Thiếu úy Trần Văn Phương và đồng đội giữ cờ Tổ quốc, đánh trả quân Trung Quốc trên đảo Gạc Ma, 14/3/1988 |
Lễ truy điệu các Liệt sĩ hy sinh trong trận 14/3/1988 |
Một sự kiện xảy ra gần đây mà không phải ai cũng biết: Sáng ngày 14/3/1988, tại vùng biển Cô Lin - Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam), lính đặc nhiệm Hải quân Trung Quốc đã ào ạt đổ bộ lên đảo Gạc Ma, giật cờ Tổ quốc và tấn công tốp chiến sĩ bảo vệ đảo thuộc Lữ đoàn 146 (Vùng 4, Hải quân Việt Nam) khiến toàn bộ đơn vị hy sinh - bị thương. Ngay sau đó, súng - pháo hạng nặng từ các tàu chiến đấu Trung Quốc đã trút đạn vào 3 tàu vận tải của Hải quân Việt Nam đang chở nguyên vật liệu xây dựng, củng cố đảo khiến cả 3 tàu bị chìm, bốc cháy ngay tại chỗ. Dã man hơn, súng - pháo của tàu chiến đấu Trung Quốc còn bắn thẳng vào đội hình công binh Hải quân của Trung đoàn 83, đang quần đùi áo may ô, tay không tấc sắt, vận chuyển gạch đá, xi măng, cát sỏi từ tàu lên đảo, không có khả năng kháng cự - tự vệ... khiến đại đa số cán bộ chiến sĩ trên đảo Gạc Ma trúng đạn, hy sinh ngay tại chỗ và thi thể chìm xuống lòng biển sâu hoặc vẫn mắc kẹt trong khoang tàu vận tải.
Pháo 37mm Trung Quốc bắn CBCS công binh Hải quân trên đảo Gạc Ma |
Một số chiến sĩ bị thương, cố bơi thoát ra khỏi khu vực mù mịt đạn pháo, lính Trung Quốc trên tàu dùng súng tiểu liên AK bắn thẳng hoặc dùng câu liêm - gậy, bổ vào đầu, làm chìm mất xác... Đặc biệt, sau khi xảy ra sự việc, tàu chiến đấu Trung Quốc còn ngăn chặn không cho các tàu cứu hộ, tàu mang cờ Chữ Thập đỏ đến khu vực Cô Lin - Gạc Ma để tìm kiếm, cứu nạn thương binh và vớt thi thể tử sĩ.
Kết cục, ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã chiếm đảo Gạc Ma, bắn cháy - chìm 3 tàu vận tải của Hải quân Việt Nam (HQ-505, HQ-604, HQ-605) và giết chết, bắt làm tù binh 74 cán bộ - chiến sĩ thuộc các đơn vị của Quân chủng Hải quân đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên các đảo Cô Lin - Gạc Ma - Len Đao. Đó là các cán bộ - chiến sĩ thuộc các đơn vị: Lữ đoàn 146, Lữ đoàn Vận tải 125, Trung đoàn Công binh 83, Phân đội Hải đồ thuộc Bộ Tham mưu Quân chủng, Trường Sĩ quan Hải quân...
Chiến sĩ Hải đồ Trương Văn Hiền bị lính Trung Quốc bắt làm tù binh 14/3/88 |
Xin được nói thêm: Tháng 8/2008, trong khi hành nghề lặn biển tại khu vực Cô Lin - Gạc Ma, một số ngư dân Việt Nam đã phát hiện xác tàu HQ-604 bị chìm sâu dưới đáy biển và vớt lên được 4 hài cốt Liệt sĩ mắc kẹt trong tàu, chuyển giao cho Bộ Quốc phòng (khi mới vớt lên, 4 bộ hài cốt được quàn tạm trên đảo chìm Cô Lin). Ngay sau đó, phía ta đã triển khai việc tiếp tục tìm kiếm hài cốt Liệt sĩ hy sinh trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma, nhưng tàu quân sự Trung Quốc dùng mọi cách ngăn cản, ngăn chặn...
Nhân kỷ niệm 64 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2011), Mai Thanh Hải Blog lật lại một phần tư liệu về Chiến dịch CQ-88 của Hải quân nhân dân Việt Nam và sự kiện ngày 14/3/1988. Xin được xem như nén hương, tưởng nhớ linh hồn 64 cán bộ chiến sỹ Hải quân Việt Nam đã ngã xuống trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma, bởi pháo hạm, đạn nhọn, lưỡi lê của lính Trung Quốc và đến bây giờ, thi thể của các anh vẫn nằm im lặng dưới lòng biển sâu Trường Sa.
-------------------------------------------------
Quần đảo Trường Sa nằm ở tọa độ 8°38′ Bắc 111°55′ Đông, với diện tích (đất liền) nhỏ hơn 5 km², gồm khoảng 148 đảo nhỏ, đảo san hô và đảo chìm rải rác trên diện tích gần 410.000 km² ở giữa biển Đông. Quần đảo hiện đang trực thuộc đơn vị hành chính của huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà.
Đảo Trường Sa Lớn (5/2011) |
Quần đảo Trường Sa có các nguồn lợi thiên nhiên gồm: Cá, phân chim, tiềm năng dầu mỏ và khí đốt còn chưa được xác định. Do nằm gần khu vực lòng chảo trầm tích chứa nhiều dầu mỏ và khí đốt, quần đảo Trường Sa có tiềm năng lớn về dầu khí. Hiện địa chất vùng biển này vẫn chưa được khảo sát nhiều và chưa có các số liệu đánh giá đáng tin cậy về tiềm năng dầu khí và khoáng sản khác. Trường Sa có vị trí chiến lược nằm gần tuyến đường vận chuyển tàu biển chính trên biển Đông.
-----------------------------
Trước ngày 30/4/1975, Hải quân Việt Nam Cộng hoà đóng giữ các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây, Sinh Tồn và Trường Sa của quần đảo Trường Sa.
Từ ngày 14/4/1975 đến 29/4/1975, Đội 1 thuộc Đoàn 126 - Đặc công nước Hải quân, phối hợp với Đoàn 125 và một bộ phận của Tiểu đoàn 471, Đặc công Quân khu 5 lần lượt giải phóng và tiếp quản các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa.
Liệt sĩ Tống Văn Quang hy sinh 14/4/1975 khi giải phóng đảo Song Tử Tây |
Tháng 4/1976, Quân chủng Hải quân tổ chức diễn tập đổ bộ, chống đổ bộ trên các đảo Trường Sa.
Tháng 2/1978, Philippines đưa quân chiếm đóng đảo Ponata, đồng thời tăng cường trinh sát quanh các đảo ta đã đóng quân.
Ngày 10/3/1978, quân ta đổ bộ lên đảo An Bang.
Ngày 15/3/1978, ta đóng giữ đảo Sinh Tồn Đông.
Ngày 30/3/1978, ta đóng giữ đảo Hòn Sập (Phan Vinh).
Ngày 4/4/1978, quân ta hoàn thành việc đóng giữ đảo Trường Sa Đông.
Đảo Phan Vinh, 1988 (ảnh: Thiềm Thừ Blog) |
tháng 4/1978, 1 phân đội được đưa ra đóng giữ đảo Thuyền Chài, nhưng do điều kiện vật chất chưa bảo đảm nên tháng 5/1978, phân đội được rút về đất liền.
Ngày 8/5/1978, Trung đoàn 146 phòng thủ Trường Sa được thành lập. Năm 1980, đơn vị được nâng cấp thành Lữ đoàn 146 thuộc vùng 4 Hải quân, đóng tại Cam Ranh
Tháng 11/1978, Hải quân Malaysia vây đảo An Bang, nhưng tàu của họ phải rút đi sau 11 ngày gây áp lực với quân ta, nhưng không có kết quả.
Ngày 6/4/1983, ông Hồ Ngọc Nhường, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh (cũ) dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh ra thăm và đặt mốc chủ quyền Việt Nam trên đảo Thuyền Chài.
Từ tháng 1/1987 đến giữa năm 1987, việc xây dựng nhà lâu bền trên đảo Thuyền Chài được lực lượng công binh Hải quân và tàu vận tải hoàn thành.
Đèn pha của tàu HQ-931 dùng để khảo sát ban đêm ở Ba Kè, Huyền Trân 1988 |
Ngày 24/10/1987, Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam ra lệnh cho các đảo Trường Sa chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Ngày 25/10, quân ta đóng giữ thêm 4 đảo (Tiên Nữ, Đá Lớn, Đá Tây, Chữ Thập). Cuối năm có sóng to gió lớn, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng các đơn vị đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ.
Trong những tháng đầu năm 1988, Trung Quốc cho quân chiếm đóng Đá Chữ Thập (31/1), tiếp đó đến các bãi đá Châu Viên (18/2), Ga Ven (26/2), Huy Gơ (28/2), Xu Bi (23/3) thuộc quần đảo Trường Sa.
Đô đốc Giáp Văn Cương đọc lời thề quyết tử bảo vệ Trường Sa (5/1988) |
Đô đốc Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương kiêm luôn Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, vào căn cứ Cam Ranh lập Sở Chỉ huy để trực tiếp chỉ huy chiến dịch Chủ Quyền 88 (CQ-88).
Hải quân nhân dân Việt Nam khẩn trương đóng giữ các bãi Đá Tiên Nữ (26/1), Đá Lát (5/2), Đá Lớn (6/2), Đá Đông (18/2), Tốc Tan (27/2), Núi Le (2/3). Chúng ta đã bước đầu ngăn chặn được hành động mở rộng phạm vi chiếm đóng của Hải quân Trung Quốc.
Ngày 14/2/1988, tại vùng biển Trường Sa xuất hiện 3 tàu chiến của Trung Quốc lăm le định lên chiếm đảo chìm Đá Lớn. Đúng 1h30 ngày 15/2, tàu HQ-701 do biên đội trưởng Nguyễn Văn Tân và thuyền trưởng Hà Văn Thái chỉ huy (đang làm nhiệm vụ đưa hàng Tết ra đảo Nam Yết thì được lệnh neo cạnh Đá Lớn từ 6/2) đã được lệnh lao lên đảo. Chiếc tàu bị hỏng và trở thành chiếc lô cốt, bia chủ quyền trên đảo Đá Lớn.
Đầu tháng 3/1988, Trung Quốc huy động lực lượng của 2 hạm đội xuống khu vực Trường Sa, gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông tông lớn.
Dự đoán đối phương sẽ chiếm các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ đạo các tàu của Lữ đoàn vận tải 125 mang theo một số phân đội của Trung đoàn Công binh 83 và Lữ đoàn 146 nhanh chóng đến các đảo này.
Ngày 12/3/1988, tàu HQ-605 được lệnh từ đảo Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao trước 6 giờ sáng ngày 14/3. Sau 29 tiếng hành quân, tàu đến Len Đao lúc 5 giờ ngày 14/3, cắm cờ Việt Nam trên đảo.
Công binh Hải quân tập kết đá xây nhà trên đảo Len Đao, tháng 5/1989 |
9h ngày 13/3, tàu HQ-604 và tàu HQ-505 được lệnh từ đảo Đá Lớn tiến về phía Gạc Ma, Cô Lin. 17 giờ ngày 13/3, tàu Trung Quốc áp sát uy hiếp các tàu HQ -604, 505 của ta
Đêm 13/3, quân ta bí mật đổ bộ, cắm cờ Việt Nam trên đảo Gạc Ma.
Sáng 14/3/1988, từ tàu HQ-604 đang thả neo tại Gạc Ma, Trung tá Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) phát hiện 4 tàu lớn của Trung Quốc đang tiến lại gần. Một tổ 3 người được cử lên đảo Gạc Ma bảo vệ Quốc kỳ.
Lính Trung Quốc lên xuồng đổ bộ tấn công Gạc Ma |
Hải quân Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo. Lực lượng áp đảo nhưng không cướp được cờ trong tay những người lính Việt kiên cường, chúng đã bắn chết Thiếu úy Trần Văn Phương và chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, đâm trọng thương Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh.
Nhưng đã có thêm hàng chục chiến sĩ ta từ tàu HQ-604 lao xuống biển bơi vào đảo theo lời kêu gọi của Trung tá Trần Đức Thông, tiếp tục xây lưng với nhau quây thành 1 vòng tròn để bảo vệ lá cờ thấm máu đồng đội.
Lính Trung Quốc bắn pháo 100 mm từ 2 chiến hạm vào tàu HQ-604, khiến tàu bị thủng nhiều lỗ và chìm xuống biển. Lữ đoàn phó Trần Đức Thông, Đại uý thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và nhiều sĩ quan, chiến sĩ đã hy sinh cùng tàu HQ-604.
Tàu HQ-604 bị bắn cháy và chìm ngay tại chỗ |
Tại đảo Cô Lin, tàu HQ-505 đã cắm 2 lá cờ trên đảo lúc 5h. Khi thấy tàu HQ-604 bị bắn chìm, thuyền trưởng tàu HQ-505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo, tăng tốc cho tàu ủi bãi trong làn pháo địch. Con tàu này đã kịp trườn được hai phần ba thân lên đảo trước khi bị tàu địch bắn cháy. Thủy thủ tàu HQ-505 vừa dập lửa cứu tàu, triển khai bảo vệ đảo, vừa đưa xuồng đến cứu thủy thủ tàu HQ-604 bị chìm ở phía bãi Gạc Ma.
Ở hướng đảo Len Đao, lúc 8 giờ20 ngày 14/3, tàu Trung Quốc bắn vào tàu HQ-605. Tàu 605 bị bốc cháy và chìm lúc 6 giờ ngày 15/3, thủy thủ đoàn của tàu bơi về đảo Sinh Tồn an toàn.
Hỏa lực địch tấn công Công binh Hải quân E83 trên đảo Gạc Ma |
Mặc dù thua kém đối phương về lực lượng, phương tiện, vũ khí, trong trận chiến đấu ngày 14/3/1988, những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu quên mình để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Chúng ta mất 3 tàu, 64 sĩ quan và chiến sĩ hy sinh hoặc mất tích, 11 người bị thương, nhưng đã bảo vệ được chủ quyền tại các đảo Cô Lin và Len Đao.
Trung Quốc chỉ chiếm được đảo Gạc Ma.
Các liệt sĩ Trần Đức Thông, Vũ Phi Trừ, Trần Văn Phương được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tàu HQ-505, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Di ảnh Liệt sĩ Trần Văn Phương |
Di ảnh Trung tá - Liệt sĩ Trần Đức Thông |
Thẻ Đảng viên của Anh hùng - Liệt sĩ Trần Đức Thông |
Lá cờ Tổ quốc, Liệt sĩ Trần Văn Phương và đồng đội đã bảo vệ trên đảo Gạc Ma |
Máy bơm nước của tàu HQ-931 dùng để dập lửa cứu tàu HQ-505 bị cháy ngày 14/3/1988 |
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam về vụ Trung Quốc gây hấn 14/3/1988 đăng trên Báo Nhân dân (15/3/1988) |
CBCS tàu HQ-671 tình nguyện cứu hộ đồng đội trong trận 14/3/1988 |
Tàu HQ-931 chở Thương binh - Liệt sĩ trong trận 14/3/1988 về Quân cảng Cam Ranh |
CBCS tàu HQ-505 tham gia trận 14/3/1988 (chụp tháng 5/1988) |
Hoạt động tích cực của Vùng 4 Hải quân trong Chiến dịch CQ-88 |
Từ tháng 6-1989, để tăng cường bảo vệ chủ quyền tại thềm lục địa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp giáp quần đảo Trường Sa, Hải quân nhân dân Việt Nam bắt đầu đóng giữ các bãi đá ngầm: Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đừơng, Ba Kè. Tại đây chúng ta đã xây dựng nhiều trạm Kinh tế - khoa học – dịch vụ (DK1).
Hình tư liệu: Cục Chính trị, Vùng 4 Hải quân; Lữ đoàn 146; Thiềm Thừ Blog, Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa... và một số trang mạng xã hội khác
(Còn tiếp)
Xúc động vô cùng. Cầu mong linh hồn các anh hùng liệt sĩ được siêu thoát. Xin hồn thiêng sông núi và các anh hãy phù hộ cho non sông đất nước được mãi vẹn toàn. Mong nhiều người được đọc loạt bài này để hun đúc lòng yêu nước và cảnh giác...
Trả lờiXóaXem đoạn video clip về cảnh hy sinh của các chiến sỹ là không cầm được nước mắt.
Trả lờiXóanhanh len bac oi
Trả lờiXóahttp://quechoa.info/2011/07/24/vi%E1%BB%87t-nam-ngay-247/#more-13146
Trả lờiXóaÔng Quê choa lại đăng những ảnh mà đoàn biểu tình (ngày 24/07/2011 tại Hà nội) gọi 74 HQ Ngụy Sài Gòn chết tại Hoàng Sa năm 1974 là 74 liệt sỹ thì có trái ý bác Mai không?
Thực sự rất xúc động mỗi khi đọc lại, xem lại những tấm hình, đoạn phim về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ HQVN trong việc bảo vệ 3 đảo Colin, Len Đao, Gạc Ma. Mỗi lần xem lại những hình ảnh sự dã man của quân thù khi nã thẳng pháo và súng bộ binh vào những người lính công binh đang đứng vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc, từng người ngã xuống nhưng tinh thần bất khuất của các anh là bất tử. Lớp lớp các thế hệ sẽ tiếp bước các anh trong trang sử hào hùng của đất nước. Việt Nam có thể nghèo về kinh tế, có thể thiếu về trang thiết bị quân sự nhưng không thiếu lòng yêu nước, mỗi người dân sẽ là một người lính, mỗi tấc đất sẽ là một pháo đài. muaphongba.
Trả lờiXóaThưa với bác Tiến sĩ giấy là việc này nhà cháu không bình luận. Bác đọc Entry "danh sách 64 liệt sĩ..." sau thì sẽ biết vì sao ợ!. Sai từ cái cơ bản thì sao bàn được?
Trả lờiXóaCác tư liệu của MTH rất có giá trị. Đề nghị bạn tiếp tục tìm kiếm, tập hợp và công bố cho nhiều người được biết. Rất cám ơn.
Trả lờiXóaQua đây cũng phản ánh hàng trăm tờ báo của nhà nước với số lượng PV rất nhiều, có điều kiện hơn hẳn các tác giả cá nhân mà chẳng có được mấy bài viết, những thông tin cụ thể và chất lượng như thông tin ở trên.
càng xem,cang đọc Càng Căm thằng tầu ô,đúng là bè lũ bành trướng tiêu nhân.Tổ quốc đời đời ghị nhớ công ơn các anh
Trả lờiXóaCăm thằng Tàu khựa quá, Tôi đã từng cầm súng đúng những năm 1988 nhưng không ở Hải Quân, thật khâm phục nhưng đồng đội đã ngã xuống bảo vệ biển đảo quê hương
Trả lờiXóaCó lẽ cần rõ ràng tất cả thông tin về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, in vào sách lịch sử để các em, các cháu được học.
Trả lờiXóaTheo tôi biết gia đình trung tá Trần Đức Thông đang ở phường Hai Bà Trưng, Phủ Lý, Hà Nam. Từ ngày anh hy sinh, chị Luật vợ anh một mình nuôi các con, sau này các con anh trưởng thành cũng không thành đạt, nhiều éo le.
Trả lờiXóađau thương quá!
Trả lờiXóaNếu có một chương trình đến thăm và động viên các chiến sĩ lữ đoàn 146HQ thì hay biết mấy !
Trả lờiXóabuon!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!
Trả lờiXóaCảm ơn đã nói cho tôi biết những thông tin này!
Trả lờiXóa