11 tháng 3, 2013

THÁNG BA HOA GẠO SÔNG ĐÀ

Mai Thanh Hải - Người U Ní ở vùng biên giới Bát Xát, Lào Cai ít khi nhắc lại việc mình được đổi tên là dân tộc Hà Nhì. Lý do rất đơn giản: Họ muốn giữ tên dòng họ để bảo vệ, nuôi dưỡng huyền thoại về cây mộc miên (cây gạo) - linh hồn của người anh hùng nơi biên giới.

Chuyện ngày xưa kể lại rằng: Xưa kia, vùng đất địa đầu của người U Ní, đêm đêm thường bị kẻ thù xâm lấn. Chúng kéo nhau lẻn sang, nhổ những chiếc cột mốc biên giới, cắm sâu sang bên địa phận của người U Ní, để hòng xâm lấn đất đai của người U Ní,

Những người con trai, con gái của dòng tộc U Ní đã bao đời anh dũng chiến đấu, đến hơi thở cuối cùng với lời nguyền “Nếu hy sinh, sẽ biến thành những cột mốc biên giới mà quân thù không thể nhổ đi được”.

Trời cao đã nghe thấy được những lời nguyền và gieo xuống phía bên này cột mốc biên giới, những hạt giống cây gạo.

Những cây gạo ở đây có sức chịu đựng sương gió, thời tiết khắc nghiệt phi thường và cứ mọc, nở hoa đỏ rực rỡ dài suốt theo đuờng biên giới.

Lên Bát Xát mới thấy: Không ở đâu có những bông hoa gạo nở to và rực rỡ như nơi đây.

Những bông hoa có đường kính như cái bát ăn cơm, 5 cánh xoè rộng, xoay như chong chóng rơi lã chã như những đốm lửa xẹt vào không gian.

Đặc biệt, hoa gạo chỉ mọc ở phần đất đường biên của người U Ní. Còn phía bên kia biên giới, tuyệt nhiên không có bóng dáng cây gạo.

Những người già của tộc người U Ní kể: Mỗi khi quân thù có ý định xâm lấn bờ cõi của người U Ni, những bông gạo lại rơi và cháy loá, khiến quân thù tưởng đó là linh hồn của những người lính U Ni hiển linh nên vội vàng tháo chạy, nhờ đó mà người U Ni thoát khỏi chiến tranh.

Có lẽ từ đó mà có câu: “Thần cây đa, ma cây gạo”. Theo ghi chép trong lịch sử Trung Quốc, thì vua Nam Việt là Triệu Đà đã tặng một cây gạo cho vua của nhà Hán vào thế kỷ 2 TCN, từ đó Trung Quốc mới có hoa gạo.

Ở Bát Xát, khi người U Ní vùng biên bước ra khỏi căn nhà đất đầy kín, đặt vai vào cổ trâu, đi những đường cày đầu tiên... thì hoa gạo bắt đầu nở.
 Khắp đất nước, có lẽ không ở đâu hoa có cung màu đẹp tuyệt như ở đây: Trời xanh trong văn vắt, thanh lọc đến kỳ hết vẩn bụi và mắt người nhìn được vào tận cõi vô cùng. Sau một mùa đông giá lạnh, xo ro, cây bung nở hết mình cái sức tích tụ bao tháng ngày... - Nhà văn Ma Văn Kháng đã sững sờ tả như vậy khi lên với Bát Xát năm 1979 - Năm Trung Quốc xua quân tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta và co kéo, nổ súng hòng chiếm đất của ta cả chục năm sau:

"Suốt một rẻo biên giới, trên những nương lúa đã bỏ hóa, hoa gạo rừng rực cháy đỏ một vệt dài tít tắp.

Trong cái ngẫu hứng tài tình của tự nhiên ấy, ta cứ nghĩ tới một sự sắp xếp cố tình của con người.

Ối chao! Thì ra thiên nhiên cũng muốn tham gia vào đời sống con người. Biên giới không chỉ hoạch định bằng cột mốc. Mà còn bằng cây cỏ.

Và như vậy, những hạt gạo, đuôi xòe lông tơ từ một miền nảo miền nào theo gió tán tới đây, giống như một hiện tượng chim đậu đất lành, lại như là có ý thức hẳn hoi trong việc xác định ranh giới Quốc gia..". - Khái niệm về cột mốc Quốc gia, biên cương Tổ quốc không "đao to búa lớn", ngôn từ tra từ điển cả ngày cũng chịu, mà đơn giản chỉ là những thân hoa gạo rực lửa.

Những tháng năm dọc ngang biên giới, cứ dịp cuối xuân - chớm hè, đến đâu lòng cũng rạo rực, rạng lên màu đỏ hoa gạo.Kết thúc những chuyến trèo đèo lội suối, về với đồng bằng, lại ấm lòng khi thấy bừng bừng sắc hoa đỏ.

Ở các vùng đồng bằng miền Bắc, đầu làng thường trồng cây gạo.

Vào độ cuối những ngày rét, cây gạo bắt đầu trút lá, khi chỉ còn trơ trọi những cành cây khẳng khiu, thì những nụ hoa bắt đầu nhú.

Hoa gạo rơi là cả một trời thơ mộng. Thiếu nữ thả hoa gạo xuống dòng sông, uớc mơ mình gặp được người anh hùng; đám trẻ con nhặt hoa gạo thổi tung lại lên trời để làm chong chóng…

Ngày cuối tuần, những người bạn thân đưa gia đình, cùng với gia đình mình về thăm nhà mình: Cái làng nhỏ nằm giữa trùng điệp bãi ngô xanh ngắt, bên sông Đà lặng lờ nước chảy và dịp này ngập trong tiếng ríu ran chim sáo, dưới bừng bừng màu hoa gạo ấm nóng, rừng rực...

Bỏ qua mọi ưu phiền, lo lắng và toan tính thường nhật, cả bọn kéo nhau ra cây gạo ngoài bãi, tán gạo đầu làng, vòm gạo bên vệ đường làng, lướt chân trần trên cỏ, ngả lưng trên xào xạc lá ngô, cảm nhận màu sắc - hương vị - không gian hoa gạo và chùng mắt, mềm cười nhìn lũ trẻ tung tăng bên thân cây xù xì, giữa thảm hoa rơi đỏ rực.

Cuộc sống, hình như cũng rất cần khoảng lặng thiên nhiên, quá khứ...

Hoa gạo trên biên cương là cột mốc biên giới.

Về làng, hoa gạo đứng đầu làng như một người lính gác ngày đêm, đưa tiễn bao lớp trai làng lên đường ra mặt trận, hay ra đi lập nghiệp xứ người cho thỏa chí trai, rồi lại lặng thầm đón họ về.

Chợt nhớ đến câu chuyện về những cây gạo trên Cao Bằng, mạn Quảng Uyên, Trùng Khánh, có Đồn Biên phòng Đàm Thuỷ, chốt thác Bản Giốc… những bông gạo đỏ rừng rực cháy như khẳng định chủ quyền, như ghi màu máu của bao người trẻ đã ngã xuống bên cây, như niềm tin nhen nhóm và cháy lên bất tận.

Niềm tin ấy, không chỉ vững chãi nơi biên cương mà còn kéo dọc sông Đà, về đến tận làng mình...

Về làng ven sông, hình như hoa đỏ rực, như tình yêu nồng thắm dành cho Tổ quốc, trong tim những đứa trẻ dại khờ!..

7 nhận xét:

  1. Hic hic. Đọc xong bài này lại nhớ về 1 thời tuổi thơ mơ mộng, thời còn cắp sách đến trường có học những bài văn về hoa gạo của một vùng quê Việt Nam yên ả, thanh bình !

    Trả lờiXóa
  2. "Thì ra thiên nhiên cũng muốn tham gia vào đời sống con người. Biên giới không chỉ hoạch định bằng cột mốc. Mà còn bằng cây cỏ.

    Và như vậy, những hạt gạo, đuôi xòe lông tơ từ một miền nảo miền nào theo gió tán tới đây, giống như một hiện tượng chim đậu đất lành, lại như là có ý thức hẳn hoi trong việc xác định ranh giới Quốc gia..". - Khái niệm về cột mốc Quốc gia, biên cương Tổ quốc không "đao to búa lớn", ngôn từ tra từ điển cả ngày cũng chịu, mà đơn giản chỉ là những thân hoa gạo rực lửa.
    ...Hoa gạo trên biên cương là cột mốc biên giới."

    Tuyệt vời! Một phát hiện độc đáo. Điều này khẳng định "Nam quốc sơn hà Nam đế cư- Tiệt nhiên định phận tại thiên thư"
    Cảm ơn Mai Thanh Hải.

    Trả lờiXóa
  3. Đứng ngã ba đường cây gạo son
    Người tình nhân đỏ chói môi hôn
    Xe ta qua mãi mà không dứt
    Chiều tối màu son đỏ chói hồn
    (Chế Lan Viên)

    Trả lờiXóa
  4. Nao lòng về xứ sở mỗi khi đọc tâm tư của Anh qua những con chữ ... thanks !

    Trả lờiXóa
  5. Công dân miệt vườn Nam Bộ17:49:00 29 thg 4, 2012

    Tương truyền ở Ải Nam Quan xưa cũng có loại cỏ đặc biệt chỉ mọc ngược về phía TQ để phân ranh giới biên cương VN . Sau này TQ chiếm Ải Nam Quan cạo từng lớp đất cho cỏ ấy hết mọc !

    Trả lờiXóa
  6. Vo bac Hai que song Da hay sao ? Thay co may anh chup o Da Chong .

    Trả lờiXóa
  7. Hồi đi lính, qua Hòa An lên Hà Quảng, vòng sang Hạ Lang vào Trung Khánh, sang Phục Hòa, Quảng Uyên đâu đâu cũng gặp những cây gạo thân thương như thế. Thích nhất là mùa hoa nở, từng đàn sáo đen bay về. Tiếng sáo đen thật trong nhất là những ngày chợt nắng lên. Cuối năm khi bắt đầu lạnh những chùm bông gạo bay trong gió heo may giữa trời xanh ngăn ngắt.
    Mấy chục năm mải lo chuyện cơm áo, nay MTH có bài viết về những cây gạo nơi biên cương thật xúc động.
    Bỗng nhớ về một thời cầm súng bảo vệ Cao Bằng.

    Trả lờiXóa