng đến mấy thùng sách, anh em khênh è cổ. Sách để đấy, riết rồi cũng quen đọc. Đọc xong thì lại xếp, cũng là cách để bộ đội có... việc làm!" khiến mình lạ lùng:

Thời buổi Công nghệ Thông tin, đảo có sóng Viettel, a lô phát, vào mạng phát là cả đống sự kiện ngồn ngộn, thế mà vẫn có khối người vẫn nghĩ bộ đội "ăn lông ở lỗ", hì hục khuân ra từ sách báo cũ cho đến... rách nát, làm bộ phận hàng quà trong bờ, đến lính tàu rồi lính đảo, tướt bơ phân loại, bốc vác. Mấy thứ này, chuyển thành rau củ quả tươi hoặc card Viettel cho bộ đội gọi điện về thăm nhà, thích gấp tỷ lần...

Ở Đá Lát, gì thì gì cũng phải nhắc đến chuyện "nghêu sò ốc hến".

Cũng bởi xa xôi, tách biệt lại nằm trên bãi san hô rộng ngút ngát, mỗi khi thủy triều xuống, cả bãi san hô và đá san hộ lộ ra, nhô hết lên mặt nước nên các thể loại tôm cá, ốc sò ngu ngơ líu ríu không theo con nước ra biển, cứ tênh hênh nằm ngửa nằm nghiêng nhìn giời và chờ... bộ đội rảnh rỗi, giết thời gian chạy ra bắt cải thiện.

Đừng nghĩ là bộ đội thèm ăn hải sản.

Sống ở biển, giữa bãi san hộ được ví như "vựa hải sản tươi sống", có khi nhìn hải sản là buồn nôn (nhưng vẫn phải cắn răng mà nuốt, bởi nếu không lấy gì mà... ăn), việc đi nhặt ốc chủ yếu để phục vụ "tiếp khách".

Thật: Mấy năm nay, cứ mỗi mùa thăm nom (tháng 3-5), liên tục các Đoàn đủ các thành phần, bộ ngành, tỉnh thành, lớn bé già trẻ lốc nhốc ngồi tàu Hải quân, được bộ đội trần lưng phục vụ từ răng tới rốn, ra thăm đảo.

Chả hiểu sau chuyến đi cả chục ngày trời, mấy chục phần trăm phát huy tác dụng "tuyên truyền biển đảo", nhưng điều thấy chắc là đến điểm đóng quân nào, người ta cũng lùng tìm "đặc sản" hòng mang về đất liền, chắc để biết tặng - cười khoe.

Lên đảo nổi thì nhăm nhăm vặt quả bàng vuông, dù quả mới nhú, xanh run rẩy.

Trèo nhà giàn thì dáo dác xin... cá khô, cá tươi.

Vào đảo chìm, hoặc là liều mạng phi xuống mép bê tông tìm san hô - vỏ ốc, hoặc là năn nỉ bộ đội xin những thứ đó, anh em đã dành dụm mang về đất liền cho người thân...

Với Đá Lát, chuyện bị xin chẳng bao giờ tránh khỏi và bộ đội mình thì lại hiền lành, chả để ai trách móc - buồn phiền điều gì, nên cứ ai cất tiếng xin, là lộn ngược ba lô - dọn sạch gầm giường, gói cẩn thận tặng khách.

Cho hết rồi, lại áy náy sợ Đoàn khác đến, xin mà không có để kỷ niệm, nên cứ cuối ngày, giờ được nghỉ đấy nhưng bộ đội vẫn quần đùi - giầy vải, lội xuống biển, chịu san hô cứa vào người sắc như dao cạo, bắt nhặt từng con ốc, mẩu san hô mang về nâng niu đánh rửa, ngâm treo chờ khách ra để biếu tặng - ngẩn ngơ.

Sức lính để giữ đảo, trông biển, canh trời và cả những hoạt động ngoài "chế độ" là thế đấy, nhưng lên đảo, mấy ai thực tìm hiểu xem bộ đội ăn gì, sống như thế nào, ngoài những điều viết trong báo cáo và trò chuyện khơi khơi?..

Ở Đá Lát, đảo nhỏ hơn cả các đảo chìm khác (do xây từ nhà xưa, dạng Nhà lâu bền thế hệ cũ), nên căn bếp bên cửa trái cũng bé tý, cửa ton hỏng chốt nép sau ụ súng 12ly7.

Khom người chui vào bếp, 1 nồi quân dụng vẫn đang lâm râm sôi trên bếp dầu nhỏ lửa khẽ khàng.

Mở vung, khoai tây hầm với bì heo đang lục xục sôi. Cậu chiến sĩ tên Hiển quệt mồ hôi: "Biết tàu ra, chúng cháu nấu nốt mấy củ khoai và ít bì - thịt heo, ăn dè từ tháng trước. Vừa nãy, các anh trên tàu có gửi mấy bao rau củ, thỏa sức... uống nước luộc rau trưa nay!".

Mâm mê túi hạt giống rau trên tay, Hiển bảo: "Lẽ ra là phải trồng rau khay rồi đấy. Nhưng dịp này, phải huấn luyện căng thẳng, lại tập trung củng cố đảo trước mùa mưa bão từ tháng 6 đến cuối năm, nên không có thời gian!" và nhấp nhổm: "Chú yên tâm, mấy hôm nữa chúng cháu sẽ tập trung trồng rau và chăm rau. Đừng lo tụi cháu thiếu rau tươi, ít nhất thì cũng quen với măng hộp - giá đỗ rồi!"...

Hiển nói an ủi thế thôi, chứ mình đã tìm và biết:

Mùa này biển bắt đầu động, khay rau mầm kê cẩn thận trên giàn dáo mép đảo, để sẵn con dao "thu hoạch", tận dụng đến từng sợi rễ và khía đều đặn trên mép khay, chia bữa - chia ngày.

Trong "Vườn rau Thanh niên", những khay mới xếp thành vườn, để khách đất liền ra ngắm yên tâm, chứ có khi khách chưa ra tới tàu, bộ đội đã lụi hụi bê vào nhà cất che cẩn thận và rau tươi chỉ được anh nuôi chi dùng khi ai đó ốm đau...

Nhiều khách đất liền ra Đá Lát, sau khi đã han hỏi đủ chuyện dưới biển trên trời thường quay sang vặn vẹo: "Sao lại gọi là Đá Lát".

Bộ đội vốn thật thà, không biết đành cười, nói: "Cháu không biết!" khiến khách quay ra đoán già đoán non: "Chắc đá ở đây có đá, có lát như thể vân gỗ, làm sập gụ - tủ chè?"...

Ít ai biết rằng: Ở điểm đảo chìm nhỏ nhoi nhất Quần đảo này, từ con ốc kỷ niệm, ngụm nước khát lòng, rễ rau giòn dịu, thành lô cốt dày vững chãi cho đến vụn san hô tuy vỡ rồi nhưng vẫn sắc như dao cạo... - Hết thảy đều đẫm mồ hôi và có khi là máu của những người lính phòng thủ đảo, những thế hệ Công binh cần mẫn đêm ngày.

Mồ hôi đổ xuống từng viên đá, vụn san hô và bạc trắng, mặn chát từng lát đá ở đảo, nên đảo mới được gọi là Đá Lát yêu thương...

Đảo Trường Sa Lớn (5/2013)
-------------------------------------------------------------------------------

2 nhận xét:

  1. Lại càng phải cảm ơn em đã phản ánh rất sâu sát thiết thực với cuộc sống của những người lính đảo.
    Nhưng có một điều có lẽ em chưa tim hiểu kỹ tại sao các đoàn hay tặng sách báo cho bộ đội. Theo chủ quan của anh lý do họ tặng sách báo la vi
    1- họ nghĩ bộ đội ở đảo không có điều kiện tiếp xúc với thế giới " văn minh " như họ.
    2-có thế họ rất quan tâm đến lính đảo khi giải quyết " nỗi buồn" không có giấy
    Lý do thứ 2 có vẻ đúng hơn em a.
    Khi nào về nhớ alo nhé

    Trả lờiXóa
  2. Có lẽ anh Hải không tin có đoàn tặng cả ... kẹo mút cho bộ đội. Anh Hải quen đồng chí nào ở Đá Tây thì gọi kiểm chứng xem nhé! Các đoàn vừa ra thăm đảo cách đây vài tuần thôi! Nếu hải trình của anh ra đó, có khi bộ đội mình sẽ mang kẹo mút ra mời anh! hihihi

    Trả lờiXóa