Con là chị, nên phải nhường áo cho em (Đồng Văn, Hà Giang) |
Hồi còn bé, cứ đến mùa đông, bố lại sang xin hàng xóm, hay ra đồng nhặt nhạnh từng nắm rơm, về trải cẩn thận thành chiếc giường và xoắn chặt thành vách, kê 4 xung quanh và trải chiếu lên, cho cả nhà ngủ đêm.
Mà sao hồi bé, dễ bị nhiễm lạnh thế?. Mình vẫn còn giữ nguyên cảm giác nhọc nhằn giấc ngủ, khi dưới lưng nóng rực hơi rơm, trên ngực lạnh toát sương giá lùa vào từ khe cửa do chiếc chăn sợi Nam Định không ngăn nổi và tỉnh giấc cạp răng cầm cập.
Mỗi lần mình run lẩy bẩy, lập cập như vậy, bố mẹ hì hụi rút bớt rơm lót dưới, mang chất trên chăn.
Bữa ăn của con, chả biết thịt là gì (Mèo Vạc, HG) |
Sáng dậy lẫm chẫm đi học trong gió rét, môi tái nhợt, cổ sưng tấy, nhưng tóc tai người ngợm thì vàng rộm, toàn những thóc lép, phủi rơm bám xung quanh.
Học đến cấp I, II – đã đủ lớn để tự lo chống rét.
Đến bây giờ mình vẫn nhớ những ngày được nghỉ học, tụi mình kéo nhau lên Núi Voi nhặt từng rổ quả thông khô, mang về phơi cho khô và chất đống dành… tiết kiệm.
Mùa đông đi học, tay đứa nào cũng vung vẩy vỏ lon sữa bò đục lỗ, lèn chặt quả thông cháy nghi ngút, khói xanh mờ và lửa đượm hồng, sưởi ấm quãng đường xa.
Những ngày sinh viên, đến bây giờ khi gặp nhau, tụi nội trú chúng mình vẫn nhắc lại những đêm mặc nguyên quần áo dài, quấn đủ mũ tất đi ngủ.
Mỗi đứa 1 cái chăn đấy và tùm hum chồng lên 3 thằng trong giường sắt tầng 1 đấy. Nhưng đâu có ngủ được?.
Đứa nào cũng mơ khi ra trường, sẽ mua được áo rét dày hơn, chăn ấm hơn và buổi tối có tiền mua khúc sắn ăn đêm (thay cho việc mang phiếu ăn đi đổi sắn và hôm sau, hoặc lờ vờ ăn ké, hoặc nuốt nước bọt ừng ực nhìn bọn bạn cầm vé ăn lên nhà ăn), sáng ra được thưởng thức cái thú quý tộc là… ăn sáng.
Ra trường, đi làm và quăng quật với cuộc đời.
Tranh thủ sưới nắng, giữa trưa nắng hiếm mùa đông (Bắc Hà, Lào Cai) |
Cảm thấy bình thường (như vô vàn điều bình thường đến cơ cực khác), khi nhìn ra cửa kính xe ôtô, lòa nhòa những bóng lít nhít, da thịt tím tái trong gió, nhẫn nhịn chơi bên đường khi bố mẹ lên rẫy, làm nương...
Đã cảm thấy nhẹ lòng, khi vài lần góp tiền cùng bè bạn, mua áo rét - sách vở mang lên cho lít nhít vùng cao.
Thế nhưng hóa ra không phải, sau những gì đã chứng kiến, trong cả tuần lăn lóc tới những Trường Mầm non của Điện Biên, để cùng Đoàn "Cơm có thịt" của bác Trần Đăng Tuấn, trao những chiếc áo rét cho gần 3.000 đứa trẻ miền biên ải xa xôi.
Có dép là tốt lắm rồi (Sín Thầu, Mường Nhé) |
Đeo đẳng mãi, là hình ảnh đám trẻ Mầm non điểm trường Quảng Lâm (huyện Mường Nhé, Điện Biên), nán ngồi đợi đến cuối chiều, chờ các cô chú bác vượt 250 km đường rừng từ TP. Điện Biên Phủ lên trao áo.
Đứa nào cũng còi cọc và lít nhít mũi dãi trong gió lạnh căm căm.
Hỏi con gái 4 tuổi ngồi đầu hàng đang co rúm, môi tím ngắt, nước mắt dài trên má phính, con lý nhí: "Con lạnh lắm!". Tự dưng thấy nặng trĩu trong ngực, như có hòn đá đè lên.
Cái tảng đá đó, chỉ tạm nhẹ đi khi con run rẩy nhận áo, ngượng nghịu choàng kín cổ và thò đầu khỏi lụ xụ bông lót, mũ choàng líu ríu: "Con hết lạnh rồi!".
Cứ lẩn thẩn: Bao năm rồi, miền núi vẫn nhiều sự đói nghèo, dù cho bao sự trợ giúp đầu tư vẫn lúc lỉu trên xe Landcruised biển xanh đưa về. Bao năm rồi, những lớp KV, Cử tuyển vẫn đều đặn mở ra ở các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung học để đào tạo cán bộ cho con em đồng bào các dân tộc...
Lớp học của các con (A Pa Chải, Mường Nhé) |
Thế nhưng, mọi sự trợ giúp ấy, liệu có thực sự hiệu quả, khi những lớp học của lũ lít nhít 2-5 tuổi vẫn còn tranh tre nứa lá, quây bao nilong?. Những lớp "đào tạo đặc thù" giúp được bao nhiêu cán bộ, cho những bản làng mà số trẻ em không thể đến trường vì quãng đường xa gió lạnh, miếng cơm ăn không đủ chất, đôi chân thơ trẻ lội suối đến học bài?..
Đành tự an ủi mình: Cứ tin là cuộc đời rồi sẽ khác, bớt nhọc nhằn và vợi gian lao. Thêm miếng thịt cho bát cơm không của lũ trẻ, chúng sẽ có sức ngồi ê a học bài, có sức theo suốt hành trình học cái chữ và biết đâu, sẽ trở thành những cô giáo, kỹ sư của vùng cao xa xôi. Thêm cái áo, đôi tất cho dăm lít nhít, chúng sẽ yên tâm ngồi trong gian nhà trống, tròn xoe mắt nghe cô giáo giảng bài "miền núi tiến kịp miền xuôi" và hơi ấm sẽ làm bùng lên ngọn lửa chí hướng, vốn có sẵn trong mỗi con người, trở thành những "hạt giống đỏ", đưa miền núi gần lại miền xuôi?..
Tin lắm chứ, bởi chúng là tương lai của mỗi bản làng, xã huyện... Lại dặn lòng: Mình cứ tin đi!..
---------------------------------------------------------------------------------------------
CHÙM ẢNH: "CHÂN ĐẤT VÙNG CAO"...
Hơn cả chân đất (Bát Xát, Lào Cai) |
Quần cũng ngắn (Chung Chải, Mường Nhé) |
Nát hết bàn chân (Chung Chải, Mường Nhé) |
Chân đất nhưng vẫn phát biểu |
Mỗi 1 bạn có dép |
Con vẫn lạnh chân (Quảng Lâm, Mường Nhé) |
Mình con có áo khoác, để khoe các chú thôi (Bắc Yên, Sơn La) |
cam on anh vi qua day nhieu nguoi se hieu them rang: Giua bao nhieu that gia cua xa hoi minh van con rat nhieu nguoi tot that su.
Trả lờiXóarat cam dong khi doc va nhin nhung hinh anh. cau mongcac chau duoc khoe manh.mong ban thinh thoang co nhung bai viet ve cac em o vung que.cam on ban nhieu
Trả lờiXóangười ăn không hết , kẻ lần chẳng ra
Trả lờiXóa"..Cứ tin là Cứ tin là cuộc đời rồi sẽ khác, bớt nhọc nhằn và vợi gian lao..." Thưa anh Hải, tôi cũng tin như anh, hồi còn đi học, có lẽ đời bố mẹ, ông bà của chúng ta, khi đi theo cách mạng cũng tin như vậy. Nhưng hãy nhìn mấy cái ảnh của anh, trẻ em trong đó với những trẻ em thời thuộc địa, có khác nhau mấy đâu? Thời gian, có đến vài chục năm chứ đâu có ít. Phải làm gì để cuộc đời sẽ khác, bớt nhọc nhằn và vợi gian lao? Quyên góp tiền, quần áo...có lẽ không đủ, anh ạ
Trả lờiXóaNhìn cảnh các cháu áo không đủ mặc, co ro trong tấm áo mong manh, học trong căn nhà lá sơ sài.Tôi lại tự hỏi,lãnh đạo com lê làm gì, cao tốc làm gì? Khi nào nhìn tình cảnh ấy, nhìn lao động VN bán sức Lao động...coi đó là sự sĩ nhục, bớt những nụ cười toe toét, tự mãn, thì may ra đất nước này mới có cơ mở mặt.
Trả lờiXóaỒ! cái bác Hải này chạy lung tung từ bắc đên Nam, từ đông sang tây suốt thế này thì "xếp cái" ở nhà thu thế nào được "thuế"
Trả lờiXóaCứ tin đi rồi đời sẽ khác bác ợ
Trả lờiXóa* ND 15:43: Thuế má đóng đầy đủ, nhá!..