5 tháng 8, 2013

BỘ TRƯỞNG KHÔNG TẮM BÙN?..

Đào Tuấn - Có thể, sẽ là quá sớm, quá cưỡng từ đoạt lý để coi những sự có mặt của Bộ trưởng Thăng ở Cần Giờ, hay Bộ trưởng Dũng trong một Hội thảo là tấm lòng, là sự vì dân của một chính khách. Nhưng ít nhất đó là sự tự trọng.

Ngày 12/3/2006, một vụ tại nạn thảm khốc đáng ghi vào lịch sử ngành đường sắt khi vụ tai nạn ở Lăng Cô đã tước đi sinh mạng của 11 người dân và làm 160 khác mang thương tật.

11 ngày sau đó, Bộ trưởng Bộ GTVT mới có mặt ở BV Trung ương Huế để thăm các… bác sĩ và thị sát (lại) hiện trường vụ tai nạn.

Trong 11 ngày đó ông đã bận gì, đã ở đâu?.

Báo Tuổi trẻ cho biết ông đã không có mặt ở Lăng Cô sau tai nạn thảm khốc, mà đến Nha Trang để tắm bùn.

Mà tắm bùn không miễn phí như tắm biển, khi một xuất phòng VIP vài giờ có giá 240 USD.

Và cảnh tắm bùn ông Bộ trưởng tắm bùn xuất hiện trước mắt đoàn cán bộ, PV Tuổi trẻ và các thầy cô giáo vào thăm quan khi đó vô tình đi ngang qua.

Thái độ của những người chứng kiến cảnh một vị Bộ trưởng tắm bùn khi người ta còn tất bật với việc cứu hộ, cấp cứu, và chôn cất những nạn nhân xấu số, được mô tả trong hai chữ “phẫn nộ”.

“Ai cũng có quyền đi tắm bùn, tắm biển. Ai cũng có quyền đi đây đi đó. Nhưng một nhà chức trách đôi khi bị tước cái quyền riêng tư đó để mà lo bổn phận của mình trước dân chúng. Huống chi, đây lại là một Ủy viên T.Ư Đảng, một Bộ trưởng, một cựu Tổng Giám đốc Đường sắt VN và lại là Đại biểu Quốc hội của một tỉnh miền Trung?" - Đó là những dòng chữ xuất hiện sau đó trên nhật báo Tuổi trẻ.

7 năm sau đó, cũng lại một vụ tai nạn đường sắt, cũng một vị bộ trưởng GTVT, nhưng thật may cho dân chúng là đã có sự thay đổi cơ bản.

Bộ trưởng đương nhiệm đã có mặt kịp thời trong vụ TNGT đường sắt ở Hải Dương hôm 10/7/2013, và sau đó, ông thẳng thắn phê bình lãnh đạo ngành đường sắt: “Tai nạn xảy ra mà Bộ trưởng biết thông tin trước cả các bộ phận chuyên môn. Trong khi đó, lãnh đạo ĐSVN không kịp thời có mặt ở hiện trường vụ tai nạn” (khi Bộ trưởng thoại thì thậm chí vị lãnh đạo Tổng Công ty ĐSVN vẫn đang ngồi trong phòng làm việc).

Đếm hôm qua, khi quyết định hoãn toàn bộ chương trình công tác để đích thân tới hiện trường chỉ đạo cứu nạn vụ đắm tàu ở Cần Giờ, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã gián tiếp trả lời cho dân chúng rằng tại sao ông có quyền phê bình cấp dưới “không có mặt kịp thời” trong các sự cố thuộc trách nhiệm của ngành.

Cũng trong ngày cuối tuần vừa rồi, khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng xuất hiện trong một hội thảo về Luật Xây dựng, ngay tại chỗ, đã ít nhất có 3 ý kiến “đánh giá cao sự có mặt của Bộ trưởng” khi trong vô số các hội thảo khác, dù đóng vai trò trưởng ban soạn thảo luật, nói như ĐBQH Nguyễn Thị Quốc Khánh, các tư lệnh ngành thường xuyên ủy quyền cho cấp thứ trưởng, và trong không ít trường hợp, các thứ trưởng còn ủy quyền cho cấp dưới nữa.

Một Bộ trưởng có mặt tại hiện trường điểm nóng.

Một Bộ trưởng đến lắng nghe ý kiến về sự án luật mà mình là Trưởng ban Soạn thảo.

Và sự hài lòng từ dư luận.

Nhưng sự tán đồng đó cũng đang cho thấy một điều, những đáng lẽ bình thường có lẽ bây giờ hơi hiếm.

Có thể, sẽ là quá sớm, quá cưỡng từ đoạt lý để coi những sự có mặt đúng lúc, đúng chỗ, là tấm lòng, là sự vì dân của một chính khách.

Nhưng ít nhất sự tự trọng với hình ảnh, với trách nhiệm, với công việc là cần thiết đối với một người chăn dân, theo quan niệm phong kiến, hoặc một “tư lệnh ngành” như cách nói đương đại.

Nhưng sự tự trọng lớn nhất, không phải là việc xuất hiện đúng lúc, đúng nơi, mà còn phải là văn hóa từ chức, giống như Thủ tướng Hàn Quốc đã tự trọng xin từ nhiệm khi dư luận bất bình trước việc ông ham chơi golf, khi có một cuộc biểu tình diễn ra trên toàn quốc.
-------------------------
* Nhan đề bài viết do MTH đặt lại, không phải nguyên bản của tác giả
* Một số hình ảnh chỉ có tính minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét