8 tháng 12, 2011

ĐƠN DƯƠNG ƠI! KIẾP SAU CÓ CHẾT?..

Mai Thanh Hải - Mình đợi đến hết ngày, mới viết và đăng những dòng này, để gửi đến 1 người tài hoa nhưng gian trân đến cùng cực: Diễn viên Điện ảnh Đơn Dương.

Mình chả có may mắn như bao người khác, được làm việc, đóng phim, thậm chí bá vai bá cổ, tha lôi rượu chè hết chỗ này đến chỗ khác, khi gương mặt Đơn Dương ló ra ngoài đường, ai cũng trầm trồ ngưỡng mộ (nhưng khi Đơn Dương lâm nạn, thấy những bạn rượu này, trốn biệt hết, có lấy xà beng móc cũng không ra)...

Mình chỉ biết bác ý qua những thước phim thời đổi mới, như: Vùng trời cho chim câu, Vùng trời bình yên, Ba mùa, Người đẹp Tây Đô... và nhất là Mê Thảo - Thời vang bóng, đến Đời cát "chang chang nắng trưa Quảng Bình", của Bọ Lập.

Ấn tượng về Đơn Dương, còn hơn cả Nguyễn Chánh Tín (Nguyễn Thành Luân, trong Ván bài lật ngửa) và Bùi Thương Tín (Sáu Tâm trong Biệt động Sài Gòn), bởi không chỉ vai diễn, mà gương mặt của Đơn Dương lộ rõ nội tâm se buồn, tâm cảm và mong manh, chịu đựng đến mức chỉ chạm khẽ vào tâm hồn ấy, dòng suy tưởng sau gương mặt ấy, là vỡ òa nức nở những tinh khôi, trong trẻo của bản ngã, trong mọi con người...

Thật!. Ở nơi mà đời sống văn nghệ văn gừng thay đổi như chong chóng, theo Nghị quyết với tiêu chí "phục vụ việc chỉ đạo điều hành", mà có những gương mặt diễn viên, dù đóng vai người hát xẩm hay bộ đội xuất ngũ, vẫn đọng lại giọng nói, gương mặt và buồn đôi mắt như Đơn Dương, thì không chỉ rất ít mà còn hơi bị hiếm...

Mà phàm đã tài hoa, đến mức giữ vững được cái chất riêng nghệ sĩ, trong từng vai diễn, thì cũng dễ bất đắc chí và mong manh lắm lắm (bởi có ối người, được rèn luyện chỗ này chỗ khác, danh này hiệu khác, nhưng diễn xong, viết xong, có để lại ấn tượng gì với người đọc, người xem).

Chính vậy, cái việc sa chân, lầm lỡ như người ta nói, cũng là điều dễ hiểu và với mình, chuyện qua rồi, thì cũng chả nên đay nghiến làm gì. Bởi ngay các cụ ngày xưa chả dạy: "Đánh kẻ chạy đi, chứ không đánh kẻ chạy lại", đấy hay sao?..

Thế nhưng hôm qua, khi đọc mấy tờ báo nước ta, thi nhau bắn chữ, nổ hình Đơn Dương mất tại Mỹ và đổ cả rổ chữ dài dằng dặc, đưa thông tin người nằm xuống thì ít, mà choang choang bới móc chuyện cá nhân, kèm theo giọng "đanh thép luận tội", như Cáo trạng của Viện Kiểm sát thì nhiều, khiến mình thấy hơn cả sự thất vọng: Thất vọng về tình người...

Mà đọc ở họ, toàn thấy báo nhớn ấy chứ, ví như: Bài Diễn viên Đơn Dương qua đời trên đất Mỹ của báo Người Lao động, do bác Nhà báo (mới kiêm nghề... Thầy phán, quy kết, đòi làm đến cùng vụ nhà báo Hoàng Hùng bị đốt) Tổng Biên tập Đỗ Danh Phương cầm trịch, với tác giả bài viết Thanh Hiệp, hình ảnh do "gia đình NS cung cấp" (chả hiểu NS có phải là Nghệ sỹ hay không và đó là Nghệ sỹ nào, chứ với riêng mình, người trong nhà lại cung cấp hình ảnh cho đứa ngoài nhà viết lách bới móc người cũng trong nhà mình, mình không... chém, cũng đánh què cẳng);

Hóng theo, lại có thêm bài Diễn viên Đơn Dương hóa kiếp những giông bão của VTC News, suốt ngày bị độc giả soi vì tội "viết zậy mà hiểu không được như zậy", dưới quyền của anh Tổng Biên tập Ngô Văn Hải trẻ măng, vừa bị dính phốt Tuyên giáo với những lý do rất lơ ngơ và bài "luận tội" này, do tác giả "T.L"... tổng hợp (chả hiểu "tổng hợp" có phải là nhặt nhạnh ở đâu hay không, mà chẳng thấy nguồn gì cả)...

Trước đây, mình chả biết cái gọi là "tội" của Đơn Dương to đến chừng nào, bởi chưa thấy Viện Kiểm sát  nhân dân nào công bố Cáo trạng, cũng chả thấy Tòa án Nhân dân nào tuyên bản án, chả thấy Cơ quan An ninh - Cảnh sát nào ký Kết luận điều tra, tung cho báo chí làm... tin nhanh.

Thế nhưng đến ngày hôm nay, thấy 2 ông "Viện - Tòa" là Báo Người Lao động và VTC News công bố, mình mới ngã người ra, sợ ơi là sợ, muốn ói luôn (chắc là do Hà Nội có đợt gió mùa Đông Bắc).

Ở nơi mà báo chí lăng xăng trên "tuyến đầu tuyên án". Chả ai nhờ bảo, cũng tự "thay mặt phát ngôn", giúp các cơ quan chức năng, hệ thống Chính trị, ngành Tư pháp... để bôi hết chậu mực đen, vào cái đốm sáng cuối cùng trong tâm hồn 1 con người vừa nằm xuống, dù thừa biết họ đã cống hiến cho sự khai trí - bồi dưỡng nhân cách của bao người (dẫu chỉ qua những câu chuyện trên màn ảnh), thì có lẽ phải xem lại nhân cách người, phẩm giá báo của những người hóng hớt, tự nhận "chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng"...

Một thân phận Nghệ sỹ, phải tha hương đất khách, muốn quay trở lại với quê hương bản quán, nhưng ước vọng cuối đời ấy, cũng đổ xuống cùng cái chết - kết thúc 1 kiếp người, vậy mà cũng không được chết yên ổn, thì liệu tình cảnh này còn gì dã man hơn và liệu những người "luận tội", có đúng là người Việt, với tấm lòng nhân ái, vị tha, bao dung, từ ngàn đời ta vẫn thường tự hào với người... khác Việt?..

May mà!. Vẫn may mà vẫn còn những người khác, tờ báo khác còn chất Việt và còn tình người. Mình đã đọc đi đọc lại bài ngắn Diễn viên Đơn Dương qua đời trên Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh, để rưng rưng cảm xúc, vẹn nguyên trước 2 tấm hình người Nghệ sỹ và tóm tắt những vai diễn của anh, trong cuộc đời, cũng như những gì anh cảm nhận được, trong phút cuối đời.
Mình cũng đọc những dòng của Nhà báo Nguyễn Thông, Nhà văn Nguyễn Quang Lập và bao người khác - những dòng của con người, dành cho con người, để rồi chia sẻ với người vừa nằm xuống, bằng lời của Nhà văn Nguyễn Quang Lập: "Chào nhé Đơn Dương!. Thôi kiếp này không sống được ở nơi đây thì hẹn nhau kiếp sau vậy. Đơn Dương ơi!. Kiếp sau nhớ về Đất Việt  nhé!. Đừng quên! Kiếp sau Đất Việt mình không khốn khổ như thế này đâu, chắc chắn là như vậy!".

Và mình muốn nói: "Kiếp sau nếu chưa về Đất Việt, có chết, bác cũng không khốn khổ thế này đâu!"...

13 nhận xét:

  1. Một số câu chữ, từ ngữ đã được sửa lại. Lý do: Viết nhanh rào rào như gà mổ thóc. Hi! Hi!..

    Trả lờiXóa
  2. Hôm nào vô cao nguyên, mời Hải ghé nhà uống 1 vài ly, "ngồi trên" đàng hoàng chớ không phải "ngồi dưới" đâu nghe. Thêm vài món dân dã núi rừng để nhâm nhi và nhìn ... sơn nữ tắm! Hì hì...

    Trả lờiXóa
  3. Quá hay anh ạ!Trước khi đi ngủ đọc bài này trên log của anh chắc em sẽ chơi vơi vài ý nghĩ. Em đang bắt đầu bước chân vào làng báo...

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn bác Hải vi mấy lời gửi đến đồng nghiêp,đích đáng!cám ơn bọ lâp vi lời đưa tiễn thấm thấu tận tâm can cho người đã nằm lại nơi đất khách.

    Trả lờiXóa
  5. Cám ơn anh Mai Thanh Hải, cám ơn vì vẫn còn những nhà báo như anh. E đã copy bài này gửi cho chị gái của anh ấy. Anh Dương chắc sẽ thanh thản bay lên nhờ có những người như anh. Cảm ơn anh vì những dòng rất Con Người này. Vô cùng cảm tạ!

    Trả lờiXóa
  6. Trời đất, anh Hải ơi! Lại vẫn là anh, lời lẽ "cay nghiệt", nhưng bao giờ cũng chạm được vào cái góc sâu nhất của tâm can - của cái nhân chi sơ tính bản thiện - của cái tình người. Đã thương cảm nghệ sĩ Đơn Dương một, giờ đọc xong bài viết của anh,lòng lại cảm thương mười.Xin mượn lời của anh Hải thay lời tiễn biệt người nghệ sĩ tài hoa : "Kiếp sau nếu chưa về Đất Việt, có chết, bác cũng không khốn khổ thế này đâu!"...

    Trả lờiXóa
  7. Khi viết bài này, mình chắc là Hải đã có rất nhiều cảm xúc, vì mình cũng vậy khi đọc những câu đầu tiên trong bài. Mình như thấy được trong từng con chữ, từng câu của Hải có những cái gọi là nhân văn, là tình người, là đồng cảm và có thể có cả những giọt nước mắt. Lao vào cấu xé đồng lọai khi chỉ còn là cái xác không hồn thì chẳng phải là người rồi Hải nhỉ, vậy là cũng có những người chẳnng muốn làm người, lạ thật! Cảm ơn Hải đã cho mình những cảm xúc rất thật, rất người.

    Trả lờiXóa
  8. Hải viết có tình lắm.

    Trả lờiXóa
  9. Lan cuoi gap Don Duong o San Jose, anh noi muon ve VN qua, nhung ma..
    Co the tam ly chuan bi di ve, biet bao chi co de yen cho minh an Tet hay khong, hay lai buoi moc, cang thang, khong ai tra loi duoc nhung cau nhu vay, can gthang, va stroke va di truoc cho nhe nhang...
    Con ai ngam mau fun nguoi, bon do do mieng!!

    Trả lờiXóa
  10. "Chở bao nhiêu Đạo, thuyền không khẳm.
    Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà"

    Chỉ mong sao giới nhà báo nahf văn nước mình có được cái Tâm và giữ được cáo Đạo như bác Hải đây thì phúc đức quá

    Trả lờiXóa
  11. và xin phép bác Hải được copy bài này vào blog của mình.
    Trân trọng!

    Trả lờiXóa
  12. Em chào anh Thanh Hải,
    Cho phép em gọi anh là anh, vâng, em cám ơn bài viết của anh nhiều lắm. Em cũng chỉ biết nghệ sĩ, diễn viên Đơn Dương qua vài phim truyện nhựa. Biết thôi, rồi quên vì vắng bóng. Mấy hôm rồi em đọc báo, lòng cũng có chút lợn gợn, băn khoăn câu hỏi vì sao người bỏ quê mà đi. Nhưng trên hết là xót xa, khi người nằm xuống sao mà khổ quá. Đọc bài của anh, cứ lặng đi …

    Cám ơn anh.

    Trả lờiXóa