27 tháng 2, 2012

TINH KHÔI TRẮNG TRÊN CAO NGUYÊN BIÊN CƯƠNG

Mai Thanh Hải - Đấy là cao nguyên đá Hà Giang và trắng tinh khôi là do hoa mận, chứ không phải cao nguyên trong Tây Nguyên đỏ quạch hay Mộc Châu rặt bò sữa.

Mấy ngày ngang dọc Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc... đến đâu mình cũng gặp màu trắng tinh khôi, trong trẻo của hoa mận ven đường, trên đỉnh núi, trong hốc đá, quanh nhà dân và đặc biệt, màu trắng cứ quánh lại, đến ngút mắt bên những cột mốc, quanh doanh trại Biên phòng giữ canh địa đầu Tổ quốc.

Từ Đồn 169 vào Trạm Biên phòng Mã Lủng Kha, canh giữ đường mòn vắt sang bên kia biên giới, mấy km đường biên - cột mốc và 2 xóm người Mông giáp biên với gần 200 hộ dân sống từ chân núi lên đỉnh cao vút, đến đâu cũng gặp những cây mận gân guốc, rêu xanh mọc khắp thân cành cứ vươn hết tầm, nở bung từng nắm hoa trắng như bàn tay trẻ con.

Anh em trong chốt Mã Lủng Kha bảo: "Mùa Xuân, đứng ở xa nhìn, cứ thấy mận trắng nở chỗ nào thì chỗ ấy là đất đai Tổ quốc!".

Ờ nhỉ!. Chẳng thế mà buổi trưa ở doanh trại của Tổ Công tác Lũng Cú, nằm dưới chân cột cờ to đùng (nhưng tấm biển ghi chú lại viết sai chính tả... tiếng Anh), thấy mình đút tay túi quần mê mải ngắm cây mận chi chít những hoa to, ngay ngoài cổng gác, Thượng úy Hoành vừa quét sân vừa tủm tỉm: "Người bên kia sang làm việc, nhìn thấy mận Lũng Cú nở hoa, ngã ngửa hết".

Tò mò, ngay đầu chiều mình phi xe theo đường vào mốc 422, leo lên ngôi nhà địa đầu trên mảnh đất địa đầu của Sùng Mý Mỷ - Bí thư thôn Xéo Lủng, ghếch ống nhòm nhìn sang bên kia sông Nho Quế: Cả vùng đồi núi âm u trước mặt, lở loét bởi những vết sạt lở ụa xuống con đường đi vào công trình thủy điện; ngoài đá, núi và trơ khấc những gốc cây, không có một đốm trắng của hoa mận, chấm đỏ của đào rừng và hoe vàng màu hoa cải... Chả bù cho đất nước mình hùng vĩ bên này, đang rừng rực những lá, những hoa, những búp non khi mùa Xuân đến muộn, trên từng dải đất biên cương.

Vì thế, mình thích lên Hà Giang những ngày này - Những ngày tinh khôi trắng trên cao nguyên biên cương. Ai muốn chiêm ngưỡng mảnh đất địa đầu, trắng đẹp tuyệt, lên ngay đi nhé!..
----------------------------------------------------------------------------------------------------------


10 nhận xét:

  1. Nhìn ảnh của bác em thấy nhớ vùng cao quá. Thật khó tả, nó buồn man mác, lạnh lẽo và cô đơn.

    Trả lờiXóa
  2. tay nghề ngày càng điêu luyện!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ảnh quá đep, tay nghề tài hoa. Đúng là buồn, lạnh, heo hút, vắng vẻ...

      Xóa
    2. Cảm ơn các bác quá khen tay máy non, máy ảnh còi này. Hu! Hu!.. Đợt tới đi miền núi, bác nào có máy xịn thì cho nhà cháu mượn tý, nhể?..

      Xóa
    3. Mình không có điều kiện để đi đây đi đó, để biết đến hình ảnh quê hương,đất nước.Nhờ anh Hải mà mình được xem nhiều hình ảnh địa đầu tổ quốc.Phong cảnh hữu tình,nên thơ và buồn man mác...Nhưng dân mình còn nghèo và thiếu thốn nhiều quá anh Hải nhỉ?...(buồn)

      Xóa
  3. Cuộc sống bên ta có lẽ khó khăn hơn bên kia biên giới và chắc "Kẻ Lạ" không từ chuyện gì để có thể làm suy yếu ta. Không hiểu người dân ở đấy có sang bên kia sinh sống và trở thành công dân nước họ không nhỉ? Rồi còn khái niệm Tổ quốc, chủ quyền quốc gia...M.T.Hải tiếp xúc với đồng bào các dân tộc thiểu số thấy thế nào? Cám ơn trước nhé.

    Trả lờiXóa
  4. Ừ đúng đấy Hải ạ, hồi mình đi từ Bắc kinh về, vừa qua biên giới bỗng thấy sắc lá mượt mà mọng nước khác hẳn cây lá bên kia biên giới, mới hiểu vì sao một tay nào đó qua VN về, viết trên một tờ báo ở BK rằng ,Việt Nam thổ nhưỡng rất lạ lùng, bẻ một cành cây bất kỳ nào cắm xuống đất cũng nảy mầm đâm lá, thảo nào bọn nó cứ rình cả ngàn năm nay.

    Trả lờiXóa
  5. Trang này của bác Hải thật nhiều điều bổ ích! Có thể mở mang kiến thức được ở nhiều lĩnh vực: chính trị, xã hội, văn hóa và cả du lịch nữa, giống như chương trình "Du lịch qua màn ảnh nhỏ" vậy!

    Trả lờiXóa
  6. Xin hỏi bác Mai Thanh Hải còn ở Lũng Cú ko? Nhờ bác hỏi hộ mấy anh biên phòng về cô giáo Duyên có còn dạy ở đó ko? Cô giáo mà cách đây mấy năm các báo đều có đưa bài về cô là " Hoa khôi trên đỉnh Lũng Cú". Cảm ơn

    Trả lờiXóa