3 tháng 3, 2012

LẬP NGHIỆP Ở SÀI GÒN

Mai Thanh Hải - Lâu nay, mỗi khi vào Sài Gòn, mình đều dành thời gian la đà với Đàm Hà Phú.

Điểm tập hợp đầu tiên vẫn là quán Tre, đường Lê Quý Đôn bởi chỗ này, 2 thằng vẫn bật cười khi kể lần đầu tụ tập, lẫn cẫn ngồi 1 chỗ, nói 1 chỗ khiến mình miết 2 Quận trung tâm, mới quay trở lại, tìm trúng bóc chỗ nhậu nhẹt!. Hi! Hi!.

Lần nào cũng vậy, Phú và mình ngồi trước, sau đó y như rằng là có Thắm nhè nhè đi đến, khe khẽ kéo ghế, tủm tỉm cười và ngượng ngập nghe chồng nói chuyện với bạn, cứ như thuở... mới yêu.

Tháng rồi vào Sài Gòn, cuộc nhậu của tụi mình rong ruổi "chuyển địa bàn" từ Lê Quý Đôn, sang chỗ bác Ngọc Chênh, Huy Đức, Bọ Lập và rồi lại theo bác Đỗ Trung Quân hướng ra vỉa hè Nguyễn Trung Trực, vừa gác chân uống bia lạnh, vừa ngắm xe cộ vèo vèo ngay bên hông giữa đêm Sài Gòn ấm áp vừa bập bùng ghi ta, gân cổ - vỗ tay hát, những bài về sinh viên, đất nước... giữa nụ cười người Sài Gòn ngang qua...
Lâu lâu rồi không thấy Phú viết, tự dưng cứ thấy thiêu thiếu khi mò vào Trang Người Lữ Hành Kỳ Dị bởi cái giọng kể tưng tửng cứ kéo mình lại, với Sài Gòn bình dị, hào sảng và rất bụi bặm, thiệt thà.

Hôm nay đọc Phú, lại thấy Sài Gòn hiện ra ở góc khác, với lát cắt cuộc sống rọi sáng qua tâm hồn, tính cách con người.

Tự dưng, lại muốn bay vù vào với Sài Gòn ánh sáng và hối hả, hòa mình vào nhịp sống: Cắm đầu - bạc mặt làm ban ngày, tối gác chân vỉa hè, ngửa cổ ngắm vút cao vòm lá xanh phía trên lon bia lạnh và bập bùng ghi ta "Thành phố Tình yêu và nỗi nhớ", với những người Nam Bộ - Sài Gòn, ân tình nơi đất phương Nam. Mấy hôm nữa mình lại vào Sài Gòn, ai ra vỉa hè bia lạnh, ghi ta bập bùng với nhà Phú không?..
------------------------------------------------------------------------------------------------

1.
Hôm trước tôi có trả lời một cuộc phỏng vấn, có một câu hỏi thế này: “Anh hãy chia sẻ những khó khăn khi lập nghiệp ở Sài Gòn?”.

Tôi trả lời cũng dài, nhưng đại ý rằng: Sài Gòn là một mảnh đất tốt để lập nghiệp.

Tuy nhiên, vì nó quá tốt nên cơ hội không chia đều cho mọi người và khó khăn lớn nhất ở Sài Gòn, nếu có, chính là từ người lập nghiệp.

Sài Gòn không phụ ai cả.

Sài Gòn chưa từng phụ ai. Bạn cứ tin tôi. Bạn chỉ cần biết sống và chịu sống, biết làm và chịu làm, biết chơi và chịu chơi, theo cách của Sài Gòn.

2.
Gần đây, theo đề xuất của các nhà tư vấn tuyển dụng, các bạn trẻ mới ra trường khi làm đơn xin việc thường liệt kê các công việc hoặc các hoạt động đã tham gia trong thời học sinh – sinh viên, thậm chí có bạn liệt kê đã từng tham gia các hoạt động từ thiện, chơi TV gameshow hoặc đóng vai quần chúng trong một bộ phim nào đó. Đây là điều tốt.

Các nhà tuyển dụng sẽ nhìn thấy một ứng viên trẻ, chưa có kinh nghiệm công việc nhưng rất giàu nhiệt huyết, rất chịu sống và có thể là rất biết sống, họ sẽ có những đánh giá tốt hơn.

Đối với nhiều nhà tuyển dụng, con người của ứng viên quan trọng hơn kinh nghiệm hay kiến thức.

Có thể nhiều bạn trẻ vẫn quên, hoặc không chú ý đến điều đó, rằng thành công của bạn phụ thuộc rất nhiều vào con người, vào tính cách, vào cuộc sống của bạn, nhiều hơn cả bằng cấp hay kiến thức mà bạn có.

3.
Mỗi ngày ở Sở KH & ĐT có mấy trăm cái Giấy phép kinh doanh được cấp mới.

Tôi hay ngồi nghe người ta đọc tên các Công ty mới thành lập và cố đoán xem đó là một Công ty như thế nào.

Ví như tôi đoán Công ty TNHH Quán Nhỏ Ven Đường có thể là một Doanh nghiệp dịch vụ ẩm thực, do một nữ chủ nhân còn khá trẻ điều hành.

Công ty này chắc chắn đã có đầu tư một nhà hàng hoặc một quán ăn, và có thể là thực đơn sẽ gồm nhiều các món dân dã hoặc đặc sản địa phương.

Có một điều tôi thường đoán trúng, đó là các Công ty được thành lập từ sự bắt tay của một vài người bạn.

Nó sẽ mang những cái tên dễ nhận biết, ví như Công ty Tình Bạn. Công ty Bạn Bè, Công ty Bằng Hữu, Công ty Anh Em, hoặc đôi khi cụ thể hơn bằng cách ghép tên của các sáng lập viên, kiểu Công ty Phước Lộc Thọ hay P.L.T Co. Ltd.

Cá nhân tôi rất tin tưởng và quí trọng tình bạn, nhưng cũng bằng kinh nghiệm của tôi, tôi cho rằng tình bạn để cùng nhau lập Công ty phải là một tình bạn cực kỳ tốt, đã có thời gian thử thách khá lâu, phải có sự hy sinh và cống hiến cho nhau thật nhiều… mà ngay cả khi bạn tin rằng mình có một tình bạn tốt cỡ đó, bạn cũng nên gìn giữ nó thật kỹ, thay vì đem thử thách nó vào một Công ty.

4.
Hôm rồi tôi có kể chuyện về Nha Trang họp lớp cũ, đó là lần đầu tiên tôi gặp lại nhiều bạn bè sau 20 năm kể từ khi rời ghế trường Trung học.
Các bạn tôi hầu hết vẫn ở Nha Trang, có bạn vào Sài Gòn học nhưng vẫn quay về Nha Trang làm việc và lập gia đình.

Các bạn nói chung đều có cuộc sống tốt và khá yên bình, trừ một hai trường hợp đặc biệt, đa số đều đi làm cho Nhà nước, hoặc một Công ty của có vốn của nhà nước kiểu Khatoko hay Yến Sào, Du Lịch.

Các bạn đều vui vì có dịp được ngồi với nhau, và ngạc nhiên thay, các bạn cũng thừa nhận rằng đây cũng chính là lần đầu tiên sau 20 năm các bạn mới ngồi với nhau, dù hầu hết đều đang sống ở Nha Trang, một thành phố ven biển nhỏ bé.

Khi tâm sự riêng, hoặc nhóm, với tôi, các bạn đều có ý cho rằng: Không giống như Sài Gòn sôi động, Nha Trang là một thành phố nhỏ, yên bình, nên cuộc sống của các bạn bị trôi nhanh, bị vuột đi trong lo toan thường nhật mà có rất ít những dấu ấn hoặc sự kiện đáng nhớ nào.

Tôi cũng tin vào điều đó.

Một hôm tôi bỗng tự hỏi: Không biết một Sài Gòn sôi động đã tạo ra những con người năng động, mạnh mẽ… hay chính những người năng động, mạnh mẽ đã tạo ra một Sài Gòn sôi động như hôm nay?..

5.
“Thất bại vì ngại thành công” câu này không phải câu nói cho vui đâu. Đúng đó!..

Đàm Hà Phú
--------------------------------------
* Hình ảnh chỉ có tính minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

12 nhận xét:

  1. Đinh Kim Phúc20:45:00 3 thg 3, 2012

    Người ta thường nói: thất bại là mẹ thành công nhưng không biết cha nó là ai?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Là niềm đam mê, theo kiểu :" cà cuống chết vẫn còn cay" bạn ơi !

      Xóa
  2. Từ hồi cái ông Người lữ hành kỳ dị bỏ phần "tên" trong mục "chọn hồ sơ" tới giờ, không sao còm vào sân nhà ông này được nữa, nên nay đành quăng ké sang chỗ bác Hải.
    Ở đâu cũng rứa thôi, thành công là món quà thường chỉ dành cho tài năng và thời thế. Có nhiều người sống và lớn lên tại Sài Gòn, cả đời không thấy khá hơn lúc ...mới sinh ra. lại có người đủ đầy tài ba, năng động, song đưa về tỉnh lẻ là giống như " con cá ngúc ngắc trong ao cạn" ( Hehe, mình chôm ý bác Vũ Tú Nam đấy ). Tuy nhiên, một điều chắc chắn là Sài Gòn hớp hồn bất cứ ai chọn nó làm nơi chốn lâu dài để mà tồn tại, dù đó là kẻ chiến thắng hay người thất bại. Sài Gòn hồn nhiên, vô tư, không kén cá chọn canh khi chấp nhận thành viên hòa nhập vào nó. Đừng bảo làm giàu ở Sài Gòn là dễ, nhưng đích thực khó mà chết đói ở đó được, trừ phi bạn quá lười. Ngay những số phận thiệt thòi do tình trạng khuyết tật cũng chẳng bao giờ thảm đến mức tuyệt vọng, bởi có những bàn tay nhân ái, đầy tính hảo hán Lục Vân Tiên luôn chìa ra nâng đỡ, cứu giúp mọi nơi mọi lúc ở Sài Gòn. Dường như Sài Gòn không chứa đựng một bản sắc đầy đặn đủ để gọi lên một cái tên riêng. Nó không đủ kiêu sa, không đủ nề nếp, không đủ lộng lẫy, nhưng một khi thoát ra ngoài nó, ngắm nhìn những kiêu sa, những nề nếp, những lộng lẫy hơn thế, ta mới giật mình, và rồi bồi hồi, cảm nhận rõ rệt rằng, Sài Gòn mới thực gần gũi nhất, quyến rũ nhất, thân thương nhất, mặc cho mọi thứ kiêu sa, nề nếp, lộng lẫy không bằng người ấy ...

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết này hay. Rất ra Sài Gòn. Xem thèm không khí nhậu Sài Gòn và nhớ bạn Sài Gòn.

    Trả lờiXóa
  4. Tôi đang ở Sài Gòn nhưng người là miền Bắc. Tôi yêu Sài Gòn nhưng cũng rất yêu Hải Phòng, đã có thời tôi yêu đến mức ai nhìn đểu HP là có thể ăn đòn ngay (trước đây thôi, giờ thì hổng dám). Nhiều lúc tự hỏi, sao người miền Bắc, người HP lại vào SG lập nghiệp nhiều thế??? Sao vậy nhỉ???

    Trả lờiXóa
  5. Ngược lại thì tôi cũng có thể đặt câu hỏi là tại sao rất ít người Miền Nam ra ngoài Bắc, chủ yếu là Hà Nội để sinh sống và lập nghiệp. Các Cụ nhà ta vẫn có câu "Đất lành chim đậu mà".

    Trả lờiXóa
  6. Gia Định là đất lập nghiệp của tử tội, tử tù, đã thoát cánh sổ lồng, thoát lủy tre làng Bắc Bộ. Ngu sao mà chun trở lại lủy tre tù túng bóp nghẹt ước mơ đó!

    4 SG

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngô Thanh Tuấn23:04:00 4 thg 3, 2012

      Tổ thui cái mồm bác đi. Giờ này mà còn phân biệt Bắc bộ, Nam bộ. Sài Gòn Gia Định có phát triển được cũng là nhờ có sự đóng góp của mọi người trên đất nước Việt Nam này

      Xóa
  7. Vì anh quá yêu SG, hay vì ở HN anh ít thấy được những thứ (tình cảm) đó?

    Trả lờiXóa
  8. Người SG nói riêng hay nam bộ nói chung họ rất cởi mở, không xét nét, đố kị, nói năng thì không lên gân như ngoài bắc ta, họ từ tốn , vị tha . Họ không phân biệt là bạn từ đâu tới mà bạn có đàng hoàng hay không thôi, ở Hà nội những người đang sồng ở HN cũng từ nơi khác tới trước vậy mà những người tới sau luôn bị coi là dân nhà quê bị kỳ thị coi thường, phân biệt là Hà nội 1 Hà nội 2 hoặc 3 gì đó rất không nên. tui là người Bắc 100% sống tại SG nay đã 20 năm rất yêu mến con người và mảnh dất này

    Trả lờiXóa
  9. Bác Hồ bảo với Bác Tôn
    Việt Nam chỉ có Sài Gòn là vui

    Trả lờiXóa
  10. Dear all!
    Tôi sinh ra, lớn lên, học tại miền Bắc (Hà Nội), làm việc và lập nghiệp tại miền Nam (Sài Gòn), lập gia đình và cưới vợ miền Trung (Huế) và điều cuối cùng tôi đang đắn đo suy nghĩ sẽ không ở lâu dài tại 3 thành phố này mà sẽ chọn (đang phân vân) Đà Nẵng là nơi cuối cùng để sinh sống, làm việc. Mong các bác có nhiều kinh nghiệm về văn hóa vùng miền, kinh nghiệm cuộc sống cho ý kiến để em đưa ra quyết định cuối cùng. Công việc của tôi là Kinh doanh - điều hành trên toàn Việt Nam (đi công tác thường xuyên). Mong nhận được các ý kiến của các a/c/e vào địa chỉ email: van.tanphong@gmail.com hoặc chat Skype/Yahoo: kiensauchin . Trân trọng kính chào!

    Trả lờiXóa