Lần đầu tiên ở vùng biên giới Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên), có Ông già Noel đến tặng quà |
Về Hà Nội đúng đêm Noel. Người xe nườm nượp. Đông đúc quá. Đông chưa hẳn là vui đâu nhé. Bằng chứng là đến Hà Đông thấy cái xe taxi chồm hẳn vào chiếc xe máy. Không thấy người đâu nhưng hiện trường thế kia, nhẹ cũng là cấp cứu bệnh viện.
Ngồi trên xe nhìn xuống thấy khuôn mặt nào cũng hớn hở tươi cười. Mình biết tỏng trong số người kia không phải ai cũng theo đạo. Chỉ là hội hè đình đám vui chơi thôi. Quãng nào có nhà thờ là quãng đó nêm chặt người. Xe cộ chất chứa ùn ụn.
Ngày nhỏ mình cũng háo hức những ngày lễ lạt thế này. Dạo đó Noel còn được nghỉ học, nghỉ làm, sướng lắm.
Nhưng bây giờ thì khác. Cứ được nghỉ là co vòi cố thủ trong nhà lướt mạng. Mình biết thế giới của mình bây giờ những gì ảo mới là thứ gần gũi. Nó hấp dẫn một cách rất thật và điều này mới quan trọng nó cần thiết cho mình.
Gần một tuần, cả đống công việc ụn lại. Bao nhiêu thư từ, bản thảo. Đã mệt nhưng phải xử lý cho xong. Rồi ngồi ngắm nghía lại những cái ảnh chuyến đi mà một anh bạn nhà báo post lên blog.
Nhìn kìa, mình đấy lần đầu tiên trong trang phục ông già Noel đi phát quà cho trẻ miền núi. Ở Sín Thầu huyện Mường Nhé, Điện Biên. Đúng rồi, cái xã miền núi xa hút có thôn A Pa Chải cực Tây Tổ quốc lắc lơ.
Mình không nhớ rành rẽ cảm giác lúc ấy của mình là gì. Vui. Tất nhiên được mang đến cho những đứa trẻ nụ cười hiếm hoi không vui sao được. Nhưng mà khoảnh khắc ấy đi qua rất nhanh. Không hẳn là buồn.
Mình chợt nghĩ đến hơn chục năm sau, lúc đó mình sẽ rất già ( một tương lai một kết cục có thể đoán định được) nhưng những đứa trẻ kia sẽ như thế nào? Chúng sẽ là ai? Chúng làm được gì? Chịu chết không thể đoán được.
Chao ôi, vậy là thừ ra nghĩ ngợi. Sín Thầu mình đến lần này là lần thứ ba. Cũng là đi trong những đoàn nhà báo nhà văn được biên chế trong danh nghĩa hảo tâm nhưng thực chất là cưỡi ngựa xem hoa. Cho dân tình, trẻ mỏ ít quà sau đó về viết nhăng viết cuội ít dòng, có cũng được, không chẳng chết ai.
Nhưng lần này thì khác. Mình cùng với cánh của ông Tuấn đi chẳng bó buộc trong chức danh gì. Có cái quỹ đấy, đi, nhìn và tìm hiểu rồi đầu tư cơm thịt cho chúng, miễn sao cho đúng nhất, chuẩn nhất.
Nhìn những đứa trẻ lầm lụi trong cái giá rét miền núi mình không thể nào bình tâm được.
Sín Thầu còn là điểm tiện đường giao thông hơn rất nhiều điểm trường lân cận cơ đấy. Có rất ít đứa trẻ mặc đủ ấm. Giày dép thì thoảng nhặt cũng có vài ba đứa được gọi là kín chân.
Đoàn mình mọi người xúm vào mặc cho trẻ áo phao mang từ Hà Nội. Nhìn ánh mắt lấp lánh của chúng mình biết là đám nhóc tì đang có những niềm vui rất thơ trẻ.
Sau Mường Nhé, bọn mình đi nhiều nơi khác. Sát ngay thành phố Điện Biên Phủ là huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, cũng vậy cả thôi.
Trường ở trung tâm xã có thể đã được xây cất tươm tất theo chuẩn nhưng các bản thôn thì tình cảnh vẫn nhà mái lá, vách thưng chiếm đa số.
Chuyến này đi, đoàn ông Tuấn chú trọng đến mảng Mầm Non là chính. Nhìn những em bé tuổi “mầm, chồi, lá” rét mướt lẫn lộn trong mỗi điểm lớp thôn bản, mình thấy có cái gì đó như sự bất nhẫn.
Mà bất nhẫn từ chính mình mới lạ. Vô lý thế. Lẽ ra mục tiêu chuyến đi chỉ là khảo sát để rồi chuyển tiền đầu tư cho bữa ăn tập trung có chút thịt theo tiêu chí của chương trình, nhưng thật khó có thể cầm lòng mà đi chay. Thế nên đoàn mới phải chạy đôn chạy đáo huy động đủ mọi nguồn lực để có chút quà cầm tay như manh áo ấm, hay là thứ gì đó ăn được nhỏ nhoi thôi như cái xúc xích bé còi.
Không còn đơn thuần là thương cảm nữa rồi mà đeo bám là cảm giác như kiệt sức như hụt hơi như bất lực. Vẫn biết chiểu theo chính sách thì những đứa trẻ này có tiêu chuẩn hẳn hoi, trăm hai chục ngàn một tháng nhưng từ văn bản vào thực tế thời gian bao lâu chẳng ai dám chắc.
Hầu hết các điểm đến chưa thể có bữa ăn chung cho các cháu. Những đứa trẻ phải tự túc ăn uống bằng những thứ gì gia đình lo liệu được. Thôi thì cạp lồng xôi, đùm nilon cơm, nguội ngắt ngơ, hay mấy củ khoai còi cọc đùm trong lá
Có một chuyện thế này, lúc vào một lớp học, trẻ con ngoan lắm, đang giờ ăn trưa vẫn đồng loạt chào khách. Rồi chúng cắm cúi ăn. Ở đầu bàn có hai em bé trai rất xinh ngồi ăn nhỏ nhẹ chỉ là nhõi cơm còi. Hỏi thì biết bố mẹ chúng không chuẩn bị được thứ đồ ăn gì cho chúng mang đi. Mà thường xuyên đấy nhé!.
Mình nghĩ nhà chúng hẳn là quá nghèo và bố mẹ cũng thuộc diện vô trách nhiệm. Cô giáo phải bảo những đứa khác tương trợ. Đứa nắm xôi, nhõi cơm, đứa chút thức ăn. Đứa cho và đứa nhận như chẳng biết đến cái tình thế tréo ngoe này. Chúng san sẻ một cách tự nhiên. Điểm này thì đám trẻ miền núi đúng là ưu điểm. Ở bất cứ hoàn cảnh nào chúng luôn bình thản. Lúc nhận quà là rõ nhất. Dù quà lớn là cái áo ấm, đôi giày hay nhỏ như viên kẹo cái bánh chúng luôn trật tự và tự giác không có đứa nào gian dối nhận đến lần thứ hai như những đứa trẻ cùng hoàn cảnh ở miền xuôi.
Mình tiếp tục đóng vai ông già Noel. Phát quà, phát mỏi tay rồi cuối buổi người mình chùng xuống.
Mình đang làm cái gì thế này?. Có cái ông già Noel ấy thật trong mắt những đứa trẻ mình đã gặp. Thậm chí có đứa khi nhìn thấy mình đã reo lên mừng rỡ: "Cháu chào ông Noel!". Là cô giáo dạy cho biết đấy. Có thật cái ông già Noel ấy như ước mơ của đám trẻ nghèo có thật…
Ý nghĩ này giằng kéo mình suốt chuyến đi lan sang cả buổi đêm lúc về nhà. Mệt mỏi nhưng giấc ngủ không đến được với mình. Đã bảo già cả hay nghĩ ngợi vân vi mà.
Mình chẳng cao sang gì nhưng cứ nghĩ đến việc gián tiếp làm cho những đứa trẻ tin có một ông già Noel thật là mình thấy ngượng. Hay là mình lẩm cẩm mất rồi. Ý nghĩ như của mình vừa rồi chỉ có thể xuất hiện ở một đứa trẻ được người lớn dạy dỗ tuyệt đối không được nói dối.
Sáng chủ nhật mình sực nhớ đến lời hẹn đi dự tổng kết đợt một của nhóm THE PRESENT. Là cái nhóm hưởng ứng theo chương trình của ông Tuấn từ ngày đầu. Ba bạn trẻ, lớn là Hà My nữ sinh lớp 11, hai bạn kia nhỏ hơn là Hoàng là Linh đang học lớp 10 đều ở Hà Nội đã cùng nhau lập ra ý tưởng làm postcard để bán lấy tiền giúp trẻ miền núi.
Mình đến cùng vợ và mình kinh ngạc khi nghe nhóm thuyết trình từ ý tưởng ban đầu đến quá trình thực hiện. Hai tháng triển khai nhóm bạn trẻ đã bán được hơn 3000 cái thiệp và nộp vào tài khoản ông Tuấn hơn 16 triệu tiền lãi. 16 triệu quy ra áo ấm quy ra thịt là bao nhiêu?.
Lớn lắm so với tuổi của ba bạn nhưng lớn hơn nhiều chính là sự chia sẻ rất đỗi tình người và cực thông minh này. Khán phòng là một gian trong quán cà phê và người dự chỉ là người thân của các cháu.
Mình ngồi đó trong cảm giác rưng rưng thán phục. Ý nghĩ giằng kéo suốt chuyến đi và của đêm hôm trước bất chợt có lời giải.
Nhìn gương mặt ba bạn nhỏ đẹp như thiên thần mình đã nghẹn ngào không thể phát biểu trọn vẹn lời cảm ơn các cháu. Còn thắc mắc gì được nữa về tương lai của những đứa trẻ mình đã gặp ở Sín Thầu, ở Mường Nhé, ở Điện Biên…khi còn có những người như My như Hoàng như Linh.
Tương lai của những đứa trẻ miền núi ư? Bây giờ thì mình hiểu chừng nào còn tình yêu thương từ chính những đứa trẻ, (chỉ cần chừng ấy thôi ) thì cuộc sống này còn có chỗ để đặt niềm tin vào một tương lai chưa hẳn là tốt đẹp nhưng rất đỗi ấm áp.
Không chỉ cho những đứa trẻ miền cao nghèo khó. Cho cả mình nữa. Mình đang bước dần sang tuổi già bằng một niềm tin thơ trẻ.
Nếu còn có một Giáng Sinh cho mình nữa, mình sẽ lại tình nguyện làm ông già Noel. Tại sao không?..
Hà Nội 26/12/2011
Ngay cả tại các nước phát triển, đặc biệt là châu Âu, đời sống cao như thế và không chỉ trẻ thơ mà đến cả trưởng thành họ rất quan tâm một món ăn tinh thần này. Họ đưa câu chuyện cổ tích đến thực tế hiện tại bằng cả trăm lần ta kể các chuyện cổ tích cho con mình.
Trả lờiXóaỞ VN ta, trẻ em thân yêu ở các vùng quê xa xôi quá nhiều thiệt thòi không chỉ về vật chất. Sự hưởng thụ cả về tinh thần cỡ như chương trình "cơm có thịt" đã làm ấm lòng bao người và thức tỉnh những ai còn tự nhận trách nhiệm với thế hệ tương lai. Dù sao vẫn còn rất nhiều nhiều nơi lắm. Hy vọng ai đó thấy hổ thẹn để những nơi khác cũng được ít nhất như Sin Thâu, Mường Nhé
Mình chỉ mong mỏi, Noel sau nếu được Hải rủ, mình sẽ thu xếp đi cùng. Cuộc sống thế, như Hải, như bác Tiến mới có ý nghĩa. Rất thích câu của bạn Đằng Giang: "Hy vọng ai đó thấy hổ thẹn để những nơi khác cũng được ít nhất như Sin Thâu, Mường Nhé".
Trả lờiXóa* Đằng Giang: Comment của bác có lẽ còn có tác dụng hơn cả 1 bài viết. Rất mong qua Chương trình này, sẽ có những tác động trực tiếp đến chế độ chính sách cho trẻ em miền núi, bằng việc thật, tiền thật và không bị rơi vãi, từ phía cấp cao.
Trả lờiXóa* Nguyễn Thông: Chương trình này kéo dài và liên tục, diễn ra hàng tháng đấy. Bác cứ ra đi, Cơm thịt luôn chờ đón sự ủng hộ của mọi người. Ngày 2/1 này, lại đi Bát Xát đây ợ!..
Thật trân trọng những tấm lòng, những trái tim rất thật của bác Tuấn, bác Hải, bác Giang và Nhóm The Present.
Trả lờiXóaNhững việc làm của các bác rất thực, rất hữu ích và mang ý nghĩa "con người" rất lớn. Nói như thế để thấy rằng những người lẽ ra họ phải biết và làm những việc này sẽ được gọi bằng gì ?
Khi con người ta còn rung động còn nhiệt huyết nghĩa là người ta còn trẻ . Niềm vui tìm kiếm được từ những việc làm như thế này là niềm vui rất thật đó B. Hải ạ. Linh hồn có tồn tại hay không thì chưa biết, nhưng một điều chắc chắn Bác tồn tại trong tâm hồn tụi trẻ , và nó sẽ được kể cho con cháu chúng . Đó mới thực sự là sống. Còn những thứ có những kẻ phù phiếm chỉ thích khoe đẳng cấp tiền tài địa vị thì niềm vui chỉ thỏa mãn một chốc lát thôi và khi chết là hết không còn ai nhớ đến có chăng chỉ con cháu họ thôi. Mà chưa chắc có được điều đó , bởi chúng còn mãi để ý tranh nhau chia của hoặc là còn oán trách việc của nả cha mẹ chúng để cho chưa được thỏa lòng. Vì lòng tham là vô đáy ... Chúc bác khỏe để có thêm rất rất nhiều lần làm ông già NOEN cho nhiều thế hệ bé thơ thiệt thòi khác
Trả lờiXóa