7 tháng 7, 2011

"TỤ TẬP ĐÔNG NGƯỜI" Ở PHỐ HUẾ?..

Mai Thanh Hải Blog - Bạn đọc mách: Có "tụ tập đông người tại Phố Huế". Cứ tưởng... quán cà phê Cột Cờ chuyển về Phố Huế và bà con thay giờ "nhâm nhi" từ Chủ nhật sang thứ Năm, không ngờ lại là chuyện khác. Vụ này mình cũng đã nghe qua, biết một số chú "ngành chức năng" Hà Nội sai lè và sớm muộn cũng bị "sờ gáy". Phục vụ mọi người ít hình và nội tình vụ việc do bạn đọc mới chuyển đến...
--------------------------------------


Mặc dù Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) đã có quyết định hủy “Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự” nhưng cơ quan Thi hành án (THA) quận Hai Bà Trưng vẫn thực hiện thi hành án.

Ngày 21/12/2010, Tòa kinh tế (TANDTC) có Quyết định giám đốc thẩm số 18/2010/KDTM-GĐT, theo đó hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (Ngân hàng Công thương Việt Nam, chi nhánh Cầu Giấy - Hà Nội và Cty TNHH Bắc Sơn) số 143/2007/QĐST-KDTM ngày 20/12/2007 của TAND TP Hà Nội. Theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án (THA) quận Hai Bà Trưng phải ra quyết định đình chỉ thi hành án theo Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM.

Tuy nhiên, việc tuân theo pháp luật đã không được cơ quan THA quận Hai Bà Trưng thực hiện và vẫn quyết tâm thực hiện THA.

Từ Quyết định thỏa thuận “thiếu sót”…

Theo Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM, Cty TNHH Bắc Sơn (Cty Bắc Sơn) xác nhận nợ ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Cầu Giấy (Hà Nội) số tiền gốc là 15 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, Cty Bắc Sơn cam kết trả Ngân hàng Công thương Việt Nam số tiền gốc là 15 tỷ trong vòng 3 tháng kể từ ngày 19/12/2007. Trong trường hợp nếu Cty Bắc Sơn không thực hiện theo cam kết trên thì Ngân hàng Công thương Việt Nam có quyền xử lý tài sản thế chấp theo luật định. Trong khối tài sản đảm bảo thế chấp cho các khoản nợ của Cty Bắc Sơn có quyền sở hữu một phần ngôi nhà và quyền sử dụng đất tại 194 Phố Huế là tài sản đảm bảo cho một khoản vay trị giá 5 tỷ đồng.
Ngày 6/1/2009, Chi Cục THA quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) có Quyết định số 03 thi hành án theo Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM. Ngày 24/2/2009, có quyết định kê biên diện tích nhà đất tại 194 Phố Huế (Hà Nội) nhằm đảm bảo thi hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 143/2007/QĐST-KDTM. Ngày 24/8/2009, Chi Cục THA quận Hai Bà Trưng và Cty Cổ phần bán đấu giá nhà Hà Nội đã tiến hành bán đấu giá ngôi nhà số 194 Phố Huế.

Ngày 4/9/2009, Viện trưởng VKSND TC có Quyết định kháng nghị số 29/QĐ-KNGĐT-V12, đề nghị Tòa Kinh tế (TANDTC) xét xử theo hướng hủy quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự số Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM. Ngày 21/12/2010, Tòa kinh tế (TAND TC) có Quyết định giám đốc thẩm số 18/2010/KDTM-GĐT, theo đó hủy Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 143/2007/QĐST-KDTM ngày 20/12/2007 của TAND TP Hà Nội do quyết định này có thiếu nhiều sót trong quá trình giải quyết vụ án. Đồng thời giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Đến sự “quyết tâm bất thường”

Luật THA Dân sự quy định về đình chỉ THA: “Thủ trưởng cơ quan THA dân sự phải ra quyết định đình chỉ THA trong các trường hợp sau: Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ” (điểm d, khoản 1, Điều 50 Luật THA dân sự năm 2008). Như vậy, theo quy định trên, khi Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM không còn hiệu lực pháp luật thì thủ trưởng cơ quan THA quận Hai Bà Trưng đáng lẽ phải ra quyết định đình chỉ THA (Đình chỉ thi hành Quyết định số 03, ngày 6/1/2009 của Chi Cục THA quận Hai Bà Trưng) cho đến khi có một bản án hoặc một quyết định mới có hiệu lực pháp luật.

Tuy nhiên, thủ trưởng cơ quan THA quận Hai Bà Trưng đã không thực hiện theo điều luật trên mà căn cứ vào khoản 5, Điều 2 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSND TC (Thông tư liên tịch số 14/2010) hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục THA dân sự và phối hợp liên ngành trong THA án dân sự để tiếp tục thực hiện việc thi hành án theo Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM.

Theo đó, khoản 5, Điều 2 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSND TC, quy định “…Trường hợp bản án, quyết định bị kháng nghị đã được tổ chức thi hành một phần thông qua bán đấu giá nay bị hủy, sửa thì cơ quan thi hành án tiếp tục hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật cho bên mua đấu giá, trừ trường hợp thủ tục bán đấu giá vi phạm quy định của pháp luật”.

Theo Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư Interla thì việc Chi cục THA quận Hai Bà Trưng áp dụng khoản 5, Điều 2 Thông tư liên tịch số 14/2010 để không ra quyết định đình chỉ THA là trái với quy định của pháp luật, bởi “Thông tư liên tịch số 14/2010 có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2010 thì không thể áp dụng ngược trở lại để điều chỉnh một vụ án kinh doanh thương mại được giải quyết bằng quyết định số 143 ngày 20/7/2007 và có quyết định THA từ ngày 6/1/2009. Pháp luật Việt Nam không có quy định luật hồi tố”, Luật sư Hòe phân tích.

Mặt khác, theo Luật sư Hòe, thủ tục bán đấu giá ngôi nhà 149 Phố Huế có nhiều sai phạm nghiêm trọng, do đó Chi Cục THA quận Hai Bà Trưng không thể áp dụng Thông tư liên tịch số 14/2010 để tiếp tục thi hành án theo Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM.

Cụ thể, khi ông Hoàng Đình Mậu, nguyên Giám đốc Cty Bắc Sơn qua đời, các đồng thừa kế của ông Mậu đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau đối với khối di sản mà ông Mậu để lại. Việc Chi cục THA quận Hai Bà Trưng khi kê biên căn nhà 194 Phố Huế chỉ hỏi ý kiến vợ ông Hoàng Ngọc Minh (con trai cả của ông Mậu và hiện là Giám Cty Bắc Sơn) và bà Hồng mà không có sự thống nhất với các đồng thừa kế còn lại là trái với các quy định của pháp luật về thừa kế, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đồng thừa kế còn lại.

Theo chị Hoàng Thị Thu Hằng, sinh năm 1978 và anh Hoàng Đình Mạnh, sinh năm 1979 và anh Hoàng Ngọc Minh (là con ông Mậu, cùng trú tại số nhà 194 Phố Huế), thì từ khi ông Mậu qua đời (năm 2006), đến nay gia đình họ vẫn chưa mở thủ tục thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Trong trường hợp này, theo Luật sư Hòe “khi các đồng thừa kế của ông Mậu chưa thực hiện thủ tục mở thừa kế đối với các khối di sản mà ông Mậu để lại thì không thể bắt các đồng thừa kế thực hiện nghĩa vụ về khối di sản do ông Mậu để lại”.

Ngày 9/5/2011, Chi cục THA quận Hai Bà Trưng tiếp tục ra thông báo số 05/ TB – THA yêu cầu trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày 10/5/2011 đến ngày 24/5/2011, mọi tổ chức, cá nhân, và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đang thuê, đang ở nhờ phải ra khỏi và chuyển toàn bộ tài sản của mình đang để tại 194 phố Huế- Phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng- Hà Nội để trả lại nhà đất cho người mua được tài sản bán đấu giá.

Với những việc làm trên của Chi cục THA quận Hai Bà Trưng, dư luận đang đặt câu hỏi: Liệu phía sau sự “quyết tâm” bất thường này có điều gì uẩn khúc?

Một vấn đề nữa đặt ra là, cứ cho việc thi hành bản án là đúng thì toàn bộ ngôi nhà 194 Phố Huế hiện nay cũng không phải là tài sản trọn vẹn để thế chấp một khoản vay 5 tỷ từ năm 1997. Khi đó, gia đình ông Mậu chỉ được sử dụng ½ tầng 1 của ngôi nhà. Sau này, ông Mậu và các con đã mua lại hợp pháp của một gia đình khác. Thêm nữa, Cty Bắc Sơn còn có một khối tài sản là một nhà máy lắp ráp xe máy tại Nam Hồng, Đông Anh và sẵn sàng bán (được khoảng 100 tỷ đồng) để trả nợ ngân hàng, nhưng cơ quan thi hành án lại chỉ thích lấy được ngôi nhà có vị trí vàng ở 194 phố Huế.


(Nguồn ảnh và bài viết: http://vozforums.com)

14 nhận xét:

  1. Quả nhà này 30 tỷ là quá thơm hơn mật. Đương nhiên là ...ruồi nhiều.

    Trả lờiXóa
  2. http://www.xuandien.com/2011/07/tin-nong-ang-co-tu-tap-ong-nguoi-o-pho.html

    Trả lờiXóa
  3. Bác sử luôn từ Read more (ở cuối đoạn giới thiệu mỗi bài viết) thành Đọc thêm cho nó thuần Việt.

    Trả lờiXóa
  4. Sao dùng ảnh mà ko ghi rõ nguồn thế

    Trả lờiXóa
  5. Công lý và pháp luật ở ngay trước mắt mình,mà sao nhiều người dân bây giờ lại cứ như mò kim đáy bể ấy nhỉ.Chả lẽ công lý và pháp luật là một cái gì đó vô hình,không nhìn được và cũng không có thật.

    Trả lờiXóa
  6. Có ai biết xin cho một số trích ngang về ông Chi cục Trưởng chi cục thi hành án quận Hai Bà Trưng không nhỉ? Nếu có dc quá trình leo chức và tài sản nhà ông ấy thì tốt :)

    Trả lờiXóa
  7. Cảm ơn chủ blog đã tường thuật lại chi tiết và chính xác nội vụ. Những uất ức và bất công của những con người đang bị đuổi ra khỏi nhà, khi mà ngôi nhà trị giá trên 100 tỷ bị định giá 30 tỷ để thanh toán cho món nợ 5 tỷ do người chết để lại, thật ko ngôn từ nào tả hết.
    Cứ nói luật pháp vô tình, nhưng ko, luật pháp rất "có tình", chỉ một số con người thực thi pháp luật mới vô tình. Pháp luật quy định nếu người bị thi hành án chỉ có một ngôi nhà duy nhất để ở thì sẽ xem xét để thi hành án nhưng tài sản khác của người đó. Nhưng trong vụ này, cơ quan thi hành án quyết tâm thi hành bằng được bản án theo chủ ý của họ, khi mà cố tình làm ngơ ko thi hành án nhà máy lắp ráp xe máy bên Đông Anh (theo chính nguyện vọng của bên bị thi hành án), để đuổi bằng được cả gia đình già trẻ lớn nhỏ ra khỏi ngôi nhà duy nhất của họ.
    Công lý ở đâu?

    Trả lờiXóa
  8. Tay trưởng thi hành án này tên là Chung...
    chắc được hối lộ nhiều đây?
    Nghe đâu số tiền 30 tỷ mà THA bán ngôi nhà này được đem gửi tiết kiệm mấy năm hưởng lãi suất để tiêu riêng thì phải..

    Trả lờiXóa
  9. Ông Trưởng chi cục thi hành án là người rất khó hiểu, khi ông ta từ chối cấp giấy chứng nhận bảo về quyền và lợi ích hợp pháp cho 1 luật sư (khi l/s này đến làm việc tại chi cục THA HBT), và kỳ lạ hơn nữa là hôm nay, ông ta cương quyết ko cho luật sư Trương Quốc Hòe có mặt tại hiện trường, dù l/s Hòe có xuất trình Giấy chưng nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp do Tòa án nhân dân TP Hà Nội cấp.
    Ko tôn trọng những người tham gia tố tụng, ko chấp hành đúng các quy định của pháp luật, cố ý thực hiện 1 bản án đã bị tuyên hủy, cố ý đẩy nhanh tiến độ thi hành án trước khi vụ việc được đưa ra xét xử sơ thẩm tại TAND TP Hà Nội. Phải chăng ông ta là người làm ra pháp luật?
    Nhưng tôi tin công lý sẽ được thực thi tại phiên tòa sắp tới. Một tay ko thể che cả bầu trời được.

    Trả lờiXóa
  10. Lãnh đạo Thành phố Hà Nội sẽ nói gì về tình trạng "Trên bảo dưới không nghe"!

    Trả lờiXóa
  11. Vùng sâu thì còn hiểu được,Giữa thủ đô thì không thể hiểu được.Hay là thuê LS nước ngoài cãi hộ.

    Trả lờiXóa
  12. Không biết THA HBT còn có lý gì khi cưỡng chế chứ toà đã huỷ quyết định công nhận 143/2007. Theo thông tin ở trên thì THA HBT đã ra quyết định kê biên rồi bán đấu giá nhà 194 Phố Huế, còn toà kinh tế - toà án tối cao ra phán quyết vào năm 2010. Đây có lẽ là THA HBT vẫn cố thực hiện không thì người mua lại kiện lại THA. Một chi tiết để các chủ nhà 194 P.Huế kiếu kiện THA là ông Mậu chỉ có 1/2 tầng một ngôi nhà.

    Trả lờiXóa
  13. Vậy hãy xem xét tư cách của Chủ tài sản trước khi chây bửa không trả nợ Ngân hàng món nợ từ năm 2007. Vì món nợ 5 tỷ không trả đến mức bị xiết ngôi nhà 100 tỷ thì đúng là hết thuốc chữa.
    Chủ gia đình này mới là chây lỳ, bất chấp pháp luật hết chỗ nói.

    Trả lờiXóa
  14. Doanvankhoi nói thế là ko đúng và ko có tình rồi. hãy đọc tất cả những bài báo giấy, báo mạng, xem rõ ngọn ngành sự việc, rồi hãy nói như vậy. nếu ko biết rõ, đừng nói tư cách này hay tư cách khác, chỉ khiến cho những con người đang bị ức hiếp, bị cướp giật trắng trợn thêm đau lòng.
    Khi kinh doanh bị lâm vào tình trạng thua lỗ, thì người ta mới ko có tiền để trả nợ ngân hàng, nhưng ở đây ko ai trốn nợ, mà người ta đã tự nguyện dùng chính nhà máy sản xuất xe máy bên Đông Anh để trả nợ (vì vay nợ là để xây dựng nhà máy này, và nhà máy này cũng đứng tên trong Hợp đồng thế chấp cho khoản vay trên)
    Thế nhưng rất nhiều lần phía ngân hàng ko chịu hợp tác trong việc xử lý tài sản này để thanh toán nợ, mà cứ nhăm nhe cái nhà 194 Phố Huế cơ. Sau đó là một chuỗi những sai phạm nghiêm trọng.
    Chuyện cố ý làm trái này, trời đất, đất biết, và nhiều người biết, rất nhiều người biết. Một tay ko che lấp được bầu trời đâu.

    Trả lờiXóa