3 tháng 2, 2013

MANH ÁO PHONG PHANH


Mai Thanh Hải - Ngày gần Tết, chạy từ dọc cung đường miền núi - biên giới Đông Bắc, đã thấy sắc Xuân bừng lên đầu núi, góc rừng trong những nụ, những hoa đào, hoa mận và cả mùi rừng, ngai ngái tỏa ra từ búp lá xanh.

Năm nay, tụi lít nhít nghỉ học sớm, để tránh lạnh. Mới 20 tháng Chạp mà các Trường đã vắng tanh vắng ngắt bởi học sinh cuốn chăn gói, leo ngược núi về bản sớm.

Và thế là mình gặp chúng nó khắp dọc đường biên giới: Cũng lặc lè hàng hóa, gò lưng kéo con chó - con lợn ngoan cố, xuống chợ mua sắm Tết cùng bố mẹ, mắt cứ sáng long lanh bởi phiên chợ cuối năm đầy ắp người, ngồn ngộn hàng và râm ran, vui hơn cả Tết; bặm môi làm nương cùng bố mẹ trên triền núi, mắt tò mò thi thoảng lại dán hết xuống đường, hóng nhìn khách lạ đi qua, thở phì phò bởi cái gùi nhỏ sau lưng chất đầy củi, đầy rau hay cuốc xẻng, bố mẹ giao mang về...

Và nhiều nhất là gặp chúng nó túm nhau, ngật ngưỡng cõng em đứng ven đường, đầu bản, ngang dốc chờ bố mẹ đi nương, xuống chợ và ngóng khách lạ từ dưới xuôi lên, ai cũng ấm áp, thơm tho với chữ "phượt", in rõ trên trán.

Dễ nhận thấy nhất khi thấy chúng nó, là hầu như đứa nào cũng phong phanh, thiếu áo quần và nếu có, cũng đều là rách rưới, cũ kỹ, có tác dụng che thân chứ chả phải ấm thân, như người ta định nghĩa về quần áo.

Mình đi miền núi gần 20 năm nay, quả thực là rất ít khi thấy bọn trẻ lít nhít ăn mặc đàng hoàng, sạch sẽ, ấm áp.

Số được như vậy, hầu hết rơi vào số con cán bộ, giáo viên, biên phòng và những người buôn bán.

Đã có lần mình hỏi "ngu" với các thầy cô: "Sao không may đồng phục cho các cháu?" và nhận được câu trả lời, tròn vo đầy sự ngạc nhiên: "Ăn còn chẳng đủ, áo quần thường còn chẳng có, nữa là đồng phục!"...

Ừ!. Vẫn biết đói cơm rách áo trên miền núi - biên giới lúc này, trở thành chuyện bình thường, đầy ra đấy, nhưng dịp Tết, khi ở đâu cũng rộn ràng mua sắm, xúng xính quần áo mới xanh đỏ và bừng bừng niềm hy vọng mới, trong năm mới, mới thấy chạnh lòng đói rách - phong phanh, ở từng đứa trẻ gặp ven đường...

"Con người ta sống trên đời, sợ nhất là sự vô cảm và sự vô cảm đối với nỗi khổ của đồng loại, của những đứa bé giống con cháu mình, giống như tội ác" - Bạn mình, ở nước ngoài về thăm Tổ quốc, đi cùng khảo sát trước chuyến hàng đồ ấm lên vùng biên giới Hà Giang, cho gần 500 đứa lít nhít trẻ em địa đầu, dịp sau Tết âm lịch, khi chứng kiến lũ trẻ con phong phanh, tồng ngồng, run lẩy bẩy, đã vét đến đồng tiền cuối cùng, mua áo khăn ở chợ huyện, quàng cho chúng và khóc nói vậy...

Mình chỉ nói với bạn rằng: Cái sự ác, sự vô cảm thì đời nào cũng có. Nhưng ít nhất bây giờ, vẫn còn chúng mình và bao người hướng tới bọn lít nhít vùng biên cương. Bạn ở lại Việt Nam thêm vài ngày, rồi cùng mang đồ ấm - đồ no tặng những chủ nhân tương lai của vùng biên cương, dịp mùa Xuân hồng hoa đào, trắng hoa mận và vàng hoa cải, sáng bừng đất Hà Giang, bạn nhé!..
-----------------
* Hình ảnh ghi lại trong những chuyến công tác miền núi, hoạt động của Chương trình Áo ấm biên cương và tư liệu của các đồng nghiệp, đăng trên mạng xã hội FB, xomnhiepanh.com, OF, phuot.net...



5 nhận xét:

  1. Rơi nước mắt! Đồng bào ta sao khốn khó thế!

    Trả lờiXóa
  2. Anh Mai Thanh Hải yêu quý.
    Hôm nay xem đến tệp ảnh này thì Tiến Đặng không thể chịu đựng được nữa. Có một nỗi buồn mênh mông dâng lên làm nghẹn thở. Không dám tin vào mắt mình nữa anh Hải ạ.
    Những đứa trẻ này chắc chắn bố mẹ chúng cũng còn rất trẻ. Có nghĩa là cả đời bố mẹ, ông bà chúng đều được sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa, mà như những người cầm quyền luôn tự hào, là mười phần tốt đẹp, vạn lần tốt đẹp hơn các chế độ tư bản trên thế giới.
    Tiến Đặng không thể tưởng tượng được cái nông nỗi này.
    Có thể nói nhìn những tấm ảnh hôm này thấy nghẹn đắng.
    Những đứa bé tuyệt đối vô tội.
    Những người lớn chúng ta là những người có tội.
    Tội tày trời.
    Thảo nào, mấy năm nay cảm thấy sinh viên cứ còi cọc thêm mãi. Những cửa hàng quần ao vây quanh trường học chố Tiến Đặng hình như cứ để cho những em bé học lớp 9 mặc chứ không phải là cho sinh viên lứa tuổi 17 - 18.
    Giống nòi ta đúng là có nguy cơ suy nhược. Mà nguyên nhân đầu tiên là đói rét.
    Thật là khủng khiếp khi nghĩ đến tương lai của những em bé rất mực tội nghiệp này.
    Không biết những người cầm quyền có mảy may biết hay không?

    Trả lờiXóa
  3. xem đi xem lại mãi những tấm ảnh này hơn cả tiếng đồng hồ, trong lòng cứ nghĩ miên man đủ thứ chuyện, lại nhớ đến những lần đi biên giới, đi vùng sâu vùng xa tại các tỉnh miền trung và tây nguyên... sao thấy cứ xót xa thế. xót đến run rẩy không dám ngước mặt lên nhìn mọi người nữa. tự nhiên thấy mình có lỗi. giá như mình biết bớt chút hoang phí của mình lại, bớt chút chơi bời của mình lại, bớt cả những thói quen tiêu dùng mỗi ngày vô bổ lại, thì biết đâu mình sẽ làm được điều gì đó tốt hơn.
    tôi xúc động khi nhìn những hình ảnh này, và cũng thấy rằng ở những nơi tôi đã đi, có rất nhiều những khuôn mặt, những ánh mắt, những đôi bàn tay, những ngón chân trẻ con như thế. thấy mủi lòng, chỉ biết ước giá như...
    tôi xin phép được lấy được link này, và nhiều bài viết khác tại đây để làm tư liệu cho mấy đứa em, và con mình sau này nữa. cảm ơn anh Hải...

    Trả lờiXóa
  4. " hai hàm răng lập cập/ tím làn môi nẻ bong/ gót chân trần chai sạn/ Em tôi và Mùa Đông/ Giọng em tôi run rẩy/ Mắt chớp nhòe bờ mi/ manh áo nhàu màu đất/ sách vàng theo một màu/ thương sao những mái đầu/ xù lên vì sương gió/ dãi dầu như ngọn cỏ/ em tôi - người vùng cao

    Trả lờiXóa
  5. Thật xúc động biết bao khi trên đất nước thanh bình của chúng ta vẫn còn những hình ảnh này. Những bức ảnh làm chúng ta dâng lên một nỗi niềm trong lòng, chúng ta phải làm gì để đất nước con người Việt Nam đi lên đây ?

    Trả lờiXóa