19 tháng 6, 2012

TBT BÁO ĐẠI ĐOÀN KẾT ĐINH ĐỨC LẬP: "KIẾM TIỀN BẰNG MỌI CÁCH", KỂ CẢ VI PHẠM PHÁP LUẬT

Trong lá đơn dài gần 10.000 chữ gửi đến các vị lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và cơ quan chức năng, Nhà báo Hữu Nguyên (Phó Trưởng Ban Đại diện phía Nam của Báo Đại Đoàn kết) đã thẳng thắn nêu ra những sai phạm của ông Đinh Đức Lập, Tổng Biên tập (TBT) Báo Đại Đoàn kết.

Phần đầu lá đơn (đọc ở đây), Nhà báo Hữu Nguyên đã khẳng định: "Từ động cơ luôn tìm mọi cách biến tờ báo Đại Đoàn kết trở thành công cụ để thực hiện các mục tiêu lợi ích cá nhân, TBT Đinh Đức Lập đã có nhiều chính sách, hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức người làm báo, thô bạo trong việc áp đặt ý chí dung dưỡng, bao che và xây dựng một nhóm lợi ích cũng hết sức coi thường đạo đức người làm báo, coi thường pháp luật nhà nước, quy chế cơ quan, coi thường uy tín chính trị của Báo Đại Đoàn kết cũng như của MTTQVN".

Xin trân trọng giới thiệu phần tiếp theo của bài viết, vạch trần những "chiêu kiếm tiền" của Đinh Đức Lập.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Báo Cứu quốc - Tiền thân của báo Đại Đoàn kết
Kính thưa Quý vị lãnh đạo!.

Để chứng minh cho 3 nhóm tiêu cực nghiêm trọng, mà TBT Đinh Đức Lập phải chịu trách nhiệm nói trên, dẫn tới tình hình tồi tệ hiện nay tại Báo Đại Đoàn kết, chúng tôi xin phép được dẫn ra đây một số sự kiện trong phạm vi có hạn của một bức thư, mà có lẽ bất cứ cán bộ, phóng viên, nhân viên nào của Báo Đại Đoàn kết hiện nay cũng đều biết rõ:

Báo Đại Đoàn kết vốn là một tờ báo có bề dày lịch sử, được xây dựng trên một nền tảng vững chắc, căn bản, được sự quan tâm sâu sắc của nhiều thế hệ lãnh đạo Mặt trận, trải qua nhiều thời kỳ.

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, sinh thời từng đứng tên Chủ nhiệm Báo Đại Đoàn kết - Một sự kiện chỉ có ở Báo Đại Đoàn kết, thể hiện sự quan tâm hết mực của các nhà lãnh đạo với tờ báo của Mặt trận.

Nhờ sự quan tâm sâu sắc của nhiều thế hệ lãnh đạo MTTQVN, Báo Đại Đoàn kết đã xây dựng được uy tín chính trị và uy tín nghề nghiệp sáng ngời trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc, tạo ra được một lượng độc giả trung thành luôn đồng hành cùng tờ báo.
Trụ sở chính Đại Đoàn kết, tại 66-Bà Triệu-HN

Đồng thời trên cơ sở đó, Báo Đại Đoàn kết cũng đã tích lũy được một đội ngũ làm báo giỏi nghề, năng động và tâm huyết; tích lũy được một nguồn tài sản vật chất và phi vật chất vô giá, mà nếu có kế hoạch kế thừa, khai thác, sử dụng đúng đắn, minh bạch sẽ trở thành một nguồn “sức mạnh mềm”, một nguồn tài chính quan trọng cho sự phát triển bền vững của báo và chắc chắn sẽ nâng cao thu nhập, đời sống của tập thể những người lao động tại Báo Đại Đoàn kết.

TBT Đinh Đức Lập về nhận nhiệm vụ kể từ tháng 11-2008, được thừa hưởng cái nền tảng cơ bản đó của Báo Đại Đoàn kết.

Cho nên, mặc dù TBT Đinh Đức Lập chưa có kinh nghiệm làm báo, hoặc lãnh đạo bất kỳ một tờ báo nào trước đó, song với một bộ máy quen nghề, tâm huyết và nguồn lực tài sản vật chất lẫn phi vật chất đáng kể của Báo Đại Đoàn kết, lẽ ra TBT Đinh Đức Lập phải trân trọng những người làm báo chân chính khi được kế thừa nhiều thuận lợi trong việc điều hành, tổ chức sản xuất hướng tới sự ổn định và phát triển cho báo.

Thế nhưng, kỳ vọng về một tương lai cho Báo Đại Đoàn kết đã mau chóng sụp đổ, bởi cung cách làm báo mang đậm chất làm tiền; lệ thuộc quá mức vào tiền bạc, thậm chí biến tiền bạc thành mục đích (mà TBT Đinh  Đức Lập gán ghép thành khái niệm “kinh tế báo chí”), phục vụ cho nhóm lợi ích cục bộ, cùng với cung cách điều hành mang tính độc tài, gia đình trị hết sức tùy tiện, cảm tính của TBT Đinh Đức Lập.

Đầu năm 2012, trong một cuộc họp tại Tòa soạn ở Hà Nội có mặt đầy đủ các lãnh đạo Ban, Trưởng Văn phòng Thường trú của báo trong cả nước, TBT Đinh Đức Lập giới thiệu một “mô hình” làm báo mà theo ông là rất “sáng tạo và hiệu quả”, do một cộng tác viên ở Quảng Ninh đề xuất, khiến chúng tôi rợn cả người.
TBT Đinh Đức Lập (áo trắng, thứ 2 từ phải sang trái)

Theo đó, có một cộng tác viên từng cộng tác cho nhiều tờ báo thuộc các ngành nghề kinh tế (chủ yếu trong lĩnh vực quảng cáo), có gởi cho TBT Đinh Đức Lập một “đề án” gợi ý thành lập Văn phòng Đại diện của Báo Đại Đoàn kết tại khu vực Quảng Ninh và các vùng lân cận.

Cái gọi là “Đề án” này khuyến khích Báo Đại Đoàn kết không cần đầu tư tài sản, nhân lực gì hết, mà chỉ cần “cho mượn” danh nghĩa Báo Đại Đoàn kết, để Văn phòng này tồn tại và hoạt động trên địa bàn, thì họ đảm bảo sẽ nộp về cho Báo rất nhiều tiền.

TBT Đinh Đức Lập hồ hởi bày tỏ sự tâm đắc và cho triển khai ngay “đề án”. Đồng thời, yêu cầu các lãnh đạo Ban (mà đặc biệt là Ban Đại diện TP. HCM, các Văn phòng Thường trú địa phương), cần học tập và làm theo cách tổ chức của “Đề án Quảng Ninh”, như là một mô hình kiểu mẫu, vì nó rất hiệu quả và sáng tạo.

Bởi vì chỉ cần cho mượn danh nghĩa Báo Đại Đoàn kết để “làm báo”, không cần bất kỳ sự đầu tư vật chất hay tài chính nào của Báo mà vẫn được việc, được nhiều tiền.

Không hiểu TBT Đinh Đức Lập còn quá ít kinh nghiệm và thực tế về báo chí Việt Nam hiện nay, hay ông thật sự cho rằng cách làm báo như vậy là chuẩn mực, nên đã cổ súy cho cho một phương thức làm báo méo mó, đi ngược lại nguyên tắc cơ bản của quan hệ thị trường, mà quên rằng: Các Văn phòng như thế này đã và đang mọc lên như "nấm sau mưa" và từ lâu, đã trở thành nỗi nhục hết sức nhức nhối cho nền báo chí, cũng như cho xã hội Việt Nam ngày nay.

Thực tế đã chứng minh: Chỉ có những phần tử nghiệp dư, thiếu sự chân chính trong họat động nghề nghiệp báo chí lâu dài, mới sẵn sàng giẫm đạp lên đạo đức nghề nghiệp, vì lợi ích cá nhân trước mắt của họ.

Đội quân “báo chí”  được khai sinh và tổ chức như “Đề án Quảng Ninh” nói trên, thực tế qua các vụ tiêu cực, tống tiền nhân danh “Nhà báo” đã từng xảy ra cho thấy: Họ không hề đảm bảo nhiệm vụ của những Nhà báo chân chính, mà thực tế là chỉ mượn danh “Nhà báo” để làm tiền bằng mọi giá, bán rẻ lương tâm và danh dự của người làm báo, cũng như uy tín của tờ báo mà họ “mua tên” để núp nóng.

Đối với những tờ báo có nền tảng vững chắc và mang tính chính thống như Báo Đại Đoàn kết, việc làm kinh tế báo chí không phải là chuyện mới lạ và từ lâu, vốn đã có sự phân chia rạch ròi giữa các bộ phận chuyên trách về làm báo, cũng như về làm kinh tế.

Các TBT tiền nhiệm của TBT Đinh Đức Lập đều hiểu rất rõ và tôn trọng tính chuyên môn, sự độc lập của các bộ phận chuyên trách này.

Điều này lẽ ra chỉ là một chuyện rất bình thường trong khoa học về quản trị và sử dụng nguồn nhân lực hợp lý, tích cực.
TBT Lập trả lời BBC khi mới nhậm chức

Trong bất kỳ một tổ chức hoặc doanh nghiệp bình thường nào, khoa học về quản trị cũng đề cao vai trò của tính chuyên nghiệp.

Cũng như không thể đòi hỏi các nhà khoa học nghiên cứu phát triển sản phẩm, các kỹ sư và công nhân chế tạo ra sản phẩm cũng phải thành thạo việc tiếp thị và bán hàng, hay ngược lại.

Đối với một cơ quan báo chí, tính đặc thù và đạo đức nghề nghiệp càng đặt ra yêu cầu khắt khe cho sự phân biệt rạch ròi giữa bộ phận làm báo (là bộ máy sản xuất các ấn phẩm báo chí cung cấp thông tin cho bạn đọc) và bộ phận làm kinh tế báo chí (Kinh tế báo chí ở đây được hiểu là việc thực hiện các giải pháp bán báo và làm các chương trình kinh tế xung quanh tờ báo như bán quảng cáo, tổ chức các chương trình sự kiện có thu…).

Cũng cần nói thêm là: Bản thân những người làm báo đã đóng góp phần quan trọng nhất cho sự tồn tại của tờ báo.

Đó là tham gia trực tiếp vào quy trình sản xuất ra các sản phẩm báo chí - Lý do chính để một cơ quan báo chí tồn tại và tạo ra uy tín xã hội của mình và cũng là một nguồn tài chính chủ lực, của Báo Đại Đoàn kết.

Thế nhưng, TBT Đinh Đức Lập lại chủ trương giao chỉ tiêu tiền bạc hàng năm (tức là giao định mức số tiền kiếm được từ xin xỏ doanh nghiệp cho quảng cáo, tổ chức các họat động có thu tiền…), cho các Nhà báo- Đánh đồng việc kiếm được bao nhiêu tiền (từ tài trợ, quảng cáo của doanh nghiệp), chính là kết quả bao trùm lên mọi nhiệm vụ.

Theo đó, TBT Đinh Đức Lập phủ định những thành quả chính yếu khác, khi phiến diện cho rằng: Một cá nhân, đơn vị  không đáp ứng sự mong đợi của lãnh đạo về chỉ tiêu kiếm tiền, là không hoàn thành nhiệm vụ (bất kể đó chỉ là đơn vị được tổ chức để làm nội dung, tức là chỉ làm báo).

Cụ thể như:

TBT Đinh Đức Lập giao cho Ban Đại diện TP. HCM chỉ tiêu định mức số tiền thu được từ quảng cáo, phải nộp cho báo hàng năm. Trong khi Ban Đại diện, do điều kiện lịch sử để lại, đang trong giai đoạn không hề có nhân sự và bộ phận để tổ chức làm kinh tế báo chí.

Hơn ai hết, TBT Đinh Đức Lập là người biết rõ: Chính ông cũng chưa có sự đầu tư, thậm chí không tạo điều kiện để bổ sung lực lượng lao động một cách thỏa đáng về họat động quảng cáo, kiếm tiền chuyên nghiệp (kinh tế báo chí) ở phía Nam.

Điều này đồng nghĩa với việc: ép buộc các Nhà báo ở Ban Đại diện phải đi làm quảng cáo và đi làm sự kiện để kiếm tiền, song song với việc làm báo.

Với chủ trương bất cập này, TBT Đinh Đức Lập đã phá vỡ nguyên tắc tôn trọng tính chuyên nghiệp và tính độc lập của hai bộ phận chuyên môn khác nhau và tương đối độc lập trong một cơ quan báo chí, là bộ phận làm báo và bộ phận làm kinh tế báo chí.

Hiện tượng này tuy TBT Đinh Đức Lập cho là bình thường và vẫn đang diễn ra ở một số tờ báo, nhưng những Nhà báo lâu năm trong nghề thì biết rất rõ rằng: Chuyện này chỉ xảy ra trong một số tờ báo có hiện tượng biến tướng, gây nhiều tai tiếng, bức xúc trong xã hội, làm mất uy tín nghiêm trọng nghề báo cũng như làm ảnh hưởng xấu tới những người làm báo chuyên nghiệp. Hiện tượng mượn danh “Nhà báo” để đi xin xỏ, hù dọa doanh nghiệp lấy quảng cáo, viết bài, đăng bài lấy tiền… thực sự là nỗi nhức nhối đối với những người làm báo chân chính...

Trước những chủ trương lệch lạc trong cách làm kinh tế báo chí của TBT Đinh Đức Lập, lãnh đạo Ban Đại diện TP. HCM đã có ý kiến trao đổi, phản biện với mong muốn tìm cách xây dựng đội ngũ làm kinh tế báo chí trên địa bàn phụ trách, theo đúng nghĩa và đúng chuyên môn, đảm bảo các hoạt động phải tuân theo pháp luật, tôn chỉ, mục đích và nhất là phải bảo vệ uy tín của một tờ báo có tính chuyên nghiệp cao như Báo Đại Đoàn kết.

Quan điểm của Ban Đại diện là ủng hộ việc triển khai chủ trương làm kinh tế báo chí, nhưng cần phải được hiểu đúng về “kinh tế báo chí” để tránh việc nhầm lẫn làm kinh tế báo chí với việc làm tiền bằng mọi giá. Từ đó tiến hành trên cơ sở xây dựng một đội ngũ chuyên nghiệp, để thực hiện công tác này theo đúng pháp luật và phù hợp với các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chứ không được nhập nhằng giữa làm báo và làm kinh tế báo chí.

Càng không thể lạm dụng uy quyền mệnh lệnh quan liêu, hay đe dọa bằng cách cắt xén vô nguyên tắc những khỏan thu nhập lao động chính đáng, để ép buộc giao chỉ tiêu làm tiền phi lý, cho những người làm báo (Phóng viên, biên tập viên…), phải vừa làm báo vừa làm kinh tế báo chí (tức phải nhắm vào doanh nghiệp để xin quảng cáo, xin tài trợ ….).

Thế nhưng TBT Đinh Đức Lập đã không nghe, vẫn áp đặt chủ trương và quy chụp lãnh đạo Ban Đại diện TP. HCM là chống lại chủ trương của TBT.

Từ định kiến sai lầm đó, TBT Đinh Đức Lập thường xuyên đưa ra các nhận xét cảm tính, phiến diện để trù dập Ban Đại diện TP.HCM, phủ định sạch trơn các đóng góp quan trọng của Ban Đại diện TP.HCM trong việc xây dựng Báo Đại Đoàn kết trong những năm qua, thể hiện thái độ hành xử kỳ thị phân biệt Bắc - Nam, và tìm mọi cách để áp đặt, ép buộc các Nhà báo tại Ban Đại diện phải đi làm tiền theo chủ trương sai trái của TBT.

Đỉnh cao nhất của các hành động kỳ thị phân biệt đối xử Bắc - Nam và hành xử tùy tiện của TBT Đinh Đức Lập đối với Ban Đại diện TP.HCM là: Cắt giảm một phần lớn tiền lương của cán bộ, phóng viên, nhân viên Ban Đại diện tại TP.HCM một cách thô bạo.

Việc cắt giảm tiền lương này đã khiến cho thu nhập của cán bộ, phóng viên, nhân viên Ban Đại diện bị hạ thấp, gây tâm lý hoang mang, mất ổn định và làm cho đời sống của cán bộ, phóng viên, nhân viên Ban Đại diện lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn.

Điều đáng nói là chủ trương cắt giảm tiền lương này của TBT Đinh Đức Lập, lại chỉ nhằm vào Ban Đại diện TP. HCM,  tạo sự bất công, bất bình đẳng trong chính sách đãi ngộ, chính sách tiền lương đối với cán bộ, người lao động trong cùng một cơ quan.

Việc hành xử vô nguyên tắc này không chỉ thể hiện tư duy phân biệt đối xử, kỳ thị Bắc - Nam của TBT Đinh Đức Lập, mà còn khiến cho người ta có cơ sở để nghĩ rằng: TBT Đinh Đức Lập dùng thủ đoạn đê hèn, đánh vào thu nhập của người lao động để trù dập cán bộ, phóng viên Ban Đại diện TP.HCM vì dám có ý kiến góp ý thẳng thắn với TBT.

Đây là điều không bình thường, thể hiện sự bất tín và cung cách hành xử theo kiểu “nói một đàng làm một nẻo” của TBT Đinh Đức Lập, đối với các cam kết về những chỉ tiêu phát triển trong năm 2012, tại Hội nghị Công nhân viên chức của Báo Đại Đoàn kết (ngày 8/1/2012) ở Hà Nội.
TBT Lập (đầu tiên, từ phải sang) cùng "đệ tử ruột" Xuân Huy

Tại Hội nghị này, TBT Đinh Đức Lập đưa ra chỉ tiêu phấn đấu tăng thu nhập cho toàn thể cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo lên 20% trong năm 2012 và được toàn thể hội nghị nhất trí cao với số phiếu biểu quyết 100%.

Thế nhưng, ngay sau đó, TBT lại ký quyết định cắt giảm một phần đáng kể tiền lương vốn đã rất ít ỏi của cán bộ, phóng viên, nhân viên Ban Đại diện TP.HCM.

Chủ trương này của TBT Đinh Đức Lập thể hiện sự xem thường tập thể người lao động Báo Đại Đoàn kết vì nó hoàn toàn trái ngược với tinh thần của Hội nghị Công nhân viên chức toàn cơ quan hồi đầu năm 2012.

Cũng cần nói thêm rằng: TBT Đinh Đức Lập có nhận thức hết sức sai lầm về các khoản tiền lương mà người lao động của Báo Đại Đòan kết được hưởng, theo quy định của pháp luật và quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan.

Các hành vi và lời nói của TBT Đinh Đức Lập trong nội bộ cơ quan, khiến người ta luôn nhìn thấy hình ảnh của một “ông chủ”.

“Ông chủ” này muốn trả lương cho ai bao nhiêu thì trả, thậm chí còn khuyến khích việc nhận người làm việc không trả lương, với điều kiện người lao động còn phải nộp tiền cho cơ quan báo (như trường hợp “Đề án Quảng Ninh" chẳng hạn).

Quan niệm sai lầm này xuất phát từ sự ngộ nhận của TBT Đinh Đức Lập, tự hành xử như một “ông chủ” của Báo Đại Đoàn kết, cho nên tài sản và tài chính của Báo Đại Đoàn kết cũng là của riêng “ông chủ”, do “ông chủ” có quyền định đoạt với sự trợ thủ của “ông cháu” Đinh Quang Sơn (gọi ông Lập bằng chú ruột) - Là người nắm giữ Tài chính - Kế tóan Báo Đại Đoàn kết, nên muốn xử lý, “ban phát” như thế nào là tùy ý “ông chủ”, người lao động của Báo Đại Đoàn Kết không có quyền kêu ca.

Vì vậy, mới có chuyện “ông chủ” tự ý cắt giảm lương của cán bộ, phóng viên, nhân viên Ban Đại diện TP. HCM và một số cán bộ, phóng viên bị cho là “chống đối” TBT, trong khi vẫn giữ mức lương của các Ban khác trong toàn cơ quan như cũ.

Vì vậy, mới có chuyện tiền biên tập 1 của các Trưởng phó Ban Ban Đại diện bị cắt mất, trong khi các lãnh đạo Ban khác (kể cả những Ban không làm công tác biên tập 1) cũng được hưởng khỏan tiền này.

Chưa kể, đối với một vài trường hợp trong "nhóm thân hữu", cùng nhóm lợi ích, TBT Đinh Đức Lập còn cho hưởng khoản tiền cao hơn so với những người khác cùng cấp, cùng công việc, ngay tại Toà soạn ở Hà Nội.

Những hiện tượng này tuy không lớn, nhưng thể hiện một tư duy rất “ông chủ”, rất tùy tiện, giải quyết chính sách chế độ không theo quy chế, quy định nào của pháp luật, của cơ quan mà hoàn toàn tùy thuộc vào cảm tính, yêu ghét, tình cảm riêng tư của “ông chủ”.

Mặc dù lấy lý do là tình hình tài chính của Báo Đại Đoàn kết đang hết sức khó khăn, song các giải pháp cắt giảm tiền lương thô bạo nhất của TBT Đinh Đức Lập, chủ yếu nhằm vào Ban Đại diện TP.HCM thực sự không giải quyết được vấn đề, mà chỉ gây khó khăn và tâm lý bất an cho người lao động tại đây.

Sự bất công và lối hành xử vô nguyên tắc của TBT Đinh Đức Lập đã xâm hại đến quyền lợi chính đáng của người lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính chính danh trong họat động công tác đối với bộ phận bị TBT phân biệt đối xử.

Trong khi đó, nhiều giải pháp tài chính, mà từ khi nhậm chức tới nay, qua nhiều năm, TBT Đinh Đức Lập đã hứa hẹn và cam kết thực hiện thì lại không thấy hiệu quả.

Chẳng hạn như dự án toà nhà Đại Đoàn Kết, khai thác giá trị bất động sản ở địa chỉ 66 Bà Triệu, đã công bố trịnh trọng, nhiều năm trôi qua đến nay vẫn giậm chân tại chỗ, gây lãng phí và ảnh hưởng lớn đến uy tín của Báo Đại Đoàn kết  nhưng lại không có một lời giải thích minh bạch, TBT Đinh Đức Lập vẫn không nhận trách nhiệm cá nhân trước tập thể và trước lãnh đạo MTTQ Việt Nam.

Trong khi đó, đối tác liên doanh là Công ty Đông Dương thì từ lâu đã công bố thông tin một cách rộng rãi cho đó là tòa nhà Đông Dương, địa chỉ 66 Bà Triệu được ghi nhận là trụ sở chính của Công ty này?.

Ở đây có một sự mập mờ rất khó hiểu là: Vì sao một doanh nghiệp, trên thực tế chỉ mới ký hợp đồng hợp tác xây dựng toà nhà Đại Đòan kết (mối quan hệ tài chính tiền bạc thực sự phát sinh như thế nào không rõ), lại dám tự nhận đó là tòa nhà trụ sở chính mang tên của Công ty Đông Dương, mà không bị lãnh đạo Báo Đại Đoàn kết phản ứng?.
Trang web của doanh nghiệp ghi "Trụ sở 66, Bà Triệu"

Giải pháp tài chính từ việc xây dựng và khai thác toà nhà  Đại Đoàn kết ở số 66 Bà Triệu, được TBT Đinh Đức Lập thừa nhận rất rõ ràng là "đối tác có thực lực để thực hiện theo kế hoạch chỉ trong vòng 2 - 3 năm là hoàn tất dự án, sẽ mang về cho báo một nguồn tiền bạc dồi dào để phát triển và nâng cao đời sống của mọi người".

Thế nhưng tới nay, sau gần 3 năm, Dự án khai thác giá trị bất động sản tại 66 Bà Triệu, Hà Nội vẫn nằm trên giấy, mà TBT Đinh Đức Lập không có một lời giải thích nào cho minh bạch.

Vụ việc này là một trong rất nhiều những minh chứng cho thấy bản chất “nói một đàng làm một nẻo” của TBT Đinh Đức Lập.

Cho tới giờ này, không ai biết TBT Đinh Đức Lập đã phải chịu trách nhiệm về vấn đề mang tài sản của Báo Đại Đoàn kết giao dịch với doanh nghiệp như thế nào, sự lãng phí này gắn liền với hậu quả pháp lý ra sao, trước lãnh đạo MTTQ Việt Nam và tập thể người lao động tại Báo Đại Đoàn kết?.

Một bất động sản khác nữa của Báo Đại Đoàn kết là tòa nhà Văn phòng Thường trú tại Đà Nẵng.

Từ bao đời TBT trước đây, tại Đà Nẵng, Báo Đại Đoàn kết nhờ sự uy tín của mình nên được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, đã có một tòa nhà để làm văn phòng không phải thuê mướn.

Thế nhưng, không hiểu sao tới nhiệm kỳ của TBT Đinh Đức Lập, Báo Đại Đoàn kết đột nhiên “xóa sổ” tòa nhà này tại Đà Nẵng và phải chuyển sang thuê mướn một tòa nhà khác để làm văn phòng làm thiệt hại, tốn kém rất nhiều cho ngân sách vốn còn đang khó khăn của cơ quan.

Việc "đàm phán" với doanh nghiệp, để thực hiện “xóa sổ” quyền sở hữu của Báo Đại Đoàn kết đối với bất  động sản tại Đà Nẵng, đã được TBT Đinh Đức Lập thực hiện như thế nào?. Hiện vẫn còn là dấu hỏi chưa được làm rõ.

Những bất động sản nói trên là một trong những nguồn tài sản rất có giá trị và được tích lũy, xây dựng bởi mồ hôi công sức nhiều thế hệ Báo Đại Đoàn kết, thế nhưng nay đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bất minh, sử dụng lãng phí và làm thất thoát nguồn tài sản này trong nhiệm kỳ của TBT Đinh Đức Lập.

Có thể kể thêm một vài dẫn chứng nữa, để thấy rõ hơn tư duy "kiếm tiền bằng mọi cách, mọi giá" của TBT Đinh Đức Lập bất kể vị trí chính trị, uy tín xã hội của Báo Đại Đoàn kết bị xâm hại như thế nào, thậm chí kể cả việc vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành cũng bất chấp và tìm cách để “lách” cho bằng được:

Tranh thủ chủ trương của Bộ Chính trị về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và UBTƯMTTQVN được giao trách nhiệm chủ trì cuộc vận động, TBT Đinh Đức Lập đã chủ trương tổ chức Chương trình trao Cúp “Tự hào thương hiệu Việt” cho các doanh nghiệp, theo nguyên tắc được bạn đọc Báo Đại Đoàn kết bình chọn công khai trên báo.

Trên thực tế, không hề có cuộc bình chọn nào của bạn đọc Báo Đại Đoàn kết, mà chỉ do một số ít người trong Ban Tổ chức do TBT tự lập ra và tự ý bình chọn một số doanh nghiệp thân hữu, để chủ  yếu là “bán Cúp lấy tiền”.

Điều đáng nói là: Việc tổ chức Chương trình này của TBT Đinh Đức Lập đã vi phạm hàng loạt điều cấm tại Quyết định số 5151/2010/QĐ-TTg (28/07/2010) của Thủ tướng Chính phủ, về việc 'Chấn chỉnh các hoạt động trao giải thưởng cho Doanh nghiệp", vốn rất lộn xộn và bị lạm dụng trong thời gian qua. Trong đó, Thủ tướng nghiêm cấm  việc Ban Tổ chức lấy tiền, tài trợ của các Doanh nghiệp được giải dưới bất cứ hình thức nào.

Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp được trao Cúp “Tự hào thương hiệu Việt” đều phải chi ra một khoản tiền không nhỏ. Chưa kể, không loại trừ một số Doanh nghiệp "thân hữu" không xứng đáng nhận giải, nhưng không hiểu sao TBT Đinh Đức Lập vẫn “nhắm mắt” trao Cúp.

Chính vì tổ chức giải thưởng hết sức bê bối như vậy, nên có một vài Doanh nghiệp lớn, có uy tín được Ban tổ chức mời nhận Cúp đã thẳng thừng từ chối và nhất quyết không chi tiền cho việc mua bán giải thưởng như thế này.

Cũng có trường hợp, Doanh nghiệp "thân hữu", sau khi nhận Cúp do TBT Đinh Đức Lập tổ chức trao, thì đã phải tuyên bố phá sản, dính vào các cuộc tranh chấp, kiện tụng tài sản kéo dài và gần đây còn bị Thanh tra Hà Nội kết luận có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đề nghị chuyển cho cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ. TBT Đinh Đức Lập cũng đã ra lệnh cho Toà soạn đăng rất nhiều bài, mỗi bài chiếm hết cả một trang báo bênh vực các việc làm của Doanh nghiệp này (mà sau đó thanh tra Hà Nội đã kết luận là sai trái).

Trong khi đó, có một số Chương trình vốn là sự kiện truyền thống của Báo Đại Đoàn kết từ rất nhiều năm, được nâng niu, chăm sóc và tổ chức một cách bài bản hơn, hiệu quả hơn, mang ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, qua nhiều đời TBT, cũng như tâm huyết của lãnh đạo MTTQVN qua các thời kỳ (như chương trình “Liên hoan Con cháu hiếu thảo toàn quốc”, đã tổ chức tới lần thứ 4, theo tông lệ 4 năm tổ chức 1 lần, có bề dày tới 16 năm), thì lại bị TBT Đinh Đức Lập “khai tử”.

Mặc dù nhiều cán bộ, phóng viên của báo có nhắc tới, nhưng TBT Đinh Đức Lập đã bỏ ngoài tai.

Rõ ràng, TBT Đinh Đức Lập chỉ tập trung hứng thú với các chương trình có nhiều cơ hội làm tiền từ giới doanh nghiệp, doanh nhân.

(Còn tiếp)
* * *
Hình ảnh minh họa đã được đăng tải trên Báo Đại Đoàn kết và các Trang điện tử khác.

5 nhận xét:

  1. Sáng nay, báo Người Cao Tuổi đăng tin: Tổng cục thuế đã vào thanh tra tài chính đối với trường ĐH KTQD. Chúng tôi thấy báo Người Cao Tuổi cũng nên đề nghị vào thanh tra tài chính báo Đại Đoàn Kết. Vì TBT Lập ăn tiền rất trắng trợn và cháu ruột lại vừa là Kế toán trưởng vừa là Phụ trách Ban Kế hoạch Tài chính. Cháu trình chú duyệt, chú duyệt cháu chi bố ai kiểm soát được họ

    Trả lờiXóa
  2. Một nhà báo kỳ cựu của báo Đại Đoàn Kết đã lên tiếng, những nhà báo Mai Thanh Hải, Trương Duy Nhất, Đào Tuấn, Trà Giang, Lý Tiến Dũng,...hãy vào đây mà xem. Các cụ Huỳnh Đảm, Lê Khả Phiêu đã lên tiếng thì hết đời Lập Cập rồi. Hãy là Đại Đoàn Kết của thập kỷ 90, cả dân tộc kỳ vọng....

    Trả lờiXóa
  3. Báo ĐĐK thời ông Lý Tiến Dũng nhiều người đọc, ông đã làm đúng chức năng của MTTQ ghi trong Hiến Pháp, tiếc thay ông đã bị cách chức khi thực hiện chức năng của MTTQ!
    Còn ông Đinh Đức Lập là sự lựa cho "hợp lý" cho giai đoạn mới với chức năng của MTTQ, thế thì sự cố này có chi mà lạ!

    Trả lờiXóa
  4. Ông tổng BT Đinh Đ Lập này và báo DDK cũng ọi là lắm thủ đoạn, nhiều góc tối.
    Nhưng nói thật là so với tay hiệu trưởng V.Tảo của tôi thì còn thua xa.

    Trả lờiXóa
  5. Ông Đinh Đức Lập là con người như thế nào? tại sao làm Tổng Biên tập 1 tóa báo có uy tín trong khi chưa qua trường lớp đào tạo đúng chuyên môn? làm trưởng ban Tuyến Huấn của Trung Ương Đoàn thời Bí Thư thứ Nhất Vũ Trọng Kim nâng đỡ, đó là hệ quả của việc chạy chọt, nịnh bợ đút lót ( ngầm ) của 1 đội ngũ cán bộ lãnh đạo kém năng lực, kếm đạo đức của bộ máy quyền lực thời đó, Vụ TCCB Trung ương Đoàn do ong Nguyễn Viết Mã. Vũ Thanh Liêm là vụ trưởng thì những kẻ cơ hội như Đinh Đức lập, Nguyễn Hoàng Hiệp, Chu Thị Xuyến cứ chỗm chệ leo lên ,à tung tác kiếm tiền leo chức ? không thể ai góp ý phê bình được? sẽ bị trù dập. cho ngồi chơi xơi nước hoặc điều đi chỗ khác mà chơi??? đất nước ta còn những loại cán bộ này thì chỉ có nuôi bọn giặc nội xâm phá đất nước, phá cơ quan/. phá nền tảng đâọ đức mà bao đời các thế hệ cha ông ta đã xây đắp

    Trả lờiXóa