5 tháng 2, 2013

LÂU RỒI ĐẢO MỚI THỰC VUI


Mai Thanh Hải - Đảo tiền tiêu, đầu sóng ngọn gió đấy, nhưng bé lắm, chỉ loanh quanh buổi sáng là đi hết mọi chỗ, nên cả đảo biết nhau hết.

Tàu cập cảng Bạch Long Vĩ, chưa bước chân lên đã thấy tên mình được gọi, trong cả rừng tay bộ đội, thức từ sáng sớm, bồn chồn ra cầu cảng đợi tàu ra từ đất liền.

Giơ tay bíu bờ, những cánh tay bộ đội nhấc bổng mình, đặt lên nền đất của đảo, mềm mại và mát lạnh, bởi sương sớm đêm khuya.

Thiếu tá Ngân, Phó Chủ nhiệm Chính trị của E952, người gọi mình giữa ríu ran tàu - đảo, hớn hở: "Đoàn Áo ấm Biên cương được ưu tiên xếp ở cùng với cơ quan Chính trị, vì còn làm nhiều việc, khác với anh chị em báo chí!" và nhún tay đẩy tụi mình lên chiếc xe... kéo pháo, hôm nay được trưng dụng làm xe chở người và hàng, từ cảng vào đảo.

Ở với anh em Chính trị, mới lẩn mẩn biết nhiều hoàn cảnh vất vả của CBCS trong đơn vị và thương đến quay quắt, khi so sánh với Trường Sa:

Nói gì thì nói, quân Trường Sa vẫn sướng, bởi lương - phụ cấp những 200%, lại chẳng mất tiền ăn (do UBND tỉnh Khánh Hòa chu cấp), nên sau mỗi "tăng đi đảo" (1-2 năm) là có nguyên 1 khoản lo cho gia đình.

Đã vậy, những năm gần đây, cứ nói đến đảo là người ta nhắc đến Trường Sa và dĩ nhiên, đủ mọi nhân tài - vật lực - tiền bạc đổ hết ra Trường Sa, khiến biên đảo, bây giờ chả thiếu gì về vật chất...

Bạch Long Vĩ nói riêng và các đảo Đông Bắc nói chung lại khác: Cũng sẵn sàng chiến đấu cao, cũng chong mắt ngày đêm canh biển - trời, bởi nếu có tình huống xảy ra, tàu - máy bay địch ập đến, nhanh gấp chục lần Trường Sa.
Thế nhưng cái sự quan tâm, để được như 1 phần Trường Sa, có nằm mơ cũng không bao giờ dám nghĩ tới.

Vất vả nhất của lính đảo Đông Bắc, có lẽ là cứ phải đằng đẵng canh đảo, hết năm này cho đến năm khác, có người gắn bó cả đời binh nghiệp với đảo, còn số có thâm niên 15-20 năm, là chuyện rất bình thường.

Xa xôi vậy nên mọi việc gia đình, đặt hết lên vai người mẹ, người vợ và người lính, chỉ đằng đẵng nỗi nhớ, mỗi kỳ lương gom góp gửi tiền về đất liền, giúp gia đình.

Thế nhưng, cũng có những gia đình bộ đội, hoàn cảnh quá vất vả, đất liền không lo nổi, vợ con phải bồng bế nhau ra với bố, tựa vào nhau mà sống.

Đơn cử như Thiếu tá Lê Anh Tuấn, Trợ lý Tác chiến E952, con gái đầu của anh học rất giỏi, đủ điểm chuẩn vào trường Trần Phú, TP. Hải Phòng (hiện Thiếu tá Tuấn và vợ cùng con trai út đang sống tại Bạch Long Vĩ), nhưng do hoàn cảnh khó khăn, anh Tuấn đành gửi con về quê với ông bà, học trường huyện.

Hay như Thượng úy QNCN Lê Văn Trường, nhân viên Báo vụ Ban Tham mưu E952, vợ ở quê không có việc làm, phải bồng bế 2 con nhỏ ra với chồng và đơn vị tìm mọi cách để bố trí cho vợ con anh Trường 1 phòng cấp 4 trong doanh trại, thêm 1 mảnh đất để ngày ngày 2 anh chị trồng rau bán, kiếm tiền nuôi 2 con 2 ăn học.

Gia tài trong nhà, duy nhất 1 chiếc giường gỗ, anh em trong đơn vị góp tiền mua tặng, đến chiếc ghế - bàn uống nước, cũng chả có khi tiếp khách...

Mình nghe chuyện anh em, buồn quá và tẩn mẩn: "Trẻ con được học tập, bố mẹ chúng mới yên tâm giữ đảo biên cương được!" và hỏi ý kiến 3 thành viên của Áo ấm biên cương đi chùng chuyến công tác. Ai cũng rơm rớm nước mắt, đồng ý: "Trẻ con biên giới, đúng đối tượng thụ hưởng và chắc những anh chị đóng góp cho Áo ấm, cũng đồng thuận việc này!".

Thế là trong buổi chiều hôm ấy, mấy anh em cùng chỉ huy E952, đến tận nhà Thiếu tá Tuấn, Thượng úy Trường trao món quà 1 triệu đồng, cho gia đình, nhằm động viên các cháu học tập, thêm cuốn sách - tập vở đến Trường.

Cũng trong đêm giao lưu văn nghệ của Áo ấm biên cương với quân và dân trên đảo, ngoài tiếng hát của ca sĩ Hồng Hải (một thành viên của Áo ấm biên cương, lần đầu tiên ra đảo), còn có phần tặng quà cho học sinh, một số đơn vị làm nhiệm vụ trên đảo và tặng số tiền 1 triệu đồng cho 3 gia đình quân nhân khác, động viện các cháu con bộ đội học tập...

Giữa biển, hòa cùng tiếng hát về biển đảo của Hồng Hải, chợt thấy giọt nước mắt ngân ngấn trên gương mặt sạm nắng gió của những người mẹ trẻ, ngồi dưới nhìn cảnh chồng mình mặc quân phục, nhận sự chia sẻ ân tình từ đồng bào, tự thấy những gì mình làm, để góp sức bảo vệ biên cương Tổ quốc, quá nhỏ nhoi so với những gì mà bao người đã căng lưng giữ đảo.

Thầm thì: Tấm áo, cuốn sách, tập vở, tuy bé tí thôi, nhưng cũng mang niềm vui cho con trẻ và lâu lắm rồi, đảo mới thật là vui...

*******

Danh sách các gia đình bộ đội Hải quân Bạch Long Vĩ, nhận số tiền giúp đỡ của Chương trình Áo ấm biên cương, tạo điều kiện giúp các cháu (con bộ đội) cải thiện điều kiện học tập (số tiền 1 triệu đồng/ gia đình):

1/ Thiếu tá Lê Anh Tuấn, Trợ lý Tác chiến, E952
2/ Thượng úy QNCN Lê Văn Trường, Nhân viên Báo vụ, Ban Tham mưu, E952
3/ Trung úy QNCN Lê Văn Linh, Lái xe kéo pháo E952
4/ Trung úy QNCN Nguyễn Chính Xuân, Thợ sửa chữa, E952
5/ Trung úy QNCN Lê Anh Tuấn, Ban Chính trị E952
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------

1 nhận xét:

  1. Dạo này phóng viên báo nào có bộ đồng phục đẹp quá

    Trả lờiXóa