26 tháng 2, 2013

CAO VÚT XÍN MẦN

Mai Thanh Hải - Mòn chân ở dải biên giới phía Bắc của Hà Giang giáp với Trung Quốc, ở các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc bao năm.

Đến đâu cũng toàn đá là đá, đến cây ngô cũng phải hực lên, kéo rễ kiếm từng giọt nước, để mà còi cọc sống, thấy đã vất vả - gian nan đến cùng cực.

Vậy mà anh em Biên phòng tuyến Bắc Hà Giang bảo: "Phía này vẫn đỡ, vì có nhiều khách du lịch lên thăm Cao nguyên đá. Phía Tây, vất vả hơn nhiều và có những Đồn, cả năm có khi chả thấy 1 bóng người lạ!"...

Phía Tây Hà Giang, nơi có cả trăm km đường biên, đối mặt với Trung Quốc, là các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, bao năm nằm lặng lẽ giữ đất, canh mốc, chăm bản... và hun hút lên cao là xã Xín Mần của huyện Xín Mần, với Đồn Biên phòng 219 Xín Mần đóng giữ, giữa ngút ngàn sương muối - mây đặc.

Trên độ cao 1.600m so với mực nước biển, Xín Mần mang đặc thù của vùng khí hậu cận ôn đới mát mẻ với 5 thôn bản (Xín Mần, Lao Pờ, Quán Ngài, Hậu Cấn, Tả Mồ Cán), trong đó có 2 thôn biên giới.

Rộng vài chục ha, vị trí địa lý quá phức tạp, 2 phía giáp với Trung Quốc (Bắc giáp Trung Quốc; phía Tây giáp xã Chí Cà của huyện và cũng lại giáp Trung Quốc), nhưng cả xã chỉ lưa thưa gần 300 hộ dân, với 1.090 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Nùng, Pu Péo... sống lác đác trên các sườn núi cao ngất.

Từ QL2 rẽ Bắc Quang, đi về phía biên giới, khoảng 100 km là đến Đồn Biên phòng Xín Mần nằm ở độ cao hơn 1.600m.

Ngày quang mây tạnh, trên đỉnh cao nhất này nhìn xuống, ai cũng miên man trước cả khoảng thung lũng màu xanh miên man, nơi có những bản làng nằm ở tận cùng của đường biên.

Và ở cuối con đường, cạnh cột mốc số 5, có một bức tường đá do quân Tưởng Giới Thạch xây từ những năm 1940 để ngăn xâm lược Nhật, bên kia là đất Trung Quốc.

Thế nhưng những ngày quang quẻ ấy, ít lắm, nhường lại hết thời gian cho mây sương.

Dịp trước và sau Tết, khi mùa đông vẫn còn ngự trị, đường lên Xín Mần cứ ngập trong sương muối. Có những đoạn sương mù dày đặc, đi xe máy phải vừa đi thật chậm, vừa căng mắt nhìn cọc tiêu.

Mấy lớp áo trên người dường như vẫn chưa đủ để đối phó với tiết trời tê cóng này. Đường xấu, trời đầy sương, lớp cỏ ven đường đã chuyển mầu xám bạc.

Đã vậy, con đường vòng vèo luôn thường trực nỗi lo sạt lở, bởi cấu tạo địa chất ở đây yếu, dừng xe lại chụp ảnh, vài phút quay ra đã thấy bánh xe sệ xuống, nghiêng nghiêng như sắp đổ xuống vực, phát sợ.

Vào trung tâm xã Xín Mần, thời tiết mùa đông, chuyện 10h sáng, trung tâm xã vẫn đóng cửa là thường. Tại Đồn Biên phòng Xín Mần, bàn ghế ở phòng khách, lẫn chăn màn chiến sĩ gần cả tuần ẩm ướt, áo quần giặt chục ngày vẫn chưa khô, là thường.

Ở những khu dân cư sát biên giới, thi thoảng lắm mới thấy một bóng người. Phần lớn người dân đều ngồi tránh rét trong nhà. Khói từ các bếp hòa vào sương, nhưng vẫn không đủ mang lại hơi ấm cho người ở xa đến.

Rét mướt thế, nhưng thứ đơn giản là củi để đốt, cũng chả có bởi càng ngày, miền núi càng trọc lốc, hết rừng, người dân chỉ có cây ngô phơi khô hoặc cỏ tranh, chứ không có củi than.

Với bọn trẻ con lít nhít, việc chịu rét còn vất vả hơn và có khi rét dưới 5oC nhưng học sinh vẫn đến lớp. Không thể để các em mẫu giáo về nhà, các thầy cô giáo ở đây cũng phải kiếm, mua củi đốt lửa giữ ấm cho học sinh.

Hỏi cô giáo Hồng, Hiệu trưởng Mầm non xã Xín Mần về thực trạng mấy điểm Trường lưng chừng núi, Hồng hồn nhiên: "Ố! Nó chưa xây đâu. Học sinh vẫn phải ở nhà tranh, lạnh lắm!" khiến mình cười rũ.

Cô giáo người Mông ban đầu ngơ ngác, sau đỏ bừng mặt, chữa ngượng: "Bao lần xin xây nhà cho các cháu, hay chí ít là ít tôn lợp mái nhưng cũng không được, nên bực quá nói vậy thôi!"..

Lên Xín Mần, cũng giống các vùng cao biên giới khác, nói chuyện khó khăn - giản khổ, e là chuyện... nhạt, bởi chuyện ấy là quá hiển nhiên và tồn tại bao năm nay.

Mình chỉ nói: Cùng biên giới, cùng lớp học điểm Trường, nhưng buổi trưa ăn cơm, đứa nào thuộc diện chính sách, được ưu đãi mới có tiền của Nhà nước, được ở lại ăn cơm. Còn lại, dắt díu nhau về (kể cả Mẫu giáo) hoặc lơ vơ trong lớp nhìn mồm bạn, để chiều tiếp tục học tiếp. Thương và đau vô cùng.

Mình bảo Hồng: "Sao không vận động gia đình các cháu không có chế độ, mang cơm cho các con tù sáng, đến trưa ăn cùng nhau!".

Hồng thở dài: "Dự định lâu lắm rồi, vận động suốt đấy, nhưng toàn nhà nghèo, đến 2 bữa ăn còn chả đủ, lấy đâu ra cơm trưa mang cho con!", khiến mình không thể bật ra: "Nghèo đói cũng còn phân biệt hơn thua, để chỗ hỗ trợ, chỗ không!"...

Chuyển cho mình danh sách học sinh, cả cô Hiệu trưởng Hồng và Trung tá Nguyễn Quốc Khánh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 219 Xín Mần, cứ lẩn mẩn: "Tổng số ít lắm, chỉ 112 HS Mầm non, 247 HS Trường PTDTNT và 176 HS Phổ thông cơ sở, nhưng gần 100 giáo viên và CBCS Đồn BP Xín Mần phải căng ra để vận động, dạy dỗ kẻo học sinh đói quá, rét quá lại bỏ về đi nương, làm thuê mất!" và ngập ngừng: "Bên phía cánh Bắc, mấy huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, khách du lịch đến nhiều, nên trẻ con còn biết đến quần áo - kẹo bánh. Chứ ở đây, có khi cả năm chả bóng khách du lịch ghé qua, thiếu từ đôi dép, hạt muối, áo manh...".

Biên giới là đây, cột mốc cũng là đây và chủ quyền Tổ quốc, xương máu ông cha cũng ở chính những nơi gian khó này đây.

Tại sao không - Một chuyến hàng sau Tết, cho vùng núi biên cương cao vút Xín Mần?..

Chúng mình, lại góp tay vào, để mỗi đứa trẻ vùng cao Xín Mần này biết đến vị ngọt của kẹo, vị bùi của vừng lạc, hơi ấm áo khoác - mũ len - ủng cao su...và nhất là hơi ấm của miền xuôi, gửi lên đầy nghĩa đồng bào, cho những người canh cột mốc.

Góp sức nào!. Cho chuyến hàng thứ 5 trong mùa lạnh 2012-2013...
------------------------------------------
* Chuyến hàng lên xã biên giới Xín Mần, dự định diễn ra trong 3 ngày 14-16/3/2013 và trao quà trực tiếp cho từng học sinh tại các Điểm trường trong xã (Áo khoác, ủng cao su, mũ len, tất, sách vở, chăn - gối, bạt che gió mưa, lương thực thực phẩm...).
* Thông tin chi tiết về chuyến đi, nằm trong Chương trình hoạt động của Áo ấm biên cương: 
https://www.facebook.com/AoAmBienCuong 
http://aoambiencuong.com/ 

2 nhận xét:

  1. Về Hà Giang nhất là khi đi qua Quản Bạ là Tiến Đặng nhớ đến truyện ngắn Chù Mìn Phủ và tôi của nhà văn Vũ Ngọc Tiến. Truyện viết thật ấn tượng, thật dữ dội về cuộc chiến 17 tháng 2 năm 1979. Truyện cũng nói lên một cách cực kì ám ảnh về tấn kịch bị thảm, thê lương của thân phận những người dân vô tội. Đồng thời truyện cũng nói lên một cách cực kì thuyết phục về cái giá phải trả cho sự nhẹ dạ cả tin hèn nhát của những kẻ phản bội lại những lợi ích của quốc gia dân tộc.
    Bạn nào chưa đọc lên Google tải xuống mà xem.

    Trả lờiXóa
  2. Thưa các anh và các bạn! Tôi rất muốn xây một ngôi trường cho các em học sinh vùng biên giới tây Hà Giang,thậm chí còn muốn đặt tên trường là Hoàng Sa,rồi một ngôi trường khác là Trường Sa...Đề nghị anh Mai Thanh Hải xem xét và mở Quỹ" Mỗi người một viên gạch xây trường biên giới".Được mọi người ủng hộ tôi chắc việc này sẽ thành công.

    Trả lờiXóa