4 tháng 12, 2011

BẾP NÚC TRƯỜNG SA

Mai Thanh Hải Blog - Ra Trường Sa, ít có người tìm hiểu về công tác Hậu cần, cụ thể là nấu nướng - ăn uống, mà toàn say sưa với những chủ đề "đao to búa nhớn" khác.

Ối Chà! Các cụ ngày xưa đã chả đúc kết "thực túc, binh cường" - ăn uống có đầy đủ thì quân đội mới chiến đấu giỏi.

Ở cái nơi đầu sóng ngọn gió, cái gì cũng phải vận chuyển - tiếp tế từ đất liền ra (trừ nắng, gió, biển, cát, san hô và... bão), mà không vun vén, chăm lo để trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, bộ đội cũng phải no bụng, đủ chất (chưa nói đến "cơm dẻo, canh ngọt"), thì làm sao mà căng mắt, thính tai canh bọn cướp biển và có báo động, chỉ trong tích tắc đã vọt xuống công sự, giương súng pháo sẵn sàng đập nát mặt quân cắn trộm?..

Cái thằng mình, thuộc dạng hay... lo ăn (Hi! Hi! Xấu tính thế chứ), nên cứ sểnh ra khỏi nhà là lo cho cái bụng.

Chả thế mà mỗi lần đi Trường Sa, ngoài "công tác chuẩn bị cá nhân" (muối vừng, muối ớt, ruốc thịt, mì tôm...), khi xuống tàu - lên đảo, mình đều hóng hớt, đu đưa với anh em Hậu cần, anh nuôi để "yên tâm công tác". Hí! Hí!. Và dĩ nhiên, những lần ngồi buôn dưa, làm bếp với bộ đội, cũng có ối chuyện và kinh nghiệm để kể, về chuyện: Bếp núc Trường Sa.

Chuyện tăng gia sản xuất, giống kiểu "trồng cây gì, nuôi con gì" ở các đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn, tàu trực... mình chả nói nữa, vì các đồng nghiệp viết nát ra rồi.

Thậm chí có đồng nghiệp ra Trường Sa, thấy cái gì cũng... bị viết hết rồi, bí đề tài, quay ra viết về chó - lợn và tỉ mẩn kiểm đếm, so sánh với quân số đơn vị, tương lên mặt báo, khiến Tổng cục Chính trị điên hết cả người (vì làm "lộ bí mật quân sự"), tức tốc gửi văn bản yêu cầu kỷ luật, làm không chỉ người viết mà cả Ban Biên tập cũng ngớ người, chả hiểu... "viết tốt về bộ đội Trường Sa như vậy, có lý gì mà bị phàn nàn". (Hu! Hu!. Đầu nhiều đất quá, nhục thế chứ!).

Với mình, lần nào gặp anh em hậu cần Trường Sa - DK, cũng phục lăn trước những sáng kiến và cách làm rất độc đáo, để dự trữ - bảo quản thịt thà, rau quả tươi sống dài ngày, phục vụ cho bữa ăn bộ đội và đặc biệt là trong mọi điều kiện thời tiết, bất thường, mỗi bếp ăn vẫn nổi lửa đều đặn ngày 3-4 lần

Nói thêm chỗ này phát. Chả là Bộ đội Đặc công nước, tàu mặt nước đi biển, nhân viên kỹ thuật phục vụ ban bay, trực sẵn sàng chiến đấu, bộ đội làm nhiệm vụ trên đảo... có khẩu phần ăn tập đêm và khẩu phần phụ, ăn thêm theo quy định nên mới có thêm bữa thứ 4, để lính ta no cái bụng, tinh con mắt, chắc cái tay và minh mẫn cái đầu.

Qua những lần thực tế này, mình càng thấy anh em anh nuôi - cấp dưỡng... siêu giỏi. Này nhé, tàu đi biển gặp thời tiết xấu, biển động cấp 7-8, sóng cao ngất đầu, tất cả mọi thứ đều phải chằng buộc chặt cứng, duy có người chả biết buộc vào đâu, cứ ngoi lên ngụp xuống thùm thụp, đầu đập vào thành tàu cồng cộc, nôn hết mật xanh mật vàng...

Thế nhưng các anh nuôi và bộ phận bếp, vẫn phải lấy thừng buộc ngang người làm dây bảo hiểm, lần cầu thang xuống hầm lạnh lấy lương thực - thực phẩm, lảo đảo mang lên, lại buộc thừng ngang mình vào cột sắt trong bếp, với những bếp dầu cũng đã được hàn - buộc chắc chắn, nổi lửa nấu ăn cho anh em.

Trên các đảo nổi, đảo chìm cứ tưởng chắc chắn hơn trên tàu, nhưng cũng chả phải. Mùa mưa bão, cả đảo co mình giữa mịt mù sóng gió, bão dông.
Có những khi bão lớn, bộ đội phải ôm ba lô xuống hết hầm ngầm, công sự giữ vũ khí, khí tài, sau mới đến nước ngọt, đồ ăn.

Cánh bếp núc hậu cần, dẫu không phải xếp súng lau đạn, nhưng cũng phải giữ từng lon nước ngọt, chai dầu hỏa, túi gạo, phong lương khô để "sống sót lâu dài" và vẫn bò dưới gió, phơi lưng dưới mưa để nổi lửa nấu đồ ăn cho lính, trong điều kiện có thể.

Thời gian qua, Trường Sa đã được đầu tư rất nhiều về mọi mặt.

Đặc biệt năm rồi, hình như Trường Sa trở nên... bội thực với bà con, bởi có thời điểm cứ mở tivi là thấy trực tiếp này, giao lưu nọ về Trường Sa, hết kênh này đến kênh khác, từ địa phương này đến địa phương khác (đến mức mấy cu em mình Lữ 146, từ ngoài đảo lẫn trong bờ, phải nhắn tin, gọi điện hỏi mình: "Bọn anh lấy đâu ra nhiều chữ thế? Bọn em sống hàng ngày ngoài này, cũng chả bao giờ thấy") và hiện nay thì lại... phình phường.


Không chỉ "món ăn tinh thần", bà con còn rất quan tâm bằng vật chất, rõ nhất là góp gạch đá, mua máy phát điện, năng lượng mặt trời, tivi - đầu máy... cho Trường Sa. Kết quả của việc mua sắm ú hụ, theo kiểu "kẻ ăn không hết, người lần không ra" này, mình chả nói, ai đi rồi thì biết.

Chỉ ước cái điều mà hết thảy những người đã - đang ở đảo, DK, tàu trực và những người đã ra với nơi biển đảo xa xôi ấy, đều muốn: Cái bụng của bộ đội, phải được ưu tiên đầu tiên.

Bao năm đã trôi qua, chuyện nấu ăn bằng bếp dầu, ở đất liền, có chăng là ký ức của thời bao cấp thiếu thốn, đói khổ. Đã qua cái thời nấu nướng bằng rơm rạ, bếp dầu, củi mục, trấu mùn...

Than tổ ong, có tồn tại cũng chỉ trong những hàng cơm bình dân rẻ tiền, toàn chế biến bằng những đồ thiu thối, bỏ thừa, nhập lậu từ Tàu khựa.
Hoặc thêm chút, than tổ ong được dùng làm "vũ khí" chống đối của những cư dân Keangnam thừa tiền, thích cuộc sống Tây phương hiện đại, bị lừa biến thành... cừu có hệ thống, điên lắm những cũng đành "ngậm bồ hòn làm ngọt", nay mới tỉnh ngộ, tìm lại được trí khôn, mang ra đốt để phản đối BQL đóng cửa, sập cầu thang, cắt điện - nước...

Năm 1988, chúng ta không chỉ mất đảo ở Trường Sa không chỉ bởi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đảo, mà còn do không đáp ứng nổi điều kiện ăn ở, khiến cả phân đội Hải quân phải ngậm ngùi rút khỏi đảo chìm, sau vài tháng ăn lương khô, uống sương đêm, ngâm mình cả ngày dưới nước.

Cũng từ năm 1988 (trước đó là từ 1975), bữa cơm của những người lính giữ đảo, chưa khi nào hết ám khói bếp dầu hỏa, gỗ thông thùng đạn, củi mục dàn giáo xây công trình...

Người ta có thể lo cho bộ đội rất nhiều thứ to tát, nhưng nỗi ám ảnh mùi dầu, mùi khói và những món rau đóng hộp, phơi khô, lương khô bánh khảo... nếu vẫn còn trong tâm trí mỗi người lính, thì mọi sự chăm lo về tinh thần, như máy thu hình xem "Chúng tôi là chiến sĩ", đầu video để hát đi hát lại đĩa karaoke nhạc đỏ... sẽ chỉ là bề nổi, chứ chưa nói là được chăm lo chu đáo, vẹn toàn.

Ngày 22/6/1952, tại Hội nghị Cung cấp toàn quân (tiền thân của ngành Hậu cần Quân đội ngày nay), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đối với chiến sĩ phải săn sóc họ làm sao cho họ đủ ăn, đủ mặc, đủ súng, đủ thuốc..". Điều này, chúng ta đã làm được, nhưng cái sự "săn sóc đủ ăn" này, còn cần thay đổi nhiều lắm. Đó là chưa kể đến vế sau, không kém phần quan trọng: "Các chú phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải phải đi thẳng đến chiến sĩ”.

Những người bảo vệ Trường Sa, hình như đang rất mong chờ, sự cải thiện mới, từ mỗi bữa ăn...
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Bếp nấu của đơn vị Công binh Hải quân xây dựng đảo X
Tận dụng vỏ thùng, cây giáo làm củi đun và anh nuôi đang kho thịt đấy nhá...
Vẫn là gỗ chẻ ra từ các vỏ thùng đựng vũ khí, khí tài, thiết bị ở bếp của 1 đơn vị Công binh HQ xây đảo Y
Bếp ăn nhỏ hẹp tận dụng không gian hẹp trên đảo chìm K và đun bằng bếp dầu
Duy nhất 1 chiếc bếp dầu , nấu ăn cho toàn đảo chìm Z
Đồ ăn dự trữ trong bếp của đảo chìm B
Bữa ăn trưa trên tàu: Thành quả sự cố gắng của anh em hậu cần
Đây là "bè lũ báo chí hóng hớt" tụi mình. Ăn bữa tối, trên đường từ Cam Ranh ra Trường Sa. Thấy thời tiết đẹp, trời yên biển lặng, cả bọn nì nèo chỉ huy tàu cho mang cơm ra ra boong mũi, trải chiếu mang bia rượu (giấu trộm, mang lên tàu)... để nhậu nhẹt 1 trận tưng bừng, vì từ mai tới vùng biển Trường Sa, bắt đầu chuyến công tác gian khó.
Nấu cơm bằng chảo gang trên đảo C
Thực phẩm dự trữ trên tàu trực
Bếp nấu trên tàu
Bếp dầu mới cứng, cho 1 phân đội DK
Nướng cá bằng... sách báo
Chạn bát thiên nhiên, độc nhất vô nhị

17 nhận xét:

  1. Híc, bác Hải dọn bàn sắp nhập tiệc mà thần khí không được tươi ? Mấy qủa bí đắp gì trăng trắng vậy bác?

    Trả lờiXóa
  2. lính ta thiếu rau , thiếu thịt tươi nhưng có vẻ không thiếu bia, rượu nhỉ !?

    Trả lờiXóa
  3. cam ơn tác giả. bài viết hay quá.rất chi tiết về chuyện bếp núc của các chiến sĩ ta. :)

    Trả lờiXóa
  4. Mai Thanh Hải là một nhà báo rất y là thực tế.Nói và làm luôn song hành, lại xông xáo, năng nổ đầy nhiệt huyết.
    Cám ơn MTH đã cho độc giả được "vào"tận bếp của các chiến sĩ ta.

    Trả lờiXóa
  5. Trường Sa nắng gió nhiều như vậy, sao các nhà khoa học và bộ đội nhà ta không tận dụng nguồn năng lượng ấy để biến thành nhiệt năng để nấu nướng mà phải đun bằng gỗ xẻ ( trong hình) như vậy hả bác Hải?

    Trả lờiXóa
  6. làm thế nào để được ra Trường Sa anh MTH ơi ?
    không còn trẻ để xung phong đi lính,không là ca sĩ,diễn viên,nhà báo.chỉ là một người yêu biển đảo Hoàng Sa ,Trường Sa và ghét tất cả những sự vi phạm chủ quyền đối với biển đảo Việt Nam.
    Tôi ước đời mình được ra một lần khi còn sức khỏe

    Trả lờiXóa
  7. Cám ơn Bác Hải

    Trả lờiXóa
  8. " lính ta thiếu rau , thiếu thịt tươi nhưng có vẻ không thiếu bia, rượu nhỉ !?"

    Bác nói vậy oan cho Chiến sĩ ta quá ...

    Trả lờiXóa
  9. Những tấm ảnh của MTH đã kể cho chúng ta rất nhiều điều về đời sống bộ đội Trường sa. Một đảo chìm- một bếp dầu. Đun cơm từ gỗ thùng vỏ đựng khí tài. Đã sang thế kỷ hai mốt... nông dân đã đun bếp ga mà chiến sĩ Trường Sa ta vẫn còn bữa ăn khét mùi khói, hôi mùi dầu...
    Và đau hơn: ta mất đảo chìm chỉ vì không thể cứ ăn lương khô, uống sương đêm, ngâm mình trong nước đến vài tháng...
    Ở Hà Nội Sài Gòn... Quan chức có thể thanh toán công tác phí tới 5 triệu/ngày. Người trấn giữ biên cương hải đảo đến cái bếp dầu mấy chục cũng khó... Sao vậy nhỉ.
    Mong các cấp lãnh đạo để ý xem những tấm ảnh này để chung lo cho chiến sỹ.

    Trả lờiXóa
  10. Các bác k biết đặc nhiệm người Nhái của Tung Cẩu đang lăm le, thừa cơ hội ta lơ là mất cảnh giác là tràn lên đảo chìm, đảo nổi tàn sát tất cả àh ? Làm gì bia, rượu ở đây, Trường Sa lúc nào cũng trong trạng thái chiến đấu cấp 1

    Trả lờiXóa
  11. dầu tăng bữa cơm nóng canh ngọt của lính và lại giúp lính giàu tình cảm với đồng đội, biển đảo quê hương. BD

    Trả lờiXóa
  12. Cả nhà yên tâm, cái hình bia rượu là bọn hóng hớt chúng cháu, chỉ được uống trên đường ra TS và từ TS về đất liền thui. Còn ra ngoài đấy, chúng cháu cũng thuộc dạng sẵn sàng chiến đấu đấy ợ. Ngoài đảo, liên tục cấp I, II. Đừng hiểu nhầm cho anh em bộ đội!..

    Trả lờiXóa
  13. Mong một ngày em được ra thăm TS và HS quá. Bác Hải thích thật đó. Cám ơn bác đã cho mọi người thấy được hình ảnh thực tế của Lính mà ít khi được thấy.

    Trả lờiXóa
  14. TOI RAT DONG CAM VA NGUONG MO ANH, NHA BAO A. LAM SAO DE DUOC RA TRUONG SA HA ANH?

    Trả lờiXóa
  15. Sao anh em mình an uống cực khổ yjế? Ước gì........

    Trả lờiXóa
  16. Bọn em đi Trường Sa, lúc nào không say sóng là xuống bếp của tàu xin nấu cơm phụ. Các anh bộ đội nấu ăn ngon lắm, bác Hải nhỉ! Bọn em cũng được ăn một bữa cơm trên đảo An Bang, một bữa ở Tiên Nữ, rất đậm chất lính. Nhớ Trường Sa quá anh Hải ơi!

    Trả lờiXóa
  17. Cám ơn bác Hải đã đưa trường sa gần hơn với mọi người.

    Trả lờiXóa