24 tháng 2, 2013

CHÚNG TA ĐANG PHẢI NHỊN NHỤC VỀ MIẾNG ĂN

Đào Tuấn - Nếu hỏi Chung Hân Đồng ấn tượng nhất về điều gì ở Việt Nam. Hẳn là cô sẽ tái mặt kể lại câu chuyện chiếc điện thoại bị cướp ngay trên tay, ngay trong ngày thứ 2 du lịch ở Việt Nam, ngay trước mặt bạn trai.

“Bạn trai tôi cũng không kịp trở tay”- cô nói với PV Ifeng.

Đúng là một nữ ca sĩ “phan hồn nhiên”.
Bạn trai cô. Vâng!. Người xứ Hàn, dù có nhất đẳng huyền đai Teakwondo, có lẽ cũng bó tay.

Đến ngay cả những ngôi sao võ thuật Thành Long, Lý Liên Kiệt hay người hùng cơ bắp Sylveter Stallone hay Arnold Schwarzenegger... sang Việt Nam lớ ngớ là bị giựt liền trên tay.

Đơn giản, với cướp ở Việt Nam, những ngôi sao võ thuật hay người hùng cơ bắp chỉ là “khoai tây”.

Vả lại, phố phường ở ta vốn hiểm, người Việt vốn dĩ ngày ngày phóng xe mạo hiểm đem mạng đùa giỡn tử thần khác gì trên phim Hollywood, mà đâu có cần đóng thế hay kỹ xảo.

Tất nhiên, chẳng phải đợi Chung Hân Đồng trở thành “nạn nhân nổi tiếng bất đắc dĩ”, người Việt mới nhận ra sự bất an rình rập cuộc sống hàng ngày.

Chẳng phải là hồi cuối năm, hẳn một Trung đoàn Cảnh sát Cơ động được tăng viện cho TP HCM đó sao?!.

Có lẽ, khi đọc những bản tin, đại loại “Cô gái đi xe SH bị cướp chặt đứt tay” nhan nhản và dày đặc trên báo chí, thì không phải chỉ là chuyện “đêm về gặp ác mộng”, Chung Hân Đồng còn… té ghế nếu cô đủ can đảm quay trở lại Việt Nam.

Quay trở ra “Thành phố vì hòa bình”.

Năm 2009, nhân kỷ niệm 10 năm đạt danh hiệu này, Thị trưởng Thảo “Xin gửi tới bạn bè quốc tế thông điệp về một Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thành phố vì Hòa bình, về con người Thăng Long-Hà Nội thanh lịch và tài hoa”.
Vâng, người Hà Nội vẫn thanh lịch.

Nhưng chỉ là bởi họ đã quen với “văn hóa chửi”, ngay cả khi phải bỏ tiền ra mua miếng ăn vào mồm.

Không hiểu người Tràng An thanh lịch văn minh sẽ nghĩ sao, khi đọc những bình luận của một phóng viên nước ngoài, khi anh viết về món phở Hà Nội: “Bát phở ngon nhất nằm ở những hàng quán không sạch sẽ, với những người bán hàng thô lỗ, dòng người xếp hàng dài và môi trường tồi tàn nhất”.

Thô lỗ là gì?.

Là câu chuyện “bún mắng cháo chửi ốc lắm mồm”, nó truyền thống đến nỗi đôi khi chúng ta quên mất rằng đang phải chịu nhục vì miếng ăn.

Trên Dân trí, một người Việt Nam (tất nhiên), TS XHH Trịnh Hòa Bình phàn nàn: Khi bàn, khi miêu tả về ấn tượng phở Hà Nội, phở Việt Nam người ta có thể bao gồm cả cái văn hóa chửi đó. Văn hóa ẩm thực, vẫn tính đến nó như một thành tố của sự dã man, mông muội. Và họ chấp nhận nó như một thứ gia vị...

TS Bình cho cho đây là “một thứ bán kèm”, thậm chí thành “một thứ văn hóa”, mà người ta đang phải chịu đựng nhau, biểu hiện của sự kém phát triển và văn minh ở mức dưới trung bình.

Năm 2010, một trang web chuyên về du lịch phong Hà Nội là một trong những  “thủ đô ẩm thực” của thế giới.
 Thậm chí, Hà Nội “Điểm đến ẩm thực hấp dẫn thứ hai trên thế giới”, chỉ sau Barcelona của Tây Ban Nha, qua mặt cả Rome và Tokyo.

Chắc là biên tập viên trang web chưa từng thưởng thức “bún mắng cháo chửi” Hà Nội.

Bởi bọn “khoai tây” sẽ không thể như người Tràng An thanh lịch, quen nổi thứ “gia vị chửi”, cay hơn ớt, đắng hơn bồ hòn.
-------------------------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả.
* Hình ảnh (đã đăng tải trên OF) chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

2 nhận xét:

  1. Chúng ta quen với những lời khen, nhiều khi chỉ là những lời hoàn toàn xã giao nhưng chúng ta lại tưởng... thật. Những lời nói thực, trái tai, khó nghe thì chúng ta... thường tảng lờ thậm chí còn cho là ... ác ý. Khủng khiếp nhất là trình độ người dân thì quả là khá là thấp, tình trạng ếch ngồ đáy giếng vẫn nên xem là căn bệnh kinh niên. Vừa cách đây khoảng hai tiếng có một người Mĩ nói với Tiến Đặng về tình trạng chặt đẹp đối với người nước ngoài. Người đàn bà người Mĩ này nói tiếng Việt như ... người Hà Nội (vì đã ở Hà Nội tới 8 năm) nói đại ý: người Việt cứ tưởng đã là người Mĩ thì rất giàu nên họ mặc sức nói thách gấp tới 5 lần. Một mớ rau giá 3000 đ hoặc 5000 đ thì có thể mua được hai mớ thì người bán nói thành 10.000 đ một mớ. Thế đấy. Chúng ta thiếu thành thực, thiếu lòng tự trọng, thiếu rất nhiều thứ văn minh tiến bộ mà lại thừa, thậm chí thừa mứa chứa chan rất nhiều thứ dở: mất vệ sinh, gian dối, hiếu kì, tọc mạch, lắm lời, điêu toa, bẩn thỉu, chả coi cái gì ra cái gì, nông cạn, hời hợt.... Chả tin thì các anh/chị/em/cô/bác/ông/bà cứ đi một lượt quanh nơi mình ở mà xem. Đầy rẫy dẫn chứng. Nói ra điều này TĐ cảm thấy buồn vô hạn.

    Trả lờiXóa
  2. Nông thôn hóa một thủ đô
    Thanh cao thì ít côn đồ thì đông...

    Trả lờiXóa