27 tháng 2, 2013

THẦY THUỐC Ở TRƯỜNG SA

Mai Thanh Hải - Mình có nhiều kỷ niệm, gắn bó với anh em Quân y các đảo, nhất là Trường Sa.

Nhớ hồi 2008, công tác Trường Sa 15 ngày theo tàu HQ-996.

Nửa chừng chuyến đi, tối đang cơ động gần Sinh Tồn thì Phùng Nguyên (hồi ấy là PV Báo Tiền phong, nay vẫn rứa) đau bụng dữ dội, cả Y sĩ và mấy cán bộ Quân y cùng Đoàn Công tác cũng chịu, không biết là bệnh gì.

Rút cục, Trung tướng Huấn (PCN TCCT, Trưởng Đoàn Công tác) phải lệnh cho tàu quay lại, chuyển Phùng Nguyên vào đảo để xử lý.

Đêm đen như mực, sóng lại nâng cấp. Mình đại diện cho cơ quan - đồng nghiệp và Nguyễn Thế Hùng (Hồi ấy PV Tạp chí VNQĐ, nay sang VNCA), đại diện cho quê hương choàng áo phao, thít chặt quai mũ cối, nhận nhiệm vụ đưa Phùng Nguyên từ tàu vào đảo.

3 thằng được ưu tiên đưa thẳng vào xuồng tăng bo, mình và thằng Hùng đứa đầu đứa chân, giữ chặt thằng Nguyên trong lòng xuồng, vẫn đau quằn quại và chiếc cẩu trên tàu nâng cả xuồng lên, đặt òa xuống biển, lắc lên lộn xuống giữa đêm đen đặc.

Mãi lúc sau, xuồng kéo mới được hạ xuống và tạch tạch chạy đến nối dây, 2 chiến sĩ ngồi trên đó thay nhau lái - chỉ, kéo xuồng tụi mình vào chỗ cập.

Xuồng vừa vào gần đảo, bộ đội đã đứng đầy trên bờ, chiếu đèn lao xao và thấy xuồng loay hoay đè sóng vào bến, cả chục lưng lính ta nhảy ào xuống, túm dây, kéo xuồng vào bờ đá. Cũng chừng ấy lưng lính, nhấc bổng Nguyên đặt lên cáng, chạy hùng hục về Phòng Quân Y đang sáng trưng điện, đông đặc người.

Đêm ấy, hình như cả đảo thức, cứ đứng chén chúc ngoài cửa sổ, im lặng nhìn 2 bác sĩ tăng cường từ Bệnh viện 103 chăm sóc - nắn bóp - tiêm thuốc cho Nguyên, không một phút rời giường bệnh (mình và thằng Hùng cũng được 1 đêm thức, nhưng gần sáng được dịp lang thang khắp đảo, ngắm 1 đêm trăng tuyệt đẹp mà chắc chắn, ít ai được chứng kiến). Hình như quá cảm kích trước sự quan tâm - chăn sóc của anh em Quân Y, gần sáng thằng Nguyên lăn ra ngủ và sáng hôm sau tỉnh queo, chả đau đớn gì nữa, như bị ma làm, nằng nặc đòi ra tàu, về đất liền...

Có lên tàu ra đảo, lại xa tít Trường Sa, mới biết sự bất trắc nhiều đến chừng nào, sự sống mong manh nhường nào và sự cần thiết của Quân y, cần thiết đến cỡ nào. Tất cả các điểm đóng quân, phương tiện nổi đều có ít nhất 1 Quân Y đấy, nhưng thực ra, do thiếu thốn và điều kiện hoàn cảnh, nên trang thiết bị, thuốc Y tế cũng chỉ dừng lại ở đâu bụng, nhức đầu, sổ mũi...

Cố gắng lắm, cũng chỉ tìm về được đảo lớn cấp 1, để phẫu thuật nhưng cũng rất thông thường, kiểu như cắt ruột thừa - nhổ răng, còn lại gọi máy bay lạch phạch bay ra, chuyển về đất liền cứu chữa.

Vậy mà so với ngày xưa, đã "1 trời 1 vực" bởi ít ai chứng kiến những cảnh cấp cứu ngoài đảo, bộ đội xúm lại giữ người bệnh, không cho lăn lộn bởi không có... thuốc gây mê; buộc răng người bệnh cắn ngập thân dép cao su và trói gô, ghì chặt, để báo sĩ thuận việc cầm... cưa gỗ, cắt xoèn xoẹt vào xương, cắt bỏ.

Xưa - Nay: Có thể điều kiện làm việc khác hẳn với công việc chữa bệnh, cũng nhàn nhã và nhiều sự tiến bộ KHKT giúp hơn. Thế nhưng, có điều không bao giờ thay đổi là những người lính - thầy thuốc ngoài đảo, vẫn đầy tràn chất lính, át cả gương mặt thầy thuốc. Tức là vẫn tham gia các chế độ trong ngày, đêm hay ngày, đến phiên trực vẫn cứ phải ôm súng gác canh đảo và bao nhiều bà rằn khác...

Họ, mới thực là những thầy thuốc bác sĩ, đau đáu với từng mạng sống của đồng đội - đồng bào ở tít tắp nơi xa, không màng đến phong bì, quà tặng, vật chất, nhậu nhẹt, như nhiều đồng nghiệp (có cả mặc áo lính), đang phởn phơ ưỡn bụng trong đất liền.

Những nhân cách đó, là thứ không thể có được, nếu không rèn luyện ở môi trường thực sự rèn giũa cốt cách và ngày này, xin được gửi đến họ niềm tri ân, bởi không có họ, cũng thể cũng chẳng có người, để giữ đảo xa..

3 nhận xét:

  1. Anh Mai Thanh Hải ra đó có gặp bác sỹ Thuận ở đảo Nam Yết?

    Trả lờiXóa
  2. Bon chen lạc đề một chút. Ngày 29/1/2013 em chuyển qua VCB 1 triệu ủng hộ thượng úy Phan Văn Hoàng đảo Trường Sa, anh Hải kiểm tra giúp nhé, cám ơn anh.

    Trả lờiXóa
  3. Đồng ý với Mai T Hải. ở nơi đầu sóng ngọn gió ấy tình người tình đồng đội gắn bó cao cả lắm.ở trong đất liền thì ung thư cũng phong bì.hiv cũng phong bi.nhìn thấy áo trắng sợ lắm.

    Trả lờiXóa