2 tháng 5, 2012

THƯỢNG ÚY HUÂN Ở ĐẢO LEN ĐAO

Mai Thanh Hải - Mình lên đảo chìm Len Đao (đọc thêm ở đây). Xuồng vừa gí hông bờ đảo bê tông, đám chó con lổn nhổn to bé đã sủa nhặng chào hỏi và rối rít theo mình lẩn nhanh vào phía bếp, hóng hớt: "Mang gì ăn không đấy?".

Trong bếp, cậu Thượng úy QNCN đang lúi húi cất nồi niêu, dọn dẹp lại cho sạch sẽ để khách lên thăm, khỏi phàn nàn và thương hại đời sống bộ đội gian lao vất vả.

Mở túi bảo quản, lôi ra ít đồ đã chuẩn bị sẵn: 5 chai Men to ghi chữ "Hàng biếu tặng - không bán" của lão Kinh Kha, 1 kg ớt tươi, 1 kg chanh tươi, cậu QNCN mắt sáng ngời: "Toàn những thứ, vài tháng nay chúng em thiếu".

Loanh quanh nửa tiếng, hết sạch mấy tầng nhà lô cốt đóng trên đảo chìm, bé tin hin quá cái lỗ mũi. Vừa xuống tầng 2, đã thấy cậu QNCN hùng hục lao đến, níu tay: "Anh về phòng em chơi tý!".

Ừ thì về thăm cái phòng bé tý, để vừa cái giường và cái bàn, được xây dựng theo kiểu vòng tròn, bao quanh cái lõi ngôi nhà.

Cậu Thượng úy QNCN tên Nguyễn Văn Huân, sinh năm 1973, quê Bắc Giang. Huân gắn bó với Trường Sa cũng đến mấy tăng, riêng với Len Đao - do đặc thù tiền tiêu, sát cánh cùng Cô Lin giáp mặt, trừng mắt với quân Trung Quốc đóng trên Gạc Ma, nên thời gian đi đảo của Huân và anh em, cũng dài hơn rất nhiều.

Ngồi "buôn dưa", mới thấy chung... hoàn cảnh: Đều 2 đứa con gái, nhưng con của Huân ít tuổi hơn gái yêu nhà mình rất nhiều. Con gái đầu tên Nguyễn Thùy Dung, sinh năm 2006, năm nay mới vào học lớp 1, giống như Khoai. Còn gái sau của Huân, tên Nguyễn Thùy Linh, sinh năm 2008.

Nghe chuyện của Huân, mới thấy thấm thía bản lĩnh Trường Sa, ở nơi giáp mặt với lưỡi lê, đạn nhọn của quân thù.
Thượng úy Huân nói chuyện với vợ con, qua những tấm hình

Đơn cử như chuyện riêng gia đình: Tháng 5/2011, Huân nhận nhiệm vụ ra công tác tại đảo Len Đao.

Tháng 6/2011, bố đẻ của Huân mất vì bệnh nặng.

Mặc dù là con cả, nhưng gia đình vẫn thống nhất không báo tin, để Huân yên tâm công tác.

Mãi vài tháng sau, linh tính và mơ ngủ, Huân cứ liên tục gọi điện gặng hỏi, người em của anh không đành lòng, mới buột miệng: "Bố mất rồi, anh ơi!".

Nghe tin bố mất, Huân lặng đi, mặt đanh lại, cũng lại giấu anh em, những mong mọi người không vì thấy chuyện buồn của đồng đội, mà ảnh hưởng tinh thần, trong những ngày báo động, ôm súng cả khi thức lẫn khi ngủ, trước những động thái khác lạ của địch bên đảo Gạc Ma và tàu hộ vệ tên lửa của chúng.

Mấy ngày liền xin gác thay, cho anh em khác nghỉ, mặt Huân đanh lại, già sắt khiến đồng đội sinh nghi gặng hỏi và rút cục cũng biết chuyện. Cả đảo lại đanh lại, gượng mở to mắt cho mi ướt khỏi lăn nước, làm mềm lòng nhau và cùng giúp Huân lập bàn thờ nhỏ, ngày ngày thắp hương cho bố, như thể 1 gia đình...

Vậy là từ ngày bố mất đến nay, Huân vẫn chưa có dịp về thăm nhà, thắp hương lên mộ bố.

Tất cả cũng chỉ vì nhiệm vụ, phải đối mặt với lũ cướp biển, đang hằm hè người nhái, lưỡi lê, ngay sát nách đảo nhỏ thân yêu.

Chia tay nhau, Huân kể với mình mà mắt cứ ngân ngấn: "Tụi em cũng quen rồi, tất cả việc hiếu hỉ - gia đình đều có vợ lo hết. Bố em trước cũng là bộ đội, nên cũng tha thứ cho em. Riêng vợ con, tối nào cũng gọi điện nói chuyện, nên cũng vơi đi nỗi nhớ!" và cười: "Con gái tình cảm, 2 đứa lại càng tình cảm anh nhỉ?"...

Đã cho nhau số điện thoại và dặn, khi nào về phép thì gặp nhau ở Bắc Giang hoặc Hà Nội, mà chưa biết đến khi nào...

May mà hôm rồi, có chị Hậu Khảo cổ đi đoàn TP. Hồ Chí Minh có ghé thăm đảo, mình nhờ chị Hậu mua cây thuốc lá gửi cho Huân và đồng đội, đêm đến, tin nhắn của Huân chấp chới từ đảo bay về, đậu nhẹ xuống điện thoại, thành tin nhắn: "Tối nay, cả đảo pha 1 ấm trà và hút nửa bao thuốc!". 

Viết mấy dòng cùng sẻ chia nỗi nhớ, có ai ở Bắc Giang, tiện đường ghé thăm cô giáo Tạ Thị Thanh Thủy (Giáo viên Trường THCS Hoàng Thanh, Hiệp Hòa, Bắc Giang) - vợ của Thượng úy Huân với.

Xin nhắn giúp với cô giáo Thủy là Thượng úy Huân vẫn khỏe và cuối giờ mỗi ngày, đều dành vài phút để gượng nhẹ vuốt ve gương mặt vợ con qua ảnh, được đặt cẩn thận trên bàn, đầu giường, phía ngoài xa đảo nhỏ Len Đao...

Nhắn giúp đến 2 con gái yêu là bố Huân sẽ sớm về với quê hương Hiệp Hòa, sẽ đưa mẹ cùng 2 con ra thắp hương cho ông Nội, đang thanh thản nằm, chờ con trai dưới ướt cỏ nghĩa trang...



19 nhận xét:

  1. " Nghe tin bố mất, Huân lặng đi, mặt đanh lại, cũng lại giấu anh em, những mong mọi người...."
    BỐ cứ viết cái kiểu này thì ai mà đọc cho được chứ? Tự nhiên cứ nhoè nhoẹt nước mắt...bực cả mình !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. em cũng thế,nói thật với anh là em cứ đọc blog của anh Hải là xuất hiện những cảm xúc sau:
      Tim đập nhanh,máu sôi lên(TQ)
      Mắt tự nhiên nhòe đi.hic.(các chiến sĩ của mình ấy)

      Xóa
  2. Lính ai chả thế, huống là quan. Vững tâm các bạn ơi, hậu phương sát cạnh các bạn !

    Trả lờiXóa
  3. Thương Huân và anh em mình quá, chẳng biết làm gì hơn, chỉ giận tay Hải này khéo viết để ai cũng chảy nước mắt.

    Trả lờiXóa
  4. Đọc câu chuyện của Huân mới thấy sự hy sinh to lớn của những người lính đảo Trường Sa, không cầm được nước mắt, các anh rất vững vàng trên mặt trận tiền tiêu của Tổ quốc. Cám ơn các anh !!!. Cám ơn anh Hải nhé!

    Trả lờiXóa
  5. Thật cảm động, cố gắng lên Huân nhé,

    Trả lờiXóa
  6. Cũng may đất nước này còn những người lính như các anh, còn những nhà báo như anh Hải.
    Chúc tất cả mọi người thêm nghị lực.

    Trả lờiXóa
  7. Nhà A Huân ở sát nhà e, gần xíu xíu, kề liền kề.
    A ấy có thể yên tâm công tác vì đã có hậu phương vững chắc, là chị nhà với câu thơ truyền bất hủ: "Em là con gái Bắc Giang. Rét thì mặc rét, nước làng em lo..."

    Trả lờiXóa
  8. Có em cùng quê với anh Huân đây, em sẽ in bài viết này của anh, gửi về cho chị Thủy anh nhé.Để chị ấy thấy sự hy sinh lớn lao không phải lúc nào cũng nói ra hết được, để chị vững tâm công tác, nuôi dạy con.

    Mong các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

    Chúc bác Hải luôn mạnh khỏe để có được những bài viết, hình ảnh, tin tức chân thực mà báo lề phải không bao giờ có.

    Trả lờiXóa
  9. Đề nghị đồng chí nào có nhã ý đọc các bài về cuộc sống,tình cảm của bộ đội Trường sa do MTH viết phải có những điều kiện về sức khỏe như sau:
    -Không có tiền sử về huyết áp và tim mạch
    -Có thần kinh vững vàng
    -Ai có những bệnh trên nhớ uống thuốc hỗn hợp thần kinh 3B
    Những người lính đảo thực sự là những người biết hy sinh và đang hy sinh tất cả vì Tổ Quốc Việt nam.

    Trả lờiXóa
  10. Chỉ có ở đây (Trường Sa) và cũng chỉ ở Blog này của Mai Thanh Hải, ta mới được nghe, thấy và nói thẳng: Trung Quốc là kẻ thù của VN (trừng mắt với quân Trung Quốc đóng trên Gạc Ma...Nghe chuyện của Huân, mới thấy thấm thía bản lĩnh Trường Sa, ở nơi giáp mặt với lưỡi lê, đạn nhọn của quân thù).

    Trả lờiXóa
  11. đọc xong cảm thấy mắt cay cay

    Trả lờiXóa
  12. Những chiến binh
    từ ngàn xưa vẩn thế
    cho tận bây giờ và mãi đến mai sau
    Việt Nam ơi,
    bốn ngàn năm lận đận
    bốn ngàn năm, chiến địa ngập thương đau
    Lịch sử từng trang ghi bằng máu
    máu lứa non tơ, máu lớp bạc đầu
    máu Bạch Đằng Giang, máu ải Chi Lăng
    muôn xác thây phơi ngoài chiến địa
    lớp lớp ngườidưới mộ vô danh.

    Trả lờiXóa
  13. Những bài viết của anh về Trường Sa rất thật, rất cảm động. Cảm ơn anh Hải.

    Trả lờiXóa
  14. Bài viết hay, nhiều nước mắt. Cảm ơn anh và những chiến sĩ Trường Sa.

    Trả lờiXóa
  15. đọc bài này rồi chiều nay xem thời sự VTV về Thượng úy đảo trưởng Thuyền Chài vừa mất đứa con trai duy nhất, nhưng vẫn vững vàng tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền tổ quốc, mắt cứ tự nhiên cay xè...

    Trả lờiXóa
  16. Mình đính chính lại là Thượng úy Phương, đảo trưởng đảo Tốc Tan, không phải Thuyền Chài

    Trả lờiXóa
  17. Cac bac moi chi hieu dc 1 phan hoan canh cua bo doi ta o ngoai do thoi, con nhieu goc khuat khong the noi dc. Du sao cung cam on bac Hai da co su cam thong voi anh em chung toi khi lam nhiem vu o noi cuc dong cua To quoc. Chuc bac khoe.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chong em la chinh tri vien o DKI nen em hieu phan nao cai "goc khuat" ma anh Bao Bien noi toi. Du sao cung thay am long vi nhung se chia, dong cam cua moi nguoi, nhat la anh Hai. Cam on anh!

      Xóa