25 tháng 7, 2013

ĐAU NHỨC NHỐI, DI VẬT TRƯỜNG SA...

Mai Thanh Hải - Sau khi Hạ sĩ Hoàng Đặng Hùng (chiến sĩ Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân) hy sinh tại đảo chìm Đá Lớn A, quần đảo Trường Sa (ngày 25/7/2004) khi mới tròn 20 tuổi, anh em trong đơn vị chuyển về gia đình vẹn nguyên quân tư trang, đồ dùng sinh hoạt cá nhân của em, từ ngoài đảo.

Mình không lạ gì cái gọi là "gia tài lính đảo" với ít nhất là hòm gỗ, thùng tôn kèm với lỉnh kỉnh túi tắm, ba lô, thế nhưng cái buổi sáng 30/7/2012, khi bố em là Trung tá Hoàng Đăng Tuấn (Cục Kỹ thuật, Quân chủng Hải quân) xách ra cái va ly vải nhẹ tênh, trong buổi truy điệu, sau quá trình cả báo chí - gia đình gian nan "đấu tranh" với nhiều "cơ quan quản lý nhà nước" của TP. Hải Phòng, để em được nằm trong Nghĩa trang Liệt sĩ quận Ngô Quyền (sau 8 năm nằm ngoài Trường Sa), mình hơi bất ngờ.

Lại thêm bất ngờ nữa là từ hồi biết được tin con hy sinh, nhận lại đồ dùng của con, cả bố Tuấn lẫn mẹ Thúy (cùng mang cấp hàm Trung tá - QNCN, công tác tại Cục Kỹ thuật, Quân chủng Hải quân) đều giữ nguyên những thứ đồ trong đó, gọn gàng như thể chờ đợi 1 điều kỳ diệu, chờ con chân sáo ùa vào nhà, xách va ly ra đảo công tác xa như hôm nào...

Và những sự bất ngờ, đều vỡ òa thành những giọt nước mắt, khi tận mắt nhìn thấy "gia tài" của người lính đảo, ngã xuống ở tuổi 20, cách đây vừa tròn 8 năm ròng: 2 bộ quân phục xuân hè, 1 áo khoác thu đông, 1 màn tuyn, 1 đèn pin, quần đùi - áo may ô, bàn chải - thuốc đánh răng - xà phòng tắm, sổ Đoàn viên - quân trang - giấy khai sinh... Thứ quý giá nhất của em, có lẽ là những lá thư nhà, được cẩn thận bọc kín trong 2 lần giấy báo - ni long.

Và những giọt nước mắt của hết thảy những người chứng kiến, đọng lại trong nỗi đau xót đến cùng cực, khi nhìn thấy cảnh mẹ Liệt sĩ Hùng - Trung tá Nguyễn Thị Thúy, mê sảng miên man, ôm chặt những di vật của con vào ngực, lập bập gọi tên đứa con trai độc nhất, mà chị đã nuôi nấng - chăm sóc suốt 18 năm và nhận lại tin con mình ngã xuống ngoài đảo xa, sau 2 năm khi con nhập ngũ, mãi mãi trẻ trung ở tuổi 20.

Cuộc đời này có rất nhiều nỗi đau, nhưng mình chắc chắn, nỗi đau lớn nhất - xót xa nhất là của người bố, người mẹ chưa già, nhưng mất con trong tích tắc, khi đã nuôi con khôn lớn và phải cắn răng lại, chịu đựng sự xa cách nơi con nằm, gần 10 năm, mới nhận được con nhẹ bẫng trong thùng tôn, nuốt nước mắt để đôn đáo lo cúng giỗ cho con trẻ...

Đất nước bình yên ư?. Không phải! Bởi ở đâu đó ngoài đảo xa - biên giới, vẫn có những người lính ngã xuống, hàng ngày hàng tuần mà ít người sống đầy đủ - toàn vẹn trong đất liền, dưới đô thị biết được.

Đất nước hạnh phúc ư? Không phải! Bởi ở đâu đó trong mỗi con phố, miền quê, vẫn có những người bố người mẹ, người em đêm đêm khóc thầm, gọi tên người thân không bao giờ về lại...

Ngàn lần! Vạn lần!. Ghi lòng tạc dạ những gương mặt người lính ngã xuống...

Vạn lần! Triệu lần!. Biết ơn những ông bố bà mẹ đã sinh thành, nuôi nấng và cống hiến giọt máu của mình, để giữ đất nước thân thương, trong nỗi đau - xót xa không thể ai có thể hàn gắn...

Đất nước này, chế độ này và những người đang sống trên dải đất hình chữ S này mắc nợ các anh chị, những người cha mẹ, anh chị em người thân liệt sĩ nhiều lắm. Những sự nợ nần, không thể trả bằng đồng tiền chế độ, ưu đãi trợ cấp mà còn bằng cả sự sống, yếu ớt chờ đựng, trong mỗi giọt máu - con tim...

(Bài viết đã đăng ngày 31/7/2013, nay đăng lại dịp 27/7/2013)
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
"Gia tài" của Liệt sĩ Hoàng Đặng Hùng, hy sinh tại đảo chìm Đá Lớn A, quần đảo Trường Sa ngày 25/7/2004
Từ cái kim sợi chỉ cho đến quân phục - ba lô
Không còn gì nữa

 
 
 
Mẹ khóc con

Tìm hơi ấm của con
 
Cạn nước mắt

Con sẽ sống mãi, trong cuộc đời bố mẹ...


17 nhận xét:

  1. Thật chí lý.

    "Đất nước này, chế độ này và những người đang sống trên dải đất hình chữ S này mắc nợ các anh chị, những người cha mẹ, anh chị em người thân liệt sĩ nhiều lắm. Những sự nợ nần, không thể trả bằng đồng tiền chế độ, ưu đãi trợ cấp mà còn bằng cả sự sống, yếu ớt chờ đựng, trong mỗi giọt máu - con tim... "

    Nhiều người đã và sẽ anh dũng hy sinh cho đất nước, tiếc là đất nước không phát triển, không đẹp... như những người đã ngã xuống hằng mong ước.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hy sinh vì sự vẹn toàn của đất nước là 1 công lao to lớn và thiêng liêng nhất . Đó là nghĩa vụ của mỗi công dân Việt Nam . Tuy nhiên nếu sự hy sinh đó được những người còn sống cũng phải có những trách nhiệm với sự hy sinh đó . Sẽ là những giọt máu đổ vô nghĩa khi những người có trách nhiệm với tổ quốc không giữ được bổn phận của mình , Hàng ngày chỉ lo vun vén tiền bạc ,công danh bỏ mặc Đất nước đi về đâu . Những hành vi làm tổn hại Đất nước nhiều lắm .Mua bán hàng độc hại mang về làm hại dân mình . Tiếp tay cho giặc nhòm ngó , thao túng Đất nước . Những ông quan đang ngày đêm vơ vét tài sản công . Vô tư đút tiền túi để mặc hậu quả về kinh tế . Nếu còn liêm sỷ hãy nhìn vào sự hy sinh của các chiến sỹ bảo vệ TQ mà soi lại mình .

      Xóa
  2. Bao nhiêu liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ mảnh đất thiêng liệng của cha ông để lại, dù ở dưới bất kỳ chế độ nào. Nếu chính quyền hiện nay biến sự hy sinh đó thành uổng phí khi để Trung cộng lừa phỉnh, cướp đất, cướp biển thì tội danh sẽ lưu thiên cổ.

    Trả lờiXóa
  3. Thời nay không thấy các công chúa hoàng tử tham gia quân ngũ như ngày xưa (họ bận đi học nước ngoài, bận đảm trách các vị trí béo bở) - hình như xã hội đã phân định ra hai tầng lớp rất khác biệt: Một đội chiến đấu, cống hiến và hy sinh - Một đội ăn trên ngồi chốc, xâu xé và hưởng lợi.

    Trả lờiXóa
  4. Chúng tôi hay đùa nhau: "Xã hội chuyên môn hoá rồi, một số chuyên hy sinh gian khổ; một số sung sướng hưởng thụ" hay nói ngắn hơn là "kẻ chuyên ăn, thằng chuyên làm". Thời bình vẫn rất nhiều hy sinh gian khổ ở biên giới, hải đảo (không phải chỉ có lính mà cả những giáo viên, bác sỹ ...). Thế mà lương thì người ta tính cho thành phố cao hơn vì ở xa ấy giá ... rẻ. Có công bằng không nhỉ?

    Trả lờiXóa
  5. Tôi chẳng muốn phán xét cả, hãy mặc những người mà các bạn gọi là "con ông cháu cha".Tôi cũng như anh Hải, tôi đã đến Trường Sa và chỉ một lần thôi cũng đã quá tự hào về Tổ quốc.
    Xin được gọi chị Thúy là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chính Chị và Anh đã truyền cho Liệt sĩ Hoàng Đặng Hùng niềm tin và khát vọng của dân tộc, nhờ Anh Chị mà Liệt sĩ Hoàng Đặng Hùng đã mang trong mình dòng máu quả cảm của dân tộc này, sự hy sinh của Hùng và sự mất mát của gia đình không bao giờ có thể bù đắp được nhưng là bài học lớn về sự hiến dâng cho Tổ quốc.

    Trả lờiXóa
  6. Không thể nào cầm được nước mắt. Thật không có đau xót nào hơn. Xin chân thành chia buồn cùng gia đình cô chú và kính cẩn thắp nén tâm nhang cho liệt sĩ Hoàng Đặng Hùng

    Trả lờiXóa
  7. Xin chia buồn với gia đình LS Hùng. Mình đọc mà không kìm được nước mắt.Xin tác giả cho biết rõ thông tin, lý do, nguyên nhân sự hy sinh để mọi người biết.Xin cảm ơn!

    Trả lờiXóa
  8. ""Gia tài" của Liệt sĩ Hoàng Đặng Hùng, hy sinh tại đảo chìm Đá Lớn A, quần đảo Trường Sa ngày 25/7/2012"

    Đọc cứ ngỡ Anh ấy hy sinh ngày 25/7/2012, nhưng không, đó chỉ là ngày tưởng niệm và trao kỷ vật của Anh cho gia đình. Anh hy sinh ngày 25/7/2005 (?) trong lúc làm nhiệm vụ.

    Trả lờiXóa
  9. Những anh hùng đã ngã xuống hi sinh,đất nước đc tồn tại đến nay trên xương máu các anh.Nhưng sự tham nhũng,tha hóa của phần đa cán bộ làm nước ta đi xuống vậy... tinh thần đâu rồi

    Trả lờiXóa
  10. Cho em xin bài này bác hải nhé. Bài viết thật có tâm...

    Trả lờiXóa
  11. Anh Hải ơi, mọi người dân nước Việt ai cũng sống đầy tình người, nghĩa tình sâu nặng như Anh, đất nước mình sẽ phồn vinh tươi đẹp. Chúng tôi luôn trân trọng anh, mến phục anh, trang phóng sự của anh ngày nào tôi cũng đọc, đọc mãi đọc mãi rồi nghĩ lại đất nước mình mà rơi nước mắt, chúng tôi là CCB trực tiếp chiến đấu 81 ngày đêm tại Thành cổ, bao bạn bè tôi nằm lại trên dòng sông Thạch Hãn " Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ. Đáy sông còn đó bạn tôi nằm. Có tuổi hai mươi thành sóng nước. Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm".... Rồi đến Trường sa. Vong linh các Liệt sĩ ơi, các anh có nhìn thấy không, máu xương các anh hòa vào nước, đất... vẫn sống mãi trong lòng đồng đội như anh Hải, hàng triệu người dân như anh Hải. Các vong linh các LIỆT SĨ " Âm thịnh dương suy " hãy đoàn kết lại, tập trung lại tạo thành SỨC MẠNH TỔNG HƠP để bóp cổ cho chết hẳn những thằng quan tham, rồi nghiền nát chúng nó, bọn chuyên ngồi mát sống trên máu xương của hàng triệu Liệt Sĩ, chuyên nhăm nhe vơ vét, tham nhũng mà không thấy hổ thẹn.

    Trả lờiXóa
  12. cám ơn anh MTH chúng ta ghi ơn những anh hùng bảo vệ tổ quốc , tại sao chỉ có những trang blog cá nhân mới viết còn những trang chính thống những người được thụ hưởng trực tiếp từ những sự hy sinh này ko thấy lên tiến nhỉ ? bất nhẫn thật . một lần nữa cám ơn anh MAI THANH HẢI

    Trả lờiXóa
  13. Thương anh quá, chúc anh bình yên. Tự hào về anh.

    Trả lờiXóa
  14. Lau mắt mấy lần mà không hết nước!!!sangmat

    Trả lờiXóa
  15. Cuộc đời này có rất nhiều nỗi đau, nhưng mình chắc chắn, nỗi đau lớn nhất - xót xa nhất là của người bố, người mẹ chưa già, nhưng mất con trong tích tắc, khi đã nuôi con khôn lớn và phải cắn răng lại, chịu đựng sự xa cách nơi con nằm, gần 10 năm, mới nhận được con nhẹ bẫng trong thùng tôn, nuốt nước mắt để đôn đáo lo cúng giỗ cho con trẻ...

    Trả lờiXóa