Mai Tiến Nghị - Trong chiến trường, vài năm lính ta mới được xem văn công văn nghệ một lần. Thường vào các dịp kỷ niệm. hoặc trước khi lên đường vào chiến dịch. Cấp trên tổ chức gọi là có tí "sản phẩm tinh thần", để động viên chiến sĩ hăng hái chiến đấu.
Thực ra 3 năm đánh nhau, mình chỉ nhõn một lần xem Văn công chuyên nghiệp. Lần ấy, Đoàn Văn công Quân khu về biểu diễn.
Nhưng lính không thích lắm, vì toàn hô bài chòi, không quen. Giọng Quảng hơi khó nghe, nhịp điệu lại đều đều, nên chán.
Lính miền Bắc nghe xong là xuyên tạc tán tếu: “To daè…i cứng ngheéc… mà… thẳng tưng ừ; Chi mô mà răng rứa chừng chừng mà quá tai… quá tai mà chừng ứ chừng… quá tai mà chừng ứ chừng…” Đại loại thế.
Thế rồi năm 1973, Trung Đoàn mình tổ chức ra cái Đội Văn nghệ xung kích. Toàn đực rựa miền Bắc.
Diễn viên thì dễ tìm, lính thằng nào chả thích hát!.
Khó nhất là tìm đứa đóng giả con gái.
Tìm mãi được thằng Sinh người manh mảnh, da trắng õng ẹo như con gái thật.
Nhạc công thì chọn được một thằng võ vẽ ghi ta, một thằng thổi sáo tàm tạm (Lính bảo: "Thằng này thiếu bún, thừa nước... sáo chó) và hai thằng biết kéo nhị và đàn bầu (vì nhà các hắn có nghề phường kèn đám ma).
Lấy tre rừng khoét sáo, dùng lồ ô làm nhị, tre luồng làm đàn bầu. Riêng cái ghi ta thì khó.
May có một thằng vốn là thợ gò, hắn lấy đuya-ra mảnh máy bay Mỹ làm một cái đàn ghi-ta. Nghe cũng hay phết.
Hồi mình ra quân thấy còn bày ở nhà truyền thống Trung đoàn, không biết bây giờ có còn không?..
Miền Bắc thì thích hát chèo. Nên chương trình nào cũng có hát chèo.
Trong đám diễn viên, thì thằng Đấu hát chèo khá nhất.
Còn thằng Sinh chả hát được nửa câu, khi diễn thì mặt cứ đuỗn đuồn đuột ra như người mất sổ gạo. Hắn đóng con gái cốt là cho có màu để lính thích. Vậy thôi!.
Chàng Đấu nuôi được một con chó con (giống chó kiến, tai ngắn), nên khi lớn lên con chó quyện với hắn như hình với bóng. Đấu đặt tên con chó là Ních (Chả là nước Việt ta ghét ai thì gọi người ấy là chó, rồi có phong trào lấy tên Tổng thống Mỹ đặt tên cho chó nhà mình. Bây giờ có ghét mấy, cũng chưa thấy ai đặt tên chó theo tiếng Tàu. Chắc sợ bị quy là…).
Nuôi chó thì không khó. Đến bữa, nó xuống chỗ anh nuôi ăn chực và lại tiện lợi, vì Đấu ta đi xia không phải mang xẻng đào“hố mèo”. Đi đánh nhau thì con chó của hắn được gửi ở hậu cứ…
Một lần, chả biết tay nào còn trang sức cho con chó củ riềng đeo vào cổ. Có vậy thôi mà Đấu tức lắm. Hắn chửi toáng: “Mẹ cái loại chỉ hay ăn. Có mà ăn cứt cho thằng Ních!”.
Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn tên là Cân (lính gọi là Cân Toét vì ông này mắt lúc nào cũng đùn dử, nhênh nhếnh nước), nghe nói vậy thì bảo: “Bậy bạ!. Mất lập trường. Dám bảo đồng đội ăn cứt kẻ thù!”
Chiều hôm ấy tại vườn mít cạnh bờ sông Tranh, bọn mình được xem Đội Văn nghệ Xung kích diễn hoạt cảnh chèo “Đường về đơn vị”.
Nội dung: Có một anh chiến sĩ bị thương đang điều trị tại Trạm Quân y, nhưng vì nhớ đồng đội, hăng hái muốn lập chiến công nên đã trốn về đơn vị...
Chuyện bốc khoác vậy, mà bọn mình xem say sưa.
Loa đài tậm tà tậm tịt, tiếng nhạc đệm nghe tiếng được tiếng mất, nên những đoạn lưu không, lính ta tưng tửng đệm đàn mồm.
Có mấy thằng còn tếu táo “Anh ơi dậy mà xem/Thằn lằn nó cắn chân em” “lùng nhùng lùng nhúng trong chăn”...
Đấu ta vừa ngâm sổng vừa nhìn về phía mấy cây mít:
"Trông lên đỉnh núi
Nhớ tới quê nhà
Nơi quê hương!. Kìa!. Ních xơn điên cuồng bắn phá
Trong này chiến thắng nở hoa...".
Lính ta dưới đệm đàn mồm: "Lùng nhùng lúng nhúng trong chăn!"...
Chợt con Ních chạy ra sân khấu hít hít vào chân Đấu. Chắc nghe thấy Đấu vừa hát “Kìa, Ních xơn” thì nó tưởng là… chủ gọi.
Đấu không nhìn thấy. Lại hát tiếp sang điệu “trần tình”, tay ngoáy ngoáy đưa lên trời rồi một tay trỏ vào ngực ra điều nhớ nhung:
"Bâng khuâng một ì mình… nhớ ơ đơn í vị ị ị
Nhớ ì đồng chí… nhớ… í… chiều quân ì hành!"…
Con chó Ních nghển mõm nhìn theo tay ông chủ. Đấu xoay người một vòng, con chó cũng chạy một vòng theo chiều xoay của Đấu. Mắt nó nhìn chăm chăm vào tay múa, tưởng rằng chủ nó đang rút từ túi áo ngực một... cục xương.
Phía dưới, khán giả được phen cười ầm ĩ…
Tay Cốc (người Hà Bắc) thấy vậy thì bực vì con chó phá đám. Hắn vớ được một cục đá, giang tay ném thẳng lên sân khấu. Phát ném trúng đích, chính xác một cách ngoạn mục. Con Ních oẳng một tiếng thất thanh, rồi tru lên đau đớn và chạy biến…
Vậy là tan cái hoạt cảnh. Anh chiến sĩ không tiếp tục hát múa "bỏ về đơn vị" nữa, mà bỏ chạy để đuổi theo con chó…
Rồi cũng tiếp tục diễn. Nhưng nhạt toẹt, vì tay Đấu mồm hát mà mặt ủ mày chau. Chắc đang mải nghĩ làm sao để tìm được con chó?...
Đến tối cũng không tìm được. Đêm về Đấu ta nằm i ỉ khóc: “Ních ơi!. Mày bỏ tao đi đâu!. Ních ơi ời!”...
Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Cân Toét nghe thấy Đấu ỉ eo vậy thì điên tiết. Ông bảo tay công vụ: “Mày sang bảo cái thằng Đấu im cái mồm!. Gọi tên kẻ thù mà như gọi người thân. Mất lập trường. Chả khác gì phản động!”...
----------------------------------------------
* Hình ảnh hoạt động của các Đoàn Văn công Giải phóng trong bài viết, chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.
* Tít bài do MTH đặt lại, khác với của tác giả MTN.
Khà khà.. đã là lính thì thời nào cũng thế, năm 1984 lính ta trên hang Làng Lò Vị Xuyên được xem văn công trước khi vào chiến dịch. Lúc văn công biểu diễn lính ta gõ nồi gõ xoong ầm ĩ chả nghe thấy gì. Sau này chỉ còn lưu lại câu ca " có ai lên đỉnh Cốc nghè, mà xem Ánh Tuyết Hoàng Chè ấy nhau ".
Trả lờiXóaDẾ MÈN PHỐ NÚI:
Trả lờiXóaXem hình này nghĩ về Mama của em. Thời chiến tranh Mama của em là dân công văn nghệ, hát cho các chú bộ đội đấy anh ạ. Mama của em lúc nào cũng nhớ về những kỷ niệm đẹp thời chiến .
Mong anh Hải lun khỏe mạnh đễ có nhiu bài viết hay cho mọi người.
Đọc chuyện này mới thấy thương cho bộ đội và dân ta thời kỳ đó. Ai càng thể hiện lập trường bao nhiêu thì bị gậy ông đập lưng ông bấy nhiêu. Như trường hợp tay Đấu, vì đặt tên chó trùng tên Nich xơn nên khi chửi nich xơn thì chó chạy ra làm bể dĩa, còn bị cấp trên la nữa mới đau.
Trả lờiXóaThời lính bọn tôi thì có câu :
Trả lờiXóa"Bóp vú đàn ông còn sướng hơn xem văn công Trung đoàn"vì ngày đó bọn tôi chỉ được nghe văn nghệ của trung đoàn thôi.
Cười chảy nước mắt...:D
Trả lờiXóa