16 tháng 10, 2011

Ở TA, MUỐN CHẾT RẤT... DỄ!

Trúc đào trên phố Thủ đô
Mai Thanh Hải - Thằng bạn của mình vốn gốc Khoai Tây, nhưng khôn và ranh gấp tỷ lần Khoai Ta. Hôm rồi đi miền núi khảo sát Dự án giảm nghèo, ngồi ở bậc thềm cửa UBND xã, đợi cán bộ đến làm việc, mình chỉ cho nó xem cây lá ngón mọc loe ngoe trên hàng rào và "giải thích công dụng", nó gật gù: "Ăn vài lá, chết hộc cơm ngay, nhỉ?".

Về TP, cả bọn kéo nhau đi uống nước, gọi mãi chả thấy nhân viên phục vụ, Khoai Tây cựa quậy ngồi hóng chuyện đi núi, đến đoạn "lá ngón", chợt đứng dậy kêu tướng: "Cho 4 cốc sinh tố... lá ngón, nhiều đá!", cậu Quản lý lật đật chạy đến gãi đầu: "Món này bọn em không có. Xin lỗi, sẽ cập nhật và lần sau các anh đến, sẽ có ngay!".

Khoai Tây bạn mình cười đến mức ngã lộn nhào xuống nền nhà, nó vừa lồm cồm bò dậy vừa bập bẹ: "Bố khỉ!. Ngu thế! Bố khỉ! Ngu thế!". Khiến tụi mình cũng... ngã lộn theo.

Lá ngón mọc trước Trụ sở xã Suối Tọ (Phù Yên, Sơn La)
Sáng nay, đang bận tối mắt tối mũi, Khoai Tây "Buz! Buz!" lia lịa, bảo: "Cái quán hôm trước nó không ngu. Ở Việt Nam chúng mày, muốn chết rất dễ!" và dúi đường link thống kê toàn bộ những loại cây - hoa độc đang tràn lan khắp các đường phố Việt Nam.

Mình lẩn mẩn đọc xong cái link của Khoai Tây, thấy mồ hôi lấm tấm trên trán. Chuyện cây độc trồng khắp Thủ đô, ai cũng biết (thậm chí đường Nguyễn Chí Thanh nhà mình, người ta trồng đầy cây Trúc Đào. Hôm trước có bà bán nước quen thói tiết kiệm, ra vơ lá Trúc Đào đun nước, khói ám vào, mấy chú nghiện trà đá suýt đi... Văn Điển cùng nhau), sợ nhất là câu nói của cu bạn: "Trên thế giới, mạng người Việt Nam và Trung Quốc rẻ nhất. Bên tao mà thế này, không chỉ Thị trưởng mà cả Tổng thống cũng phải ra Tòa"...

Thôi! Chuyện chết chóc, rẻ đắt thì ai chả biết: Đường đang phẳng phiu, mấy thằng óc lợn rỗi hơi mang bê tông ra đặt giữa làm "phân cách cứng", đâm vào phát, chết luôn; đang ngồi gõ máy tính trong nhà, thằng em lãnh đạo mượn xe biển xanh 7 chỗ đi tập, lúng túng nhầm phanh côn, lao vút vào, cũng chết luôn; đánh cá ngoài biển, bọn "tàu lạ" ngứa mắt tông thẳng mạn thuyền, ngã xuống biển, cũng chết luôn; đến trụ sở Công an làm việc, anh em chiến sĩ thấy "ghét cái thái độ", tẩn cho mấy phát, vào đúng chỗ hiểm, cũng... chết luôn...

Cảnh báo mọi người mấy loại cây đang "góp phần dễ chết", để tránh được ngày nào hay ngày ấy, hỉ?..
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
1/ SÒ ĐO CAM
Sò đo cam trồng nhiều ven đường Đà Lạt

Sò đo cam được liệt kê vào danh sách 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, tại Việt Nam loài cây này vẫn được trồng và trổ hoa khoe sắc ở nhiều tuyến đường, công viên…bất chấp những lời cảnh báo.

Đẹp nhưng độc

Sò đo cam có nguồn gốc xuất xứ từ Châu Phi, tên khoa học là Spathodea Campanulata.

Ở Việt Nam cây này còn có tên gọi khác là: Chuông đỏ, đỉnh phượng hoàng, phượng hoàng đỏ, tulip châu Phi, uất kim hương Châu Phi....

Đây là loài cây gỗ nhỡ, hoa từng cụm màu vàng đậm hay đỏ cam, hạt có cánh nên phát tán theo gió và nẩy mầm rất nhanh. Nó thuộc loài cây thân gỗ cao 15-20m, tán lá rậm hình tròn, lá mọc đối kép lông chim, quả nang đứng, hạt nhiều.
Hoa Sò đo cam
Năm 2003, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã đưa sò đo cam vào danh sách 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng.

Bởi chúng thích nghi, phát triển, tăng nhanh số lượng cá thể trong hệ sinh thái hoặc nơi sống mới, gây ra sự thay đổi về cấu trúc quần xã, đe dọa đa dạng sinh học bản địa.

Do dễ trồng, lớn nhanh, cho hoa bền và đẹp nên vài năm gần đây loài cây này vẫn được đưa về trồng tại Việt Nam

Năm 2004, một nhóm sinh viên Khoa Môi trường (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) triển khai đề tài nghiên cứu Sinh vật ngoại lai xâm hại và cũng nhận định: Sò đo cam là loài cây chịu bóng, màu sắc sặc sỡ, lấn chiếm các vùng đất nông nghiệp bị bỏ hoang và khu rừng rậm.

Chúng thích hợp ở những vùng ẩm và ướt từ mực nước biển đến độ cao gần 1.000m. Đây là loài xâm thực gây hại ở Hawaii, Fiji, Polynesia và Samoa. Hạt được phát tán nhờ gió và nảy mầm rất nhanh...

“Khoe sắc” ở Việt Nam
Vẫn Sò đo cam

Do lớn nhanh, cho hoa bền đẹp, nên vài năm gần đây, loài cây này được đưa về trồng tại Việt Nam.

Đây là cây dễ trồng, phát triển nhanh, mặt khác chỉ trồng trên các tuyến đường vào khu du lịch, công viên, đường phố nên khó bị ảnh hưởng bởi tác động của sự xâm hại.

Thế nhưng thực tế, sò đo cam được trồng nhiều ở những nơi dễ phát tán hạt, thiết lập quần thể như dọc quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên thôn, mà xung quanh có đất hoang rộng.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, chỉ tính riêng trong 2010 và 2011, trên địa bàn tỉnh đã trồng đến 5.368 cây sò đo cam. Bởi vậy, tháng 10/2011, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đã phải có văn bản đề nghị UBND các địa phương hạn chế trồng Sò đo cam.

Không chỉ có sò đò cam…

Mai dương
Báo Tiền phong (10/10/2011) có viết: “Theo tài liệu của một số Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, nước ta là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học bị đe dọa nặng nề nhất, mà một trong những nguyên nhân là do sự xâm nhập của các loài sinh vật ngoại lai”.

Không chỉ có cây Sò đo cam mà trước đó, cây mai dương, một loại cây chiếm nhiều diện tích đất, cũng làm đau đầu nhiều người dân ở tỉnh Quảng Nam.

Dọc các tuyến đường, kênh rạch, bờ ruộng tại một số địa bàn tỉnh Quảng Nam xuất hiện rất nhiều cây mai dương.

Loại cây này phát triển rất nhanh, có tán lan rộng, trên khắp thân và lá đều có gai. Ở đâu có mai dương, các loại cây khác hầu như không phát triển được, làm cho đất bạc màu nhanh chóng.

Việc cây mai dương đang phát triển tràn lan tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ lấn chiếm đất canh tác, làm cho đất bị thoái hóa, bạc màu.

Nó còn ngăn cản dòng chảy trên kênh mương, ảnh hưởng đến sản xuất.

Tại một số địa phương, cây mai dương xuất hiện đã gây nên thảm họa cho người nông dân, làm thay đổi môi trường sinh thái tự nhiên.

Trước thực trạng này, Chính phủ đã yêu cầu Bộ NN&PTNT kiểm tra, lập đề án tận diệt cây mai dương nhưng vẫn chưa hiệu quả .

Ở Hà Nội, một loài hoa độc là hoa trúc đào cũng được trồng ở nhiều tuyến đường. Hoa trúc đào độc đến mức chỉ cần uống nguồn nước mà loài hoa này rụng xuống cũng có thể gây ra vấn đề về sức khỏe.
Trúc đào trong... vườn trẻ

Thế nhưng, do loài hoa này đẹp nên tại Hà Nội, khi đi qua một số tuyến phố ở trung tâm như Kim Mã, Hoàng Diệu, loài cây này vẫn được trồng, trổ bông rực rỡ.

Được biết, tại TP. HCM, cây trúc đào đứng đầu trong danh mục các loại cây cực độc mà UBNDTP cấm trồng trên đường phố.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học bị đe dọa nặng nề nhất.

Các chuyên gia bày tỏ lo lắng, cần sớm có những nghiên cứu khoa học để xác định mức độ xâm hại của các loài cây này, tránh để rơi vào tình trạng để chúng phát triển ồ ạt thì rất khó kiểm soát.

Nguồn bài viết: VNN

9 nhận xét:

  1. Vậy là ở phố mà k cần mỏi mắt tìm lá ngón, hay tốn tiền mua thuốc ngủ, hoặc mất thời gian thuê xe ôm ra bãi sông, nhảy xuống cầu,... mà chỉ cần vô nhà trẻ, với 1 bông lá trúc đào, hoặc vào trường Nhân văn, khu nhà G, là đến với cái chết ngon ơ ha A.
    ps. E thik Nguyễn Chí Thanh vô cùng í a ạ, ngày xưa e đi qua đó suốt, có khi chạm mặt a H (nhiều lần) rùi cũng nên,

    B.e.s-g!

    Trả lờiXóa
  2. Đúng rồi đấy! Giữa đường Nguyễn Chí Thanh, ngay trước ngõ nhà mình, đang mọc rất nhiều cây trúc đào tươi tốt mơn mởn. Nghe nói, loại này chỉ cần nhai 2 lá, là đi ngay lập tức.

    Ơ! Thế bây giờ không qua NCT nữa à? Nếu gặp nhau thì chào phát nhế, đừng chạm mặt làm lơ...

    Trả lờiXóa
  3. ai bảo ngu dáng mà chịu

    Trả lờiXóa
  4. Vậy mà có bài hát "ngày xưa có ngọn trúc đào mùa thu lá rụng bay vào sân em...." nghe tình không chịu được
    Thanks Bác Hải

    Trả lờiXóa
  5. Có khi cuối năm e mới lại lượn qua chỗ í, bác H ở ngõ mấy? Bác có gần ngõ 91, có cf Nắng Sg, ngõ đâm vô Hồ Thành Công, đối diện Pháo đài Láng ngày xưa e trú ngụ gần 8 năm k?

    - Mà ở đó là khu Vờ íp víp, Bác lại là hờ ót hót blốc - gơ, nên e ngại, chạm lại bảo em Thấy sang bắt quàng làm họ, A ơi.

    ps: E ngán chán cái HN nên e chả thik ở đó nữa, e mới đi rồi Bác ạ,


    B.e.s-g!

    Trả lờiXóa
  6. Ăn 2 lá trúc đào ko chết được đâu, ngày xưa em thỉnh thoảng vẫn nhai cho vui mà, thật đấy.
    (có thể bây giờ mới ảnh hưởng, cho nên dạo này lại thấy thích vào đảng ^__^

    Trả lờiXóa
  7. cây độc cũng nhiều mà kẻ ác cũng lắm, chỉ khổ người lành thôi. ôi ôi ôi. BD

    Trả lờiXóa
  8. Bác Hải ơi, Tôi thấy các blog khác trích đăng bài mới trong blog của phot_phet nhưng tôi vào blog yahoo của phọt phẹt mà chẳng thấy gì. Bác biết nó ở đâu chỉ cho tôi với.
    Cảm ơn Bác

    Trả lờiXóa
  9. Tình trạng Ngu Mà Cố Tỏ Ra Nguy Hiểm rất nhiều ở VN mình bác Hải ạ. Không biết tình trạng này xuất hiện từ lúc nào? chứ tôi hỏi cha tôi , ông
    tôi rằng , ngày xưa có vậy không ? Ông và cha trả lời: Ngày xưa cũng có đấy , thành phần này rất ít và được cái là biết sợ và kính nể người ngay và người có học, rồi 2 ông lần lượt tiếp:Tuy nhiên ngày nay , bọn này thì nhiều và khốn nạn thay, người ngay , có học lại sợ chúng.
    Lúc trước ở chổ em mấy bác chính quyền ra lệnh trồng cây Hoa Sữa dọc theo các con đường, chỉ vì vài bác ý ra HN họp hành gì đó, cộng với bài hát hình như của Phú Quang (ko biết chính xác có phải Phú Quang ko ?),vậy là các bác nổ banh vũ trụ bảo là rất rất rất đẹp ... Thế là dân chúng 2 bên đường tối tối được nghe mùi ..giống như mùi chất thải ra từ người. Sau đó phải chặt hết , trồng lại cây khác. Tiền thì vô tư , thử nghiệm không được thì làm lại, tiền nhà nước nhiều như nước Biển Đông lo gì, không sài thì thằng khác nó sài. Vậy phải sài cho đúng sành điệu là đầy tớ nhân dân

    Trả lờiXóa